Cuộc thi “Selfie vì tê giác”

Nhằm khuyến khích sự tham gia của cộng đồng (đặc biệt là giới trẻ Việt Nam) bảo vệ các loài tê giác, hướng tới kỉ niệm Ngày Tê giác Thế giới 22/09/201, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Quỹ Tê giác Thế giới (IRF) tổ chức cuộc thi “Selfie vì tê giác”.

Cơ cấu giải thưởng:

Ba giải thưởng là 3 chiếc điện thoại di động Samsung Galaxy Core 2 – G355 cho những giải sau:

  • Bức ảnh sáng tạo nhất
  • Thông điệp ý nghĩa nhất
  • Bức ảnh được yêu thích nhất

Liên hệ:

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV)

Phòng 1701, Tòa nhà 17T5, Hoàng Đạo Thúy, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: 04 6281 5424

Facebook: https://www.facebook.com/trungtamgiaoducthiennhien

Email: [email protected]

Thông tin chi tiết xem tại đây.

Theo thiennhien.net

Luật Bảo vệ môi trường 2014: Đòn bẩy để phát triển bền vững

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang là vấn đề thách thức, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh lương thực và suy giảm các hệ sịnh thái. Chính vì thế, việc ban hành các quy định mới về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ biển và hải đảo có vai trò rất quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi của con người và sự phát triển bền vững của đất nước.
12082014moitruong
 
​Đây là một trong những nội dung quan trọng của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 vừa được Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đưa ra chiều nay (26/8), tại buổi đối thoại về Luật Bảo vệ môi trường do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, tại Hà Nội.- Ngày 23/6/2014, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật bảo vệ môi trường sửa đổi (Luật Bảo vệ môi trường năm 2014), vậy thứ trưởng có thể cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thông qua “đạo luật” quan trọng này?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được Quốc hội thông qua vào tháng Sáu vừa qua, sự kiện này đã đánh dấu chặng đường nỗ lực, quyết tâm của cơ quan chủ trì xây dựng Luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như các cơ quan liên quan trong suốt gần 3 năm (từ năm 2012 đến 2014).

Xét một cách toàn diện, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng qua nhiều thời kỳ, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI với tiêu đề “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.”

Mặt khác, Luật Bảo vệ môi trường lần này cũng thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền của mọi người dân được sống trong môi trường trong lành. Luật cũng đã khắc phục được những hạn chế, chưa hoàn hảo của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đồng thời bổ sung một số nội dung mới như tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và an ninh môi trường…

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành công trong công tác bảo vệ môi trường suốt những năm qua, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 được xem là bước tiến quan trọng để nước ta tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn mới.

– Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 gồm 20 Chương và 170 Điều, so với Luật Bảo vệ môi trường 2005 gồm 15 Chương và 136 Điều thì Luật lần này có những điểm cơ bản gì mới, thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Trên cơ sở kế thừa nội dung của Luật bảo vệ môi trường 2005 đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của của Luật cũ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có những điểm mới rất quan trọng, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề “nóng” trong giai đoạn mới.

Chẳng hạn như Luật Bảo vệ môi trường lần này đã đưa nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường vào làm nền cho các quy hoạch khác. Có thể nói quy hoạch bảo vệ môi trường là một phạm vi hẹp hơn của quy hoạch môi trường, nhằm phục vụ cho chất lượng cuộc sống của con người đồng thời giúp chúng ta có cái nhìn dài hạn hơn để chủ động triển khai bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, an sinh, xã hội, cũng như đảm bảo cho phát triển bền vững.

Điểm mới thứ hai là Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã làm nổi bật khía cạnh nội dung đánh giá môi trường chiến lược (DMC). Nội dung này đã được thu hẹp hơn các quy hoạch, cũng như giảm bớt các kế hoạch đánh giá tác động môi trường nhằm tạo thuận lợi cho xã hội.

Luật Bảo vệ môi trường lần này cũng đã bổ sung thêm nội dung mới đó là kế hoạch bảo vệ môi trường. Mặc dù, Luật Bảo vệ môi trường 2005 có quy định về cam kết bảo vệ môi trường nhưng trên thực tế, việc thực hiện cam kết này có nhiều khó khăn, thiếu thực thi và mang tính lý thuyết. Chính vì thế, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định thêm 6 điều mới về kế hoạch bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã xây dựng thêm một số chương mới gắn liền với những vấn đề “nóng” hiện nay như: Quy định chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu; một chương về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, nhằm bảo đảm tính thống nhất và toàn diện của Luật Bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Luật lần này cũng bổ sung thêm các quy định về tăng trưởng xanh, cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững; bổ sung quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.

– Với những nội dung “cải tiến” quan trọng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai những kế hoạch gì để thực hiện Luật bảo vệ môi trường sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Theo quy định về ban hành văn bản pháp quy hiện nay, từ ngày 1/1/2015 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành, nên các văn bản dưới Luật (ví dụ như Nghị định và những thông tư quan trọng) cũng phải có hiệu lực trong ngày này.

Chính vì thế, để Luật môi trường năm 2014 “thẳng tiến” đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường rà soát, xây dựng danh mục các Nghị định, Thông tư hiện hành và đề xuất chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng mới hệ thống các văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thực hiện các quy định mới của Luật lan tỏa trong toàn xã hội.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu Tổng cục Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, Sở, ngành, cơ quan phát thanh-truyền hình và các báo tổ chức phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đến từng doanh nghiệp, địa bàn dân cư và hộ gia đình trong toàn xã hội./.

Theo TTXVN

Công trình xanh sẽ có bộ tiêu chí đánh giá

Bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh (CTX) là một công cụ cần thiết để thực hiện việc đánh giá và công nhận CTX ở Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển CTX ở Việt Nam. Dự thảo bộ tiêu chí đánh giá CTX đã thông qua hội đồng khoa học của Bộ và đang lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước hoàn thiện dự thảo…
cong-trinh-xanh-phai-duoc-xay-dung-tu-co-so-ha-tang_240x180
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN & MT để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. Thưa ông, Bộ tiêu chí về CTX đang được nghiên cứu xây dựng theo mô hình nào? Có điểm gì chung và khác biệt với bộ tiêu chí của các nước?– Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu các bộ tiêu chí CTX của các nước, trong đó có các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ và các nước Châu Âu… đã đề xuất bộ tiêu chí cho Việt Nam.

Về cơ bản, bộ tiêu chí CTX các nước có mục, lĩnh vực tương đối giống nhau tuy nhiên tùy điều kiện từng nước, các trọng số đánh giá từng lĩnh vực khác nhau. Đóng góp ý kiến cho dự thảo bộ tiêu chí, các chuyên gia của Việt Nam cho rằng cần có nghiên cứu điều chỉnh để phù hợp với điều kiện đất nước. Các chuyên gia quốc tế khi làm việc với Bộ Xây dựng cũng cho biết, mỗi nước tùy điệu kiện hoàn cảnh, khí hậu, kinh tế xã hội… có thể nghiên cứu và đưa ra bộ tiêu chí riêng. Do vậy, Bộ Xây dựng mong muốn các chuyên gia góp ý để hoàn chỉnh bộ tiêu chí phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Bộ tiêu chí CTX sẽ đề cập những lĩnh vực gì? Với điều kiện Việt Nam, trọng số nào được đặt lên hàng đầu?

– Bộ tiêu chí CTX là một bộ tiêu chí tổng hợp, có 7 nhóm lớn gồm bảo vệ môi trường sinh thái, hiệu quả năng lượng, hiệu quả sử dụng nước, chất lượng môi trường trong nhà, quản lý vận hành, sáng tạo. Mỗi nhóm có nhiều tiêu chí nhỏ. CTX sẽ được đánh giá qua nhiều tiêu chí từ phần kiến trúc, vật liệu vỏ bao che, đến các hệ thống kỹ thuật của công trình, quản lý chất thải,tiết kiệm năng luợng, tiết kiệm nước, quản lý vận hành…

Đối với bộ tiêu chí CTX Việt Nam, tiêu chí và trọng số từng lĩnh vực đang tiếp tục được nghiên cứu thận trọng, lấy ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp nên tôi chưa thể trả lời ngay được đâu là trọng số lĩnh vực nào được đưa lên hàng đầu.Dự kiến bộ tiêu chí CTX sẽ được hoàn thiện và ban hành vào thời điểm nào?

– Như tôi đã đề cập, dù bộ tiêu chí đã hình thành khung và từng đem đánh giá thử công trình, tuy nhiên, để cẩn thận, bảo đảm sự đồng thuận của các chuyên gia trong ngành, của các chủ đầu tư, nhà thầu và nhà nhà cung ứng vật tư cho công trình… dự thảo bộ tiêu chí đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp rộng rãi hơn nữa trước khi hoàn thiện. Dự kiến, trong 1 – 2 tháng, thậm chí cả quý nữa thì bộ tiêu chí mới xong.

Theo kế hoạch, cuối năm 2014, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ trình Bộ Xây dựng ban hành thông tư quy định quy trình, thủ tục đăng ký và đánh giá CTX, trong đó có bộ tiêu chí CTX.

Các nước có những mô hình khác nhau về đơn vị đánh giá, chứng nhận CTX. Ở một số nước là tổ chức phi lợi nhuận, một số khác nữa là cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Xây dựng lựa chọn mô hình nào, thưa ông?

– Các chuyên gia quốc tế cũng đã giới thiệu khá nhiều mô hình về tổ chức đánh giá, chứng nhận CTX. Ở các nước phát triển tiên tiến, hoạt động hiệp hội mạnh, uy tín thì nhà nước giao quyền đánh giá, cấp chứng nhận CTX cho hiệp hội. Nhưng cũng có nhiều nước như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan áp dụng mô hình cơ quan quản lý nhà nước đánh giá.

Ở Việt Nam, dự kiến, quy trình thủ tục đánh giá CTX sẽ tiến hành theo 2 bước. Bước thứ nhất, thông qua tư vấn. Dựa trên bộ tiêu chí được ban hành tại thông tư, đơn vị nào có đủ năng lực thì sẽ làm tư vấn đánh giá. Sau khi tư đánh giá bước 1, tư vấn chuyển toàn bộ hồ sơ đến Bộ xây dựng. Hồ sơ đủ điều kiện thì Bộ Xây dựng sẽ thành lập Hội đồng khoa học gồm các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực sẽ xét đánh giá công trình do chủ đầu tư và tư vấn trình. Đây là đánh giá bước 2. Lúc đó, nếu đủ điều kiện thì Bộ Xây dựng sẽ cấp chứng nhận CTX cho công trình.

Chuyên gia quốc tế rất ủng hộ mô hình đánh giá 2 bước. Họ cho biết, nhiều nước áp dụng mô hình này. Trong thông tư sau ban hành vào cuối năm sẽ quy định cụ thể yêu cầu năng lực của các đơn vị tư vấn, hồ sơ xem xét đánh giá CTX gồm những gì, các bước thực hiện đăng ký và công nhận CTX ra sao.

Theo thông lệ quốc tế, công trình được đánh giá, công nhận là CTX có giá trị tối đa 3 năm. Hết thời hạn sẽ đánh giá lại vì chất lượng công trình còn liên quan đến quá trình vận hành, duy tu, bảo dưỡng sau này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo TH/ Xây dựng

Sản xuất sạch hơn – xu thế của ngành công nghiệp hiện đại

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, sản xuất sạch hơn (SXSH) đã trở thành một trong những xu thế, chiến lược quan trọng của ngành công nghiệp các nước trên thế giới, hướng tới mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất.

SXSH

Cải tiến hệ thống tự động hóa (nguồn: tplco.vn)

Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ, nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Đối với sản xuất, sản xuất sạch hơn (SXSH) gồm quá trình bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm, SXSH làm giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Còn với dịch vụ, SXSH đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

Áp dụng SXSH sẽ mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích: Cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh về một doanh nghiệp xanh; cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp và và an toàn.Áp dụng sản xuất sạch hơn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao hình ảnh trên thị trườngNăm 1995, khái niệm “SXSH” lần đầu tiên được giới thiệu vào Việt Nam. Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã không ngừng tuyên truyền, quảng bá rộng rãi khái niệm và các giải pháp về SXSH đến các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.

Đặc biệt, tháng 9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020” và đến năm 2013, Bộ Công Thương cũng phê duyệt các Đề án thực hiện Chiến lược SXSH.

Đề án đặt ra mục tiêu: Đến năm 2015, 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH, các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 5 – 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; giai đoạn 2016 – 2020, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH; các cơ sở sản suất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 8 – 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đánh giá, đến nay nhận thức và áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên cả nước vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tính đến đầu năm 2014, mới có khoảng 11% doanh nghiệp áp dụng SXSH.

Rào cản lớn nhất đối với SXSH ở Việt Nam chính là do các doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH vào sản xuất kinh doanh, trong khi đó, thực hiện SXSH cần một chi phí khá lớn đầu tư ban đầu, nên đa số các doanh nghiệp còn ngại ngần…

Để các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn đến SXSH, nhằm nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm khi ra thị trường thế giới, các chuyên gia cho rằng, cần có một khung pháp lý để cưỡng chế các doanh nghiệp tham gia vào SXSH. Đặc biệt, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để các doanh nghiệp tham gia vào SXSH.

Theo tietkiemnangluong.vn

Xây dựng nền kinh tế xanh ở Việt Nam

Chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới xây dựng “Nền Kinh tế Xanh” là hướng tiếp cận mới, tuy nhiên xét về dài hạn đây là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu.

b9581337a2c927c0b1944d768848784d-slide-greenurban

Hình minh họa: nguoiduatin.vn

Để phát triển hướng tới nền Kinh tế Xanh, Việt Nam có những cơ hội và thách thức sau:

Cơ hội

Trong khi tài nguyên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn Kinh tế Xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền Kinh tế Xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.

Các sáng kiến được các cơ quan Liên hợp quốc thúc đẩy hướng tới nền Kinh tế Xanh như: Nông nghiệp thông minh với khí hậu (FAO phát động), Đầu tư công nghệ sạch (WB), việc làm xanh (ILO), Kinh tế Xanh (UNEP), Giáo dục vì sự phát triển bền vững (UNESCO), Xanh hóa khu vực y tế (WHO), Thị trường công nghệ xanh (WIPO), Tiêu chuẩn công nghệ thông tin xanh (ITU), Giải pháp năng lượng xanh (UN WTO), Sản xuất sạch hơn và hiệu quả sử dụng tài nguyên (UNEP và UNIDO), các thành phố và biến đổi khí hậu (UN-HABITAT), Tái chế tàu biển (IMO),… đang thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Theo tính toán của UNEP, năm 2009, cộng đồng EU và Mỹ đã tạo ra 2 – 3,5 triệu việc làm khi xây dựng các tòa nhà xanh, Trung Quốc tạo nên 10 triệu việc làm trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo với doanh thu 17 tỷ USD/năm. Ngân hàng thế giới đánh giá nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng Kinh tế Xanh như xây dựng, năng lượng, vận tải ở các nước đang phát triển có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD để thích nghi với biến đổi khí hậu. Những dữ liệu thực tế này cho thấy, gieo mầm Kinh tế Xanh, tạo nên tăng trưởng xanh là chiến lược cho phát triển bền vững ở tương lai.

Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy rằng việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”, “kinh tế nâu”.

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã nêu rõ “tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế xã  hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ”. Như vậy, tăng trưởng xanh là phù hợp với Chiến lược dài hạn của Việt Nam và định hướng phát triển bền vững nói chung, điều này cũng phù hợp với những lợi thế so sánh của Việt Nam cần phát huy trong thế giới toàn cầu hóa.

Cụ thể cho những lý do sau đây đẩy mạnh tăng trưởng xanh:

*  Thứ nhất: Theo định hướng của Chiến lược phát triển, trong những năm tới, hoạt động đầu tư phát triển mạnh mẽ, nhưng nếu không có điều chỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu thì nhu cầu năng lượng, ô nhiễm môi trường và chi phí nói chung ở Việt Nam cũng sẽ rất lớn, nhất là trong sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, phát triển đô thị và dịch vụ. Do đó, Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đồng thời giảm phát thải khí nhà kính để tham gia nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, tăng trưởng xanh là cơ hội phát triển phù hợp với định hướng Chiến lược;

*  Thứ hai:  Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên vị thế cao, vị trí địa lý chính trị quan trọng, có cả vùng núi, đồng bằng và ven biển, có hệ thống hạ tầng giao thông nối kết với kinh tế của các nước trong vùng, về khách quan đang trở thành một trung tâm của vùng Đông Nam Á, với tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, giàu vốn tự nhiên để phát triển nền Kinh tế Xanh;

*  Thứ ba: Nguồn lực lao động của Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, có truyền thống cần cù lao động, sống giản dị và hài hòa với thiên nhiên theo truyền thống văn hóa phương Đông, có khả năng tiếp thu nhanh khoa học, bí quyết công nghệ và kỹ năng quản lý để phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ hiện đại cũng như nguồn lực chủ yếu của tăng trưởng xanh.

 Thách thức

Để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam cũng có những khó khăn, thách thức rất lớn như sau:

* Trình độ phát triển nói chung còn thấp, bị tụt hậu so với nhiều nước sau những năm chiến tranh kéo dài đang để lại những di hại không nhỏ, cần có thời gian và nguồn lực lớn để khắc phục. Nhưng nếu biết cách tổ chức lại một cách có hệ thống và khôn khéo thì Việt Nam hoàn toàn có cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển trong thời gian không dài, bằng cách phi truyền thống;

*  Hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới tăng trưởng xanh. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý còn chia cắt chưa phù hợp với sự phát triển trong liên kết của đất nước trong hội nhập, cần có những chỉnh sửa rất mạnh mẽ;

*  Công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu còn phổ biến, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao, hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp; công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển;trình độ phát triển khoa học công nghệ (nhất là R&D và chuyển giao công nghệ) còn thấp;

*  Tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng, một phần bị hủy hoại chính do phương thức tăng trưởng, phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch là nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp. Trong khi đó, đất nước lại kém trong quản lý tài nguyên;

*  Nhận thức và năng lực của toàn hệ thống (con người, cơ sở hạ tầng, tài chính và thể chế) còn thấp, làm cho những thói quen cũ trong sản xuất, đời sống và quản lý chậm thay đổi, phải có những chuyển biến mang tính chiến lược hơn.

Đứng trước thời cơ mới, Việt Nam cần phát huy các lợi thế so sánh, lợi thế “động” đang mở ra, khắc phục các yếu kém để phát triển đất nước. Phương thức tăng trưởng xanh là con đường tốt nhất để giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển trong thời gian tương đối ngắn, nhờ sử dụng hiệu quả nội lực và toàn cầu hóa.

 Chiến lược Tăng trư ởng xanh của Việt Nam

*  Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển đất nước trong thời gian sắp tới, trên cơ sở kết hợp hài hòa ba trụ cột của sự phát triển, gồm phát triển bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường. Quá trình phát triển bền vững với ba trụ cột này được bảo đảm liên kết lại bằng môi trường thể chế hiện đại, thích ứng với định hướng phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh là nội dung của phát triển bền vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của biến đổi khí hậu;

*  Tăng trưởng xanh phải là tăng trưởng do con người và vì con người, phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần giải quyết yêu cầu tăng trưởng hợp lý với giảm nghèo bền vững, bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội phát triển cho mỗi người và điều kiện thụ hưởng hợp lý cho mỗi người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong phát triển;

*   Tăng trưởng xanh phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế ngay trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng cao sẽ tác động mạnh vào nhiều vùng của đất nước;

*  Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học, thực hiện chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn lực chất lượng cao, kết hợp giữa nội lực với mở rộng hợp tác quốc tế, làm thành nguồn lực tổng thể cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp giữa nội lực với mở rộng hợp tác quốc tế, làm thành nguồn lực tổng thể cho phát triển;

*  Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ của mọi cấp chính quyền, từ các bộ, ngành đến chính quyền địa phương, thích ứng với một hệ thống phân cấp quản lý phi tập trung hóa; sự phối hợp với các tổ chức và cá nhân nước ngoài; trên cơ sở kết hợp liên kết, giám sát đan chéo của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân.

Với quan điểm trên, Chiến lược Tăng trưởng xanh ở Việt Nam là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tăng trưởng xanh: Thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tận dụng lợi thế so sánh một cách chủ động và sáng tạo, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cụ thể:

*  Tái cấu trúc nền kinh tế và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế tiến tới xóa bỏ những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường;

*  Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ hiện đại nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu;

*  Nâng cao đời sống nhân dân thông qua việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng hạ tầng xanh, lối sống thân thiện với môi trường.

*  Trên cơ sở đó, sẽ nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế trong điều kiện mới, thực hiện việc rút ngắn khoảng cách phát triển, với chất lượng tăng trưởng cao.

Các định hướng, nhiệm vụ thực hiện Tăng trư ởng xanh  ở Việt Nam Để đạt được các mục tiêu như trên, Chiến lược Tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào 03 mục tiêu chủ yếu:

i)  Xanh hóa sản xuất:  Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, đổi mới công nghệ (hay mặt cung của nền kinh tế). Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

*  Xanh hóa sản xuất thông qua sắp xếp lại cơ cấu, đặc biệt là hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường;

*  Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản;

*  Thúc đẩy các ngành Kinh tế Xanh phát triển nhanh để làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên của đất nước, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân;

*  Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững;

*  Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn.

ii)  Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo:  Xanh hóa nền kinh tế để thực hiện nỗ lực chung về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Hiện nay, tổng mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển, nhưng đang tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn tới, các ngành chính có sự phát thải cao là nông nghiệp, năng lượng (gần 70% tổng lượng CO2 ), còn lại là sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất và quá trình công nghiệp. Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nhiệm vụ sau:

*  Cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại;

*  Chuyển đổi nhiên liệu trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải;

*  Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng mới và tái tạo nhằm từng bước gia tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng sạch trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, tăng cường an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;

*  Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp;

*  Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động lâm nghiệp (chống mất rừng và suy thoái rừng).

iii) Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững: xanh hóa sản xuất (mặt cung trong nền kinh tế) không thể tách rời xanh hóa lối sống và phương thức tiêu dùng bền vững của xã hội (mặt cầu của kinh tế). Lối sống hòa hợp với môi trường vốn đã là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện mới của nền văn minh hiện đại mang lại sẽ tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:

*  Thực thi đô thị hóa bền vững: Để nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển hài hòa, nâng cao chất lượng cho người dân, quy hoạch phát triển đô thị và quản lý quy hoạch cần đạt được các tiêu chí về hiệu quả sinh thái và bảo đảm xã hội để:

•           Đô thị là động lực thúc đẩy tăng trưởng Kinh tế Xanh và cạnh tranh;

•           Tăng cơ hội việc làm;

•           Giảm nghèo;

•           Cải thiện chất lượng sống;

•           Tăng cường an ninh năng lượng;

•           Cải thiện chất lượng sống;

•           Tránh được các chi phí và rủi ro tương lai.

*   Xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hòa với môi trường: Thực hiện các nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và trong những năm tiếp theo, kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và công bằng xã hội nhằm đảm bảo phát triển nông thôn bền vững;

*  Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh: thay đổi mô hình và hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững của cả ba khu vực tiêu dùng trong xã hội: khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và khu vực dân cư. (Nguồn: Dự thảo báo cáo của Việt Nam tại Rio +20, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

 Theo T.D (Tăng Trưởng Xanh) – moitruong.com.vn

Tổng cục Môi trường tìm các ý tưởng hay trong giới trẻ

Tìm kiếm, lan tỏa các sáng kiến, mô hình hay của thanh niên và trẻ em Việt Nam về môi trường và phát triển bền vững; nâng cao vai trò của giới trẻ trong việc hạn chế những ảnh hưởng về môi trường đến đời sống và sức khỏe người dân; khuyến khích sử dụng công nghệ sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng…là mục tiêu hướng đến của Cuộc thi “Tuổi trẻ với sáng kiến vì môi trường bền vững”, do Tổng Cục môi trường phối hợp với Mạng lưới Thế hệ xanh vừa phát động.

Tuoi-tre-voi-moi-truong

Ban tổ chức cho biết, tất cả học sinh, sinh viên, thanh niên là người Việt Nam, dù ở trong nước hay đang sinh sống, học tập ở nước ngoài có tuổi đời từ 12-30 đều có thể tham dự cuộc thi.Các tác phẩm tham dự cuộc thi cần tập trung vào các ý tưởng, mô hình hướng tới các vấn đề: Truyền thông bảo vệ môi trường, giáo dục môi trường; kêu gọi cộng đồng chung tay hành động cùng bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; thu gom, xử lý rác thải, chất thải; bảo tồn đa dạng sinh học; kêu gọi cộng đồng chung tay hành động cùng bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…

Tác phẩm dự phải đảm bảo tính chính xác của thông tin và có đầy đủ các nội dung sau: Một bản mô tả nội dung sáng kiến, hoạt động; một file hình ảnh về dự án (ảnh hoạt động hoặc ảnh do nhóm dự án thiết kế) dung lượng không quá 10MB.

20 tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được Ban tổ chức trao giải gồm: 1 giải Nhất trị giá 5 triệu đồng, 2 giải Nhì (4 triệu đồng/giải), 3 giải Ba (2 triệu đồng/giải) và 14 giải Khuyến khích (1 triệu đồng/giải) cùng các phần quà của nhà tài trợ.

Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 1/8/2014 đến hết ngày 1/10/2014 (theo dấu bưu điện). Bài dự thi gửi về địa chỉ: Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường, Tổng cục Môi trường, 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội, hoặc email: [email protected]

Theo tietkiemnangluong.com.vn