Hội nghị tập huấn tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Quảng Bình

Ngày 18/9, Sở Công thương tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị tập huấn về sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. Tham dự có đại diện lãnh đạo và công chức các phòng, ban, đơn vị trực thuộc các sở, ngành, đoàn thể liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn.

 Tại hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được phổ biến các văn bản pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12, ngày 17-6-2010 của Quốc hội; Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, ngày 29-3-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg, ngày 12-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu quả năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện; Thông tư số 09/2012/TT-BTC, ngày 20-4-2012 của Bộ Công Thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, ngày 17-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quyết định số 1427/QĐ-TTg, ngày 2-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015.

Hội nghị cũng đã dành thời gian cho các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

Sản xuất công nghiệp sạch hơn, hiệu quả hơn

Tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp (DN). Sản xuất sạch hơn (SXSH) được xem là một giải pháp khả thi vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa bảo vệ môi trường, từ đó có điều kiện tích lũy được vốn để đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. SXSH phù hợp mọi qui mô sản xuất nên tất cả các mô hình sản xuất từ DN lớn đến DN nhỏ, công ty xuyên quốc gia hay cơ sở sản xuất nhỏ đều thực hiện được.

Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp (CN) đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và nâng cao nhận thức, ý nghĩa của việc áp dụng SXSH vào hoạt động sản xuất CN trên địa bàn, Sở Công thương đã xây dựng đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

Mục tiêu của SXSH là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm hoặc để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm thì cần có sự điều chỉnh sản xuất hợp lý để tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng. Để đạt được điều này cần phải phân tích, đánh giá SXSH một cách chi tiết hệ thống trình tự vận hành cũng như thiết bị sản xuất hay môi trường làm việc. Do đó, đề tài tập trung đánh giá khả năng áp dụng SXSH cho một số DN, cơ sở sản xuất CN có tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, thất thoát nhiều nguyên, nhiên, vật liệu, sử dụng nhiều tài nguyên… Đồng thời, xây dựng mô hình áp dụng SXSH tại 1 đơn vị để theo dõi về việc giảm chi phí về nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, giảm chỉ số về môi trường, tăng năng suất lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của DN được áp dụng. Từ đó làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng áp dụng SXSH trong CN từ nay đến năm 2020. DN lựa chọn khảo sát và thống nhất các cơ hội triển khai áp dụng SXSH được tiến hành từ quản lý nội vi, cải tiến, khắc phục một số chi tiết hoặc thay đổi một số thiết bị, chi tiết… Thực hiện các giải pháp SXSH như: xây dựng các kế hoạch cụ thể; triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp; giám sát quá trình thực hiện. Đo lường và đánh giá kết quả về mức độ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, mức độ giảm ô nhiễm và hiệu quả kinh tế.

Đây là đề tài đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng KHCN vào SXSH trong CN, sử dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu đánh giá phân tích, dựa vào các tài liệu, tư liệu, thông tin đã có và tình hình áp dụng thực tế của các DN trên địa bàn để khuyến nghị các giải pháp xác đáng nhất cho việc áp dụng SXSH trong thời gian tới. Từ kết quả thực tế mang lại của mô hình áp dụng SXSH sẽ lan tỏa, tuyên truyền tính hữu ích của hoạt động SXSH đến mọi đối tượng, nhất là các DN có quy trình sản xuất tương tự. Kết quả nghiên cứu là cơ sở dữ liệu để lựa chọn đơn vị đánh giá khả năng áp dụng SXSH các năm tiếp theo; giúp thay đổi tư duy quản lý, điều hành sản xuất tại các DN, mở ra tiềm năng cải tiến công nghệ, đầu tư máy móc, sắp xếp lại quy trình sản xuất, điều chỉnh quản lý nội vi tốt hơn… Thông qua việc thực hiện đề tài này góp phần nâng cao năng lực kỹ năng tư vấn hỗ trợ DN trong áp dụng SXSH và phổ biến và tuyên truyền, giới thiệu trên thông tin đại chúng về lợi ích của việc áp dụng SXSH trong CN.

Từ năm 2009, tỉnh đã triển khai thực hiện các nội dung và nhiệm vụ của Chiến lược SXSH trong CN đến năm 2020, bước đầu đã nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích của chiến lược này trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng, giảm lượng phát thải ra môi trường, góp phần phát triển CN bền vững. Ông Đoàn Ngọc Tính, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, nguồn vốn khuyến công tỉnh và các nguồn vốn sự nghiệp khác, Sở Công thương đã tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ kỹ thuật. Đồng thời, tiến hành điều tra lấy phiếu các mô hình và phân tích, lựa chọn các mô hình sản xuất CN trên địa bàn tỉnh để khảo sát theo các lĩnh vực, ngành nghề như khai khoáng; chế biến nông sản; sản xuất rượu, bia, nước giải khát; chế biến thủy sản; may mặc; sản xuất nhựa; cao su; phân bón; xi măng, gạch ngói, tấm lợp; chế tạo cơ khí, đúc gang và thép… đánh giá khả năng áp dụng SXSH. Từ kết quả khả sát, tư vấn các giải pháp áp dụng và hỗ trợ triển khai áp dụng một số nội dung từ đơn giản đến phức tạp, nội dung có thể áp dụng ngay mà không đòi hỏi nhiều kinh phí… để đánh giá, so sánh hiệu quả mang lại bước đầu, trên cơ sở đó hoàn thiện khuyến nghị các giải pháp căn cơ. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn các DN thực hiện việc kiểm toán năng lượng để đưa ra những giải pháp sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, cùng với chính sách hỗ trợ DN về đổi mới ứng dụng tiến bộ KHCN, chính sách khuyến công, chính sách môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ góp phần tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm được chi phí sản xuất, đặc biệt góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh tại các cơ sở chế biến thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về SXSH cũng được chú trọng nhằm tăng cường và nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích của việc áp dụng SXSH vào hoạt động sản xuất CN-TTCN cho đội ngũ cán bộ quản lý và lãnh đạo, các chủ DN, cán bộ kỹ thuật, công nhân trực tiếp sản xuất tại các nhà máy.

Trong những năm qua, sản xuất CN trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh, có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất CN gây ra ngày càng có chiều hướng gia tăng do hầu hết các DN, cơ sở sản xuất CN trên địa bàn thuộc loại hình DN nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất ở mức trung bình, lạc hậu, khả năng đổi mới công nghệ tiên tiến, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác đa số DN chưa quan tâm xử lý cuối đường ống để đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường. Chính vì vậy, SXSH được xem là một giải pháp quản lý môi trường theo hướng chủ động, giảm thiểu phát thải từ đầu vào sản xuất, tối ưu hoá tài nguyên và sử dụng tiết kiệm năng lượng…

Để phát triển CN bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường thì SXSH là giải pháp cần thiết giúp cơ sở sản xuất CN cải tiến từng bước các thiết bị và sắp xếp lại quy trình sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng. Nhưng hiện nay chỉ có một số ít DN sản xuất CN nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc áp dụng SXSH. Lợi ích của SXSH chưa được cộng đồng DN nhận thức đầy đủ để nó trở thành nhu cầu cấp thiết trong quá trình sản xuất của DN. Do đó, việc áp dụng SXSH vào thực tiễn cần có sự tiếp sức từ phía nhà nước bắt đầu từ thí điểm áp dụng SXSH tạo hiệu ứng, lan toả đến các cơ sở khác, hình thành mạng lưới áp dụng SXSH tại tỉnh phù hợp với điều kiện và lợi thế của tỉnh. Khi DN nâng cao nhận thức và được tiếp sức áp dụng SXSH sẽ góp phần cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phế thải; giảm ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý chất thải; cải thiện sức khỏe nghề nghiệp và an toàn môi sinh, môi trường làm việc, góp phần phát triển CN của tỉnh một cách bền vững.

Theo baoquangtri.vn

Nam Định: Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường – sản xuất sạch hơn

“Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững” là Chủ đề chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2015, Chương trình quốc gia sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào ngày 19/9 tới nhằm tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) khu vực nông thôn.

Để hưởng ứng “Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2015, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các ngành căn cứ điều kiện thực tế, tổ chức hoạt động cộng đồng như: lễ mít tinh hoặc các hoạt động thiết thực phù hợp với địa phương; treo băng rôn, pa-nô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc, khu vực đông người, diễu hành, cổ động BVMT.

Ngoài ra, từ đầu năm 2015 đến nay, Sở NN&PTNT Nam Định còn triển khai dự án hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ trên toàn tỉnh với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi thông qua việc mở rộng và phát triển chương trình khí sinh học tái tạo nguồn năng lượng sạch; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Phương thức này cho phép quản lý chất thải chăn nuôi tận dụng triệt để nguồn năng lượng khí gas phục vụ đời sống sinh hoạt như: đun nấu, thắp sáng, sưởi ấm chuồng trại…

Các chương trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp làng nghề ở nông thôn cũng được Sở Công Thương cùng các ngành chức năng, các địa phương quan tâm đẩy mạnh như: hỗ trợ kinh phí xây dựng hố ga chứa nước thải, xây ống khói giảm thiểu bụi tại các làng nghề cơ khí…. Đến nay, tình hình ô nhiễm công nghiệp ở vùng nông thôn đã được tăng cường kiểm soát và từng bước cải thiện thông qua việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp (CCN).

Tại các khu, CCN đã đi vào hoạt động được quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại phát sinh từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ, kinh doanh trong các khu, CCN đạt 100%.

Theo Thu Hường – ven.vn

Tăng trưởng xanh – Hướng đi tất yếu của kinh tế Việt Nam

Tuy là hướng đi mới, còn nhiều thách thức về thể chế, nguồn lực, nhưng tăng trưởng xanh, bền vững sẽ là con đường tất yếu của nền kinh tế Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ chủ trương này của Chính phủ Việt Nam khi phát biểu tại Hội thảo về các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tổ chức tại Hà Nội vào sáng 15/9.

Căn cứ trên Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam xác định 3 nhiệm vụ chiến lược: Giảm phát thải nhà kính và thúc đẩy năng lượng sạch, tái tạo; xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Phó Thủ tướng cho rằng Chiến lược đòi hỏi cần có nhiều chính sách, hành động cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, cần nhấn mạnh vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về hướng tăng trưởng xanh trong mọi cấp, trong nhân dân.

Đổi mới, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng đồng bộ với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cải cách thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc và đổi mới công nghệ.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất giải pháp đột phá trình Chính phủ để thu hút tốt hơn các nguồn lực, thực hiện áp dụng hình thức hợp tác công-tư trong lĩnh vực đầu tư xanh, cũng như xây dựng các cơ chế, giải pháp tranh thủ nguồn lực trong nước và quốc tế cho tăng trưởng xanh.

Với sự tham gia đông đảo của giới hoạch định chính sách, các chuyên gia, doanh nghiệp, Hội thảo đề cập tới nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế-xã hội hiện tại, gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước trong những năm tới.

Các tham luận tại Hội thảo cho thấy mặc dù đạt những thành tựu ấn tượng sau 30 năm đổi mới, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, thiếu bền vững.

Cụ thể là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao; chất lượng đất đang có xu hướng giảm; 7,5 triệu ha đất đang và đã chịu tác động của hoang mạc hóa, 30.000 ha đất bị nhiễm mặn, đất phèn, 300.000 ha đất khô hạn theo mùa hoặc cả năm. Các nguồn gây ô nhiễm gia tăng về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu đến môi trường.

Vẫn còn gần 60% số xã ở nông thôn chưa có tổ chức thu gom rác thải, chất thải rắn vẫn chủ yếu được xử lý bằng chôn lấp. Hầu hết các đô thị và 25% KCN, KCX chưa có hệ thống nước thải tập trung.

Nhiều loại động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, bị giảm nhanh về số lượng. Các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên một đơn vị GDP còn ở mức cao, khoảng 2 tấn CO2, tương đương 1.000 USD.

Trước thực trạng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó xác định tăng trưởng xanh là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.

Qua 3 năm thực hiện, Việt Nam đã triển khai, sửa đổi được nhiều chể chế, đưa ra một số kế hoạch hành động cụ thể cho các ngành, tái cấu trúc kinh tế một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, 16 địa phương cũng đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, chủ động chuyển sang đầu tư vào công nghiệp môi trường, vào nông nghiệp hữu cơ với quy mô ngày càng lớn.

Theo chinhphu.vn

Hải Phòng: Tuyên truyền các giải pháp tiết kiệm năng lượng

Ngày 13/9, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn (TKNL & SXSH) Hải Phòng phối hợp với Sở Ngoại vụ Hải Phòng, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, Hội doanh nghiệp trẻ Hải Phòng tổ chức toạ đàm về các giải pháp TKNL trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hải Phòng nhấn mạnh: Năng lượng góp vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một tăng trong khi các nguồn tài nguyên đang suy giảm và khó phục hồi. Tôi hy vọng qua buổi tọa đàm, các doanh nghiệp sẽ được trang bị thêm kiến thức cần thiết để áp dụng tốt hơn hoạt động TKNL&SXSH trong sản xuất. Phát triển xanh và bền vững giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trong thời hội nhập.

Ông Đào Sỹ Thanh, Giám đốc Trung tâm TKNL&SXSH Hải Phòng cũng nhận định: Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như áp dụng các giải pháp SXSH trong công nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp và xã hội. Với sự tham gia của nhiều đơn vị đại diện cho các tổ chức tài chính, doanh nghiệp sản xuất các thiết bị tiết kiệm điện, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, buổi tọa đàm sẽ là cầu nối, kênh liên kết giữa các bên để tìm ra phương án tháo gỡ khó khăn, đưa nền sản xuất công nghiệp của thành phố ngày càng phát triển, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành vấn đề nóng với toàn cầu. Tại buổi tọa đàm, thông qua  Tổ chức Tầm nhìn thế giới, các doanh nghiệp đã  hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khi hậu, các giải pháp, phương án của thành phố về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Trung tâm TKNL&SXSH Hải Phòng giới thiệu thể lệ cuộc thi “Sáng kiến giúp giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu thông qua việc thúc đẩy áp dụng SXSH – TKNL”. Cuộc thi sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia, tìm tòi, học hỏi và ứng dụng các giải pháp TKNL&SXSH trong quá trình hoạt động.

Theo Sông Thu – Chanh Dương – baocongthuong.com.vn

Đà Nẵng khởi động dự án giảm phát thải khí nhà kính

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước khởi động dự án Calculator 2050 hướng đến quản lý năng lượng và phát thải khí nhà kính.

Đà Nẵng khởi động dự án giảm phát thải nhà kính
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Minh Trang
Sáng 9/9, UBND TP. Đà Nẵng và Đại sứ quán Anh đã tổ chức hội thảo khởi động dự án Calculator 2050 với chủ đề “Nâng cấp công cụ Calculator 2050 của Việt Nam và xây dựng phiên bản Calculator cho cấp tỉnh nhằm hỗ trợ hoạch định chính sách về quản lý năng lượng và phát thải nhà kính”.Mô hình Calculator 2050 do Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Anh xây dựng cho nước Anh và đang hỗ trợ 10 quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Bỉ… xây dựng một phiên bản Calculator 2050 cho từng nước.

Calculator 2050 là một công cụ đơn giản và mang tính tương tác. Cốt lõi của công cụ này là mô hình cân bằng năng lượng, được các chuyên gia đánh giá độc lập và đưa ra kịch bản cho một ngành từ các góc độ khác nhau nhằm đưa ra giải pháp cho đến năm 2050.

Calculator 2050 cho các địa phương câu trả lời quan trọng rằng có thể giảm phát thải và có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng đến mức nào.

Những tính năng ưu việt của công cụ Calculator 2050 so với công cụ khác chính là các phương án năng lượng, kịch bản phát thải trong cùng một bàn tính; có thể xem xét bài toán về an ninh năng lượng, chất lượng không khí và hiện trạng sử dụng đất; chỉ ra các phương án có thể thực hiện; dễ sử dụng với mọi đối tượng; có thể tiếp cận số liệu gốc.

Ông Hoàng Văn Tâm, Chánh Văn phòng Cục An toàn môi trường (Bộ Công Thương) cho biết, khởi động dự án, Việt Nam sẽ cùng các chuyên gia quốc tế nghiên cứu và xây dựng phiên bản riêng.

Với những bước chuyển mình và những kết quả ấn tượng đạt được về môi trường và biến đổi khí hậu, Đà Nẵng được chọn là địa phương đầu tiên để khởi động dự án và xây dựng phiên bản riêng.

Theo đó, phiên bản này sẽ được xây dựng phù hợp với điều kiện của Thành phố, được Việt hóa giao diện của công cụ, đào tạo và chuyển giao cách thức xây dựng, vận hành công cụ cho chuyên gia Đà Nẵng.

Dự án được khởi động từ tháng 9/2015 và kết thúc vào tháng 3/2017.

Theo Báo điện tử Chính phủ