Tiết kiệm 1,6 tỷ đồng/năm nhờ sản xuất sạch hơn

Với những bước phát triển mạnh mẽ, chìa khoá thành công của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (gọi tắt Công ty Thiên Long) là nâng cao quản trị doanh nghiệp (DN), đổi mới sản phẩm theo xu hướng thị trường và sản xuất sạch hơn nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng đầu vào, tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo yếu tố môi trường và trách nhiệm xã hội của DN.

Tiết kiệm 1,6 tỷ đồng/năm nhờ sản xuất sạch hơn
Sản xuất bút bi tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long

Từ khi công ty được thành lập năm 1981 đến nay, ban lãnh đạo công ty luôn xác định rõ sứ mệnh của mình là xây dựng giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Thiên Long trong lòng khách hàng với tiêu chí “Tiên phong trong công nghệ và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm đột phá phục vụ người tiêu dùng, cùng nhau xây dựng cộng đồng Thiên Long phát triển vững mạnh, mang tính nhân đạo, nhân văn”.

Giữa năm 2011, công ty đã thành lập Ban cải tiến nhằm đề xuất các biện pháp cải tiến, kiểm tra và có chế độ khen thưởng cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) có hoạt động, thành tích cải tiến.

Ông Bùi Văn Huống – Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: “Sau khi được thành lập, Ban cải tiến đã đưa ra nhiều giải pháp cải tiến công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng, kiểm soát ô nhiễm ngay từ đầu quá trình sản xuất, thay đổi thói quen sử dụng năng lượng sao cho hợp lý…. Các giải pháp này đã giúp công ty tiết kiệm mỗi năm trên 1,6 tỷ đồng”.

Công ty đã thay thế 13 máy ép nhựa loại truyền động thủy lực dùng bơm dầu không có biến tần bằng loại máy truyền động thủy lực dùng bơm dầu có biến tần, tiết kiệm 40% mức tiêu thụ điện năng so với máy cũ. Bên cạnh đó, công ty cũng mạnh dạn đầu tư 4 máy ép nhựa loại truyền động điện dùng động cơ servo, tiết kiệm đến 60% mức tiêu thụ điện năng.

Đối với hệ thống chiếu sáng tại phân xưởng ép, công ty đã thay thế đèn cao áp công suất 400W/bộ và mở suốt 24h/ngày bằng đèn huỳnh quang 16W cho mỗi máy ép, lắp công tắc riêng cho mỗi bộ đèn cao áp cũng như đèn huỳnh quang, mỗi ngày chỉ mở bình quân 3 bộ đèn cao áp và 30 đèn huỳnh quang. Đèn huỳnh quang T10 cũng được Ban cải tiến đề xuất thay thế bằng đèn huỳnh quang T8 và thay thế tôn sáng để hạn chế mở đèn vào ban ngày, nhằm tiết kiệm điện tại các phân xưởng sản xuất. Khối văn phòng cũng được quy định mở máy lạnh trễ 15 phút trước khi bắt đầu làm việc và tắt sớm hơn 15 phút trước khi hết giờ. Còn tại các kho, công ty cũng đã lắp tôn sáng để lấy ánh sáng tự nhiên, nhằm tiết kiệm điện….

Đặc biệt, công ty đã xây dựng Chương trình giảm thiểu chất thải trong sản xuất nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất xanh – tiêu dùng bền vững; 100% phế liệu trong quá trình ép bán thành phẩm của công ty đã được tái chế và trở thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất.

Ông Huống cho biết: “Phát triển theo hướng xanh hơn không những giúp Thiên Long tiết giảm chi phí sản xuất nhờ sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách hợp lý mà còn giúp công ty giảm chi phí hoạt động xử lý chất thải. Hiện nay, Thiên Long vẫn xác định áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn là một trong những chiến lược lâu dài của công ty, vừa giúp DN gia tăng lợi ích kinh tế, hiệu quả môi trường, trách nhiệm xã hội và nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu của DN trên thị trường trong và ngoài nước”.

Theo Minh Kỳ – baocungcau.vn

Ninh Bình: tập huấn sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp công nghiệp

Sáng nay, 6/8/2015, Sở Công Thương Ninh Bình đã tổ chức lớp tập huấn SXSH trong công nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng các doanh nghiệp đã có mặt đông đủ tham gia lớp tập huấn. Hai diễn giả chính của lớp tập huấn là bà Kiều Nguyễn Việt Hà – Chuyên viên Văn phòng giúp việc Ban Điều hành Chiến lược SXSH trong công nghiệp, Bộ Công Thương và bà Tăng Thị Hồng Loan – Giám đốc Công ty CP Tư vấn Epro.

Khai mạc lớp tập huấn, ông Lương Xuân Bằng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình nhấn mạnh, mục tiêu của lớp tập huấn là giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và đảm bảo sự phát triển bền vững. Ông Bằng cũng mong muốn, các doanh nghiệp tích cực tham gia trong quá trình tập huấn, tranh thủ giải đáp mọi vướng mắc để sau đó triển khai trong đơn vị, doanh nghiệp mình.

Các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm như thế nào là SXSH, SXSH có lợi gì cho doanh nghiệp, tham gia SXSH doanh nghiệp có được hỗ trợ gì không… đã được các diễn giả giải đáp đầy đủ. Bên cạnh việc giới thiệu về Chiến lược SXSH trong công nghiệp với các mục tiêu cụ thể cho đến năm 2020, bà Kiều Nguyễn Việt Hà còn giới thiệu với các doanh nghiệp cách tiếp cận các nguồn vốn thông qua các Quỹ và các chương trình, dự án. Bà Tăng Thị Hồng Loan giới thiệu đến các doanh nghiệp lợi ích, hiệu quả của việc áp dụng các giải pháp SXSH và đưa ra những ví dụ rất cụ thể về các điển hình áp dụng SXSH thành công, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho doanh nghiệp.

Bà Kiều Nguyễn Việt Hà giới thiệu những mục tiêu chính trong Chiến lược SXSH trong công nghiệp

Bà Kiều Nguyễn Việt Hà giới thiệu những mục tiêu chính trong Chiến lược SXSH trong công nghiệp

Được biết, ngày 26/5/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 499/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020, trong đó có Chương trình hỗ trợ áp dụng SXSH với kinh phí hỗ trợ 3,37 tỉ đồng. Riêng năm 2016, kinh phí cho hoạt động SXSH là 370 triệu đồng, trong đó 220 triệu đồng từ nguồn kinh phí địa phương và 150 triệu đồng từ các nguồn khác. Số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ tổ chức hội thảo, tập huấn về áp dụng SXSH trong công nghiệp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình tiên tiến, thí điểm về áp dụng SXSH để phổ biến nhân rộng. Hỗ trợ tư vấn và áp dụng các giải pháp SXSH để khuyến khích nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo Hồ Nga – tapchicongthuong.vn

Hỗ trợ kinh phí cho 28 mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Ngày 4/8, Ban điều phối thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Trà Vinh (dự án AMD – Trà Vinh) triển khai kế hoạch thực hiện dự án từ nay đến cuối năm 2015.

Hỗ trợ kinh phí cho 28 mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu
Thu hoạch tôm nuôi trong nhà kính ở Bạc Liêu. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Ban điều phối Dự án AMD-Trà Vinh, cho biết Ban điều phối Dự án tiếp tục xây dựng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và đầu tư sinh kế bền vững cho cộng đồng trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.Dựa vào kết quả do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh khảo sát tại 30 xã trên địa bàn tỉnh, Ban điều phối Dự án sẽ xây dựng và thống nhất mức trần kinh phí hỗ trợ cụ thể cho 28 mô hình; trong đó có 13 mô hình sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, bảy mô hình chăn nuôi và tám mô hình thủy sản được đánh giá thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ở lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như chuyên canh rau, màu trên đất trồng lúa kém hiệu quả, trồng ngô giống, trồng lạc và dưa hấu tiết kiệm nước có thể nhân rộng ở khu vực đất giồng cát và triền giồng ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải – các địa phương thường xuyên bị thiếu nước tưới trong mùa khô.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu được hỗ trợ, gồm chăn nuôi lợn sinh sản, chăn nuôi lợn thịt, nuôi bò cái sinh sản, nuôi bò thịt, chăn nuôi dê, nuôi vịt đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học kết hợp với thả cá và chăn nuôi gà thả vườn.

Ở lĩnh vực thủy sản, các mô hình hiệu quả được hỗ trợ gồm nuôi thủy sản kết hợp trồng rừng, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, nuôi tôm thẻ chân trắng ở các vùng sinh thái lợ và mặn, nuôi cá tai tượng trong mương vườn, nuôi sò huyết trên triền sông dưới tán rừng, nuôi tôm sú kết hợp cá rô phi, nuôi cá thác lác, mô hình lúa-tôm.

Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất theo các mô hình trên được Ban quản lý Dự án AMD-Trà Vinh xét duyệt sẽ được Quỹ đồng tài trợ mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu (Quỹ CCA) hỗ trợ không hoàn lại tối đa 50% tổng chi phí kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Những hộ cá thể được hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/hộ; những tổ, nhóm được hỗ trợ tối đa 750 triệu đồng/tổ, nhóm; số tiền còn lại do người hưởng lợi đóng góp.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, các địa phương tham gia dự án còn được Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển giải ngân nguồn vốn gần 14 tỷ đồng cho các nhóm tiết kiệm tín dụng, nhằm giúp hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất đúng mục đích và hiệu quả để thoát nghèo bền vững.

Dự án AMD-Trà Vinh thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020 trên địa bàn 30 xã của bảy huyện trong tỉnh với 15.000 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi, do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ.

Tổng vốn đầu tư của dự án 521 tỷ đồng; trong đó vốn vay của IFAD hơn 233 tỷ đồng, vốn tài trợ không hoàn lại hơn 126 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 79 tỷ đồng và nguồn đóng góp của người dân được hưởng lợi hơn 81 tỷ đồng.

Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo ở nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi; nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN

Trên 70.000 tỷ đồng đầu tư xây nhà máy điện gió tại Cà Mau

Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, cho biết theo đề nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng – thương mại – du lịch Công Lý, lãnh đạo địa phương đã nhất trí ủng hộ để doanh nghiệp này đầu tư phát triển nhà máy điện gió tại bãi biển Khai Long thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Trên 70.000 tỷ đồng đầu tư xây nhà máy điện gió tại Cà Mau
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)
Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng-thương mại-du lịch Công Lý là đơn vị đã có kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu thời gian qua.Dự án có tổng kinh phí ước tính trên 70.000 tỷ đồng với quy mô 150 trụ tuabin, công suất thiết kế 300MW, được xây dựng trên diện tích hơn 7.000ha. Ngoài ra, diện tích dành để xây trạm biến áp và nhà điều hành lên tới 20ha.

Hiện tỉnh Cà Mau cùng với nhà đầu tư khẩn trương làm dự toán chi tiết, giải phóng mặt bằng, đồng thời tiến hành các thủ tục theo quy định để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt để dự án triển khai trong thời gian sớm nhất.
Đây là dự án có quy mô lớn thuộc chương trình phát triển năng lượng sạch, phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo TTXVN

Sản xuất sạch hơn – Giải pháp phát triển cho doanh nghiệp công nghiệp

Theo các chuyên gia về sản xuất sạch hơn (SXSH) trên thế giới, các giải pháp SXSH không chỉ đơn thuần là thay đổi thiết bị, mà còn là các thay đổi trong vận hành và quản lý của một doanh nghiệp (DN).

Nhà máy sản xuất sữa bột hiện đại của Vinamilk tại Bình Dương

Nhà máy sản xuất sữa bột hiện đại của Vinamilk tại Bình Dương

Các giải pháp sản xuất sạch hơn

Giải pháp SXSH gồm giảm chất thải tại nguồn, về cơ bản, ý tưởng của SXSH là tìm hiểu tận gốc của ô nhiễm bằng quá trình Quản lý nội vi nhằm kiểm soát quá trình sản xuất của DN. Quản lý nội vi là một loại giải pháp đơn giản nhất của SXSH. Quản lý nội vi không đòi hỏi chi phí đầu tư và có thể được thực hiện ngay sau khi xác định được các giải pháp, các ví dụ của quản lý nội vi có thể là khắc phục các điểm rò rỉ, đóng van nước hay tắt thiết bị khi không sử dụng dễ tránh tổn thất. Mặc dù quản lý nội vi là đơn giản nhưng vẫn cần có sự quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc đào tạo nhân viên. Đây là giải pháp nhằm kiểm soát quá trình tốt hơn, để bảo đảm các điều kiện sản xuất được tối ưu hóa về mặt tiêu thụ nguyên liệu, sản xuất và phát sinh chất thải. Đối với giải pháp này, các thông số của quá trình sản xuất như nhiệt độ, thời gian, áp suất, pH, tốc dộ… cần được giám sát và duy trì càng gần với điều kiện tối ưu càng tốt. Cũng như với quản lý nội vi, việc kiểm soát quá trình tốt hơn, đòi hỏi các quan tâm của ban lãnh đạo cũng như việc giám sát ngày một hoàn chỉnh hơn.

Sau giải pháp quản lý nội vi, giải pháp thay đổi nguyên liệu cũng được các chuyên gia nhấn mạnh. Đây là việc thay thế các nguyên liệu đang sử dụng bằng các nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Thay đổi nguyên liệu còn có thể là việc mua nguyên liệu có chất lượng tốt hơn để đạt được hiệu suất sử dụng cao hơn. Thông thường lượng nguyên liệu sử dụng, chất lượng của nguyên liệu và sản phẩm có mối quan hệ trực tiếp với nhau.

Giải pháp quan trọng không kém là cải tiến thiết bị là việc thay đổi thiết bị đã có để nguyên liệu tổn thất ít hơn. Việc cải tiến thiết bị có thể là điều chỉnh tốc độ máy, là tối ưu kích thước kho chứa, là việc bảo ôn bề mặt nóng, lạnh, hoặc thiết kế cải thiện các bộ phận cần thiết trong thiết bị. Một ví dụ của mạ điện là lắp đặt cẩu vớt để thu hồi phần rơi vãi từ các chi tiết được mạ. Công nghệ sản xuất mới là việc lắp đặt các thiết bị hiện đại và có hiệu quả hơn, ví dụ như lắp đặt nồi hơi hiệu suất cao hơn hay lắp đặt máy nhuộm Jet sử dụng dung tỷ thấp hơn. Giải pháp này yêu cầu chi phí đầu tư cao hơn các giải pháp sản xuất sạch khác, do đó cần phải được nghiên cứu cẩn thận. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm và cải thiện chất lượng có thể cao hơn so với các giải pháp khác.

Giải pháp tuần hoàn cũng được xem là một giải pháp hay. Các loại dòng thải không thể tránh được trong khu vực sản xuất hoặc bán ra như một loại sản phẩm phụ, hoặc được tận thu và tái sử dụng tại chỗ là việc thu thập “chất thải” và sử dụng lại cho quá trình sản xuất. Một ví dụ đơn giản của giải pháp này là sử dụng lại nước giặt từ một quá trình cho quá trình giặt khác. Tạo ra các sản phẩm phụ là việc thu thập (và xử lý) “các dòng thải” để có thể trở thành một sản phẩm mới hoặc bán ra cho các cơ sở sản xuất khác. Lượng men bia dư thừa có thể được sử dụng làm thức ăn cho lợn, cho cá hay làm các chất độn thực phẩm.

Và giải pháp cuối cùng cũng là giải pháp cơ bản của SXSH là: thay đổi sản phẩm, cải thiện chất lượng sản phẩm để làm giảm ô nhiễm. Thay đổi sản phẩm là việc xem xét lại sản phẩm và các yêu cầu đối với sản phẩm đó. Cải thiện, thiết kế sản phẩm có thể đem lại tiết kiệm về tiêu thụ nguyên liệu và lượng hóa chất độc hại sử dụng.

Trong thực tế, các nền công nghiệp hiện đại trên thế giới đều đã thực hiện thành công các giải pháp SXSH, để đạt các tiêu chí của sự phát triển bền vững.

Và việc ứng dụng giải pháp SXSH ở Bình Dương

Đến nay, tỉnh Bình Dương có khoảng 13.000 DN trong nước đăng ký kinh doanh và 2.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng DN thuộc các thành phần kinh tế có khuynh hướng tăng qua các năm. Tuy nhiên, việc áp dụng SXSH vẫn còn hạn chế, một số cơ sở, DN tuy có triển khai SXSH nhưng chưa đồng bộ, vì vậy hiệu quả mang lại chưa cao. Theo khảo sát một số DN trên địa bàn tỉnh thì tiềm năng áp dụng SXSH trong các DN còn rất lớn, có thể tiết kiệm được các nguyên liệu, nhiên liệu, nước, hóa chất,… đặc biệt có thể tiết kiệm đến 25% năng lượng trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, hiện các DN chỉ mới chú trọng tới giải pháp xử lý môi trường của các chất thải cuối nguồn (xử lý cuối đường ống) mà chưa quan tâm sâu tới việc phòng ngừa, ứng phó sự cố về môi trường vào các quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Để thực hiện có hiệu quả nội dung của Chiến lược quốc gia về SXSH trong công nghiệp đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2012-2015 ở Bình Dương, theo kế hoạch này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên & Môi trường, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghiệp VSIP, báo, đài, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các DN sản xuất công nghiệp, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về SXSH đến tổ chức, cơ quan và DN nhằm nắm được lợi ích của việc SXSH, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc áp dụng SXSH. UBND tỉnh cũng giao các ngành nhiệm vụ đào tạo, tập huấn về SXSH cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thị xã và DN về công tác SXSH, để triển khai sâu rộng trên toàn địa bàn. Tỉnh cũng giao các ngành xây dựng các đề tài, dự án về quản lý, áp dụng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng và cải tiến công nghệ nhằm phục vụ SXSH trong công nghiệp. Xây dựng, phổ biến các cơ sở dữ liệu theo ngành về suất tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng trên đơn vị sản phẩm nhằm triển khai, áp dụng SXSH trong công nghiệp. Xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia SXSH cho các tổ chức tư vấn và đội ngũ cán bộ kỹ thuật về SXSH cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm, nhân rộng các mô hình áp dụng SXSH trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ một phần kinh phí cho các dự án áp dụng SXSH như đầu tư thay đổi, cải tiến dây chuyền công nghệ.

Với việc triển khai kế hoạch SXSH trên địa bàn, đến nay, việc áp dụng SXSH trong các cơ sởsản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Một số DN đã nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH và đã từng bước cải tiến quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm vàhiệu quả, sử dụng nguyên liệu thay thế phát sinh ít chất thải,… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo baocungcau.vn

Làng nghề truyền thống: Hướng đến sản xuất sạch hơn

Làng nghề truyền thống Việt Nam đã có từ hàng trăm năm, gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội. Các làng nghề truyền thống ở đất Bình Dương như gốm sứ, sơn mài, khắc gỗ… đã gắn bó và trở thành một phần trong cuộc sống của người dân nơi đây. Cùng với những thay đổi tích cực để thích nghi tr ong giai đoạn hội nhập của đấ t nước với nền kinh tế thế giới, các làng nghề cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững.

Đa dạng sản phẩm sơn mài xuất khẩu tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) Ảnh: N.TRÍ

Đa dạng sản phẩm sơn mài xuất khẩu tại làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) Ảnh: N.TRÍ

Làng nghề – những đóng góp và thách thức mới

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay nước ta có 2.790 làng nghề, riêng ở Hà Nội có 1.160 làng nghề. Theo tổng hợp của Tổng cục Môi trường, làng nghề nước ta phân bố tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng (chiếm khoảng 60%), miền Trung (khoảng 30%) và miền Nam (khoảng 10%). Sự phát triển của làng nghề đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Tại nhiều làng nghề, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ đạt từ 60 – 80% và ngành nông nghiệp chỉ đạt 20 – 40%.

Trong những năm gần đây, số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn đang tăng lên với tốc độ bình quân từ 8,8 – 9,8%/ năm, kim ngạch xuất khẩu từ các làng nghề cũng không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi cơ sở doanh nghiệp tư nhân chuyên làm nghề tạo việc làm ổn định cho khoảng 27 lao động thường xuyên và 8 – 10 lao động thời vụ; các hộ cá thể chuyên nghề tạo 4 – 6 lao động thường xuyên và 2 – 5 lao động thời vụ. Ở những làng nghề thêu ren, dệt, mây tre đan, mỗi cơ sở có thể thu hút 200 – 250 lao động. Làng nghề thực sự đóng vai trò quan trọng đối với việc xóa đói, giảm nghèo, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động trong lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Các làng nghề giờ đây đang chuyển mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Những thay đổi này vừa mang lại những thuận lợi vừa tạo ra thách thức đối với các làng nghề trong quá trình phát triển. Mở cửa, hội nhập, các làng nghề có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình với khách nước ngoài. Đó là những mặt hàng xuất khẩu mạnh của nước ta trong nhiều năm qua, mà phần nhiều có xuất xứ từ các làng nghề truyền thống trong cả nước, như thủ công mỹ nghệ, thêu ren, gốm sứ… Theo thống kê, hiện hàng hóa của các làng nghề nước ta đã có mặt ở hơn 100 nước trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Nếu như năm 2004, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 450 triệu USD, thì những năm gần đây đã tăng lên khoảng 1.000 triệu USD.

Cùng với những thay đổi tích cực, các làng nghề cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề phải bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững. Hiện nay, các chất thải phát sinh từ nhiều làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân. Các kết quả quan trắc trong thời gian gần đây cho thấy mức độ ô nhiễm của làng nghề có xu hướng gia tăng, nhất là ô nhiễm bụi tại các làng nghề gốm, sứ, vật liệu xây dựng, khai thác đá, đồ gỗ mỹ nghệ và các làng nghề tái chế. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, nước thải có độ ô nhiễm hữu cơ cao. Công tác thu gom và xử lý chất thải rắn ở các làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Giải pháp thực hiện Làng nghề xanh

Phát triển bền vững là quan điểm cơ bản của Đảng đối với mọi sự phát triển ở nước ta, trong đó có làng nghề. Các làng nghề cần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần tập trung giải quyết.

Các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Sản xuất, kinh doanh phải chú ý cải thiện và bảo vệ môi trường, không hy sinh lợi ích môi trường cho lợi ích kinh tế trước mắt. Nhanh chóng xây dựng, ban hành và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động làng nghề. Các làng nghề tiến hành xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường dưới dạng các quy định, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường của chính địa phương mình. Tăng cường hoạt động giám sát môi trường làng nghề và thực hiện kiểm kê nguồn thải; áp dụng công cụ kinh tế như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn. Xây dựng tiêu chí “Làng nghề xanh” nhằm xếp loại cho các làng nghề bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó cần quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư. Quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư và quy hoạch đồng bộ mặt bằng sản xuất, kết cấu hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn để xử lý tập trung. Quy hoạch khu vực sản xuất tùy thuộc vào đặc thù của các loại hình làng nghề như sản xuất gốm sứ, dệt nhuộm, tái chế giấy… Quy hoạch phân tán, sản xuất ngay tại hộ gia đình kết hợp điều kiện sản xuất với cải thiện vệ sinh môi trường mà không phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, mở rộng đường, xây nhà cao tầng, lưu giữ khung cảnh sản xuất, tính cổ truyền nhân văn của làng để có thể kết hợp với du lịch.

Ngoài ra cần tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý môi trường tại các làng nghề. Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường. Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tại làng nghề cần bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành; công nghệ đơn giản, dễ vận hành, chuyển giao; vốn đầu tư, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề; ưu tiên công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải. Khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để vừa giảm lượng phát thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với các chủ cơ sở áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến tạo ít chất thải. Phát hiện và xử lý trường hợp phát sinh các làng nghê gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, vẫn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để đưa vào “danh sách đen” làng nghề tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Yêu cầu các làng nghề triển khai áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng các lộ trình xử lý ô nhiễm và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được phê duyệt. Đặc biệt, cần tổ chức các lớp đào tạo, trình diễn thử nghiệm áp dụng sản xuất sạch hơn cho các chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề.

Sự đóng góp của làng nghề đối với sự phát triển kinh tế của đất nước là rất to lớn. Song sự phát triển của làng nghề phải bảo đảm tính bền vững, hài hòa các mặt kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo baocungcau.vn