Xuất khẩu cá tra: Hết thời cạnh tranh giá rẻ

Sau một thời gian phát triển quá nóng, hiện nay, cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm, kể cả sản xuất trong nước cũng như trên thị trường xuất khẩu.

Sau một thời gian phát triển quá nóng, nay cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm, kể cả sản xuất trong nước cũng như trên thị trường xuất khẩu. Đó là chi phí sản xuất cao, quá trình sản xuất chưa được tối ưu, sản phẩm chưa được gia tăng chế biến… nên cá tra Việt Nam đã bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt tại thị trường lớn EU.

Lãng phí quá nhiều trong sản xuất, chế biến 

Chế biến cá tra tại Công ty CP Gò Đàng tại khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh Vũ Sinh – TTXVN
Phát biểu trong hội thảo “Phát triển cá tra bền vững tại Việt Nam, các phân tích và khuyến nghị về chính sách” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức ngày 16/11, tại Hà Nội, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở Việt Nam, cho biết từ năm 2000 đến 2014, ngành cá tra đã phát triển khá nóng. Tính riêng giai đoạn 2002-2009, trị giá xuất khẩu cá tra mỗi năm tăng lên từ 2-3 lần. Trị giá xuất khẩu cá tra bắt đầu chững lại và bão hòa từ năm 2011.

Giá xuất khẩu cá tra liên tục giảm, năm 2002, giá xuất khẩu trung bình 3,11 USD/kg nhưng sau đó giảm, thậm chí năm nay chỉ còn ở mức 2,1 – 2,3 USD/kg. Vài năm trở lại đây, sản lượng cũng như giá bán cá tra trên thị trường không tăng. Trong chuỗi sản xuất, người nuôi cá lãi ít, thậm chí các hộ nuôi còn phải bù lỗ do giá bán dưới giá thành sản xuất (năm 2010).

Theo ông Lê Xuân Thịnh, do phát triển khá nóng trong những năm vừa qua nên sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm. Đó là chất lượng sản phẩm không ổn định và thiếu đồng nhất; nền sản xuất thiếu bền vững bởi chi phí sản xuất ngày càng gia tăng như điện, nước.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho cá tra xuất khẩu ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, điển hình là chi phí thức ăn. Hiện cơ cấu chi phí giá thành gồm nhiều loại như giống, thức ăn, hóa chất xử lý môi trường, thuốc, lãi vay ngân hàng và chi phí khác; trong đó, chi phí thức ăn chiếm tới 75-77%. Trong khi đó, có tới 80% thức ăn phải nhập khẩu mà chưa thể tự chủ được.

Một trong những vấn đề nổi cộm nữa hiện nay trong quá trình chế biến cá tra tại các doanh nghiệp là mức sử dụng nhiên liệu cao. Quy mô ngành trung bình khoảng 600 kW/tấn sản phẩm nhưng hiện đang có doanh nghiệp sử dụng tới 800 kW, cá biệt có doanh nghiệp sử dụng tới 1.500 kW/tấn sản phẩm. Hay như sử dụng nước trong chế biến cá tra, mức trung bình chỉ là 15 m3/tấn sản phẩm nhưng có doanh nghiệp sử dụng 26 – 30 m3/tấn.

“Có thể thấy hiện nay, ngành cá tra đang lãng phí nhiều tài nguyên từ khâu nuôi cho đến chế biến. Sự lãng phí trên còn gây hậu quả là nước thải, chất thải rắn trong chế biến cũng tăng cao.” – ông Lê Xuân Thịnh, cho hay.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, vấn đề cần quan tâm của ngành cá tra hiện nay là chất lượng sản phẩm không ổn định và thiếu đồng nhất; các tác động của môi trường và xã hội ngày càng rõ ràng; chi phí sản xuất ngày càng tăng, sản phẩm chế biến thấp, chủ yếu là phi lê. Điều này cho thấy một nền sản xuất vẫn thiếu bền vững.

Hết thời cạnh tranh giá rẻ 

Chế biến cá tra tại Công ty Hùng Cá ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN
TS. Siegfried Bank, chuyên gia tư vấn chính sách đến từ Đức cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu cá tra. Có thể nói EU không ảnh hưởng lớn về mặt thị trường nhưng những chính sách của EU có thể tác động đến nhiều thị trường, bởi các thị trường thường tham khảo các quy định của EU để quyết định việc nhập khẩu cá tra.

Thời gian gần đây, cá tra Việt Nam vào thị trường EU bị cạnh tranh mạnh bởi các loại cá thịt trắng khác. Thị trường sản xuất cá trắng ổn định hơn, giá rẻ hơn cá tra khiến cá tra Việt Nam vào thị trường EU bị ép giá. Do bị ép giá một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng thêm nước vào sản phẩm nhưng không khai báo, tỷ lệ mạ băng thấp hơn so với khai báo.

Việt Nam đang quyết tâm nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, điển hình như qua quy định mới về hàm lượng ẩm hay tỷ lệ mạ băng. Theo ông Siegfried Bank, thị trường EU không có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn này nhưng yêu cầu phải có khai báo, phải công bố khối lượng tịnh. Với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, của người tiêu dùng. Thị trường luôn mong muốn tỷ lệ mạ băng giảm, ít phụ gia.

Đánh giá về việc ngành cá tra phấn đấu các cơ sở nuôi phải áp dụng và được chứng nhận VietGAP về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt hoặc các chứng nhận phù hợp với quy định của Việt Nam, ông Siegfried Bank cho rằng, điều này sẽ giúp cá tra Việt Nam được truy xuất nguồn gốc sẽ dễ hơn. Đây sẽ là công cụ tốt để xây dựng một hình ảnh mới, nâng cao hình ảnh cá tra. Điều này sẽ thực sự tốt nếu đi liền với sản phẩm có chất lượng cao.

TS. Siegfried Bank cho rằng, Việt Nam không chỉ có các doanh nghiệp đã đạt chứng chỉ VietGAP mà còn có doanh nghiệp đạt chứng chỉ ASC. Các doanh nghiệp Việt Nam nên dừng cạnh tranh giá rẻ mà nên cạnh tranh giá cao. Việt Nam cần tạo sự khác biệt, đẳng cấp của sản phẩm cá tra. Tạo ra các sản phẩm cá tra khác nhau phục vụ các thị thị trường khác nhau, tương xứng với các mức giá của nó. Việt Nam nên từng bước có chiến lược đẩy chất lượng cũng như có các mức giá xứng đáng với chất lượng tiềm năng của cá tra trên thị trường.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, tiềm năng phát triển cá tra còn rất lớn và doanh nghiệp cần phải cắt giảm chi phí giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất áp dụng công nghệ mới và đặc biệt là xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam “xanh” và “ngon”.

Theo Bích Hồng/BNEWS – TTXVN