Thế giới đạt bước tiến lớn trong khai thác năng lượng tái sinh

Thêm 95 quốc gia đang phát triển thông qua các chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trong năm 2013. Đây được coi là một năm kỷ lục của thế giới trong nỗ lực hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng sạch với tổng cộng 144 quốc gia đã ban hành các chính sách và mục tiêu trong lĩnh vực này.

Theo báo cáo toàn cầu của Mạng lưới Chính sách Năng lượng Tái tạo Thế kỷ 21 (REN21) do Liên hợp quốc bảo trợ công bố ngày 4/6, số nước tham gia vào việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái sinh đã tăng vọt so với năm 2005 chỉ có 15 quốc gia.

Tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp) này cho biết loại năng lượng Xanh đã đóng góp 19% lượng năng lượng tiêu thụ toàn cầu trong năm 2012 và con số này còn tiếp tục tăng trong năm ngoái.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, công suất của năng lượng Mặt Trời đã vượt gió, trở thành nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất.

Những tuabin gió tại vịnh Bangui, tỉnh Ilocos Norte, miền Bắc Phillipines. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cũng theo báo cáo này, trong năm 2013, Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Canada và Đức tiếp tục là những quốc gia đứng đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo, trong đó Trung Quốc đã vươn lên vị trí dẫn đầu.

Theo báo cáo, lần đầu tiên, công suất năng lượng tái tạo của Trung Quốc đã vượt công suất năng lượng hóa thạch và hạt nhân. Đây được đánh giá là bước tiến đáng kinh ngạc trong lĩnh vực này.

REN21 là một mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo toàn cầu hỗ trợ các nước chuyến hướng sang sử dụng năng lượng tái tạo. Mạng lưới này được triển khai từ tháng 6/2005 tại của Hội nghị quốc tế về các nguồn năng lượng tái tạo tổ chức tại Bonn, Đức.

Theo TTXVN

Ngày Môi trường thế giới 2014: Hãy hành động để ngăn nước biển dâng

bankimontrongrung

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon trồng cây

​Hưởng ứng Năm Quốc tế các tiểu quốc đảo đang phát triển 2014 International Year of Small Island Developing States –SIDS), chủ đề Ngày Môi trường thế giới 05/6 (tạm dịch là):“Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” (Raise your voice, not the sea level) hướng tới chủ đề rộng lớn là biến đổi khí hậu và tác động của nó.

​Thông qua đó hướng tới mục tiêu hỗ trợ cho chủ đề Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về tiểu đảo diễn ra vào tháng 9 tới và sự cấp bách phải bảo vệ các hải đảo khi phải đối mặt với các rủi ro ngày càng tăng, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.

Quốc đảo là nơi lưu giữ các nền văn hóa và các di sản độc đáo và đang dạng cũng như là nơi có hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Tuy nhiên, các quốc đảo đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, tiêu thụ không bền vững, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, thiên tai khắc nghiệt, là nạn nhân của sự gia tăng ô nhiễm và công nhgiệp hóa trên toàn cầu.

Trong đó, biến đổi khí hậu là thách thức hàng đầu, mặc dù các quốc đảo nhỏ chỉ phát thải CO2 hằng năm ít hơn 1% lượng phát thải trên toàn thế giới nhưng họ lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biên dâng. Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC, năm 2007) đã ước tính rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến mực nước biển dâng lên từ 180 – 590 mm vào năm 2100. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy những ước tính trên có khả năng tăng lên ít nhất hai lần.

Tính dễ bị tổn thương do sự biến đổi khí hậu, hạn chế về khả năng phục hồi sau thiên tai và sự đe dọa của đa dạng sinh học độc đáo trên các đảo. Trong 400 năm qua, đã có 724 loài động vật bị tuyệt chủng, khoảng một nửa trong số đó là các loài ở hải đảo, và có ít nhất 90% số loài chim đã tuyệt chủng trong cùng thời gian ở các đảo trên.

Cộng đồng ven biển ở mọi quốc gia sẽ bị đe dọa do lũ lụt và triều cường, trong đó các hải đảo nhỏ là những nơi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều quốc đảo với dân cư và các nền văn hóa sẽ bị nước biển nhấn chìm.

Tại Lễ khai mạc Năm Quốc tế các tiểu quốc đảo đang phát triển 2014, Tổng Thư ký LHQ Ban-Ki-moon kêu gọi : “Trái Đất chính là hòn đảo chung của tất cả chúng ta, vì vậy hãy cùng nhau bảo vệ trái đất”.

Theo nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), việc chuyển đổi này sẽ tạo cơ hội cho các tiểu quốc đảo quản lý vốn tự nhiên tốt hơn, bảo vệ môi trường, tạo ra các việc làm xanh để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Theo nguồn UNEP

Tương lai của công nghệ năng lượng mặt trời

pp
Một mảnh quặng Perovskite
Mới đây các nhà khoa học đã tiến thêm một bước mới trong công nghệ phát triển pin năng lượng mặt trời bằng một loại vật liệu có tên Perovskite.

Perovskite là một loại vật liệu tiềm năng trong công nghệ năng lượng được dùng để sản xuất pin mặt trời. Công nghệ mới này sẽ có chi phí thấp hơn nhiều so với các tấm pin bằng silicon truyền thống và đặc biệt là thân thiện với môi trường khi không chứa chất độc hại.

Bước tiếp mới này có thể là sự đột phá trong ngành công nghiệp năng lượng khi các tấm pin sử dụng perovskite đang được kỳ vọng sẽ đạt hiệu suất chuyển hóa năng lượng lên đến 15% và các nhà khoa học cho rằng  hiệu suất này có thể đạt được cao hơn thế nếu có thời gian nghiên cứu thêm.

Các nhà khoa học tại Đại học Northwestern, Mỹ là những người đầu tiên phát triển loại pin mặt trời sử dụng Perovskite để hấp thụ ánh sáng. Chi phí để sản xuất rất thấp chỉ khoảng 1/6 so với loại pin truyền thống sử dụng silicon. Ngoài ra perovskite còn là một loại nguyên vật liệu rất mỏng, nhẹ và rất thân thiện với môi trường khi không có chất độc hại.

“Đây là một bước đột phá trong việc sử dụng năng lượng trong tương lai, bằng các dùng các tấm pin mặt trời sử dụng vật liệu perovskite, một vât liệu vô cùng hiệu quả” Mercouri G. Kanatzidis, một chuyên gia hóa học vô cơ cho biết.

Lớp perovskite được kẹp giữa hai lớp vận chuyển tĩnh điện và hoạt động khi lớp nguyên liệu này hấp thụ ánh sáng mặt trời lúc được đặt ra bên ngoài, một giáo sư về khoa học kỹ thuật vật liệu cho biết thêm.

Ở trạng thái rắn, các miếng perovskite có hiệu quả khoảng 6%, đó là một khởi đầu tương đối tốt. Có hai điều làm loại vật liệu này trở nên đặc biệt; nó có thể hấp thụ hầu hết các quang phổ ánh sáng và các quặng perovskite dễ dàng được tinh chế bởi các phản ứng hóa học đơn giản.

Không có lý do gì vật liệu mới này không thể đạt hiệu quả cao hơn 15%. Những tấm pin dùng perovskite làm chất dẫn còn có thể làm được hơn thế. Điều này là có cơ sở vì thiếc và chì nằm trong cùng một nhóm trong bảng tuần hoàn mà các nhà kha học hy vọng một kết quả tương tự như các tấm pin sử dụng axit pha chì.

Các tấm pin năng lượng mặt trời perovskite chỉ được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm kể từ năm 2008. Trong năm 2012, hai nhà khoa học Kanatzidis và Chang đã báo cáo các kết quả nghiên cứu với những hứa hẹn hiệu quả sử dụng, an toàn với môi trường và chi phí sản xuất thấp đối với loại vật liệu này.

“Năng lượng mặt trời là có sẵn và là nguồn năng lượng duy nhất có thể bền vững mãi mãi. Nếu chúng ta biết làm thế nào để tăng cường sử dụng nguồn năng lượng này một cách hiệu quả chúng ta có thể nâng cao mức sống và giúp bảo vệ môi trường”, Kanatzidis nói.

Các tấm pin được sản xuất gồm năm lớp. Lớp đầu tiên được làm bằng thủy tinh tích điện cho phép ánh sáng mặt trời có thể chiếu được vào các tế bào năng lượng bên trong. Tiếp theo là một lớp Titanium dioxide được lắng đọng trên tấm kính như một cầu nối phía trước nhằm liên kết với các tế bào năng lượng mặt trời.

Vật liệu perovskite chính là lớp lõi của tấm pin và là nơi hấp thụ ánh sáng để chuyển hóa thành điện năng. Lớp perovskite được bao bọc trong một phủ hóa học tránh quá trình oxy hóa làm hỏng lõi pin và một lớp bao phủ lõi được thiết kế để đóng mạch điện tạo thành một tế bào quang điện hoàn chỉnh có thể đưa ra không khí. Điều này yêu cầu Kanatzidis và các đồng nghiệp của mình phải tìm ra các hóa chất cầ thiết để không làm phá hủy cấu trúc của perovskite.

Cuối cùng là một lớp điện trở bên ngoài tạo thành một tấm pin hoàn chỉnh. Toàn bộ năm lớp có độ dày khoảng 1-2 micron. Mỏng hơn rất nhiều so với pin silicon. Các nhà nghiên cứu sau đó kiểm tra các thiết bị bằng ánh sáng mặt trời và ghi lại một hiệu suất chuyển đổi năng lượng trong thời gian thử nghiệm là 5,73%.

Quặng perovskite có chứa một lượng nhỏ kim loại nặng và độc hại là chì chính vì vậy việc đảm bảo cho môi trường xung quanh được ai toàn khi khai thác là một vấn đề cần phải giải quyết.

Mặc dù cần phải trải qua một thời gian nữa để nghiên cứu và phát triển, nhưng với các ưu điểm về đặc tính, perovskite sẽ là tiềm năng cho ngành công nghiệp năng lượng sạch và rẻ trong tương lai không xa.

Nguồn: vietq.vn

Gameshow đầu tiên và duy nhất trên truyền hình về chủ đề môi trường

Theo nhận định của các chuyên gia, mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường hàng trăm triệu tấn rác thải, tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% trong số đó được tái chế. Vì thế, chỉ cần con số này tăng thêm 1%, có nghĩa là hàng triệu tấn rác thải sẽ được tái sử dụng, góp phần đẩy lùi ô nhiễm trong tương lai.

Đó là một trong những nội dung chính vừa được đưa ra tại chương trình họp báo ra mắt chương trình truyền hình thực tế (gameshow) “Sống xanh-Ai là chuyên gia?” do Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chiều nay (2/6), tại Hà Nội.

“Sống xanh-Ai là chuyên gia” là gameshow đầu tiên và duy nhất trên truyền hình về chủ đề môi trường. Gameshow này có thời lượng 30 phút sẽ được phát sóng vào 20 giờ 30 phút thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV2, bắt đầu từ tối ngày 6/6/2014.

Gameshow “Sống xanh-Ai là chuyên gia?” được thiết kế nhằm mang đến cho khan giả truyền hình những giải pháp tái chế, tái thiết kế sáng tạo, nhằm biến những vật liệu bỏ đi thành những sản phẩm hữu ích, mà còn nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp to lớn trong công tác bảo vệ môi trường.

Sản phẩm tái chế góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh: Sống xanh/VTV)

Bà Lê Hải Anh, Phó trưởng ban Khoa giáo cho biết, gameshow “Sống xanh-Ai là chuyên gia?” lựa chọn đối tượng khán giả từ 14-35 tuổi, với tham vọng họ sẽ truyền đi cảm hứng bảo vệ môi trường sống.

Trong mỗi chương trình, gameshow này cũng sẽ tôn vinh một nhân vật “Người hùng bảo vệ môi trường”, đó là người tiên phong và có nhiều đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm.

Với tư cách là MC chương trình, nghệ sỹ ưu tú Chí Trung cho biết, “Sống xanh-Ai là chuyên gia?” là gameshow truyền hình hấp dẫn, phù hợp với đa số khán giả và mang lại nhiều thông tin về môi trường, sử dụng và tái chế có giá trị tích cực cho xã hội.

“Tham gia chương trình, được đồng hành cùng các bạn trẻ làm ra các sản phẩm tái chế, tôi như được truyền thêm lòng nhiệt huyết, sự sang tạo. Tôi cũng hy vọng chương trình này sẽ lan tỏa được thông điệp bảo vệ môi trường đến với nhiều người vì một tương lai trong lành, tốt đẹp hơn,” nghệ sỹ Chí Trung chia sẻ.

Đồng hành cùng gameshow, nhà báo Đăng Bền, Nhà sản xuất chương trình cho biết sẽ tổ chức một cuộc thi đồng hành có tên gọi “Đi tìm Nhà tái chế,” nhằm tìm kiếm những tài năng thiết kế những sản phẩm tái chế hữu ích cho cuộc sống và phổ biến trong cộng đồng.

“Đi tìm Nhà tái chế” sẽ được tổ chức lien tục trong năm trên fanpage http://facebook.com.vtv.songxanh, với nhiều phần quà và giải thưởng hấp dẫn cho “Nhà tái chế” của tuần, của tháng và của năm.

Theo Hùng Võ/VietnamPlus, 02/06/2014

Tìm kiếm sáng kiến quản lý ô nhiễm công nghiệp ở Hà Nội: Huy động sức mạnh cộng đồng

​Với mục đích tìm ra những sáng kiến, ý tưởng hay có thể áp dụng vào thực tiễn trong công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội, lần đầu tiên, cuộc thi “Sáng kiến, giải pháp quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội” năm 2014 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát động vào ngày 15-5-2014 với thông điệp “Sáng kiến hay – Bắt tay hành động – Phòng ngừa ô nhiễm”.
Thách thức lớn với môi trường Thủ đô
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081 ngày 6-7-2011, thành phố sẽ phát triển 15 khu công nghiệp, trong đó có 8 khu công nghiệp và 49 cụm công nghiệp đang hoạt động với hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Công nghiệp phát triển mạnh mẽ đã tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên, kéo theo đó là lượng lớn chất thải công nghiệp phát sinh mỗi ngày gây sức ép cho công tác quản lý. Theo thống kê, mỗi ngày có trung bình 750 tấn rác thải công nghiệp và 75.000m3 nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn thành phố và những con số này đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đứng trước những thách thức lớn đối với công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố trong việc ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2015, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan chức năng có liên quan để triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án như:
  • Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy;
  • Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
  • Dự án xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày đêm;
  • Dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức);
  • Hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn)…
Công tác đăng ký chủ nguồn thải, thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng được tăng cường.
Tìm kiếm giải pháp thiết thực
Để công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố được thực hiện hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia, chung tay đóng góp của cộng đồng là rất quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, ngày 15-5-2014, lần đầu tiên, cuộc thi “Sáng kiến, giải pháp quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội” năm 2014 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát động với thông điệp “Sáng kiến hay – Bắt tay hành động – Phòng ngừa ô nhiễm”. Mục tiêu của cuộc thi nhằm thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan thông qua triển khai các sáng kiến, hoạt động truyền thông, thay đổi hành vi về quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời huy động sự tham gia đóng góp ý tưởng, sáng kiến và sự tham gia, chung tay của cộng đồng trong quản lý ô nhiễm công nghiệp nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.Các tổ chức, cá nhân 18 tuổi trở lên (trừ thành viên ban tổ chức, hội đồng giám khảo, tổ thư ký và những bộ phận trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi) không vi phạm pháp luật đều có quyền tham gia dự thi. Những sáng kiến xuất sắc trong cuộc thi của các cá nhân, tổ chức sẽ được xem xét và hỗ trợ triển khai trong thực tế nhằm hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến, cải thiện công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội và huy động hơn nữa sự chung tay của cộng đồng trong quản lý ô nhiễm công nghiệp nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung của Thủ đô.
– Thời gian nộp bài dự thi: Từ ngày 15-5 đến hết ngày 15-8-2014.
– Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích.
– Địa chỉ nhận bài thi: “Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội – Tầng 9, Cung Trí thức – lô D25, Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội – Điện thoại: 04 37868248 – Fax: 04 37833926”

Nồng độ CO2 trong khí quyển đã vượt ngưỡng mới

Ngày 26/5, Cơ quan khí tượng học thế giới (WMO) thông báo nồng độ khí đi-ô-xít các-bon (CO2) trong khí quyển đã vượt ngưỡng mới, cho thấy tính cấp bách của các nỗ lực hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên.
WMO cho biết trong tháng Tư vừa qua, nồng độ khí CO2 trung bình trong khi quyển lần đầu tiên đã vượt mức 400 phần triệu ở bán cầu Bắc, khu vực ô nhiễm hơn bán cầu Nam. Hiện tượng này từng xảy ra ở bán cầu Bắc vào mùa Xuân nhưng đây là lần đầu tiên hàm lượng CO2 trung bình của tháng vượt ngưỡng này.

WMO cho biết thêm nồng độ CO2 trung bình trên toàn cầu sẽ vượt ngưỡng 400 phần triệu vào năm 2015 hoặc 2016, so với 393,1 phần triệu trong năm 2012.
Theo người đứng đầu WMO Michel Jarraud (Mi-sen Gia-rốt), cần phải coi thay đổi trên là hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng khí thải gây biến đổi khí hậu. Ông đồng thời cảnh báo thế giới không còn nhiều thời gian để ngăn chặn chiều hướng này gia tăng.
Nồng độ CO2 trong khi quyển thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp là 278 phần triệu và tăng trung bình 2 phần triệu mỗi năm trong thập kỷ qua.

Tin môi trường, vea.gov.vn