Lợi ích kép từ sản xuất sạch hơn

Sản xuất sạch và bền vững mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN) khi giúp DN tiết kiệm nguyên nhiên liệu sản xuất, thực hiện trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng, nâng cao uy tín và thương hiệu.

Lợi ích kép từ sản xuất sạch hơn
Theo Phó giáo sư Trần Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, hiện nay, phát triển kinh tế ở Việt Nam dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô và sơ chế. Phát triển bền vững  mặc dù có chủ trương lớn nhưng chưa được thực hiện triệt để. Xu thế phát triển xanh trên thế giới đã mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể ‘đón đầu’ đi thẳng vào phát triển kinh tế xanh song cũng tạo ra thách thức ‘tụt hậu’ xa hơn nếu không nắm bắt được cơ hội. Tuy nhiên lợi ích mang lại cũng rất lớn nếu DN chủ động áp dụng các giải pháp hướng đến phát triển xanh, sản xuất sạch.

Ông Thái Doãn Thất – Phó giám đốc Công ty Dệt may 7 – Quân khu 7 cho biết, không chỉ đầu tư, cải thiện trang thiết bị sản xuất theo hướng công nghệ sạch mà đơn vị còn tăng cường sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Theo đó, công ty đã chuyển đổi nhiên liệu đốt từ than sang sử dụng các phế phẩm trong sản xuất nông lâm nghiệp (củi, trấu). Đồng thời, các máy móc được đầu tư đã phát huy hiệu quả tăng năng suất lao động 1,5 lần. Các máy nhuộm có dung tích nhuộm nhỏ để giảm tiêu hao nước, hóa chất nhiên liệu và thời gian; nhà xưởng được thiết kế để tận dụng ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng điện. Đặc biệt, công ty sử dụng loại vải không chứa các chất độc hại, không gây kích ứng da cho người tiêu dùng. Đây cũng là lý do giúp DN ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và trên thế giới.

Công ty CP Thương mại Hương Giang (Khu công nghiệp An Xá – Nam Định) đã xây dựng và thực hiện quy trình chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao với hệ thống kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra với công suất đạt 4,3-4,5 tấn/gạo/giờ. Lượng trấu phế thải được chế biến thành chất phụ gia để sản xuất thức ăn gia súc. Nhờ áp dụng thiết bị hiện đại, giảm thất thoát hao phí trong khâu vận hành, nâng cao năng suất chất lượng gạo nên doanh thu của công ty thường đạt 100 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 60-70 lao động.

Công ty TNHH Thịnh Long (Hải Hậu – Nam Định) đã thay thế lò hấp sấy thủ công bằng dây chuyền hấp sấy hiện đại, sử dụng nồi hơi áp suất cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường….

Lợi ích do sản xuất sạch hơn mang lại là rất lớn. Theo Phó giáo sư Trần Văn Nhân, lợi ích lớn nhất là giá thành sản phẩm giảm nhờ nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng các nguồn lực; giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu, nước và năng lượng đầu vào; tận dụng được các sản phẩm phụ. Đặc biệt là DN giảm được các chi phí liên quan đến thu gom và xử lý chất thải do giảm lượng chất thải phát sinh vì DN đã áp dụng các giải pháp kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn, đó là chưa kể đến các vấn đề pháp lý về môi trường cũng được DN thực hiện tốt. Như vậy lợi ích kinh tế – môi trường và xã hội được đảm bảo, đồng thời hình ảnh của DN cũng được nâng lên.

Theo Minh Lâm – ven.vn

Tập huấn bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn

Ngày 25/11, Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch, Bộ Công Thương và UBND xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư tổ chức khóa tập huấn nâng cao năng lực về bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn cho các đơn vị sản xuất công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ trên địa bàn xã Ninh Vân.

Tại khóa tập huấn, gần 150 học viên đến từ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ đã được cung cấp các tài liệu, kiến thức về Luật bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó chú trọng đến những nội dung thuộc trách nhiệm thực hiện của doanh nghiệp; quy định bảo vệ môi trường tại làng nghề, hướng dẫn quản lý chất thải theo quy định của pháp luật; việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định 179/2013 của Chính phủ; các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi, sản xuất sạch hơn tại các làng nghề đá mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, các học viên cũng đã trao đổi, thảo luận về cách khắc phục những vấn đề thường gặp trong quản lý môi trường của doanh nghiệp.

Thông qua tập huấn nhằm góp phần để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ hiểu rõ và ngày một thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật, từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch, cũng như xây dựng nông thôn mới của địa phương. Điều quan trọng hơn, đó chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của chính những người dân làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân.

Theo sxsh.vn

Ninh Bình: Đẩy mạnh sản xuất sạch hơn

Là một trong những tỉnh sớm triển khai sản xuất sạch hơn (SXSH), nên các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Ninh Bình đã tiếp cận với SXSH từ khá sớm. Tuy nhiên, cho đến nay, việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh SXSH vẫn chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn.

 Triển khai sớm nhưng chưa hiệu quả

Theo ông Đào Thanh Tân – Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường Sở Công Thương Ninh Bình, ngay từ khi Bộ Công Thương chưa có các hoạt động liên quan đến SXSH thì đã có một số đơn vị của tỉnh tự tìm hiểu và triển khai SXSH. Vì thế, khi Bộ Công Thương triển khai Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) tại Ninh Bình vào năm 2009, lúc đó tỉnh đã có 7 đơn vị tiếp cận và triển khai SXSH. Mặc dù nguồn hỗ trợ của CPI rất nhỏ (30 triệu đồng năm 2010 và 50 triệu đồng năm 2011), nhưng Ninh Bình cũng đã nỗ lực triển khai khá nhiều hoạt động về SXSH như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản các bản tin chuyên đề về SXSH; tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức và các khóa tập huấn kỹ thuật SXSH cho hàng trăm lượt cán bộ thuộc các cơ sở công nghiệp trên địa bàn. Giai đoạn này, các doanh nghiệp triển khai báo cáo thì một số đạt kết quả tốt, nhưng cũng khoảng một nửa số doanh nghiệp cho kết quả trung bình, chưa như mong đợi.

Bắt đầu từ năm 2012, Ninh Bình phải sử dụng nguồn kinh phí địa phương duy trì việc tuyên truyền về SXSH trên các phương tiện truyền thông. Tỉnh giao Sở Công Thương làm đầu mối về SXSH, triển khai các công việc với 2 cán bộ đã được đào tạo cơ bản về SXSH. Hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thuộc Sở đã thành lập Phòng Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn, nhưng hiện cán bộ còn đang rất thiếu và yếu, nên Sở đang có kế hoạch cử thêm cán bộ tham gia vào các lớp tập huấn về SXSH do Bộ Công Thương, hoặc các đơn vị tư vấn tổ chức để nâng cao trình độ cán bộ về lĩnh vực này.

Không phê duyệt quyết định riêng cho SXSH, Ninh Bình chỉ lồng ghép vào Chương trình Khuyến công (Tháng 5/2015, Ninh Bình ra Quyết định số 499/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020), trong đó có chương trình hỗ trợ SXSH từ nay đến năm 2020 là 3,37 tỉ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn khác.

Tích cực triển khai kế hoạch

Dù tiếp cận với SXSH từ rất sớm, nhưng theo ông Đào Thanh Tân, đến thời điểm này, Ninh Bình vẫn mới tập trung nâng cao nhận thức và hỗ trợ đánh giá nhanh cho các doanh nghiệp. Vì việc đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ đều cần số vốn nhất định nên các doanh nghiệp khó có khả năng đáp ứng. Dù vậy, Sở Công Thương cũng cố gắng thu xếp dành nhiều hơn các hoạt động nhằm thúc đẩy SXSH trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Năm 2015 này, ngoài lớp tập huấn vừa tổ chức xong cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, cuối năm Sở sẽ tổ chức tập huấn chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể tại làng đá Ninh Vân.

Mặt khác, Sở Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ triển khai áp dụng các giải pháp SXSH vì doanh nghiệp cần thực sự đáp ứng được yêu cầu về nguồn vốn đối ứng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ tích cực tham gia các khóa tập huấn mà Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn của đội ngũ cán bộ phụ trách SXSH; đồng thời sẽ nhờ thêm các chuyên gia của các công ty tư vấn chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm hỗ trợ thêm. Song song đó, Sở cũng lên kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, tiến tới chủ động công tác đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn về kiến thức, kỹ năng đánh giá nhanh SXSH nhằm tìm các giải pháp phù hợp với đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Nhà máy Xi măng Duyên Hà:

Mong hỗ trợ thông tin SXSH

Nhà máy hiện đang tự triển khai các giải pháp SXSH. Tuy nhiên, việc này chưa được đầu tư một cách có hệ thống mà mới chỉ là nhìn thấy cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm và cảm nhận hiệu quả thông qua con số thống kê.

Chúng tôi mong sự hỗ trợ thông tin để biết, những gì chúng tôi đã và đang làm có phải là SXSH không? còn phải áp dụng những gì để tiếp tục duy trì và thu được kết quả tốt hơn khi áp dụng các giải pháp SXSH, nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Hay làm thế nào để tiếp cận được các nguồn vốn, hay phải đáp ứng các tiêu chí nào mới được hỗ trợ vốn triển khai SXSH… Có được những thông tin như vậy tôi nghĩ sẽ thiết thực hơn với doanh nghiệp.

Ông Lê Hải Nam – Kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật Công ty CP Phân lân Ninh Bình:

Không ngừng cải tiến thiết bị để SXSH

Trước khi tiếp cận với các dự án SXSH mà Bộ Công Thương đưa ra, Công ty CP Phân lân Ninh Bình đã xây dựng chiến lược SXSH cho từng giai đoạn, áp dụng nhiều giải pháp và không ngừng cải tiến thiết bị để SXSH và thân thiện môi trường. Vì vậy, Công ty rất tạo điều kiện để cán bộ kỹ thuật tham gia các khóa học, trang bị kiến thức, kỹ năng về SXSH và mời các chuyên gia về giảng dạy trực tiếp tại nơi sản xuất. Nhờ đó, tuy đầu tư nhiều, Công ty vẫn đảm bảo vận hành hiệu quả, sản xuất đạt năng suất cao và ổn định.

Chúng tôi mong tiếp cận được thêm những thông tin mới, học thêm nhiều kỹ năng về đánh giá và áp dụng các giải pháp SXSH để từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất tại Công ty.

 Theo sxsh.vn

Hà Nội: Đẩy mạnh truyền thông về sản xuất sạch hơn

Công tác truyền thông được xác định là một trong những hoạt động quan trọng giúp triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội) đã xây dựng và đưa ra được nhiều giải pháp truyền thông hữu hiệu nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và các cơ quan, cán bộ quản lý trên địa bàn thành phố.

Thực hiện các  nhiệm vụ được Sở Công Thương giao, ECC Hà Nội đã tổ chức đa dạng các hình thức truyền thông: Xây dựng và phát hành các tờ rơi, tổ chức làm phóng sự phát trên đài truyền hình, thực hiện tuyên truyền trên các ấn phẩm báo giấy, báo mạng cũng như tổ chức nhiều hội nghị hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn trong những cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề, các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hội thảo tập huấn về sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp
Cụ thể, trong năm 2015, ECC Hà Nội đã xây dựng và phát hành 10.000 bộ tờ rơi giới thiệu những kiến thức cơ bản về việc triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất; kinh nghiệm từ các điển hình áp dụng SXSH thuộc các ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, giấy và bột giấy…. ECC Hà Nội cũng đã xây dựng 4 phóng sự về kết quả triển khai thực hiện chương trình hành động SXSH của các cơ sở sản xuất công nghiệp và làng nghề trên địa bàn thành phố. Phóng sự có nội dung chia sẻ những kinh nghiệm của các đơn vị đã áp dụng SXSH vào hoạt động sản xuất cũng như những kết quả đạt được.

Cùng với đó, trung tâm còn tổ chức 6 hội nghị, tập huấn hướng dẫn áp dụng SXSH cho gần 450 học viên là các cán bộ quản lý, phụ trách kỹ thuật của cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp chủ đạo như chế biến thực phẩm, đồ uống – nước giải khát, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, các cán bộ quản lý đang công tác tại các quận, huyện và các công ty điện lực của thành phố. Các chương trình hội nghị, tập huấn đều đi sâu vào giới thiệu về SXSH, những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp khi áp dụng, vấn đề tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Ngay tại hội nghị, tập huấn, học viên được giới thiệu về những mô hình trình diễn áp dụng SXSH, trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với các lãnh đạo doanh nghiệp đã áp dụng SXSH, qua đó có cái nhìn rõ nét, sinh động về hiệu quả đem lại cho doanh nghiệp khi áp dụng SXSH.

Theo sxsh.vn

Xuất khẩu cá tra: Hết thời cạnh tranh giá rẻ

Sau một thời gian phát triển quá nóng, hiện nay, cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm, kể cả sản xuất trong nước cũng như trên thị trường xuất khẩu.

Sau một thời gian phát triển quá nóng, nay cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm, kể cả sản xuất trong nước cũng như trên thị trường xuất khẩu. Đó là chi phí sản xuất cao, quá trình sản xuất chưa được tối ưu, sản phẩm chưa được gia tăng chế biến… nên cá tra Việt Nam đã bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt tại thị trường lớn EU.

Lãng phí quá nhiều trong sản xuất, chế biến 

Chế biến cá tra tại Công ty CP Gò Đàng tại khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh Vũ Sinh – TTXVN
Phát biểu trong hội thảo “Phát triển cá tra bền vững tại Việt Nam, các phân tích và khuyến nghị về chính sách” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức ngày 16/11, tại Hà Nội, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở Việt Nam, cho biết từ năm 2000 đến 2014, ngành cá tra đã phát triển khá nóng. Tính riêng giai đoạn 2002-2009, trị giá xuất khẩu cá tra mỗi năm tăng lên từ 2-3 lần. Trị giá xuất khẩu cá tra bắt đầu chững lại và bão hòa từ năm 2011.

Giá xuất khẩu cá tra liên tục giảm, năm 2002, giá xuất khẩu trung bình 3,11 USD/kg nhưng sau đó giảm, thậm chí năm nay chỉ còn ở mức 2,1 – 2,3 USD/kg. Vài năm trở lại đây, sản lượng cũng như giá bán cá tra trên thị trường không tăng. Trong chuỗi sản xuất, người nuôi cá lãi ít, thậm chí các hộ nuôi còn phải bù lỗ do giá bán dưới giá thành sản xuất (năm 2010).

Theo ông Lê Xuân Thịnh, do phát triển khá nóng trong những năm vừa qua nên sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm. Đó là chất lượng sản phẩm không ổn định và thiếu đồng nhất; nền sản xuất thiếu bền vững bởi chi phí sản xuất ngày càng gia tăng như điện, nước.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho cá tra xuất khẩu ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, điển hình là chi phí thức ăn. Hiện cơ cấu chi phí giá thành gồm nhiều loại như giống, thức ăn, hóa chất xử lý môi trường, thuốc, lãi vay ngân hàng và chi phí khác; trong đó, chi phí thức ăn chiếm tới 75-77%. Trong khi đó, có tới 80% thức ăn phải nhập khẩu mà chưa thể tự chủ được.

Một trong những vấn đề nổi cộm nữa hiện nay trong quá trình chế biến cá tra tại các doanh nghiệp là mức sử dụng nhiên liệu cao. Quy mô ngành trung bình khoảng 600 kW/tấn sản phẩm nhưng hiện đang có doanh nghiệp sử dụng tới 800 kW, cá biệt có doanh nghiệp sử dụng tới 1.500 kW/tấn sản phẩm. Hay như sử dụng nước trong chế biến cá tra, mức trung bình chỉ là 15 m3/tấn sản phẩm nhưng có doanh nghiệp sử dụng 26 – 30 m3/tấn.

“Có thể thấy hiện nay, ngành cá tra đang lãng phí nhiều tài nguyên từ khâu nuôi cho đến chế biến. Sự lãng phí trên còn gây hậu quả là nước thải, chất thải rắn trong chế biến cũng tăng cao.” – ông Lê Xuân Thịnh, cho hay.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, vấn đề cần quan tâm của ngành cá tra hiện nay là chất lượng sản phẩm không ổn định và thiếu đồng nhất; các tác động của môi trường và xã hội ngày càng rõ ràng; chi phí sản xuất ngày càng tăng, sản phẩm chế biến thấp, chủ yếu là phi lê. Điều này cho thấy một nền sản xuất vẫn thiếu bền vững.

Hết thời cạnh tranh giá rẻ 

Chế biến cá tra tại Công ty Hùng Cá ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN
TS. Siegfried Bank, chuyên gia tư vấn chính sách đến từ Đức cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu cá tra. Có thể nói EU không ảnh hưởng lớn về mặt thị trường nhưng những chính sách của EU có thể tác động đến nhiều thị trường, bởi các thị trường thường tham khảo các quy định của EU để quyết định việc nhập khẩu cá tra.

Thời gian gần đây, cá tra Việt Nam vào thị trường EU bị cạnh tranh mạnh bởi các loại cá thịt trắng khác. Thị trường sản xuất cá trắng ổn định hơn, giá rẻ hơn cá tra khiến cá tra Việt Nam vào thị trường EU bị ép giá. Do bị ép giá một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng thêm nước vào sản phẩm nhưng không khai báo, tỷ lệ mạ băng thấp hơn so với khai báo.

Việt Nam đang quyết tâm nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, điển hình như qua quy định mới về hàm lượng ẩm hay tỷ lệ mạ băng. Theo ông Siegfried Bank, thị trường EU không có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn này nhưng yêu cầu phải có khai báo, phải công bố khối lượng tịnh. Với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, của người tiêu dùng. Thị trường luôn mong muốn tỷ lệ mạ băng giảm, ít phụ gia.

Đánh giá về việc ngành cá tra phấn đấu các cơ sở nuôi phải áp dụng và được chứng nhận VietGAP về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt hoặc các chứng nhận phù hợp với quy định của Việt Nam, ông Siegfried Bank cho rằng, điều này sẽ giúp cá tra Việt Nam được truy xuất nguồn gốc sẽ dễ hơn. Đây sẽ là công cụ tốt để xây dựng một hình ảnh mới, nâng cao hình ảnh cá tra. Điều này sẽ thực sự tốt nếu đi liền với sản phẩm có chất lượng cao.

TS. Siegfried Bank cho rằng, Việt Nam không chỉ có các doanh nghiệp đã đạt chứng chỉ VietGAP mà còn có doanh nghiệp đạt chứng chỉ ASC. Các doanh nghiệp Việt Nam nên dừng cạnh tranh giá rẻ mà nên cạnh tranh giá cao. Việt Nam cần tạo sự khác biệt, đẳng cấp của sản phẩm cá tra. Tạo ra các sản phẩm cá tra khác nhau phục vụ các thị thị trường khác nhau, tương xứng với các mức giá của nó. Việt Nam nên từng bước có chiến lược đẩy chất lượng cũng như có các mức giá xứng đáng với chất lượng tiềm năng của cá tra trên thị trường.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, tiềm năng phát triển cá tra còn rất lớn và doanh nghiệp cần phải cắt giảm chi phí giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất áp dụng công nghệ mới và đặc biệt là xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam “xanh” và “ngon”.

Theo Bích Hồng/BNEWS – TTXVN

Chương trình kết nối mạng lưới SWITCH-ASIA: “Thúc đẩy sinh kế bền vững ở Châu Á thông qua sản xuất và tiêu dùng bền vững”

Từ 4-6 tháng 11 năm 2015 tại New Delhi (Ấn Độ), Liên minh Châu Âu thông qua Chương trình SWITCH-Asia đã tổ chức chương trình kết nối mạng lưới “Thúc đẩy sinh kế bền vững ở Châu Á thông qua Sản xuất và tiêu dùng bền vững”. Hơn 200 đại biểu từ hơn 17 nước Châu Á và các nước châu Âu bao gồm các đơn vị thực hiện dự án, các nhà làm chính sách từ các cơ quan của các nước, các chuyên gia đã tham gia vào sự kiện này.

SCP

Đại diện Chính phủ Ấn độ, Cơ quan hợp tác phát triển (Liên minh Châu Âu), UNEP cùng thực hiện nghi thức thắp đèn dầu khai mạc Hội nghị

Trong ba ngày làm việc các đại biểu đã được trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với các đại diện thực hiện các chương trình từ các nước châu Á khác nhau với các chủ đề:

  • Sinh kế và giảm nghèo: Đây là chương trình do EuropeAid tài trợ với mục tiêu giảm nghèo và cải thiện sinh kế. Năm 2015 đã được chọn là năm Châu Âu giành cho các mục tiêu phát triển nhằm nâng cao các hoạt động hỗ trợ của Châu Âu để thúc đẩy phát triển toàn cầu. Các đại biểu sẽ thảo luận để thúc đẩy Sản xuất và tiêu thụ bền vững (SCP), thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo ở các đô thị cũng như vùng nông thôn.
  • Các tác động của Chương trình Switch Asia trong hỗ trợ hình thành các chính sách: Phần này do Hợp phần hỗ trợ chính sách khu vực SWITCH-Asia Regional Policy Support Component (RPSC) do Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thực hiện để đánh giá khuynh hướng chính sách từ cấp độ toàn cầu tới khu vực và cơ hội thực hiện SCP trong khu vực Châu Á hướng tới Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
  • Tác động của SCP đến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu: Trong phần này các đại biểu sẽ được chia sẻ những thông tin mới nhất về biến đổi khí hậu ở Châu Á cũng như các ví dụ rất cụ thể về các công nghệ sử dụng ít các bon quy mô nhỏ được thực hiện trong các dự án do SWITCH-Asia tài trợ.
  • Thúc đẩy SCP trong giáo dục, đào tạo và chuyển giao các kỹ năng.

SCP1

 

Đại diện dự án GetGreen Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với các đại biểu quốc tế

Phía Việt Nam có đại diện của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi trường) và hai dự án Sống xanh Việt Nam (GetGreen) do TU Delft cùng VNCPC, AITVN thực hiện và Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững (SUPA) do VNCPC, WWF và VASEP thực hiện. Trong đó dự án GetGreen được lựa chọn để chia sẻ kinh nghiệm trong việc thay đổi thói quen người tiêu dùng hướng đến phát triển bền vững.

 

Kết thúc Hội nghị, đại diện cơ quan tài trợ Chương trình Switch Asia là Liên minh Châu Âu đã đánh giá rất cao hiệu quả của chương trình với 80 dự án đã được tài trợ. EU cũng đã gia hạn chương trình cho giai đoạn II từ năm 2014 – 2020 với cam kết tài trợ lên tới hơn 120 triệu euro.

 

Các dự án do EU tài trợ thông qua chương trình Switch Asia từ 2007 – 2014.

 

Nước thực hiện dự án Tên dự án Năm thực hiện Cơ quan thực hiện
Việt Nam “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao hiểu biết và thực hiện CSR nhằm tăng cường liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất bền vững” – CSR Vietnam 2/2019-4/2013 Chủ trì:UNIDOThực hiện: VCCI, LEFASO, Eurocham VN, VITAS, VEIA, ILSSA,….
Việt Nam Thúc đẩy sử dụng Năng lượng hiệu quả và tiết kiệm thông qua hỗ trợ Phát triển các Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam (MEET – BIS) 4/2009-9/2013 Chủ trì:ETC Hà LanThực hiện:

RCEE, VCCI,…

Việt Nam Sống và làm việc bền vững ở Việt Nam (GetGreen) 4/2012-3/2015 Chủ trì:TU Delft Hà LanThực hiện:

VNCPC, AITVN

Việt Nam Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở Việt Nam 4/2013-3/2017 Chủ trì:VNCPCThực hiện:

VASEP, WWF Áo, WWF VN

Việt Nam, Lào, Campuchia Đổi mới sản phẩm bền vững ở Việt Nam, Lào, Campuchia 4/2010-9/2014 Chủ trì:TU Delft Hà LanThực hiện:

VNCPC, AITVN, LNCCI, CCPO, UNEP

Việt Nam, Lào, Campuchia Thiết lập hệ thống sản xuất mây bền vững ở VN, Lào, Campuchia 1/2009-12/2011 Chủ trì:WWF ÁoThực hiện:

VNCPC, LNCCI, AAC.