Vòng đàm phán mới về biến đổi khí hậu rơi vào bế tắc

Vòng đàm phán thứ hai về biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc tổ chức trong năm nay đã kết thúc ngày 15/6 nhưng chưa khai thông được bế tắc xoay quanh Cơ chế phát triển sạch (CDM), yếu tố chính trong thỏa thuận mới phải được thông qua vào năm 2015 để có hiệu lực vào năm 2020, thời điểm Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực gia hạn.

Các nước giàu, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ thiết lập CDM dựa trên cơ sở thị trường để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính càng rẻ càng tốt.

Các nước nghèo hơn tỏ ra thận trọng với vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn đầu tư cho CDM đã rơi vào tay các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Trung Quốc.

Các nước đang phát triển yêu cầu phân tích toàn diện và cân bằng những khái niệm trong thỏa thuận mới như “giảm thiểu (nói cách khác là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính), thích nghi, tài trợ, chuyển giao công nghệ, xây dựng khả năng” và sự minh bạch về các nguồn hỗ trợ, cũng như khái niệm “đóng góp”.

170613_bdkh-500x333

Ảnh minh họa: greenprophet.com

Trong khi đó, các nước phát triển tập trung quá nhiều vào vấn đề giảm thiểu, đồng thời phớt lờ cam kết hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển. Tiến bộ duy nhất đạt được là nhiều nước đã nhất trí thỏa thuận mới phải bao gồm tất cả yếu tố chính.

Về vấn đề tăng cường nỗ lực chống biến đổi khí hậu trước năm 2020, các nước đang phát triển cho rằng các mục tiêu cắt giảm khí thải do các nước phát triển đề ra là quá thấp so với khả năng của những nước này, vì thế cần được tăng lên mức cao hơn.

Các nước phát triển cũng nên đưa ra lộ trình chi tiết đối với những cam kết hỗ trợ tài chính. Lập trường này đã không nhận được phản ứng tích cực từ phía các nước phát triển.

Một số nước giàu đòi gắn mục tiêu cắt giảm khí thải của họ với hành động tương tự của những nước khác, thậm chí cả những nước đang phát triển.

Khai mạc ngày 4/6 ở thành phố Bonn của Đức, vòng đàm phán mới về biến đổi khí hậu thu hút sự tham gia của 1.900 đại biểu đến từ 182 nước trên thế giới, tập trung vào nhiều vấn đề, bao gồm các yếu tố chính trong thỏa thuận mới.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng Mười tới, cũng ở Bonn, sau Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon triệu tập, dự kiến vào tháng 9/2014.
Theo TTXVN, 16/06/2014