Công ty Cổ phần Than Núi Béo: Đa dạng giải pháp sản xuất sạch hơn

Sản xuất sạch hơn vừa phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các tác động xấu của khai thác mỏ tới môi trường mà vẫn không làm hạn chế sự tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với quan điểm đó, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Than Núi Béo – Vinacomin được biết đến là doanh nghiệp luôn đi đầu trong công tác bảo về môi trường, sản xuất sạch của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam.

Công ty Cổ phần Than Núi Béo: Đa dạng giải pháp sản xuất sạch hơn
Hệ thống xử lý nước thải công suất 1.200m3 của công ty 

Mỏ Núi Béo có vị trí địa lý hết sức đặc biệt, khai trường và bãi thải đều nằm tiếp giáp với khu vực dân cư trong TP. Hạ Long nên rất nhạy cảm về môi trường. Chính vì vậy, trong những năm qua, Công ty CP Than Núi Béo đã triển khai nhiều giải pháp như phân tầng đổ thải, sử dụng mặt bằng thải để làm hệ thống mương thoát nước…. Đặc biệt, tại các khu vực bãi thải đã ngừng đổ thải, khu vực giáp dân cư, khu vực đường lên bãi thải, văn phòng các công trường, phân xưởng trong công ty đều được bao phủ cây xanh, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Đến hết tháng 6/2015, tổng diện tích đã phủ xanh của công ty đạt 64,5ha.


Cây keo được trồng hoàn nguyên tại các bãi thải 

Trong khai thác than, việc phát tán bụi, khí thải là điều không thể tránh khỏi, vừa gây ô nhiễm, vừa lãng phí tài nguyên. Để giảm lượng bụi phát tán này, công ty thường xuyên tưới đường dập bụi 3 ca trong ngày trên các tuyến đường trong khai trường, đường tỉnh lộ 336. Công ty đã đầu tư mua xe tưới đường chuyên dụng, hiện nay đã có 16 xe chuyên dụng để tưới đường.

Đặc biệt, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi tại các cụm sàng, kho than, phân xưởng sửa chữa vận tải và công trường. Việc lắp đặt hệ thống phun sương đã góp phần giảm đáng kể phát tán bụi ra môi trường xung quanh. Đồng thời, công nghệ tuyển huyền phù cũng đã được công ty ứng dụng nhằm tránh gây bụi và tận thu tối đa tài nguyên.

Đối với vấn đề chất thải nguy hại, công ty đã xây dựng một quy trình quản lý và xử lý nghiêm ngặt. Tại các phân xưởng vận tải và sửa chữa, đơn vị đã xây dựng 8 bể thu gom nước mặt có nhiễm dầu, 11 nhà chứa chất thải nguy hại. Những chất thải này công ty đã ký hợp đồng vận chuyển và xử lý với doanh nghiệp môi trường.

Riêng về nước thải mỏ, công ty đã đầu tư một công trình xử lý nước thải với công suất 1.200m3/ngày đêm. Toàn bộ nước trong mỏ thải ra đều được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn nước xả thải ra môi trường đạt loại B. Tuy nhiên, phần nước sau khi xử lý công ty chỉ thải ra môi trường khoảng 50%, 50% còn lại được tái sử dụng cho rửa đường, phun sương dập bụi và rửa các xe vận chuyển than trước khi ra khỏi mỏ.

Nhằm nghiên cứu cải tạo đất, phục hồi môi trường sau khai thác cũng như tại các khu vực đã dừng đổ thải, công ty đã hợp tác với Tổ chức JICA (Nhật Bản), với sự phối hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiến hành trồng thử nghiệm 100 cây Jatropha tại mặt bằng mức +24 bãi thải trong công trường Đông Bắc.

Hiện phía JICA cũng đang tiếp tục hỗ trợ công ty trồng thử nghiệm 3ha tại khu vực mặt bằng +253 bãi thải Chính Bắc, thực hiện việc nhân rộng diện tích thử nghiệm cây Jatropha tiến tới trồng đại trà loại cây này để chế biến dầu sinh học.

Theo Thu Hường – ven.vn

Đà Nẵng: Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc tạo ra chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ lại có rất ít doanh nghiệp ở Đà Nẵng được thụ hưởng do bộc lộ nhiều bất cập.

Công ty CP Dệt May 29-9 Đà Nẵng mạnh dạn đổi mới dây chuyến công nghệ
Công ty CP Dệt May 29-9 Đà Nẵng mạnh dạn đổi mới dây chuyến công nghệ

Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng tiếp nhận công nghệ, làm chủ công nghệ được chuyển giao của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, ngay từ năm 2012, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn TP. Đà Nẵng, theo đó Đà Nẵng sẽ hỗ trợ với kinh phí tối đa 300 triệu/doanh nghiệp/năm.

Kể từ khi Quyết định 08 có hiệu lực, Sở Khoa học & Công nghệ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn giới thiệu, hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức nhận biết để tham gia. Đây là nỗ lực lớn của Sở, song khi đi vào áp dụng thực tiễn lại bộc lộ quá nhiều hạn chế. Thực tế 98% doanh nghiệp tại Đà Nẵng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó hơn 70% là doanh nghiệp siêu nhỏ nên năng lực tiếp thu công nghệ rất hạn chế, không cần đầu tư công nghệ cao; trong đó, hạn chế lớn nhất là doanh nghiệp phải triển khai dự án, đưa dự án đổi mới công nghệ đi vào hoạt động, có hiệu quả thì mới được… hỗ trợ.

Các doanh nghiệp cũng than rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Lý do là đóng khung đối tượng, lĩnh vực để hỗ trợ đổi mới công nghệ; lĩnh vực được hỗ trợ còn bó hẹp, điều kiện hỗ trợ khắt khe trong khi năng lực viết dự án của doanh nghiệp lại rất hạn chế. Do vậy, từ khi triển khai đến nay mới chỉ có 6 doanh nghiệp được hỗ trợ từ chương trình này với tổng kinh phí 305 triệu đồng.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đó là nội dung được thảo luận sôi nổi tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ giai đoạn 2012 – 2015” do Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng tổ chức ngày 17/7 vừa qua.

Trong thực tiễn, việc đổi mới công nghệ với các doanh nghiệp thường có độ rủi ro rất cao. Thế nên có được doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, Thành phố nên hỗ trợ, tư vấn, thẩm định công nghệ để giúp họ yên tâm đầu tư công nghệ mà bớt đi rủi ro.

Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng cho rằng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ rất thiết thực và nhu cầu hỗ trợ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp là rất cần thiết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các chính sách này do không đáp ứng các lĩnh vực được hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ… Theo phân tích của ông Lý Đình Quân – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng, nói đến đổi mới công nghệ thì điều tiên quyết là giảm sức lao động, tăng năng suất. Đổi mới công nghệ để càng giảm lao động càng tốt. Do đó, Thành phố nên xem lại quy định các doanh nghiệp có quy mô từ 20 lao động trở lên mới được hỗ trợ đổi mới công nghệ.

Ông Hà Giang – chủ Doanh nghiệp Hà Giang – Phước Tường nói, chuyển đổi công nghệ là vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Đà Nẵng đã rất linh hoạt đưa quỹ đầu tư 120 tỷ đồng vào hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nguồn quỹ vẫn đảm bảo. Từ thực tiễn đó, ông Giang cho rằng Thành phố cần khẩn trương đưa quỹ Phát triển khoa học công nghệ vào hoạt động, cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp hơn Quỹ đầu tư, tức là dưới 5%/năm để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Ông Khiếu Đình Toàn – Giám đốc Công ty Tư vấn Phát triển hệ thống quản lý doanh nghiệp, cho rằng, Thành phố nên đưa vào đối tượng hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất thực hiện tốt nghĩa vụ thuế và công tác bảo vệ môi trường. Như vậy, nhiều doanh nghiệp mới có cơ hội tham gia và thụ hưởng. Cũng theo ông Toàn, với doanh nghiệp đăng ký, nộp thuế ở Đà Nẵng nhưng lại sản xuất ở nơi khác thì cũng phải xem xét đưa họ vào diện hỗ trợ đổi mới công nghệ.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng mong muốn Thành phố có quy chế mở rộng đối tượng, mở rộng tiêu chí cho các ngành, lĩnh vực; nên chọn công nghệ phù hợp với năng lực và quy mô doanh nghiệp ở địa phương miễn là những công nghệ mang lại năng suất chất lượng, giá thành tốt cho đơn vị thụ hưởng. Ngoài ra, khi hỗ trợ, Sở cần bổ sung vào công tác tư vấn viết các dự án cho doanh nghiệp thì việc hỗ trợ mới thực sự hiệu quả, thu hút đông doanh nghiệp tham gia đổi mới công nghệ, nâng cao tính khả thi của Quyết định 08, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận.

Theo ông Lê Quang Nam – Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng, những bất cập trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hiện nay sẽ được Sở xem xét kiến nghị Thành phố thay đổi. “Mọi cơ chế đều do mình tạo ra, nếu áp dụng thực tiễn có bất cập sẽ điều chỉnh lại” – ông Nam nói.

Theo Thanh Hải – tapchicongthuong.vn

 

Tổng Công ty Giấy Việt Nam đầu tư mạnh trong đổi mới công nghệ bảo vệ môi trường

Với đặc thù là sản xuất giấy dễ gây ô nhiễm môi trường thời gian qua, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ nhằm quản lý, xử lý hiệu quả chất thải, góp phần quan trọng để bảo vệ môi trường.
Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường
Đứng trước những yêu cầu ngày càng bức thiết của công tác bảo vệ môi trường, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề giảm thiểu và quản lý, xử lý chất thải.
Với quan điểm “Phát triển sản xuất phải gắn liền với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững”, Tổng công ty luôn đặc biệt quan tâm đầu tư cho những giải pháp cải tiến công nghệ cùng với việc giảm thiểu chất thải, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu để liên tục nâng cao hiệu quả sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường. Một số giải pháp đầu tư cụ thể là: Cải tạo công nghệ chưng bốc dịch đen từ trực tiếp sang gián tiếp để giảm thiểu hơn 80% khí mang mùi thoát ra từ lò hơi thu hồi; Cải tạo công nghệ tẩy trắng bột giấy theo hướng giảm 50% tiêu thụ clo nguyên tố từ đó giảm thiểu 50% hàm lượng COD và AOX trong nước thải bộ phận tẩy bột; Đầu tư thay thế màng điện phân từ màng Amiăng sang dùng màng ion, tuyệt đối không sử dụng màng amiăng trong sản xuất hóa chất; Tổng công ty đầu tư mới lò hơi đốt rác để công nghiệp vỏ cây, mùn cưa sinh ra trong quá trình bóc gỗ, chặt mảnh nguyên liệu và bùn vi sinh phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm một phần tiêu thụ than cho việc sản xuất điện, hơi đồng thời giảm thiểu lượng thải rắn phát sinh; Đầu tư cải tạo lò hơi đốt than tại Nhà máy Điện để nâng cao hiệu suất đốt của lò, giảm tiêu hao than cho sản xuất hơi; Tận dụng lượng than cát bi qua sàng (thu hồi từ xỉ than) có nhiệt trị cao quay lại trộn với than cám 4a, 4b để đốt lại trong lò hơi động lực nhằm giảm tiêu hao than và giảm thiểu chất thải.

Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống xử lý các chất thải

Để xử lý nước thải năm 2003 trong khi thực hiện dự án đầu tư mở rộng nâng cao năng lực sản xuất lên 100.000 tấn giấy/năm, Tổng công ty đã dành 15% kinh phí đầu tư cho các hạng mục xử lý chất thải để bảo vệ môi trường với giá trị đầu tư là 15 triệu USD (cho riêng phần thiết bị). Một trong những hạng mục quan trọng đó là đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải vi sinh với giá trị đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Đầu tư chuyển đổi chưng bốc dịch đen (giảm 90% lượng khí mang mùi ra môi trường (130 tỷ đồng)… Nước thải ô nhiễm của toàn bộ các phân xưởng sản xuất được thu gom bằng hệ thống cống ngầm và đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hệ thống xử lý nước thải của Tổng công ty có công suất thiết kế là 30.000 m3/ngày nhưng công suất thực tế sử dụng hiện nay chỉ khoảng 22.000 – 24.000 m3/ngày.

Theo kết quả quan trắc định kỳ hàng năm thì chất lượng nước thải sau xử lý của Tổng công ty đều đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho phép. Đến nay, Vinapaco là một trong số rất ít doanh nghiệp giấy cơ bản giải quyết được vấn đề chất thải với hệ thống xử lý tương đối hoàn chỉnh, công nghệ tiên tiến, phổ biến trên thế giới. Nước thải sau xử lý, đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường, xử lý bụi đạt trên 96%, giảm được đến 90% lượng khí mang mùi ra môi trường… Tuy nhiên để vận hành liên tục hệ thống này, hàng năm, Vinapaco phải bỏ ra chi phí tương đương gần 40 tỷ đồng.

Đối với chất thải rắn và chất thải rắn thông thường, toàn bộ chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất đều được phân loại, quản lý xử lý theo đúng quy đinh, cụ thể là: Bùn vôi là chất thải rắn thông thường thải ra từ quá trình xút hóa để tái tạo dịch nấu. Lượng thải này được Tổng công ty xử lý bằng phương pháp lưu giữ trong hồ chứa riêng biệt. Vỏ cây, mùn cưa được thu gom đốt trong lò hơi công nghiệp của Tổng công ty như là một loại nhiên liệu thu hồi. Xỉ than được thu gom và bán cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Bùn thải từ xử lý nước thải: Bùn sơ cấp được bán cho các cơ sở sản xuất bìa cactong. Bùn thứ cấp (bùn vi sinh) một phần chuyển cho Công ty cổ phần Công đoàn để làm phân vi sinh, phần còn lại được trộn với than đốt trong lò hơi động lực.

Chất thải rắn nguy hại đều được phân loại ngay tại nguồn, thu gom riêng không thải lẫn với chất thải thông thường và lưu giữ tạm thời trong kho chứa chất thải nguy hại của Tổng công ty, sau đó Tổng công ty làm hợp đồng với đơn vị có đủ chức năng pháp nhân về xử lý chất thải nguy hại làm thủ tục thuê xử lý.

Trong việc kiểm soát, xử lý khí thải Tổng công ty đầu tư hệ thống lắng bụi tĩnh điện để xử lý bụi trong khói thải trước khi thải ra môi trường. Từ năm 2003, Tổng công ty đã đầu tư thay đổi công nghệ chưng bốc dịch đen, với việc thay đổi công nghệ này đã làm giảm khoảng 90% hàm lượng khí mang mùi trong khói thải lò hơi thu hồi. Kết quả quan trắc thường xuyên của Tổng công ty cho thấy các thông số thải của hai nguồn khí thải đều đáp ứng tiêu chuẩn môi trường cho phép.

Kiểm soát, sử dụng tiết kiệm năng lượng là biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả Tổng công ty đã thực hiện kiểm toán năng lượng toàn bộ khu vực sản xuất và kiểm toán chi tiết cụm các công đoạn sản xuất bột giấy. Trên cơ sở kiểm toán năng lượng, Tổng công ty đã tiến hành cải tạo hoặc thay thế dần các thiết bị có hiệu suất thấp; tận dụng lượng than cát bi thu hồi qua bể lắng có nhiệt trị còn cao quay lại trộn với than cám 4a để đốt lò hơi tại nhà máy điện (tiết kiệm khoàng 6.600 tấn than/năm). Tăng tải trọng xà lan chở than từ 230 tấn lên 260 tấn, giảm chi phí tiêu thụ dầu DO (tiết kiệm khoảng 900 triệu đồng/năm). Bên cạnh đó, Tổng công ty còn cải tiến và áp dụng những công nghệ mới tiên tiến hơn, như chuyển đổi hệ thống bơm, tháp giải nhiệt khu vực xử lý nước thải, tiết kiệm điện năng và tăng tuổi thọ của thiết bị. Đồng thời, Vinapaco còn nâng cao chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, giảm chi phí sản xuất nhờ cân đối hợp lý chi phí mua điện năng và chi phí tự sản xuất điện, vận hành lò, máy hiệu quả theo giờ, rút ngắn thời gian ngừng lò thu hồi, giảm lượng dầu đốt trong quá trình ngừng và khởi động lại lò hơi thu hồi; tái sử dụng nước làm mát tuabin của nhà máy điện cho sản xuất bột giấy.

Theo tapchicongthuong.vn

Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam tham gia Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”

Với tư cách là một trong những đơn vị tư vấn tham gia thực hiện Dự án, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tham gia Hội thảo giới thiệu Dự án vào các ngày 6/8, 12/8 và 14/8/2015 được tổ chức lần lượt tại các tỉnh Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Thông qua các hoạt động khảo sát và đánh giá sơ bộ ban đầu tại 3 KCN – gồm KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ) và KCN Hoà Khánh (Đà Nẵng) được lựa chọn thí điểm triển khai chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái – được thực hiện trong tháng 7 vừa qua, PGS. TS. Trần Văn Nhân (giám đốc VNCPC) đã có bài trình bày về tiềm năng thực hiện nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) trong các doanh nghiệp tại đây. Kết quả đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia VNCPC cho thấy toàn bộ các công ty được khảo sát đều có tiềm năng thực hiện cải thiện hiện quả sản xuất và chuyển đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Mức tiết kiệm được ước tính như sau:

  • KCN Khánh Phú (8 doanh nghiệp được khảo sát): năng lượng 5-20%, nước 10-30%;
  • KCN Trà Nóc 1&2 (16 doanh nghiệp được khảo sát): điện 5-30%, nước 5-20%;
  • KCN Hoà Khánh (8 doanh nghiệp được khảo sát): năng lượng 5 – 10%, nước 3-5%;

Ngoài ra, các doanh nghiệp đều có cơ hội tiết kiệm nguyên vật liệu với mức độ phụ thuộc vào các ngành nghề khác nhau.

IMG-20150806-03313

PGS. TS Trần Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn VN trình bày báo cáo sơ bộ về tiềm năng RECP của các doanh nghiệp trong buổi hội thảo tại Ninh Bình 06/08/2015 

Trong khuôn khổ Dự án, các doanh nghiệp tại đây khi đăng ký tham gia dự án sẽ được đào tạo về RECP, được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và nguồn vốn để đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường. Hỗ trợ từ Dự án được thực hiện theo quy trình toàn diện gồm: đánh giá hiện trạng, xác định tiềm năng và phương án chuyển đổi, lập hồ sơ vay vốn để tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính như Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (bảo lãnh 50% và trả thưởng tới 25% vốn vay ) hoặc hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo vệ Môi trường, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia với các dự án thay đổi công nghệ khả thi.

Mr. Dong_Can Tho-1

Ông Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo tại thành phố Cần Thơ ngày 12/08/2015

Tại các Hội thảo, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời là Giám đốc Quốc gia của Dự án đã có lời phát biểu khai mạc và khẳng định “ Với cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến và các nguồn tài chính ưu đãi, thực hiện chuyển đổi với chi phí hợp lý, Dự án hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng doanh thu gắn với phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập hiệu quả”.

Tiếp theo phiên khai mạc, tại Ninh Bình, ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có lời phát biểu chào mừng Hội thảo. Tại Cần Thơ, ông Trần Minh Kiệt – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN và Khu Chế xuất thành phố Cần Thơ đã phát biểu chào mừng Hội thảo và đánh giá “các hỗ trợ của dự án dành cho các doanh nghiệp trong tỉnh để cải thiện sản xuất, được hỗ trợ về vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ là kịp thời và cần thiết cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay”. Tại Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Đức – Phó ban Quản lý các KCN và Khu Chế xuất thành phố Đà Nẵng cũng có lời phát biểu chào mừng Hội thảo và cho rằng việc lựa chọn KCN Hòa Khánh của Đà Nẵng làm mô hình thí điểm là rất hữu ích cho các doanh nghiệp tại đây.

IMG_2793

Ban Chủ toạ Hội thảo tại Đà Nẵng ngày 14/8/2015 

Tại hội thảo, ông Heinz Leuenberger – Cố vấn trưởng kỹ thuật của Dự án đã có bài thuyết trình giới thiệu Dự án, mô tả các hoạt động và lợi ích Dự án sẽ mang lại cho sự phát triển các KCN nói chung và doanh nghiệp trong KCN nói riêng.

IMG_2788

Ông Heinz Leuenberger – Cố vấn trưởng Dự án trong bài phát biểu tại hội thảo ở Đà Nẵng 14/08/2015

Trong phần giới thiệu về cơ chế tài chính xanh cho các hoạt động đầu tư công nghệ sạch và phát thải ít các bon dành cho các doanh nghiệp trong KCN, TS. Nguyễn Đình Chúc – Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng nhận định “Một trong những khó khăn cơ bản mà các doanh nghiệp trong nước gặp phải là tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho các khoản đầu tư vào công nghệ do hạn chế trong năng lực lập hồ sơ kỹ thuật và tài chính. Cơ chế hỗ trợ của Dự án sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản chi phí để đầu tư cho sản xuất và cải thiện công nghệ. Đây là lợi thế nổi trội mà các doanh nghiệp tham gia Dự án có được khi tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi từ Dự án”.

Kết thúc chương trình Hội thảo buổi sáng, đoàn chuyên gia và đại diện Ban quản lý Dự án đã có buổi làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp gồm: Nhà máy Kính nổi Tràng An – Chi nhánh công ty TNHH Dương Giang (KCN Khánh Phú); Công ty Thuỷ sản Quang Minh, Công ty Thuỷ sản Phương Đông và Công ty TNHH Thái Sơn(Khu CN Trà Nóc 1); Công ty Thép Việt Mỹ và Nhà máy Giấy Tân Long (Khu CN Hoà Khánh) vào buổi chiều cùng ngày. Các doanh nghiệp đều bày tỏ sự quan tâm đến Dự án và một số công ty đã đăng ký tham gia ngay sau buổi làm việc cũng như cam kết sẽ tích cực phối hợp với bên Dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO và các cơ quan liên quan hy vọng kết quả của Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ và cải thiện môi trường tại các KCN, đồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

Theo Admin VNCPC

Chè Khánh Hoà: Mô hình sản xuất sạch điển hình

Là một trong những DN thành công của Phú Thọ trong triển khai các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH), Công ty Chè Khánh Hòa được coi là điển hình cho các DN chè trong ứng dụng các giải pháp này.
Nằm trên vùng nguyên liệu chè của huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, những năm gần đây sản lượng sản xuất của Công ty Chè Khánh Hòa ngày càng tăng.

Giống như nhiều DN khác hoạt động trên địa bàn, tiềm năng SXSH của công ty rất lớn. Dây chuyền máy móc lạc hậu, điều kiện cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu phát triển… chính là nguyên nhân khiến các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp không tận dụng hết công suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, còn thất thoát nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất cũng như tăng phát thải ô nhiểm ra môi trường.

Theo đó, năm 2009, được sự trợ giúp của Bộ Công Thương, công ty bắt đầu ứng dụng các giải pháp SXSH tại các nhà máy sản xuất của mình.

Cụ thể, sau khi tiến hành đánh giá SXSH, xác định các giải pháp cải tiến, công ty đã thực hiện 20 giải pháp quản lý nội vi không tốn chi phí và chi phí thấp như đào tạo công nhân trong kỹ thuật vận hành lò; Bảo ôn đường ống cấp nhiệt; Lựa chọn mua than có kích thước đồng đều; Giảm tạp chất chứa trong than…

Chỉ với các giải pháp đơn giản với tổng giá trị đầu tư là 155 triệu đồng này, mỗi năm, lợi ích mà công ty thu được là 490 triệu đồng nhờ giảm thất thoát nguyên, nhiên vật liệu.

Nhận thấy những lợi ích rõ nét sau khi áp dụng SXSH, sau khi áp dụng các giải pháp quản lý nội vi chi phí thấp, công ty đã chủ động áp dụng các giải pháp đầu tư lớn hơn nhằm giải quyết triệt để các vấn đề môi trường nổi cộm.

Cụ thể, công ty đầu tư 7,6 tỷ đồng để thay thế máy vò chè nâng cao chất lượng sản phẩm; Hút bụi chè thu hồi làm sản phẩm; Tận dụng cẫng chè thải để làm sản phẩm chè mới; Thay thế lò sấy than cho công đoạn héo chè… Hiệu quả đem lại từ các giải pháp này là 1,9 tỷ đồng/năm do giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu, tăng sản lượng và giảm nhân công.

Từ những thành công đó, sau khi những hỗ trợ của Bộ Công Thương kết thúc, công ty vẫn quyết định duy trì các giải pháp SXSH bằng cách lồng ghép các hoạt động SXSH vào hệ thống quản lý chung tại cơ sở.

Nhằm tạo thuận lợi cho quá trình này, một hệ thống quản lý môi trường đơn giản đã được thiết lập. Công ty cũng thiết lập một chính sách môi trường trong đó quy định nghiêm chỉnh việc chấp hành luật Bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật, đảm bảo sự phát triển bền vững và giảm thiểu các nguồn phát sinh chất thải.

Tích hợp hệ thống quản lý trong quá trình sản xuất với hệ thống quản lý môi trường, qua đó việc tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu được giám sát chặt chẽ.

Thành công của Công ty Chè Khánh Hòa đã khẳng định, SXSH không chỉ mang lại lợi ích tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu sử dụng, giảm phát thải, giảm lượng nước tiêu thụ, mà còn giúp công ty phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín.

Có thể nói, các giải pháp SXSH được thực hiện tại công ty chính là những ví dụ điển hình để các DN trong ngành chế biến chè tại Việt Nam tham khảo, áp dụng.

Theo vinanet.vn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trao đổi với Giám đốc World Bank về hỗ trợ phát triển năng lượng

Ngày 11/8/2015, tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã tiếp xã giao bà Viktoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB), trao đổi về Chương trình Phát triển Năng lượng tái tạo (REDP) và Chương trình hợp tác với Bộ Công Thương trong lĩnh vực năng lượng.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trao đổi với Giám đốc WB về hỗ trợ phát triển năng lượng
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bà Kwakwa thông báo về kế hoạch vốn vay phân bổ của WB cho Chương trình REDP và khoản hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ khu vực tư nhân của Việt Nam tham gia vào phát triển năng lượng tái tạo.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao WB đã hỗ trợ đẩy nhanh dự án sau khi được khởi động. Nhờ có chính sách phát triển năng lượng hợp lý về giá điện và tài chính, các nhà đầu tư nhỏ Việt Nam đã có thể tham gia vào các dự án thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, các dự án năng lượng tái tạo khác như điện gió, sinh khối, rác thải, mặt trời cần hỗ trợ hơn nữa từ phía Chính phủ Việt Nam và WB.

Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện chương trình nghị sự Cải cách Trợ cấp Năng lượng đã đạt được thỏa thuận về phạm vi công việc và tài chính, nâng cấp tham vấn và hỗ trợ cho các dự án năng lượng mặt trời đang thực hiện rất thành công tại miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Năng lượng tái tạo là một định hướng phát triển năng lượng của thế giới cũng như của Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu của Chiến lược Phát triển Xanh.

Trong thời gian tới, WB và Bộ Công Thương sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế về Năng lượng lần thứ 2 tại Việt Nam để thảo luận toàn diện về kế hoạch đầu tư phát triển năng lượng dài hạn của Việt Nam.

Theo Báo Công Thương