Việt Nam và những cam kết ở COP-21

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) diễn ra từ ngày 30-11 đến 11-12 tại Paris đặt mục tiêu đi đến một hiệp định quốc tế về khí hậu có hiệu lực từ năm 2020, nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 20C vào cuối thế kỷ 21.

Biến đổi khí hậu gây hạn hán ở Ninh Thuận -Thuận Thắng
Biến đổi khí hậu gây hạn hán ở Ninh Thuận -Thuận Thắng

Để chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo hiệp định quốc tế về khí hậu này, các quốc gia được yêu cầu trình nộp báo cáo “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (INDC) cho Ban thư ký Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), trong đó thể hiện cam kết pháp lý trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2020.

Việt Nam cần tham vọng hơn

Báo cáo INDC của Việt Nam đưa ra các đóng góp dự kiến trong hai hợp phần chính là cắt giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đóng góp dự kiến trong hợp phần cắt giảm phát thải khí nhà kính tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải.

Riêng đối với lĩnh vực năng lượng, các hoạt động giảm phát thải bao gồm các quá trình đốt nhiên liệu, cụ thể là công nghiệp sản xuất năng lượng, công nghiệp chế biến, xây dựng, giao thông và các dịch vụ về dân dụng, nông nghiệp, thương mại.

Các đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu tập trung vào nông nghiệp, tài nguyên nước, lâm nghiệp ở vùng đồng bằng, ven biển, đồi núi và đô thị nhằm giúp tăng khả năng chống chịu, tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Về chỉ tiêu cắt giảm phát thải, INDC của Việt Nam thể hiện rằng bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế từ các hợp tác song phương và đa phương.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu – phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và môi trường), tổ trưởng xây dựng INDC, trong tổng dự kiến tài chính 21 tỉ USD Việt Nam chỉ có thể bố trí 3,2 tỉ USD để hoàn thành mục tiêu 25% này, phần còn lại (17,8 tỉ USD) cần quốc tế hỗ trợ.

Bảng tổng hợp các cam kết cắt giảm phát thải của các quốc gia ASEAN (xem bảng đính kèm) cho thấy một số quốc gia đặt mục tiêu cao, như Thái Lan 20%, Indonesia 26%, Campuchia 36,5% và đặc biệt Philippines cam kết cực kỳ mạnh mẽ với 70%.

Tại hội thảo “Hành động về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam” do phái đoàn EU tại Việt Nam đồng tổ chức với đại sứ quán các nước Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh ngày 21-11-2015, ông Bruno Angelet – đại sứ, trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam – phát biểu:

EU muốn khuyến khích Việt Nam cam kết một mục tiêu khí hậu tham vọng hơn cho Paris COP-21 so với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính hiện thời là 8%”. Để hỗ trợ và khuyến khích Việt Nam cam kết về một mục tiêu cao hơn, EU rất trông đợi và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam lồng ghép các hành động giảm nhẹ, ứng phó cụ thể vào những kế hoạch hành động của mình, trong đó một trong những ưu tiên của EU là hỗ trợ Việt Nam cải cách ngành năng lượng.

EU và Chính phủ Việt Nam đang xúc tiến thảo luận các vấn đề liên quan tới cơ chế thị trường, cơ chế định giá, trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và đánh giá sự độc quyền.

Giải pháp nào để tăng 
mục tiêu cắt giảm phát thải?

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, Việt Nam xem ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Tuy nhiên, mục tiêu cắt giảm 8% phát thải không điều kiện của Việt Nam dường như chưa tương xứng với việc góp phần giảm nhẹ hậu quả tác động của biến đổi khí hậu trước hết cho chính mình, như EU đã khuyến cáo.

Có hai điều cực kỳ quan trọng mà báo cáo INDC không tập trung sâu vào, đó là khả năng cắt giảm phát thải trong ngành sản xuất năng lượng và huy động tài chính tư nhân cho việc cắt giảm phát thải.

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và môi trường, trong kịch bản phát triển thông thường, phát thải khí nhà kính của chỉ riêng việc đốt nhiên liệu trong ngành sản xuất năng lượng (nhiệt điện) của Việt Nam đã chiếm đến 31,1% tổng phát thải khí nhà kính năm 2020 và lên đến 51% tổng phát thải khí nhà kính năm 2030, chủ yếu đến từ nguồn nhiệt điện than.

Do vậy, có thể thấy tiềm năng cắt giảm phát thải trong sản xuất năng lượng của Việt Nam là vô cùng lớn. Nếu chỉ giảm phát thải thêm 20% trong ngành sản xuất năng lượng như là mức tự nguyện giảm phát thải năm 2030 theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thì đã dẫn đến giảm phát thải thêm 10,2% trong toàn bộ phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2030, lúc đó mức giảm phát thải không điều kiện của Việt Nam đã nâng lên 18,2%.

Tiếc rằng báo cáo INDC của Việt Nam đã bỏ qua điều này. Việc cắt giảm phát thải trong ngành sản xuất năng lượng có thể được thực hiện thông qua việc nâng cao hiệu suất của các nhà máy nhiệt điện than hiện hữu, sử dụng than sạch hơn và lựa chọn công nghệ nhiệt điện than hiệu suất cao khi đầu tư mới, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc phát triển năng lượng tái tạo để thay thế nhiệt điện.

Về vấn đề tài chính, báo cáo INDC của Việt Nam chỉ đề cập đến nguồn lực nội tại mang tính chất đầu tư công của Việt Nam và các hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương mà bỏ quên nguồn tài chính tư nhân.

Theo báo cáo Bối cảnh toàn cầu về tài chính khí hậu năm 2015 do Sáng kiến chính sách khí hậu (Climate Policy Inititative) công bố tháng 11-2015, tổng hợp các nguồn tài chính đầu tư cho khí hậu trong giai đoạn năm 2012-2014 là 391 tỉ USD, trong đó tài chính tư nhân đóng góp đến 243 tỉ USD, chiếm 62% trong tổng số các nguồn tài chính huy động, chủ yếu đầu tư vào các giải pháp nhằm hỗ trợ cắt giảm phát thải khí nhà kính là phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.

Với Việt Nam, tiềm năng đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng là vô cùng lớn, nhưng việc huy động nguồn vốn tư nhân đến nay vẫn còn cực kỳ hạn chế, chủ yếu do những rào cản về pháp lý.

Với việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm huy động tối đa tài chính tư nhân đầu tư vào các dự án liên quan đến công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng, khi đó nguồn vốn không còn là một trở ngại để Việt Nam cam kết mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế đóng góp vào việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam.

Nguồn: Tác giả tổng hợp
Nguồn: Tác giả tổng hợp

Tác giả: Nguyễn Đăng Anh Thi

Theo tuoitre.vn

Bếp khí hoá sinh khối – Giải pháp tiết kiệm năng lượng

Sáng ngày 27/11/2015, tại Trung tâm Việt Đức, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hội thảo “trình bày kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mẫu thử và triển khai sử dụng Bếp khí hóa sinh khối hiệu suất cao sử dụng nhiên liệu viên nén sinh khối” đã được Trung tâm nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS) tổ chức.

Tham dự hội thảo có đại diện của Trung tâm nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững; đại diện của dự án chuyển hóa các-bon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tổ chức bảo tồn thiên nhiên.

Đại diện của Trung tâm CCS trình bày kết quả nghiên cứu và triển khai dự án bếp khí hóa

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, hàng năm có 1,5 triệu người chết và nhiều người mắc bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc đun nấu và sinh hoạt hàng ngày. Trong khi đó, tiềm năng sản xuất viên nhiên liệu sinh khối chưa được khai thác hiệu quả. Hơn nữa, người tiêu dùng lại có xu hướng sử dụng bếp bền, giá rẻ, chi phí vận hành thấp, an toàn và thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, giải pháp bếp khí hóa sinh khối đã được Trung tâm CCS nghiên cứu, triển khai sử dụng thử nghiệm ở Hà Giang, Đà Nẵng và Ba Vì (Hà Nội) và thu được các kết quả tích cực về mặt tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội.

Loại bếp khí hóa sinh khối có chi phí đun nấu rẻ (1.500 đồng cho một bữa ăn gia đình) nhờ hiệu suất cao, gấp 10 lần so với cách đun nấu truyền thống, dễ sử dụng với tuổi thọ các chi tiết lên tới 10 năm. Phụ phẩm của loại bếp này là than sinh học có giá trị cao, được dùng để cải tạo đất và lọc nước. Nhiên liệu sử dụng gọn nhẹ, dễ mua và dễ cất trữ. Đồng thời, loại bếp này rất sạch và an toàn cho sức khỏe của người sử dụng do không tạo ra mùi, không cháy nổ, không bỏng và giật điện.

Ông Nguyễn Minh Hải – Trưởng nhóm Công nghệ và Năng lượng Tái tạo, Trung tâm CCS giải thích quá trình hoạt động của bếp khí hóa sinh khối  

Loại bếp khí hóa sinh khối đem lại hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường do sử dụng các viên nhiên liệu được làm bằng các phế phẩm nông nghiệp và rừng, giảm thải trực tiếp ra môi trường như đốt bỏ hoặc phân hủy tự nhiên ra khí metan (gây ra hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần CO2). Việc sử dụng loại bếp này giảm thiểu ô nhiễm trong nhà do khói bếp và các loại nhiên liệu rắn, đồng thời cải thiện môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng. Hơn nữa, một hệ sinh thái về bếp khí hóa sinh khối bao gồm sản xuất, bảo dưỡng bếp, sản xuất phân phối viên nhiên liệu, thu gom than sinh học, … sẽ tạo ra rất nhiều việc làm.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án bếp khí hóa sinh khối và nhân rộng sản phẩm này trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn và rào cản. Ông Nguyễn Minh Hải – Trưởng nhóm Công nghệ và Năng lượng tái tạo của Trung tâm CCS cho biết một số khó khăn của việc nhân rộng mô hình bếp này là nhận thức của cộng đồng về công nghệ khí hóa sinh khối còn hạn chế; thứ hai, hệ sinh thái về sản phẩm này hoàn toàn mới trên thị trường và việc đồng bộ triển khai các bộ phận của hệ sinh thái này trên thực tế gặp nhiều khó khăn.

Cũng tại buổi hội thảo này, đại diện của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ đã đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc sản xuất và sử dụng loại bếp này, góp phần hoàn thiện việc nghiên cứu và triển khai của dự án bếp khí hóa sinh khối.

Giải pháp bếp khí hóa sinh khối đã tạo ra tiền đề và cơ sở công nghệ cho sự dịch chuyển xã hội từ cách thức đun nấu gây ô nhiễm, có hại cho sức khỏe sang sử dụng năng lượng Xanh và Sạch với chi phí thấp hơn năng lượng hóa thạch trong tương lai gần.

Theo Ngọc Ánh – tietkiemnangluong.com.vn

Lợi ích kép từ sản xuất sạch hơn

Sản xuất sạch và bền vững mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN) khi giúp DN tiết kiệm nguyên nhiên liệu sản xuất, thực hiện trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng, nâng cao uy tín và thương hiệu.

Lợi ích kép từ sản xuất sạch hơn
Theo Phó giáo sư Trần Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, hiện nay, phát triển kinh tế ở Việt Nam dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô và sơ chế. Phát triển bền vững  mặc dù có chủ trương lớn nhưng chưa được thực hiện triệt để. Xu thế phát triển xanh trên thế giới đã mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể ‘đón đầu’ đi thẳng vào phát triển kinh tế xanh song cũng tạo ra thách thức ‘tụt hậu’ xa hơn nếu không nắm bắt được cơ hội. Tuy nhiên lợi ích mang lại cũng rất lớn nếu DN chủ động áp dụng các giải pháp hướng đến phát triển xanh, sản xuất sạch.

Ông Thái Doãn Thất – Phó giám đốc Công ty Dệt may 7 – Quân khu 7 cho biết, không chỉ đầu tư, cải thiện trang thiết bị sản xuất theo hướng công nghệ sạch mà đơn vị còn tăng cường sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Theo đó, công ty đã chuyển đổi nhiên liệu đốt từ than sang sử dụng các phế phẩm trong sản xuất nông lâm nghiệp (củi, trấu). Đồng thời, các máy móc được đầu tư đã phát huy hiệu quả tăng năng suất lao động 1,5 lần. Các máy nhuộm có dung tích nhuộm nhỏ để giảm tiêu hao nước, hóa chất nhiên liệu và thời gian; nhà xưởng được thiết kế để tận dụng ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng điện. Đặc biệt, công ty sử dụng loại vải không chứa các chất độc hại, không gây kích ứng da cho người tiêu dùng. Đây cũng là lý do giúp DN ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và trên thế giới.

Công ty CP Thương mại Hương Giang (Khu công nghiệp An Xá – Nam Định) đã xây dựng và thực hiện quy trình chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao với hệ thống kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra với công suất đạt 4,3-4,5 tấn/gạo/giờ. Lượng trấu phế thải được chế biến thành chất phụ gia để sản xuất thức ăn gia súc. Nhờ áp dụng thiết bị hiện đại, giảm thất thoát hao phí trong khâu vận hành, nâng cao năng suất chất lượng gạo nên doanh thu của công ty thường đạt 100 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 60-70 lao động.

Công ty TNHH Thịnh Long (Hải Hậu – Nam Định) đã thay thế lò hấp sấy thủ công bằng dây chuyền hấp sấy hiện đại, sử dụng nồi hơi áp suất cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường….

Lợi ích do sản xuất sạch hơn mang lại là rất lớn. Theo Phó giáo sư Trần Văn Nhân, lợi ích lớn nhất là giá thành sản phẩm giảm nhờ nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng các nguồn lực; giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu, nước và năng lượng đầu vào; tận dụng được các sản phẩm phụ. Đặc biệt là DN giảm được các chi phí liên quan đến thu gom và xử lý chất thải do giảm lượng chất thải phát sinh vì DN đã áp dụng các giải pháp kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn, đó là chưa kể đến các vấn đề pháp lý về môi trường cũng được DN thực hiện tốt. Như vậy lợi ích kinh tế – môi trường và xã hội được đảm bảo, đồng thời hình ảnh của DN cũng được nâng lên.

Theo Minh Lâm – ven.vn

Tập huấn bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn

Ngày 25/11, Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch, Bộ Công Thương và UBND xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư tổ chức khóa tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn cho các đơn vị sản xuất công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ trên địa bàn xã Ninh Vân.

Tại khóa tập huấn, gần 150 học viên đến từ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ đã được cung cấp các tài liệu, kiến thức về Luật bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó chú trọng đến những nội dung thuộc trách nhiệm thực hiện của doanh nghiệp; quy định bảo vệ môi trường tại làng nghề, hướng dẫn quản lý chất thải theo quy định của pháp luật; việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định 179/2013 của Chính phủ; các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi, sản xuất sạch hơn tại các làng nghề đá mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, các học viên cũng đã trao đổi, thảo luận về cách khắc phục những vấn đề thường gặp trong quản lý môi trường của doanh nghiệp.

Thông qua tập huấn nhằm góp phần để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ hiểu rõ và ngày một thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch, cũng như xây dựng nông thôn mới của địa phương. Điều quan trọng hơn, đó chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của chính những người dân làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân.

Theo sxsh.vn

Ninh Bình: Đẩy mạnh sản xuất sạch hơn

Là một trong những tỉnh sớm triển khai sản xuất sạch hơn (SXSH), nên các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Ninh Bình đã tiếp cận với SXSH từ khá sớm. Tuy nhiên, cho đến nay, việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh SXSH vẫn chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn.

 Triển khai sớm nhưng chưa hiệu quả

Theo ông Đào Thanh Tân – Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường Sở Công Thương Ninh Bình, ngay từ khi Bộ Công Thương chưa có các hoạt động liên quan đến SXSH thì đã có một số đơn vị của tỉnh tự tìm hiểu và triển khai SXSH. Vì thế, khi Bộ Công Thương triển khai Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) tại Ninh Bình vào năm 2009, lúc đó tỉnh đã có 7 đơn vị tiếp cận và triển khai SXSH. Mặc dù nguồn hỗ trợ của CPI rất nhỏ (30 triệu đồng năm 2010 và 50 triệu đồng năm 2011), nhưng Ninh Bình cũng đã nỗ lực triển khai khá nhiều hoạt động về SXSH như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản các bản tin chuyên đề về SXSH; tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức và các khóa tập huấn kỹ thuật SXSH cho hàng trăm lượt cán bộ thuộc các cơ sở công nghiệp trên địa bàn. Giai đoạn này, các doanh nghiệp triển khai báo cáo thì một số đạt kết quả tốt, nhưng cũng khoảng một nửa số doanh nghiệp cho kết quả trung bình, chưa như mong đợi.

Bắt đầu từ năm 2012, Ninh Bình phải sử dụng nguồn kinh phí địa phương duy trì việc tuyên truyền về SXSH trên các phương tiện truyền thông. Tỉnh giao Sở Công Thương làm đầu mối về SXSH, triển khai các công việc với 2 cán bộ đã được đào tạo cơ bản về SXSH. Hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở đã thành lập Phòng Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn, nhưng hiện cán bộ còn đang rất thiếu và yếu, nên Sở đang có kế hoạch cử thêm cán bộ tham gia vào các lớp tập huấn về SXSH do Bộ Công Thương, hoặc các đơn vị tư vấn tổ chức để nâng cao trình độ cán bộ về lĩnh vực này.

Không phê duyệt quyết định riêng cho SXSH, Ninh Bình chỉ lồng ghép vào Chương trình Khuyến công (Tháng 5/2015, Ninh Bình ra Quyết định số 499/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020), trong đó có chương trình hỗ trợ SXSH từ nay đến năm 2020 là 3,37 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn khác.

Tích cực triển khai kế hoạch

Dù tiếp cận với SXSH từ rất sớm, nhưng theo ông Đào Thanh Tân, đến thời điểm này, Ninh Bình vẫn mới tập trung nâng cao nhận thức và hỗ trợ đánh giá nhanh cho các doanh nghiệp. Vì việc đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ đều cần số vốn nhất định nên các doanh nghiệp khó có khả năng đáp ứng. Dù vậy, Sở Công Thương cũng cố gắng thu xếp dành nhiều hơn các hoạt động nhằm thúc đẩy SXSH trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Năm 2015 này, ngoài lớp tập huấn vừa tổ chức xong cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, cuối năm Sở sẽ tổ chức tập huấn chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể tại làng đá Ninh Vân.

Mặt khác, Sở Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ triển khai áp dụng các giải pháp SXSH vì doanh nghiệp cần thực sự đáp ứng được yêu cầu về nguồn vốn đối ứng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ tích cực tham gia các khóa tập huấn mà Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn của đội ngũ cán bộ phụ trách SXSH; đồng thời sẽ nhờ thêm các chuyên gia của các công ty tư vấn chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm hỗ trợ thêm. Song song đó, Sở cũng lên kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, tiến tới chủ động công tác đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn về kiến thức, kỹ năng đánh giá nhanh SXSH nhằm tìm các giải pháp phù hợp với đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Nhà máy Xi măng Duyên Hà:

Mong hỗ trợ thông tin SXSH

Nhà máy hiện đang tự triển khai các giải pháp SXSH. Tuy nhiên, việc này chưa được đầu tư một cách có hệ thống mà mới chỉ là nhìn thấy cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm và cảm nhận hiệu quả thông qua con số thống kê.

Chúng tôi mong sự hỗ trợ thông tin để biết, những gì chúng tôi đã và đang làm có phải là SXSH không? còn phải áp dụng những gì để tiếp tục duy trì và thu được kết quả tốt hơn khi áp dụng các giải pháp SXSH, nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Hay làm thế nào để tiếp cận được các nguồn vốn, hay phải đáp ứng các tiêu chí nào mới được hỗ trợ vốn triển khai SXSH… Có được những thông tin như vậy tôi nghĩ sẽ thiết thực hơn với doanh nghiệp.

Ông Lê Hải Nam – Kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật Công ty CP Phân lân Ninh Bình:

Không ngừng cải tiến thiết bị để SXSH

Trước khi tiếp cận với các dự án SXSH mà Bộ Công Thương đưa ra, Công ty CP Phân lân Ninh Bình đã xây dựng chiến lược SXSH cho từng giai đoạn, áp dụng nhiều giải pháp và không ngừng cải tiến thiết bị để SXSH và thân thiện môi trường. Vì vậy, Công ty rất tạo điều kiện để cán bộ kỹ thuật tham gia các khóa học, trang bị kiến thức, kỹ năng về SXSH và mời các chuyên gia về giảng dạy trực tiếp tại nơi sản xuất. Nhờ đó, tuy đầu tư nhiều, Công ty vẫn đảm bảo vận hành hiệu quả, sản xuất đạt năng suất cao và ổn định.

Chúng tôi mong tiếp cận được thêm những thông tin mới, học thêm nhiều kỹ năng về đánh giá và áp dụng các giải pháp SXSH để từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất tại Công ty.

 Theo sxsh.vn

Hà Nội: Đẩy mạnh truyền thông về sản xuất sạch hơn

Công tác truyền thông được xác định là một trong những hoạt động quan trọng giúp triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội) đã xây dựng và đưa ra được nhiều giải pháp truyền thông hữu hiệu nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và các cơ quan, cán bộ quản lý trên địa bàn thành phố.

Thực hiện các  nhiệm vụ được Sở Công Thương giao, ECC Hà Nội đã tổ chức đa dạng các hình thức truyền thông: Xây dựng và phát hành các tờ rơi, tổ chức làm phóng sự phát trên đài truyền hình, thực hiện tuyên truyền trên các ấn phẩm báo giấy, báo mạng cũng như tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn trong những cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hội thảo tập huấn về sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp
Cụ thể, trong năm 2015, ECC Hà Nội đã xây dựng và phát hành 10.000 bộ tờ rơi giới thiệu những kiến thức cơ bản về việc triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất; kinh nghiệm từ các điển hình áp dụng SXSH thuộc các ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, giấy và bột giấy…. ECC Hà Nội cũng đã xây dựng 4 phóng sự về kết quả triển khai thực hiện chương trình hành động SXSH của các cơ sở sản xuất công nghiệp và làng nghề trên địa bàn thành phố. Phóng sự có nội dung chia sẻ những kinh nghiệm của các đơn vị đã áp dụng SXSH vào hoạt động sản xuất cũng như những kết quả đạt được.

Cùng với đó, trung tâm còn tổ chức 6 hội nghị, tập huấn hướng dẫn áp dụng SXSH cho gần 450 học viên là các cán bộ quản lý, phụ trách kỹ thuật của cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp chủ đạo như chế biến thực phẩm, đồ uống – nước giải khát, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, các cán bộ quản lý đang công tác tại các quận, huyện và các công ty điện lực của thành phố. Các chương trình hội nghị, tập huấn đều đi sâu vào giới thiệu về SXSH, những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp khi áp dụng, vấn đề tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Ngay tại hội nghị, tập huấn, học viên được giới thiệu về những mô hình trình diễn áp dụng SXSH, trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với các lãnh đạo doanh nghiệp đã áp dụng SXSH, qua đó có cái nhìn rõ nét, sinh động về hiệu quả đem lại cho doanh nghiệp khi áp dụng SXSH.

Theo sxsh.vn