Cần Thơ xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái

Cùng với Đà Nẵng và Ninh Bình, TP. Cần Thơ là một trong 3 địa phương của cả nước tham gia dự án “Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Đây được xem là bước “chuyển mình” của Cần Thơ trong việc giải quyết những thách thức về môi trường hiện nay tại các khu công nghiệp (KCN), doanh nghiệp (DN).

Hiện Cần Thơ có 8 KCN tập trung, thu hút 212 dự án với tổng vốn đăng ký 1,9 tỷ USD, vốn đầu tư đã thực hiện 842 triệu USD. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường quanh các KCN, đặc biệt là KCN Trà Nóc (1 và 2) ngày càng gia tăng, gây bức xúc cho nhiều người dân. Trước thực trạng trên, yêu cầu cải thiện môi trường tại các KCN, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn được UBND TP. Cần Thơ đánh giá là một trong những nhiệm vụ cấp bách cần sớm thực hiện.Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái, hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” với mục tiêu tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý KCN sinh thái, nâng cao trình độ kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít khí carbon; áp dụng phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN và DN trong KCN được xem là cơ hội cho Cần Thơ trong việc từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN.

Theo đó, Cần Thơ đã lựa chọn 2 KCN tham gia dự án là KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2. Phần lớn các DN tại KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 đều hoạt động trong ngành chế biến thủy sản, thực phẩm nên sử dụng nhiều năng lượng. PGS.TS Trần Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam cho biết: “Kết quả đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia dự án thực hiện tại nhóm 16 DN đang hoạt động tại 2 KCN này cho thấy, toàn bộ các DN được khảo sát đều có tiềm năng thực hiện chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái gắn với sản xuất sạch hơn. Mức tiết kiệm được ước tính với điện năng từ 5-30%, nước từ 5-20%. Nếu thực hiện chuyển đổi thành công, các DN được hưởng lợi đáng kể thông qua cắt giảm chi phí sản xuất và qua đó cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của mình”.

Còn theo ông Trần Minh Kiệt, Phó Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, tham gia vào dự án là cơ hội rất tốt để TP. Cần Thơ tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ, phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước, phương thức quản lý tốt hóa chất tại các KCN. Các hoạt động hỗ trợ DN về sản xuất sạch hơn, cho vay vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ được xem là sự hỗ trợ rất kịp thời và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp DN có nhiều cơ hội và khả năng đổi mới công nghệ hiện tại để tiết kiệm năng lượng và chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: KCN sinh thái là mô hình mới, lần đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam. Tại các KCN triển khai thực hiện dự án, các công ty hợp tác với nhau và với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động tới môi trường và giảm chi phí sản xuất. Việc chuyển đổi các KCN thông thường thành KCN sinh thái sẽ được thực hiện trước hết ở phạm vi DN, thông qua hoạt động đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chất thải nguy hại, các chất gây ô nhiễm nước và hóa chất.
Theo ven.vn

Năng suất tăng nhờ áp dụng chương trình sản xuất sạch vào ngành may

Các doanh nghiệp may áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng hơn qua đó góp phần làm tăng năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại dệt may từ các khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, Đông Âu, Nam Tây Âu… sang các nước sản xuất dệt may châu Á khá rõ nét. Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh giữa các nước châu Á cũng rất khốc liệt. Thêm vào đó các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường, chống bán phá giá… từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Tây Âu mỗi ngày một thêm phức tạp. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đã ý thức được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chú ý chương trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều có trang web, giao dịch qua e-mail, áp dụng các phần mềm quản lý và phần mềm nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thiết kế và sản xuất sản phẩm.

Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, lấy xuất khẩu làm trọng tâm, ngành dệt may nỗ lực nghiên cứu áp dụng các công nghệ, nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm dệt có tính năng khác biệt. Áp dụng các phần mềm trong thiết kế, quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm dệt may.

Chẳng hạn, Trước đây, trong ngành nhuộm vải khách phải đem mẫu tới cho nhuộm thử, doanh nghiệp gửi trả mẫu khách duyệt mới tiến hành làm đại trà. Quy trình này chiếm hết cả tuần. Giờ nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp có thể làm việc với khách hàng qua mạng và nhuộm thử mẫu trên máy, khách đồng ý là có thể tiến hành sản xuất.

Bên cạnh đó, các chương trình sản xuất tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp tập trung hơn vào năng suất, chất lượng sản phẩm. Là một trong những doanh nghiệp ngành dệt may tiên phong đầu tư, sử dụng những sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường, Tổng công ty CP dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã đầu tư gần 223,5 triệu đồng lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện cho máy may 3S. Ưu điểm của thiết bị này giúp giảm công suất động cơ lúc hoạt động không tải, đồng thời động cơ luôn hoạt động trong tình trạng tối ưu, hiệu suất cao và tiết kiệm điện trong suốt quá trình thấp tải.

Tương tự, Công ty May Tiên Hưng (Hưng Yên) đã lắp đặt 2 bơm nhiệt để thay thế lò hơi; sử dụng 35 đèn LED thay thế đèn compact; lắp đặt biến tần cho hệ thống bơm… Các thiết bị này đã giúp công ty tiết giảm được 177,6 triệu đồng/năm chi phí năng lượng.

Hai công ty nói trên chỉ là hai trong nhiều công ty áp dụng chương trình sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, nhờ đó mà công ty hoạt động trong tình trạng tối ưu, đạt hiệu suất và năng suất, chất lượng cao.

Việc đầu tư cho các sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường không phải lúc nào cũng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài nhưng lợi ích mang lại vô cùng lớn. Lợi ích này không chỉ đơn thuần giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong sản xuất, mà còn chung tay góp phần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành dệt may.

Theo sxsh.vn

Những điểm sáng đổi mới công nghệ ở Thanh Hóa

Nếu ai đã từng đi qua xã Vạn Thắng (Nông Cống – Thanh Hoá) từ năm 2013 trở về trước chắc hẳn chưa thể quên hình ảnh khói nghi ngút xả ra từ ống khói khu vực sản xuất của công ty CP giấy Lam Sơn, vậy mà với sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp (DN), Giấy Lam Sơn đã hoàn toàn kiểm soát được nguồn ô nhiễm, đồng thời  nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín DN. 

Những điểm sáng đổi mới công nghệ ở Thanh Hóa

Ông Lê Trọng Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Năm 2013 trở về trước, do sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, không có hệ thống lọc khí trước khi thải ra môi trường nên tình trạng ô nhiễm môi trường không khí khu vực xã Vạn Thắng do Công ty CP Giấy Lam Sơn gây ra khiến người dân rất bức xúc. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các sở , ban, ngành của tỉnh và sự hỗ trợ tài chính thông qua Tổ chức Tín dụng xanh của Chính phủ Thụy Sỹ (SECO), công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống nồi hơi tầng sôi công nghệ Nhật Bản và tháng 3/2014 dây chuyền mới đã đi vào vận hành”.

Với nguyên lý hoạt động sử dụng các phế phẩm trong nông lâm nghiệp làm nhiên liệu như: mùn cưa, bã mía, củi, lõi ngô… và hệ thống lọc khí hiện đại, đơn vị không những tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn kiểm soát được nguồn phát thải gây ô nhiễm, chất lượng sản phẩm và uy tín của DN cũng vì thế được nâng lên. Việc đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường đã giúp đơn vị ổn định sản xuất, sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập của người lao động năm 2014 tăng 10% so với năm 2013.

Trong khi đó, tại Công ty Liên doanh phân bón Hữu Nghị, với việc chủ động áp dụng công nghệ sạch ngay từ khi đầu tư dự án nên không những công ty tiết giảm được chi phí sản xuất mà chất lượng sản phẩm cũng vượt trội so với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Theo đó, năm 2008, sau khi thành lập, công ty đã liên doanh với Nhật Bản đầu tư công nghệ sản xuất phân bón hiện đại – công nghệ hóa lỏng urê và tạo hạt bằng hơi nước. Ưu điểm vượt trội của công nghệ này là sử dụng nhiệt độ, áp suất cao cho các nguyên liệu nóng chảy kết dính với nhau. Do đó không cần sử dụng các chất phụ gia vốn làm chai hóa, bạc màu và ô nhiễm  đất. Công nghệ mới này cũng giúp hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón được nâng cao tới 40-60%, đáp ứng tối đa nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng. Toàn bộ hệ thống dây chuyền được vận hành tuần hoàn, khép kín nên có thể tái sử dụng 90% nguồn chất thải, giảm phát thải ra không khí gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động, tiết kiệm được chi phí. Với chất lượng ổn định, sản phẩm của công ty luôn có lợi thế cạnh tranh trên thương trường.

Để các DN trên địa bàn tỉnh thay đổi nhận thức và áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH), ông Lê Trọng Hân cho biết thêm: Sở Công Thương đã và đang triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp”, trong đó đã tổ chức các khóa tập huấn nâng cao khả năng áp dụng SXSH cho các nhóm ngành: Chế biến thủy hải sản, nông sản, thực phẩm; dệt may, giầy da; chế biến lâm sản, thủ công mỹ nghệ; vật liệu xây dựng, khai khoáng…. Tuy nhiên, do việc huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và Trung ương khó khăn, nên đề án mới chỉ dừng lại ở việc triển khai về mặt nhận thức, chưa có dự án cụ thể nào ở địa phương nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ.

Theo Minh Kỳ – ven.vn

Bến Tre nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, sản xuất sạch hơn (SXSH) được tỉnh Bến Tre xem là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao sức cạnh tranh, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn.

Bến Tre nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Ông Trần Văn Đấu – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết: “Với lợi thế là địa phương được Hợp phần SXSH trong công nghiệp – Bộ Công Thương chọn là 1 trong 5 tỉnh để xây dựng các mô hình trình diễn, thông qua các mô hình này mà nhiều DN của Bến Tre đã hiểu và áp dụng SXSH, năng lực của đội ngũ cán bộ cũng được nâng lên, và sau khi hợp phần này kết thúc vào năm 2011 thì đến nay công tác SXSH của chúng tôi vẫn thường xuyên được duy trì, nhân rộng. Nhiều DN nhờ áp dụng SXSH đã nâng cao sức cạnh tranh, trở thành DN xuất khẩu uy tín không chỉ của địa phương mà của cả ngành công thương.”

Công ty TNHH MTV Chế biến dừa Lương Quới trong nhiều năm qua đã đi đầu trong việc áp dụng mô hình SXSH và nằm trong top I các DN xuất khẩu các sản phẩm dừa của Bến Tre và là DN xuất khẩu uy tín năm 2011 do Bộ Công Thương bình chọn.

Theo đó công ty đã áp dụng SXSH tại nhà máy nhằm đạt 6 mục tiêu: giảm tiêu thụ nước 30%; giảm tiêu thụ điện 4%; giảm tiêu thụ trấu nhiên liệu thông qua việc giảm tiêu thụ hơi từ 10-15%; đầu tư lò hơi đốt gáo dừa để tận thu than hoạt tính tiết kiệm được 1,4 tỷ đồng mỗi năm; cải thiện, nâng cấp nhà xưởng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng của hệ thống quản lý ISO 22.000: 2005, và cuối cùng là xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Sau hơn 3 năm triển khai (từ năm 2008) áp dụng mô hình SXSH, kết quả kinh doanh của công ty có nhiều chuyển biến tích cực nhờ việc cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất, môi trường làm việc và cả về tổ chức quản lý. Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc DN mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận… như Lương Quới cũng là một cách thay đổi mình để ứng phó với khủng hoảng tốt hơn.

Trong khi đó, Công ty CP Mía đường Bến Tre nhờ áp dụng các giải pháp SXSH đã giảm tiêu thụ điện năng là 94,77Mwh/năm, sản lượng đường tăng thêm 131,41 tấn đường/năm, đồng thời loại bỏ hoàn toàn lượng nước thải phát sinh tại công đoạn giặt vải sau lọc, nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

Cũng theo ông Đấu, hiện rất nhiều DN của Bến Tre đã nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh nhờ tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu thông qua áp dụng các giải pháp SXSH như Công ty TNHH Ngọc Lan Bến Tre – giảm tiêu thụ 536m3 củi/năm và giảm phát thải CO2 ra môi trường, giảm thiểu 50% chất thải rắn do hết sản phẩm cháy khét, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân do giảm được nhiệt độ môi trường của xưởng cô đặc từ 38-450C xuống còn 30-350C; Công ty TNHH Vĩnh Tiến giảm tiêu thụ điện được 48.000kWh/năm – tương đương với giảm phát thải 34,5 tấn C02/năm, giảm tiêu thụ củi 540m3/năm – tương đương với 291 tấn C02/năm….

Có thể nhận thấy, thông qua SXSH, trình độ quản lý, quản trị DN và năng lực hoạt động của các DN đã từng bước được nâng lên. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm của DN đã được nâng cao, giá thành sản xuất giảm nhờ tiết kiệm chi phí nguyên nhiên vật liệu, năng lượng đầu vào cho sản xuất…

Theo Thu Hường – ven.vn

Trở ngại trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn

Thực hiện Quyết định số 1419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”, các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai các nội dung của Chiến lược và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã bộc lộ một số khó khăn trong việc đưa hoạt động Sản xuất sạch hơn (SXSH) tiếp cận với doanh nghiệp.

Sản xuất sạch hơn là một cách tiếp cận chủ động mang lại lợi ích về kinh tế, cải thiện môi trường làm việc, giảm ô nhiễm trong sản xuất. Từ những năm 1998, Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và áp dụng thử nghiệm ở một số cơ sở sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như ngành sản xuất giấy, dệt may, thủy sản, mía đường….và đã thu được nhiều hiệu quả tích cực. Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg. Đây là cơ sở pháp lý và là định hướng chỉ đạo quốc gia yêu cầu tất cả các địa phương trên cả nước áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.Thực hiện chỉ đạo này, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình sản xuất và đã thu được nhiều kết quả tích cực như Công ty CP Dược phẩm Tipharco (tiết kiệm nước 28%, điện giảm 30%), doanh nghiệp tư nhân SD nhờ đổi mới công nghệ đã rút ngắn thời gian sản xuất 10%, giảm 60% điện sử dụng cho các thiết bị chiếu sáng, giảm 50% lượng nước thải công nghiệp. Mặc dù vậy, mức độ áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp chưa cao. Theo báo cáo tổng kết của Sở Công Thương một số tỉnh, ước tính chỉ có khoảng 11% doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Ngay cả những địa phương có điều kiện thuận lợi tiếp cận về thông tin và công nghệ cũng như sẵn có nguồn lực hỗ trợ như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh thì cũng chỉ có 25% số doanh nghiệp thực sự áp dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất.

Thực tế khi triển khai Chiến lược, có khá nhiều trở ngại mà các địa phương đã nêu ra, có thể phân loại theo các nhóm như sau:

Thứ nhất, rào cản về nhận thức của doanh nghiệp: Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó tiếp cận SXSH đối với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng SXSH chỉ đơn thuần liên quan đến vệ sinh môi trường. Do đó lãnh đạo doanh nghiệp gần như không quan tâm thậm chí còn cho rằng SXSH có thể gây tốn kém thêm cho doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, một tâm lý nữa của các doanh nghiệp là không muốn thay đổi vì cho rằng doanh nghiệp của họ vẫn hoạt động tốt mà không cần bất cứ sự can thiệp nào khác.

Thứ hai, rào cản kỹ thuật: Hoạt động triển khai SXSH phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ. Vì vậy yếu tố kỹ thuật là một rào cản trong quá trình này đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với hạn chế về năng lực kỹ thuật, tiếp cận thông tin kỹ thuật và cập nhật công nghệ. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ này, hạn chế về mặt kỹ thuật không chỉ ở năng lực, kinh nghiệm của công nhân mà còn là trình độ kỹ thuật giám sát điều khiển và cải tiến công nghệ. Cùng với đó là tiếp cận thông tin kỹ thuật về những thành công về giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu và các kỹ thuật tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp loại này vẫn sản xuất với công nghệ cũ, truyền thống dẫn đến không tối ưu hóa được nguyên liệu đầu vào mà lại phát thải cao. Mặt khác, hướng dẫn kỹ thuật thực hiện SXSH cho các ngành sản xuất còn chưa đầy đủ (ví dụ: nhiều doanh nghiệp sản xuất cao su, chế biến cà phê quan tâm đến SXSH nhưng hiện chưa có tài liệu hướng dẫn cho các ngành này), nên các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong vận dụng vào quy trình sản xuất.

Thứ ba, rào cản kinh tế: Đối với các doanh nghiệp sản xuất, họ thường có xu hướng tập trung vào công đoạn bán hàng hơn là đầu tư công nghệ, thiết bị mới để giảm chi phí trong sản xuất. Hơn nữa, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chi phí đầu tư cho công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu thường lớn so với khả năng của doanh nghiệp và thời gian hoàn vốn dài, vì vậy các doanh nghiệp cũng khó có thể áp dụng giải pháp đầu tư công nghệ mới.

Để giải quyết những rào cản này qua đó góp phần thực hiện thành công chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Trong giai đoạn 2016 -2010, Bộ Công Thương và các Sở Công Thương cần tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp như nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về SXSH trên bằng các hình thức tuyên truyền, nhân rộng áp dụng các mô hình điển hình thành công, khẩn trương xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật SXSH đặc thù cho từng ngành, cũng như bố trí, phân bổ kinh phí ở địa phương cho phù hợp vàcó cơ chế hỗ trợ phù hợp hơn cho các doanh nghiệp.

Theo sxsh.vn 

Đốt rác bằng công nghệ plasma

TPHCM hiện đang nghiên cứu, xem xét dự án đầu tư xử lý chất thải bằng công nghệ plasma của Công ty Trisun Green Energy (Úc), vốn đầu tư khoảng 520 triệu USD. Đây được coi là công nghệ tiên tiến, có khả năng xử lý triệt để các chất độc hại và tái sinh năng lượng.

 Công nghệ tiên tiến

Tuy nhiên, dự án chỉ được cho là khả thi nếu đáp ứng hiệu quả về mặt kinh tế cũng như phù hợp với khả năng ngân sách của thành phố. Trước đây, đã có không ít dự án đốt rác phát điện muốn đầu tư vào thành phố nhưng chưa thể triển khai vì lý do này. Theo tiến sĩ (TS) Trần Ngọc Đảm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, xử lý rác bằng công nghệ plasma là công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay (hiện Việt Nam chưa có công nghệ này): Dùng hệ thống đèn plasma đốt đưa nhiệt độ lên cao 3.000°C – 7.000°C trong điều kiện thiếu oxy tiêu hủy các loại chất thải. Trên thực tiễn, công nghệ plasma khắc phục được hầu hết các hạn chế trong các phương pháp xử lý chất thải khác trước đây như chôn lấp hay phương pháp đốt truyền thống.Ưu điểm dễ thấy nhất của công nghệ này là xử lý triệt để tất cả các loại chất thải mà không phát sinh khói hoặc chất thải khác phải xử lý tiếp. Sản phẩm sau khi xử lý có tính trơ (xỉ thải chứa 2% – 4% thủy tinh hóa lành tính), thỏa mãn hầu hết các yêu cầu của tiêu chuẩn môi trường thế giới. Sau khi đốt một tấn rác thải, lò đốt sẽ thu được khoảng 1.200m³ khí syngas trong khi lượng khí thải rất thấp, chỉ khoảng 120m³ CO2 so với 6.000m³ khi đốt bằng lò thường. Các loại nhiên liệu khí tổng hợp này có thể tạo ra năng lượng dùng cho nhà máy hoặc các nhu cầu công nghiệp khác. Ước tính, mỗi tấn rác sau quá trình khí hóa plasma sẽ tạo ra khoảng 815kW điện, cao hơn từ 20% – 50% sản lượng điện so với bất kỳ công nghệ mới nào tạo ra điện. Hơn nữa, năng lượng tái tạo có thể dùng để vận hành cơ sở khí hóa plasma và giảm được số lượng lớn khí CO2, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.

Hơn nữa, các lò đốt plasma có thiết kế nhỏ gọn nên chỉ sử dụng quỹ đất rất nhỏ, bằng khoảng 1/10 so với một số nhà máy xử lý rác khác. Trong điều kiện đất đô thị ngày càng bị thu hẹp phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, các lò đốt plasma phát huy được tính hiệu quả cao. Do vậy, hiện lò đốt plasma đang được ưu tiên sử dụng tại các quốc gia như Mỹ, Israel, Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan và bắt đầu được đưa vào châu Âu, Trung Quốc. Nước Mỹ dự tính, trong vòng 10 năm tới đây, nhờ công nghệ plasma sẽ đáp ứng được 50% nhu cầu về nhiên liệu lỏng nhân tạo và 20% năng lượng từ những nguồn tái tạo.

Cân nhắc tính hiệu quả

Trong xu thế đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài giới thiệu công nghệ plasma tại TPHCM đáng để thành phố xem xét. Bởi cho đến nay, TPHCM vẫn chưa có dự án nhà máy đốt rác phát điện nào triển khai, chỉ có bãi rác Gò Cát và Đa Phước là có hạng mục sản xuất điện từ khí phát sinh từ bãi rác. Đồng nghĩa, gần 80% rác thải được xử lý bước đầu và mang đi chôn lấp. Trong khi ở nước ngoài, rác lại là tài nguyên có thể tái chế được.

Theo TS Phan Minh Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM, rào cản lớn nhất hiện nay đối với các dự án đốt rác bằng công nghệ plasma khi đầu tư vào TPHCM nằm ở giá trị đầu tư ban đầu khá lớn, buộc các chủ đầu tư phải kéo chi phí xử lý rác lên cao. Đơn giá mà hầu hết các chủ đầu tư công nghệ plasma đưa ra là 32USD/tấn cho rác sinh hoạt và 60USD/tấn cho bùn thải. Mức giá này tuy bằng với mức giá chung của thế giới, nhưng cao hơn rất nhiều chi phí mà thành phố chi trả cho các dự án xử lý rác khác, vốn áp dụng mức giá chỉ 17 – 21USD/tấn.

Để gỡ nút thắt này, các chuyên gia kiến nghị thành phố có thể xem xét thực hiện Quyết định 31 của Thủ tướng Chính phủ (năm 2014) như là một phương cách để giải bài toán bù trừ chi phí xử lý. Cụ thể, đối với dự án đốt chất thải rắn trực tiếp, ngành điện sẽ có trách nhiệm ký hợp đồng mua điện liên tục trong 20 năm (với giá mua điện tương đương 2.114 đồng/kWh) đối với dự án đốt chất thải rắn trực tiếp. Theo tính toán, nếu thành phố thương lượng giữ kinh phí như hiện tại mà ngân sách trả cho chi phí xử lý rác (khoảng 20USD/tấn), đồng thời áp theo giá điện mới, một lò đốt có quy mô 1.000 tấn/ngày, sau khi trừ chi phí vận hành vẫn có khả năng thu lời gần 300 tỷ đồng/năm và hoàn vốn trong vòng 10 – 15 năm.

Tuy nhiên, ngược lại quá trình đầu tư vận hành lò đốt plasma, yếu tố an toàn cũng cần được các chủ đầu tư cam kết. Theo lý giải của một đại diện thuộc Sở KH-CN TPHCM, trong quá trình vận hành không phải không có những rủi ro. Công nghệ plasma còn rất mới mẻ và nhân lực trong nước hiểu về công nghệ này chưa nhiều. Chủ đầu tư phải có lộ trình đào tạo nhân lực trong nước có trình độ để tham gia vận hành lò đốt.

Vị chuyên gia này kỳ vọng, nếu giải quyết tốt bài toán đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư và nguồn nhân lực vận hành nhà máy như đã nói, thành phố hoàn toàn có thể xem xét cho phép đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ plasma. Bởi công nghệ plasma vẫn đang là công nghệ tiên tiến nhất trong xử lý rác thải hiện nay.

Theo sxsh.vn