Những điểm sáng đổi mới công nghệ ở Thanh Hóa

Nếu ai đã từng đi qua xã Vạn Thắng (Nông Cống – Thanh Hoá) từ năm 2013 trở về trước chắc hẳn chưa thể quên hình ảnh khói nghi ngút xả ra từ ống khói khu vực sản xuất của công ty CP giấy Lam Sơn, vậy mà với sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp (DN), Giấy Lam Sơn đã hoàn toàn kiểm soát được nguồn ô nhiễm, đồng thời  nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín DN. 

Những điểm sáng đổi mới công nghệ ở Thanh Hóa

Ông Lê Trọng Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Năm 2013 trở về trước, do sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, không có hệ thống lọc khí trước khi thải ra môi trường nên tình trạng ô nhiễm môi trường không khí khu vực xã Vạn Thắng do Công ty CP Giấy Lam Sơn gây ra khiến người dân rất bức xúc. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các sở , ban, ngành của tỉnh và sự hỗ trợ tài chính thông qua Tổ chức Tín dụng xanh của Chính phủ Thụy Sỹ (SECO), công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống nồi hơi tầng sôi công nghệ Nhật Bản và tháng 3/2014 dây chuyền mới đã đi vào vận hành”.

Với nguyên lý hoạt động sử dụng các phế phẩm trong nông lâm nghiệp làm nhiên liệu như: mùn cưa, bã mía, củi, lõi ngô… và hệ thống lọc khí hiện đại, đơn vị không những tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn kiểm soát được nguồn phát thải gây ô nhiễm, chất lượng sản phẩm và uy tín của DN cũng vì thế được nâng lên. Việc đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường đã giúp đơn vị ổn định sản xuất, sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập của người lao động năm 2014 tăng 10% so với năm 2013.

Trong khi đó, tại Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị, với việc chủ động áp dụng công nghệ sạch ngay từ khi đầu tư dự án nên không những công ty tiết giảm được chi phí sản xuất mà chất lượng sản phẩm cũng vượt trội so với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Theo đó, năm 2008, sau khi thành lập, công ty đã liên doanh với Nhật Bản đầu tư công nghệ sản xuất phân bón hiện đại – công nghệ hóa lỏng urê và tạo hạt bằng hơi nước. Ưu điểm vượt trội của công nghệ này là sử dụng nhiệt độ, áp suất cao cho các nguyên liệu nóng chảy kết dính với nhau. Do đó không cần sử dụng các chất phụ gia vốn làm chai hóa, bạc màu và ô nhiễm  đất. Công nghệ mới này cũng giúp hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón được nâng cao tới 40-60%, đáp ứng tối đa nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng. Toàn bộ hệ thống dây chuyền được vận hành tuần hoàn, khép kín nên có thể tái sử dụng 90% nguồn chất thải, giảm phát thải ra không khí gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động, tiết kiệm được chi phí. Với chất lượng ổn định, sản phẩm của công ty luôn có lợi thế cạnh tranh trên thương trường.

Để các DN trên địa bàn tỉnh thay đổi nhận thức và áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH), ông Lê Trọng Hân cho biết thêm: Sở Công Thương đã và đang triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp”, trong đó đã tổ chức các khóa tập huấn nâng cao khả năng áp dụng SXSH cho các nhóm ngành: Chế biến thủy hải sản, nông sản, thực phẩm; dệt may, giầy da; chế biến lâm sản, thủ công mỹ nghệ; vật liệu xây dựng, khai khoáng…. Tuy nhiên, do việc huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và Trung ương khó khăn, nên đề án mới chỉ dừng lại ở việc triển khai về mặt nhận thức, chưa có dự án cụ thể nào ở địa phương nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ.

Theo Minh Kỳ – ven.vn