Triển khai dự án “Thùng rác sinh học”

Dự án “Thùng rác sinh học” của nhóm sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh nhận giải đặc biệt trong cuộc thi Holcim Prize 2013 vừa được triển khai ứng dụng tại tỉnh Bình Thuận.

120613_thungrac

 Dự án “Thùng rác sinh học” giúp người nông dân có thể xử lý, tận dụng rác thải từ cây thanh long để sinh lợi và bảo vệ môi trường (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn)

Theo đó, giun được nuôi trong các thùng rác sẽ ăn xác cây thanh long, phân giun thải ra sẽ được dùng để bón cây, sau khi hết vụ, giun sẽ được bán làm thức ăn cho gia cầm và gia súc.

Mô hình khép kín này không những giải quyết được vấn đề xử lý xác cây thanh long mà còn giúp nông dân có thêm thu nhập. Trước đây, việc xử lý xác cây thanh long sau thu hoạch là một trong những mối lo của nông dân và địa phương, vì nếu để xác cây thanh long tự phân hủy sẽ mất thời gian khá lâu và gây ô nhiễm môi trường.

Với khả năng ứng dụng như trên, đề tài sẽ góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân trồng thanh long trên cả nước.

Theo Quốc Định/Đại Đoàn Kết

Kêu gọi đề xuất cho chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội

Trung Tâm Tia Sáng (Spark) rất vui được thông báo và trân trọng kính mời các doanh nghiệp tham gia gửi đề xuất về chương trình “Doanh thu cao hơn – Nhiều Tác động Xã hội hơn” tìm kiếm và thúc đẩy các doanh nghiệp xã hội đang thực hiện các giải pháp cải thiện doanh thu và lợi nhuận nhằm tạo nhiều tác động xã hội tại địa phương. Các doanh nghiệp có đề xuất đạt yêu cầu sẽ nhận được các hỗ trợ sau:

  • Tư vấn hoàn thiện kế hoạch kinh doanh để phục vụ mục tiêu tăng trưởng và tạo tác động xã hội
  • Hỗ trợ tài chính không hoàn lại trị giá tới 140 triệu VNĐ/doanh nghiệp
  • Tư vấn nâng cao năng lực về quản lý, điều hành và bán hàng
  • Kết nối với các đối tác kinh doanh tiềm năng hoặc các nhà cung cấp dịch vụ nhằm phát triển và thực hiện kế hoạch kinh doanh đã đề ra

Điều kiện đăng ký tham gia chương trình:

  • Là các doanh nghiệp dân doanh (có tỷ lệ sở hữu vốn tư nhân >51% vốn điều lệ) đã đăng ký kinh doanh và có thời gian sản xuất kinh doanh ít nhất 3 năm
  • Đang có mô hình kinh doanh tạo doanh thu từ các sản phẩm dịch vụ, tạo tác động xã hội và có tiềm năng mở rộng
  • Có khả năng đầu tư tối thiểu 30% ngân sách dự án
  • Đang trong quá trình thực hiện Kế hoạch cải tiến doanh thu và hoàn thiện Kế hoạch kinh doanh

Các lĩnh vực ưu tiên:

  • Nông nghiệp bền vững
  • Dịch vụ y tế và đào tạo thân thiện, có chất lượng và chi phí phù hợp
  • Dịch vụ hạ tầng xã hội cơ bản quy mô nhỏ cho cộng đồng có chất lượng và chi phí phù hợp
  • Tiết kiệm năng lượng

Tiêu chí lựa chọn xét duyệt:

  • Mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm dịch vụ giải quyết một hoặc nhiều vấn đề giảm nghèo được xã hội quan tâm tại Việt Nam hiện nay
  • Mô hình/giải pháp có tính sáng tạo và bền vững cao
  • Mô hình/giải pháp có khả năng triển khai ở quy mô lớn hơn tại địa phương hoặc nhân rộng ra các địa phương khác
  • Doanh nghiệp có năng lực thực hiện đề xuất trong vòng 12 tháng

Các doanh nghiệp quan tâm xin gửi hồ sơ đăng ký theo mẫu (đính kèm bên dưới) tới email: [email protected]hoặc theo đường bưu điện tới địa chỉ:

                                 Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp xã hội Tia Sáng

                    P.207-208, Nhà A2, Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, 298 Kim Mã, Hà Nội

Hạn nộp hồ sơ: Thứ năm, ngày 10 tháng 7 năm 2014.

Để biết thêm thông tin hoặc được tư vấn về chương trình, vui lòng xem tại file đính kèm hoặc liên hệ với chị Thái Thị Huyền Nga (Cán bộ chương trình) theo email: [email protected] hoặc sđt: 0983.661.908

 Attachments: 

Đính kèm Dung lượng
 keu_goi_de_xuat_spark_updated_june_2014.pdf 640.69 KB
 mau_tom_tat_du_an_spark_june_2014.doc 91 KB

 

Theo spark.org.vn

Vòng đàm phán mới về biến đổi khí hậu rơi vào bế tắc

Vòng đàm phán thứ hai về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức trong năm nay đã kết thúc ngày 15/6 nhưng chưa khai thông được bế tắc xoay quanh Cơ chế phát triển sạch (CDM), yếu tố chính trong thỏa thuận mới phải được thông qua vào năm 2015 để có hiệu lực vào năm 2020, thời điểm Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực gia hạn.

Các nước giàu, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ thiết lập CDM dựa trên cơ sở thị trường để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính càng rẻ càng tốt.

Các nước nghèo hơn tỏ ra thận trọng với vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn đầu tư cho CDM đã rơi vào tay các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Trung Quốc.

Các nước đang phát triển yêu cầu phân tích toàn diện và cân bằng những khái niệm trong thỏa thuận mới như “giảm thiểu (nói cách khác là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính), thích nghi, tài trợ, chuyển giao công nghệ, xây dựng khả năng” và sự minh bạch về các nguồn hỗ trợ, cũng như khái niệm “đóng góp”.

170613_bdkh-500x333

Ảnh minh họa: greenprophet.com

Trong khi đó, các nước phát triển tập trung quá nhiều vào vấn đề giảm thiểu, đồng thời phớt lờ cam kết hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển. Tiến bộ duy nhất đạt được là nhiều nước đã nhất trí thỏa thuận mới phải bao gồm tất cả yếu tố chính.

Về vấn đề tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu trước năm 2020, các nước đang phát triển cho rằng các mục tiêu cắt giảm khí thải do các nước phát triển đề ra là quá thấp so với khả năng của những nước này, vì thế cần được tăng lên mức cao hơn.

Các nước phát triển cũng nên đưa ra lộ trình chi tiết đối với những cam kết hỗ trợ tài chính. Lập trường này đã không nhận được phản ứng tích cực từ phía các nước phát triển.

Một số nước giàu đòi gắn mục tiêu cắt giảm khí thải của họ với hành động tương tự của những nước khác, thậm chí cả những nước đang phát triển.

Khai mạc ngày 4/6 ở thành phố Bonn của Đức, vòng đàm phán mới về biến đổi khí hậu thu hút sự tham gia của 1.900 đại biểu đến từ 182 nước trên thế giới, tập trung vào nhiều vấn đề, bao gồm các yếu tố chính trong thỏa thuận mới.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng Mười tới, cũng ở Bonn, sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon triệu tập, dự kiến vào tháng 9/2014.
Theo TTXVN, 16/06/2014

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Ngày 09/6/2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định số 880/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

KCN-khi-dien-dam-Ca-Mau-(2)

Với Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, Ngành Điện tử và viễn thông, Năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đồng thời Chiến lược cũng định hướng quy hoạch không gian theo các cùng lãnh thổ sẽ bao gồm vùng công nghiệp lõi và vùng công nghiệp đệm, trong đó các địa phương thuộc vùng lõi  gồm 4 vùng kinh tế trọng điểm và 5 khu kinh tế biển được ưu tiên phát triển.

Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là bước tiếp theo để thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Quy hoạch quan điểm phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm: Phát triển công nghiệp tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu; Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; Khuyến khích phát triển dân doanh, đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp là điều kiện quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển công nghiệp theo các chuẩn mực về môi trường, tiến tới công nghệ xanh sau giai đoạn 2020.

Quy hoạch tập trung vào 10 ngành gồm có: ngành cơ khí – luyện kim; ngành hóa chất; ngành điện tử, công nghệ thông tin; ngành dệt may-da giầy; ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; ngành sản xuất vật liệu xây dựng; ngành khai thác và chế biến khoáng sản; ngành điện; ngành than; ngành dầu khí. Điểm mới là Quy hoạch định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 3 ngành gồm cơ khí – luyện kim; điện tử – tin học, dệt may – da giầy. Đồng thời quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh và Đà Nẵng.

Quy hoạch phân bố theo không gian vùng lãnh thổ chia theo 5 vùng, trong đó xác định Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển công nghiệp cơ khí, luyện kim, hóa chất, nhiệt điện, công nghiệp công nghệ cao; Phát triển có chọn lọc công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện cơ khí, ô tô, xe máy, linh kiện điện tử xung quanh thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Dự kiến 70 – 75% nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch từ các doanh nghiệp, trong đó thu hút đầu tư từ FDI khoảng 33 – 34%. Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 3 – 4% tập trung chủ yếu vào xây dựng hạ tầng (các công trình giao thông, cấp điện, cấp nước), một phần vốn dành cho phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu đổi mới khoa học công nghệ.

Quy hoạch cũng đưa nhiều giải pháp để thực hiện, các giải pháp được chia thành giải pháp ngắn hạn và giải pháp dài hạn. Các nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp; tăng cường điều phối theo vùng lãnh thổ, phân cấp hợp lý trong quản lý nhà nước về công nghiệp; tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế được đưa lên hàng đầu trong các nhóm giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn, quy hoạch đưa ra 7 nhóm giải pháp về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường và sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hợp tác liên vùng và phối hợp phát triển, đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn.

Để triển khai thực hiện Quy hoạch, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp; Đưa các nội dung triển khai quy hoạch vào kế hoạch hàng năm, kế hoạch 5 năm về phát triển công nghiệp trên địa bàn.

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và  Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có hiệu lực kể từ ngày ký./.

Theo skhdt.haiduong.gov.vn

Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội 2014

Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (Centre for Social Initiatives Promotion – CSIP) mời các Doanh nghiệp xã hội tham gia “Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội 2014″.

sesp2-01-1-500x388

Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội 2014 (SESP 2014) tìm kiếm và đầu tư trực tiếp về tài chính, nâng cao năng lực, tư vấn kinh doanh và kết nối mạng lưới, kết nối cơ hội đầu tư cho Doanh nghiệp xã hội trong các giai đoạn phát triển quan trọng nhằm tăng khả năng và tác động xã hội tích cực của các DNXH tới cộng đồng.

Chương trình tập trung tìm kiếm các Doanh Nghiệp Xã Hội đặt mục tiêu trọng tâm là giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường thông qua triển khai các hoạt động kinh doanh bền vững, nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh của Doanh Nghiệp Xã Hội.

Hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký: 30/06/2014.

Thông tin chi tiết xem thêm tại đây.

Tập huấn “Du lịch xanh hướng tới tương lai”

Trung tâm Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) tổ chức chương trình tập huấn “Du lịch xanh hướng tới tương lai”, nằm trong chuỗi sự kiện “Du lịch xanh hướng tới tương lai” do Trung tâm C&E tổ chức với sự hỗ trợ của dự án “Tăng cường năng lực để lồng ghép phát triển bền vững và biến đổi khí hậu vào công tác lập kế hoạch ở Việt Nam” (hợp tác giữa Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường – DSENRE thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc – UNDP tại Việt Nam).

DLXHTTL-Poster-Tập-huấn-353x500

  1. Đối tượng: Các bạn từ 18 đến 30 tuổi, hiện đang sinh sống và học tập tại Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam
  2. Thời gian diễn ra khóa tập huấn: 14/07 – 17/07/2014.
  3. Địa điểm: Thành phố Đà Nẵng và thôn Đ’rồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam
  4. Đơn đăng ký online: http://bit.ly/dk_dulichxanhhuongtoituonglai
  5. Thời hạn đăng ký tham gia chương trình: 06/06/2014 – 23h59, 20/06/2014

Kết quả vòng hồ sơ sẽ được thông báo trước ngày 26/06/2014.

Thời gian phỏng vấn: 27 – 29/06/2014.

Thông tin chi tiết xem thêm tại đây.

Theo thiennhien.net