Quy định quản lý chất thải phóng xạ đã qua sử dụng

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BKHCN quy định về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

Theo đó, chất thải phóng xạ phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường kể từ khi phát sinh cho đến khi được phép thải bỏ như chất thải không nguy hại hoặc chôn cất hoặc tái chế đối với vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại. Nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý bảo đảm an toàn cho con người và môi trường cho đến khi được chuyển trả cho nhà sản xuất, nhà cung cấp nước ngoài hoặc chôn cất.

Chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng phải được quản lý chặt chẽ để bảo đảm không gây hại cho con người và môi trường cả ở hiện tại và tương lai, bảo đảm sao cho tổng liều bức xạ đối với nhân viên bức xạ và công chúng không vượt quá giá trị giới hạn liều quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về kiểm soát và bảo đảm an toàn bức xạ trong chiếu xạ nghề nghiệp và chiếu xạ công chúng…

Hiện chưa có phương pháp tối ưu nào cho việc xử lý rác thải phóng xạ (Ảnh: Taipei Times)

Điều kiện để có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường

Thông tư cũng quy định, chất thải có chứa các nhân phóng xạ phát sinh trong một công việc bức xạ có thể được phép thải trực tiếp vào môi trường với điều kiện nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải không lớn hơn mức thanh lý hoặc tổng hoạt độ các nhân phóng xạ trong thành phần chất thải dạng khí, dạng lỏng không vượt quá mức hoạt độ phóng xạ cho phép để được thải vào môi trường do cơ quan quản lý nhà nước quy định và phải được cho phép theo giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Vật thể nhiễm bẩn phóng xạ là kim loại sắt, đồng, chì, nhôm (sau đây gọi là kim loại nhiễm bẩn phóng xạ) và sản phẩm nấu chảy trực tiếp từ các kim loại này có thể được sử dụng cho tái chế nếu nồng độ hoạt độ các nhân phóng xạ có trong kim loại và mức nhiễm bẩn phóng xạ bề mặt của kim loại nhỏ hơn hoặc bằng mức cho phép tái chế theo quy định.

Thông tư quy định, cấm bổ sung thêm các thành phần không chứa chất phóng xạ vào chất thải phóng xạ nhằm mục đích giảm nồng độ hoạt độ phóng xạ trong chất thải phóng xạ để đạt được tiêu chuẩn cho phép thải ra môi trường hoặc tiêu chuẩn cho phép tái chế.

Cơ sở lưu giữ chất thải phải được thiết kế đảm bảo an toàn

Cơ sở lưu giữ chất thải phóng xạ phải được thiết kế và vận hành bảo đảm các yêu cầu chung như sau: a) Bảo đảm để suất liều bức xạ, mức rò chất phóng xạ ra môi trường ở mức thấp nhất có thể; bảo đảm tổng liều bức xạ cá nhân đối với nhân viên bức xạ không vượt quá 3/10 giá trị giới hạn liều đối với nhân viên bức xạ và tổng liều bức xạ cá nhân đối với công chúng không vượt quá 3/10 giá trị giới hạn liều đối với công chúng quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN; b) Áp dụng các biện pháp không để xảy ra sự cố trong quá trình hoạt động; c) Có quy trình vận hành cơ sở.

Thông tư cũng quy định, tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép và đang tiến hành các hoạt động liên quan đến quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nhưng không đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Thông tư này, trong vòng 6 tháng kể từ ngày 01/11/2014 phải thực hiện các biện pháp khắc phục theo các yêu cầu của Thông tư này để được tiếp tục hoạt động.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014.

Theo Vân Trang/Chinhphu.vn

 

Xóa bỏ công nghệ lạc hậu để tiết kiệm năng lượng

Ngày 30/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo định hướng phát triển công nghiệp xi măng sắp tới, Việt Nam sẽ tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Mạnh tay” với những dự án XM không đạt yêu cầu

5 nhà máy XM nằm trong diện bị loại khỏi quy hoạch, bao gồm: Nhà máy XM Cao Dương, Chợ Mới, Việt Đức, Long Thọ và Ngân Sơn. Cùng với quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý hoãn triển khai 9 dự án gồm: Thanh Sơn, Tân Phú Xuân, Tân Tạo, Yến Mao, Sài Gòn Tân Kỳ, Phú Sơn, Mỹ Đức, Nam Đông, Minh Tâm.

Trước đó, vào tháng 7/2014 Bộ Xây dựng đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc đưa ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp XM một số dự án không bảo đảm tiến độ thi công, xây dựng. Cũng theo Bộ Xây dựng, hầu hết các dự án này đều là dự án lò quay có công suất nhỏ (dưới 2.500 tấn clanke/ngày), đến nay đã lạc hậu về các chỉ tiêu, như tiêu hao năng lượng cao và các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường không bảo đảm…

3a5dd627a_xi_mang_3.jpg

Nhiều dự án xi măng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì không đạt yêu cầu

Theo ông Lê Văn Tới – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), đa số các dự án đều không đạt yêu cầu do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, triển khai chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Quang Cung- Chủ tịch Hiệp hội XM Việt Nam – cho biết, những năm trước, Việt Nam thiếu XM nên các địa phương đã khuyến khích đầu tư, phát triển nhiều dự án XM. Hậu quả là tại thời điểm này có khá nhiều dây chuyền XM công nghệ cũ với công suất nhỏ chỉ khoảng 120.000 tấn/năm, không đủ năng lực cạnh tranh.

Tập trung công nghệ cao tăng chất và lượng

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp XM Việt Nam giai đoạn 2020- 2030, ngành XM sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án XM ở phía Nam, các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông.

86d44b823_xi_mang.jpg

Công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và ô nhiễm môi trường sẽ dần được xóa bỏ

Ông Lê Văn Tới cũng khẳng định, trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, dự kiến đến năm 2015 không còn sản xuất XM lò đứng. Đối với các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên. Chúng ta cần loại bỏ các dây chuyền sản xuất XM công suất thấp, đầu tư mở rộng các dự án có điều kiện về công nghệ, tài chính với công suất lớn, giảm chi phí sản xuất nâng cao chất lượng XM, đồng thời bảo đảm tốt vấn đề môi trường.

Để tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành XM, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp giám sát việc thực hiện các dự án theo đúng tiến độ, chủ động xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu XM đáp ứng yêu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả.

Theo Xã luận

 

 

Tiết kiệm trong doanh nghiệp: Công nghệ có phải là giải pháp duy nhất?

Hiện nay, các doanh nghiệp có thể đầu tư thiết bị công nghệ cao tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đổi mới công nghệ. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp vẫn có thể tiết kiệm năng lượng mà không quá lo về công nghệ?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đầu tư đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng (TKNL) rất tốn kém. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Có nhiều cách TKNL với các mức độ đầu tư khác nhau. Dựa vào tình hình thực tế của mình, doanh nghiệp có thể lựa chọn cách làm phù hợp mà vẫn đạt mục tiêu TKNL.

Ông Trần Quý Năng là kỹ sư điện, quản lý năng lượng ở Trung tâm Công nghệ quốc tế Hà Nội (HITC) cho biết, tại HITC, tất cả các thiết bị được lắp đặt và đưa vào vận hành đã gần 20 năm. So với các thiết bị mới ở thời điểm hiện nay thì thiết bị của HITC có hiệu quả sử dụng thấp hơn. Tuy nhiên, Trung tâm có cách làm riêng của mình như: Không thay đổi dây chuyền công nghệ; thực hành kiểm soát năng lượng; bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến tiết kiệm năng lượng và vận hành linh hoạt theo tải… đã giúp HITC không mất vốn đầu tư công nghệ. Qua 5-6 năm thực hiện những giải pháp này, HITC đã giảm được 5% sản lượng điện tiêu thụ.

Theo ông Năng, cách đây 5 năm, HITC đã chuyển sang giải pháp, cải tiến một phần nhỏ của dây chuyền công nghệ. Kết quả là HITC tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Thời gian gần đây, HITC đã giảm được 14% chi phí năng lượng. “Khi có nhóm thiết bị, công nghệ nào đó của HITC hết khấu hao, chúng tôi sẽ có kế hoạch thay thế bằng thiết bị, công nghệ mới, có hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn” – Ông Năng cho biết.

7ba1db99d_cn.jpg

Theo Phó tổng GĐ Công ty CP Lương thực – Thực phẩm Colusa – Miliket, ông Nguyễn Anh Tuấn, để tháo gỡ các rào cản, giúp doanh nghiệp không còn phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ trong việc TKNL, doanh nghiệp cần theo dõi, tiếp cận các kỹ thuật mới, thường xuyên đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại tất cả các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, từ quản lý đến sản xuất – kinh doanh.

Một số chuyên gia đã đề xuất những biện pháp TKNL cụ thể, chẳng hạn: Giảm, loại trừ các nguyên nhân gây gia tăng phụ tải không cần thiết, thực hiện cải tiến một bộ phận thiết bị, giúp giám sát tiêu thụ năng lượng và vận hành linh hoạt theo tải thực tế, tổ chức bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến TKNL. Chỉ thay đổi những thiết bị, bộ phận riêng lẻ trong dây chuyền công nghệ có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp; Đầu tư hệ thống giám sát năng lượng (không tốn nhiều chi phí). Bổ sung thiết bị và phần mềm điều khiển giúp giảm tiêu hao năng lượng. Thực hành vận hành linh động thiết bị theo tải thực tế ở mọi thời điểm, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thọ, Phó tổng GĐ phụ trách kỹ thuật Công ty Viet ESCO: “ Năng lực tổ chức sản xuất kém sẽ không mang lại hiệu quả” Để cắt giảm chi phí năng lượng, cả 2 giải pháp quản lý và công nghệ đều phải được coi trọng. Nếu công nghệ có hiện đại mà năng lực quản lý và tổ chức sản xuất yếu cũng không mang lại hiệu quả cao được. Có thể nói, năng lực quản lý thường là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đó chính là lý do dù máy móc, thiết bị của chúng ta hiện đại không thua kém các nước bạn, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được về giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, muốn phát huy hiệu quả TKNL tối đa, bắt buộc doanh nghiệp phải đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất…

Ông Lưu Xuân Bá – Phó giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long: “Con người là yếu tố quan trọng”. Các doanh nghiệp nên nhận thức rõ, con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc TKNL. Vì vậy, cần tổ chức các lớp đào tạo, tuyên truyền, giáo dục cho các cán bộ – công nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhằm nâng cao ý thức về tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện.

Ông Trần Quý Năng, kỹ sư điện, quản lý năng lượng ở Trung tâm Công nghệ quốc tế Hà Nội (HITC): “Doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện tiết kiệm năng lượng mà không cần quá phụ thuộc vào công nghệ”. Các doanh nghiệp có thể tự chọn cách làm phù hợp với tình hình cụ thể, chính sách và mục tiêu năng lượng của mình như: Giảm, loại trừ các nguyên nhân gây gia tăng phụ tải không cần thiết, thực hiện cải tiến một bộ phận thiết bị, giúp giám sát tiêu thụ năng lượng và vận hành linh hoạt theo tải thực tế, tổ chức bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp có công nghệ không quá lạc hậu vẫn có thể cạnh tranh được trên thương trường, có thế cải tiến một phần nhỏ của dây chuyền công nghệ với cách làm như: Chỉ thay đổi những thiết bị, bộ phận riêng lẻ trong dây chuyền công nghệ có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp; Đầu tư hệ thống giám sát năng lượng (không tốn nhiều chi phí). Bổ sung thiết bị và phần mềm điều khiển giúp giảm tiêu hao năng lượng. Thực hành vận hành linh động thiết bị theo tải thực tế ở mọi thời điểm, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ, hướng đến tiết kiệm năng lượng.

Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện

UNIDO tài trợ 53 triệu USD cho Việt Nam phát triển khu công nghiệp “xanh”

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do UNIDO tài trợ không hoàn lại với tổng mức tài trợ lên tới 53 triệu USD.

Ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1526/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục Dự án do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tài trợ.

Theo đó, phê duyệt danh mục Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do UNIDO tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Mục tiêu của Dự án là tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Ảnh minh họa: BizLIVE.vn

Ảnh minh họa: BizLIVE.vn

Kết quả chính của dự án được kiểm nghiệm thông qua các chính sách và quy định đáp ứng tiêu chí của KCN sinh thái trong các lĩnh vực:

Quy hoạch và quản lý KCN, quản lý ô nhiễm môi trường, ô nhiễm công nghiệp trong các KCN, trách nhiệm và các biện pháp hỗ trợ đầu tư của các bên liên quan đối với hoạt động đầu tư công nghiệp sạch và phát thải ít các bon của doanh nghiệp KCN.

Tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý KCN sinh thái cho các cơ quan quản lý KCN ở trung ương và địa phương.

Tăng cường năng lực kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít các bon, phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN và doanh nghiệp trong KCN.

Triển khai thí điểm các dự án chuyển đổi thành KCN sinh thái; tăng cường nhận thức của cộng đồng về phát triển KCN sinh thái…

Dự án được thực hiện trong 36 tháng với tổng kinh phí thực hiện là hơn 53 triệu USD.

Theo Vũ Minh/BizLIVE.vn

 

1720 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm

Theo Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cả nước có 1720 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Trong đó các tỉnh, thành phố có số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nhiều gồm Thành phố Hồ Chí Minh 241 cơ sở; tỉnh Bình Dương 178 cơ sở; thành phố Hà Nội 176 cơ sở; tỉnh Đồng Nai 106 cơ sở; tỉnh Quảng Ninh 98 cơ sở; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 89 cơ sở, tỉnh An Giang 69 cơ sở…

4 tỉnh không có cơ sở nào sử dụng năng lượng trọng điểm là Bắc Kạn, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bạc Liêu.

Ảnh minh họa: tietkiemnangluong.com.vn

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quản lý hoạt động sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cập nhập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các cơ sở có mức sử dụng năng lượng sau đây: a) Cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên.b) Các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra năm trăm tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên.

Theo Chinhphu.vn

 

Thi ảnh: “Người lao công trong mắt bạn”

Nhằm ghi nhận đóng góp của các công nhân vệ sinh môi trường và khuyến khích giới trẻ nói riêng, cộng đồng nói chung có ý thức và nhiều hành động tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường, Facebook Fanpage Thiên Nhiên chấm Nét tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề “Người lao công trong mắt bạn”.

FB_PhotoContest_Nguoilaocong

Thông tin chi tiết về cuộc thi như sau:

1. Đối tượng dự thi

Tất cả cá nhân đang sinh sống tại Việt Nam tham gia mạng xã hội Facebook và là thành viên của page Thiên Nhiên chấm Nét (đã like fanpage Thiên Nhiên chấm Nét).

2. Thời gian và cách thức tham gia

– Gửi ảnh (từ 28/8 – 28/09/2014): Thí sinh gửi 01 ảnh duy nhất kèm theo Chú thích/lời bình cho bức ảnh và Thông tin cá nhân (gồm Họ Tên, Số điện thoại, Địa chỉ liên hệ, Link facebook) về địa chỉ email [email protected] hoặc gửi qua inbox Fanpage Thiên Nhiên chấm Nét.

– Bình chọn (từ 29/9 – 15/10/2014): Kết thúc thời gian nhận ảnh, Ban Tổ chức sẽ công khai những tác phẩm hợp lệ trên fanpage Thiên Nhiên chấm Nét và gửi link ảnh dự thi cho từng thí sinh qua email/facebook để các thí sinh kêu gọi bình chọn cho các bức ảnh của mình.

– Công bố kết quả (18/10/2014): Ban Tổ chức sẽ tiến hành chấm, tổng kết điểm và công bố kết quả vào ngày 18/10/2014 trên fanpage Thiên Nhiên chấm Nét.

3. Yêu cầu đối với ảnh dự thi

– Ảnh dự thi thuộc bản quyền cá nhân và chưa từng được trao giải trong bất kỳ cuộc thi ảnh nào.

– Ảnh dự thi phải liên quan tới các chủ đề: người lao công, công nhân vệ sinh môi trường.

– Ảnh có định dạng .JPG, .JPEG hoặc .PJPEG với dung lượng tối thiểu 1MB được chụp trong khoảng thời gian từ năm 2013 – 2014.

– Ban Tổ chức chấp nhận cả những ảnh có qua chỉnh sửa một cách sáng tạo nhằm mang tới nhiều thông điệp hơn. Trong trường hợp này, thí sinh phải gửi cả ảnh gốc và ảnh chỉnh sửa cho Ban Tổ chức.

4. Cách thức tính điểm

Tổng điểm ảnh dự thi = Điểm bình chọn + Điểm Ban giám khảo

Trong đó: 

Điểm bình chọn = Tổng điểm likes + Tổng điểm shares + Tổng điểm comments

  • Điểm likes: 1 like = 1 điểm. Like hợp lệ là khi người like ảnh đồng thời cũng like page Thiên Nhiên chấm Nét, những người like ảnh không like page sẽ không được tính điểm.
  • Điểm shares: 1 share = 1 điểm. Nhiều share trên cùng một page, wall chỉ được tính là 1 điểm.
  • Điểm comments: 1 comment = 1 điểm. Comment hợp lệ phải có 2 từ trở lên. Comment của người dự thi không được tính điểm.

Điểm Ban giám khảo: 30 ảnh dự thi có điểm bình chọn cao nhất sẽ được lọt vào vòng chấm giải của Ban Giám khảo. Ban Giám khảo sẽ chấm theo thang điểm 100. Ban Giám khảo cũng trao một giải may mắn cho một bức ảnh ấn tượng nhất. Bức ảnh này được lựa chọn trong tất cả các ảnh dự thi hợp lệ, không bắt buộc nằm trong top 30.

5. Cơ cấu giải thưởng

01 giải nhất: Ống kính Zoom xa 8x đa năng cho mọi điện thoại Lens smartphone

02 giải nhì: Ống kính Zoom xa 5x cố định cho smartphone và tablet

03 giải ba: Ống kính mắt cá Fisheye Lens cho mọi Smartphone 180 độ

01 giải may mắn: Cốc đổi màu theo cảm biến nhiệt độ nước nóng hoặc lạnh.

6. Trao giải

– Giải thưởng sẽ được trao cho những người thắng cuộc trong vòng 30 ngày kể từ ngày BTC công bố danh sách thí sinh đạt giải – trao trực tiếp tại Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Số 24H2, Khu đô thị mới Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) hoặc qua đường bưu điện.

– Khi nhận giải, người thắng cuộc phải cung cấp CMND hoặc giấy tờ tùy thân tương đương khác (bản cứng hoặc mềm dạng ảnh chụp/scan) để BTC đối chiếu.

– Nếu quá 02 tuần kể từ thời điểm công bố kết quả mà BTC không thể liên lạc với người thắng cuộc thì xem như người thắng cuộc đã từ chối nhận giải và do đó, người thắng cuộc không được quyền khiếu kiện, khiếu nại hoặc đòi bồi thường từ BTC. BTC có toàn quyền xử lý giải thưởng theo quy định của pháp luật.

– BTC được toàn quyền sử dụng ảnh dự thi với mục đích phi lợi nhuận nhằm quảng bá, truyền thông cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường (có đề bản quyền tác giả).

Theo thiennhien.net