Sản xuất sạch hơn tại Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (Doximex)

Từ năm 2005, Doximex đã triển khai chương trình 5S dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản. Đây thực sự là công cụ quản lý nội vi dễ thực hiện nhưng đem lại hiệu quả lớn. 5S đã giúp loại bỏ tức thời các lãng phí như thời gian, không gian, nguyên vật liệu… và còn giúp tạo ra và duy trì nề nếp làm việc công nghiệp, đồng thời thúc đẩy khả năng sáng tạo của tất cả mọi người và tạo ra phong trào cải tiến liên tục trong công ty.

Từ năm 2012-2014, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được Doximex lựa chọn và áp dụng vào sản xuất và kinh doanh của công ty, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường, xã hội cho DN và cộng đồng với số tiền làm lợi lên đến trên 87 triệu đồng/mỗi năm nhờ áp dụng các cải tiến vào sản xuất, giúp tiết kiệm thời gian gia công sản phẩm, tiết giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Doximex cũng áp dụng nhiều giải pháp khác nhằm tiết kiệm chi phí điện năng như lắp đặt biến tần cho các động cơ bơm nước, các động cơ trục chính, động cơ máy dệt…, thay thế lò hơi đốt than cũ bằng lò hơi lớn hơn và có hiệu suất cao hơn; thay thế một số bóng đèn cao áp thủy ngân công suất 250W có hiệu suất chiếu sáng thấp và tiêu tốn năng lượng bằng các đèn compact 75W tiết kiệm điện…

Sau khi được Trung tâm tiết kiệm năng lượng – Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ tư vấn áp dụng các giải pháp SXSH Dệt kim Đông Xuân bước đầu tiếp cận với phương pháp SXSH. Hiện tại tiềm năng để áp dụng SXSH của công ty còn rất lớn như: ngăn chặn lượng bụi phát sinh trong quá trình dệt bằng giải pháp cải tạo lại nền nhà xưởng, tạo hệ thống hút bụi ‘âm sàn’; tiến hành bọc bảo ôn cho đường ống, van… của hệ thống phân phối lò hơi trong xưởng tại xí nghiệm dệt; công ty chưa tận dụng nhiệt khí thải ra từ lò hơi, nước ngưng thu hồi chưa triệt để; công ty cũng chưa có kế hoạch điều chỉnh sản xuất tránh giờ cao điểm cho các thiết bị công suất lớn; tại khu vực dệt, lượng bụi phát sinh vẫn nhiều, chưa có giải pháp hiệu quả trong khi đó bụi phát sinh từ lò hơi đốt than thì DN đã xử lý bằng hệ thống xyclone nhưng chỉ hạn chế được lượng bụi có kích cỡ lớn còn một lượng đáng kể vẫn bị phát tán ra môi trường qua ống khói lò hơi cao 18m; lắp biến tần cho bơm dầu tải nhiệt công suất 30kW nhằm giảm lượng điện tiêu hao…”.

Để chương trình SXSH phát huy hiệu quả hơn nữa, các chuyên gia tư vấn của ECC Hà Nội cũng khuyến nghị Doximex nên có kế hoạch để từng bước triển khai đối với các hạng mục có đầu tư về chí phí và phải thực hiện ngay công tác tăng cường quản lý nội vi và bảo dưỡng thiết bị, máy móc định kỳ, đồng thời phải luôn cập nhật các chi phí sản xuất sao cho nằm trong định mức cho phép. Cuối cùng là công ty phải tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về SXSH cho công nhân cũng như liên tục theo dõi và duy trì các kết quả của chương trình SXSH.

Theo sxsh.vn

Bình Thuận: Tổ chức tư vấn, vận động doanh nghiệp tham gia đánh giá sản xuất sạch hơn năm 2016

Từ ngày 22-23/10/2015, Trung tâm Khuyến công tổ chức tư vấn, vận động các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài tham gia hoạt động đánh giá sản xuất sạch hơn năm 2016.
Đối tượng được lựa chọn vận đồng tham gia hoạt động đánh giá sản xuất sạch hơn năm 2016 là các doanh nghiệp sản xuất bột cá, sản xuất muối có sử dụng lò hơi trong hoạt động sản xuất.  Cụ thể là 04 doanh nghiệp sản xuất bột cá gồm: Công ty TNHH Kim Đào, Công ty TNHH Thiên Thuận Tường, DNTN Ánh Vinh , DNTN Kim Long và 01 doanh nghiệp chế biến mối là Công ty CP Muối và xây dựng Bình Thuận.

Qua kết quả làm việc, các doanh nghiệp đã được tư vấn về hoạt động đánh giá sản xuất sạch hơn và chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động đánh giá sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp qua công tác tư vấn mới hiểu rõ, đầy đủ hơn về hoạt động sản xuất sạch hơn đem lại hiệu quả thiết thực trong việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu trong quá trình sản xuất ….

Ngoài ra, qua công tác tư vấn sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công đã phát hiện một số doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư phù hợp với chính sách khuyến công và đã hướng dẫn các doanh nghiệp về thủ tục, hồ sơ để tiếp cận.

Theo sxsh.vn

Để sản xuất, tiêu thụ thực sự bền vững

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định về sản xuất và tiêu thụ bên vững. Tuy nhiên để sản xuất sạch, tiêu dùng xanh thực sự đi vào cuộc sống thì rất cần sự chung sức, chung lòng của toàn xã hội và các cơ quan quản lý.

Để sản xuất, tiêu thụ thực sự bền vững

Vừa qua, Chính phủ đã ban Nghị định số 19/2015 ngày 14/2/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014. Theo đó, “Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận nhãn sinh thái” thân thiện với môi trường.

Theo Điều 1 của Thông tư số 41/2013 ngày 2/12/2013 quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường, nhãn sinh thái gắn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường được gọi là Nhãn xanh Việt Nam. Theo quy định này, để được cấp chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, các DN phải đáp ứng tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Đến nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một số tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam cho 5 nhóm sản phẩm gồm ắc quy, giấy văn phòng, sơn phủ dùng cho xây dựng, máy in, máy tính xách tay. Để được cấp Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm của mình, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ đăng ký theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 41/2013 và gửi cho Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chính sách ưu đãi và hỗ trợ

Chính phủ đã có một số cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo quy định của Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 19/2015 của Chính phủ thì các dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, được vay vốn với lãi suất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước và không quá 70% tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

Nghị định số 19/2015 cũng quy định DN được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế xuất khẩu đối với các DN sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời nghị định cũng đưa ra điều khoản quy định đối với việc các cơ quan phải ưu tiên mua sắm công là các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng như công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm thân thiện môi trường của các tổ chức, DN được hạch toán vào chi phí sản xuất của đơn vị đó.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Theo ông Dương Văn Mạnh đến từ Dự án GetGreen Việt Nam thuộc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, các quy định về ưu đãi hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường phức tạp, chưa cụ thể, rõ ràng và khó thực thi nên các DN không có động lực để thực hiện các thủ tục gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm. Mặt khác, các DN Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc đầu tư, sử dụng công nghệ, phương thức quản lý và áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp để đầu tư sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu gắn Nhãn xanh Việt nam, đấy còn chưa nói đến là các tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam còn rất hạn chế về mặt số lượng. Do vậy các quy định hướng dẫn ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cần cụ thể, minh bạch, dễ tiếp cận, nhằm khuyến khích các DN tham gia đầu tư trong lĩnh vực này.

Trong xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa về kinh tế, tương lai không xa các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và nguy cơ mất thị phần không chỉ trên thị trường quốc tế mà cả ở trong nước nếu không thay đổi kịp thời để đáp ứng  yêu cầu của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về nhập khẩu cũng như yêu cầu của thị trường về sản phẩm thân thiện đối với môi trường. Trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần có kế hoạch và thực hiện việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN, người tiêu dùng và người dân, nhằm định hướng sự lựa chọn mua sản phẩm đã được gắn Nhãn xanh Việt Nam, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo Thu Lâm – ven.vn

Cần Thơ xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái

Cùng với Đà Nẵng và Ninh Bình, TP. Cần Thơ là một trong 3 địa phương của cả nước tham gia dự án “Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”. Đây được xem là bước “chuyển mình” của Cần Thơ trong việc giải quyết những thách thức về môi trường hiện nay tại các khu công nghiệp (KCN), doanh nghiệp (DN).

Hiện Cần Thơ có 8 KCN tập trung, thu hút 212 dự án với tổng vốn đăng ký 1,9 tỷ USD, vốn đầu tư đã thực hiện 842 triệu USD. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường quanh các KCN, đặc biệt là KCN Trà Nóc (1 và 2) ngày càng gia tăng, gây bức xúc cho nhiều người dân. Trước thực trạng trên, yêu cầu cải thiện môi trường tại các KCN, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn được UBND TP. Cần Thơ đánh giá là một trong những nhiệm vụ cấp bách cần sớm thực hiện.Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái, hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” với mục tiêu tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý KCN sinh thái, nâng cao trình độ kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít khí carbon; áp dụng phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN và DN trong KCN được xem là cơ hội cho Cần Thơ trong việc từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN.

Theo đó, Cần Thơ đã lựa chọn 2 KCN tham gia dự án là KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2. Phần lớn các DN tại KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 đều hoạt động trong ngành chế biến thủy sản, thực phẩm nên sử dụng nhiều năng lượng. PGS.TS Trần Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam cho biết: “Kết quả đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia dự án thực hiện tại nhóm 16 DN đang hoạt động tại 2 KCN này cho thấy, toàn bộ các DN được khảo sát đều có tiềm năng thực hiện chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái gắn với sản xuất sạch hơn. Mức tiết kiệm được ước tính với điện năng từ 5-30%, nước từ 5-20%. Nếu thực hiện chuyển đổi thành công, các DN được hưởng lợi đáng kể thông qua cắt giảm chi phí sản xuất và qua đó cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của mình”.

Còn theo ông Trần Minh Kiệt, Phó Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, tham gia vào dự án là cơ hội rất tốt để TP. Cần Thơ tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ, phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước, phương thức quản lý tốt hóa chất tại các KCN. Các hoạt động hỗ trợ DN về sản xuất sạch hơn, cho vay vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ được xem là sự hỗ trợ rất kịp thời và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp DN có nhiều cơ hội và khả năng đổi mới công nghệ hiện tại để tiết kiệm năng lượng và chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: KCN sinh thái là mô hình mới, lần đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam. Tại các KCN triển khai thực hiện dự án, các công ty hợp tác với nhau và với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động tới môi trường và giảm chi phí sản xuất. Việc chuyển đổi các KCN thông thường thành KCN sinh thái sẽ được thực hiện trước hết ở phạm vi DN, thông qua hoạt động đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chất thải nguy hại, các chất gây ô nhiễm nước và hóa chất.
Theo ven.vn

Năng suất tăng nhờ áp dụng chương trình sản xuất sạch vào ngành may

Các doanh nghiệp may áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng hơn qua đó góp phần làm tăng năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại dệt may từ các khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, Nam Phi, Đông Âu, Nam Tây Âu… sang các nước sản xuất dệt may châu Á khá rõ nét. Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh giữa các nước châu Á cũng rất khốc liệt. Thêm vào đó các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường, chống bán phá giá… từ các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Tây Âu mỗi ngày một thêm phức tạp. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đã ý thức được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chú ý chương trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Phần lớn các doanh nghiệp dệt may đều có trang web, giao dịch qua e-mail, áp dụng các phần mềm quản lý và phần mềm nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thiết kế và sản xuất sản phẩm.

Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, lấy xuất khẩu làm trọng tâm, ngành dệt may nỗ lực nghiên cứu áp dụng các công nghệ, nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm dệt có tính năng khác biệt. Áp dụng các phần mềm trong thiết kế, quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm dệt may.

Chẳng hạn, Trước đây, trong ngành nhuộm vải khách phải đem mẫu tới cho nhuộm thử, doanh nghiệp gửi trả mẫu khách duyệt mới tiến hành làm đại trà. Quy trình này chiếm hết cả tuần. Giờ nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp có thể làm việc với khách hàng qua mạng và nhuộm thử mẫu trên máy, khách đồng ý là có thể tiến hành sản xuất.

Bên cạnh đó, các chương trình sản xuất tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp tập trung hơn vào năng suất, chất lượng sản phẩm. Là một trong những doanh nghiệp ngành dệt may tiên phong đầu tư, sử dụng những sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường, Tổng công ty CP dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã đầu tư gần 223,5 triệu đồng lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện cho máy may 3S. Ưu điểm của thiết bị này giúp giảm công suất động cơ lúc hoạt động không tải, đồng thời động cơ luôn hoạt động trong tình trạng tối ưu, hiệu suất cao và tiết kiệm điện trong suốt quá trình thấp tải.

Tương tự, Công ty May Tiên Hưng (Hưng Yên) đã lắp đặt 2 bơm nhiệt để thay thế lò hơi; sử dụng 35 đèn LED thay thế đèn compact; lắp đặt biến tần cho hệ thống bơm… Các thiết bị này đã giúp công ty tiết giảm được 177,6 triệu đồng/năm chi phí năng lượng.

Hai công ty nói trên chỉ là hai trong nhiều công ty áp dụng chương trình sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, nhờ đó mà công ty hoạt động trong tình trạng tối ưu, đạt hiệu suất và năng suất, chất lượng cao.

Việc đầu tư cho các sản phẩm công nghệ thân thiện với môi trường không phải lúc nào cũng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư dài nhưng lợi ích mang lại vô cùng lớn. Lợi ích này không chỉ đơn thuần giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong sản xuất, mà còn chung tay góp phần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành dệt may.

Theo sxsh.vn