Sự kiện Green Drinks

Green Drinks là một sự kiện mang tính kết nối những bạn quan tâm tới những vấn đề về môi trường. Sự kiện Green Drinks Hà Nội với chủ đề Du Lịch Xanh do Life TV và C&E  phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Urban Coffee Mandarin sẽ diễn từ 14:30 – 17:00,  Thứ 7, ngày 23/08/2014 tại Urban Coffee, ô D5 Toà nhà Mandarin Garden, Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy, Hà Nội

green drink

Các bạn trẻ quan tâm vui lòng liên hệ:

Lê Huệ Chi – Email: [email protected]  – SĐT: 090 464 6263

Hoặc 

Minh Hằng – Email: [email protected] – SĐT: 0916 58 57 5

Thông tin chi tiết xem tại đây.

Theo thiennhien.net

Khu công nghiệp sinh thái: Hướng đi cho tương lai

Việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST) gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường được xem như hướng đi mới trước thực trạng phát triển cụm, khu công nghiệp diễn ra mạnh mẽ tại nước ta hiện nay.

Thế giới đã thành công

 Theo “Sổ tay phát triển khu công nghiệp sinh thái cho các nước đang phát triển Châu Á” của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), có 7 nguyên tắc cơ bản để xây dựng một KCN theo hướng một khu công nghiệp sinh thái (KCNST) gồm: Hài hòa với thiên nhiên; Hệ thống năng lượng; Quản lý dòng nguyên liệu và chất thải; Cấp thoát nước; Quản lý KCNST hiệu quả; Xây dựng/cải tạo; Hòa nhập với cộng đồng địa phương.Ước tính, trên thế giới có khoảng 30 KCNST chia thành các nhóm khác nhau…
Tuy nhiên, có thể phân loại các KCNST thành 5 nhóm sau: KCNST nông nghiệp; KCNST tái tạo tài nguyên; KCNST năng lượng tái sinh; KCNST nhà máy điện và KCNST lọc hóa dầu hay hóa chất. Sự khác nhau này tùy thuộc vào chính sách phát triển của mỗi quốc gia, đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và môi trường tại khu vực đặt KCNST hay các KCNST được tái thiết lại từ những KCN.
SH-Kalundborg-Denmark
Khu công nghiệp Kalundborg, Đan Mạch. Nguồn: micheleabouanoma
KCN Kalundborg, Đan Mạch được coi là KCN điển hình đầu tiên trên thế giới ứng dụng những nghiên cứu của STHCN vào việc phát triển một hệ thống cộng sinh công nghiệp thông qua sự trao đổi năng lượng và nguyên vật liệu giữa các công ty. Thành phần chính trong Hệ STCN này là nhà máy điện Asnaes công suất 1.500 MW. Hầu hết các trạm phát điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, hiệu suất cực đại để chuyển hoá năng lượng từ quá trình đốt than thành điện năng chỉ đạt 40%, còn lại 60% năng lượng bị thải ra môi trường bên ngoài dưới dạng nhiệt và phần lớn ở dạng hơi nước và khí Ethane và Methane, nhiệt thừa, dung môi, thạch cao, xỉ than, bùn thải, tro bụi,…
Những năng lượng dư thừa và chất thải được sử dụng có hiệu quả cho các nhà máy trong cùng KCN, tránh thải bỏ vào môi trường tự nhiên. Hay tại Thái Lan đất nước đứng thứ hai trên thế giới về số lượng KCNST (29) chỉ sau Mỹ (40) cũng đang áp dụng thành công từ mô hình phát triển KCNST.
Việt Nam: Đi sau học được gì?
20876934_images1877006_AnHoa
Vườn công nghiệp sinh thái đầu tiên ở Việt Nam Bourbon An Hòa, Tây Ninh
Việc áp dụng KCNST tại Việt Nam là một trong những giải pháp để hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình này tại Việt Nam, theo Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu, Trưởng khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường (Đại học Văn Lang, TP. HCM cho rằng: Để phát triển theo định hướng KCNST các khu công nghiệp còn cần phải xem xét đến 4 yếu tố chính gồm: Thứ nhất,  thiết kế thân thiện môi trường, chú trọng đến không gian bên ngoài, nhà xưởng, phòng làm việc và bảo đảm mạng lưới không gian xanh trong phạm vi từng cơ sở sản xuất và trong khu công nghiệp; Thứ hai, quy hoạch dòng vật chất và năng lượng hiệu quả thông qua thiết kế hệ thống sử dụng năng lượng, tài nguyên, hệ thống tái sử dụng và tái chế chất thải; Thứ ba, xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp thông qua hoạt động chia sẻ tài nguyên và thông tin; Thứ tư, hình thành những nét đặc trưng của khu công nghiệp với các dịch vụ phục vụ chung cho khu công nghiệp và khu dân cư lân cận.
Nhìn nhận về quá trình chuyển đổi từ KCN hiện hữu thành KCNST, nhiều chuyên gia cũng cho rằng trước hết phải tập trung vào việc xây dựng và chuyển đổi nhận thức của chính doanh nghiệp trong KCN về bảo vệ môi trường. Theo đó các doanh nghiệp cần tiến hành xây dựng TCVN ISO 14000 về bảo vệ môi trường tạo ra ý thức cho mọi người, đối với lãnh đạo phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo vệ sinh môi trường xanh, sạch. Đối với người lao động có trách nhiệm chăm lo thực hiện đúng quy trình quản lý về chất lượng… Còn đối với các địa phương khi thành lập các khu, cụm công nghiệp mới cần phải đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu, đảm bảo các tiêu chí của một KCNST.
Theo hfic.vn

Bộ TN&MT: Đẩy mạnh về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020

Ngày 11/8/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.
18082014tangtruongxanh
Ảnh: vea.gov.vn
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định nội dung, tiến độ thực hiện, tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT để triển khai thực hiện Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Kế hoạch đã đề ra những nhiệm vụ chính gồm:
(1) Nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của toàn dân vào việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh;
(2) Hoàn thiện thể chế về không khí sạch. Kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính và quản lý các hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính;
(3) Rà soát, kiến nghị điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành tài nguyên, môi trường từ quan điểm phát triển bền vững và xây dựng khung chính sách và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2014-2020;
(4) Chống thoái hóa đất, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất;
(5) Khuyến khích và hỗ trợ phát triển nhanh các ngành sản xuất sản phẩm sinh thái;
(6) Đẩy mạnh hoạt động tái chế, tái sử dụng các chất phế thải trong nước;
(7) Phục hồi, phát triển các nguồn vốn tự nhiên.
Bộ trưởng Bộ TN&MT giao Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ căn cứ Quyết định số 403/QĐ-TTg đề xuất chủ trương mở mới các dự án cho năm kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Theo vea.gov.vn

Nga bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lệnh cấm nhập khẩu trong vòng 1 năm các sản phẩm nông sản và thực phẩm của những nước đã trừng phạt hoặc ủng hộ lệnh trừng phạt Nga của phương Tây, Cục Kiểm dịch động thực vật LB Nga (VPSS) mới đây đã thông báo dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường LB Nga và Liên minh Hải quan (TS) đối với 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản của Việt Nam vừa được thông báo, dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Liên Bang Nga (Ảnh minh hoạ: ThienNhien.Net)

Nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản của Việt Nam vừa được thông báo, dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Liên Bang Nga (Ảnh minh hoạ: ThienNhien.Net)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Phạm Quang Niệm, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, đánh giá đây là cơ hội tốt với các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiến vào thị trường rộng lớn của Nga, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ Nga -Việt liên tục phát triển tốt đẹp. Ông nhấn mạnh Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng nông sản và thực phẩm, trong khi Mỹ Latinh lại không có lợi thế hơn ta về khoảng cách.

Ông Phạm Quang Niệm khuyến cáo các doanh nghiệp không nên bị động ngồi chờ mà cần chủ động tiến vào thị trường Nga. Ông cũng cho rằng các bộ ngành nên hỗ trợ các doanh nghiệp, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần nhanh chóng thỏa thuận với Nga về vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn bệnh dịch đối với sản phẩm nguồn gốc động vật xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga.

Theo Báo Tin Tức

 

Hướng đến cá tra sạch

Sau một thời gian ngắn giá cá tra đứng ở mức cao, hiện nay mặt hàng thủy sản này lại tiếp tục rớt giá.

Mặt hàng cá tra đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và sản xuất sạch hơn - Ảnh: Chí Nhân
Mặt hàng cá tra đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và sản xuất sạch hơn
– Ảnh: Chí Nhân

Cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng 0,8 – 0,9 kg/con), hiện chỉ còn 25.000 – 26.000 đồng/kg; cá có chất lượng thịt thấp hơn (thịt vàng) chỉ còn 24.000 – 24.500 đồng/kg, thậm chí có nơi rớt xuống mức giá 21.000 – 22.000 đồng/kg như vào thời kỳ tháng 5 năm nay, khi thừa mứa cá, rớt giá thê thảm.

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Cá tra Thới An, Q.Ô Môn (Cần Thơ), cho biết: “Không chỉ trong tháng 7 mà từ tháng 4 đến nay, giá bán cá tra đã giảm và biến động theo hướng bất lợi cho người nuôi. Cũng do giá giảm nên bây giờ không doanh nghiệp nào đi mua cá của người dân mà chỉ lấy cá từ vùng nuôi riêng của mình để xuất khẩu”. Ở các vùng nuôi khác như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang… giá cá tra nguyên liệu dao động từ 20.500 – 21.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6. Ông Nguyễn Minh Sáng, thương lái chuyên mua cá tra tại H.Châu Phú, An Giang cho biết, so với mức giá đỉnh 28.500 – 29.000 đồng/kg đối với cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được xác lập cách đây không lâu, hiện cá tra nguyên liệu đã giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, cá tra là một trong hai sản phẩm nông nghiệp được đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia và có nghị định riêng. Điều này khẳng định vị trí của ngành cá tra trong phát triển kinh tế. Chính phủ muốn tái tổ chức ngành hàng theo hướng mang lại hiệu quả cao nhất về kinh tế, bảo vệ môi trường và vấn đề xã hội. Theo đó cá tra sẽ được nuôi theo hướng quy hoạch có đăng ký, có cấp mã số và trong 2 năm tới sẽ không tăng về diện tích và sản lượng, nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Lê Xuân Thịnh, Điều phối viên dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở VN do EU tài trợ (SUPA) cũng cho biết: “Với dự án này, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra VN sẽ bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội. Đến khi kết thúc dự án, ít nhất 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ về sản xuất và chế biến, 30% doanh nghiệp chế biến thức ăn và các vùng nuôi cá tra của vùng ĐBSCL độc lập, chủ động thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Ít nhất 50% doanh nghiệp chế biến cung cấp các sản phẩm bền vững phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững như ASC hay GlobalGAP cho thị trường EU và các thị trường khác”.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 7 tháng đầu năm ước đạt 6.200 ha với sản lượng 598.000 tấn. Sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch. Cụ thể sản lượng cá tra ở Vĩnh Long đạt 57.881 tấn (giảm 7%), Đồng Tháp sản lượng 170.046 tấn (giảm 10,1%), Cần Thơ sản lượng 51.433 tấn (giảm 7,1%), Tiền Giang sản lượng 16.500 tấn (giảm 8,3%), Bến Tre sản lượng 101.200 tấn (giảm 8%).

Theo thanhnien.com.vn

Công nghệ giúp thủy sản Việt xuất ngoại

Hiện nay, các mặt hàng thủy sản quan trọng của Việt Nam không những đáp ứng được sản lượng xuất khẩu mà chất lượng còn từng bước đảm bảo yêu cầu của các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ…. Chính việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đã giúp Việt Nam có được thành quả này.

Làm chủ công nghệ nhân giống

 

ms3

Ép trứng thụ tinh nhân tạo cho cá tra (Ảnh: nongnghiep.vn)

Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KHCN địa phương, Bộ KHCN khẳng định, đóng góp lớn nhất của KHCN trong thủy sản là công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Quả thật như vậy, sản phẩm thủy sản của Việt Nam hiện có mặt ở 156 quốc gia, đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra, đứng thứ 3 về sản lượng tôm…. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn đạt mức hơn 6 tỷ USD những năm gần đây. Có được kết quả này, một phần quan trọng là do Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất, chủ động nguồn giống. Mỗi năm, Việt Nam sản xuất được 12 tỷ con cá bột gồm cá rô phi, cá tra, cá ba sa; 25 tỷ con giống tôm. Bên cạnh đó, đã sản xuất được các giống cá giò, cá vược, cá song, cá hồng, cua biển, ốc hương, bào ngư….

Đặc biệt, một số công nghệ sản xuất giống đã tiếp cận hoặc vượt trình độ quốc tế như cua biển có tỷ lệ sống đến cỡ giống đạt 6-8%, cao hơn trung bình 3-5% ở khu vực Đông Nam Á, ốc hương có thể đạt tỷ lệ sống đến con giống là 20%, cao hơn so với Ấn Độ và các nước trong khu vực.

Hay nhờ ứng dụng thành công kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá tầm với tỷ lệ cá cái rụng trứng đạt 71%, tỷ lệ nở của trứng đạt 50-70%, đã góp phần thay thế nguồn trứng nhập ngoại, hạ giá thành sản xuất cá giống, tăng sức cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc đang chiếm ưu thế trên thị trường.

Bên cạnh đó, đã nghiên cứu thành công mô hình nuôi tôm sú năng suất cao: 1,5-2,5 tấn/ha; các mô hình nuôi kết hợp cá – lúa có năng suất 4,5-5 tấn/ha, trong đó năng suất cá đạt từ 1-1,3 tấn/ha; mô hình nuôi cá rô phi đạt 10 tấn/ha; cá ba sa đạt 15-20 tấn/ha.

“Chỉ tính riêng sự thành công trong nghiên cứu làm chủ các công nghệ sản xuất 4 loại giống: cua biển, ốc hương, cá song, bào ngư đã giúp tiết kiệm khoảng 100 triệu USD tiền nhập con giống/năm, đồng thời mở ra triển vọng xuất khẩu các loại giống này trong vài năm tới với tổng giá trị đạt khoảng 7.500 tỷ đồng/năm”, ông Luật nhấn mạnh.

Đảm bảo chất lượng chế biến

Supa17

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong chế biến, 100% cơ sở chế biến đông lạnh đạt quy chuẩn Việt Nam và điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP nên đủ điều kiện để xuất khẩu sang tất cả các nước trên thế giới.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra thống kê chi tiết, hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, hơn 440 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc, 30 doanh nghiệp sang Liên bang Nga, 60 doanh nghiệp sang Brazil và gần 450 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Nhật Bản….

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho cá tra Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, Chính phủ mới ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Theo đó, đến năm 2015, các cơ sở sản xuất cá tra thương phẩm buộc phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices). Với các quy định nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến, các sản phẩm cá tra xuất khẩu sẽ hướng tới đáp ứng tốt nhất cho tất cả các thị trường trên thế giới.…

Trước áp lực ngày càng khắt khe của các đối tác nước ngoài thông qua các rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm thủy sản, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN không chỉ làm gia tăng sản lượng, mà quan trọng hơn là đảm bảo bài toán chất lượng cho sản phẩm. “KHCN chính là lực lượng trực tiếp và đóng vai trò quan trọng đối với kim ngạch xuất khẩu thủy sản”, ông Luật nhấn mạnh.

Sự đóng góp của các tiến bộ kỹ thuật về giống, chủ động trong sản xuất giống, quy trình nuôi… đã góp phần to lớn đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ 20 triệu USD năm 1980 lên 6,8 tỷ USD năm 2013, và dự kiến đạt 7 tỷ USD năm 2014.

Theo ven.vn