Phổ biến kiến thức về sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp

Sáng 3-9, tại TP. Bà Rịa, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp khai mạc khóa tập huấn “Phổ biến kiến thức về sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp”.  50 học viên đại diện các DN, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, thực phẩm, thủy hải sản… trên địa bàn tỉnh đã tham gia.

 Khóa tập huấn kéo dài từ ngày 3 đến 5-9, nội dung tập trung các vấn đề về sản xuất sạch hơn tại các DN, cụ thể như: kiểm soát, xử lý chất thải tại DN; quy định bảo vệ môi trường đối với một cơ sở hoạt động công nghiệp…

Theo đó, sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục một chiến lược môi trường phòng ngừa tổng hợp vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Năm 2013, tại BR-VT, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã áp dụng phương thức sản xuất sạch hơn tại 3 DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Kết quả, các DN, cơ sở sản xuất này đã tiết kiệm được từ 8-10% nguồn nguyên vật liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất.

Theo baobariavungtau.com.vn

Tiềm năng áp dụng sản xuất sạch hơn trong ngành bia

Việt Nam hiện có hơn 400 nhà máy sản xuất bia với sản lượng cung cấp cho thị trường ước tính khoảng 3 tỷ lít bia mỗi năm. Với nhiều công đoạn sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như lãng phí nguyên nhiên vật liệu, sản xuất bia được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) nhằm tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tiềm năng áp dụng sản xuất sạch hơn trong ngành bia
Sản xuất bia tại Công ty Bia Sài Gòn – Nghệ Tĩnh

Ông  Hoàng Minh Lâm – Phó giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội cho rằng: “Đối với ngành sản xuất bia, công nghệ chính là yếu tố then chốt quyết định chất lượng, năng suất lao động, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp chưa có điều kiện để đầu tư đổi mới công nghệ thì các giải pháp quản lý nội vi sẽ là cách đơn giản nhất để giảm ô nhiễm môi trường với chi phí thấp.”

Theo ông Lâm, có thể đưa công nghệ hiện đại và áp dụng SXSH vào mỗi công đoạn sản xuất bia để tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và kiểm soát ô nhiễm tại nguồn.

Tại Nhà máy Bia Phú Bài – Công ty Bia Huế, việc giảm thất thoát nguyên liệu được thực hiện ngay tại hệ thống làm sạch hạt trước khi vào máy nghiền bằng cách điều chỉnh tốc độ gió phù hợp trong quá trình làm sạch  hạt. Nhà máy đã thực hiện giải pháp đơn giản là chắn ½ cửa hút gió trong máy sàng để giảm lượng hút gió và nâng cao khoảng cách các họng gió với mặt sàn. Bên cạnh đó nhà máy đã thường xuyên điều chỉnh lượng gió theo mẻ cân. Lượng malt, gạo hao hụt trong quá trình nghiền bị mất theo cửa hút gió giảm 43% (từ 160 kg/mẻ xuống còn 90 kg/mẻ).

Để thu hồi  bia trong men, Nhà máy Bia Phú Bài cũng đã điều chỉnh quy trình xả men (chỉ xả 1 lần sau khi nhận dịch, 1 lần sau 2 ngày đạt -10C và 1 lần trước khi lọc 2 ngày). Bên cạnh đó, cách thức xả men cũng được thay đổi so với cách làm truyền thống. Sau khi xả phần men đặc để đưa bia đi lọc, phần bia lẫn men được đưa vào tank đệm trước bằng tay rồi lọc. Việc thay đổi này giúp nhà máy giảm tỷ lệ hao phí khu vực lên men từ 3,07% xuống còn 1,83%…

Như vậy có thể thấy lĩnh vực sản xuất bia có rất nhiều tiềm năng để áp dụng SXSH. Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) là hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bia ở Việt Nam. Hai doanh nghiệp này đều đã áp dụng những công nghệ hiện đại trên thế giới vào sản xuất bia. Cùng với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng các công cụ quản lý nội vi, đổi mới sản phẩm… là các giải pháp đồng bộ giúp SABECO và HABECO tối ưu hóa sản xuất kinh doanh, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo Thu Hường – ven.vn

Biến phụ phẩm nông nghiệp thành than sạch

Với mục tiêu vì sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu chất đốt ngày càng tăng cao, với sự hỗ trợ kinh phí từ Bộ Công Thương và hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh, cuối năm 2014, công ty TNHH MTV PT Computer (Tiên Yên – Quảng Ninh) đã đưa vào sản xuất thí điểm thành công than sạch từ phụ phẩm nông nghiệp.

Biến phụ phẩm nông nghiệp thành than sạch
Sản xuất than sạch

Là huyện miền núi với cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản, hàng năm huyện Tiên Yên có khối lượng lớn phế phẩm nông nghiệp và nguyên liệu sinh thái – thực vật bị tiêu huỷ hoặc tái sử dụng nhưng hiệu quả thấp. Công ty TNHH MTV PT Computer đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh tìm hiểu và áp dụng công nghệ chế biến các loại phế phẩm nông lâm nghiệp ở địa phương để sản xuất thành than có tính năng tương tự như những loại than khác.

Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 9/2013 với tổng kinh phí 2,05 tỷ đồng, trong đó 250 triệu đồng được Bộ Công Thương hỗ trợ thông qua Chương trình khuyến công quốc gia. PT Computer đã đầu tư nhà xưởng, mua sắm thiết bị, máy móc hiện đại. Sau một thời gian ngắn nghiên cứu và khảo sát thị trường, công ty đã thử nghiệm thành công và đưa vào sản xuất đại trà sản phẩm than sạch từ phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, cành cây, mùn cưa, cám, hạt bông trấu….

Ông Nguyễn Đăng Thuyết – Giám đốc Công ty TNHH MTV PT Computer cho biết, sau khi được ép thành khối và xử lý cabon, các phụ phẩm nông lâm nghiệp này hóa thành sản phẩm có tính năng tương tự như than hoa trong tự nhiên nhưng ưu việt hơn vì khi cháy không sinh ra khói và có nhiệt độ cao gấp 50-70% so với nguyên liệu thông thường, có thể dùng cho các loại bếp – bếp lò, lò sưởi, lò sấy và bếp hóa khí PRAIRIE, và có thể dùng sưởi ấm trong mùa đông mà không độc hại như than đá và đặc biệt có giá thành rẻ, rất phù hợp cho những người dân có thu nhập thấp.

Với chi phí sản xuất vào khoảng 2,7 triệu đồng/1 tấn than sạch và giá bán ra thị trường là 2,9 triệu đồng/tấn thì tỷ suất lợi nhuân sau thuế có thể đạt 6%.  Mỗi tháng, công ty cung ứng ra thị trường nội địa 20-30 tấn than sạch, dự kiến thời gian thu hồi vốn là 5,2 năm. Dự án sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 15 lao động địa phương với thu nhập trung bình 3.000.000 đồng/người/tháng.

Ông Hoàng Đức Khá – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh khẳng định, trong quá trình đốt cháy, than được sản xuất từ phế phẩm nông nghiệp không có dư lượng khí sulfur dioxide và các chất khí độc hại khác nên không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng. Đây được xem là một dự án điển hình trong tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn khi nó không chỉ góp phần thay đổi nhận thức, phương thức sử dụng năng lượng trong sản xuất cũng như tiêu dùng năng lượng trong sinh hoạt của người dân trong vùng mà còn mở ra hướng đi mới trong việc xử lý các phụ phẩm thải bỏ trong sản xuất nông lâm nghiệp.

Cũng theo ông Khá, than sạch đã và đang tạo được niềm tin cho khách hàng, ngay cả khi cạnh tranh trên thị trường than đốt ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với sự quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp để phát triển thị trường thì Quảng Ninh mong muốn sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Thu Hường – ven.vn

Doximex: Hiệu quả bước đầu từ sản xuất sạch hơn

Triển khai chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH), khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14000, tạo môi trường lao động theo tiêu chuẩn SA 8000, tổ chức sắp xếp lại quản lý nội vi theo 5S, cải tiến môi trường công nghệ … là những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp dệt may đang triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, trong đó có công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Doximex).

Doximex: Hiệu quả bước đầu từ sản xuất sạch hơn
Dây chuyền máy dệt kim

Từ năm 2005, Doximex đã triển khai chương trình 5S dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản. Đây thực sự là công cụ quản lý nội vi dễ thực hiện nhưng đem lại hiệu quả lớn. 5S đã giúp loại bỏ tức thời các lãng phí như thời gian, không gian, nguyên vật liệu… và còn giúp tạo ra và duy trì nề nếp làm việc công nghiệp, đồng thời thúc đẩy khả năng sáng tạo của tất cả mọi người và tạo ra phong trào cải tiến liên tục trong công ty.

Từ năm 2012-2014, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được Doximex lựa chọn và áp dụng vào sản xuất và kinh doanh của công ty, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường, xã hội cho DN và cộng đồng với số tiền làm lợi lên đến trên 87 triệu đồng/mỗi năm nhờ áp dụng các cải tiến vào sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian gia công sản phẩm, tiết giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Doximex cũng áp dụng nhiều giải pháp khác nhằm tiết kiệm chi phí điện năng như lắp đặt biến tần cho các động cơ bơm nước, các động cơ trục chính, động cơ máy dệt…, thay thế lò hơi đốt than cũ bằng lò hơi lớn hơn và có hiệu suất cao hơn; thay thế một số bóng đèn cao áp thủy ngân công suất 250W có hiệu suất chiếu sáng thấp và tiêu tốn năng lượng bằng các đèn compact 75W tiết kiệm điện…

Ông Hoàng Minh Lâm – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội (ECC Hà nội) cho biết: “Dệt kim Đông Xuân mới chỉ tiếp cận với phương pháp SXSH, hiện tại tiềm năng để áp dụng SXSH của công ty còn rất lớn như: ngăn chặn lượng bụi phát sinh trong quá trình dệt bằng giải pháp cải tạo lại nền nhà xưởng, tạo hệ thống hút bụi ‘âm sàn’; tiến hành bọc bảo ôn cho đường ống, van… của hệ thống phân phối lò hơi trong xưởng tại xí nghiệm dệt; công ty chưa tận dụng nhiệt khí thải ra từ lò hơi, nước ngưng thu hồi chưa triệt để; công ty cũng chưa có kế hoạch điều chỉnh sản xuất tránh giờ cao điểm cho các thiết bị công suất lớn; tại khu vực dệt, lượng bụi phát sinh vẫn nhiều, chưa có giải pháp hiệu quả trong khi đó bụi phát sinh từ lò hơi đốt than thì DN đã xử lý bằng hệ thống xyclone nhưng chỉ hạn chế được lượng bụi có kích cỡ lớn còn một lượng đáng kể vẫn bị phát tán ra môi trường qua ống khói lò hơi cao 18m; lắp biến tần cho bơm dầu tải nhiệt công suất 30kW nhằm giảm lượng điện tiêu hao…”.

Để chương trình SXSH phát huy hiệu quả hơn nữa, các chuyên gia tư vấn của ECC Hà Nội cũng khuyến nghị Doximex nên có kế hoạch để từng bước triển khai đối với các hạng mục có đầu tư về chí phí và phải thực hiện ngay công tác tăng cường quản lý nội vi và bảo dưỡng thiết bị, máy móc định kỳ, đồng thời phải luôn cập nhật các chi phí sản xuất sao cho nằm trong định mức cho phép. Cuối cùng là công ty phải tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân cũng như liên tục theo dõi và duy trì các kết quả của chương trình SXSH.

Theo Minh Kỳ – ven.vn

Thúc đẩy hoạt động liên quan đến năng lượng sạch

Sáng 29/8, Đại hội lần thứ nhất thành lập Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) đã được tổ chức tại Hà Nội.

 

1

Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 637 QĐ/BNV ngày 29/7/2015 của Bộ Nội vụ; hoạt động với tôn chỉ, mục đích là tổ chức xã hội-nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức pháp nhân và công dân cùng có chung mục đích với tiêu chí “Tất cả vì sự nghiệp phát triển năng lượng sạch”.

Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VECA) có phạm vi hoạt động trên cả nước, trong lĩnh vực năng lượng sạch; chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Thành viên của Hiệp hội là các nhà đầu tư, khai thác, sản xuất, sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp tái tạo xanh, sạch, ít tác động tiêu cực đến môi trường như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện địa nhiệt…; các nhà đầu tư sản xuất nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, sản phẩm dầu, khí đốt) áp dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường; các nhà đầu tư, khai thác, cung cấp, sử dụng năng lượng sinh học; các nhà đầu tư, khai thác, cung cấp, sử dụng sản phẩm dân sinh sạch; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch về tư vấn khoa học, kỹ thuật, công nghệ, chuyển giao công nghệ, môi trường…

Sự ra đời của Hiệp hội nhằm thúc đẩy các hoạt động về bảo đảm năng lượng sạch và chính sách phát triển năng lượng sạch Việt Nam, từng bước góp phần nâng cao tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch trong nền kinh tế.

Phát biểu với đại biểu Hiệp hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, rất nhiều thiên tai như bão lũ, hạn hán, xói lở bờ biển đã xảy ra tại nhiều địa phương, gây thiệt hại rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.  Vì vậy, cần thiết phải có cuộc cách mạng thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là khi những nguồn năng lượng hoá thạch sẽ cạn kiệt trong thời gian không xa. “Cuộc cách mạng” tất yếu đó là cuộc cách mạng về sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo Phan Trang – baochinhphu.vn

 

 

Hội thảo “Công nghệ xanh – công nghệ sạch thúc đẩy phát triển đô thị bền vững”

Ngày 20/8/2015, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Công nghệ xanh – công nghệ sạch thúc đẩy phát triển đô thị bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các sở, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích và môi trường đô thị tại địa phương và tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai.

228_san_xuat_sach

 

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ năm 2015 với sự kiện chính sẽ được tổ chức tại Thành phố Vũng Tàu vào tháng 11 năm nay.

Mục tiêu của hội thảo là nhằm giới thiệu các công nghệ được phát triển dựa trên nền tảng độc quyền sáng chế có xuất xứ từ châu Âu, Hàn Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực cải tạo và phát triển cảnh quan đô thị, tiết kiệm năng lượng, xử lý và sản xuất điện năng từ rác thải đô thị, bao gồm: công nghệ trồng cây không cần tưới nước, công nghệ giữ nước cho thảm xanh và gốc cây, công nghệ chiếu sáng và trang trí cảnh quan đô thị tiết kiệm điện năng và sử dụng năng lượng mặt trời, công nghệ chống ngập do triều cường sử dụng hố ga đặc biệt, công nghệ xử lý rác thải kết hợp sản xuất điện năng, nhiệt năng, công nghệ xây dựng nhà dây căng.

Theo đánh giá của ông Mai Thanh Quang – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì các công nghệ được giới thiệu tại hội thảo đều có tiềm năng ứng dụng to lớn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần giải bài toán phát triển hài hòa, bền vững và không làm phá hủy cảnh quan, môi trường – điều đang là trăn trở đối với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các sở ban ngành liên quan.

Theo Minh Kỳ – ven.vn