“Thoát lỗ” hơn 2 tỷ đồng nhờ Hệ thống nhiệt phân PPV 300

Đó là chia sẻ của chị Triệu Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) tại Hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân” diễn ra vào ngày 25/02/2022, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo lời kể của chị Châu, từ năm 2014, khi tham gia khóa học về trồng cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, chị Châu đã được một giáo viên người Đức giới thiệu về công nghệ nhiệt phân nên chị rất tò mò và háo hức tiếp cận công nghệ ấy. Sau đó, hợp tác xã (HTX) Bình Minh đã có may mắn được biết tới Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền và được tiếp cận với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 mà theo đánh giá của chị và nhiều thành viên khác là rất “khổng lồ” và tuyệt vời này.

Các đại biểu đi thăm quan công nghệ nhiệt phân

Không được phơi sấy, thương lái trừ tới 60% vì cà phê chất lượng kém

“Vào thời điểm HTX mới được tiếp quản Hệ thống nhiệt phân là vụ thu hoạch cà phê năm 2016 – 2017. Khi ấy đang thu hoạch thì trời mưa liên tục, cà phê không phơi được nên bị mốc, người dân khi bán bị thương lái trừ tới 60% do chất lượng cà phê không đảm bảo (bán 1 tấn cà phê mà chỉ thu được tiền của 400 kg).  Nhưng may mắn đối với HTX là nhờ có Hệ thống nhiệt phân mà chúng tôi đã sấy được 30 tấn cà phê, tránh được khoản lỗ lên tới hơn 2 tỷ đồng. Các thành viên trong HTX đều rất vui vì đã quyết định đầu tư đúng hướng”, giọng chị Châu vẫn đầy cảm xúc khi nhớ lại chuyện xưa.

Biochar giúp vườn tốt tươi, chuồng trại hết mùi

Cũng theo chia sẻ của chị Châu, ngoài tác dụng sấy cà phê, Hệ thống nhiệt phân PPV 300 còn tạo ra than sinh học (biochar) và một thứ nước đen mà sau này khi tiếp xúc với các nhà khoa học ở Tp. HCM chị mới biết đó chính là “vàng đen”, bởi khi được pha với tỷ lệ hợp lý, dung dịch này trở thành “thần dược” đối với cây trồng nhờ khả năng xua đuổi các loại côn trùng và sâu bệnh.

Chị Triệu Thị Châu (mặc áo khoác đứng cạnh người đội mũ lưỡi chai)

“Về biochar, cha tôi là khách hàng đầu tiên từ năm 2017, với giá mua là 5.000 đồng/kg. Ông đã dùng biochar để bón cho đất và chỉ một thời gian sau đó, vườn cà phê và vườn tiêu của ông đã trở thành khu vườn xanh tươi và đẹp nhất trong vùng. Khi nhiều hộ xung quanh, cây tiêu, cây cà phê bị sâu bệnh, rụng lá, vườn của ông vẫn rất tốt tươi.

Chị Châu còn cho biết thêm: Nhà chị có chuồng nuôi gần 30 con dê và một chuồng nuôi gà, trước đây thỉnh thoảng gia đình chị vẫn bị hàng xóm phàn nàn vì tình trạng mùi hôi từ chuồng trại bay theo hướng gió. Nhưng từ ngày chị dùng biochar để dải lót nền thì tình hình trên đã thay đổi hoàn toàn. Thậm chí, còn được hàng xóm khen: Chuồng trại nhà Châu giờ không còn thấy mùi hôi nữa!.

Sự chân thành của chị Châu – một phụ nữ người dân tộc Dao cùng những trải nghiệm thực tế của mình đối với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 đã thực sự thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu… cùng những người quan tâm.

Cũng theo chị Châu, với giá thành hiện nay của Hệ thống nhiệt phân có lẽ là cao đối với nhiều HTX. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách thấu đáo thì công nghệ này không chỉ giúp người trồng trọt chủ động sấy nông sản vào mùa thu hoạch mà còn góp phần giảm thải khí CO2,  bảo vệ môi trường nên xứng đáng để đầu tư.

Một vài hình ảnh tại hộ

Thông tin về công nghệ nhiệt phân

Trong giai đoạn từ 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học. Công nghệ này làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản. Công nghệ lò đốt nhiệt phân cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và kịp thời mà vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn khí thải khắt khe. Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV300) để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam.

Với sự tiếp tục tài trợ từ Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ (SECO), trong giai đoạn 2020 – 2022, UNIDO ưu tiên tập trung vào việc nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức của người thụ hưởng về công nghệ nhiệt phân, đồng thời chia sẻ kiến thức, kết nối thị trường nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ này tại Việt Nam, ngày 25/02/2022 tại thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk, UNIDO và liên danh thực hiện dự án bao gồm Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Công ty tư vấn Sofies SA (Thụy Sỹ), Tổ chức Oekozentrum (Thụy Sỹ), Husk Ventures S.L (Tây Ban Nha) cùng Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam”, với 3 mục tiêu chính gồm:  (1) Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; (2) Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; và (3) Thúc đẩy thị trường than sinh học.

VNCPC

OECD: Chỉ 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới trong 2021

Trong năm 2021, thế giới thải ra 353 triệu tấn rác thải nhựa nhưng lượng rác được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn.

Ngày 22/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo cho biết chưa đến 10% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới, do vậy cần thiết lập các giải pháp mang tính toàn cầu trước thềm các cuộc đàm phán về một hiệp ước quốc tế đối với vấn đề này.

Theo báo cáo của OECD, trong năm ngoái, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Cùng với đó, lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi, lên 353 triệu tấn.

Rác thải nhựa tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường.

Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến việc sử dụng sản phẩm nhựa trong năm 2020 giảm 2,2% so với năm trước đó. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần lại tăng lên và việc sử dụng đồ nhựa nói chung dự kiến cũng sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Báo cáo của OECD cho rằng nhựa góp phần sản sinh ra 3,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu trong năm 2019, trong đó 90% là từ hoạt động sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch.

Trước bối cảnh tình trạng ô nhiễm và ấm lên toàn cầu ngày càng trầm trọng, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann kêu gọi các nước trên thế giới cần phối hợp để có những giải pháp mang tính toàn cầu nhằm ứng phó với thách thức này.

OECD đã đề xuất một loạt biện pháp giúp giải quyết vấn đề trên, trong đó có phát triển thị trường nhựa tái chế vốn chỉ chiếm 6% hiện nay vì phần lớn các sản phẩm từ nhựa tái chế thường có giá thành cao hơn.

Trong khi đó, các công nghệ mới liên quan đến việc giảm ô nhiễm môi trường của nhựa cũng chỉ chiếm 1,2% tất cả những công nghệ liên quan đến nhựa.

OECD kêu gọi thiết lập những chính sách hạn chế việc sử dụng nhựa nói chung, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng quản lý rác thải cơ bản, trong đó cần đầu tư 25 tỷ euro mỗi năm vào những nỗ lực ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Báo cáo trên của OECD được đưa ra trước thềm một hội nghị về môi trường của Liên hợp quốc dự kiến bắt đầu vào ngày 28/2 tới tại Nairobi (Kenya), trong đó các bên tham gia có thể thảo luận một hiệp ước về sử dụng sản phẩm nhựa trong tương lai.

Theo kết quả cuộc khảo sát do công ty Ipsos thực hiện ở 28 quốc gia và công bố ngày 22/2, trung bình 88% số người được hỏi cho rằng cần có một hiệp ước quốc tế về chống ô nhiễm nhựa./.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/oecd-chi-9-rac-thai-nhua-duoc-tai-che-tren-toan-the-gioi-trong-2021/774401.vnp

Liên Hợp Quốc: Ô nhiễm môi trường còn nguy hiểm hơn COVID-19

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết rằng sự ô nhiễm đang gây ra nhiều ca tử vong trên toàn thế giới hơn cả đại dịch COVID-19.

Báo cáo môi trường của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng: “Ô nhiễm và các chất độc hại đã gây ra ít nhất 9 triệu ca tử vong, gấp đôi số ca tử vong do đại dịch COVID-19 gây ra trong 18 tháng đầu tiên”.

Liên Hiệp Quốc đổ lỗi cho sự ô nhiễm là do các quốc gia và các công ty và họ kêu gọi các quốc gia cần hành động nhanh để cấm một số hóa chất độc hại.


Than đang được chất lên xe tải ở mỏ khai thác than đá ở gần Dhanbad, một thành phố ở phía đông bang Jharkland, Ấn Độ.

Kết quả từ báo cáo sẽ được trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc khi nhóm họp vào tháng tới.

David Boyd, báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, đã công bố báo cáo hôm thứ Ba. Ông cho rằng cách các quốc gia đang đối phó với với sự ô nhiễm và các hóa chất độc hại đang không hiệu quả và đã gây ảnh hưởng đến các khu vực không bị ô nhiễm.

Tháng 10 năm ngoái, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu công nhận quyền có một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững là một quyền cơ bản của con người. Nghị quyết, không có hiệu lực pháp lý, bổ sung vào danh sách các quyền mà Liên Hợp Quốc coi là các quyền cơ bản của con người.


Một người đang thu nhặt các loại rác thải ở khu vực bờ biển của Costa Del Este, Panama.

Báo cáo cho biết các loại ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, nhựa và chất thải điện tử có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi. Thuốc trừ sâu là hóa chất được sử dụng để tiêu diệt côn trùng gây hại cho cây trồng hoặc cây trồng.

Báo cáo cũng cho biết ô nhiễm khiến ít nhất 9 triệu người trên thế giới chết sớm mỗi năm trong khi Covid-19 chỉ gây ra khoảng 5,9 triệu ca tử vong.

Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi cấm polyfluoroalkyl, một chất được sản xuất được sử dụng trong các sản phẩm gia dụng như dụng cụ nấu ăn. Hợp chất này có thể gây ung thư và nó không dễ phân hủy trong môi trường.

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet đã gọi các mối đe dọa môi trường là vấn đề toàn cầu lớn nhất. Các nhà hoạt động môi trường đang ngày càng sử dụng luật nhân quyền trong các trường hợp khí hậu và môi trường.

Lê Ngọc Đức
https://petrotimes.vn/lien-hop-quoc-o-nhiem-moi-truong-con-nguy-hiem-hon-covid-19-642514.html

30 GW năng lượng sạch đã được các công ty lớn mua trong năm 2021

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu BloombergNEF (BNEF), các tập đoàn lớn đã mua kỷ lục 31,1 GW năng lượng sạch thông qua các thỏa thuận mua bán điện (PPA) vào năm 2021, tăng gần 24% so với mức kỷ lục 25,1 GW của năm trước.

Hoạt động này được thúc đẩy bởi Hoa Kỳ, nơi 2/3 số vụ mua sắm đã diễn ra. Tổng cộng, các tập đoàn của Mỹ đã mua 17 GW vào năm 2021. Tuy nhiên, theo báo cáo Triển vọng thị trường năng lượng doanh nghiệp 1H 2022 của BNEF thì có hơn 137 công ty ở 32 quốc gia khác nhau đã ký hợp đồng PPA vào năm ngoái.

Các công ty công nghệ lớn nhất đã ký kết hơn một nửa số thỏa thuận. Trong năm thứ hai liên tiếp, Amazon là công ty mua năng lượng sạch nhiều nhất trên toàn cầu. Công ty của tỷ phú Jeff Bezoz đã công bố 44 PPA ngoại vi ở chín quốc gia, tổng trị giá 6,2 GW. Điều đó nâng tổng công suất PPA năng lượng sạch của Amazon lên 13,9 GW, làm cho danh mục năng lượng sạch của công ty trở thành danh mục năng lượng sạch lớn thứ 12 trên toàn cầu trong số tất cả các công ty.


Các công ty dẫn dầu trong việc mua năng lượng sạch

Microsoft và Meta có số lượng PPA đứng ở những vị trí tiếp theo lần lượt là 8,9GW và 8GW. Trước đây, Google là doanh nghiệp dẫn đầu, nhưng gã khổng lồ tìm kiếm đã bắt đầu tìm nguồn cung cấp năng lượng tái tạo thông qua các phương pháp khác ngoài PPA.

Kyle Harrison, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Bền vững tại BNEF, cho biết: “ Hoạt động mua sắm năng lượng sạch của doanh nghiệp không còn là vấn đề tăng trưởng mỗi năm mà là tăng trưởng bao nhiêu”.

Mặt khác, AES đã bán năng lượng sạch cho các tập đoàn nhiều hơn bất kỳ nhà phát triển nào khác trên toàn cầu, với gần 3 GW. Hai phần ba việc bán năng lượng sạch diễn ra ở Hoa Kỳ, ngoài ra còn các thị trường khác bao gồm Brazil, Panama và Chile.

Engie đã ký hơn 2,1 GW PPA, bao gồm cả thỏa thuận 350 MW với Amazon cho năng lượng do Trang trại gió ngoài khơi Dundee ở Vương quốc Anh sản xuất. Cả AES và Engie đều có lợi thế về cơ sở hạ tầng. Điều này dẫn đến các dự án như Orsted (1,3 GW), Vattenfall (0,8 GW) và NextEra (0,7GW) đều có thành công lớn vào năm 2021.

BNEF trích dẫn các cam kết bền vững là động lực đằng sau việc mua năng lượng sạch kỷ lục. Khoảng 67 công ty đặt mục tiêu vào năm 2021, cam kết bù đắp tất cả nhu cầu điện của họ bằng năng lượng sạch, và mở rộng số lượng công ty cam kết lên 355 công ty trên 25 quốc gia.

BNEF ước tính rằng 355 công ty này sẽ cần mua thêm 246 TWh điện sạch vào năm 2030 để đạt được mục tiêu của họ. Số lượng này thấp hơn so với dự báo trước đó, phần lớn là do số lượng mua phá kỷ lục.

P.V
https://petrotimes.vn/30-gw-nang-luong-sach-da-duoc-cac-cong-ty-lon-mua-trong-nam-2021-640833.html

Việt Nam ưu tiên dự án năng lượng sạch phù hợp quy hoạch chung

Đó là một trong những nội dung chính trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với ông Alok Kumar Sharma Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP 26) ngày 14/2.

Thông tin về những nỗ lực tích cực của ngành năng lượng trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, tổng vốn đầu tư nguồn và lưới điện của phương án tháng 12/2021 là 135,9 tỷ USD giai đoạn 2021-2030 (121,79 tỷ USD cho nguồn; 14,12 tỷ USD cho lưới). Với phương án điều hành tháng 12/2021, ngành năng lượng đã tiết kiệm được khoảng 28,9 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 so với phương án điều hành tháng 3/2021.

Với mục tiêu lâu dài đến năm 2030, ngành năng lượng phấn đấu đạt quy mô điện than là 38,8 GW, tăng so với hiện nay 18GW và gần như không tăng thêm đến năm 2045.

Giai đoạn 2031-2045, tổng vốn đầu tư nguồn và lưới điện của phương án tháng 12/2021 là 241,51 tỷ USD (230,07 tỷ USD cho nguồn; 11,44 tỷ USD cho lưới). Như vậy phương án điều hành tháng 12/2021 đã tiết kiệm được khoảng 4,2 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2031-2045 so với phương án điều hành tháng 3/2021.

Nói về những nỗ lực phát triển năng lượng sạch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngay sau Hội nghị COP 26, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cập nhật lại dự thảo Quy hoạch điện VIII.


Nhà máy điện gió Đông Hải 1 (Đông Hải, Duyên Hải, Trà Vinh) với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, công suất 100 MW vừa khánh thành ngày 16/1.

Trong đó chú trọng phát triển nguồn điện theo hướng: Đánh giá lại tính khả thi các nguồn nhiệt điện than để tiếp tục giảm điện than; phát triển mạnh điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo quy mô lớn; phát triển mạnh mẽ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời; bố trí nguồn điện đảm bảo cân đối vùng miền, tránh truyền tải xa và đảm bảo dự phòng hợp lý ở từng miền.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII để phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và Tuyên bố chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc tế về nguồn vốn ưu đãi để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các giải pháp vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vừa đóng góp có hiệu quả mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bộ Công Thương luôn ưu tiên hỗ trợ trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, phù hợp quy hoạch chung, tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

https://petrotimes.vn/viet-nam-uu-tien-du-an-nang-luong-sach-phu-hop-quy-hoach-chung-641974.html

THƯ MỜI ĐĂNG KÝ THAM GIA HỘI THẢO

Trong giai đoạn 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành năng lượng nhiệt sạch và than sinh học (biochar). Với sự tiếp tục tài trợ từ Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ (SECO), trong giai đoạn 2020 – 2022, UNIDO ưu tiên tập trung vào việc nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức của người thụ hưởng về công nghệ nhiệt phân, đồng thời chia sẻ kiến thức, kết nối và xây dựng hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ này tại Việt Nam, UNIDO và liên danh thực hiện dự án, trân trọng kính mời Quý vị tham dự hội Hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân

Thời gian:  8h00 – 17h00, Thứ Sáu, ngày 25/02/2022

Hình thức: Trực tiếp kết hợp trực tuyến

Địa điểm:    Đầu cầu chính tại Khách sạn Sài gòn – Ban Mê, số 3 Phan Chu Trinh, P.Thống Nhất, Tp. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam

Ngôn ngữ:  Tiếng Anh và Tiếng Việt

Để đăng ký tham gia và biết thêm thông tin về Hội thảo, vui lòng đăng ký trước ngày 11/02/2022 tại đường link:

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLScsWVxJem7XevBm5zuYue8JwuoUyb2yZsrDc5uThWhfaVI8hQ/viewform

Các chi phí liên quan đến vé máy bay, đi lại, ăn nghỉ của quý vị (tham gia Hội thảo trực tiếp) sẽ do Dự án chi trả theo quy định. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Mrs. Nguyễn Thị Dung theo địa chỉ email: [email protected] hoặc số điện thoại: 024.3868.4849 (số máy lẻ 10)/Di động: 0974.854.732.