Xây dựng tư duy hệ thống trong phát triển đô thị tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu và nhiều quốc gia đang chú trọng áp dụng mô hình này vào thực tiễn.

Tuy nhiên, sự phát triển đó chỉ có thể bền vững nếu giải quyết được những thách thức của các đô thị. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường…

Để duy trì hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc xây dựng tư duy hệ thống trong phát triển đô thị tăng trưởng xanh là một trong những trọng tâm cần quan tâm đặc biệt.

Xu hướng toàn cầu

Theo tiến sỹ Nguyễn Quang – Trưởng đại diện UN-Habitat tại Việt Nam, tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng giúp biến những hạn chế về nguồn lực và ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên thành những cơ hội kinh tế giúp nâng cao tăng trưởng, giảm tác động xấu tới môi trường thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tăng đầu tư vào vốn tự nhiên.

Tăng trưởng xanh thúc đẩy phát triển kinh tế theo mô hình tiêu thụ, sản xuất bền vững nhằm bảo đảm nguồn vốn tự nhiên để có thể tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào cho hiện tại và cả tương lai.

Do đó, nhiều nước đã chọn Chiến lược Tăng trưởng xanh để theo đuổi và nó đã trở thành xu hướng toàn cầu – tiến sỹ Nguyễn Quang khẳng định.

Tại châu Á, từ năm 2008 Hàn Quốc là một trong những nước đi đầu trong thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh với mô hình phát triển cácbon thấp và tập trung vào giải quyết ba mấu chốt là thách thức của biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm và năng lượng.

Thực tế cho thấy, vấn đề môi trường rất cần được chú trọng chứ không nên chỉ tập trung vào tăng trưởng nhanh, nếu không cái giá phải trả còn lớn hơn cả những gì có thể đạt tới.

Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) cũng chỉ rõ, thị trường toàn cầu hóa sẽ đi theo chuỗi giá trị cung cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch, đầu tư được quy định nghiêm ngặt theo những nguyên lý bền vững. Khi ấy, tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển.

Cũng chung quan điểm này, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này.

Trên thực tế, tăng trưởng xanh và kinh tế xanh có quan hệ rất mật thiết với nhau. Kinh tế xanh được chứng minh là có hiệu quả về mặt dài hạn hơn hẳn kinh tế nâu (nền kinh tế khai thác và sử dụng nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại cho môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu và đe dọa cuộc sống con người).

Bởi vậy, nhiều quốc gia, nhất là khu vực Tây Âu và Ðông Á đã và đang đầu tư mạnh vào Chiến lược Tăng trưởng xanh. Điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh. Hiện cơ cấu của Trung Quốc là 35% và tỷ lệ này của Hàn Quốc lên đến 80%.

Tại các quốc gia này, hoạt động đầu tư được tập trung cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh…

Đặc biệt là Hàn Quốc đã có Luật khung về Tăng trưởng xanh, ít cácbon và hàng năm dành tới 2% GDP cho lĩnh vực tăng trưởng xanh – gấp đôi mức khuyến nghị của Liên hợp quốc.

Ảnh minh họa: Diễn đàn Doanh nghiệp

Ảnh minh họa: Diễn đàn Doanh Nghiệp

Giải quyết thách thức

Các chuyên gia cho rằng giải pháp thông minh để giải quyết các thách thức trong phát triển đô thị hiện nay chính là hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh bởi nó sẽ đảm bảo tính bền vững, đồng thời duy trì hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển đô thị như ùn tắc giao thông, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường…

Cùng đó, việc mở rộng đô thị nhưng lại thiếu sự kiểm soát đã khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp, cộng với những tác động của biến đổi khí hậu đã khiến bất cập tại các đô thị bị đẩy lên đến đỉnh điểm.

Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình với hệ quả nhận được là sự úng ngập trước các đợt triều cường đang làm đau đầu chính quyền đô thị. Tuy nhiên, việc giải quyết những thách thức này không thể đem lại hiệu quả ngay tức thời mà phải xác định cần một quá trình để thẩm thấu.

Bởi vậy, nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các địa phương là phải quy hoạch phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông… một cách hợp lý với ưu tiên hàng đầu là giữ lại những mảng xanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước. Ngay cả trong hoạt động sản xuất cũng phải tính đến cách giảm tối đa việc sử dụng nhiên liệu để tránh ô nhiễm môi trường.

Trong một diễn đàn trao đổi về tăng trưởng xanh, cố vấn cao cấp Tổng thống Hàn Quốc là giáo sư, tiến sỹ Kim Do Nyun cũng đã từng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển vùng đô thị Seoul.

Theo Tiến sỹ Kim Do Nyun, quá trình phát triển đô thị không chỉ liên quan đến gia tăng về kinh tế và dân số mà còn bao gồm cả vấn đề môi trường, xử lý rác thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Do đó, mục tiêu phát triển các đô thị hiện nay là ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, phát triển gắn với bảo vệ môi trường. Khi chuyển đổi kinh tế, phải chú trọng phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ sáng tạo.

Cần xây dựng tư duy hệ thống

Để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, tiến sỹ Trần Quốc Thái – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng cần phải xây dựng tư duy hệ thống trong phát triển đô thị tăng trưởng xanh.

Nếu đô thị bền vững là mối quan hệ tổng hòa của ba yếu tố (kinh tế, môi trường và văn hóa-xã hội) thì đô thị tăng trưởng xanh là sự tiệm cận đến phát triển bền vững. Trong đó, tăng trưởng và phát triển kinh tế gắn với môi trường như một hướng ra cho mô hình tăng trưởng của đô thị.

Thông qua các hoạt động chính sách và chương trình của đô thị sẽ giảm thiểu được tác động bất lợi, ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính cũng như việc tiêu thụ tài nguyên tự nhiên… Bởi vậy, tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn của các đô thị mà trở thành nhiệm vụ trọng tâm cần phải đạt được, tiến sỹ Trần Quốc Thái phân tích.

Với vai trò là động lực phát triển kinh tế-xã hội của mỗi vùng, mỗi quốc gia, mô hình tăng trưởng của đô thị không thể không xem xét mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường xung quanh.

Yếu tố này ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển lâu dài và thịnh vượng của chính đô thị đó, đồng thời hiệu ứng lan tỏa tích cực. Không đô thị nào có thể tồn tại chỉ dựa trên việc cho thuê, xuất khẩu tài nguyên trực tiếp hay gián tiếp và trông chờ nhận nguồn phân bổ ngân sách từ Chính phủ.

Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng về nhu cầu nhà ở, cơ sở hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống, thực hiện các trách nhiệm chung với cộng đồng và quốc tế, các đô thị Việt Nam không thể tự bằng lòng với những kết quả của sự ổn định và tăng trưởng ban đầu.

Chính vì vậy, trước xu hướng tác động của toàn cầu hóa đòi hỏi các đô thị Việt Nam phải có tầm nhìn, kế hoạch dài hạn, xây dựng cơ sở bền vững cho sự tăng trưởng dựa trên động lực mang tính cạnh tranh cũng như có hiệu suất cao.

Tiến sỹ Trần Quốc Thái cũng chỉ ra 6 yếu tố cần được quan tâm bao gồm quy hoạch, quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, động lực tăng trưởng, quy mô đô thị và khả năng tự chủ về tài chính.

Song hành cùng đó là 6 lĩnh vực hoạt động và chính sách nhằm giảm thiểu các tác động đối với môi trường như quy hoạch sử dụng đất nhằm giảm thiểu yêu cầu di chuyển qua lại trong đô thị và khuyến khích sử dụng hiệu quả các khu vực đất đã khai thác; khuyến khích giao thông công cộng tại đô thị nhất là hình thức giao thông không phát thải; xây dựng công trình sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; tiêu thụ năng lượng; tái sử dụng, tái chế rác thải; sử dụng tiết kiệm và chống thất thoát, thất thu nước sạch.

Mặc dù đô thị Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập nhưng cũng có nhiều điểm mạnh và lợi thế riêng mà đặc biệt là khả năng ứng xử linh hoạt để thích ứng với những thay đổi.

Do đó, nếu có tư duy đúng, lộ trình phù hợp và những giải pháp sáng tạo, đô thị tăng trưởng xanh được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Theo Thu Hằng/TTXVN

Tìm nguồn than cho sản xuất điện

Theo dự kiến của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), năm 2015 nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện trong nước khoảng 23 – 24 triệu tấn, tăng khoảng 6 triệu tấn so với năm 2014. Với tính toán gần nhất theo Quy hoạch điện 7 thì nhu cầu than cho điện còn cao hơn gấp đôi so với con số nêu trên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Vinacomin, do nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ nên nguồn than trong nước vẫn có thể cân đối cung ứng đủ cho năm 2015. Nhưng từ năm 2016 trở đi sẽ phải nhập khẩu khoảng vài triệu tấn và đến năm 2020 có thể lên 20 – 30 triệu tấn/năm.

 Khu vực tuyển than tại khai trường mỏ than Khánh Hòa (Thái Nguyên) thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Ảnh: Báo Tin Tức)

Khu vực tuyển than tại khai trường mỏ than Khánh Hòa (Thái Nguyên) thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Ảnh: Báo Tin Tức)

Ông Biên cho biết, nhu cầu than cho phát điện ngày càng cao. Theo Quy hoạch điện 7, chiếm tỷ trọng lớn nguồn điện của Việt Nam là nguồn nhiệt điện than. Theo dự báo, có tới 1/3 nhà máy nhiệt điện than sẽ phải dùng than nhập khẩu sau năm 2015. Với việc đầu tư các mỏ mới đòi hỏi thời gian dài và nguồn vốn lớn, chưa thể đáp ứng được nhu cầu trước mắt thì việc phải tìm nguồn cung than cho các nhà máy điện cũng cần được tính đến.

Đứng trước mối lo ngại trên, trong cuộc họp bàn về nhập khẩu than gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo, than sản xuất trong nước được ưu tiên cung ứng cho các nhà máy điện gần mỏ than và các nhà máy điện khu vực miền Bắc. Than nhập khẩu chủ yếu cung ứng cho các nhà máy điện khu vực miền Nam và miền Trung. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than sớm ký hợp đồng nguyên tắc với Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc về cung cấp than theo đúng quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối này tìm nguồn than cung cấp ổn định, với chất lượng và giá cả phù hợp.

Là đơn vị được giao chủ trì nhập khẩu than cho các nhà máy điện trong nước khi có nhu cầu, Vinacomin cũng đã chủ động đàm phán tìm kiếm hợp đồng nhập khẩu than, trong đó có các nhà kinh doanh than thương mại lớn trên thế giới, các đơn vị sản xuất than trực tiếp. Ông Nguyễn Văn Biên cho biết, với các hợp đồng đã ký, Vinacomin đã có nguồn than để đảm bảo cung cấp than theo tiến độ đã cam kết với các chủ đầu tư. Mới đây, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc với EVN để cấp than cho các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4; đồng thời đang tiếp tục đàm phán với các chủ đầu tư để cung cấp than nhập khẩu cho các nhà máy điện khác.

“Về lâu dài nhu cầu nhập khẩu than than sẽ tăng cao, nhất là những năm sau 2018 – 2020, với sản lượng nhập khẩu cao như vậy thì ngoài ký kết hợp đồng nhập khẩu với các nhà cung cấp thì cũng cần tính đến việc hợp tác khai thác than ở nước ngoài. Hiện chúng tôi đang làm việc với một số nước có nguồn tài nguyên để hợp tác khai thác, nhằm chủ động hơn về nguồn cung và duy trì được sự ổn định lâu dài cho các nhà máy điện”, ông Biên nói.

Việc hợp tác này có thể coi là một lợi thế của Vinacomin vì ngành than đã phát triển nhiều năm nay, có đội ngũ kỹ sư, công nhân khai thác mỏ giàu kinh nghiệm, sau khi thực hiện lộ trình giảm dần khai thác mỏ lộ thiên ở trong nước thì có thể đưa đội ngũ công nhân này đi hợp tác khai thác mỏ ở nước ngoài.

Để chuẩn bị cho lộ trình nhập khẩu than, Vinacomin vẫn đang thí điểm nhập than và tìm hiểu nhiều đối tác ở Indonesia, Malaysia, Nga, Ukraina… Từ năm 2011, Vinacomin đã thí điểm nhập hơn 9.500 tấn than từ Indonesia để cung cấp cho thị trường phía Nam. Theo tính toán từ Tập đoàn, giá than nhập khẩu từ Indonesia cộng với chi phí vận chuyển nếu cung ứng cho các nhà máy điện tại miền Trung và miền Nam thì sẽ kinh tế hơn so với việc khai thác và vận chuyển than từ các mỏ phía Bắc. Tháng 8 vừa qua, 41.500 tấn than Antraxit được Vinacomin nhập khẩu từ Liên bang Nga về cảng Hòn Nét (Quảng Ninh). Đây cũng là lô than đầu tiên có chất lượng cao được nhập khẩu về để cung cấp cho thị trường nội địa và các nhà máy nhiệt điện.

Bên cạnh nguồn than do Tập đoàn Than sản xuất và nhập khẩu để cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết thì EVN, PVN cũng chủ động triển khai các thủ tục để tìm kiếm nguồn hàng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của mình. Hiện EVN có 3 dự án sẽ phải dùng than nhập khẩu trong tương lai gần là dự án Duyên Hải 3 mở rộng (600MW), Vĩnh Tân 4 (1.200MW), Duyên Hải 3 (1.200MW). Với tổng công suất 3.000 MW thì nhu cầu tiêu thụ than nhập sẽ khoảng 10 triệu tấn than/năm. Trong khi đó, PVN với 5 nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch có tổng công suất 6.000MW, trong đó, 3 nhà máy sẽ dùng than nhập khẩu là Long Phú 1, Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1. Đầu tháng 10/2014, Công ty nhập khẩu và phân phối than điện lực Dầu khí (PV Power Coal) đã Ký hợp đồng khung mua bán than dài hạn với các đối tác Bukit Asam và Prima multi Minerals (Indonesia). Theo hợp đồng ký kết, PV Power Coal sẽ nhập khoảng 2 triệu tấn than/năm với đối tác Bukit ASam và 1 triệu tấn/năm với đối tác Prima multi Minerals và đảm bảo nguồn than nhập khẩu trong vòng ít nhất 10 năm.

Song song với việc tính toán cho lộ trình nhập khẩu thì Tập đoàn Vinacomin tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh nhịp độ sản xuất trong các tháng mùa khô, tăng sản lượng sản xuất, tiêu thụ, tập trung bóc đất, đào lò để đảm bảo sản lượng than năm 2014 và chuẩn bị tốt cho năm 2015. Đặc biệt, Tập đoàn chú trọng vào các dự án khai thác mỏ có công suất trên 2 triệu tấn/năm như Khe Chàm III, Núi Béo để không ngừng tăng sản lượng khai thác, tiếp đến là Khe Chàm II-IV công suất 3,5 triệu tấn/năm, dự kiến đến năm 2017 sẽ xây dựng xong. Hiện tại, Vinacomin tiếp tục duy trì công suất phát cho các nhà máy nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê, đồng thời triển khai thủ tục đảm bảo các nhà máy nhiệt điện Na Dương 2, Cẩm Phả 3 thực hiện đúng tiến độ phát điện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Hoàng Tùng/Báo Tin Tức

 

Bốn phương án đảm bảo sản lượng điện năm 2015

Trên cơ sở tính toán cân bằng cung cầu cho năm 2015 với các kịch bản tần suất nước về và phụ tải dự kiến, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) vừa xây dựng bốn phương án đảm bảo điện cho năm 2015.

6

Theo đó, có ba phương án điện thương phẩm tăng 11,5%, tần suất nước về các hồ thủy điện 65-75% và một phương án điện thương phẩm tăng 13%, tần suất nước về các hồ thủy điện 65%. A0 cho biết, các phương án đều đã tính đến trường hợp kịch bản xấu nhất (phụ tải cao, nước về thấp), sản lượng nhiệt điện dầu sẽ phải huy động ở mức cao, truyền tải trên các đường dây 500 kV luôn ở mức cao…

Theo dự báo, trong năm 2015 việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc sẽ ở mức tối thiểu; Sản lượng điện dự phòng ở miền Bắc tương đối cao; Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sẽ được huy động cao trong cả năm để đáp ứng nhu cầu phụ tải miền Nam.

Theo giaothongvantai.com.vn

Calculator 2050 – sẽ có phiên bản Việt Nam

Dự kiến đến tháng 12/2014, phiên bản Calculator 2050 của Việt Nam sẽ hoàn thành và được công bố vào đầu năm 2015 tới.

Đây là thông tin được ông Hoàng Văn Tâm, Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương đưa ra tại hội thảo tham vấn các bên về thông tin và dữ liệu đầu vào cho Calculator 2050 của Việt Nam, sáng nay (30/10), tại Hà Nội.

Calculator 2050 là một mô hình mở về năng lượng và phát thải khí nhà kính được sử dụng để giả định các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai cũng như hỗ trợ xác định các nỗ lực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí. Công cụ này được Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Vương quốc Anh xây dựng và đã được nhiều quốc gia phát triển riêng một phiên bản cho mình dựa trên phiên bản gốc. Calculator 2050 cho phép chỉ với kết nối internet, bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu làm thế nào để Việt Nam vừa có thể theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh vừa hạn chế được phát thải và đảm bảo được nhu cầu năng lượng cho phát triển. Từ đó, mở ra kịch bản về tương lai phát triển ít phát thải và lợi ích mà nó đem đến, các chi phí và khả năng trao đổi, mua bán phát thải. Công cụ này cũng cho phép người sử dụng kiểm chứng về khả năng thực hiện các mục tiêu lâu dài, khuyến khích sự tham gia của các luồng ý kiến khác nhau, các cơ sở thực tiễn và phân tích khoa học. Bộ Công Thương Việt Nam đang tiến hành xây dựng một phiên bản riêng cho Việt Nam.

311010_calculatorViệt Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, giảm 8-10% cường độ phát thải khí nhà kính so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP là 1-1,5% mỗi năm. Chiến lược tăng trưởng xanh cũng đặt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động năng lượng từ 10-20% so với phương án phát triển bình thường.

Để đạt được mục tiêu này, nhiều chuyên gia nhận định, áp dụng Calculator 2050 là một trong những biện pháp hiệu quả. Ông Andrew Holt – Giám đốc Quỹ thịnh vượng chung Vương quốc Anh cho biết: Thế giới đang ngày càng chứng kiến nhiều thảm họa từ thiên nhiên, đồng thời cũng phải dành nguồn tài chính khổng lồ để giải quyết các hậu quả từ những thảm họa đó. Việc sử dụng một công cụ hữu ích như Calculator 2050 là một cách làm hiệu quả để con người có thể lường trước và tránh những gì do thiên tai đem đến. Chính phủ Anh cam kết sẽ nỗ lực để giúp Việt Nam hiện thực hóa và cụ thể hóa công cụ này.

Ông Phạm Quốc Khánh, chuyên gia trong nước xây dựng phiên bản Calculator 2050 của Việt Nam cho biết: Việt Nam xây dựng công cụ này dựa trên những tuân thủ fomat của Vương quốc Anh. Sử dụng một mô hình này có thể đưa ra nhiều câu trả lời như: Có thể cung cấp bao nhiêu năng lượng từ các công nghệ khác nhau? Chi phí cho từng sự lựa chọn hay kịch bản là bao nhiêu? Ngành nào là ngành đang cần được chú ý nhiều hơn và ngành nào không cần chú ý nhiều lắm từ góc độ năng lượng và phát thải? có thể đạt được mức giảm phát thải là bao nhiêu?…

Mặc dù thời hạn dự kiến hoàn thành công cụ này không còn nhiều, song nhóm chuyên gia xây dựng phiên bản Calculator 2050 cho Việt Nam vẫn mong muốn nhận được sự góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước để các dữ liệu này thể hiện được một bức tranh mang tính thực tế, với tất cả các khả năng khác nhau có thể xảy ra trong 36 năm tới.

Nếu Calculator 2050 cho Việt Nam hoàn thành đúng mục tiêu đề ra thì đây tiếp tục là giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu mà Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đang nỗ lực ứng phó.

Hiện, Bộ Công Thương đang triển khai một loạt các chương trình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: Chương trình mục tiêu quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2055”; Dự án “Nâng cao năng lực cho các ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”…

Theo Thanh Tâm/Báo Công Thương

Những giải pháp tiết kiệm năng lượng từ sản xuất công nghiệp

Những giải pháp khoa học công nghệ để giảm thiểu lượng chất thải, tiết kiệm điện và năng lượng trong ngành sản xuất công nghiệp ngày càng trở lên cấp thiết. Dưới đây là một số giải pháp tiết kiệm trong ngành sản xuất công nghiệp đang được khuyến khích sử dụng.
Story (1)
Doanh nghiệp ngành bia đang áp dụng những giải pháp thực hiện tiết kiệm năng lượng góp phần giảm chi phí sản xuất

Các chuyên gia về quản lý năng lượng cho biết, việc đốt các nhiên liệu hóa thạch trong các lò hơi và lò đốt là một trong các tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các loại lò này là giải pháp công nghệ đầu tiên góp phần giảm thiểu sự phát thải các chất này.

Đối với ngành sản xuất sạch: Giải pháp tiếp cận nhằm tác động ngay các khâu của dây chuyền sản xuất để chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải tại nguồn phát sinh, qua đó giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm định mức tiêu hao nguyên liệu năng lượng cho một đơn vị sản phẩm và giảm chi phí cho xử lý chất thải.

Đối với ngành sản xuất xi măng: Cần che chắn, bịt kín các điểm phát sinh bụi, tăng công suất quạt hút, cải tạo hệ thống thiết bị tách bụi, điều chỉnh đủ lượng không khí cấp vào lò, bố trí cửa cấp gió thông lò, xây dựng kho có bao che để chứa nguyên nhiên liệu, tận dụng tiềm năng nhiệt khói lò để sấy sơ bộ nguyên liệu, sử dụng phế thải của ngành luyện kim ít độc hại…

Trong ngành sản xuất gạch nung: Cần phun nước giữ độ ẩm đất trong quá trình ngâm ủ tại cửa nạp điện máy cán nhào, lắp hệ thống hút xử lý bụi tại khu phơi, cải tạo đường ống thu hồi nhiệt lò nung cấp cho lò sấy, lắp đặt hệ thống khử bụi, dùng quạt thổi ngược ở đầu lò ra gạch để thu hồi nhiệt, giảm nhiệt độ và bụi gạch ra lò…

Ngành đúc kim loại: Cần lựa chọn quặng và phế liệu chất lượng tốt, lắp đường ống thu hồi nhiệt lò nung cấp cho lò sấy phế liệu, lắp đặt hệ thống khử bụi và hơi khí độc, tối ưu hóa lò đốt, lắp đặt các thiệt bị kiểm soát tự động…

Ngành công nghiệp luyện thép hồ quang: Có thể áp dụng loại bỏ chất phi kim loại, băm chặt nhỏ nguyên liệu, vận hành lò điện chế độ siêu cao công suất, làm nguội tường lò và nắp lò bằng nước, nung sơ bộ thép phế làm giảm thời gian nấu luyện và giảm phát thải bụi, sử dụng hệ thống nước làm mát khép kín để tiết kiệm nước và giảm năng lượng cho bơm, tái sử dụng bụi lò điện, sử dụng công nghệ cháy sau kết hợp với xử lý khói…

Để kiểm soát chất lượng khí thải, cần sử dụng các thiết bị xử lý khí axit thông dụng như tháp sủi bọt, tháp phun, tháp đệm… Đối với các chất hữu cơ có thể được xử lý qua các thiết bị xử lý hơi khí độc theo phương pháp hấp thụ, tức là quá trình phân ly khí dựa trên ái lực của một số chất rắn đối với một số loại khí trong hỗn hợp khí nói chung và trong khí thải nói riêng.

Nguồn: monre.gov.vn

Người tiêu dùng đang bỏ lỡ công cụ tự bảo vệ mình

Dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực thi hành được hơn ba năm, nhưng nhiều người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa nắm rõ hoặc chủ quan trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, dẫn đến những thiệt thòi không đáng có.

images1074530_42

 Trái táo và cam nhập khẩu chị Thu Hà (quận Thanh Xuân) mua về nhưng không sử dụng được

Ngày 2/10, chị Thu Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh với đường dây nóng của Báo Giao thông việc chị mua 3kg táo Ambrosia có xuất xứ từ Luvya New Zealand và 2 kg cam Nam Phi tại một siêu thị lớn ở Hà Nội. Sau khi mua, chị bảo quản hoa quả vào tủ lạnh, hai ngày sau mang hoa quả ra bổ mới té ngửa những quả táo nhìn vẫn tươi và ngon nhưng bên trong đã bị dập và thối hết. Còn những trái cam to, vàng ươm thì khô như rơm, không có chút hương vị của cam.
Bức xúc vì đã mua hàng tại siêu thị uy tín mà chất lượng quá tệ, nhưng chị Hà, cũng như hầu hết các bà nội trợ khác, đã không lưu giữ lại hóa đơn mua hàng hay bao bì đựng sản phẩm; chị cũng không sử dụng thẻ khách hàng khi mua hàng, do đó, rất khó để có căn cứ truy trách nhiệm của siêu thị đã bán hàng kém chất lượng.
Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) thừa nhận, nhiều người tiêu dùng sau khi mua hàng hóa không có thói quen lưu trữ hóa đơn, không sử dụng thẻ khách hàng… Điều đó dẫn đến việc dù có phát hiện các sự cố về chất lượng, giá cả hàng hóa, khách hàng “ở thế yếu” khi muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình.
“Muốn đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng cần lường trước những tình huống sự cố có thể xảy ra, giữ lại những gì liên quan đến sản phẩm đã mua để có căn cứ truy tìm trách nhiệm liên quan đến sự cố”, ông Quảng khuyến cáo.
Một số đường dây tiếp nhận khiếu nại của NTD
Tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD của Cục Quản lý cạnh tranh: 04.39387846, 04.22205022 ; website: http://bvntd.vca.gov.vn
Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam: 04.35745757,
email: [email protected]
Sở Công thương và Hội Bảo vệ quyền lợi NTD các địa phương

Không chỉ chủ quan vứt bỏ các chứng cứ bảo vệ mình, đa số NTD Việt còn rất e dè, ngại ngần trong việc khiếu nại, tố cáo khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. Ông Cao Xuân Quảng dẫn chứng, từ năm 2012 – 2014, trung bình mỗi năm, Sở Công thương và UBND cấp huyện chỉ tiếp nhận khoảng 300 khiếu nại của NTD, trong khi số vụ việc xâm phạm quyền lợi NTD mà cơ quan chức năng địa phương phát hiện lên tới hơn 90 nghìn vụ việc/năm.

“NTD vẫn có ý nghĩ “được vạ thì má đã sưng”, ngại phiền hà, rắc rối trong quá trình khiếu kiện. Nhưng thực ra, số vụ việc khiếu nại của NTD được giải quyết thành công chiếm tỷ lệ khá cao. Như năm 2013, các địa phương tiếp nhận 305 vụ khiếu nại thì đã giải quyết thành công 283 vụ”, ông Quảng cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD cũng thừa nhận thực tế, 80% vụ việc khiếu nại đến Hiệp hội đã được tư vấn giải quyết thành công, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều NTD bị thiệt hại thường bỏ qua hoặc không biết khiếu nại ở đâu. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền để NTD nhận biết được quyền lợi của mình, biết cách bảo vệ quyền lợi khi có sự cố xảy ra”, ông Hùng nói.
Theo Báo Giao Thông (giaothongvantai.com.vn)