Calculator 2050 – sẽ có phiên bản Việt Nam

Dự kiến đến tháng 12/2014, phiên bản Calculator 2050 của Việt Nam sẽ hoàn thành và được công bố vào đầu năm 2015 tới.

Đây là thông tin được ông Hoàng Văn Tâm, Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương đưa ra tại hội thảo tham vấn các bên về thông tin và dữ liệu đầu vào cho Calculator 2050 của Việt Nam, sáng nay (30/10), tại Hà Nội.

Calculator 2050 là một mô hình mở về năng lượng và phát thải khí nhà kính được sử dụng để giả định các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai cũng như hỗ trợ xác định các nỗ lực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí. Công cụ này được Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Vương quốc Anh xây dựng và đã được nhiều quốc gia phát triển riêng một phiên bản cho mình dựa trên phiên bản gốc. Calculator 2050 cho phép chỉ với kết nối internet, bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu làm thế nào để Việt Nam vừa có thể theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh vừa hạn chế được phát thải và đảm bảo được nhu cầu năng lượng cho phát triển. Từ đó, mở ra kịch bản về tương lai phát triển ít phát thải và lợi ích mà nó đem đến, các chi phí và khả năng trao đổi, mua bán phát thải. Công cụ này cũng cho phép người sử dụng kiểm chứng về khả năng thực hiện các mục tiêu lâu dài, khuyến khích sự tham gia của các luồng ý kiến khác nhau, các cơ sở thực tiễn và phân tích khoa học. Bộ Công Thương Việt Nam đang tiến hành xây dựng một phiên bản riêng cho Việt Nam.

311010_calculatorViệt Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, giảm 8-10% cường độ phát thải khí nhà kính so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP là 1-1,5% mỗi năm. Chiến lược tăng trưởng xanh cũng đặt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động năng lượng từ 10-20% so với phương án phát triển bình thường.

Để đạt được mục tiêu này, nhiều chuyên gia nhận định, áp dụng Calculator 2050 là một trong những biện pháp hiệu quả. Ông Andrew Holt – Giám đốc Quỹ thịnh vượng chung Vương quốc Anh cho biết: Thế giới đang ngày càng chứng kiến nhiều thảm họa từ thiên nhiên, đồng thời cũng phải dành nguồn tài chính khổng lồ để giải quyết các hậu quả từ những thảm họa đó. Việc sử dụng một công cụ hữu ích như Calculator 2050 là một cách làm hiệu quả để con người có thể lường trước và tránh những gì do thiên tai đem đến. Chính phủ Anh cam kết sẽ nỗ lực để giúp Việt Nam hiện thực hóa và cụ thể hóa công cụ này.

Ông Phạm Quốc Khánh, chuyên gia trong nước xây dựng phiên bản Calculator 2050 của Việt Nam cho biết: Việt Nam xây dựng công cụ này dựa trên những tuân thủ fomat của Vương quốc Anh. Sử dụng một mô hình này có thể đưa ra nhiều câu trả lời như: Có thể cung cấp bao nhiêu năng lượng từ các công nghệ khác nhau? Chi phí cho từng sự lựa chọn hay kịch bản là bao nhiêu? Ngành nào là ngành đang cần được chú ý nhiều hơn và ngành nào không cần chú ý nhiều lắm từ góc độ năng lượng và phát thải? có thể đạt được mức giảm phát thải là bao nhiêu?…

Mặc dù thời hạn dự kiến hoàn thành công cụ này không còn nhiều, song nhóm chuyên gia xây dựng phiên bản Calculator 2050 cho Việt Nam vẫn mong muốn nhận được sự góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước để các dữ liệu này thể hiện được một bức tranh mang tính thực tế, với tất cả các khả năng khác nhau có thể xảy ra trong 36 năm tới.

Nếu Calculator 2050 cho Việt Nam hoàn thành đúng mục tiêu đề ra thì đây tiếp tục là giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu mà Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đang nỗ lực ứng phó.

Hiện, Bộ Công Thương đang triển khai một loạt các chương trình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: Chương trình mục tiêu quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2055”; Dự án “Nâng cao năng lực cho các ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”…

Theo Thanh Tâm/Báo Công Thương