“Thoát lỗ” hơn 2 tỷ đồng nhờ Hệ thống nhiệt phân PPV 300

Đó là chia sẻ của chị Triệu Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) tại Hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân” diễn ra vào ngày 25/02/2022, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo lời kể của chị Châu, từ năm 2014, khi tham gia khóa học về trồng cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, chị Châu đã được một giáo viên người Đức giới thiệu về công nghệ nhiệt phân nên chị rất tò mò và háo hức tiếp cận công nghệ ấy. Sau đó, hợp tác xã (HTX) Bình Minh đã có may mắn được biết tới Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền và được tiếp cận với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 mà theo đánh giá của chị và nhiều thành viên khác là rất “khổng lồ” và tuyệt vời này.

Các đại biểu đi thăm quan công nghệ nhiệt phân

Không được phơi sấy, thương lái trừ tới 60% vì cà phê chất lượng kém

“Vào thời điểm HTX mới được tiếp quản Hệ thống nhiệt phân là vụ thu hoạch cà phê năm 2016 – 2017. Khi ấy đang thu hoạch thì trời mưa liên tục, cà phê không phơi được nên bị mốc, người dân khi bán bị thương lái trừ tới 60% do chất lượng cà phê không đảm bảo (bán 1 tấn cà phê mà chỉ thu được tiền của 400 kg).  Nhưng may mắn đối với HTX là nhờ có Hệ thống nhiệt phân mà chúng tôi đã sấy được 30 tấn cà phê, tránh được khoản lỗ lên tới hơn 2 tỷ đồng. Các thành viên trong HTX đều rất vui vì đã quyết định đầu tư đúng hướng”, giọng chị Châu vẫn đầy cảm xúc khi nhớ lại chuyện xưa.

Biochar giúp vườn tốt tươi, chuồng trại hết mùi

Cũng theo chia sẻ của chị Châu, ngoài tác dụng sấy cà phê, Hệ thống nhiệt phân PPV 300 còn tạo ra than sinh học (biochar) và một thứ nước đen mà sau này khi tiếp xúc với các nhà khoa học ở Tp. HCM chị mới biết đó chính là “vàng đen”, bởi khi được pha với tỷ lệ hợp lý, dung dịch này trở thành “thần dược” đối với cây trồng nhờ khả năng xua đuổi các loại côn trùng và sâu bệnh.

Chị Triệu Thị Châu (mặc áo khoác đứng cạnh người đội mũ lưỡi chai)

“Về biochar, cha tôi là khách hàng đầu tiên từ năm 2017, với giá mua là 5.000 đồng/kg. Ông đã dùng biochar để bón cho đất và chỉ một thời gian sau đó, vườn cà phê và vườn tiêu của ông đã trở thành khu vườn xanh tươi và đẹp nhất trong vùng. Khi nhiều hộ xung quanh, cây tiêu, cây cà phê bị sâu bệnh, rụng lá, vườn của ông vẫn rất tốt tươi.

Chị Châu còn cho biết thêm: Nhà chị có chuồng nuôi gần 30 con dê và một chuồng nuôi gà, trước đây thỉnh thoảng gia đình chị vẫn bị hàng xóm phàn nàn vì tình trạng mùi hôi từ chuồng trại bay theo hướng gió. Nhưng từ ngày chị dùng biochar để dải lót nền thì tình hình trên đã thay đổi hoàn toàn. Thậm chí, còn được hàng xóm khen: Chuồng trại nhà Châu giờ không còn thấy mùi hôi nữa!.

Sự chân thành của chị Châu – một phụ nữ người dân tộc Dao cùng những trải nghiệm thực tế của mình đối với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 đã thực sự thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu… cùng những người quan tâm.

Cũng theo chị Châu, với giá thành hiện nay của Hệ thống nhiệt phân có lẽ là cao đối với nhiều HTX. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách thấu đáo thì công nghệ này không chỉ giúp người trồng trọt chủ động sấy nông sản vào mùa thu hoạch mà còn góp phần giảm thải khí CO2,  bảo vệ môi trường nên xứng đáng để đầu tư.

Một vài hình ảnh tại hộ

Thông tin về công nghệ nhiệt phân

Trong giai đoạn từ 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học. Công nghệ này làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản. Công nghệ lò đốt nhiệt phân cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và kịp thời mà vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn khí thải khắt khe. Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV300) để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam.

Với sự tiếp tục tài trợ từ Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ (SECO), trong giai đoạn 2020 – 2022, UNIDO ưu tiên tập trung vào việc nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức của người thụ hưởng về công nghệ nhiệt phân, đồng thời chia sẻ kiến thức, kết nối thị trường nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ này tại Việt Nam, ngày 25/02/2022 tại thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk, UNIDO và liên danh thực hiện dự án bao gồm Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Công ty tư vấn Sofies SA (Thụy Sỹ), Tổ chức Oekozentrum (Thụy Sỹ), Husk Ventures S.L (Tây Ban Nha) cùng Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam”, với 3 mục tiêu chính gồm:  (1) Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; (2) Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; và (3) Thúc đẩy thị trường than sinh học.

VNCPC