Posts

Than sinh học: Tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chính là giải pháp thông minh giúp ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Không chỉ có vậy, than sinh học còn có rất nhiều tiềm năng ứng dụng đang được triển khai tại Việt Nam

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng các đối tác đã phối hợp tổ chức  Sự kiện kết nối nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường than sinh học tại Việt Nam. Đây là hoạt động thuộc Dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Khu công nghiệp Sinh thái Toàn cầu (GEIPP) – Việt Nam do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Dự án nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam với 3 mục tiêu chính: Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; Thúc đẩy thị trường than sinh học.

Ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án (ngồi phía bên trái)

Phát biểu tại sự kiện, ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án cho biết: Phát triển và chuyển giao công nghệ xanh là yếu tố trọng tâm trong chiến lược giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ của Thụy Sĩ mà cả Việt Nam. Sự kiện lần này nhằm kết nối các bên hữu quan hoạt động trong lĩnh vực than sinh học để trao đổi về các khoảng trống và nhu cầu chính của ngành. Đây là bước đệm cho việc định hình và phát triển một diễn đàn cấp quốc gia về than sinh học. Qua đó, khuyến khích tất cả các bên liên quan cùng chia sẻ và trao đổi thông tin; tương tác, hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu; sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ nhiệt phân và than sinh học tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia sự kiện chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo còn góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, kết nối hợp tác để thúc đẩy việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học có giá trị, đồng thời thúc đẩy thị trường than sinh học.

Than sinh học: Giải pháp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo UNIDO, than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập các-bon dài hạn và hiệu quả với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo. Than sinh học cũng được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử các-bon trong ngành nông nghiệp, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học hơn 20 năm qua. Lợi ích rõ nét nhất của than sinh học đang được sử dụng là để cải tạo chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng.

TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)

Tại sự kiện, TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cũng chia sẻ về lợi ích mà than sinh học mang lại đối với ngành nông nghiệp. Theo TS Lương Hữu Thành than sinh học có độ pH cao và có thể hoạt động giống như vai trò của vôi để tăng độ pH của đất. Khi vật chất hữu cơ và thành phần sét trong đất thấp và đất có kết cấu thô thì việc duy trì độ ẩm đất có thể giúp thành lập thảm thực vật và than sinh học có thể trợ giúp để làm điều này. Đặc biệt, việc rửa trôi chất dinh dưỡng cũng có thể giảm được bằng cách áp dụng bón than sinh học cho đất.

Đề cập đến lợi ích từ than sinh học, ông Võ Văn Quốc Bảo đến từ Trường Đại học Nông Lâm Huế cho hay: Với mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ổn định diện tích gieo trồng lúa nước khoảng 51.000 – 52.000 ha/năm. Ước tính cho khối lượng phụ phẩm rơm, trấu sau thu hoạch là 3.944.000 tấn rơm và 724.000 tấn trấu.

Ông Võ Văn Quốc Bảo – Trường Đại học Nông Lâm Huế

Phần lớn lượng phụ phẩm này bị đốt, bỏ trên đồng ruộng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, mất an toàn giao thông… Bên cạnh đó, việc đốt phế phẩm ngoài trời sẽ gây hiệu ứng nhà kính. Do đó, phương pháp để sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm này là ứng dụng công nghệ, thiết bị để sản xuất ra than sinh học, sử dụng để cải tạo đất trồng, giúp tăng năng suất cây trồng.

… Và những tiềm năng khác

Bà Đỗ Thị Dịu- Chuyên gia của VNCPC

Theo bà Đỗ Thị Dịu – Chuyên gia của VNCPC, hiện ngoài ứng dụng trong nông nghiệp, than sinh học còn được ứng dụng rất nhiều trong lọc nước và xử lý nước thải, trong y tế, trong làm đẹp và đời sống hằng ngày. Song các ứng dụng này vẫn chưa được triển khai rộng khắp. Vì vậy rất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan, tổ chức, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp để than sinh học ngày càng phát huy được những tác dụng hữu ích của mình.

VNCPC

“Thoát lỗ” hơn 2 tỷ đồng nhờ Hệ thống nhiệt phân PPV 300

Đó là chia sẻ của chị Triệu Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) tại Hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân” diễn ra vào ngày 25/02/2022, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo lời kể của chị Châu, từ năm 2014, khi tham gia khóa học về trồng cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, chị Châu đã được một giáo viên người Đức giới thiệu về công nghệ nhiệt phân nên chị rất tò mò và háo hức tiếp cận công nghệ ấy. Sau đó, hợp tác xã (HTX) Bình Minh đã có may mắn được biết tới Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền và được tiếp cận với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 mà theo đánh giá của chị và nhiều thành viên khác là rất “khổng lồ” và tuyệt vời này.

Các đại biểu đi thăm quan công nghệ nhiệt phân

Không được phơi sấy, thương lái trừ tới 60% vì cà phê chất lượng kém

“Vào thời điểm HTX mới được tiếp quản Hệ thống nhiệt phân là vụ thu hoạch cà phê năm 2016 – 2017. Khi ấy đang thu hoạch thì trời mưa liên tục, cà phê không phơi được nên bị mốc, người dân khi bán bị thương lái trừ tới 60% do chất lượng cà phê không đảm bảo (bán 1 tấn cà phê mà chỉ thu được tiền của 400 kg).  Nhưng may mắn đối với HTX là nhờ có Hệ thống nhiệt phân mà chúng tôi đã sấy được 30 tấn cà phê, tránh được khoản lỗ lên tới hơn 2 tỷ đồng. Các thành viên trong HTX đều rất vui vì đã quyết định đầu tư đúng hướng”, giọng chị Châu vẫn đầy cảm xúc khi nhớ lại chuyện xưa.

Biochar giúp vườn tốt tươi, chuồng trại hết mùi

Cũng theo chia sẻ của chị Châu, ngoài tác dụng sấy cà phê, Hệ thống nhiệt phân PPV 300 còn tạo ra than sinh học (biochar) và một thứ nước đen mà sau này khi tiếp xúc với các nhà khoa học ở Tp. HCM chị mới biết đó chính là “vàng đen”, bởi khi được pha với tỷ lệ hợp lý, dung dịch này trở thành “thần dược” đối với cây trồng nhờ khả năng xua đuổi các loại côn trùng và sâu bệnh.

Chị Triệu Thị Châu (mặc áo khoác đứng cạnh người đội mũ lưỡi chai)

“Về biochar, cha tôi là khách hàng đầu tiên từ năm 2017, với giá mua là 5.000 đồng/kg. Ông đã dùng biochar để bón cho đất và chỉ một thời gian sau đó, vườn cà phê và vườn tiêu của ông đã trở thành khu vườn xanh tươi và đẹp nhất trong vùng. Khi nhiều hộ xung quanh, cây tiêu, cây cà phê bị sâu bệnh, rụng lá, vườn của ông vẫn rất tốt tươi.

Chị Châu còn cho biết thêm: Nhà chị có chuồng nuôi gần 30 con dê và một chuồng nuôi gà, trước đây thỉnh thoảng gia đình chị vẫn bị hàng xóm phàn nàn vì tình trạng mùi hôi từ chuồng trại bay theo hướng gió. Nhưng từ ngày chị dùng biochar để dải lót nền thì tình hình trên đã thay đổi hoàn toàn. Thậm chí, còn được hàng xóm khen: Chuồng trại nhà Châu giờ không còn thấy mùi hôi nữa!.

Sự chân thành của chị Châu – một phụ nữ người dân tộc Dao cùng những trải nghiệm thực tế của mình đối với Hệ thống nhiệt phân PPV 300 đã thực sự thu hút sự chú ý của các đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu… cùng những người quan tâm.

Cũng theo chị Châu, với giá thành hiện nay của Hệ thống nhiệt phân có lẽ là cao đối với nhiều HTX. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách thấu đáo thì công nghệ này không chỉ giúp người trồng trọt chủ động sấy nông sản vào mùa thu hoạch mà còn góp phần giảm thải khí CO2,  bảo vệ môi trường nên xứng đáng để đầu tư.

Một vài hình ảnh tại hộ

Thông tin về công nghệ nhiệt phân

Trong giai đoạn từ 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học. Công nghệ này làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản. Công nghệ lò đốt nhiệt phân cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và kịp thời mà vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn khí thải khắt khe. Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV300) để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam.

Với sự tiếp tục tài trợ từ Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ (SECO), trong giai đoạn 2020 – 2022, UNIDO ưu tiên tập trung vào việc nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức của người thụ hưởng về công nghệ nhiệt phân, đồng thời chia sẻ kiến thức, kết nối thị trường nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ này tại Việt Nam, ngày 25/02/2022 tại thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk, UNIDO và liên danh thực hiện dự án bao gồm Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Công ty tư vấn Sofies SA (Thụy Sỹ), Tổ chức Oekozentrum (Thụy Sỹ), Husk Ventures S.L (Tây Ban Nha) cùng Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam”, với 3 mục tiêu chính gồm:  (1) Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; (2) Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; và (3) Thúc đẩy thị trường than sinh học.

VNCPC

Portfolio Items