Các thành phố lớn chuẩn bị thích ứng với BĐKH như thế nào

Một quan điểm đã được thừa nhận: con người phải thích nghi với thời tiết khắc nghiệt như gió nóng, hạn hán, lũ lụt. Một số dự án thí điểm đã được thực hiện để chứng minh điều này.

Cơn bão Sandy là cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử New York. Cách đây hai năm, cơn bão khủng khiếp đã đổ bộ vào thành phố này, đường phố bị ngập nước, dây cáp điện bị đứt làm cho nhiều vùng của New York phải sống trong cảnh tăm tối. Chứng kiến mức độ tàn phá ghê gớm của thiên tai, thị trưởng thành phố lúc bấy giờ là ông Michael Bloomberg đã nhận thức được rằng New York phải làm gì đó để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trái đất nóng lên không phải là nguyên nhân gây ra cơn bão Sandy, nhưng nó đã làm cho sức tàn phá của cơn bão trở nên vô cùng tai hại – đây là điều mà các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng đi đến đồng thuận. Bloomberg rút ra kết luận: “Các thành phố trên thế giới đang tiếp tục phát triển nhanh chóng, vì vậy phải khẩn trương thích nghi với biến đổi khí hậu ngay tại địa bàn sinh sống của mình.”

Trong khi công tác thu dọn sau bão còn đang tiếp diễn thì thị trưởng Bloomberg đã đưa ra kế hoạch của mình: trong tương lai, Big Apple sẽ được giao trách nhiệm xây những con đê và cửa cống mới cũng như phải thiết lập mạng lưới điện chịu được bão và lũ lụt. Đối với New York, thành phố có tới 850 km bờ biển, đây là một nhiệm vụ cực kỳ to lớn. Chi phí cho dự án lên tới 20 tỷ đôla.

160514_biendoikhihau-500x264

Phối cảnh các tòa nhà ở Masdar (Ảnh: ecotraveller.tv)

Thích nghi và tăng trưởng kinh tế để hạn chế hậu quả của biến đổi khí hậu

Không chỉ mình New York phải chuẩn bị ứng phó với thời tiết tồi tệ trong tương lai. Ngay cả chuyên gia của 48 quốc gia nghèo nhất thế giới cũng đang soạn thảo những “chiến lược thích nghi với biến đổi khí hậu”.

Những dự án này đánh dấu một bước ngoặt trong việc ứng xử với tình trạng trái đất nóng lên. Nó được thúc đẩy bởi nhận thức mà nhà kinh tế Richard Tol thuộc Đại học Sussex của Anh và từng là chuyên viên của Hội đồng Khí hậu thế giới của Liên hiệp quốc (IPCC) đã phát biểu: “Không chỉ có việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà cả việc thích nghi và tăng trưởng kinh tế cũng có thể hạn chế hậu quả của biến đổi khí hậu.”

Cho đến nay những nhà bảo vệ môi trường và các chính khách chủ yếu quan niệm, cơ hội duy nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là giảm mạnh mẽ lượng khí thải carbondioxide (CO2). Giờ đây người ta nhất trí với quan niệm: hầu như không thể chặn đứng việc trái đất nóng lên, cũng nghĩa là con người phải thích nghi với nó – điều này đã được thể hiện trong bản báo cáo lần thứ ba của IPCC mới đây.

Còn có một vấn đề về nhận thức cần bổ sung, cũng được thể hiện trong báo cáo của IPCC hồi cuối tháng Ba vừa qua về việc ứng xử với việc trái đất nóng lên: “Hậu quả của biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề riêng biệt, phải chống lại hậu quả này cùng với cuộc đấu tranh chống đói nghèo, tình trạng kém phát triển và chính sách tồi tệ.” Bởi tình trạng đói nghèo càng trầm trọng và sự kém cỏi của các chính trị gia càng lớn bao nhiêu thì tác động của trái đất nóng lên càng bộc lộ rõ rệt hơn bấy nhiêu.

Chống nóng cho thành phố

Chiến lược thích nghi thành công như thế nào giờ đây thể hiện qua nhiều dự án được triển khai trên khắp thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau dạo một vòng đến những điểm nóng của biến đổi khí hậu để xem những gì người ta đang làm.

London bắt đầu tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu ngay từ khi trong IPCC hầu như chưa ai đề cập đến vấn đề này: Năm 2004 cơ quan quản lý công viên đã cho trồng thêm nhiều cây xanh, mở rộng diện tích bãi cỏ và để cho các con suối trở lại với dòng chảy vốn có của chúng. Thành phố đã đầu tư 24 triệu Euro cho dự án “East London Green Grid”. Giờ đây chủ trương này được mở rộng cho thành phố London kể cả vùng ngoại vi. Đến năm 2025, London sẽ có một mạng lưới diện tích xanh che phủ rộng khắp trong đó diện tích trồng cây chiếm 25% diện tích thành phố, hiện tại tỷ lệ này là 20%.

Kết quả, thảm thực vật sẽ giúp hạn chế hiệu ứng hòn đảo nhiệt. Tại trung tâm London, nhiệt độ có thể cao hơn 7 độ so với vùng lân cận nhưng việc bổ sung sự xanh hoá nhằm cho thành phố này không bị nóng lên trong những năm tới.

Các thành phố còn có một loạt giải pháp khác để phản ứng trước việc nhiệt độ tăng lên. Thành phố Doha (Qatar) đang áp dụng một biện pháp xử dụng năng lượng rất hiệu quả. Tại đây có hai khu vực các công trình xây dựng không được làm mát bằng máy điều hoà nhiệt độ thông thường, mà dùng bơm nước lạnh 5,5 độ C dẫn vào các toà nhà. So với sử dụng điều hoà nhiệt độ thông thường, phương án này giảm tới 40% nhu cầu về năng lượng.

Các thành phố của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thực sự là một tấm gương tốt. Tại dự án khu dân cư Masdar với khoảng 40 nghìn người và chừng 50 nghìn khách vãng lai, các toà nhà được bố trí thích hợp để luôn hút gió và không khí luôn thông thoáng – không khí thoáng đãng mát mẻ làm cho nhiệt độ mùa hè ở Masdar giảm khoảng 20 độ C so với vùng sa mạc cát ở xung quanh.

Tại những thành phố đã hình thành, nhiều khi có thể cải thiện tình hình qua việc cải thiện công tác tổ chức. Thí dụ sau mùa hè khắc nghiệt năm 2003 làm nhiều người chết, chính quyền thành phố Paris đã phát triển một kế hoạch khẩn cấp. Trong tương lai, khi xẩy ra các đợt nắng nóng gay gắt, những người cần sự hỗ trợ có thể đăng ký với cơ quan chính quyền để được bố trí chỗ ở thích hợp.

Mùa hè 2011, một nhà báo của hãng Thông tấn Ả rập Al Jazeera đã có một phát hiện gây chấn động dư luận: Tại vùng Lakonia, vùng ven biển ở phía nam Hy Lạp, nhiều công nhân làm việc trong các trang trại trồng cam, chanh đã bị bệnh sốt rét, trong khi đó căn bệnh này được coi là đã bị tuyệt diệt ở châu Âu từ năm 1970. Trong bài phát biểu trên đài truyền hình, bác sĩ Apostolos Veiziz làm việc cho tổ chức thiện nguyện Bác sĩ không biên giới đã nêu những lý do về việc trở lại của căn bệnh nhiệt đới này: “Do khủng hoảng tài chính, chính phủ không có tiền để tiến hành phun thuốc trừ muỗi”. Đồng thời nhiệt độ tăng làm cho muỗi phát triển một cách bột phát.

Nhà chức trách Hy Lạp đã điều xe của cơ quan phòng dịch tiến hành thử máu cho công nhân nông nghiệp đồng thời phát thuốc cho họ. Ngoài ra, họ cũng tiến hành phun thuốc trừ muỗi. Việc làm này thu được kết quả, hai năm sau, người ta chỉ ghi nhận được ba ca sốt rét ở Hy Lạp.

Biến đổi khi hậu không chỉ làm cho bệnh sốt rét mà nhiều bệnh truyền nhiễm khác trở nên trầm trọng hơn, trong đó có bệnh sốt xuất huyết và bệnh gây sốt hồi quy do bọ chét truyền, bệnh viêm màng não, bệnh sốt ở thung lũng Rif (châu Phi) và bệnh tả. Vì thế các chuyên gia y tế ở Senegal, Malawi và Ghana được sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu khí hậu ở châu Âu đang xây dựng một hệ thống dự báo dịch bệnh.

Trong dự án mang tên Qweci, các bệnh viện thông báo qua vô tuyến một số loại bệnh, trong đó có các trường hợp bị bệnh sốt rét, tới Trung tâm thu nhận thông tin. Đồng thời các vệ tinh cung cấp dữ liệu về thời tiết đối với tất cả các vùng. Khi số ca bệnh tăng lên và thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của côn trùng thì các thầy thuốc ở các khu vực sẽ được báo động. Điều này giúp cho việc cung ứng thuốc kịp thời và cảnh báo người dân tại khu vực có nguy cơ phát bệnh. Các nhà nghiên cứu đang hoàn thiện hệ thống này để có thể dự báo phát sinh dịch bệnh trước sáu tháng.

Thay đổi phương pháp canh tác

Cách đây ít lâu, nếu nói đến “Pink Lady”, có lẽ nhiều người Đức không biết đây là tên một loại táo. Ngày nay người trồng táo ở Đức cũng trồng loại táo này do trái đất nóng lên. Pink Lady chịu được các đợt nắng nóng tốt hơn so với nhiều giống táo khác, vì vậy trước đây giống táo này chủ yếu chỉ được trồng ở nam Châu Âu như Pháp và Italia.

Do biến đổi khí hậu và do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng gay gắt, các chuyên gia dự báo từ năm 2050 năng suất nhiều loại cây trồng sẽ bị giảm tới 25%, đặc biệt là với ngô và lúa mì. Vì vậy cần có những giải pháp thích ứng nếu không trong tương lai sẽ bị thiếu hụt lương thực, thực phẩm vì dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên ngay cả ở Đức, người nông dân cũng có cơ hội để thích nghi – thí dụ họ có thể thay đổi phương pháp canh tác, cải thiện công tác thuỷ lợi hoặc trồng các loại cây khác. Điều hết sức quan trọng là việc chọn những giống cây trồng chịu được sự thay đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu về giống cây trồng cho rằng cây kê có tính chịu hạn cao, có thể thay thế ngô, điều này có tầm quan trọng đặc biệt. Những loại cây trồng có bộ rễ sâu có sức chịu hạn tốt hơn. Những giống cây trồng có khả năng chịu hạn hán cao có thể có năng suất cao hơn so với các giống bình thường tới 15% – nhờ đó bù đắp được cho việc giảm sản lượng do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo IPCC, đến năm 2100, mực nước biển có thể tăng từ 30 đến 100 cm. Hiện tại quá trình này còn diễn ra chậm chạp. Vì vậy London dự định sẽ tôn cao hệ thống chống lũ lụt – Thames Barrier – sớm nhất vào năm 2070. Ở Vịnh Đức (Deutsche Bucht), đến giữa thế kỷ này, con đê ở đây vẫn còn chắc chắn. Nhưng theo Ngân hàng Thế giới, giá trị tài sản ở các thành phố ven biển bị đe doạ đến năm 2050 tăng lên gấp mười lần.

Với những vùng đồng bằng dân cư đông đúc bị lún do khai thác nước quá nhiều, mực nước biển dâng lên 1 cm cũng trở thành vấn đề – do đó việc thích nghi là hết sức cần thiết.

Ngay cả quần thể sinh vật biển cũng có phản ứng với việc biến đổi khí hậu. Các đàn cá cũng tiến ra vùng nước mát hơn. Theo Viện Alfred-Wegener ở Bremerhaven thì tại vùng Biển Bắc trong mấy thập niên qua đã có khoảng 40 loài cá mới di cư đến đây, trong đó có loài cá sác đin và cá rô, trong khi loài cá dorsch lại tiến dần lên phía bắc. Những người đánh cá cũng cảm nhận được tình hình này: Ở vùng vĩ độ cao sản lượng đánh bắt cá tăng; nhưng ở vùng biển nhiệt đới sản lượng đánh bắt đến năm 2050 có nguy cơ giảm một nửa, đây là cảnh báo của IPCC. Để thích ứng, người ta buộc phải đánh bắt những loài cá khác.

Việc nuôi trồng thuỷ sản cũng có thể góp phần bảo đảm cung cấp chất đạm cho con người. Trước đây việc nuôi trồng hải sản thường tập trung ở miền duyên hải – và đẩy lùi rừng ngập mặn có tác dụng bảo vệ, chống xâm lấn. Hiện nay có những cách tiếp cận ít gây tổn hại hơn – nuôi cá ở nội địa: thí dụ một số doanh nghiệp ở Đức như Neomar nuôi cá biển như loài cá doraden. Hàn Quốc hiện cũng tiến hành các dự án nuôi trồng hải sản tương tự.

Biết đâu người kế tục ông Bloomberg, ông Bill de Blasio, sẽ phát hiện ra việc câu cá đại dương ngay trong vùng nội địa của New York – và coi đây cũng là một cách để thành phố của ông chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Theo Xuân Hoài/Tạp chí Tia Sáng

 

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng

Hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL) là công cụ tối ưu giúp các doanh nghiệp kiểm soát việc sử dụng năng lượng. Áp dụng hệ thống này, doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích như giảm nguồn năng lượng sử dụng, giảm chi phí sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường góp phần nâng cao uy tín, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

ISO 50001

 ISO 50001: 2011 là công cụ đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập, áp dụng và duy trì HTQLNL

Doanh nghiệp lợi đơn lợi kép
Tại Việt Nam, Luật sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả đã được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Luật quy định các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả hàng năm. Cũng trong năm 2011, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã công bố tiêu chuẩn ISO 50001: 2011. Đây được đánh giá là công cụ đắc lực giúp các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập, áp dụng và duy trì HTQLNL.
Tại buổi Hội thảo “Mô hình quản lý năng lượng tiêu biểu trong công nghiệp và tòa nhà theo tiêu chuẩn TCVN 50001: 2011” được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Entech Hanoi 2014, các chuyên gia năng lượng nhận định, xây dựng HTQLNL là hoạt động cấp bách và cần thiết với các doanh nghiệp.Theo đó, muốn xây dựng HTQLN, trước tiên các doanh nghiệp cần đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng thông qua kiểm toán năng lượng. Sau đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn các biện pháp tiết kiệm năng lượng để áp dụng, cũng như xây dựng các ban, nhóm và bổ nhiệm cán bộ chuyên trách về quản lý năng lượng. Cuối cùng, doanh nghiệp cần đưa các hoạt động tiết kiệm năng lượng vào trong quy trình sản xuất và đánh giá kết quả thu được.Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm giúp DN xây dựng và áp dụng HTQLNL, Bộ Công Thương thông qua các chương trình, dự án đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ DN. Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2012-2015, Bộ Công Thương  sẽ tiếp tục hỗ trợ 30% chi phí đầu tư tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp (không quá 5 tỷ đồng/dự án). Nguồn vốn này trong thời gian qua cũng đã được bổ sung từ Chính phủ Đan Mạch với tổng giá trị gần 30 triệu USD. Song song với đó, Chương trình cũng dành ngân sách hỗ trợ các DN thực hiện kiểm toán năng lượng. Cụ thể, DN sẽ được hỗ trợ 50% chi phí kiểm toán năng lượng nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/ doanh nghiệp.Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Trung tâm tiết kiệm năng lượng của các tỉnh, thành phố hỗ trợ tư vấn, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xây dựng HTQLNL cho các doanh nghiệp. Trong đó, hai đơn vị hàng đầu là Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội và TP. HCM có thể giúp doanh nghiệp xây dựng HTQLNL.Bộ Công Thương cũng tiếp tục hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp bằng việc tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quản lý năng lượng tại nhiều địa phương trên cả nước. Kết thúc khóa học, học viên được kiểm tra kiến thức và cấp giấy chứng nhận Người quản lý năng lượng. Các doanh nghiệp có thể đăng ký với các Sở Công Thương, các trung tâm TKNL, Trung tâm Khuyến công để được tham gia đào tạo.

Đồng hành với Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Công Thương đã phát động Chiến dịch Hiệu quả năng lượng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Chiến dịch nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh Các doanh nghiệp tham gia Chiến dịch sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch và IFC.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ các gói cho vay của các ngân hàng và tổ chức nước ngoài như: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với khoản vay 100 triệu USD cho các nhà máy xi măng, thép; Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với khoản vay 50 triệu USD; Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay từ 70-100 triệu USD cho các dự án tiết kiệm năng lượng.

Riêng với dự án hỗ trợ của WB, tổ chức này dự kiến xây dựng một chương trình cam kết tự nguyện. Theo đó, khi các doanh nghiệp cam kết thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng một cách tự nguyện, không bắt buộc theo luật thì Chương trình sẽ hỗ trợ tư vấn, kiểm toán năng lượng, xây dựng báo cáo đầu tư xin hỗ trợ, vay vốn từ các tổ chức quốc tế để doanh nghiệp thực hiện các cam kết đó.

Mức sử dụng năng lượng trong công nghiệp có thể lên tới 50% tổng năng lượng sử dụng và có thể tạo ra những vấn đề về nguồn cung trong thời gian tới. Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong đó bao gồm xây dựng HTQLNL hoàn thiện không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh mà còn thể thiện trách nhiệm của DN đối với an ninh năng lượng, phát triển bền vững.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

 

Xuất khẩu thủy sản dự báo đạt 7 tỷ đôla Mỹ cả năm

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay khoảng 7 tỷ đôla Mỹ, tăng 5% so với năm 2013.

3. Che bien

Chế biến cá tra xuất khẩu

Vasep cho biết riêng mặt hàng tôm năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng và có thể mang về cho Việt Nam khoảng 3,5 tỷ đôla Mỹ do việc xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc vẫn khả quan.

Cơ sở để Vasep đưa ra dự báo trên là căn cứ trên tình hình xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay, đạt 2,86 tỷ đôla Mỹ, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm tăng ở tất cả các thị trường, còn xuất khẩu cá tra, bạch tuộc đã có dấu hiệu phục hồi.

Cụ thể, trong số 2,86 tỷ đôla Mỹ nói trên, mặt hàng tôm chiếm trên 49%, tương đương 1,4 tỷ đôla Mỹ, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2013. Tôm xuất khẩu qua thị trường Mỹ có giá trị tăng trưởng đến 120%, Hàn Quốc 108%, Thụy Sĩ là 109%, còn các thị trường khác đều có mức tăng trưởng từ 11-96%.

Cá tra vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ thị trường Mỹ, còn các thị trường mới như ASEAN, châu Mỹ vẫn tăng dù thấp hơn.

Vasep dự báo mặt hàng bạch tuộc xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng và có thể đạt 470 triệu đôla Mỹ trong năm nay, còn xuất khẩu cá ngừ sẽ gặp những khó khăn nhất định và chỉ đạt khoảng 450 triệu đôla Mỹ, giảm 15% so với năm 2013./.

Ngày 12/6, Vasep có cuộc họp bất thường để lấy ý kiến sửa đổi một số điều lệ của hiệp hội. Cuộc họp đã đưa ra những dự báo tích cực về xuất khẩu thủy sản trong năm nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hội viên còn bàn luận về Nghị định 36/2014/NĐ-CP về sản xuất chế biến và xuất khẩu cá tra, về dịch bệnh trên tôm và nhiều vấn đề của ngành thủy sản khác.

Theo TBKTSG

Hướng tới sản xuất cá tra bền vững

Cá tra một thời tạo nên sức tăng trưởng ngoạn mục cho ĐBSCL. Tuy nhiên, trong 5 năm qua hoạt động sản xuất (SX) và tiêu thụ cá tra vẫn chưa thoát được cảnh thăng trầm. Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra mở ra hy vọng lập lại trật tự mới, hướng tới phát triển ngành hàng chiến lược quốc gia.

Pangasius fish farming, Mekong Delta, VietnamThu hoạch cá tra ở Mỹ Tho

Kỳ vọng

Ngày 9/6, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo SX và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL và triển khai Nghị định 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36). Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, địa phương và sự quan tâm đặc biệt của các DN và người dân nuôi cá tra ĐBSCL.

Theo dõi tình hình SX và tiêu thụ cá tra trong năm qua, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định: Năm 2013 ngành SX cá tra vẫn còn đỉnh điểm khó khăn. Giá bán cá tra ngang bằng giá thành, người nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên năm 2013 đánh dấu bước ngoặt mới – Hiệp hội Cá tra ra đời đi vào hoạt động.

Sau thời gian dài từ năm 2009 đến cuối năm 2013, qua tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành NĐ 36, chính thức có hiệu lực thi hành từ 20/6/2014.

Nghị định ra đời là công cụ pháp lý cần thiết, quan trọng, tạo cơ chế để có thể kiểm soát SX, giám sát tình hình tiêu thụ sản phẩm, khắc phục các bất cập, khó khăn vướng mắc thời gian qua, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng liên quan trong quá trình SX, chế biến và XK cá tra.

Do đó, trên nền tảng triển khai NĐ 36, xác định điều kiện SX, XK cá tra, hội nghị tập trung bàn các giải pháp SX từ nay đến cuối năm 2014 và những năm tiếp theo; trong quá trình triển khai nếu phát sinh khó khăn sẽ tiếp tục có biện pháp tháo gỡ.

Cần chấn chỉnh

Theo các tỉnh có vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL, đến cuối tháng 5/2014 toàn vùng thả nuôi 2.954 ha, giảm 19% so cùng kỳ; trong đó thu hoạch 1.487 ha, giảm 13% và sản lượng thu hoạch đạt 335.023 tấn, giảm 19,7% so cùng kỳ.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: “Sự ra đời NĐ 36 của Chính phủ giúp cho ngành hàng cá tra có hành lang pháp lý để thuận lợi quản lý toàn bộ chuỗi ngành hàng, từ quy hoạch vùng nuôi, khâu đầu vào, quy trình nuôi đến chế biến XK. Con cá tra do “trời” ban cho Việt Nam, có điều kiện thuận lợi cạnh tranh trên thế giới. Thế nhưng, thời gian qua SX cá tra lại rất lận đận. NĐ 36 sẽ giúp quản lý và SX sản phẩm cá tra theo hướng hiệu quả và bền vững hơn”.

Giá bán cá tra nguyên liệu có chuyển biến: Tháng 1/2014 dao động mức 21.000-23.000 đồng/kg, nhưng từ tháng 2 giá cá tra tăng lên và đạt đỉnh vào tháng 4/2014 ở mức 27.000 đồng/kg. Người nuôi cá bắt đầu có lãi. Tuy vậy hiện nay, thị trường XK chững lại nên nhu cầu thu mua cá của các DN giảm thấp, giá cá tra loại 0,8-0,85 kg/con chỉ còn 22.000-23.000 đồng/kg.

Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 4/2014 cá tra XK đạt giá trị trên 546 triệu USD, tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2013. Mặc dù XK cá tra sang 2 thị trường chính là EU và Hoa Kỳ giảm nhưng các thị trường khác phát triển ổn định.

Như XK cá tra sang Brazil tăng 36%, các nước ASEAN tăng 11,3%, Mexico tăng 13,3%; Trung Quốc và Hồng Kông tăng 25,1%; các tiểu vương quốc Ả rập Xê út tăng 7,9% so cùng kỳ năm 2013. Hiện nay sản phẩm cá tra XK chủ yếu như cá tra phi lê đông lạnh, phi lê tươi nguyên con chiếm 99,3% tổng khối lượng; còn lại hàng chế biến giá trị gia tăng chỉ chiếm 0,7% tỷ trọng.

Trong lúc giá cá tra XK chưa tăng lên, hoạt động SX và tiêu thụ cá tra trong nước lại chịu tác động giá vật tư đầu vào tăng và một số DN cạnh tranh thiếu lành mạnh. Cho đến nay vẫn còn tình trạng một số DN bán phá giá bằng cách hạ giá bán nên gây ra tình trạng lo ngại của một số nhà nhập khẩu lớn. Họ chuyển sang mua nhỏ giọt để ép giá.

Bên cạnh đó, hợp đồng giữa DN và người nuôi cá lỏng lẻo; hiện tượng thu mua ép giá, mua nợ chiếm dụng vốn vẫn còn khá phổ biến. Do vậy NĐ 36 ra đời được kỳ vọng như làn gió mới, chấm dứt tình trạng “thả nổi” nuôi cá tra tự phát, sớm chấn chỉnh những bất cập về điều kiện SX và tiêu thụ cá như vừa qua.

Chặng đường mới

Năm 2014, Ban chỉ đạo SX và tiêu thụ cá tra đặt mục tiêu ổn định diện tích và không tăng sản lượng nuôi. Thế nhưng khi bàn về các giải pháp để thực hiện NĐ 36, một số DN chế biến XK thủy sản chưa hết băn khoăn.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) nói: VASEP đánh giá cao việc ban hành NĐ 36 với cách tiếp cận quản lý theo chuỗi ngành hàng là cách quản lý tiên tiến. Tuy nhiên, cân đối cung – cầu, quy hoạch theo địa giới hành chính hay quy hoạch trên diện tích vùng nuôi cần làm rõ và cần có chế tài trong việc kiểm soát quy hoạch.

TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra cho rằng: XK 4 tháng 2014 tăng so cùng kỳ năm 2013, giá cá chấm dứt chu kỳ suy thoái. Nhu cầu thu mua cá đang được cải thiện, giá thu mua trên ngưỡng giá thành. Tình hình SX, tiêu thụ cá có phần ổn định nhờ thực hiện các biện pháp chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay Hiệp hội cá tra đã chuẩn bị nhân sự sẵn sàng và đảm bảo đủ năng lực kiểm tra, giám sát các hoạt động theo NĐ 36 về điều kiện SX, XK cá tra.

Chiều ngày 9/6, Hội nghị tiếp tục góp ý xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 36.

Theo nongnghiep.vn

 

“Thắp sáng” Trường Sa bằng năng lượng sạch

truongsa

Dự án năng lượng sạch tại Trường Sa

Trường Sa đã được thắp sáng bằng năng lượng sạch như gió, mặt trời. Từ khi có nguồn năng lượng sạch, các đảo được thắp sáng thường xuyên đã góp phần khẳng định chủ quyền giữa biển khơi.

Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa cho biết, nguồn năng lượng sạch ở Trường Sa là kết quả triển khai dự án hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ cuối năm 2010. Dự án tổng thể năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK” do Bộ Tư lệnh Hải Quân làm chủ đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) tài trợ vốn và Công Ty năng lượng mặt trời Bách Khoa (Solar BK) nhập các thiết bị, lắp đặt vận hành. Đây là dự án khai thác và sử dụng năng lượng sạch được triển khai với quy mô lớn, trải dài trên 48 đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa – Việt Nam. Dự án này đã được vinh dự nhận Giải thưởng Năng lượng toàn cầu (Energy Globe Award) năm 2012.

Dự án bao gồm 6 hạng mục: Hệ thống năng lượng sạch; nhà trạm nguồn; máng dẫn cáp điện ngầm; mạng điện; hệ thống đèn pha quan sát lắp đặt trên nhà giàn, đảo chìm và đảo nổi, và hệ thống đèn Led chiếu sáng sân đường và tường kè,… Tính đến hiện tại, dự án đã triển khai lắp đặt hơn 5.700 tấm pin năng lượng mặt trời, hơn 120 quạt gió, hơn 4.000 bình ắc quy, gần 1.000 bộ đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời. Ước tính, hệ thống đã cung cấp tổng năng lượng hơn 5.167Kwh/ngày, đảm bảo đủ năng lượng 24/24 giờ phục vụ chiến đấu và sinh hoạt cho quân và dân Trường Sa. Đồng thời, dự án còn giúp tiết kiệm hơn 620 lít dầu diesel/ngày, giảm phát thải hơn 6 tấn CO2/ngày.

Theo monre.com.vn

 

 

Dự báo xuất khẩu cá tra năm 2014 đạt khoảng 1,6 tỷ USD

Sáng 9/6, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hiệp hội Cá tra Việt Nam và UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị về sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014.

ve-sinh-an-toan-thuc-pham-ca-tra_(15-12-2011-236)

 Chế biến cá tra xuất khẩu (Ảnh từ vasep.com.vn)

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2014 toàn vùng ĐBSCL thả nuôi hơn 2.954 ha cá tra (giảm 19% so cùng kỳ); trong đó 1.487 ha đã thu hoạch với sản lượng 335.023 tấn, giảm gần 20% về sản lượng so cùng kỳ. Tính đến hết tháng 4/2014, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đạt hơn 546 triệu USD, tăng 2% so cùng kỳ. Điểm nổi bật là xuất sang các thị trường như: Brazil tăng 36,7%, Mexico tăng 13%, các nước ASEAN tăng 11%, thị trường Trung Quốc tăng 25%… Tuy nhiên, 2 thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ lần lượt giảm 10% và 8,7% so cùng kỳ.

Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu đang sụt giảm mạnh xuống mức 22.000-23.000 đồng/kg do ảnh hưởng thị trường xuất khẩu khó khăn. Đây là mức giá mà người nuôi cá từ hòa đến lỗ vốn. Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, cá tra nước ta không chỉ bị Hoa Kỳ tăng thuế, mà nhiều nước khác còn dựng lên các rào cản thương mại để gây khó; song song đó tính cạnh tranh của sản phẩm thay thế như cá tuyết, cá rô phi… ngày càng gay gắt sẽ làm giảm thị phần tiêu thụ đối với cá tra.

Từ những trở ngại trên, nhiều khả năng năm 2014 xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 5% so năm 2013./.

Theo SGGP