Thừa Thiên Huế: Thành công bước đầu sau 6 tháng thực hiện dự án Carbon thấp

Trung tâm Tư vấn công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng thuộc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế vừa đánh giá hiệu quả dự án Carbon thấp tại vùng nuôi tôm Cao Triều, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế sau 6 tháng thực hiện.

21

Dự án được triển khai từ ngày 20/4/2014. Đây là dự án chuyển giao 40 động cơ điện 3 pha công suất 2,2 kW, vòng quay 1450 vòng/phút, trị giá 120 triệu đồng cho các hộ nuôi tôm để thay thế động cơ diesel đang sử dụng, nhằm sục khí oxy cho hồ tôm.

Theo khảo sát, việc sử dụng động cơ 3 pha thay cho động cơ diesel, mỗi giờ sẽ tiết kiệm được 18.300 đồng. Với thời gian vận hành sục khí oxy cho mỗi hồ là 5 giờ/ngày và thời gian của mỗi vụ nuôi tôm là 3,5 tháng thì chi phí tiết kiệm được cho mỗi vụ mùa nuôi tôm là rất lớn. Trên thực tế, với diện tích mỗi hồ nuôi tôm 3500 m2 đã cho lãi 35 – 40 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với lãi 25 – 30 triệu đồng/vụ trước đó khi còn sử dụng động cơ diesel.

Việc thay thế động cơ điện 3 pha cho động cơ diesel không những đem lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm 10 triệu đồng/vụ mà còn mang lại lợi ích về bảo vệ môi trường như gây tiếng ồn ít hơn, không thải khói ra môi trường xung quanh, đồng thời rất thuận lợi trong công tác vận hành.

Đây là tín hiệu đáng mừng để dự án tiếp tục mở rộng cho các hộ nuôi tôm khác trong vùng và các vùng lân cận.

Theo tietkiemnangluong.vn.

Triển vọng sản lượng và thương mại thủy sản thế giới đến năm 2022

Triển vọng sản lượng và thương mại thủy sản thế giới đến năm 2022

Mới đây, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã phối hợp đưa ra Báo cáo tổng hợp về triển vọng ngành sản xuất và thương mại thủy sản của thế giới cho đến năm 2022.

Theo đó, Việt Nam một trong những nước có tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản cao nhất thế giới trong giai đoạn 2003-2012. Tuy nhiên, giai đoạn 2013-2022, tăng trưởng về sản lượng thủy sản của Việt Nam có xu hướng giảm xuống, thấp hơn so với một số nước đang phát triển khác như Nigeria, Brazil, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có sản lượng thủy sản cao thứ hai chỉ sau Indonesia.

Cũng theo báo cáo này, ngành thủy sản của Việt Nam chủ yếu hướng tới xuất khẩu với mức xuất khẩu bình quân đạt trên 40% sản lượng làm ra và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình gần 14% trong giai đoạn 2003-2012. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ tăng lên khoảng 43% tổng sản lượng nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân có thể sẽ giảm mạnh xuống còn trên 2,0% trong giai đoạn 2013-2022.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2014, trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 5,0 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Số liệu trong báo cáo của OECD và FAO cho thấy, trong thời gian tới, các đối thủ cạnh tranh chính trong xuất khẩu thủy sản với Việt Nam có thể là Thái Lan, các nước Mỹ Latinh và Caribe như Brazil, Mehico, Chilê. Những nước này đều có tốc độ tăng trưởng sản lượng và xuất khẩu cao hơn Việt Nam trong giai đoạn 2013-2022./.

Theo Moit

Báo động cạn kiệt nguồn năng lượng

Từ một quốc gia xuất khẩu thô năng lượng, trong tương lai, Việt Nam sẽ chuyển sang nhập. Nguy cơ không bảo đảm an ninh năng lượng, giảm năng lực canh tranh, tụt hậu ngày càng cao. Tình trạng cạn kiệt nguồn năng lượng không còn là cảnh báo của một tương lai xa mà đang được chứng minh bằng những con số cụ thể và những sự kiện diễn ra nhanh chóng trong thực tế. Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, đây là hậu quả tất yếu của việc khai thác quá mức các nguồn năng lượng hóa thạch mà quên đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Story

Lắp đặt pin năng lượng mặt trời cho Trạm Biên phòng bán đảo Sơn Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế

Nhiên liệu hóa thạch đang cạn

TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng, nhận xét nước ta có khá nhiều và đa dạng các nguồn năng lượng sơ cấp: nhiên liệu hóa thạch, sinh khối, năng lượng gió, năng lượng mặt trời… Tuy nhiên, nguồn năng lượng chủ yếu vẫn sử dụng từ các nhiên liệu hóa thạch: than đá, dầu thô, khí đốt… và thủy điện.

Trong thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI, nguồn năng lượng này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng và sản xuất nhưng đến năm 2030, Việt Nam sẽ không còn tiềm năng thủy điện lớn vì đã khai thác hết. Trữ lượng than đá cũng đang cạn dần. Năm 2015, khả năng khai thác than đá đáp ứng từ 96%-100% nhu cầu sử dụng. Năm 2020, khả năng khai thác chỉ đáp ứng được 60% và đến năm 2035, tỉ lệ này chỉ còn 34%.

Trước tình hình này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có kế hoạch nhập khẩu than đá từ Úc bắt đầu từ năm 2015. Ngay cả Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, trong cuộc họp ngày 8-10 vừa qua, cũng phải thừa nhận đến năm 2016 bắt buộc phải nhập khẩu than đá, năm 2020 phải nhập từ 20-30 triệu tấn than.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 thì vào năm 2020, Việt Nam sẽ nhập khẩu hơn 2.300 MW điện (chiếm 3,1% tổng cơ cấu năng lượng điện), năm 2030 sẽ nhập 7.100 MW (chiếm 4,9% tổng cơ cấu năng lượng điện).

Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng khiến nguồn cung năng lượng đã không bắt kịp cầu. Dự báo, nhu cầu năng lượng của Việt Nam các năm 2015-2020-2030 tăng từ 89.000 MTOE lên 150.000 MTOE và 256.000 MTOE, trong khi khả năng cung ứng chỉ nhích từng chút một: 91.000-96.000 -113.000 MTOE.

“Từ một nước xuất khẩu năng lượng, sắp tới, Việt Nam phải nhập khẩu năng lượng. Nguy cơ không bảo đảm an ninh năng lượng, giảm năng lực cạnh tranh và tụt hậu so với các nước trong khu vực ngày càng cao” – TS Lâm cảnh báo.

Cơ hội cho năng lượng bền vững

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước thích nghi với biến đổi khí hậu, cho rằng việc cạn kiệt các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong sức ép về nhu cầu năng lượng cũng mở ra cơ hội phát triển cho ngành năng lượng Việt Nam. Cụ thể, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ được tận dụng khai thác và mở rộng tìm kiếm, nghiên cứu các nguồn năng lượng mới, bền vững hơn. Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ được chú trọng và thực hiện một cách nghiêm túc hơn.

“Như vậy, không chỉ giải được bài toán năng lượng mà còn giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Tất nhiên, thách thức không thể tự nhiên mà trở thành cơ hội nếu không có chiến lược và quy hoạch cụ thể” – TS Tứ nhận xét.

Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương ước tính công suất lắp máy từ năng lượng sinh khối (sản sinh từ phân, rác thải…) vào khoảng 500 – 2.000 MW, điện gió từ 1.000 – 6.200 MW, các năng lượng tái tạo khác (quang năng, năng lượng sóng…) từ 2.700 – 5.600 MW. Còn theo ông Nguyễn Dương Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Mặt Trời Bách Khoa, Việt Nam có tổng số giờ nắng lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam, là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời. Nếu chính sách về việc mua điện từ các hộ dân hay tổ chức cá nhân được thông qua như ở một số nước trên thế giới thì việc đầu tư điện từ năng lượng mặt trời sẽ trở thành một mô hình đầu tư hấp dẫn.

Kinh nghiệm của Đan Mạch

Đan Mạch là một đất nước có ngành năng lượng phát triển ấn tượng: tốc độ sản xuất ngày càng tăng nhưng tỉ lệ sử dụng năng lượng ngày càng giảm. Ông Jakob Jespersen, chuyên gia năng lượng của Đan Mạch, cố vấn dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương, cho biết từ một nước phải nhập khẩu năng lượng những năm 1970 về trước, đến năm 1980, Đan Mạch đã tự chủ được nguồn năng lượng và bắt đầu xuất khẩu.

Hiện nay, Đan Mạch là nước xuất khẩu điện nhờ lắp đặt turbin gió và sản xuất điện than giá rẻ.

Ông Jakob đánh giá Việt Nam dồi dào nguồn năng lượng tái tạo có thể sử dụng mà không cần nhập khẩu. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đang gây tranh cãi cần phải làm rõ trước khi xây dựng các chiến lược, kế hoạch sử dụng năng lượng tại Việt Nam.

“Nhiều ý kiến cho rằng giá điện quá thấp để đưa ra giải pháp mới thay thế. Theo tôi, điều này đúng nhưng cần phải xét đến tình trạng phân phối điện không ổn định và giá điện dự phòng. Hoặc tranh cãi quanh vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân để giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu. Thật ra, sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhận thậm chí còn gây ra hậu quả nặng nề hơn việc nhập khẩu than” – ông Jakob nói.

Theo nld.com.vn

2015: Thu hồi điện thoại, máy tính vì môi trường

Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, tất cả các sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng hết thời hạn sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ bị thu hồi.

Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi để tiếp nhận sản phẩm thải bỏ, do đơn vị đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam.

Cũng theo Quyết định này, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi. Đồng thời, phải thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả xử lý, báo cáo lượng sản phẩm được sản xuất hoặc nhập khẩu đã bán ra thị trường Việt Nam, đã thu hồi và xử lý thế nào.

Đồ điện tử đã qua sử dụng bày bán trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp (Ảnh chụp chiều 13-10: HTD/Pháp luật Việt Nam)

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng, cơ sở thu gom và xử lý sản phẩm thải bỏ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Theo doanh mục sản phẩm thải bỏ được ban hành kèm theo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể từ 1/1/2015, cùng với điện thoại di động và máy tính bảng bị thu hồi, hàng loạt sản phẩm khác cũng sẽ bị nằm trong danh sách này.

Cụ thể, ắc quy các loại; pin các loại; bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính (để bàn; xách tay); màn hình máy vi tính; cục CPU (bộ vi xử lý của máy tính); máy in; máy fax; máy quét hình (scanner); máy chụp ảnh; máy quay phim; đầu đĩa DVD; VCD; CD và các loại đầu đọc băng, đĩa khác;

Hóa chất công nghiệp nguy hiểm; hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong thú y; hóa chất, sản phẩm hóa chất bảo vệ thưc vật; hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong ngành thủy sản; thuốc sử dụng cho người; dầu nhớt.

Theo Yên Nhi/VnMedia

Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu phile cá tra sang Brazil

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, đứng đầu về xuất khẩu sản phẩm cá phile đông lạnh cho thị trường Brazil với khoảng 44.000 tấn cá tra trong 8 tháng, trong khi Trung Quốc xuất sang 33.000 tấn, chủ yếu là cá biển như cá minh thái, cá hồi, cá tuyết…

1sangchauphi_1Sản phẩm cá tra philê tại công ty Cổ phần chế biến và đông lạnh Việt An. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Tính đến 15/9, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt 86,2 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 7,3% tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang các thị trường.

Cá tra Việt Nam đang có vị trí tốt trên thị trường Brazil với khối lượng tăng mạnh và giá trung bình cũng tăng đáng kể.

Đến nay, Brazil vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau thị trường Mỹ.

Brazil là một thị trường mới nổi, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều cũng là những yếu tố thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm thủy sản bền vững.

Năm 2013, Brazil đứng vào top 10 thị trường lớn nhất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, với giá trị 123 triệu USD. Trong đó cá tra chiếm 99% với gần 122 triệu USD.

Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường chính như EU, Mỹ, Nhật Bản có xu hướng sụt giảm tỷ trọng vì nhu cầu sụt giảm cùng với những rào cản thuế quan và kỹ thuật, thị trường Brazil ngày càng quan trọng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, nhất là sản phẩm cá tra phile đông lạnh./.

Theo Vietnam+

Đạp xe vì môi trường và giao thông đô thị

Chương trình “Đi xe đạp vì môi trường và giao thông đô thị” do Bộ Ngọại giao khởi xướng đã thu hút 400 người từ các sứ quán, tổ chức quốc tế tham gia.
 Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2014) và 15 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Bộ Ngoại giao tổ chức Chương trình đi xe đạp “Vì môi trường và giao thông đô thị”.
 Đoàn xe xuất phát từ số 10 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm.
 Chị Nguyễn Thuý Nga, làm việc tại Liên minh Châu Âu chia sẻ, chị và đồng nghiệp rất vui thích, hào hứng với những sự kiện như thế này.

 Đoàn dừng tại Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ để dâng hoa và thắp hương.

 Chương trình góp phần vận động bạn bè quốc tế cũng như người dân cùng tham gia xây dựng văn hóa giao thông đô thị và giữ gìn vệ sinh môi trường để thành phố Hà Nội luôn xanh, sạch, đẹp…
 …nâng cao ý thức cho người dân tại các đô thị của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường và tham gia giao thông đô thị, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao, tăng cường mối quan hệ, sự hiểu biết và thắt chặt tình hữu nghị giữa người dân Việt Nam và bạn bè thế giới.
 Sinh viên các trường và thanh niên thủ đô diễu hành quanh Hồ Gươm.
 Em Hoàng Tùng, học lớp 5, có bố mẹ công tác tại Bộ Ngoại giao và em gái tham gia đạp xe.
 Trước khi xuất phát, các đội kiểm tra lại lốp xe cẩn thận để tránh xảy ra hỏng hóc trên đường.
 Anh Đoàn Hải Quân – làm dịch vụ tổng hợp của Bộ Ngoại giao khởi động trước khi cùng 7 đồng nghiệp khởi hành.
 Anh Gabriel Demombynes công tác tại World Bank và con gái Soleil Demombynes (3 tuổi) rất thích thú tham gia hoạt động.

Đoàn xe kết thúc trước trụ sở Bộ Ngoại giao (gần Lăng Bác), mọi người tỏ ra rất thích thú và muốn tham gia nhiều chương trình như thế này.

Theo vnexpress.net