Doximex: Hiệu quả bước đầu từ sản xuất sạch hơn

Triển khai chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH), khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14000, tạo môi trường lao động theo tiêu chuẩn SA 8000, tổ chức sắp xếp lại quản lý nội vi theo 5S, cải tiến môi trường công nghệ … là những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp dệt may đang triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, trong đó có công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Doximex).

Doximex: Hiệu quả bước đầu từ sản xuất sạch hơn
Dây chuyền máy dệt kim

Từ năm 2005, Doximex đã triển khai chương trình 5S dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản. Đây thực sự là công cụ quản lý nội vi dễ thực hiện nhưng đem lại hiệu quả lớn. 5S đã giúp loại bỏ tức thời các lãng phí như thời gian, không gian, nguyên vật liệu… và còn giúp tạo ra và duy trì nề nếp làm việc công nghiệp, đồng thời thúc đẩy khả năng sáng tạo của tất cả mọi người và tạo ra phong trào cải tiến liên tục trong công ty.

Từ năm 2012-2014, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được Doximex lựa chọn và áp dụng vào sản xuất và kinh doanh của công ty, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường, xã hội cho DN và cộng đồng với số tiền làm lợi lên đến trên 87 triệu đồng/mỗi năm nhờ áp dụng các cải tiến vào sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian gia công sản phẩm, tiết giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Doximex cũng áp dụng nhiều giải pháp khác nhằm tiết kiệm chi phí điện năng như lắp đặt biến tần cho các động cơ bơm nước, các động cơ trục chính, động cơ máy dệt…, thay thế lò hơi đốt than cũ bằng lò hơi lớn hơn và có hiệu suất cao hơn; thay thế một số bóng đèn cao áp thủy ngân công suất 250W có hiệu suất chiếu sáng thấp và tiêu tốn năng lượng bằng các đèn compact 75W tiết kiệm điện…

Ông Hoàng Minh Lâm – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội (ECC Hà nội) cho biết: “Dệt kim Đông Xuân mới chỉ tiếp cận với phương pháp SXSH, hiện tại tiềm năng để áp dụng SXSH của công ty còn rất lớn như: ngăn chặn lượng bụi phát sinh trong quá trình dệt bằng giải pháp cải tạo lại nền nhà xưởng, tạo hệ thống hút bụi ‘âm sàn’; tiến hành bọc bảo ôn cho đường ống, van… của hệ thống phân phối lò hơi trong xưởng tại xí nghiệm dệt; công ty chưa tận dụng nhiệt khí thải ra từ lò hơi, nước ngưng thu hồi chưa triệt để; công ty cũng chưa có kế hoạch điều chỉnh sản xuất tránh giờ cao điểm cho các thiết bị công suất lớn; tại khu vực dệt, lượng bụi phát sinh vẫn nhiều, chưa có giải pháp hiệu quả trong khi đó bụi phát sinh từ lò hơi đốt than thì DN đã xử lý bằng hệ thống xyclone nhưng chỉ hạn chế được lượng bụi có kích cỡ lớn còn một lượng đáng kể vẫn bị phát tán ra môi trường qua ống khói lò hơi cao 18m; lắp biến tần cho bơm dầu tải nhiệt công suất 30kW nhằm giảm lượng điện tiêu hao…”.

Để chương trình SXSH phát huy hiệu quả hơn nữa, các chuyên gia tư vấn của ECC Hà Nội cũng khuyến nghị Doximex nên có kế hoạch để từng bước triển khai đối với các hạng mục có đầu tư về chí phí và phải thực hiện ngay công tác tăng cường quản lý nội vi và bảo dưỡng thiết bị, máy móc định kỳ, đồng thời phải luôn cập nhật các chi phí sản xuất sao cho nằm trong định mức cho phép. Cuối cùng là công ty phải tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân cũng như liên tục theo dõi và duy trì các kết quả của chương trình SXSH.

Theo Minh Kỳ – ven.vn