Hà Nội: Đẩy mạnh truyền thông về sản xuất sạch hơn

Công tác truyền thông được xác định là một trong những hoạt động quan trọng giúp triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội) đã xây dựng và đưa ra được nhiều giải pháp truyền thông hữu hiệu nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và các cơ quan, cán bộ quản lý trên địa bàn thành phố.

Thực hiện các  nhiệm vụ được Sở Công Thương giao, ECC Hà Nội đã tổ chức đa dạng các hình thức truyền thông: Xây dựng và phát hành các tờ rơi, tổ chức làm phóng sự phát trên đài truyền hình, thực hiện tuyên truyền trên các ấn phẩm báo giấy, báo mạng cũng như tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn trong những cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hội thảo tập huấn về sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp
Cụ thể, trong năm 2015, ECC Hà Nội đã xây dựng và phát hành 10.000 bộ tờ rơi giới thiệu những kiến thức cơ bản về việc triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất; kinh nghiệm từ các điển hình áp dụng SXSH thuộc các ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, giấy và bột giấy…. ECC Hà Nội cũng đã xây dựng 4 phóng sự về kết quả triển khai thực hiện chương trình hành động SXSH của các cơ sở sản xuất công nghiệp và làng nghề trên địa bàn thành phố. Phóng sự có nội dung chia sẻ những kinh nghiệm của các đơn vị đã áp dụng SXSH vào hoạt động sản xuất cũng như những kết quả đạt được.

Cùng với đó, trung tâm còn tổ chức 6 hội nghị, tập huấn hướng dẫn áp dụng SXSH cho gần 450 học viên là các cán bộ quản lý, phụ trách kỹ thuật của cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp chủ đạo như chế biến thực phẩm, đồ uống – nước giải khát, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, các cán bộ quản lý đang công tác tại các quận, huyện và các công ty điện lực của thành phố. Các chương trình hội nghị, tập huấn đều đi sâu vào giới thiệu về SXSH, những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp khi áp dụng, vấn đề tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Ngay tại hội nghị, tập huấn, học viên được giới thiệu về những mô hình trình diễn áp dụng SXSH, trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với các lãnh đạo doanh nghiệp đã áp dụng SXSH, qua đó có cái nhìn rõ nét, sinh động về hiệu quả đem lại cho doanh nghiệp khi áp dụng SXSH.

Theo sxsh.vn

Xuất khẩu cá tra: Hết thời cạnh tranh giá rẻ

Sau một thời gian phát triển quá nóng, hiện nay, cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm, kể cả sản xuất trong nước cũng như trên thị trường xuất khẩu.

Sau một thời gian phát triển quá nóng, nay cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm, kể cả sản xuất trong nước cũng như trên thị trường xuất khẩu. Đó là chi phí sản xuất cao, quá trình sản xuất chưa được tối ưu, sản phẩm chưa được gia tăng chế biến… nên cá tra Việt Nam đã bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt tại thị trường lớn EU.

Lãng phí quá nhiều trong sản xuất, chế biến 

Chế biến cá tra tại Công ty CP Gò Đàng tại khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh Vũ Sinh – TTXVN
Phát biểu trong hội thảo “Phát triển cá tra bền vững tại Việt Nam, các phân tích và khuyến nghị về chính sách” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức ngày 16/11, tại Hà Nội, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở Việt Nam, cho biết từ năm 2000 đến 2014, ngành cá tra đã phát triển khá nóng. Tính riêng giai đoạn 2002-2009, trị giá xuất khẩu cá tra mỗi năm tăng lên từ 2-3 lần. Trị giá xuất khẩu cá tra bắt đầu chững lại và bão hòa từ năm 2011.

Giá xuất khẩu cá tra liên tục giảm, năm 2002, giá xuất khẩu trung bình 3,11 USD/kg nhưng sau đó giảm, thậm chí năm nay chỉ còn ở mức 2,1 – 2,3 USD/kg. Vài năm trở lại đây, sản lượng cũng như giá bán cá tra trên thị trường không tăng. Trong chuỗi sản xuất, người nuôi cá lãi ít, thậm chí các hộ nuôi còn phải bù lỗ do giá bán dưới giá thành sản xuất (năm 2010).

Theo ông Lê Xuân Thịnh, do phát triển khá nóng trong những năm vừa qua nên sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm. Đó là chất lượng sản phẩm không ổn định và thiếu đồng nhất; nền sản xuất thiếu bền vững bởi chi phí sản xuất ngày càng gia tăng như điện, nước.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho cá tra xuất khẩu ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, điển hình là chi phí thức ăn. Hiện cơ cấu chi phí giá thành gồm nhiều loại như giống, thức ăn, hóa chất xử lý môi trường, thuốc, lãi vay ngân hàng và chi phí khác; trong đó, chi phí thức ăn chiếm tới 75-77%. Trong khi đó, có tới 80% thức ăn phải nhập khẩu mà chưa thể tự chủ được.

Một trong những vấn đề nổi cộm nữa hiện nay trong quá trình chế biến cá tra tại các doanh nghiệp là mức sử dụng nhiên liệu cao. Quy mô ngành trung bình khoảng 600 kW/tấn sản phẩm nhưng hiện đang có doanh nghiệp sử dụng tới 800 kW, cá biệt có doanh nghiệp sử dụng tới 1.500 kW/tấn sản phẩm. Hay như sử dụng nước trong chế biến cá tra, mức trung bình chỉ là 15 m3/tấn sản phẩm nhưng có doanh nghiệp sử dụng 26 – 30 m3/tấn.

“Có thể thấy hiện nay, ngành cá tra đang lãng phí nhiều tài nguyên từ khâu nuôi cho đến chế biến. Sự lãng phí trên còn gây hậu quả là nước thải, chất thải rắn trong chế biến cũng tăng cao.” – ông Lê Xuân Thịnh, cho hay.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, vấn đề cần quan tâm của ngành cá tra hiện nay là chất lượng sản phẩm không ổn định và thiếu đồng nhất; các tác động của môi trường và xã hội ngày càng rõ ràng; chi phí sản xuất ngày càng tăng, sản phẩm chế biến thấp, chủ yếu là phi lê. Điều này cho thấy một nền sản xuất vẫn thiếu bền vững.

Hết thời cạnh tranh giá rẻ 

Chế biến cá tra tại Công ty Hùng Cá ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN
TS. Siegfried Bank, chuyên gia tư vấn chính sách đến từ Đức cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu cá tra. Có thể nói EU không ảnh hưởng lớn về mặt thị trường nhưng những chính sách của EU có thể tác động đến nhiều thị trường, bởi các thị trường thường tham khảo các quy định của EU để quyết định việc nhập khẩu cá tra.

Thời gian gần đây, cá tra Việt Nam vào thị trường EU bị cạnh tranh mạnh bởi các loại cá thịt trắng khác. Thị trường sản xuất cá trắng ổn định hơn, giá rẻ hơn cá tra khiến cá tra Việt Nam vào thị trường EU bị ép giá. Do bị ép giá một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng thêm nước vào sản phẩm nhưng không khai báo, tỷ lệ mạ băng thấp hơn so với khai báo.

Việt Nam đang quyết tâm nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, điển hình như qua quy định mới về hàm lượng ẩm hay tỷ lệ mạ băng. Theo ông Siegfried Bank, thị trường EU không có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn này nhưng yêu cầu phải có khai báo, phải công bố khối lượng tịnh. Với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, của người tiêu dùng. Thị trường luôn mong muốn tỷ lệ mạ băng giảm, ít phụ gia.

Đánh giá về việc ngành cá tra phấn đấu các cơ sở nuôi phải áp dụng và được chứng nhận VietGAP về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt hoặc các chứng nhận phù hợp với quy định của Việt Nam, ông Siegfried Bank cho rằng, điều này sẽ giúp cá tra Việt Nam được truy xuất nguồn gốc sẽ dễ hơn. Đây sẽ là công cụ tốt để xây dựng một hình ảnh mới, nâng cao hình ảnh cá tra. Điều này sẽ thực sự tốt nếu đi liền với sản phẩm có chất lượng cao.

TS. Siegfried Bank cho rằng, Việt Nam không chỉ có các doanh nghiệp đã đạt chứng chỉ VietGAP mà còn có doanh nghiệp đạt chứng chỉ ASC. Các doanh nghiệp Việt Nam nên dừng cạnh tranh giá rẻ mà nên cạnh tranh giá cao. Việt Nam cần tạo sự khác biệt, đẳng cấp của sản phẩm cá tra. Tạo ra các sản phẩm cá tra khác nhau phục vụ các thị thị trường khác nhau, tương xứng với các mức giá của nó. Việt Nam nên từng bước có chiến lược đẩy chất lượng cũng như có các mức giá xứng đáng với chất lượng tiềm năng của cá tra trên thị trường.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, tiềm năng phát triển cá tra còn rất lớn và doanh nghiệp cần phải cắt giảm chi phí giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất áp dụng công nghệ mới và đặc biệt là xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam “xanh” và “ngon”.

Theo Bích Hồng/BNEWS – TTXVN

Chương trình kết nối mạng lưới SWITCH-ASIA: “Thúc đẩy sinh kế bền vững ở Châu Á thông qua sản xuất và tiêu dùng bền vững”

Từ 4-6 tháng 11 năm 2015 tại New Delhi (Ấn Độ), Liên minh Châu Âu thông qua Chương trình SWITCH-Asia đã tổ chức chương trình kết nối mạng lưới “Thúc đẩy sinh kế bền vững ở Châu Á thông qua Sản xuất và tiêu dùng bền vững”. Hơn 200 đại biểu từ hơn 17 nước Châu Á và các nước châu Âu bao gồm các đơn vị thực hiện dự án, các nhà làm chính sách từ các cơ quan của các nước, các chuyên gia đã tham gia vào sự kiện này.

SCP

Đại diện Chính phủ Ấn độ, Cơ quan hợp tác phát triển (Liên minh Châu Âu), UNEP cùng thực hiện nghi thức thắp đèn dầu khai mạc Hội nghị

Trong ba ngày làm việc các đại biểu đã được trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với các đại diện thực hiện các chương trình từ các nước châu Á khác nhau với các chủ đề:

  • Sinh kế và giảm nghèo: Đây là chương trình do EuropeAid tài trợ với mục tiêu giảm nghèo và cải thiện sinh kế. Năm 2015 đã được chọn là năm Châu Âu giành cho các mục tiêu phát triển nhằm nâng cao các hoạt động hỗ trợ của Châu Âu để thúc đẩy phát triển toàn cầu. Các đại biểu sẽ thảo luận để thúc đẩy Sản xuất và tiêu thụ bền vững (SCP), thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo ở các đô thị cũng như vùng nông thôn.
  • Các tác động của Chương trình Switch Asia trong hỗ trợ hình thành các chính sách: Phần này do Hợp phần hỗ trợ chính sách khu vực SWITCH-Asia Regional Policy Support Component (RPSC) do Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thực hiện để đánh giá khuynh hướng chính sách từ cấp độ toàn cầu tới khu vực và cơ hội thực hiện SCP trong khu vực Châu Á hướng tới Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
  • Tác động của SCP đến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu: Trong phần này các đại biểu sẽ được chia sẻ những thông tin mới nhất về biến đổi khí hậu ở Châu Á cũng như các ví dụ rất cụ thể về các công nghệ sử dụng ít các bon quy mô nhỏ được thực hiện trong các dự án do SWITCH-Asia tài trợ.
  • Thúc đẩy SCP trong giáo dục, đào tạo và chuyển giao các kỹ năng.

SCP1

 

Đại diện dự án GetGreen Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với các đại biểu quốc tế

Phía Việt Nam có đại diện của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi trường) và hai dự án Sống xanh Việt Nam (GetGreen) do TU Delft cùng VNCPC, AITVN thực hiện và Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững (SUPA) do VNCPC, WWF và VASEP thực hiện. Trong đó dự án GetGreen được lựa chọn để chia sẻ kinh nghiệm trong việc thay đổi thói quen người tiêu dùng hướng đến phát triển bền vững.

 

Kết thúc Hội nghị, đại diện cơ quan tài trợ Chương trình Switch Asia là Liên minh Châu Âu đã đánh giá rất cao hiệu quả của chương trình với 80 dự án đã được tài trợ. EU cũng đã gia hạn chương trình cho giai đoạn II từ năm 2014 – 2020 với cam kết tài trợ lên tới hơn 120 triệu euro.

 

Các dự án do EU tài trợ thông qua chương trình Switch Asia từ 2007 – 2014.

 

Nước thực hiện dự án Tên dự án Năm thực hiện Cơ quan thực hiện
Việt Nam “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao hiểu biết và thực hiện CSR nhằm tăng cường liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất bền vững” – CSR Vietnam 2/2019-4/2013 Chủ trì:UNIDOThực hiện: VCCI, LEFASO, Eurocham VN, VITAS, VEIA, ILSSA,….
Việt Nam Thúc đẩy sử dụng Năng lượng hiệu quả và tiết kiệm thông qua hỗ trợ Phát triển các Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam (MEET – BIS) 4/2009-9/2013 Chủ trì:ETC Hà LanThực hiện:

RCEE, VCCI,…

Việt Nam Sống và làm việc bền vững ở Việt Nam (GetGreen) 4/2012-3/2015 Chủ trì:TU Delft Hà LanThực hiện:

VNCPC, AITVN

Việt Nam Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở Việt Nam 4/2013-3/2017 Chủ trì:VNCPCThực hiện:

VASEP, WWF Áo, WWF VN

Việt Nam, Lào, Campuchia Đổi mới sản phẩm bền vững ở Việt Nam, Lào, Campuchia 4/2010-9/2014 Chủ trì:TU Delft Hà LanThực hiện:

VNCPC, AITVN, LNCCI, CCPO, UNEP

Việt Nam, Lào, Campuchia Thiết lập hệ thống sản xuất mây bền vững ở VN, Lào, Campuchia 1/2009-12/2011 Chủ trì:WWF ÁoThực hiện:

VNCPC, LNCCI, AAC.

Sản xuất sạch hơn tại Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Doximex)

Từ năm 2005, Doximex đã triển khai chương trình 5S dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản. Đây thực sự là công cụ quản lý nội vi dễ thực hiện nhưng đem lại hiệu quả lớn. 5S đã giúp loại bỏ tức thời các lãng phí như thời gian, không gian, nguyên vật liệu… và còn giúp tạo ra và duy trì nề nếp làm việc công nghiệp, đồng thời thúc đẩy khả năng sáng tạo của tất cả mọi người và tạo ra phong trào cải tiến liên tục trong công ty.

Từ năm 2012-2014, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được Doximex lựa chọn và áp dụng vào sản xuất và kinh doanh của công ty, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường, xã hội cho DN và cộng đồng với số tiền làm lợi lên đến trên 87 triệu đồng/mỗi năm nhờ áp dụng các cải tiến vào sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian gia công sản phẩm, tiết giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Doximex cũng áp dụng nhiều giải pháp khác nhằm tiết kiệm chi phí điện năng như lắp đặt biến tần cho các động cơ bơm nước, các động cơ trục chính, động cơ máy dệt…, thay thế lò hơi đốt than cũ bằng lò hơi lớn hơn và có hiệu suất cao hơn; thay thế một số bóng đèn cao áp thủy ngân công suất 250W có hiệu suất chiếu sáng thấp và tiêu tốn năng lượng bằng các đèn compact 75W tiết kiệm điện…

Sau khi được Trung tâm tiết kiệm năng lượng – Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ tư vấn áp dụng các giải pháp SXSH Dệt kim Đông Xuân bước đầu tiếp cận với phương pháp SXSH. Hiện tại tiềm năng để áp dụng SXSH của công ty còn rất lớn như: ngăn chặn lượng bụi phát sinh trong quá trình dệt bằng giải pháp cải tạo lại nền nhà xưởng, tạo hệ thống hút bụi ‘âm sàn’; tiến hành bọc bảo ôn cho đường ống, van… của hệ thống phân phối lò hơi trong xưởng tại xí nghiệm dệt; công ty chưa tận dụng nhiệt khí thải ra từ lò hơi, nước ngưng thu hồi chưa triệt để; công ty cũng chưa có kế hoạch điều chỉnh sản xuất tránh giờ cao điểm cho các thiết bị công suất lớn; tại khu vực dệt, lượng bụi phát sinh vẫn nhiều, chưa có giải pháp hiệu quả trong khi đó bụi phát sinh từ lò hơi đốt than thì DN đã xử lý bằng hệ thống xyclone nhưng chỉ hạn chế được lượng bụi có kích cỡ lớn còn một lượng đáng kể vẫn bị phát tán ra môi trường qua ống khói lò hơi cao 18m; lắp biến tần cho bơm dầu tải nhiệt công suất 30kW nhằm giảm lượng điện tiêu hao…”.

Để chương trình SXSH phát huy hiệu quả hơn nữa, các chuyên gia tư vấn của ECC Hà Nội cũng khuyến nghị Doximex nên có kế hoạch để từng bước triển khai đối với các hạng mục có đầu tư về chí phí và phải thực hiện ngay công tác tăng cường quản lý nội vi và bảo dưỡng thiết bị, máy móc định kỳ, đồng thời phải luôn cập nhật các chi phí sản xuất sao cho nằm trong định mức cho phép. Cuối cùng là công ty phải tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân cũng như liên tục theo dõi và duy trì các kết quả của chương trình SXSH.

Theo sxsh.vn

Bình Thuận: Tổ chức tư vấn, vận động doanh nghiệp tham gia đánh giá sản xuất sạch hơn năm 2016

Từ ngày 22-23/10/2015, Trung tâm Khuyến công tổ chức tư vấn, vận động các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài tham gia hoạt động đánh giá sản xuất sạch hơn năm 2016.
Đối tượng được lựa chọn vận đồng tham gia hoạt động đánh giá sản xuất sạch hơn năm 2016 là các doanh nghiệp sản xuất bột cá, sản xuất muối có sử dụng lò hơi trong hoạt động sản xuất.  Cụ thể là 04 doanh nghiệp sản xuất bột cá gồm: Công ty TNHH Kim Đào, Công ty TNHH Thiên Thuận Tường, DNTN Ánh Vinh , DNTN Kim Long và 01 doanh nghiệp chế biến mối là Công ty CP Muối và xây dựng Bình Thuận.

Qua kết quả làm việc, các doanh nghiệp đã được tư vấn về hoạt động đánh giá sản xuất sạch hơn và chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động đánh giá sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp qua công tác tư vấn mới hiểu rõ, đầy đủ hơn về hoạt động sản xuất sạch hơn đem lại hiệu quả thiết thực trong việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu trong quá trình sản xuất ….

Ngoài ra, qua công tác tư vấn sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công đã phát hiện một số doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư phù hợp với chính sách khuyến công và đã hướng dẫn các doanh nghiệp về thủ tục, hồ sơ để tiếp cận.

Theo sxsh.vn

Để sản xuất, tiêu thụ thực sự bền vững

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định về sản xuất và tiêu thụ bên vững. Tuy nhiên để sản xuất sạch, tiêu dùng xanh thực sự đi vào cuộc sống thì rất cần sự chung sức, chung lòng của toàn xã hội và các cơ quan quản lý.

Để sản xuất, tiêu thụ thực sự bền vững

Vừa qua, Chính phủ đã ban Nghị định số 19/2015 ngày 14/2/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014. Theo đó, “Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận nhãn sinh thái” thân thiện với môi trường.

Theo Điều 1 của Thông tư số 41/2013 ngày 2/12/2013 quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường, nhãn sinh thái gắn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường được gọi là Nhãn xanh Việt Nam. Theo quy định này, để được cấp chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, các DN phải đáp ứng tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Đến nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một số tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam cho 5 nhóm sản phẩm gồm ắc quy, giấy văn phòng, sơn phủ dùng cho xây dựng, máy in, máy tính xách tay. Để được cấp Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm của mình, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ đăng ký theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 41/2013 và gửi cho Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chính sách ưu đãi và hỗ trợ

Chính phủ đã có một số cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo quy định của Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 19/2015 của Chính phủ thì các dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước và không quá 70% tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

Nghị định số 19/2015 cũng quy định DN được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế xuất khẩu đối với các DN sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời nghị định cũng đưa ra điều khoản quy định đối với việc các cơ quan phải ưu tiên mua sắm công là các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng như công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm thân thiện môi trường của các tổ chức, DN được hạch toán vào chi phí sản xuất của đơn vị đó.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Theo ông Dương Văn Mạnh đến từ Dự án GetGreen Việt Nam thuộc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, các quy định về ưu đãi hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường phức tạp, chưa cụ thể, rõ ràng và khó thực thi nên các DN không có động lực để thực hiện các thủ tục gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm. Mặt khác, các DN Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc đầu tư, sử dụng công nghệ, phương thức quản lý và áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp để đầu tư sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu gắn Nhãn xanh Việt nam, đấy còn chưa nói đến là các tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam còn rất hạn chế về mặt số lượng. Do vậy các quy định hướng dẫn ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cần cụ thể, minh bạch, dễ tiếp cận, nhằm khuyến khích các DN tham gia đầu tư trong lĩnh vực này.

Trong xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa về kinh tế, tương lai không xa các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và nguy cơ mất thị phần không chỉ trên thị trường quốc tế mà cả ở trong nước nếu không thay đổi kịp thời để đáp ứng  yêu cầu của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về nhập khẩu cũng như yêu cầu của thị trường về sản phẩm thân thiện đối với môi trường. Trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần có kế hoạch và thực hiện việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN, người tiêu dùng và người dân, nhằm định hướng sự lựa chọn mua sản phẩm đã được gắn Nhãn xanh Việt Nam, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo Thu Lâm – ven.vn