Công ty TNHH Nam Dược: Công nghệ xanh, môi trường sạch, sản phẩm an toàn

Theo thống kê, cả nước hiện có 322 đơn vị và cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, trong có chỉ có trên 10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Việc đầu tư vào công nghệ sản xuất giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và kiểm soát ô nhiễm tại nguồn. Ý thức được điều đó, ngay từ khi bắt đầu xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất thuốc Nam Dược, công ty TNHH Nam Dược đã áp dụng công cụ quản lý và công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm cho ra thị trường sản phẩm đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, môi trường sạch, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Công ty TNHH Nam Dược : Công nghệ xanh, môi trường sạch, sản phẩm an toàn
Nam Dược là nhà máy đông dược đầu tiên tại miền Bắc đạt chuẩn GMP-WHO và bộ tích hợp IMS

Là một doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sản phẩm trực tiếp ảnh hướng tới sức khỏe của con người, công ty luôn xác định công nghệ tiên tiến, dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại đồng bộ được xây dựng và lắp đặt tuân theo các yêu cầu của WHO là một trong những yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm, giúp sử dụng nguyên nhiên vật liệu hiệu quả và kiểm soát tốt môi trường.

Năm 2013, công ty đã mở rộng dây chuyền sản xuất thực phẩm chức năng, xây dựng nhà xưởng khép kín cùng với khu sản xuất thuốc đông dược có hệ thống điều hòa và xử lý không khí các cấp độ, đảm bảo môi trường sản xuất trong sạch. Các dây chuyền thiết bị sản xuất được bố trí hợp lý, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Phòng kiểm định vi sinh được trang bị thiết bị tạo dòng không khí bất định hướng, tạo điều kiện cho kiểm tra vô trùng và một số kiểm tra vi sinh khác. Áp suất ở mỗi khu vực trong phòng là không giống nhau để tránh hiện tượng phát tán ô nhiễm. Các yếu tố như hướng khí, tốc độ khí, hiệu quả lọc HEPA và thiết bị giám sát môi trường thường xuyên được kiểm tra.

Đối với hệ thống xử lý khí thải phòng kiểm nghiệm, với hệ thống quạt hút và tủ hút tại các phòng thí nghiệm và các kho hóa chất, toàn bộ khí thải của phòng thí nghiệm được thu gom tại hộp thu gom, giảm âm để điều tiết lưu lượng cho quạt hút khí thải công suất 4,5 kW không gây ra tiếng ồn và rung. Thông qua đường ống dẫn khí bằng ống PVC (chịu được hóa chất), khí thải từ hộp thu gom được đưa vào thiết bị lọc. Sau khi ra khỏi thiết bị này, khí đạt tiêu chuẩn quy định sẽ được thải thẳng vào môi trường.

Hệ thống cấp nước của nhà máy là hệ thống nước tuần hoàn làm mát với lưu lượng 275m3/h, nước được xử lý bằng thiết bị làm mềm điện tử và trao đổi cation. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy được thiết kế ngầm dưới đất. Nước thải theo đường ống dẫn, tập trung vào bể chứa, được xử lý bằng phương pháp vi sinh lắng lọc với công suất 5m3/h. Nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn quy định (BOD=20mg/l).

Nam Dược là một trong số ít các DN sản xuất dược phẩm trong cả nước đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và là DN sản xuất dược phẩm đầu tiên ở Việt Nam được cấp Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tích hợp theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với việc hiện đại hóa công nghệ, tối ưu các quy trình sản xuất nhằm tiết giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tiết kiệm năng lượng, kiểm soát tốt ô nhiễm tại nguồn đã góp phần làm cho thương hiệu Nam Dược chiếm được trái tim của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo Minh Kỳ – ven.vn

Xuất khẩu cá tra sang EU: Tăng cường “kéo” thị trường và “đẩy” doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu cá tra ước đạt 750 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Châu Âu  đạt 142,6 triệu USD, giảm 17,6% và chiếm 19% tổng giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu cá tra sang EU: Tăng cường “kéo” thị trường và “đẩy” DN
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng các Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra cần nâng cao chất lượng sản phẩm, ghi nhãn và công khai chất lượng sản phẩm trên bao bì, đồng thời phát huy tối đa lợi ích các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển cá tra cho mục tiêu giảm giá thành sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.
Xuất khẩu cá tra sang châu Âu sụt giảmViệc xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu suy giảm trong thời gian gần đây, bên cạnh các yếu tố khách quan như đồng EUR hạ thấp kỷ lục so với đồng USD, kinh tế châu Âu khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì nguyên nhân chính là bị ảnh hưởng do sự cạnh tranh quyết liệt của DN các nước khác.

Cùng với đó, các sản phẩm cá tra của Việt Nam còn đơn điệu, chưa đa dạng chủng loại dẫn đến không gây hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng.

Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này được lý giải là do những yếu kém nội tại của ngành cá tra Việt Nam như công nghệ chế biến lạc hậu, sản phẩm xuất đi chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế; truyền thông, tiếp thị sản phẩm còn yếu,…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cá tra Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội phát triển bền vững tại thị trường châu Âu nếu như khắc phục được những điểm yếu thực tại nói trên. Các chuyên gia thuộc Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) cho biết, người tiêu dùng châu Âu vẫn ưa chuộng cá tra do dinh dưỡng cao, thơm ngon, không có xương ngang, dễ chế biến và giá bán phù hợp.

Tăng cường“kéo” thị trường và “đẩy” DN

Chuyên gia Lê Xuân Thịnh đến từ Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), cơ quan điều phối chương trình SWITCH-Asia nhằm phát triển Dự án SUPA cho rằng, cần phải tăng cường “kéo” thị trường và “đẩy” DN.

Ông Thịnh lý giải, “kéo” thị trường ở đây tức là việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, marketing, phát triển trung tâm thông tin và quảng bá thủy sản Việt Nam ở nước ngoài.

Còn “đẩy” DN là các DN cần phải nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; cắt giảm chi phí giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất, áp dụng công nghệ mới. Ghi nhãn và công khai minh bạch chất lượng sản phẩm trên bao bì. Đồng thời phát huy tối đa lợi ích các chương trình, dự án hỗ trợ cho mục tiêu giảm giá thành sản xuất, hướng tới phát triển bền vững..

Ông Thịnh cho biết, thời gian qua, Dự án SUPA đã hỗ trợ rất tích cực trong việc “kéo” thị trường và “ đẩy” DN.

Cụ thể, Dự án SUPA đã có những báo cáo thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam ở các nước châu Âu, đồng thời, làm việc với các nhà bán lẻ, nhập khẩu và phân phối của châu Âu để tìm hiểu nhu cầu và quảng bá cá tra Việt Nam; hỗ trợ 12 DN tham dự Hội chợ thủy sản Brussels trong 2 năm 2014 và 2015.

Dự án SUPA cũng nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật cho vùng nuôi, tập huấn, chuyển giao công nghệ cho hơn 200 hộ ở An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ. Bên cạnh đó, cũng lựa chọn 54 DN chế biến để đánh giá chi tiết, qua đó, hỗ trợ đổi mới và phát triển sản phẩm bền vững.

Góp ý về việc “kéo” thị trường, ông Alfons Van Duijvenbode đến từ Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI Hà Lan) cho rằng, muốn tăng niềm tin của người tiêu dùng tại châu Âu về các món ăn từ cá tra, các DN Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược tuyên truyền marketing, với nhiều hình thức khác nhau.

Các DN phải phát triển những giá trị thương hiệu và xác nhận giá trị cá tra như một món ăn lý tưởng, dễ chế biến, là sự lựa chọn lành mạnh và có trách nhiệm, là món nên ăn hàng ngày.

Bên cạnh đó, việc hợp tác với các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường châu Âu, đảm bảo sự minh bạch và uy tín cũng là những yếu tố giúp DN xuất khẩu cá tra mở rộng thị phần.

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Tập huấn thực hành hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương vừa phối hợp với Công ty Cổ phần tư vấn EPRO tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao kỹ năng thực hành hỗ trợ và tư vấn sản xuất sạch hơn”. Khóa học diễn ra từ ngày 19-21/8 tại Hà Nội. Nội dung nhằm hướng dẫn các cán bộ thuộc Sở Công Thương và Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Tham dự Lễ khai mạc có Ông Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công thương, bà Tăng Thị Hồng Loan – Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn EPRO, các chuyên gia về SXSH cùng 31 cán bộ đại diện cho 23 tỉnh, thành phố.

Phát biểu tại Lễ khai mạc đợt tập huấn, ông Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương cho biết: “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2009.

Trong đó, việc tổ chức thường xuyên các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ thuộc Trung tâm khuyến công, Trung tâm tiết kiệm năng lượng của các địa phương sẽ cung cấp những kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại địa phương mình nhằm đạt hiệu quả và có tính bền vững cao”.

Trong suốt đợt tập huấn Tập huấn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyền – Chuyên gia cao cấp Sản xuất sạch hơn (SXSH) đã cung cấp cho học viên các tài liệu, kiến thức về các nguyên tắc, kỹ thuật và các bước thực hiện sản xuất sạch hơn trong các ngành công nghiệp đặc biệt là ngành công nghiệp giấy và công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, khóa học cũng giúp nâng cao nhận thức của các học viên về sản xuất sạch hơn, các kỹ năng đánh giá nhanh về hiệu suất sử dụng các nguồn tài nguyên như điện, than, dầu, nước…Từ đó, đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm tăng năng suất và giảm nguồn nguyên liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nội vi – một trong những giải pháp sản xuất sạch hơn ít chi phí đầu tư nhưng mang lại hiệu quả cao, quản lý an toàn hóa chất và bảo dưỡng, bảo trì thiết bị nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

Khóa đào tạo là cơ hội để các cán bộ chuyên trách về lĩnh vực SXSH nhanh chóng nắm bắt và quyết định kịp thời việc đưa SXSH vào doanh nghiệp địa phương. Chương trình đi sâu vào vấn đề sử dụng tài nguyên hợp lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát hiện các cơ hội thực hiện SXSH, những quy trình công nghệ, những giải pháp sản xuất sạch hơn trong ngành giấy, chế biến thực phẩm, khoáng sản…

Lớp tập huấn đã đem đến cho các cán bộ có cách nhìn mới trong việc áp dụng kiến thức về tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn. Từ đó, tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và ứng dụng SXSH. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Theo Lê Thắng – tietkiemnangluong.com.vn

Điển hình sản xuất sạch hơn tại Công ty Cổ phần bao bì Biên Hòa

Công ty Cổ Phần Bao Bì Biên Hoà, tiền thân là nhà máy sản xuất bao bì giấy gợn sóng đầu tiên tại miền Nam Việt Nam với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, công suất thiết kế 4.000 tấn/năm, được thành lập từ năm 1968, tọa lạc tại đường số 7 khu công nghiệp Biên Hòa 1, sản phẩm chính của Công ty là bao bì giấy.

 Từ khi thành lập đến nay, Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa với thương hiệu Sovi đã không ngừng nỗ lực quyết tâm bảo vệ thương hiệu của mình để luôn nằm trong top 5 các nhà cung cấp bao bì hàng đầu tại miền nam với mức tăng trưởng bình quân 20 – 25%/năm. Công ty có 3 nhà máy trực thuộc: (1) Nhà máy bao bì Carton : diện tích 45.000 m2 với công suất 40.000-45.000 tấn/năm, nằm ở đường số 3, KCN Biên Hòa 1. (2) Nhà máy bao bì in Offet: diện tích 12.788 m2 với công suất 5000 tấn/năm, nằm ở đường số 7, KCN Biên Hòa 1. (3) Nhà máy sản xuất Xeo giấy: diện tích 3.942 m2 với công suất 3000 tấn/năm, nằm ở đường số 3, KCN Biên Hòa 1.

Với sự hỗ trợ của Sở Công Thương Đồng Nai thông qua đơn vị trực thuộc Sở là Trung tâm Tư vấn Công nghiệp Đồng Nai, Công ty đã triển khai mô hình thực hiện sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình sản xuất từ năm 2013 đến nay, trong đó Công ty chú trọng triển khai một số giải pháp tiết kiệm điện năng và hơi nước tiêu thụ, vì năng lượng tiêu thụ chính của Công ty chủ yếu là hơi nước và điện (46% và 34%), trong 3 Nhà máy thì chi phí năng lượng chủ yếu tập trung ở Nhà máy giấy carton là chính. Do đó, Công ty quan tâm đến hệ thống tiêu thụ năng lượng cho toàn Nhà máy giấy carton.

Trước khi triển khai mô hình thực hiện sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong quá trình sản xuất, vấn đề mà Công ty thường gặp phải là điện năng và hơi nước tiêu thụ của Công ty có xu hướng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là: Công ty chưa có xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho riêng từng dạng năng lượng (điện và hơi), vì vậy việc quản lý năng lượng tiêu thụ chưa đạt hiệu quả cao, chưa có giải pháp tiết kiệm cụ thể.

Sau khi triển khai tiến hành đánh giá sản xuất sạch hơn, xác định các giải pháp cải tiến, Công ty Sovi đã và đang tiến hành triển khai thực hiện một số giải pháp quản lý nội vi và kiểm soát quá trình không tốn chi phí và chi phí thấp, gồm:

Thứ nhất, giải pháp đối với hệ thống quản lý năng lượng

Tiến hành lắp 2 đồng hồ đo lưu lượng hơi sử dụng cho riêng cho 2 dây chuyền sản xuất giấy carton 1,6m và 2m, cho tiến hành theo dõi lượng hơi tiêu thụ theo từng ca/ngày cho riêng 2 dây chuyền của Nhà máy sản xuất giấy carton và đưa ra chỉ tiêu định mức lượng hơi tiêu thụ cho 2 dây chuyền theo từng ngày/ca sản xuất.

Cho tiến hành lắp khoảng 10 đồng hồ điện và theo dõi điện năng tiêu thụ theo từng ca/ngày cho từng nhóm thiết bị 2 dây chuyền sản xuất giấy carton 1,6m và 2m, máy ép bành, các máy in, khối văn phòng, hệ thống cấp nước và xử lý nước thải của Nhà máy giấy carton, Nhà máy xeo và 2 xưởng chính Nhà máy in…vv, đưa ra chỉ tiêu, định mức tiêu thụ điện cho từng cụm thiết bị, từng khu vực…vv.

Từ số liệu thống kê, theo dõi, Công ty sẽ dễ dàng tìm ra các nguyên nhân gây tiêu hao nhiều điện và hơi, khắc phục kịp thời tránh lãng phí. Ngoài ra Công ty có thể đánh giá được tay nghề của người công nhân vận hành (cùng sản lượng sản phẩm làm ra nhưng năng lượng tiêu hao là nhiều hay ít tuỳ thuộc vào tay nghề của người công nhân), tay nghề công nhân vận hành máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất cao thì suất tiêu hao điện và hơi sẽ ít vì thời gian không tải hoặc non tải của thiết bị sẽ ít hoặc chế độ vận hành sẽ tối ưu hơn.

Phải có chế độ thưởng phạt hợp lý để nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các cán bộ quản lý xưởng và người công nhân làm việc, khi xây đựng định mức tiêu hao năng lượng cho 1 đơn vị bán thành phẩm hoặc sản phẩm, Công ty cần phải xây dựng chế độ định mức từng khu vực (chủ yếu là hơi, dây chuyền giấy carton 1,6m và 2m của Nhà máy giấy carton, hệ thống nghiền thủy lực và nghiền đĩa của Nhà máy xeo giấy, 2 xưởng chính của Nhà máy in offset và khu vực văn phòng,…vv).

Ngoài ra việc gia tăng năng lượng tiêu thụ còn do tình trạng thiết bị (cán bộ kỹ thuật có thể lên lịch bảo trì, bảo hành tốt hệ thống thiết bị sản xuất, hệ thống sử dụng hơi, máy nén khí và hệ thống thiết bị chuyên dùng), để tránh được tình trạng thiết bị hư hỏng đột ngột gây ảnh hưởng đến sản xuất và năng suất của Công ty.

Khi tiến hành theo dõi lượng năng lượng tiêu thụ, Công ty nên kết hợp thực hiện các giải pháp không tốn chi phí đầu tư như: Phát động phong trào thi đua tiết kiệm điện nói riêng và năng lượng nói chung cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong Công ty. Ưu tiên vận hành dây chuyền sản xuất giấy carton 2m, các máy in…vv, ít tiêu hao điện trong trường hợp sản xuất ít. Theo dõi được chất lượng hơi của nhà cung cấp, từ đó yêu cầu nhà cung cấp hơi phải đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng sụt áp, tiêu hao nhiều hơi cho Công ty. Giảm tối đa tình trạng một số thiết bị vận hành non tải hoặc không tải, lưu ý công nhân vận hành nên tắt thiết bị khi không sản xuất…vv. Tăng cường vệ sinh thường xuyên hệ thống máy nén khí, kiểm tra và khắc phụ rò rỉ khí nén nhằm giảm điện năng tiêu thụ cho hệ thống máy nén khí. Công ty nên kiểm tra và khắc phục rò rỉ hệ thống đường ống nước và các thiết bị tiêu thụ nước nhằm tránh thất thoát lãng phí. Tắt đèn ở các khu vực không làm việc. Tăng cường chế độ bảo trì và bảo dưỡng thiết bị tiêu thụ điện, tiêu thụ hơi…vv.

Thứ hai, giải pháp đối với hệ thống chiếu sáng

Tiến hành tận dụng chiếu sáng tự triệt để nhằm tăng cường độ sáng và tiết kiệm điện cho chiếu sáng vào ban ngày. Tiến hành thay triệt để đèn T10 thành đèn T5 tích hợp ballast điện tử có thể tiết kiệm khoảng 45% điện năng tiêu thụ cho 500 bộ đèn. Thời gian chiếu sáng các đèn này là 12 giờ/ngày. Công ty cũng có thể thay thế các loại đèn huỳnh quang 1,2m thành đèn led 1,2m cũng đảm bảo độ sáng và tiết kiệm hơn đèn T5, tuy nhiên hiệu quả kinh tế tại thời điểm này chưa cao.

Thứ ba, giải pháp đối với cơ cấu sử dụng điện

Công ty chuyển đổi một phần cơ cấu sử dụng điện từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm nhằm tiết kiệm chi phí tiền điện cho Công ty, trong thời gian đầu chỉ thực hiện chuyển đổi được 5% điện năng tiêu thụ từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm, để tính toán hiệu quả kinh tế, sau đó tiếp tục nâng tỷ lệ chuyển đổi từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm.

Thứ tư, giải pháp đối với hệ thống sử dụng hơi

Tiến hành thay bẫy hơi đã hỏng thành các bẫy hơi mới tiết kiệm hơi, nhằm giảm tối đa việc thất thoát hơi như hiện nay. Bọc cách nhiệt và khắc phục rò rỉ một số hệ thống đường ống chưa cách nhiệt, cải thiện môi trường làm việc và giảm tiêu thụ hơi. Cải tạo lại hệ thống đường ống và tách nước ngưng cho hơi, cải thiện chất lượng hơi và nâng cao chất lượng sản phẩm. Với giải pháp này, nhà máy có thể tiết kiệm ít nhất 5% lượng hơi tiêu thụ cho 2 dây chuyền sản xuất giấy carton.

Thứ năm, giải pháp đối với hệ thống máy nén khí

Tiến hành kiểm tra và khắc phục rò rỉ khí nén sẽ tiết kiệm điện cho hệ thống khí nén. Giảm nhiệt độ một số khu vực máy nén khí bằng cách sử dụng các miệng thoát khí giải nhiệt máy nén khí ra bên ngoài khu vực lắp đặt máy nén khí nhằm tăng hiệu quả khí nén. Tiến hành lắp biến tần nhằm điều chỉnh lưu lượng khí nén của máy nén khí 37 kW theo nhu cầu thực tế của tải. Điều này giúp máy nén khí hạn chế tối thiểu thời gian chạy không tải.

Thứ sáu, giải pháp đối với hệ thống hút bụi

Tiến hành lắp biến tần điều khiển cho động cơ quạt hút giấy vụn công suất 11 kW. Giải pháp này giúp cho Công ty tiết kiệm từ 20 – 30% điện năng tiêu thụ cho động cơ quạt hút.

Thứ bảy, giải pháp đối với hệ thống hút chân không

Công ty đã tiến hành lắp biến tần điều khiển cho động cơ quạt hút chân không công suất 11 kW. Giải pháp này giúp cho Công ty tiết kiệm từ 20 – 30% điện năng tiêu thụ cho động cơ quạt hút. Ngoài ra còn giúp công nhân dễ dàng vận hành và điều chỉnh.

Qua kết quả thực hiện sản xuất sạch hơn và và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  tại Công ty, tiết kiệm năng lượng của Công ty trong 1 năm khoảng 444.412 kWh/năm và 1.310 tấn hơi, với tổng chi phí tiết kiệm được khoảng 1,4 tỉ đồng/năm, giảm thải CO2 ra môi trường là 256.159 kg/năm.

Nhận thấy các lợi ích từ hoạt động SXSH và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Công ty quyết định duy trì hoạt động SXSH. Sản xuất sạch hơn không chỉ mang lại lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm phát thải, giảm lượng nước tiêu thụ, mà còn giúp Công ty phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín. Các giải pháp sản xuất sạch hơn được thực hiện tại Công ty CP Bao bì Biên Hòa là một ví dụ điển hình cho các Doanh nghiệp trong ngành sản xuất bao bì giấy tại Đồng Nai.

Theo tamnhin.net

VNCPC tham gia Vietfish 2015 – Hội chợ chuyên ngành thuỷ sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” do EU tài trợ với các đối tác thực hiện là Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), WWF-Việt Nam WWF-Áo thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy nền sản xuất cá tra Việt Nam phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

IMGP1955

Hội chợ triển lãm Vietfish 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Từ ngày 24-26/08/2015, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh diễn ra Hội chợ chuyên ngành thuỷ sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 200 đơn vị triển lãm trong và ngoài nước. Dự án SUPA đã tham gia Hội trợ Vietfish 2015 và có gian hàng tại đây nhằm quảng bá các thông tin về hoạt động và kết quả của dự án đến các doanh nghiệp.

DSC_2996

Gian hàng triển lãm của Dự án SUPA tại Vietfish 2015

Trong Hội chợ lần này, dự án SUPA phối hợp cùng VASEP tổ chức Hội thảo “Chất lượng và thị phần cá tra tại EU” vào chiều ngày 24/08 nhằm tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra bền vững tại thị trường Châu Âu với các nội dung hướng tới sản phẩm cá tra chất lượng cao hơn, chuỗi cung cấp cá tra bền vững, xu hướng tiêu thụ cá tra ở Châu Âu, cơ hội và thách thức đối với cá tra khi Việt Nam gia nhập các FTA thế hệ mới … với các diễn giả đến từ VASEP, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN & PTNT), dự án SUPA, Seafood Connection, Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu tử các nước đang phát triển (CBI), đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và đại diện doanh nghiệp.

DSC_2999

Hội thảo “Chất lượng và thị phần cá tra tại EU” do Dự án SUPA phối hợp với VASEP tổ chức vào chiều ngày 24/8/2015

Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng cá tra (trại giống, trại nuôi, nhà máy thức ăn, nhà máy chế biến, kinh doanh – xuất nhập khẩu cá tra); các tổ chức, hiệp hội trong nước; các nhà nhập khẩu/bán lẻ đến từ Châu Âu và các cơ quan thông tấn/báo đài/truyền thông.

DSC_3002

Ông Lê Xuân Thịnh – Quản lý Dự án SUPA – trình bày nội dung “Hướng tới chuỗi cung cấp cá tra bền vững: cơ hội, thách thức và giải pháp”

 

Tại diễn đàn cũng có tham luận toàn Hội thảo về các khó khăn và thách thức trong sản xuất – xuất nhập khẩu cá tra vào Châu Âu cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp.

DSC_3021

Nhóm chủ toạ phiên toạ đàm trao đổi và giải đáp các câu hỏi

Bên cạnh đó, đại diện dự án SUPA, phái đoàn Liên minh Châu Âu đã trao chứng nhận “Sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RE-CP)” cho 6 doanh nghiệp tham gia dự án và đạt kết quả tốt nhất.

DSC_3014

Ông Trần Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn VN – đại diện cho dự án lên trao chứng nhận cho một doanh nghiệp 

Ngoài ra, trong khuôn khổ Vietfish 2015 còn diễn ra các Hội thảo như: Tôm outlook; Kênh bán lẻ nội địa và nhu cầu hàng thuỷ sản VN chất lượng cao; Kỹ thuật bảo quản duy trì độ tươi nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng thuỷ sản; Cải thiện bao bì đóng gói sản phẩm thuỷ sản theo hướng bền vững; Cơ hội cho ngành thuỷ sản khi gia nhập FTAs; Vận động chính sách VASEP 2015.

Theo VNCPC Admin

 

Habeco chứng minh hiệu quả công nghệ xanh

Là một doanh nghiệp lớn ở Hà Nội, Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) không chỉ có bước phát triển vượt bậc trong tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, mà còn không ngừng đổi mới công nghệ, sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh, góp phần phát triên công nghiệp thủ đô theo hướng bền vững.

Habeco chứng minh hiệu quả công nghệ xanh

Xác định công nghệ là yếu tố tác động mạnh đến năng suất cũng như mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tạo ra chất lượng và sự phong phú về chủng loại sản phẩm, trong những năm qua, Habeco đã không ngừng nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm để cho ra thị trường những sản phẩm có chất lượng ổn định, loại bỏ được nhiều chất độc hại trong các khâu chế biến.

Theo đó, năm 2003, Habeco đã hoàn thành việc đầu tư, lắp đặt khu nhà nấu mới công suất 100 triệu lít/năm với trang thiết bị hiện đại, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh công nghiệp, thực phẩm. Nhà thầu chính là Công ty Ziemann – Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức. Khu nhà nấu này được vận hành hoàn toàn tự động theo công nghệ mới nhất của châu Âu.

Việc đầu tư để nâng sản lượng từ 50 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm là một bước chuyển biến tổng thể của Habeco. Cùng với việc chuyển đổi mô hình quản lý, thì việc đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất chính là chìa khóa cho sự phát triển của Habeco. Từ nhà nấu, lò hơi đến hệ thống xử lý nước, nuôi cấy men, lên men bằng tank tự động ngoài trời, hệ thống lọc, lạnh, xử lý nước thải… đều được thay mới và cải tiến. Nhà nấu liên hoàn, dùng công nghệ nghiền malt ướt, đã được thay thế bằng nhà nấu mới. Với các thiết bị hoàn toàn tự động, hai dây chuyền chiết chai công suất 30 nghìn chai/h (được lắp đặt năm 2001 và 2004) thay thế cho hai dây chuyền cũ có công suất 10 nghìn và 15 nghìn chai/h. Bên cạnh đó, hệ thống keg bia hơi đã được thay đổi về dung tích và làm cho kín hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Để quản lý tốt hơn chất lượng bia hơi trên thị trường, Habeco cũng trang bị hệ thống vòi, giá rót bia đồng bộ với keg nên đã hạn chế việc pha trộn bia khác.

Nhờ sự đầu tư đúng hướng, đến nay dây chuyền của Habeco đã đạt công suất lên tới 140 triệu lít/năm. Bên cạnh đó, công ty cũng đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, quản lý chất lượng thông qua việc đầu tư các thiết bị kiểm tra, phân tích trị giá hàng tỷ đồng như thiết bị phân tích bia tự động, thiết bị phân tích độ xốp của malt…, nhằm kiểm soát tốt hơn nữa chất lượng sản phẩm ở mọi công đoạn và kiểm tra được nhiều hơn các thông số kỹ thuật.

Sự thay đổi về dây chuyền công nghệ đã khiến sản phẩm của Habeco có nhiều cải tiến. Từ khi có dây chuyền chiết chai số 1, chai Bia Hà Nội ‘cổ rụt’ loại 500ml đã được thay thế bằng chai mới 450ml, hình thức và chất lượng được nâng cao rõ rệt, nhãn trước, nhãn sau thể hiện rõ thông tin sản phẩm, chụp bạc cổ chai gọn gàng, giúp tiết kiệm chi phí. Tiếp đó, các dòng sản phẩm Hanoi Beer Premium, Bia Hà Nội nhãn xanh và bia Trúc Bạch tiếp tục ra đời, tạo sức hấp dẫn mới trên thị trường đồ uống Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Linh – Tổng Giám đốc Habeco cho biết, sau khi Habeco thực hiện dự án nâng công suất từ 50 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm, tổng công ty đã đầu tư trên 30 tỷ đồng lắp đặt hệ thống thu gom và xử lý nước thải của CHLB Đức, và sau khi hệ thống này đi vào hoạt động, nước thải sau xử lý của tổng công ty đạt tiêu chuẩn B. Đồng thời, Habeco cũng triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống Quản lý môi trường theo tiêu chuẩn TCVN/ISO 14001:2004 được cơ quan TUV Nort (CHLB Đức) cấp giấy chứng nhận. Cùng với đầu tư công nghệ hiện đại và áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, sản xuất sạch hơn, hàng năm Habeco chi cho việc mua hóa chất xử lý nước thải tại nhà máy sản xuất ở Hoàng Hoa Thám – Hà Nội hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, Habeco cũng không ngừng khuyến khích cán bộ công nhân viên trong tổng công ty thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2010-2014, Habeco có tổng số 235 sáng kiến cải tiến, hợp lý hoá và ứng dụng khoa học kỹ thuật, tháo gỡ được nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh với số tiền làm lợi là 23,15 tỷ đồng. Các sáng kiến, cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh đã giúp Habeco tháo gỡ được nhiều khó khăn, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường cho hầu hết các đơn vị.

Theo Thu Hường – ven.vn