Doximex: Hiệu quả bước đầu từ sản xuất sạch hơn

Triển khai chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH), khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14000, tạo môi trường lao động theo tiêu chuẩn SA 8000, tổ chức sắp xếp lại quản lý nội vi theo 5S, cải tiến môi trường công nghệ … là những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp dệt may đang triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, trong đó có công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Doximex).

Doximex: Hiệu quả bước đầu từ sản xuất sạch hơn
Dây chuyền máy dệt kim

Từ năm 2005, Doximex đã triển khai chương trình 5S dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản. Đây thực sự là công cụ quản lý nội vi dễ thực hiện nhưng đem lại hiệu quả lớn. 5S đã giúp loại bỏ tức thời các lãng phí như thời gian, không gian, nguyên vật liệu… và còn giúp tạo ra và duy trì nề nếp làm việc công nghiệp, đồng thời thúc đẩy khả năng sáng tạo của tất cả mọi người và tạo ra phong trào cải tiến liên tục trong công ty.

Từ năm 2012-2014, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được Doximex lựa chọn và áp dụng vào sản xuất và kinh doanh của công ty, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường, xã hội cho DN và cộng đồng với số tiền làm lợi lên đến trên 87 triệu đồng/mỗi năm nhờ áp dụng các cải tiến vào sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian gia công sản phẩm, tiết giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Doximex cũng áp dụng nhiều giải pháp khác nhằm tiết kiệm chi phí điện năng như lắp đặt biến tần cho các động cơ bơm nước, các động cơ trục chính, động cơ máy dệt…, thay thế lò hơi đốt than cũ bằng lò hơi lớn hơn và có hiệu suất cao hơn; thay thế một số bóng đèn cao áp thủy ngân công suất 250W có hiệu suất chiếu sáng thấp và tiêu tốn năng lượng bằng các đèn compact 75W tiết kiệm điện…

Ông Hoàng Minh Lâm – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội (ECC Hà nội) cho biết: “Dệt kim Đông Xuân mới chỉ tiếp cận với phương pháp SXSH, hiện tại tiềm năng để áp dụng SXSH của công ty còn rất lớn như: ngăn chặn lượng bụi phát sinh trong quá trình dệt bằng giải pháp cải tạo lại nền nhà xưởng, tạo hệ thống hút bụi ‘âm sàn’; tiến hành bọc bảo ôn cho đường ống, van… của hệ thống phân phối lò hơi trong xưởng tại xí nghiệm dệt; công ty chưa tận dụng nhiệt khí thải ra từ lò hơi, nước ngưng thu hồi chưa triệt để; công ty cũng chưa có kế hoạch điều chỉnh sản xuất tránh giờ cao điểm cho các thiết bị công suất lớn; tại khu vực dệt, lượng bụi phát sinh vẫn nhiều, chưa có giải pháp hiệu quả trong khi đó bụi phát sinh từ lò hơi đốt than thì DN đã xử lý bằng hệ thống xyclone nhưng chỉ hạn chế được lượng bụi có kích cỡ lớn còn một lượng đáng kể vẫn bị phát tán ra môi trường qua ống khói lò hơi cao 18m; lắp biến tần cho bơm dầu tải nhiệt công suất 30kW nhằm giảm lượng điện tiêu hao…”.

Để chương trình SXSH phát huy hiệu quả hơn nữa, các chuyên gia tư vấn của ECC Hà Nội cũng khuyến nghị Doximex nên có kế hoạch để từng bước triển khai đối với các hạng mục có đầu tư về chí phí và phải thực hiện ngay công tác tăng cường quản lý nội vi và bảo dưỡng thiết bị, máy móc định kỳ, đồng thời phải luôn cập nhật các chi phí sản xuất sao cho nằm trong định mức cho phép. Cuối cùng là công ty phải tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân cũng như liên tục theo dõi và duy trì các kết quả của chương trình SXSH.

Theo Minh Kỳ – ven.vn

Thúc đẩy hoạt động liên quan đến năng lượng sạch

Sáng 29/8, Đại hội lần thứ nhất thành lập Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) đã được tổ chức tại Hà Nội.

 

1

Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 637 QĐ/BNV ngày 29/7/2015 của Bộ Nội vụ; hoạt động với tôn chỉ, mục đích là tổ chức xã hội-nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức pháp nhân và công dân cùng có chung mục đích với tiêu chí “Tất cả vì sự nghiệp phát triển năng lượng sạch”.

Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VECA) có phạm vi hoạt động trên cả nước, trong lĩnh vực năng lượng sạch; chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Thành viên của Hiệp hội là các nhà đầu tư, khai thác, sản xuất, sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp tái tạo xanh, sạch, ít tác động tiêu cực đến môi trường như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt…; các nhà đầu tư sản xuất nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, sản phẩm dầu, khí đốt) áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường; các nhà đầu tư, khai thác, cung cấp, sử dụng năng lượng sinh học; các nhà đầu tư, khai thác, cung cấp, sử dụng sản phẩm dân sinh sạch; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch về tư vấn khoa học, kỹ thuật, công nghệ, chuyển giao công nghệ, môi trường…

Sự ra đời của Hiệp hội nhằm thúc đẩy các hoạt động về bảo đảm năng lượng sạch và chính sách phát triển năng lượng sạch Việt Nam, từng bước góp phần nâng cao tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch trong nền kinh tế.

Phát biểu với đại biểu Hiệp hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, rất nhiều thiên tai như bão lũ, hạn hán, xói lở bờ biển đã xảy ra tại nhiều địa phương, gây thiệt hại rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.  Vì vậy, cần thiết phải có cuộc cách mạng thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là khi những nguồn năng lượng hoá thạch sẽ cạn kiệt trong thời gian không xa. “Cuộc cách mạng” tất yếu đó là cuộc cách mạng về sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo Phan Trang – baochinhphu.vn

 

 

Hội thảo “Công nghệ xanh – công nghệ sạch thúc đẩy phát triển đô thị bền vững”

Ngày 20/8/2015, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Công nghệ xanh – công nghệ sạch thúc đẩy phát triển đô thị bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích và môi trường đô thị tại địa phương và tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai.

228_san_xuat_sach

 

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ năm 2015 với sự kiện chính sẽ được tổ chức tại Thành phố Vũng Tàu vào tháng 11 năm nay.

Mục tiêu của hội thảo là nhằm giới thiệu các công nghệ được phát triển dựa trên nền tảng độc quyền sáng chế có xuất xứ từ châu Âu, Hàn Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực cải tạo và phát triển cảnh quan đô thị, tiết kiệm năng lượng, xử lý và sản xuất điện năng từ rác thải đô thị, bao gồm: công nghệ trồng cây không cần tưới nước, công nghệ giữ nước cho thảm xanh và gốc cây, công nghệ chiếu sáng và trang trí cảnh quan đô thị tiết kiệm điện năng và sử dụng năng lượng mặt trời, công nghệ chống ngập do triều cường sử dụng hố ga đặc biệt, công nghệ xử lý rác thải kết hợp sản xuất điện năng, nhiệt năng, công nghệ xây dựng nhà dây căng.

Theo đánh giá của ông Mai Thanh Quang – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì các công nghệ được giới thiệu tại hội thảo đều có tiềm năng ứng dụng to lớn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần giải bài toán phát triển hài hòa, bền vững và không làm phá hủy cảnh quan, môi trường – điều đang là trăn trở đối với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các sở ban ngành liên quan.

Theo Minh Kỳ – ven.vn

 

Công ty TNHH Nam Dược: Công nghệ xanh, môi trường sạch, sản phẩm an toàn

Theo thống kê, cả nước hiện có 322 đơn vị và cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, trong có chỉ có trên 10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Việc đầu tư vào công nghệ sản xuất giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và kiểm soát ô nhiễm tại nguồn. Ý thức được điều đó, ngay từ khi bắt đầu xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất thuốc Nam Dược, công ty TNHH Nam Dược đã áp dụng công cụ quản lý và công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm cho ra thị trường sản phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, môi trường sạch, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Công ty TNHH Nam Dược : Công nghệ xanh, môi trường sạch, sản phẩm an toàn
Nam Dược là nhà máy đông dược đầu tiên tại miền Bắc đạt chuẩn GMP-WHO và bộ tích hợp IMS

Là một doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sản phẩm trực tiếp ảnh hướng tới sức khỏe của con người, công ty luôn xác định công nghệ tiên tiến, dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại đồng bộ được xây dựng và lắp đặt tuân theo các yêu cầu của WHO là một trong những yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm, giúp sử dụng nguyên nhiên vật liệu hiệu quả và kiểm soát tốt môi trường.

Năm 2013, công ty đã mở rộng dây chuyền sản xuất thực phẩm chức năng, xây dựng nhà xưởng khép kín cùng với khu sản xuất thuốc đông dược có hệ thống điều hòa và xử lý không khí các cấp độ, đảm bảo môi trường sản xuất trong sạch. Các dây chuyền thiết bị sản xuất được bố trí hợp lý, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Phòng kiểm định vi sinh được trang bị thiết bị tạo dòng không khí bất định hướng, tạo điều kiện cho kiểm tra vô trùng và một số kiểm tra vi sinh khác. Áp suất ở mỗi khu vực trong phòng là không giống nhau để tránh hiện tượng phát tán ô nhiễm. Các yếu tố như hướng khí, tốc độ khí, hiệu quả lọc HEPA và thiết bị giám sát môi trường thường xuyên được kiểm tra.

Đối với hệ thống xử lý khí thải phòng kiểm nghiệm, với hệ thống quạt hút và tủ hút tại các phòng thí nghiệm và các kho hóa chất, toàn bộ khí thải của phòng thí nghiệm được thu gom tại hộp thu gom, giảm âm để điều tiết lưu lượng cho quạt hút khí thải công suất 4,5 kW không gây ra tiếng ồn và rung. Thông qua đường ống dẫn khí bằng ống PVC (chịu được hóa chất), khí thải từ hộp thu gom được đưa vào thiết bị lọc. Sau khi ra khỏi thiết bị này, khí đạt tiêu chuẩn quy định sẽ được thải thẳng vào môi trường.

Hệ thống cấp nước của nhà máy là hệ thống nước tuần hoàn làm mát với lưu lượng 275m3/h, nước được xử lý bằng thiết bị làm mềm điện tử và trao đổi cation. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy được thiết kế ngầm dưới đất. Nước thải theo đường ống dẫn, tập trung vào bể chứa, được xử lý bằng phương pháp vi sinh lắng lọc với công suất 5m3/h. Nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn quy định (BOD=20mg/l).

Nam Dược là một trong số ít các DN sản xuất dược phẩm trong cả nước đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và là DN sản xuất dược phẩm đầu tiên ở Việt Nam được cấp Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tích hợp theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với việc hiện đại hóa công nghệ, tối ưu các quy trình sản xuất nhằm tiết giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tiết kiệm năng lượng, kiểm soát tốt ô nhiễm tại nguồn đã góp phần làm cho thương hiệu Nam Dược chiếm được trái tim của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo Minh Kỳ – ven.vn

Tập huấn thực hành hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương vừa phối hợp với Công ty Cổ phần tư vấn EPRO tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao kỹ năng thực hành hỗ trợ và tư vấn sản xuất sạch hơn”. Khóa học diễn ra từ ngày 19-21/8 tại Hà Nội. Nội dung nhằm hướng dẫn các cán bộ thuộc Sở Công Thương và Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Tham dự Lễ khai mạc có Ông Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công thương, bà Tăng Thị Hồng Loan – Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn EPRO, các chuyên gia về SXSH cùng 31 cán bộ đại diện cho 23 tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại Lễ khai mạc đợt tập huấn, ông Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương cho biết: “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2009.

Trong đó, việc tổ chức thường xuyên các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ thuộc Trung tâm khuyến công, Trung tâm tiết kiệm năng lượng của các địa phương sẽ cung cấp những kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại địa phương mình nhằm đạt hiệu quả và có tính bền vững cao”.

Trong suốt đợt tập huấn Tập huấn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyền – Chuyên gia cao cấp Sản xuất sạch hơn (SXSH) đã cung cấp cho học viên các tài liệu, kiến thức về các nguyên tắc, kỹ thuật và các bước thực hiện sản xuất sạch hơn trong các ngành công nghiệp đặc biệt là ngành công nghiệp giấy và công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, khóa học cũng giúp nâng cao nhận thức của các học viên về sản xuất sạch hơn, các kỹ năng đánh giá nhanh về hiệu suất sử dụng các nguồn tài nguyên như điện, than, dầu, nước…Từ đó, đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm tăng năng suất và giảm nguồn nguyên liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nội vi – một trong những giải pháp sản xuất sạch hơn ít chi phí đầu tư nhưng mang lại hiệu quả cao, quản lý an toàn hóa chất và bảo dưỡng, bảo trì thiết bị nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

Khóa đào tạo là cơ hội để các cán bộ chuyên trách về lĩnh vực SXSH nhanh chóng nắm bắt và quyết định kịp thời việc đưa SXSH vào doanh nghiệp địa phương. Chương trình đi sâu vào vấn đề sử dụng tài nguyên hợp lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát hiện các cơ hội thực hiện SXSH, những quy trình công nghệ, những giải pháp sản xuất sạch hơn trong ngành giấy, chế biến thực phẩm, khoáng sản…

Lớp tập huấn đã đem đến cho các cán bộ có cách nhìn mới trong việc áp dụng kiến thức về tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Từ đó, tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và ứng dụng SXSH. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Theo Lê Thắng – tietkiemnangluong.com.vn

Điển hình sản xuất sạch hơn tại Công ty Cổ phần bao bì Biên Hòa

Công ty Cổ Phần Bao Bì Biên Hoà, tiền thân là nhà máy sản xuất bao bì giấy gợn sóng đầu tiên tại miền Nam Việt Nam với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, công suất thiết kế 4.000 tấn/năm, được thành lập từ năm 1968, tọa lạc tại đường số 7 khu công nghiệp Biên Hòa 1, sản phẩm chính của Công ty là bao bì giấy.

 Từ khi thành lập đến nay, Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa với thương hiệu Sovi đã không ngừng nỗ lực quyết tâm bảo vệ thương hiệu của mình để luôn nằm trong top 5 các nhà cung cấp bao bì hàng đầu tại miền nam với mức tăng trưởng bình quân 20 – 25%/năm. Công ty có 3 nhà máy trực thuộc: (1) Nhà máy bao bì Carton : diện tích 45.000 m2 với công suất 40.000-45.000 tấn/năm, nằm ở đường số 3, KCN Biên Hòa 1. (2) Nhà máy bao bì in Offet: diện tích 12.788 m2 với công suất 5000 tấn/năm, nằm ở đường số 7, KCN Biên Hòa 1. (3) Nhà máy sản xuất Xeo giấy: diện tích 3.942 m2 với công suất 3000 tấn/năm, nằm ở đường số 3, KCN Biên Hòa 1.

Với sự hỗ trợ của Sở Công Thương Đồng Nai thông qua đơn vị trực thuộc Sở là Trung tâm Tư vấn Công nghiệp Đồng Nai, Công ty đã triển khai mô hình thực hiện sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình sản xuất từ năm 2013 đến nay, trong đó Công ty chú trọng triển khai một số giải pháp tiết kiệm điện năng và hơi nước tiêu thụ, vì năng lượng tiêu thụ chính của Công ty chủ yếu là hơi nước và điện (46% và 34%), trong 3 Nhà máy thì chi phí năng lượng chủ yếu tập trung ở Nhà máy giấy carton là chính. Do đó, Công ty quan tâm đến hệ thống tiêu thụ năng lượng cho toàn Nhà máy giấy carton.

Trước khi triển khai mô hình thực hiện sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình sản xuất, vấn đề mà Công ty thường gặp phải là điện năng và hơi nước tiêu thụ của Công ty có xu hướng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là: Công ty chưa có xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho riêng từng dạng năng lượng (điện và hơi), vì vậy việc quản lý năng lượng tiêu thụ chưa đạt hiệu quả cao, chưa có giải pháp tiết kiệm cụ thể.

Sau khi triển khai tiến hành đánh giá sản xuất sạch hơn, xác định các giải pháp cải tiến, Công ty Sovi đã và đang tiến hành triển khai thực hiện một số giải pháp quản lý nội vi và kiểm soát quá trình không tốn chi phí và chi phí thấp, gồm:

Thứ nhất, giải pháp đối với hệ thống quản lý năng lượng

Tiến hành lắp 2 đồng hồ đo lưu lượng hơi sử dụng cho riêng cho 2 dây chuyền sản xuất giấy carton 1,6m và 2m, cho tiến hành theo dõi lượng hơi tiêu thụ theo từng ca/ngày cho riêng 2 dây chuyền của Nhà máy sản xuất giấy carton và đưa ra chỉ tiêu định mức lượng hơi tiêu thụ cho 2 dây chuyền theo từng ngày/ca sản xuất.

Cho tiến hành lắp khoảng 10 đồng hồ điện và theo dõi điện năng tiêu thụ theo từng ca/ngày cho từng nhóm thiết bị 2 dây chuyền sản xuất giấy carton 1,6m và 2m, máy ép bành, các máy in, khối văn phòng, hệ thống cấp nước và xử lý nước thải của Nhà máy giấy carton, Nhà máy xeo và 2 xưởng chính Nhà máy in…vv, đưa ra chỉ tiêu, định mức tiêu thụ điện cho từng cụm thiết bị, từng khu vực…vv.

Từ số liệu thống kê, theo dõi, Công ty sẽ dễ dàng tìm ra các nguyên nhân gây tiêu hao nhiều điện và hơi, khắc phục kịp thời tránh lãng phí. Ngoài ra Công ty có thể đánh giá được tay nghề của người công nhân vận hành (cùng sản lượng sản phẩm làm ra nhưng năng lượng tiêu hao là nhiều hay ít tuỳ thuộc vào tay nghề của người công nhân), tay nghề công nhân vận hành máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất cao thì suất tiêu hao điện và hơi sẽ ít vì thời gian không tải hoặc non tải của thiết bị sẽ ít hoặc chế độ vận hành sẽ tối ưu hơn.

Phải có chế độ thưởng phạt hợp lý để nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các cán bộ quản lý xưởng và người công nhân làm việc, khi xây đựng định mức tiêu hao năng lượng cho 1 đơn vị bán thành phẩm hoặc sản phẩm, Công ty cần phải xây dựng chế độ định mức từng khu vực (chủ yếu là hơi, dây chuyền giấy carton 1,6m và 2m của Nhà máy giấy carton, hệ thống nghiền thủy lực và nghiền đĩa của Nhà máy xeo giấy, 2 xưởng chính của Nhà máy in offset và khu vực văn phòng,…vv).

Ngoài ra việc gia tăng năng lượng tiêu thụ còn do tình trạng thiết bị (cán bộ kỹ thuật có thể lên lịch bảo trì, bảo hành tốt hệ thống thiết bị sản xuất, hệ thống sử dụng hơi, máy nén khí và hệ thống thiết bị chuyên dùng), để tránh được tình trạng thiết bị hư hỏng đột ngột gây ảnh hưởng đến sản xuất và năng suất của Công ty.

Khi tiến hành theo dõi lượng năng lượng tiêu thụ, Công ty nên kết hợp thực hiện các giải pháp không tốn chi phí đầu tư như: Phát động phong trào thi đua tiết kiệm điện nói riêng và năng lượng nói chung cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong Công ty. Ưu tiên vận hành dây chuyền sản xuất giấy carton 2m, các máy in…vv, ít tiêu hao điện trong trường hợp sản xuất ít. Theo dõi được chất lượng hơi của nhà cung cấp, từ đó yêu cầu nhà cung cấp hơi phải đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng sụt áp, tiêu hao nhiều hơi cho Công ty. Giảm tối đa tình trạng một số thiết bị vận hành non tải hoặc không tải, lưu ý công nhân vận hành nên tắt thiết bị khi không sản xuất…vv. Tăng cường vệ sinh thường xuyên hệ thống máy nén khí, kiểm tra và khắc phụ rò rỉ khí nén nhằm giảm điện năng tiêu thụ cho hệ thống máy nén khí. Công ty nên kiểm tra và khắc phục rò rỉ hệ thống đường ống nước và các thiết bị tiêu thụ nước nhằm tránh thất thoát lãng phí. Tắt đèn ở các khu vực không làm việc. Tăng cường chế độ bảo trì và bảo dưỡng thiết bị tiêu thụ điện, tiêu thụ hơi…vv.

Thứ hai, giải pháp đối với hệ thống chiếu sáng

Tiến hành tận dụng chiếu sáng tự triệt để nhằm tăng cường độ sáng và tiết kiệm điện cho chiếu sáng vào ban ngày. Tiến hành thay triệt để đèn T10 thành đèn T5 tích hợp ballast điện tử có thể tiết kiệm khoảng 45% điện năng tiêu thụ cho 500 bộ đèn. Thời gian chiếu sáng các đèn này là 12 giờ/ngày. Công ty cũng có thể thay thế các loại đèn huỳnh quang 1,2m thành đèn led 1,2m cũng đảm bảo độ sáng và tiết kiệm hơn đèn T5, tuy nhiên hiệu quả kinh tế tại thời điểm này chưa cao.

Thứ ba, giải pháp đối với cơ cấu sử dụng điện

Công ty chuyển đổi một phần cơ cấu sử dụng điện từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm nhằm tiết kiệm chi phí tiền điện cho Công ty, trong thời gian đầu chỉ thực hiện chuyển đổi được 5% điện năng tiêu thụ từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm, để tính toán hiệu quả kinh tế, sau đó tiếp tục nâng tỷ lệ chuyển đổi từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm.

Thứ tư, giải pháp đối với hệ thống sử dụng hơi

Tiến hành thay bẫy hơi đã hỏng thành các bẫy hơi mới tiết kiệm hơi, nhằm giảm tối đa việc thất thoát hơi như hiện nay. Bọc cách nhiệt và khắc phục rò rỉ một số hệ thống đường ống chưa cách nhiệt, cải thiện môi trường làm việc và giảm tiêu thụ hơi. Cải tạo lại hệ thống đường ống và tách nước ngưng cho hơi, cải thiện chất lượng hơi và nâng cao chất lượng sản phẩm. Với giải pháp này, nhà máy có thể tiết kiệm ít nhất 5% lượng hơi tiêu thụ cho 2 dây chuyền sản xuất giấy carton.

Thứ năm, giải pháp đối với hệ thống máy nén khí

Tiến hành kiểm tra và khắc phục rò rỉ khí nén sẽ tiết kiệm điện cho hệ thống khí nén. Giảm nhiệt độ một số khu vực máy nén khí bằng cách sử dụng các miệng thoát khí giải nhiệt máy nén khí ra bên ngoài khu vực lắp đặt máy nén khí nhằm tăng hiệu quả khí nén. Tiến hành lắp biến tần nhằm điều chỉnh lưu lượng khí nén của máy nén khí 37 kW theo nhu cầu thực tế của tải. Điều này giúp máy nén khí hạn chế tối thiểu thời gian chạy không tải.

Thứ sáu, giải pháp đối với hệ thống hút bụi

Tiến hành lắp biến tần điều khiển cho động cơ quạt hút giấy vụn công suất 11 kW. Giải pháp này giúp cho Công ty tiết kiệm từ 20 – 30% điện năng tiêu thụ cho động cơ quạt hút.

Thứ bảy, giải pháp đối với hệ thống hút chân không

Công ty đã tiến hành lắp biến tần điều khiển cho động cơ quạt hút chân không công suất 11 kW. Giải pháp này giúp cho Công ty tiết kiệm từ 20 – 30% điện năng tiêu thụ cho động cơ quạt hút. Ngoài ra còn giúp công nhân dễ dàng vận hành và điều chỉnh.

Qua kết quả thực hiện sản xuất sạch hơn và và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  tại Công ty, tiết kiệm năng lượng của Công ty trong 1 năm khoảng 444.412 kWh/năm và 1.310 tấn hơi, với tổng chi phí tiết kiệm được khoảng 1,4 tỉ đồng/năm, giảm thải CO2 ra môi trường là 256.159 kg/năm.

Nhận thấy các lợi ích từ hoạt động SXSH và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Công ty quyết định duy trì hoạt động SXSH. Sản xuất sạch hơn không chỉ mang lại lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm phát thải, giảm lượng nước tiêu thụ, mà còn giúp Công ty phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín. Các giải pháp sản xuất sạch hơn được thực hiện tại Công ty CP Bao bì Biên Hòa là một ví dụ điển hình cho các Doanh nghiệp trong ngành sản xuất bao bì giấy tại Đồng Nai.

Theo tamnhin.net