Tổng Công ty Giấy Việt Nam đầu tư mạnh trong đổi mới công nghệ bảo vệ môi trường

Với đặc thù là sản xuất giấy dễ gây ô nhiễm môi trường thời gian qua, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ nhằm quản lý, xử lý hiệu quả chất thải, góp phần quan trọng để bảo vệ môi trường.
Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường
Đứng trước những yêu cầu ngày càng bức thiết của công tác bảo vệ môi trường, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề giảm thiểu và quản lý, xử lý chất thải.
Với quan điểm “Phát triển sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững”, Tổng công ty luôn đặc biệt quan tâm đầu tư cho những giải pháp cải tiến công nghệ cùng với việc giảm thiểu chất thải, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu để liên tục nâng cao hiệu quả sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Một số giải pháp đầu tư cụ thể là: Cải tạo công nghệ chưng bốc dịch đen từ trực tiếp sang gián tiếp để giảm thiểu hơn 80% khí mang mùi thoát ra từ lò hơi thu hồi; Cải tạo công nghệ tẩy trắng bột giấy theo hướng giảm 50% tiêu thụ clo nguyên tố từ đó giảm thiểu 50% hàm lượng COD và AOX trong nước thải bộ phận tẩy bột; Đầu tư thay thế màng điện phân từ màng Amiăng sang dùng màng ion, tuyệt đối không sử dụng màng amiăng trong sản xuất hóa chất; Tổng công ty đầu tư mới lò hơi đốt rác để công nghiệp vỏ cây, mùn cưa sinh ra trong quá trình bóc gỗ, chặt mảnh nguyên liệu và bùn vi sinh phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm một phần tiêu thụ than cho việc sản xuất điện, hơi đồng thời giảm thiểu lượng thải rắn phát sinh; Đầu tư cải tạo lò hơi đốt than tại Nhà máy Điện để nâng cao hiệu suất đốt của lò, giảm tiêu hao than cho sản xuất hơi; Tận dụng lượng than cát bi qua sàng (thu hồi từ xỉ than) có nhiệt trị cao quay lại trộn với than cám 4a, 4b để đốt lại trong lò hơi động lực nhằm giảm tiêu hao than và giảm thiểu chất thải.

Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống xử lý các chất thải

Để xử lý nước thải năm 2003 trong khi thực hiện dự án đầu tư mở rộng nâng cao năng lực sản xuất lên 100.000 tấn giấy/năm, Tổng công ty đã dành 15% kinh phí đầu tư cho các hạng mục xử lý chất thải để bảo vệ môi trường với giá trị đầu tư là 15 triệu USD (cho riêng phần thiết bị). Một trong những hạng mục quan trọng đó là đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải vi sinh với giá trị đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Đầu tư chuyển đổi chưng bốc dịch đen (giảm 90% lượng khí mang mùi ra môi trường (130 tỷ đồng)… Nước thải ô nhiễm của toàn bộ các phân xưởng sản xuất được thu gom bằng hệ thống cống ngầm và đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hệ thống xử lý nước thải của Tổng công ty có công suất thiết kế là 30.000 m3/ngày nhưng công suất thực tế sử dụng hiện nay chỉ khoảng 22.000 – 24.000 m3/ngày.

Theo kết quả quan trắc định kỳ hàng năm thì chất lượng nước thải sau xử lý của Tổng công ty đều đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho phép. Đến nay, Vinapaco là một trong số rất ít doanh nghiệp giấy cơ bản giải quyết được vấn đề chất thải với hệ thống xử lý tương đối hoàn chỉnh, công nghệ tiên tiến, phổ biến trên thế giới. Nước thải sau xử lý, đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường, xử lý bụi đạt trên 96%, giảm được đến 90% lượng khí mang mùi ra môi trường… Tuy nhiên để vận hành liên tục hệ thống này, hàng năm, Vinapaco phải bỏ ra chi phí tương đương gần 40 tỷ đồng.

Đối với chất thải rắn và chất thải rắn thông thường, toàn bộ chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất đều được phân loại, quản lý xử lý theo đúng quy đinh, cụ thể là: Bùn vôi là chất thải rắn thông thường thải ra từ quá trình xút hóa để tái tạo dịch nấu. Lượng thải này được Tổng công ty xử lý bằng phương pháp lưu giữ trong hồ chứa riêng biệt. Vỏ cây, mùn cưa được thu gom đốt trong lò hơi công nghiệp của Tổng công ty như là một loại nhiên liệu thu hồi. Xỉ than được thu gom và bán cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Bùn thải từ xử lý nước thải: Bùn sơ cấp được bán cho các cơ sở sản xuất bìa cactong. Bùn thứ cấp (bùn vi sinh) một phần chuyển cho Công ty cổ phần Công đoàn để làm phân vi sinh, phần còn lại được trộn với than đốt trong lò hơi động lực.

Chất thải rắn nguy hại đều được phân loại ngay tại nguồn, thu gom riêng không thải lẫn với chất thải thông thường và lưu giữ tạm thời trong kho chứa chất thải nguy hại của Tổng công ty, sau đó Tổng công ty làm hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng pháp nhân về xử lý chất thải nguy hại làm thủ tục thuê xử lý.

Trong việc kiểm soát, xử lý khí thải Tổng công ty đầu tư hệ thống lắng bụi tĩnh điện để xử lý bụi trong khói thải trước khi thải ra môi trường. Từ năm 2003, Tổng công ty đã đầu tư thay đổi công nghệ chưng bốc dịch đen, với việc thay đổi công nghệ này đã làm giảm khoảng 90% hàm lượng khí mang mùi trong khói thải lò hơi thu hồi. Kết quả quan trắc thường xuyên của Tổng công ty cho thấy các thông số thải của hai nguồn khí thải đều đáp ứng tiêu chuẩn môi trường cho phép.

Kiểm soát, sử dụng tiết kiệm năng lượng là biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả Tổng công ty đã thực hiện kiểm toán năng lượng toàn bộ khu vực sản xuất và kiểm toán chi tiết cụm các công đoạn sản xuất bột giấy. Trên cơ sở kiểm toán năng lượng, Tổng công ty đã tiến hành cải tạo hoặc thay thế dần các thiết bị có hiệu suất thấp; tận dụng lượng than cát bi thu hồi qua bể lắng có nhiệt trị còn cao quay lại trộn với than cám 4a để đốt lò hơi tại nhà máy điện (tiết kiệm khoàng 6.600 tấn than/năm). Tăng tải trọng xà lan chở than từ 230 tấn lên 260 tấn, giảm chi phí tiêu thụ dầu DO (tiết kiệm khoảng 900 triệu đồng/năm). Bên cạnh đó, Tổng công ty còn cải tiến và áp dụng những công nghệ mới tiên tiến hơn, như chuyển đổi hệ thống bơm, tháp giải nhiệt khu vực xử lý nước thải, tiết kiệm điện năng và tăng tuổi thọ của thiết bị. Đồng thời, Vinapaco còn nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, giảm chi phí sản xuất nhờ cân đối hợp lý chi phí mua điện năng và chi phí tự sản xuất điện, vận hành lò, máy hiệu quả theo giờ, rút ngắn thời gian ngừng lò thu hồi, giảm lượng dầu đốt trong quá trình ngừng và khởi động lại lò hơi thu hồi; tái sử dụng nước làm mát tuabin của nhà máy điện cho sản xuất bột giấy.

Theo tapchicongthuong.vn

Chè Khánh Hoà: Mô hình sản xuất sạch điển hình

Là một trong những DN thành công của Phú Thọ trong triển khai các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH), Công ty Chè Khánh Hòa được coi là điển hình cho các DN chè trong ứng dụng các giải pháp này.
Nằm trên vùng nguyên liệu chè của huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, những năm gần đây sản lượng sản xuất của Công ty Chè Khánh Hòa ngày càng tăng.

Giống như nhiều DN khác hoạt động trên địa bàn, tiềm năng SXSH của công ty rất lớn. Dây chuyền máy móc lạc hậu, điều kiện cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu phát triển… chính là nguyên nhân khiến các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp không tận dụng hết công suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, còn thất thoát nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất cũng như tăng phát thải ô nhiểm ra môi trường.

Theo đó, năm 2009, được sự trợ giúp của Bộ Công Thương, công ty bắt đầu ứng dụng các giải pháp SXSH tại các nhà máy sản xuất của mình.

Cụ thể, sau khi tiến hành đánh giá SXSH, xác định các giải pháp cải tiến, công ty đã thực hiện 20 giải pháp quản lý nội vi không tốn chi phí và chi phí thấp như đào tạo công nhân trong kỹ thuật vận hành lò; Bảo ôn đường ống cấp nhiệt; Lựa chọn mua than có kích thước đồng đều; Giảm tạp chất chứa trong than…

Chỉ với các giải pháp đơn giản với tổng giá trị đầu tư là 155 triệu đồng này, mỗi năm, lợi ích mà công ty thu được là 490 triệu đồng nhờ giảm thất thoát nguyên, nhiên vật liệu.

Nhận thấy những lợi ích rõ nét sau khi áp dụng SXSH, sau khi áp dụng các giải pháp quản lý nội vi chi phí thấp, công ty đã chủ động áp dụng các giải pháp đầu tư lớn hơn nhằm giải quyết triệt để các vấn đề môi trường nổi cộm.

Cụ thể, công ty đầu tư 7,6 tỷ đồng để thay thế máy vò chè nâng cao chất lượng sản phẩm; Hút bụi chè thu hồi làm sản phẩm; Tận dụng cẫng chè thải để làm sản phẩm chè mới; Thay thế lò sấy than cho công đoạn héo chè… Hiệu quả đem lại từ các giải pháp này là 1,9 tỷ đồng/năm do giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu, tăng sản lượng và giảm nhân công.

Từ những thành công đó, sau khi những hỗ trợ của Bộ Công Thương kết thúc, công ty vẫn quyết định duy trì các giải pháp SXSH bằng cách lồng ghép các hoạt động SXSH vào hệ thống quản lý chung tại cơ sở.

Nhằm tạo thuận lợi cho quá trình này, một hệ thống quản lý môi trường đơn giản đã được thiết lập. Công ty cũng thiết lập một chính sách môi trường trong đó quy định nghiêm chỉnh việc chấp hành luật Bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật, đảm bảo sự phát triển bền vững và giảm thiểu các nguồn phát sinh chất thải.

Tích hợp hệ thống quản lý trong quá trình sản xuất với hệ thống quản lý môi trường, qua đó việc tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu được giám sát chặt chẽ.

Thành công của Công ty Chè Khánh Hòa đã khẳng định, SXSH không chỉ mang lại lợi ích tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu sử dụng, giảm phát thải, giảm lượng nước tiêu thụ, mà còn giúp công ty phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín.

Có thể nói, các giải pháp SXSH được thực hiện tại công ty chính là những ví dụ điển hình để các DN trong ngành chế biến chè tại Việt Nam tham khảo, áp dụng.

Theo vinanet.vn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trao đổi với Giám đốc World Bank về hỗ trợ phát triển năng lượng

Ngày 11/8/2015, tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã tiếp xã giao bà Viktoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB), trao đổi về Chương trình Phát triển Năng lượng tái tạo (REDP) và Chương trình hợp tác với Bộ Công Thương trong lĩnh vực năng lượng.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trao đổi với Giám đốc WB về hỗ trợ phát triển năng lượng
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bà Kwakwa thông báo về kế hoạch vốn vay phân bổ của WB cho Chương trình REDP và khoản hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân của Việt Nam tham gia vào phát triển năng lượng tái tạo.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao WB đã hỗ trợ đẩy nhanh dự án sau khi được khởi động. Nhờ có chính sách phát triển năng lượng hợp lý về giá điện và tài chính, các nhà đầu tư nhỏ Việt Nam đã có thể tham gia vào các dự án thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo khác như điện gió, sinh khối, rác thải, mặt trời cần hỗ trợ hơn nữa từ phía Chính phủ Việt Nam và WB.

Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện chương trình nghị sự Cải cách Trợ cấp Năng lượng đã đạt được thỏa thuận về phạm vi công việc và tài chính, nâng cấp tham vấn và hỗ trợ cho các dự án năng lượng mặt trời đang thực hiện rất thành công tại miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Năng lượng tái tạo là một định hướng phát triển năng lượng của thế giới cũng như của Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu của Chiến lược Phát triển Xanh.

Trong thời gian tới, WB và Bộ Công Thương sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế về Năng lượng lần thứ 2 tại Việt Nam để thảo luận toàn diện về kế hoạch đầu tư phát triển năng lượng dài hạn của Việt Nam.

Theo Báo Công Thương

Giải pháp cho xu hướng năng lượng xanh tại Việt Nam

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012.

Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, bao gồm bốn chủ đề chính là: (1) Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; (2) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (3) Thực hiện xanh hóa sản xuất; và (4) Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Hiện trạng và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 (PECC3), tiềm năng công suất về năng lượng gió trên đất liền của Việt Nam là 21.500 MW, trong khi hiện tại toàn quốc chỉ có ba nhà máy đang vận hành với tổng công suất 52 MW, chưa đầy 0,25% so với tiềm năng.

Trong khi đó, với nguồn bức xạ và thời gian nắng dài tại miền Trung và miền Nam, nếu có chính sách tốt, chỉ cần một nửa số hộ dân tại TPHCM lắp đặt 1 kWp/hộ, thì đã có thêm 1.000 MW công suất điện mặt trời. Đó là chưa tính đến tiềm năng lắp đặt tại các tòa nhà, công sở, cơ sở công nghiệp, các vùng đất trống… và tính ra toàn quốc thì tiềm năng phát triển điện mặt trời cực kỳ lớn. Tuy vậy, đến nay chỉ mới chưa đầy 1 MW công suất lắp đặt điện mặt trời trên toàn lãnh thổ Việt Nam, theo một báo cáo tổng hợp của ông Trịnh Quang Dũng tháng 5-2015.

Về năng lượng sinh khối (biomass), chỉ riêng về trấu thì tiềm năng lý thuyết phát điện cho 9 triệu tấn trấu trên toàn quốc hiện nay đã là 4.800 MW, nhưng hiện nay chưa có nhà máy nhiệt điện trấu nào vận hành. Hiện có 40 nhà máy đường sử dụng bã mía để đồng phát nhiệt và điện nhưng chỉ có sáu nhà máy trong số đó bán điện lên lưới quốc gia với tổng công suất lắp đặt 88,5 MW, theo số liệu của GIZ năm 2014. Là một nước nông nghiệp phát triển, nhưng việc sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, trấu, vỏ đậu phộng, vỏ cà phê, vỏ hạt điều, phế thải sau thu hoạch mía, bắp… vẫn chưa hiệu quả.

Năng lượng sinh học (biogas) quy mô nhỏ đã được phát triển và sử dụng tốt ở các hộ gia đình và tại một vài nhà máy xử lý nước thải thu hồi khí sinh học. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy thời điểm năm 2009, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị là 19 triệu tấn/năm, và gia tăng hàng năm với tốc độ 10%. Tiềm năng phát điện từ đốt rác khoảng hơn 200 MW, nhưng đến nay chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào tại Việt Nam vận hành. Duy nhất tại bãi chôn lấp rác Gò Cát (TPHCM) có nhà máy phát điện từ khí thải bãi rác, công suất 2,4 MW nhưng vận hành không ổn định vì đã qua thời kỳ cao điểm tạo khí.

Hiện trên cả nước có 98 bãi chôn lấp rác, không kể 458 bãi rác quy mô nhỏ khác. Tuy nhiên, chỉ có 16/98 bãi chôn lấp được thiết kế đúng quy chuẩn, còn lại hầu hết các bãi chôn lấp khác không được đầu tư bài bản, vẫn còn các bãi rác lộ thiên không hợp vệ sinh, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí. Việc cải thiện môi trường tại các bãi rác này đồng thời với thu gom khí thải bãi rác để phát điện cũng sẽ tạo ra nguồn điện năng rất lớn nhưng hầu như chưa được quan tâm thực hiện.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, gồm điện gió, điện sinh khối, điện từ rác thải, và sắp đến là điện mặt trời. Tuy vậy, việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn đang diễn ra rất chậm, và nút thắt lớn nhất vẫn là giá mua điện thấp từ năng lượng tái tạo. Giá mua cao nhất cho nguồn điện từ năng lượng tái tạo là các dự án đốt rác phát điện với 10,05 xu Mỹ/kWh, tuy vậy lại chưa có quy hoạch về đốt rác phát điện tại các địa phương và quốc gia, chưa có khung giá về phí xử lý rác thải sinh hoạt như là một nguồn thu khác cho các dự án đốt rác phát điện.

Dự án điện gió Bạc Liêu

Trong khi đó, giá mua điện từ các nhà máy điện gió theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg là 7,8 xu Mỹ/kWh, cao hơn một chút là giá mua điện từ nhà máy điện gió gần bờ của Công ty Công Lý (Bạc Liêu) với 9,8 xu Mỹ/kWh. Tính trên bình diện chung so với quốc tế, mức giá mua điện từ các nhà máy điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam chỉ đạt 50-70% so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Làm sao phát triển đầu tư xanh và tiết kiệm năng lượng

Việc ưu tiên phát triển đầu tư xanh là một nội dung trong bốn chủ đề chính trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, đó là thực hiện xanh hóa sản xuất. Trong một thời gian dài, chúng ta tập trung quá nhiều vào việc thu hút đầu tư và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao mà không kiểm soát chặt chẽ nhu cầu và hiệu suất sử dụng năng lượng của các ngành công nghiệp cũng như các công nghệ sản xuất. Điển hình của việc này là phát triển ồ ạt các nhà máy xi măng, các nhà máy luyện thép là những ngành công nghiệp tiêu tốn rất nhiều năng lượng và tài nguyên. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy chỉ riêng ngành xi măng và ngành thép đã sử dụng đến 20% tổng điện năng tiêu thụ trong tất cả các ngành công nghiệp tại Việt Nam.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, chỉ tính riêng ngành xi măng tại Việt Nam, khả năng thu hồi nhiệt để phát điện tự dùng tại nhà máy xi măng đã có tiềm năng công suất trên 200 MW, có thể đảm bảo tự cung cấp từ 20-30% nhu cầu sử dụng điện cho các nhà máy xi măng.

Chúng ta đã và đang triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhưng việc thực hiện chưa đi sâu vào các giải pháp mang tính cải thiện và đổi mới công nghệ, mà chủ yếu chỉ mới tập trung vào các giải pháp quản lý nội vi, giải pháp quản lý và ít đầu tư. Để đẩy mạnh việc thực hiện tiết kiệm năng lượng một cách thực chất, cần có các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, nhất là các giải pháp về cải thiện và đổi mới công nghệ, cũng như xây dựng và tạo lập thị trường dịch vụ năng lượng để thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài.

Rõ ràng, ưu tiên phát triển đầu tư xanh, lựa chọn những ngành kinh tế, lĩnh vực công nghiệp hoặc các công nghệ phát thải carbon thấp là lựa chọn thông minh để vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong khi vẫn duy trì nhu cầu về năng lượng ở mức thấp, như cách mà Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đang thực hiện rất thành công.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thái Nguyên “cán đích” nhiều chỉ tiêu sản xuất sạch hơn

Sau 6 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về Sản xuất sạch hơn (SXSH) đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành và các đích sớm nhiều chỉ tiêu mà Chiến lược này đặt ra đến năm 2015.

Thái Nguyên “cán đích” nhiều chỉ tiêu sản xuất sạch hơn

Chiến lược quốc gia về SXSH đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 50% tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của SXSH, 25% tỷ lệ cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tỷ lệ tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu đối với các cơ sở đã áp dụng SXSH là 5-8%. Với nhiều giải pháp đồng bộ, Thái Nguyên đã sớm về đích trong nhiều chỉ tiêu. Đến hết năm 2014, tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được SXSH của tỉnh đạt 60%; tỷ lệ cơ sở sản xuất áp dụng SXSH đạt 27%; tỷ lệ tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu trong các doanh nghiệp (DN) áp dụng SXSH là 7%; tỷ lệ DN vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động SXSH đạt 80% và số lượng cán bộ của Sở Công Thương tỉnh được đào tạo về SXSH là 10 người.

Theo ông Nguyễn Đình Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trong giai đoạn 2009-2015, bên cạnh việc nâng cao công tác tuyên truyền về SXSH trong công nghiệp đến các DN và cán bộ quản lý, chúng tôi đã tổ chức được 8 hội thảo và 15 khóa tập huấn về SXSH, 65  bài viết và  phim tư liệu về SXSH đã được đăng tải trên báo, tạp chí và truyền hình… Đặc biệt tổng kinh phí dành cho hoạt động này tại Thái Nguyên đã lên đến gần 24,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ thông qua Hợp phần SXSH trong công nghiệp đạt trên 12,6 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách địa phương và vốn đối ứng của DN.”

Nguyên nhân của thành công trên theo ông Hùng chính là công tác tuyên truyền và thành công từ các mô hình điểm cũng như hiệu quả mà SXSH mang lại. Trước khi áp dụng SXSH, Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên là DN nằm trong danh sách “đen” – các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với sự hỗ trợ của Hợp phần SXSH, công ty đã áp dụng một loạt các giải pháp chủ yếu thuộc nhóm quản lý nội vi, cải tiến thiết bị và thay thế nguyên liệu. Theo đó, công ty đã tái sử dụng dịch ngâm dầu, thu hồi bột thải và tuần hoàn nước, che chắn khu vực xử lý nguyên liệu, cải tiến các bể ngâm ủ… Kết quả, hằng năm công ty giảm được gần 40.000m3 nước thải, thu hồi tái sử dụng 152 tấn bột giấy và 27,5 tấn sút (NaOH). SXSH không những giúp giảm thiểu các tác động đến môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế rất đáng kể – trên 1,3 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời DN đã ra khỏi danh sách “đen” về ô nhiễm môi trường.

Hiệu quả rõ rệt của các mô hình SXSH là động lực lớn để ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng SXSH. Bằng cách chủ động rà soát công nghệ, quy trình sản xuất, áp dụng các giải pháp đơn giản, tiết kiệm đầu vào, cải thiện điều kiện làm việc, các đơn vị như: Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty Cơ khí Tân Lập, Công ty Diezen Sông Công… đã đạt được kết quả cao trong sản xuất, tạo giá trị gia tăng cho DN, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo các chuyên gia tư vấn về SXSH, mọi cơ sở sản xuất không phân biệt quy mô và ngành nghề đều có thể áp dụng SXSH. SXSH là hướng đi tất yếu cho DN nào muốn phát triển bền vững. Đối với Thái Nguyên, một trung tâm công nghiệp, việc thúc đẩy SXSH lại càng trở nên cần thiết và cấp bách vì sự phát triển bền vững của các DN.

Theo Thu Hường – ven.vn

Lượng phát thải có thể lên đến 466 triệu tấn CO2 vào năm 2020

Ngày 28/7, Hội nghị tổng kết Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015 do Bộ Công Thương tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục An toàn môi trường Trần Văn Lượng cho biết, tổng lượng phát thải nhà kính của Việt Nam năm 2010 là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, lĩnh vực năng lượng phát thải 141,1 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 53%. Dự báo đến năm 2020 sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tổng lượng phát thải lên đến 466 triệu tấn CO2; trong đó, lĩnh vực năng lượng là 381,1 triệu tấn, chiếm 81%.

Hiện các quốc gia trên thế giới có xu hướng sử dụng các công cụ thị trường liên quan đến định giá việc phát thải carbon. Cụ thể, việc phát thải carbon sẽ được định giá làm cơ sở hình thành thị trường carbon nội địa ở các quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đây chính là cơ hội nhưng cũng là rào cản kỹ thuật đối với các quốc gia chưa kịp chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ít carbon.

Theo báo cáo, với tổng số vốn hơn 32 tỷ đồng trong 5 năm, Bộ Công Thương đã triển khai 11 dự án về tuyên truyền đào tạo nhận thức, năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, 14 dự án đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đề xuất giải pháp ứng phó, cùng với đó là nhiều dự án xây dựng cơ chế, lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển ngành Công Thương… Tuy nhiên, việc thí điểm áp dụng mô hình giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp vẫn chưa được thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho hay, sự phối hợp thực hiện giữa các đơn vị trong ngành Công Thương vẫn chưa tốt, do vậy mới chỉ thực hiện được ở các hoạt động về nghiên cứu, đào tạo. Bộ đã xây dựng các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu nhưng nguồn kinh phí yếu và chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể nên chưa được thực hiện.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, nguồn kinh phí cấp cho Chương trình còn hạn chế. Với 32 tỷ đồng trong 5 năm, như vậy, trung bình kinh phí cấp cho hoạt động chống biến đổi khí hậu mỗi năm chỉ khoảng 6 tỷ đồng.

Về giải pháp, ông Trần Văn Lượng cho rằng, cần huy động mọi nguồn lực từ ngân sách trung ương, địa phương và tài trợ quốc tế; lồng ghép thực hiện trong các chương trình hiện có như khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng… Đồng thời, về hợp tác quốc tế, cần tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước và tiếp nhận chuyển giao công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hiệu quả…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục rà soát kế hoạch của Bộ về chống biến đổi khí hậu, ngoài nhiệm vụ lâu dài là giảm phát thải nhà kính thì trong thời gian tới, phải tăng cường các giải pháp để chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, có cơ chế chính sách chống biến đổi khí hậu, đặc biệt xây dựng cơ chế quy hoạch cụ thể… Với nguồn kinh phí còn hạn chế, các đơn vị cần đưa ra các cơ chế, chính sách có lợi cho doanh nghiệp để khuyến khích và huy động doanh nghiệp tham gia chống biến đổi khí hậu.

Theo vietnamplus.vn