Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng ở mức đáng lo ngại

Vừa qua, Dự án Đào tạo Sản xuất Sạch hơn và Quản lý chất thải dành cho các Doanh nghiệp tại Việt Nam do Tập đoàn Dow Chemical tài trợ đã triển khai tập huấn cho các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương vào ngày 25/12 và tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 26/12/2014 về phương pháp luận sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải để từ đó áp dụng vào trong mô hình của doanh nghiệp. 

o-nhiem-khong-khi-trong-nha-2_meitu_1

 

Tham dự khóa đào tạo tại tỉnh Bình Dương có đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh và 70 học viên đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương, một số doanh nghiêp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỉnh Bình Dương hiện đang là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Bình Dương có 28 khu công nghiệp và hầu hết các khu công nghiệp này nằm dưới sự kiểm soát của các ban quản lý các khu công nghiệp và cũng thu hút được nhiều các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương.

Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh có 19 quận và 5 huyện với tổng diện tích 2.095,01 km², nơi đây giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và là thành phố đi đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế và số lượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một trong các điểm thuận lợi cho dự án trong việc triển khai hoạt động tập huấn tại TP. Hồ Chí Minh.Tham dự khóa đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh có 100 học viên tham dự, tằng gần 43% so với kế hoạch ban đầu đề ra.

Tại 2 khóa tập huấn này, bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải vào thực tiễn, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý quản lý chất thải nguy hại tại Việt Nam cũng đã được tập trung phổ biến. Theo Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và Tài nguyên và Môi trường, một trong hai giảng viên của khóa đào tạo cho biết vấn đề ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp hiện có xu hướng giảm, nhưng từ các khu vực khác chưa được giải quyết, thậm chí có chiều hướng gia tăng cả quy mô và mức độ. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xử lý còn rất chậm; ô nhiễm làng nghề ngày càng nghiêm trọng; quản lý chất thải rắn còn nhiều yếu kém, chậm khắc phục, cải tạo ….là những nguyên nhân chính làm cho ô nhiễm ở nước ta tiếp tục gia tăng. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, kết cấu hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường vẫn còn yếu kém, trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp là hạn chế.

Do vậy, để giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên/năng lượng, cung cấp các cơ hội giảm chi phí nhờ giảm tổn thất, tăng cường tuần hoàn và  tái sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp nên chủ động áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải vào trong doanh nghiệp càng sớm càng tốt, đây được xem là công cụ giúp hài hòa lợi ích kinh tế – môi trường – xã hội đối với doanh nghiệp, đặc biệt sản xuất sạch hơn là không khó làm, không tốn kém và hiệu quả mang lại là rõ ràng.

Theo sxsh.vn

 

 

 

Ngành thuộc da: Áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Năm 1912, công nghiệp thuộc da ở Việt Nam được hình thành. Khi đó có 35 doanh nghiệp, 62% là doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa. Nguyên liệu chính là da trâu bò (chiếm 70%), da heo và 1 lượng ít da dê, da trăn, rắn, cá sấu, đà điểu, được nhập khẩu tới 70-80% từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức. Sản phẩm là da thuộc. Năm 2013, năng lực sản xuất trong nước là 350 triệu sqtf/năm, 60% phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. 

2_SDUQ

 Ảnh: nguồn internet

Ngành thuộc da thải ra môi trường rất nhiều chất thải rắn, chất thải khí và nước thải. Đối với chất thải rắn, hiện  trạng là bạc nhạc, lông, da vụn, mùn bào, diềm da, vụn da chứa Crom (Cr) độc hại gây mùi khó chịu. Đối với loại chất thải này hầu hết các doanh nghiệp thu gom rồi chuyển qua cho công ty môi trường đô thị địa phương xử lý để làm phân bón, thức ăn gia súc… nhưng chưa được áp dụng rộng rãi. Các chất thải khí thì cụ thể là phân huỷ các chất hữu cơ như khí thải H2S, NH3, VOC gây mùi hôi khó chịu vô cùng. Giải quyết vấn đề này, phần lớn các doanh nghiệp áp dụng biện pháp thông thoáng nhà xưởng, một số ít cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý khí. Còn đối với nước thải với đặc trưng là mùi hôi rất khó chịu, BOD, COD, Cr, chất rắn lơ lửng (SS) gấp nhiều lần các quy chuẩn cho phép, các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải cao, chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải (máy móc thiết bị, hoá chất, nhân công…) rất tốn kém. Bên cạnh đó vẫn có những doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống này không vận hành thường xuyên nên xử lý không hiệu quả.

Da là động vật hữu cơ tự nhiên, không đồng nhất, cấu tạo cơ bản các axit amin. Cấu tạo của da gồm: lớp lông, lớp da giấy, lớp da cật, lớp bạc nhạc. Trong quá trình sản xuất, phải sử dụng dung môi phân cực mạnh, có khả năng hoà tan nhiều chất. Nước là nguyên liệu thiết yếu cho quá trình thuộc da, tham gia trực tiếp vào hầu hết các công đoạn sản xuất. Người ta đã có đánh giá về mức tiêu hao nước trong ngành thuộc da giữa các nước như sau: Pakistan: 60m3/tấn, Đông Nam Á: 30m3/tấn, Việt Nam: 35-40 m3/tấn, các nước tiên tiến là 15-20 m3/tấn. Ngành thuộc da còn gây ô nhiễm cho không khí bao gồm khí VOC, CO, NOx, SO2, và bụi từ lò hơi, NH3, H2S, SO2 và các hợp chất chứa N, S phát sinh từ công đoạn hồi tươi, tẩy lông, ngâm vôi, thuộc da… dẫn đến mùi hôi rất khó chịu. Hơi axit dễ bay hơi, hơi dung môi VOC từ công đoạn hoàn thiện, sơn. Rồi tiếng ồn từ hoạt động của máy nạo thịt, máy cán ép nước, thùng quay, máy tia…

Nắm được đặc điểm sản xuất của ngành thuộc da, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể có cơ hội áp dụng SXSH vào quy trình tuần hoàn và tái sử dụng. Đối với khâu thu hồi muối trước khi hồi tươi, cần phải giũ muối bằng tay hoặc thiết bị lắc, khả năng thu hồi được 30% lượng muối là rất cao, đồng thời giảm lượng nước sử dụng, hoá chất, giảm lượng ô nhiễm. Trong khâu tuần hoàn dung dịch tẩy lông, ngâm vôi, nước được sử dụng là 9-15 m3, lọc tách các chất cặn, vôi, mỡ và bổ sung thêm hoá chất mới để sử dụng lại. Đồng thời có cơ hội giảm 50% lượng nước sử dụng, tiết kiệm 2-30% hoá chất, giảm được chi phí xử lý nước thải. Trong quá trình thuộc da sẽ thừa ra một số vụn da chứa Cr,  những mẩu vụn da này có thể hoà tan với kiềm trở thành dung dịch hoà tan của Protein, dung dịch này có thể sản xuất keo, gelatin, thức ăn chăn nuôi gom thu hồi tái sử dụng trong quá trình thuộc da. Tỷ lệ protein thu hồi là 60-70%.

Cơ hội SXSH cũng có thể đến với doanh nghiệp qua phương pháp thay đổi công nghệ, cụ thể là thay đổi phương pháp tẩy lông, xẻ da trước khi ngâm vôi lại và thay đổi phương pháp thuộc da. Đối với việc thay đổi phương pháp tẩy lông có thể áp dụng tẩy lông không huỷ nhằm thu hồi lông để sản xuất thảm, vật liệu cách điện, vật trang trí, phân bón, đồng thời loại bỏ chất ô nhiễm vào nước. Hoặc cũng có thể sử dụng chế phẩm enzym nhằm giảm đi 50-70% lượng Na2S, ô nhiễm trong nước thải giảm khoảng 30-50%, da thành phẩm đàn hồi tốt hơn. Đối với khâu xẻ da trước khi ngâm vôi lại, cần bào, nạo thịt, xẻ theo một mức độ thích hợp, rồi ngâm vôi, có thể tiết kiệm hoá chất, năng lượng và thời gian thuộc.

Về quản lý nội vi trong ngành thuộc da, cần xác định chính xác trọng lượng da ở từng công đoạn bằng cách: cân chính xác lượng da trong mỗi công đoạn; tính toán lượng nước và hoá chất; nâng cao chất lượng da thuộc; hạn chế sự lãng phí nguyên liệu, hoá chất, giảm lượng nước thải…

Theo Đào Thu – Bản tin Công nghiệp xanh

 

 

Công nghiệp Phú Thọ: Xanh, sạch, thân thiện môi trường

Là một trong những tỉnh triển khai SXSH tương đối sớm, ngành công nghiệp Phú Thọ đã đạt được nhiều thành quả trong lĩnh vực này, góp phần phát triển ngành công nghiệp theo hướng xanh, sạch, thân thiện môi trường.

Tăng hiệu quả sản xuất

Nhận thức được tầm quan trọng của SXSH, nên trong những năm qua, Phú Thọ đã tích cực triển khai phổ biến, thông tin tuyên truyền về áp dụng SXSH trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó đặc biệt tập trung vào các điểm nóng về môi trường, mà tại đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có tác động xấu đến điều kiện sống và làm việc của người lao động và cộng đồng dân cư. Mục tiêu của các giải pháp là nhằm cải thiện chất lượng môi trường, tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo sức khoẻ của người dân, người lao động trong và xung quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, các dự án về SXSH đã giúp các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh đánh giá được thực trạng sản xuất của đơn vị mình, đồng thời hoạch định phương hướng để giải quyết những bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó xây dựng, thiết lập phương pháp luận và hạ tầng SXSH để khắc phục những rào cản, đưa kế hoạch hành động quốc gia về SXSH vào hoạt động. Bên cạnh đó, thắt chặt các quản lý nội vi và xây dựng cơ chế tổ chức, cũng như mạng lưới các hoạt động về SXSH nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh và bảo vệ môi trường.

Thông qua các dự án trình diễn được giới thiệu, các doanh nghiệp sẽ được thấy làm thế nào để cải thiện tình hình với chi phí thấp mà hiệu quả cao, đó là nhờ áp dụng các giải pháp SXSH phù hợp. Trong những năm qua, ngành Công Thương Phú Thọ đã lựa chọn 13 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp để triển khai các mô hình trình diễn và đem lại một số kết quả đáng ghi nhận. Có thể kể ra đây một số ví dụ điển hình.

Công ty CP Việt Vương

Kết quả đánh giá nhanh cho thấy, trong sản xuất từ trước đến nay, hệ thống mạ kẽm của Công ty cho chất lượng không cao, sơn phủ không đều; môi trường khí thải, bụi và nước thải công nghiệp không đảm bảo tiêu chuẩn. Sau khi được tư vấn và áp dụng các giải pháp SXSH đã giảm tiêu hao nguyên liệu (axit) và nâng cao chất lượng sản phẩm mạ, cho sản phẩm đều; hệ thống máy hút bụi, trang thiết bị cho hệ thống xử lý nước thải công nghiệp được lắp đặt, đảm bảo chất lương khí thải, môi trường công nghiệp, đầu ra nước thải đảm bảo tiêu chuẩn.

Công ty CP Rượu Sài Gòn – Đồng Xuân

Sau khi khảo sát, đội SXSH nhận thấy, hệ thống rửa chai cho chất lượng không đồng đều nên vẫn xảy ra hiện tượng chai không được làm sạch triệt để; hệ thống hút mùi ở khu vực nấu và sang chiết không đảm bảo; không tuần hoàn được lượng nước thải sản xuất do hệ thống tháp giải nhiệt hoạt động không hiệu quả. Sau khi được tư vấn và áp dụng các giải pháp SXSH, hệ thống rửa chai đã cho sản phẩm đều, sạch triệt để; mùi ở khu vực nấu và sang chiết được đảm bảo, tuần hoàn và tận thu 95% lượng nước thải sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh nâng lên rõ rệt.

Công ty CP Giấy Phong Châu

Trước khi áp dụng SXSH, nguyên liệu đầu vào của Công ty có chất lượng thấp do bị ẩm ướt và nhiều mùn, hiệu quả sản xuất không cao; hệ thống thu gom xử lý nước thải và đặc biệt màu nước thải không đạt tiêu chuẩn. Sau khi được tư vấn và áp dụng các giải pháp SXSH, Công ty đã giải quyết được khâu nguyên liệu, khu vực kho chứa nguyên liệu cho chất lượng nguyên liệu đầu vào cao, hiệu quả sản xuất tăng. Hệ thống xử lý nước thải được cải thiện, màu nước thải được đảm bảo…

Duy trì SXSH

Từ kết quả thu được của một số ví dụ điển hình trên có thể khẳng định, qua triển khai thực hiện việc áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn vào sản xuất của các doanh nghiệp, nhân thức của các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cộng đồng về tầm quan trọng của việc thực hiện áp dụng SXSH đã được nâng cao. Các doanh nghiệp đã nhận thấy lợi ích của việc áp dụng SXSH không chỉ bảo vệ môi trường trong từng khu vực của các doanh nghiệp, đảm bảo an toàn môi trường cho người lao động, mà con hạn chế các nguồn gây ô nhiễm tác động tới môi trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các doanh nghiệp sau khi áp dụng các giải pháp SXSH đã thu được những hiệu quả tích cực như giảm tiêu hao nhiên liệu, năng lượng, phân loại xử lý giảm thiểu ô nhiễm ngay tại nguồn phát sinh nên nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.

Để duy trì, nâng cao hiệu quả của việc áp dụng các giải pháp về khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp, tới đây rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ. Đặc biệt cần tập trung khắc phục một số tồn tại hạn chế và đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh Phú Thọ.

Theo Bản tin Công nghệ xanh 

 

Đồng Nai: Thành quả 5 năm triển khai sản xuất sạch hơn (SXSH)

Thực hiện Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/09/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”, từ đó đến nay, Sở Công Thương Đồng Nai đã đi được một hành trình khá dài và đạt được nhiều thành công. 

Tăng cường năng lực cho đơn vị đầu mối

Đến năm 2015, Sở Công Thương đã tiến hành xây dựng và tăng cường năng lực cho đơn vị đầu mối về SXSH tại địa phương. Sở Công Thương đã chỉ đạo Phòng Kỹ thuật – An toàn Môi trường cử 03 cán bộ theo dõi, hỗ trợ Trung tâm tư vấn công nghiệp về công tác SXSH. Phòng SXSH của Trung tâm được biên chế 04 cán bộ chuyên trách có trình độ đại học với các nghiệp vụ chuyên môn khác nhau để triển khai kế hoạch SXSH hàng năm của tỉnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hàng năm, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về SXSH do Cục Công nghiệp địa phương tổ chức, đồng thời tham gia các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý về SXSH, quản lý về năng lượng của các Sở, ban ngành, các huyện thị và các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên đjia bàn tỉnh Đồng Nai.

Kết quả những đề án lớn

Đề án Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH

Trong giai đoạn 2010-2015, Sở Công Thương Đồng Nai đã thực hiện hàng loạt những hội nghị tập huấn và đào tạo sản xuất nhằm nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng cho SXSH trong công nghiệp. Đây cũng chính là mục tiêu của đề án “Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp” mà Sở Công Thương Đồng Nai đã đề ra ngay từ khi Chiến lược được bắt đầu. Trog năm 2012, Sở Công Thương đã triển khai thêm một số nhiệm vụ mới như thành lập Phòng SXSH đặt tại Trung tâm tư vấn công nghiệp thuộc Sở Công Thương, nhằm tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp về tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững. Tiếp đó, năm 2013, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về SXSH thông qua đài phát thanh các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hoà với số lượng 03 chương trình, tổ chức được 2 lớp SXSH và 3 lớp tiết kiệm năng lượng hiệu quả với khoảng 500 học viên tham dự.

Năm 2014, Sở Công Thương đã nâng mức độ tuyên truyền lên một bậc là biên soạn chương trình tuyên truyền về SXSH lồng ghép với chương trình sử dụng điện, tiết kiệm năng lượng, thu CD để phát trên đài phát thanh các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hoà, biên soạn chương trình tuyên truyền về SXSH đặt in trên Bản tin Khu công nghiệp Đồng Nai, quay video các chuyên mục, phóng sự tuyên truyền về SXSH phát định kỳ trên Đài truyền hình Đồng Nai… Năm 2015, Sở Công Thương Đồng Nai tiếp tục nhân rộng hơn nữa hoạt động tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất thực tế của doanh nghiệp, tìm ra nguyên nhân gây thất thoát nguyên, nhiên liệu và năng lượng để từ đó đề ra các giải pháp SXSH, đề ra kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Dự kiến lập báo cáo đánh giá  SXSH 03 đề tài, đồng thời thành lập mang lưới cộng tác viên về SXSH từ tỉnh đến các huyện thị, các ban quản lý khu công nghiệp và các doanh nghiệp.

Đề án xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử

Năm 2014, Sở Công Thương Đồng Nai đã chỉ đạo Trung tâm Tư vấn công nghiệp xây dựng website để tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước về SXSH đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay Trung tâm tư vấn công nghiệp đang vận hành trang website về SXSH: www.tuvancongnghiepdongnai.gov.vn. Phòng SXSH đã phân công cán bộ phụ trách, xây dựng và duy trì hoạt động trang website chuyên ngành, kết nối với công thông tin điện tử của tỉnh và kết nối với các trang website về SXSH và sự dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các tỉnh trong toàn quốc.

Đề án “Hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp”

Năm 2011 Sở Công Thương đã tiến hành hỗ trợ 03 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lập báo cáo đánh giá SXSH. Năm 2014, Sở Công Thương đã tiến hành hỗ trợ 05 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lập báo cáo đánh giá SXSH.

Những khó khăn và thuận lợi 

Quá trình triển khai thực hiện kế hoạch SXSH trong công nghiệp đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thu được những kết quả khả quan, nâng cao được nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý về SXSH của các sở, ban ngành, huyện thị và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tạo được điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các quy trình SXSH, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người và đảm bảo phát triển bền vững.

Có được những điều này là do những năm qua, Sở Công Thương Đồng Nai luôn nhận được sự quan tâm, sự hỗ trợ tích cực và chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương và UBND tỉnh; sự phối hợp hỗ trợ của các Sở, ban ngành để thực hiện tốt các kế hoạch đề ra hàng năm. Đồng thời, qua thời gian tuyên truyền về lợi ích của SXSH, đa số doanh nghiệp đã nhận biết được tầm quan trọng của việc thực hiện SXSH, đã tích cực phối hợp trong quá trình triển khai kế hoạch hàng năm. Cũng như các tỉnh, thành khác, bên cạnh các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện SXSH thì ở Đồng Nai vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm và hiểu biết về SXSH. Nguồn kinh phí để triển khai kế hoạch SXSH hàng năm còn hạn hẹp nên công tác triển khai còn chậm, chủ yếu mới thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền vận động, mục tiêu đạt được chưa cao. Do vậy, kết quả “Hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp” còn rất khiêm tốn.

Không thể không nhắc tới một vướng mắc nữa là công tác tiếp cận với các doanh nghiệp để tuyên truyền về chủ trương, chính sách  hỗ trợ về SXSH còn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp ngại cung cấp thông tin do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, Sở Công Thương Đồng Nai đề nghị Bộ Công Thương mở thêm lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về SXSH để có thể hỗ trợ tốt công tác đánh giá nhanh, đề ra giải pháp khả thi cho các doanh nghiệp.

Theo Hoàng Quân – Bản tin Công nghệ xanh

Habeco: Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng

Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, Tổng công ty Bia- Rượu- Nước giải khát Hà Nội (Habeco) không ngừng đổi mới công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh công nghiệp, thực phẩm và bảo vệ môi trường.

 Tiên phong về chất lượng

Theo lãnh đạo Habeco, Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vì vậy, nhiều hãng bia hàng đầu trên thế giới với tiềm lực tài chính dồi dào đã thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng bia trong nước với các hãng bia ngoại nhập.

Trước những thách thức đó, để đứng vững trên thị trường, Habeco đã chủ động xây dựng chiến lược trong hoạt động kinh doanh, trong đó xác định: Chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt trong việc phát triển và chiếm lĩnh thị trường. Trong thời gian qua, Habeco không ngừng nỗ lực đầu tư, đổi mới công nghệ,  phân phối ra thị trường những sản phẩm có chất lượng ổn định, loại bỏ được nhiều chất độc hại trong các khâu chế biến.

Không chỉ đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2015, Habeco còn tiến hành thay hình ảnh nắp và nhãn cho sản phẩm bia Hà Nội chai 450ml. Sự thay đổi đã đem lại cho sản phẩm “diện mạo” mới, hiện đại nhưng vẫn mang cảm giác gần gũi và ấm áp. Các họa tiết trên nắp chai được in 4 màu trên nền vàng nhũ ánh kim, phối hợp cùng nhãn chính tạo nên một sản phẩm rất “sáng” và bắt mắt.

Nhờ sự nỗ lực nâng cao chất lượng và hình ảnh, các sản phẩm của bia Hà Nội không chỉ vững chân tại thị trường nội địa, mà còn mở rộng thị trường ra thế giới khi xuất khẩu thành công sang các nước như Hàn Quốc, Anh, Đức, Hà Lan, Mỹ, Úc và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các sản phẩm và thương hiệu bia Hà Nội được đánh giá cao về chất lượng, đạt nhiều giải thưởng quốc tế như Giải thưởng Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương; Nhãn hiệu nổi tiếng Brussels – Bỉ; Giải thưởng Thương hiệu mạnh quốc tế Madrid…

Hướng tới sản xuất xanh

Theo lãnh đạo Habeco, việc đầu tư đổi mới công nghệ không những nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới sản xuất xanh. Từ nhà nấu, lò hơi đến hệ thống xử lý nước, nuôi cấy men, lên men bằng tank tự động ngoài trời, hệ thống lọc, lạnh, xử lý nước thải… đã được thay mới và cải tiến bằng nhà nấu liên hoàn, dùng công nghệ nghiền malt ướt… Bên cạnh đó, hệ thống keg bia hơi được thay đổi về dung tích và làm kín hơn để. Để quản lý tốt hơn chất lượng bia hơi trên thị trường, Habeco cũng trang bị hệ thống vòi, giá rót bia đồng bộ với keg nên đã hạn chế việc pha trộn bia khác.

Ông Nguyễn Hồng Linh – Tổng giám đốc Habeco – cho biết, tổng công ty đã đầu tư trên 30 tỷ đồng lắp đặt hệ thống thu gom và xử lý nước thải của CHLB Đức, sau khi hệ thống này đi vào hoạt động, nước thải sau xử lý của tổng công ty đạt tiêu chuẩn B. Đồng thời, Habeco cũng triển khai xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn TCVN/ISO 14001:2004 được cơ quan TUV Nort (CHLB Đức) cấp giấy chứng nhận. Cùng với đầu tư công nghệ hiện đại và áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, sản xuất sạch hơn, hàng năm Habeco còn “chi” cho việc mua hóa chất xử lý nước thải tại nhà máy sản xuất ở nhà máy 183 Hoàng Hoa Thám – Hà Nội hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, Habeco cũng không ngừng khuyến khích cán bộ, công nhân viên trong tổng công ty thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với mục tiêu tất cả các doanh nghiệp trong tổng công ty đều thực hiện tốt chương trình 5S “Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng”.

 Các sáng kiến, cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh đã giúp Habeco tháo gỡ được nhiều khó khăn, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường cho hầu hết các đơn vị.

Theo sxsh.vn

Lợi ích lớn khi doanh nghiệp tự tiết kiệm năng lượng

Ngoài việc giúp giảm chi phí cho phần năng lượng phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt, các doanh nghiệp tham gia chương trình ký hợp đồng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của Bộ Công Thương sẽ nhận rất nhiều lợi ích khác như quảng bá thương hiệu, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành và nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Được hỗ trợ nhiều mặt

Việc tiết giảm năng lượng thông qua các hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, cải thiện quy trình giám sát, quản lý đã và đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Hiện có nhiều ngành công nghiệp có tiềm năng tiết kiệm năng lượng hiệu quả khi ứng dụng công nghệ mới, dây chuyền sản xuất mới và thông qua các chương trình tư vấn sử dụng năng lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương. Điển hình như sản xuất gạch ngói, gốm sứ, sản xuất giấy và bột giấy, dệt may, chế biến thực phẩm; trong đó, chí phí năng lượng trong ngành sản xuất gạch ngói chiếm từ 45-50% giá thành.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Tp. Hồ Chí Minh, khi ký kết hợp đồng thỏa thuận tự nguyện về sử dụng tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp sẽ hưởng nhiều lợi ích lâu dài và bền vững. Điển hình như doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng, các nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ cũng được Bộ Công Thương xem xét trong các gói hỗ trợ của chương trình.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về kĩ thuật, quảng bá thương hiệu, kiểm toán năng lượng, xác định các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, khi có kết quả tốt doanh nghiệp được cấp chứng nhận tham gia chương trình này. Đây chính là điều kiện tốt để các doanh nghiệp “ghi điểm” về bảo vệ môi trường, giảm thải khí nhà kính khi có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính.

Khi các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiết kiệm năng lượng theo các dự án của Bộ Công Thương, doanh nghiệp sẽ được Ngân hàng Thế giới tài trợ nguồn kinh phí đầu tư như hỗ trợ vay vốn 200 triệu USD và thưởng tối đa 30% khoản vốn vay khi tiết kiệm nguồn năng lượng như đã thỏa thuận.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện kiểm toán năng lượng/doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có mức tiêu thụ 3 triệu kWh/năm trở lên và hỗ trợ 50% kinh phí tư vấn khi triển khai áp dụng mô hình quản lý năng lượng, ông Lê Phú Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết.

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Các dự án, chương trình thỏa thuận tiết kiệm năng lượng không những giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất mà còn tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây là con đường để các doanh nghiệp khẳng định chỗ đứng trong xu thế hội nhập hiện nay.

Theo đại diện Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Miliket – Colusa, hiện nay nhờ việc theo dõi chặt chẽ điện năng tiêu thụ tại hệ thống lò hơi, các thiết bị sử dụng hơi, các dây chuyền sản xuất mì, phở và có những giải pháp khắc phục kịp thời nên mức tiêu thụ năng lượng tại khu vực này giảm nhiều, chỉ còn 59 kWh/tấn sản phẩm, thay vì 64 kWh/tấn sản phẩm như trước đây. Sự tiết giảm này cũng giúp cho giá thành sản phẩm của công ty thấp hơn, dễ cạnh tranh hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại khác.

Với doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, hệ thống làm lạnh phục vụ cho sản xuất và dự trữ chiếm khoảng 70% tổng năng lượng tiêu thụ. Do đó, thời gian qua, doanh nghiệp từng bước thay thế thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu tốn điện năng bằng thiết bị mới có khả năng tiết kiệm điện.

Đối với hệ thống chiếu sáng, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng hệ thống đèn Led tại các dây chuyền sản xuất, nhà kho, nhà xưởng… Những cải tiến này giúp doanh nghiệp giảm 8% điện năng tiêu thụ so với năm 2014.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn ứng dụng hệ thống điều hòa trung tâm, thường xuyên kiểm tra các thiết bị vận hành trong quy trình sản xuất và kịp thời xử lý nhanh chóng các sự cố gây tổn thất điện năng, ông Nguyễn Quốc Trí, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu cho biết.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, khi doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tuân thủ đúng quy trình tư vấn sử dụng năng lượng có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm từ 5-8% điện năng, điều này cũng đồng nghĩa giúp doanh nghiệp giảm từ 5-8% giá thành sản phẩm. Từ đó, các doanh nghiệp này có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và thế giới.

Trong năm 2014, cả nước tiêu thụ gần 149 tỷ kWh điện cho sản xuất và sinh hoạt; trong đó địa bàn Tp. Hồ Chí Minh chiếm 29 tỷ kWh. Khi các doanh nghiệp đồng loạt tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả sẽ giúp lượng điện tiêu thụ của cả nước có xu hướng giảm, cũng đồng nghĩa với giảm chi phí cho các chương trình bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính, mang lại lợi ích lớn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo tietkiemnangluong.com.vn