Dự báo xuất khẩu cá tra năm 2014 đạt khoảng 1,6 tỷ USD

Sáng 9/6, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hiệp hội Cá tra Việt Nam và UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị về sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014.

ve-sinh-an-toan-thuc-pham-ca-tra_(15-12-2011-236)

 Chế biến cá tra xuất khẩu (Ảnh từ vasep.com.vn)

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2014 toàn vùng ĐBSCL thả nuôi hơn 2.954 ha cá tra (giảm 19% so cùng kỳ); trong đó 1.487 ha đã thu hoạch với sản lượng 335.023 tấn, giảm gần 20% về sản lượng so cùng kỳ. Tính đến hết tháng 4/2014, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đạt hơn 546 triệu USD, tăng 2% so cùng kỳ. Điểm nổi bật là xuất sang các thị trường như: Brazil tăng 36,7%, Mexico tăng 13%, các nước ASEAN tăng 11%, thị trường Trung Quốc tăng 25%… Tuy nhiên, 2 thị trường lớn là EU và Hoa Kỳ lần lượt giảm 10% và 8,7% so cùng kỳ.

Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu đang sụt giảm mạnh xuống mức 22.000-23.000 đồng/kg do ảnh hưởng thị trường xuất khẩu khó khăn. Đây là mức giá mà người nuôi cá từ hòa đến lỗ vốn. Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, cá tra nước ta không chỉ bị Hoa Kỳ tăng thuế, mà nhiều nước khác còn dựng lên các rào cản thương mại để gây khó; song song đó tính cạnh tranh của sản phẩm thay thế như cá tuyết, cá rô phi… ngày càng gay gắt sẽ làm giảm thị phần tiêu thụ đối với cá tra.

Từ những trở ngại trên, nhiều khả năng năm 2014 xuất khẩu cá tra của Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 5% so năm 2013./.

Theo SGGP

Nhiệt độ Trái Đất sẽ lạnh hơn?

 global_cooling

Ảnh từ website blogs.nature.com

Cho tới nay, ngày càng nhiều nhà khoa học ủng hộ thuyết Trái Đất sẽ ấm dần lên do tác động từ biến đổi khí hậu, khiến mực nước biển tăng vọt vì băng tan ở Bắc Băng Dương.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Bỉ, trong 30 năm tới, nhiều quốc gia ven biển có thể bị chìm dưới nước khi mực nước biển tăng cao liên quan đến sự tan băng từ các đầu cực Trái Đất.

Tuy nhiên, các nhà khoa học Nga và Nhật Bản lại cho rằng quá trình ấm lên sẽ rất ngắn ngủi và trong tương lai, con người sẽ phải chịu đựng khí hậu lạnh dần.

Trưởng phòng thí nghiệm khoa học địa chất môi trường của Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO) Natalia Ryazanova khẳng định thời điểm chuyển tiếp không phải là khí hậu ấm lên mà sẽ là lạnh đi trên toàn cầu.

Diện tích các đại dương thế giới sẽ tăng lên làm cho hơi nước cũng tăng theo, vì thế tại một số khu vực, mây cũng gia tăng che mất Mặt Trời. Sau một thời gian ngắn khí hậu nóng lên, hiện tượng này sẽ khiến Trái Đất bắt đầu lạnh hơn.

Hiện giới khoa học đang tranh luận với nhau rằng hiện tượng này sẽ xảy ra nhanh hay chậm. Các nhà khoa học Nga đã đưa ra bằng chứng về phát hiện khảo cổ học mới đây tại nước này “voi Mamút đông lạnh với cỏ xanh còn dính trên răng,” chứng tỏ hiện tượng khí hậu trở lạnh lần cuối cùng trên Trái Đất xảy ra rất đột ngột.

Liên quan đến điều này, các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu cơ chế đặc biệt giúp loài chuột chịu đựng được giá lạnh.

Thực tế, động vật gặm nhấm có thể dễ dàng chịu được giá rét dưới -50 độ C. Phó Giám đốc Viện Sinh thái và Tiến hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Alexei Surkov cho biết khi thời tiết giá lạnh, chuột sẽ rơi vào đợt ngủ đông ngắn hạn.

Khi ngủ, nhiệt độ cơ thể của chuột giảm xuống gần như còn một nửa, trong khi đối với người, thân nhiệt chỉ giảm khoảng 5 độ C là rất đáng kể.

Theo ông Alexei Surkov, có một chất đặc biệt giúp chuột sống qua giá lạnh. Có những enzyme được con vật sinh ra khi nhiệt độ giảm và các enzyme này cho phép chuột đồng thích ứng với giá lạnh.

Hiện các nhà khoa học đang tìm kiếm các gene sinh ra enzyme và cơ chế kích hoạt quá trình này. Trong tương lai, điều đó sẽ giúp tạo ra một loại chất gây mê an toàn có thể bảo vệ con người trước thời tiết lạnh khắc nghiệt./.

Theo vietnamnet.vn

Biến đổi khí hậu qua ảnh

dsq

 Đông đảo báo giới và các nhiếp ảnh gia tham dự lễ phát động cuộc thi Giải thưởng tài năng 2014 với chủ đề “Biến đổi khí hậu qua ảnh”

Ngày 6/6 tại Đại sứ quán Đan Mạch, lễ phát động cuộc thi Giải thưởng tài năng 2014 với chủ đề “Biến đổi khí hậu qua ảnh” đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo báo giới và các nhiếp ảnh gia. Ngài Đại sứ Đan Mạch John Nielsen đã chủ trì buổi phát động cùng Maika Elan, nghệ sĩ nghiếp ảnh tự do, một trong 3 vị giám khảo sẽ chấm ảnh dự thi.

Ngài Đại sứ John Nielsen khẳng định, “Nghệ thuật nói chung đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Và nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật được nhiều người vận dụng bao gồm cả các bạn trẻ sử dụng điện thoại thông minh. Nhiếp ảnh thú vị bởi vì nó nắm bắt ngay lập tức và phản ánh những khoảnh khắc và góc nhìn về sự phát triển của xã hội”.

Và đó là lý do để ĐSQ Đan Mạch chính thức phối hợp với Ashui, Báo Thể thao và Văn hoá tổ chức cuộc thi Tài năng ảnh 2014 với chủ đề về biến đổi khí hậu. “Trong một thế giới đang phát triển nhanh chóng, chúng ta thường xuyên phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu và những vấn nạn môi trường. Mục đích của cuộc thi là nhằm khám phá những vấn đề và hậu quả môi trường này được nhận thức và thể hiện qua nhiếp ảnh ra sao”, Ngài John Nielsen cho biết.

Ông cũng hi vọng rằng, cuộc thi sẽ góp phần củng cố sự thật rằng, việc ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở nên ngày càng quan trọng và rằng, mỗi chúng ta đều có thể đem lại sự khác biệt.

Mỗi người dự thi được phép gửi tối đa 5 tác phẩm ở 2 dạng ảnh đơn và chùm ảnh. Giải chấp nhận các bức ảnh màu, đen trắng tuỳ theo ý tưởng của tác giả. Riêng đối với chùm ảnh, BGK chỉ chấp nhận chùm ảnh không quá 5 ảnh.

Về độ tuổi dự thi, Ngài John Nielsen cho biết, giới hạn từ 18-35 tuổi là vừa đủ cho những thí sinh còn trẻ tuổi. Ngoài ra, ở độ tuổi này, các tác giả cũng đã có thể chịu trách nhiệm pháp lý về bản quyền ảnh của mình.

Giải thưởng cụ thể gồm:– Giải thưởng lớn trị giá 2500 USD trong đó bao gồm 1500 USD tiền mặt và 1000 USD sẽ được trao dưới dạng hỗ trợ kinh phí cho người thắng cuộc tham giá một khoá học, hội thảo, đi nhiệm trú, triển lã về ảnh (tuỳ chọn).- Giải smartphone dành cho tác phẩm đẹp nhất được chụp từ điện thoại thông minh trị giá 6 triệu đồng tiền mặt- Giải khán giả bình chọn dành cho bức ảnh có số đông người bình chọn nhất trị giá 6 triệu đồng tiền mặt

BGK sẽ bao gồm 2 nhiếp ảnh gia Việt Nam (Maika Elan và Hoài Linh). 1 nhiếp ảnh gia người Đan Mạch là Michael Daugaard.

Để dự thi ảnh, bạn có thể truy cập vào website: http://www.tainangnhiepanh.com

Hoặc truy cập vào Facebook của chương trình: https://facebook.com/tainangnhiepanh

Bạn có thể tham khảo toàn bộ tài liệu, tải hồ sơ dự thi, kêu gọi bình chọn tại 2 địa chỉ trên.

Theo thethaovanhoa.vn

Lộ trình gắn trách nhiệm doanh nghiệp với vòng đời sản phẩm

 Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam.
Theo Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1kg rác thải điện tử. Với 90 triệu dân, tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm.

Trong khi đó, nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, rác thải điện tử có nguy cơ “hủy diệt” môi trường (không khí, đất, nước) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Cơ chế tác động của rác thải điện tử đến ô nhiễm môi trường chủ yếu do các thiết bị điện, điện tử cũ được tháo dỡ với công nghệ và thiết bị cũ, lạc hậu, thủ công, liên quan đến nhiều người lao động và chỉ tái chế các vật liệu thông thường. Việc thải bỏ chủ yếu qua phương thức bán, cho người sử dụng tiếp theo hoặc bán cho người thu gom, cửa hàng dịch vụ; giữ lại nhà hoặc vứt bỏ với rác thải sinh hoạt… Sự thiếu hụt các công nghệ tháo dỡ, tái chế, thải bỏ trong xử lý đã dẫn tới việc không kiểm soát được các thành phần không tái chế, đồng thời thiếu hụt những giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp là nguyên nhân chính gây ra tác động có hại của chất thải điện, điện tử đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đứng trước mối lo ngại về môi trường và để ngành công nghiệp điện tử phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ.

Quyết định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định cũng ban hành kèm theo danh mục sản phẩm thải bỏ, thời điểm thu hồi, xử lý. Quyết định nêu rõ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Điểm thu hồi là nơi tiếp nhận sản phẩm thải bỏ phù hợp quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có nghĩa là phải đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, chẳng hạn như tại điểm thu hồi thì sản phẩm thải bỏ được lưu giữ trong thùng kín, không rò rỉ, rơi vãi, phát tán ra môi trường. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, đây là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc sản xuất, lưu thông, xử lý các sản phẩm thải bỏ. Quyết định này đã gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm bị thải bỏ và được xử lý đảm bảo môi trường. Việc quy định trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Để đảm bảo tính khả thi, Quyết định đưa ra lộ trình thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ thời gian cần thiết chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực thực hiện việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, từ ngày 1/1/2016, tổ chức thu hồi và xử lý máy sao chụp giấy (photocopier), tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và săm, lốp các loại thải bỏ. Tiếp đến, các loại phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, xe ôtô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1/1/2018.

Theo các chuyên gia, quyết định này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cụ thể, không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định hiện hành về quản lý chất thải. Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm và người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp đạt hiệu quả trong vấn đề xử lý sản phẩm thải bỏ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.

Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 quy định thời điểm các sản phẩm thải bỏ phải thu hồi:

Từ ngày 1/1/2015: Bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính, màn hình máy vi tính, cục CPU, máy in, máy fax, máy scan, máy chụp ảnh, máy quay phim, điện thoại di dộng, máy tính bảng, hóa chất sử dụng trong công – nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người.

Từ 1/1/2016: Máy Photocopy, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ, săm lốp ôtô các loại.

Từ ngày 1/1/2018: Xe gắn máy, xe ôtô các loại.

Theo VEN

Mức tiêu thụ gia tăng đang làm cạn kiện tài nguyên thiên nhiên

Báo cáo công bố ngày 7/6 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, kể từ năm 2000, giá các kim loại đã tăng 176%, giá cao su tăng 350% và giá năng lượng tăng 260%.

Xu hướng này báo hiệu mức độ tiêu thụ gia tăng đang làm cạn kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo của thế giới.

Ông Achim Steiner, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc điều hành UNEP, nhấn mạnh việc gia tăng mức độ sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, và nguyên nhân là do sự gia tăng dân số và thu nhập.

090614_tainguyen-500x340

Theo ông Steiner, cải thiện đáng kể về năng suất là một yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, giúp đưa khoảng một tỷ người thoát khỏi đói nghèo, đồng thời có thể quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết phục vụ cho nhu cầu của 9 tỷ người vào năm 2050. Điều này đòi hỏi phải xem xét lại ngay lập tức tình hình thực tiễn hiện nay, hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới công nghệ, tài chính và xã hội.

Công nghệ tiên tiến có thể giúp giảm 40% mức sử dụng năng lượng trong các hoạt động chế tạo, luyện kim đối với các kim loại như kẽm, thiếc, đồng. Nhu cầu năng lượng có thể giảm 50-80% thông qua việc cải thiện hiệu quả các hệ thống sản xuất và tiện ích. Các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp, khách sạn, công nghiệp và giao thông vận tải có thể tiết kiệm năng lượng và nước tới 60-80% nếu có khả năng thương mại hợp lý. Những chính sách thay đổi như vậy có thể mang lại sự ổn định và lợi ích kinh tế lâu dài. Bằng cách áp dụng các công nghệ mới ít tiêu thụ tài nguyên, các nước đang phát triển có thể làm giảm mức tăng nhu cầu năng lượng hàng năm từ 3,4% xuống 1,4% trong 12 năm tới, trong khi vẫn đạt được mục tiêu phát triển.

Báo cáo của UNEP được xây dựng dựa trên một nghiên cứu trước đó, trong đó cảnh báo rằng mô hình tiêu thụ của các quốc gia phát triển cùng với việc gia tăng dân số và thu nhập sẽ đưa mức tiêu thụ trung bình mỗi năm của nhân loại lên đến 140 tỷ tấn khoáng sản, quặng, nhiên liệu hóa thạch và sinh khối vào năm 2050, trừ phi tăng trưởng kinh tế không kéo theo sự gia tăng nhu cầu. Con số trên gấp ba lần so với mức tiêu thụ hồi năm 2000 và nhiều khả năng vượt quá tất cả các nguồn lực sẵn có hiện tại cùng với các giới hạn của hành tinh này để hấp thụ các tác động của việc khai thác và sử dụng.

Theo TTXVN

Tín hiệu tốt cho ngành xi măng

ximang

Để thúc đẩy ngành xi măng phát triển, cần tập trung vào các dự án xi măng chất lượng cao

Thị trường xi măng đang có nhiều tín hiệu tích cực khi kết quả sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm khả quan hơn so với cùng kỳ. Đó là động lực lớn đối với các doanh nghiệp ngành xi măng để duy trì phát triển tại thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tiêu thụ và xuất khẩu xi măng đều tăng

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, thị trường xi măng 2 tháng trở lại đây đã tăng trở lại sau một thời gian dài ảm đạm, điều này thể hiện qua con số tiêu thụ và xuất khẩu. Cụ thể, xi măng tiêu thụ tháng 5 đạt 4,87 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả 5 tháng đầu năm 2014, tiêu thụ xi măng đạt 20,42 triệu tấn, tăng 1,75 triệu tấn và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Về xuất khẩu xi măng và clinker trong tháng 5 đạt gần 2 triệu tấn. Tính cả 5 tháng, xuất khẩu xi măng và clinker đạt 6,952 triệu tấn, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam khẳng định, ngành xi măng đã lấy lại được phong độ tương đương với năm 2010. Vì tiêu thụ xi măng nội địa 5 tháng đầu năm đã là 20,42 triệu tấn, với đà này, khả năng tiêu thụ nội địa cả năm 2014 sẽ đạt tới 50 triệu tấn, bằng năm 2010 – năm cao nhất về tiêu thụ. Ông Cung phân tích, do xuất khẩu cũng rất khả quan, 5 tháng đầu năm tăng 42,5% so với cùng kỳ, như vậy khả năng xuất khẩu xi măng cả năm sẽ đạt con số 20 triệu tấn là không điều không quá khó.

Cũng trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã có kết quả tăng trưởng sản xuất, kinh doanh khá tốt. Ông Trang Thanh Ba, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh cho biết, nhu cầu thị trường gia tăng trở lại, hiện nhà máy đã chạy hết 100% công suất. Theo con số thống kê của 4 tháng đầu năm công ty đã tiêu thụ 450.000 tấn xi măng, tăng 10% so với cùng kỳ. Với nhu cầu thị trường miền Nam và phục vụ xuất khẩu, trong năm 2014 công ty sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 triệu tấn xi măng.

Một “ông lớn” khác trong ngành là Công ty Xi măng Vicem Hà Tiên 1 cũng xác nhận, thị trường tiêu thụ xi măng 5 tháng đầu năm có khá hơn so với cùng kỳ năm trước. Công ty đặt kế hoạch tiêu thụ 4,9 triệu tấn xi măng và khoảng 800.000 tấn clinker… trong năm 2014

Tập trung vào các dự án xi măng chất lượng

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện có tới 70 nhà đầu tư vào lĩnh vực xi măng, theo Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Quang Cung như vậy là quá nhiều nhà đầu tư, so với tổng công suất của cả nước (65-70 triệu tấn) gấp 5-7 lần so với các nước trong khu vực. Điển hình như Thái Lan công suất 56 triệu tấn họ chỉ có 9 nhà đầu tư…

Để giảm bớt đầu mối các nhà sản xuất xi măng, ông Trần Văn Đương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) cho biết, trên cơ sở rà soát và đánh giá thực tế vừa qua, Chính phủ đã mạnh tay loại bỏ 9 dự án không khả thi ra khỏi quy hoạch. Lý do là nhiều nhà đầu tư không có khả năng tài chính để triển khai dự án, do vốn đầu tư 1 nhà máy xi măng rất nặng, nhất là việc mua thiết bị. Trước đây, Chính phủ bảo lãnh phần vốn này nên doanh nghiệp đầu tư không có gì phức tạp. Nhưng khi Chính phủ không bảo lãnh cho phần đầu tư này nữa thì khó khăn xuất hiện với hầu hết các dự án xi măng. Một nguyên nhân khác khá quan trọng là chủ đầu tư không có năng lực tài chính nên không triển khai được, nhiều dự án cũng được đăng ký theo kiểu xí phần, cần phải được loại bỏ. Ông Đương nhấn mạnh: “Trong công tác quy hoạch, việc rà soát, điều chỉnh là việc làm thường xuyên, theo đó việc giãn, dịch tiến độ hay đưa một dự án không đáp ứng điều kiện khi triển khai ra khỏi quy hoạch hoặc bổ sung 1 dự án có tiềm năng là chuyện bình thường”.

Ông Nguyễn Quang Cung cũng cho rằng, trên thực tế ngành xi măng đã có đủ xi măng phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nên tại thời điểm này, cần tập trung nâng cao chất lượng các dự án xi măng sắp tới. Chúng ta đã xác định được một số vùng giàu về trữ lượng đá vôi như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng… Đó là những vùng có lợi thế cho sản xuất xi măng. Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Văn Đương cũng cho rằng, việc rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch ngành xi măng cần xem xét cả hai khía cạnh: Vị trí bố trí các dự án và năng lực tài chính thực sự của các chủ đầu tư.

Trên cơ sở đó, các dự án xi măng cần đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư quy mô công suất lớn hơn, số lượng dự án ít đi. Tăng hiệu quả đầu tư sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và đảm bảo tốt vấn đề môi trường. Đã đầu tư công suất lớn là đi đôi với công nghệ cao, giảm tiêu hao điện, than, giảm ô nhiễm môi trường… nâng cao năng suất lao động và sản xuất ra sản phẩm xi măng chất lượng cao./.

Ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam: Trên thực tế ngành xi măng đã có đủ xi măng phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nên tại thời điểm này, cần tập trung nâng cao chất lượng các dự án xi măng sắp tới.

Theo VEN