Xử lý nước thải: xu hướng hiện tại, định hình tương lai (P1)

Nhu cầu về nước không ngừng tăng, cùng lúc nguồn nước sạch đang giảm dần đặt ra thách thức lớn cho việc quản lý và tái sử dụng nước. Đây cũng là cơ hội cho những đổi mới sáng tạo trong việc xử lý nước thải (XLNT).

Theo Hội đồng Nước Thế giới (worldwatercouncil.org), lượng nước tiêu thụ toàn cầu tăng gấp đôi mỗi 20 năm, nhanh hơn gấp đôi mức tăng trưởng dân số. Nhu cầu về nước không ngừng tăng, cùng lúc nguồn tài nguyên nước sạch lại đang giảm dần đặt ra thách thức lớn cho việc quản lý và tái sử dụng nước. Đây cũng là cơ hội cho những đổi mới sáng tạo trong việc xử lý nước thải (XLNT). Theo một báo cáo mới đây của Freedonia Group (Mỹ), nhu cầu XLNT trên thế giới trong năm nay dự kiến tăng trưởng 5,7% bất chấp tình hình kinh tế suy thoái.

Nguồn: Global Water market 2014

Thách thức mới

Ngành XLNT hiện phải đối mặt với nhiều thách thức gây khó khăn cho lập kế hoạch ngắn và dài hạn. Chi phí năng lượng tăng, các hợp chất hữu cơ vi lượng, nguồn tài nguyên có hạn, nguồn nước cần bảo tồn và các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, tất cả phải được xem xét trước khi đầu tư đổi mới.

Các tổ chức về nước trên thế giới cho rằng có 5 vấn đề lớn mà các công nghệ XLNT trong tương lai cần phải giải quyết.

 

1. Loại bỏ dưỡng chất

Phốt pho và nitơ là những dưỡng chất chính tạo điều kiện cho sự phát triển chất hữu cơ và các loại tảo gây hiện tượng phì dưỡng trong nước. Các quy định về việc giảm lượng phốt pho và nitơ trong nước thải sẽ ngày càng nghiêm ngặt hơn để đảm bảo chất lượng nước tái sử dụng.

2. Tiết kiệm năng lượng

Chi phí năng lượng cùng với mục tiêu giảm khí thải nhà kính dẫn đến yêu cầu kiểm soát năng lượng hiệu quả và các giải pháp thay thế.

3. Phát triển bền vững 

Quản lý tài nguyên tốt hơn và khôi phục (tài nguyên) để bảo tồn cho tương lai sẽ là yêu cầu bắt buộc. Trong XLNT, điều này có nghĩa giảm tiêu thụ tài nguyên và tăng tái chế và tái sử dụng nước, chất dinh dưỡng và các chất liệu khác có trong nước thải.

4. Xử lý những chất ô nhiễm mới
Mối lo ngại của công chúng về sự hiện diện của hóa chất hữu cơ vi lượng trong nước sẽ thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ XLNT tiên tiến để loại bỏ các chất này.

5. Gắn kết cộng đồng

 Sự tham gia ngày càng nhiều của các bên liên quan trong các quyết định có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Theo cesti.gov.vn

Thủy sản đối mặt nhiều rào cản phi thuế quan

Năm 2014 đã xuất hiện thêm nhiều rào cản phi thuế quan đối với mặt hàng thủy sản.

3. Che bien

Báo Công Thương cho biết, năm 2014 đã xuất hiện thêm nhiều rào cản phi thuế quan đối với mặt hàng thủy sản.

Thị trường EU có hệ thống kiểm tra chứng nhận thủy sản khai thác tự nhiên có khai báo, có kiểm soát (loại rào cản TBT); Hoa Kỳ: Luật hiện đại hóa thực phẩm (loại rào cản SPS, TBT), Luật trang trại (loại rào cản SPS), điều tra chống bán phá giá cá tra có nguy cơ lặp lại…

Những rào cản này đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn và thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và ngành thủy sản nói chung.

Dẫn lời ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch VCCI Cần Thơ bài báo cho biết thêm, không chỉ những thị trường lớn mà các thị trường lân cận trong khu vực như Indonesia, Malaysia cũng đang tạo áp lực về thuế chống phá giá với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Vì vậy, để đối diện tình trạng kiện cáo, các cơ quan hữu quan và hiệp hội ngành hàng cần hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp và lập ra đội ngũ kỹ thuật chuyên trách ứng phó với các vụ kiện.

Các doanh nghiệp cần chủ động tiên đoán khả năng bị kiện bằng cách đánh giá mặt hàng mình sản xuất có tác động đến ngành hàng sản xuất của quốc gia nhập khẩu hay không.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuyển từ cạnh tranh bằng giá cả sang cạnh tranh bằng chất lượng, thay đổi thói quen canh tác đảm bảo an toàn, hiện đại, không nên sử dụng các loại hóa chất cấm trong quá trình bảo quản, chế biến, kiểm soát nguồn nguyên liệu trước khi chế biến… nhằm tránh khả năng bị kiện.

Theo Báo Công Thương

 

Tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn amiăng tại Việt Nam

Bộ Y tế và Bộ KHCN cùng đề xuất đưa amiăng vào danh mục hóa chất độc hại và tiến tới cấm sử dụng amiăng tại Việt Nam, bởi hiện nay không có ngưỡng an toàn nào trong việc sử dụng amiăng.

amiang

Sử dụng amiăng top đầu thế giới

Amiăng là một nhóm sợi khoáng chất tự nhiên với độ bền cao. Việt Nam là 1 trong 10 nước sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới. Mỗi năm chúng ta nhập khoảng 60.000 tấn, chủ yếu để sản xuất tấm lợp… Cả nước hiện có 36 cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng trắng với tổng công suất đạt gần 100 triệu m2 tấm lợp/năm.
Tuy nhiên, đây là chất nguy hiểm với sức khỏe con người. Theo WHO, tất cả các dạng amiăng đều gây u trung biểu mô, ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư buồng trứng cho con người… Hiện nay, mỗi năm toàn cầu có tới 107.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống với khuyết tật vì các bệnh có liên quan đến amiăng như ung thư phổi, bụi phổi, ung thư biểu mô ác tính.
Tại Việt Nam, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K cho biết, mỗi năm Việt Nam có trên 150.000 trường hợp ung thư mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, chi phí thuốc điều trị của 5 bệnh viện trung ương năm 2010 là 1.621 tỷ đồng.
Theo kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế, Việt Nam đã có  tới 80% ca ung thư trung biểu mô có liên quan đến amiăng.
Chính vì các gánh nặng bệnh tật do các bệnh liên quan đến amiăng, đến nay cả tổ chức WHO và tổ chức ILO đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng.

Đưa amiăng vào danh mục chất độc hại

Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng (Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam), nguyên nhân Việt Nam sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới là do người dân  không thể nhận biết amiăng tồn tại trong những vật liệu gì nên vẫn sử dụng và tiếp xúc mà không biết rằng, mình đang tiếp xúc với nguồn bệnh gây ung thư.
Một nghiên cứu của Viện khoa học kỹ thuật-bảo hộ lao động thực hiện cũng chỉ ra rằng, mức độ hiểu biết của người lao động về amiăng còn rất hạn chế, hầu hết không ai biết về các vật liệu thay thế amiăng và họ cũng không quan tâm. Mặt khác, các sản phẩm từ amiăng hiện nay có giá thành thấp và người dân có thói quen sử dụng nhiều.
Để ngăn chặn tác hại của loại chất nguy hiểm này, tại hội thảo “Amiăng và Sức khỏe” do Bộ Y tế, Bộ KHCN tổ chức ngày 17/7, ông Mai Văn Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của amiăng tới người dân, đặc biệt chú trọng đối tượng người lao động và người tiêu dùng.

“Thậm chí chúng ta có thể tuyên truyền tới người dân thông điệp sử dụng tấm lợp amiăng-xi măng có thể gây ung thư để người dân lựa chọn”, ông Chính nói.

Một nội dung quan trọng được đưa ra trong Hội thảo này là Bộ Y tế và Bộ KHCN cùng đề xuất đưa amiăng vào danh mục hóa chất độc hại và tiến tới cấm sử dụng amiăng tại Việt Nam, bởi hiện nay không có ngưỡng an toàn nào trong việc sử dụng amiăng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau hội thảo này, Bộ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm đưa amiăng vào danh mục hóa chất độc hại, tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn amiăng tại Việt Nam.

 Theo chinhphu.vn

 

Loại bỏ dự án xi măng không khả thi, không đóng cửa với các dự án mới

Sau khi loại bỏ các dự án xi măng không hiệu quả, Bộ Xây dựng vẫn phải bổ sung những dự án tiềm năng vào để xem xét.

Trao đổi với VOV.VN, ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Việc loại bỏ khỏi qui hoạch 9 dự án xi măng và Bộ Xây dựng đang tiếp tục rà soát đưa khỏi qui hoạch không có nghĩa là không còn cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực, nguyện vọng muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

“Nếu DN có những vị trí tốt, khi làm có lợi cho cả xã hội thì không có lý do gì Bộ Xây dựng lại không đi xem xét. Nhà nước thì nhỏ mà xã hội thì lớn nên sự phát hiện cũng như nghiên cứu của xã hội bao giờ cũng đa dạng hơn. Sau đây chúng ta vẫn phải bổ sung những dự án tiềm năng vào để xem xét”.

vov

PV: Xin ông cho biết, các loại dự án nào sẽ bị loại bỏ khỏi qui hoạch? Có ý kiến cho rằng, thực tế thì còn nhiều dự án đang vấp phải khó khăn không thể triển khai được nhưng chưa bị “rờ đến”?

Ông Lê Văn Tới: Cuối năm 2012, Bộ Xây dựng đã rà soát các dự án xi măng dự kiến đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2012 đến 2015. Qua rà soát, Bộ Xây dựng đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 9 dự án xi măng ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1488 ngày 29/8/2011 (gọi tắt là Quy hoạch 1488).

Từ giai đoạn 2005- 2010, nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư xi măng lò đứng chuyển đổi công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa vào Quy hoạch phát triển xi măng một số dự án lò quay có công suất nhỏ (dưới 2500 tấn clanke/ngày). Trong số đó có nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng trước năm 2012, phát huy được hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho số lao động đang hiện hữu của doanh nghiệp.

Một số dự án do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, không thuận lợi về sản xuất và tiêu thụ, hoặc do các lý do chủ quan khách quan khác, không được triển khai như kế hoạch. Do sự chậm trễ, kéo dài nhiều năm, trong khi công nghệ xi măng trên thế giới và Việt Nam không ngừng phát triển, các dự án với công suất dưới 2.500 tấn clanke/ngày đến nay đã lạc hậu về các chỉ tiêu, như tiêu hao năng lượng và suất đầu tư cao, các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường không đảm bảo. Đó là 9 dự án đã được đưa ra khỏi Quy hoạch 1488. 9 dự án này cũng có điểm giống nhau là chủ đầu tư chưa chuyển tiền, hoặc đặt cọc tiền mua thiết bị.

Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang rà soát các dự án có kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2016- 2020. Qua đó có thể loại bớt một số dự án không đủ điều kiện triển khai ra khỏi Quy hoạch và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tiến độ cụ thể một số dự án.

PV: Với việc loại bỏ khỏi qui hoạch một số dự án xi măng, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra khủng hoảng thiếu xi măng. Quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này?

Ông Lê Văn Tới: Cả nước hiện nay có 71 dây chuyền xi măng lò quay đang sản xuất với tổng công suất là 73,45 triệu tấn. Theo kế hoạch, khoảng giữa và cuối năm 2014 sẽ có 04 nhà máy xi măng mới được dưa vào hoạt động (Công Thanh, Đồng Lâm, Thạch Mỹ, Trung Sơn) với tổng công suất là 7,5 triệu tấn. Như vậy vào năm 2015 dự kiến công suất các nhà máy xi măng trên cả nước sẽ vào khoảng 81 triệu tấn. Nguồn cung này cũng sẽ không thay đổi cho tới cuối năm 2016, cũng có thể là cuối năm 2017 (khi nhà máy xi măng Xuân Thành 2 đi vào sản xuất).

Quyết định 1488 của Thủ tướng Chính phủ, dự báo nhu cầu xi măng năm 2015 là 75- 76 triệu tấn. So sánh giữa nguồn cung thực tế hiện nay và dự báo năm 2011 cho thấy trong vài năm tới không lo thiếu xi măng. Hơn nữa nhu cầu trong nước vào năm 2015, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong 3 năm vừa qua cũng đã bị sụt giảm.

Năm 2013 cả nước tiêu thụ 61 triệu tấn sản phẩm xi măng; trong đó 16 triệu tấn xuất khẩu, chiếm 26,2%. Trong 5 tháng đầu năm 2014 cả nước tiêu thụ 27,27 triệu tấn sản phẩm xi măng; trong đó xuất khẩu 6,85 triệu tấn, chiếm 25%.

Nếu nhu cầu trong nước có tăng cao đột ngột, thì một lượng xi măng xuất khẩu sẽ ngay lập tức trở lại phục vụ nhu cầu trong nước. Có thể khẳng định, doanh nghiệp sản xuất xi măng nào cũng quan tâm đến thị trường trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp xem thị phần của họ trên thị trường nội địa là ưu tiên hàng đầu.

Thêm nữa, theo kinh nghiệm, khi thị trường ấm, tiêu thụ tốt lên, năng lực sản xuất xi măng hiện hữu của chúng ta có thể khai thác được 100% công suất hoặc trên nữa.

PV: Về việc đầu tư cho công nghệ sản xuất xi măng sẽ đặt ra như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Tới: Trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu dự kiến đến năm 2015 không còn sản xuất xi măng lò đứng (đến nay các nhà máy xi măng lò đứng cơ bản đã chuyển sang các trạm nghiền xi măng hoặc chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm VLXD khác cho phù hợp).

Quy hoạch 1488 yêu cầu đối với các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên (Quy hoạch 108 không quy định). Tuy nhiên đối với các dự án ở vùng sâu, và các dự án chuyển đổi công nghệ có thể áp dụng quy mô công suất phù hợp.

Việc kiểm soát ô nhiễm môi trường của các nhà máy xi măng ngày càng được quy định chặt chẽ hơn và yêu cầu về nồng độ bụi phát thải nhỏ hơn so với Quy hoạch 108 để đáp ứng được các quy định về môi trường.

Quy hoạch 1488 quy định: “Sau năm 2005 sẽ dừng sản xuất clanhke xi măng công nghệ lạc hậu”.

PV: Việc rà soát lại qui hoạch xi măng có ưu tiên cho việc xuất khẩu hay không, thưa ông?

Ông Lê Văn Tới: Quan điểm của Bộ Xây dựng là không ưu tiên hay ưu đãi cho việc xuất khẩu. Nhưng đây là vấn đề mà Bộ Xây dựng rất quan tâm. Trong cân đối cung cầu Bộ Xây dựng cũng dự kiến khoảng 10- 15% sản lượng cho việc xuất khẩu. Nhiều nước sản xuất xi măng trong khu vực và trên thế giới cũng sử dụng phương án xuất khẩu là một giải pháp tối ưu để cân đối cung cầu trong nước, ví dụ Trung Quốc có kế hoạch xuất trong năm nay khoảng 13 triệu tấn, Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 10 triệu tấn, Hàn Quốc và Nhật Bản mỗi nước khoảng 9 triệu tấn v.v…

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV Online

Việt Nam hướng tới nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững

​​Ngày 14/7, tại Hà Nội, Hội thảo về hệ thống quản lý chất thải điện tử quốc tế lần thứ 4 năm 2014 đã diễn ra.
ewaste
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, những năm gần đây, ngành công nghiệp công nghệ thông tin ở Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh. Số liệu thống kê cho thấy tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2012 đạt mức 25,5 tỷ USD, tăng trưởng 86,3%; xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 20 tỷ USD, tăng 82% so với năm 2011 và chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cùng với tốc độ phát triển trên, tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghệ thông tin thời gian qua là thách thức không nhỏ đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Chất thải điện tử tại Việt Nam đang được xử lý theo hướng tái sử dụng, nếu không sử dụng được nữa mới đưa ra bãi chôn lấp. Tuy vậy, công nghệ tái chế của Việt Nam còn quá lạc hậu. Các kim loại và linh kiện điện tử còn hữu dụng được bóc tách và đem bán hoặc sửa chữa, phần còn lại chủ yếu được đốt hoặc nghiền rồi pha thêm hóa chất để tạo ra sản phẩm mới, vốn là các sản phẩm đơn giản như chai lọ, túi nilon với số lượng còn hạn chế.

Nhằm phát triển một nền công nghiệp điện tử an toàn, bền vững, ngày 9/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 50/2013 quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Quyết định này quy định về trách nhiệm, quyền lợi, hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam.

Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thải bỏ có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, vận chuyển đến cơ sở xử lý; đồng thời phải thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về các điểm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và công khai thông tin liên quan trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp và của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hàng năm, doanh nghiệp báo cáo lượng sản phẩm được sản xuất hoặc nhập khẩu đã bán ra thị trường Việt Nam; kết quả thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Từ đầu năm 2015, các sản phẩm thải bỏ như ắcquy và pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người, dầu nhớt, mỡ bôi trơn… sẽ bị thu hồi và xử lý. Sang đầu năm 2016, những loại máy photocopy, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa không khí, máy giặt, săm lốp các loại thải bỏ phải bị thu hồi. Đến đầu năm 2018, các loại phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, xe ôtô loại thải sẽ bị thu hồi và xử lý bởi cơ quan chức năng.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại biểu các nước đã cùng nhau trao đổi về tình hình mới nhất trong công tác quản lý chất thải điện tử tại các quốc gia và khu vực, nhằm tìm ra những kinh nghiệm và hướng đi đúng đắn nhất trong việc quản lý và xử lý chất thải điện tử, giúp bảo vệ môi trường toàn cầu./.

Theo TTXVN

Thêm bằng chứng về tình trạng tăng nhiệt toàn cầu

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, NASA, Đài Thiên văn Mauna của Mỹ đã nêu thêm bằng chứng khoa học về tình trạng tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu.

Ảnh minh họa: solutionsweneednow.com

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2014 là cao nhất kể từ khi dữ liệu chính thức được ghi lại vào năm 1891.
Dữ liệu của cơ quan này cho biết nhiệt độ quý II/2014 ấm hơn mức trung bình của toàn bộ thế kỷ 20 khoảng 0,68 độ C.

Trong khi đó, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng một phương pháp khác để tính toán nhiệt độ trung bình và cũng cho kết quả gần như vậy.

Còn Đài Thiên văn Mauna Loa thuộc Cục Khí quyển và Đại dương Mỹ cho biết mức carbon dioxide (CO2) trung bình hàng tháng trong bầu khí quyển của trái đất đã đạt tới 400 phần triệu trong quý II/2014, là mức cao nhất trong 800.000 năm qua.

Theo Chinhphu.vn