Vinacomin sẽ chủ động nguồn than cho điện

Nhu cầu than trong năm 2015 sẽ tăng khoảng 6 triệu tấn nên Vinacomin cân đối nguồn cung để chưa phải nhập khẩu than cho điện.

Nhu cầu than cho sản xuất điện sẽ tăng lên kể từ năm 2015 do nhiều dự án nhiệt điện than hoàn thành và đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2015 – 2020 nước ta sẽ phải nhập khẩu từ 10 – 30 triệu tấn than cho sản xuất điện.

Tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẳng định, ngành than đang quyết liệt tái cơ cấu, tập trung vào lĩnh vực đầu tư khai thác và chế biến than nhằm đảm bảo nhu cầu than cho các ngành kinh tế. Theo đó, năm 2015, Việt Nam vẫn chủ động được nguồn than trong nước và chưa phải nhập khẩu.

Tiêu thụ than vẫn cao so với khả năng đáp ứng

Theo Quy hoạch phát triển ngành than, năm 2015, lượng than nhập khẩu cho nền kinh tế dự kiến khoảng 28 triệu tấn, khoảng 66 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 126 triệu tấn vào năm 2025. Chỉ tính riêng nhu cầu than cho sản xuất điện (theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn 2030 – Quy hoạch điện 7) đến năm 2020 là hơn 67 triệu tấn, đến năm 2030 là 171 triệu tấn.

Tuy nhiên, Quy hoạch điện 7 đang được hiệu chỉnh, dự kiến công suất các nhà máy điện chạy than theo tính toán mới sẽ giảm so với Quy hoạch. Cụ thể, sẽ giảm khoảng 7.800MW trong giai đoạn 2011-2020 và giảm 16.600MW giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, nhu cầu than tiêu thụ cũng giảm tương ứng 12,6 triệu tấn và 32 triệu tấn. Còn theo tính toán của Vinacomin, nhu cầu than thực tế phục vụ nền kinh tế trong giai đoạn 2015-2020 thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Năm 2015 Vinacomin chủ động nguồn than chưa phải nhập khẩu. (Ảnh: KT)

Năm 2015 Vinacomin chủ động nguồn than chưa phải nhập khẩu. (Ảnh: KT)

Ông Nguyễn Văn Biên – Phó TGĐ Vinacomin phân tích, do nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ nên Tập đoàn đã tính toán tổng nhu cầu than cho điện năm 2015 vào khoảng 23-24 triệu tấn. So với nhu cầu năm 2014 (sử dụng khoảng 17-18 triệu tấn) thì nhu cầu tăng khoảng 6 triệu tấn.

“Với việc tăng khoảng 6 triệu tấn năm 2015 thì nguồn than trong nước vẫn đáp ứng được nên Vinacomin cân đối sẽ chưa phải nhập khẩu than cho điện, nhưng từ 2016 trở đi thì sẽ phải nhập khẩu. Đến năm 2020 sẽ nhập khẩu lên đến 20-30 triệu tấn”, ông Biên cho biết.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ than có giảm so với kế hoạch nhưng vẫn còn khá cao so với khả năng đáp ứng. Trên thực tế, năng lực sản xuất của riêng Vinacomin dự kiến trong năm 2014 này vào khoảng 37 triệu tấn, tiêu thụ khoảng 35,5 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa 28 triệu tấn, xuất khẩu 7,5 triệu tấn. Vì vậy, để giảm tối đa lượng than phải nhập khẩu từ năm 2016 trở đi, Vinacomin đặt mục tiêu phải đạt sản lượng khai thác than giai đoạn 2016-2020 là 42 triệu tấn/năm và đặt mục tiêu khai thác sản lượng đạt 38 triệu tấn than trong năm 2015.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin, ông Lê Minh Chuẩn cho biết, từ năm 2015, Vinacomin sẽ chỉ xuất khẩu loại than trong nước chưa sử dụng được.

“Theo đúng lộ trình Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2015 về cơ bản Vinacomin không còn xuất khẩu than, lúc đó than tập trung cho phát triển kinh tế trong nước. Riêng trong năm 2014 lượng than xuất khẩu chỉ bằng khoảng 60-65% của năm 2013”, ông Lê Minh Chuẩn chỉ rõ.

Mới đây, Vinacomin đã đưa ra 3 giải pháp cơ bản để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo nguồn than cho sản xuất trong nước, đó là quyết liệt tái cấu trúc để tập trung nguồn lực cho lĩnh vực mũi nhọn là khai thác và chế biến than; đẩy mạnh đầu tư, đảm bảo tiến độ các dự án khai thác xuống sâu sẽ triệt để tiết kiệm, tận thu tài nguyên than; Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực thợ lò chất lượng cao đồng thời với tạo các điều kiện để giữ chân lao động thợ lò, đảm bảo yêu cầu phát triển mở rộng quy mô khai thác trong điều kiện mới.

Hiện nay, Vinacomin đang tích cực triển khai nhiều dự án xây dựng mỏ mới trong khai thác hầm lò, mở vỉa bằng giếng đứng, khai thác than từ độ sâu -300 đến -500 mét so với mực nước biển như Núi Béo, Khe Chàm II-IV… Đây là những dự án yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao, lần đầu tiên do công nhân ngành than thiết kế và thi công.

Sử dụng tiết kiệm, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, do những tồn tại trong việc bù lỗ cho ngành điện nhiều năm trước đây, cộng với nhu cầu than trên thế giới giảm, giá than xuất khẩu hiện nay khá thấp, vì thế khả năng cân đối tài chính để có thể đầu tư khai thác chế biến được hơn 50 triệu tấn than sau năm 2015 (theo kế hoạch) là rất khó khăn. Ông Trần Viết Ngãi cho rằng, cần sử dụng tiết kiệm, khai thác hợp lý và tận thu nguồn tài nguyên.

“Cần phải tiết kiệm triệt để với những nhiên liệu đầu vào bởi chỉ 10-15 năm nữa Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than và khí, lúc đó chưa biết giá nhập khẩu sẽ là bao nhiêu. Vì thế bên cạnh việc tính toán, nghiên cứu điều chỉnh lại Quy hoạch Điện 7, nên giảm các nhà máy nhiệt điện than, vì khi xây dựng quá nhiều không chỉ áp lực cho nhập khẩu than mà còn tăng nguy cơ về ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính…”, ông Ngãi chỉ rõ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu than toàn cầu cũng sẽ tăng trưởng chậm trong 5 năm tới. Riêng ở Việt Nam, nhiều chuyên gia năng lượng cũng cho rằng, khi Nhà máy thủy điện Lai Châu hòa lưới kể từ sau 2016, cùng với nguồn thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La ở miền Bắc, một số thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên… được khai thác hợp lý, cần chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo (điện gió, mặt trời…) đồng thời sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm sản lượng than nhập khẩu cho sản xuất điện trong tương lai.

Trao đổi với phóng viên tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương sáng 31/12, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Vinacomin cho biết, thời gian tới mặc dù Vinacomin vẫn chủ động đáp ứng đủ than cho nền kinh tế, chưa phải nhập khẩu than, nhưng Vinacomin vẫn có nhập một lượng nhỏ than để tiếp tục lấy kinh nghiệm, liên kết tạo bạn hàng, đảm bảo cho việc nhập khẩu một lượng than lớn trong giai đoạn sau năm 2018.

 Theo Nguyễn Quỳnh/VOV, 03/01/2015

Phương án cổ phần hóa Cty mẹ – TCty Khoáng sản – Vinacomin

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

tap_doan_than_khoang_san_viet_nam

Theo đó, Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP (tên viết tắt là Vimico) kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Tổng công ty Khoáng sản – Vinacomin đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Quyết định nêu rõ, hình thức cổ phần hóa là bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổng công ty có vốn điều lệ 2000 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, tổng số cổ phần là 200 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng.

Trong đó, có 150 triệu cổ phần nhà nước, chiếm 75% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 3.319.000 cổ phần, chiếm 1,66% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 46.681.000 cổ phần, chiếm 23,34% vốn điều lệ.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạoTập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam xây dựng, quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở Giao dịch chứng khoán để tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng. Khi có đủ điều kiện, thực hiện niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 1.635 người, tổng số lao động chuyển sang Công ty cổ phần là 1.628 người.

Theo Phương Nhi/Chinhphu.vn, 31/12/2014

10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2014

Ngày 29/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2014 với nhiều cột mốc đáng chú ý.

Default_1

Vườn quốc gia Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là khu đất ngập nước. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Trong đó phải kể đến việc Chính phủ cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám phủ trùm toàn bộ vùng biển-hải đảo Việt Nam; công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đất đai…

Theo Vietnam+, toàn bộ 10 sự kiện nổi bật:

1. Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014; công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đất đai.

Triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn cùng có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2014.

Song song với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và công bố các thủ tục hành chính mới về lĩnh vực đất đai gồm 41 thủ tục đối với văn phòng đăng ký đất đai một cấp, giảm 30 thủ tục so với trước đây, 62 thủ tục đối với địa phương chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp, giảm 9 thủ tục so với trước đây.

2. Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là khu đất ngập nước.

Ngày 1/11, tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, do tổ chức công ước Ramsar trao tặng.

Đây là khu đất Ramsar có tầm quan trọng quốc tế thứ 2.203 của thế giới, thứ 6 của Việt Nam và là khu Ramsar đầu tiên của nước ta. Vườn quốc gia Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển đặc sắc và hiếm có trên thế giới được đưa vào danh sách hệ thống các khu vực biển quan trọng cần được bảo vệ trên phạm vi toàn cầu, là khu vực trọng điểm trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học quốc gia Việt Nam.

3. Lần đầu tiên các địa phương tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.

Với việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản, năm 2014, cả địa phương đã tính tiền cấp quyền để thu 5.000 tỷ đồng, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản căn cứ theo yêu cầu trữ lượng, chất lượng khoáng sản nằm trong lòng đất đã góp phần nâng cao công tác về quản lý nhà nước về khoáng sản.

4. Việt Nam chính thức gia nhập Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy.

Việt Nam là quốc gia thứ 35 tham gia Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và chính thức đưa Công ước có hiệu lực sau gần 20 năm được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.

Công ước này có hiệu lực từ ngày 17/8/2014.

5. Công bố 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn, quan trọng và đưa vào vận hành trong mùa lũ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ngày 5/12, tại Tỉnh ủy Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố “Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai” trong mùa lũ hàng năm, theo QĐ số 1892/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là quy trình vận hành liên hồ chứa thứ 11 và là một quy trình được đánh giá có quy mô lớn, cách thức vận hành khá phức tạp gồm 15 hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai, liên quan tới 8 địa phương từ đầu nguồn là tỉnh Lâm Đồng tới hạ lưu là Thành phố Hồ Chí Minh. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Hình minh họa. (Nguồn: TTXVN)
6. Hoàn thành Báo cáo cập nhật hai năm một lần, lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Báo cáo gửi đến Ban Thư ký Công ước khí hậu tại Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tổ chức tháng 12/2014 tại Lima, Peru. Báo cáo này đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ban Thư ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu từ ngày 8/12/2014.

Việt Nam là một trong ba nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới hoàn thành Báo cáo, góp phần thực hiện tốt nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam trong việc tham gia thực hiện Công ước.

7. Lần đầu tiên thành phố Hà Nội hoàn thành vượt mức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở.

Trong năm 2014, thành phố hà Nội đã tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, đến nay đạt 66,9% diện tích cần cấp.

Cụ thể, Hà Nội đã cấp 2.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tổ chức, gần 6.000 giấy đối với hộ gia đình, cá nhân và trên 40.000 giấy chứng nhận đã được cấp cho các hộ gia đình mua nhà tại các dự án phát triển nhà.

8. Lần đầu tiên hoàn thành hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám phủ trùm toàn bộ vùng biển và hải đảo Việt Nam.

Theo đó, ngành tài nguyên và môi trường đã xây dựng bộ bản đồ chuyên đề về lớp phủ bề mặt tỷ lệ 1:50:000 cho vùng ven biển và các đảo nổi; hệ thống bản đồ chuyên đề kèm theo các bộ số liệu về các yếu tố vật lý, hóa học, sinh vật và môi trường biển, hải đảo cho toàn bộ vùng lãnh hải Việt Nam; hệ thống giám sát đa thời gian tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Đặc biệt, ngành này đã thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:250.000 vùng quần đảo Hoàng Sa tỷ lệ 1:25.000 các đảo nổi và bãi đá ngầm độ sâu đến 10m.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Sơn Bách/Vietnam+)
9. Giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ.

Nghị định số 51/2014/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.

10. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong toàn ngành, văn phòng một cửa hoạt động trở lại tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong năm 2014, cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính đã được hoạt động trở lại tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, góp phần nâng cao hiệu lực công tác chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp./.

Theo Vietnamplus.vn

Sắp có Khu công nghiệp 128 triệu USD ở Quảng Ninh

Chiều 24/12/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN và cảng Nam Tiền Phong,  Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên.

Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và cảng Nam Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên là dự án 100% vốn nước ngoài, có diện tích 487 ha với tổng vốn đầu tư đăng ký 128 triệu USD.

Dự án sẽ hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư và chính thức khởi công xây dựng trong năm 2015, thời gian thực hiện 8 năm với mục tiêu là hình thành một khu công nghiệp tập trung, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các dự án, các ngành sản xuất công nghiệp; hội tụ đủ các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường.

1

Theo ông Nguyễn Văn Đọc – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN và cảng Nam Tiền Phong là dự án có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm tạo sự đột phá về hạ tầng, minh chứng cho những kết quả cụ thể về cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Quảng Ninh, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tại buổi lễ, đại diện tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu chính quyền địa phương và các ngành chức năng tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, tập trung công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng cần thiết như điện, nước, giao thông để nhà đầu tư triển khai dự án nhanh và hiệu quả.

Theo Vietnamnet.vn

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ giúp bảo vệ môi trường

Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế đất nước. Để bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến là giải pháp quan trọng.

TSCT1

 Ứng dụng khoa học và công nghệ (Ảnh minh họa)

Với quan điểm “phát triển kinh tế-xã hội nhanh, có hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”, Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát triển công nghệ mới, sạch giúp bảo vệ môi trường. Điển hình là việc triển khai mạnh mẽ đề án “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2020”được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg và chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước “nghiên cứu KHCN phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên”.

Từ các đề án, chương trình này đã nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý chất thải y tế, chất thải công nghiệp, chất thải chăn nuôi và các chất thải nguy hạikhác; các công nghệ dự báo thiên tai; hệ thống thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, cơ sở chăn nuôi, bãi rác… Tiêu biểu, như việc nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học BIOMIX1 trongxử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn và nâng cao năng suất cây trồng. Ước tính, cứ khoảng 60 tấn chế phẩmBIOMIX1 dùng để xử lý rơm rạ, phân gia súc, gia cầm sẽ cho ra khoảng 60.000 tấn phân hữu cơ sạch dùng cho sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Hay việc xây dựng hầm biogas vừa góp phần giải quyết vấn đề năng lượng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật phòng tránh bão lũ đã được ứng dụng rộng rãi và ngày một hiện đại như: dự báo thiên tai trước 5 ngày, vận hành liên hồ chứa, quy hoạch các công trình thủy lợi, thủy điện, các chất phụ gia chống xói mòn đất…, đã giúp hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra mỗi năm. Hơn nữa, việc triển khai chương trình, đề án còn giúp đào tạo hàng trăm kỹ thuật viên về môi trường trong nước.

Tại các doanh nghiệp, việc ứng dụng các công nghệ mới giúp bảo vệ môi trường cũng được triển khai mạnh mẽ. Chẳng hạn tại các mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), từ khi áp dụng dây chuyền tuyển than hiện đại với các module công suất lớn lên đến 250.000 tấn/năm, 650.000 tấn/năm, vừa tận thu triệt để sản lượng than so với công nghệ cũ (tăng từ 20-30%), tăng năng suất lao động do được cơ giới hóa, giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cho người lao động do giảm mật độ các nguồn gây bụi và phát thải khí độc hại trên mỏ. Hay, nhằm ổn định sườn bãi thải, khai trường than, tại các mỏ than đã sử dụng giải pháp trồng cỏ vetiver. Chỉ sau hơn 1 năm trồng, loại cỏ này sẽ có bộ rễ chùm với chiều dài 1,2m -1,4m, tạo thành bộ lưới sinh học giữ cho đất đá trên sườn bãi thải không bị sạt lở…

Theo Luật Bảo vệ Môi trường, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có ứng dụng các giải pháp KHCN mới, sẽ được ưu tiên vay vốn từ các quỹ bảo vệ môi trường; trường hợp vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác để đầu tư bảo vệ môi trường thì được xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc bảo lãnh tín dụng đầu tư theo điều lệ của quỹ bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Nghị định số 04/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường còn quy định rõ, các tổ chức, cá nhân khi có dự án đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường sẽ được ưu đãi hỗ trợ về đất đai, vốn, miễn hoặc giảm thuế, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…Với những chính sách này, hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới để bảo vệ môi trường, góp phần tạo nên một môi trường xanh, sạch, đẹp./.

Theo ven.vn

Lợi ích của doanh nghiệp khi áp dụng sản xuất sạch hơn vào dây chuyền sản xuất

Trong thời buổi kinh tế thị trường nhiều ngành công nghiệp ra đời kèm theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo phát triển bền vững, tăng lợi nhuận về kinh tế và đồng hành cùng với công tác bảo vệ môi trường nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã lựa chọn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.

Story

Công ty CPTM Hương Giang

Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 07 tháng 9 năm 2009 và có nhiều doanh nghiệp áp dụng vào trong sản xuất. Thời gian qua các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn vào trong dây chuyền sản xuất của đơn vị mình.

Công ty CPTM Hương Giang (khu CN Hòa Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) là một trong số những doanh nghiệp điển hình đã triển khai áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn vào quá trình sản xuất. Công ty có tiềm lực mạnh về công nghệ sản xuất chế biến xay xát gạo, chuyên sản xuất các sản phẩm gạo thơm, gạo đặc sản, gạo cao cấp,… Sản phẩm gạo chế biến của Công ty được đánh giá là một trong những sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng đáp ứng nhều nhu cầu của khách hàng, giá thành hợp lý và có tính cạnh tranh so với các sản phẩm khác đang có trên thị trường trong nước. Từ một đơn vị khiêm tốn về cơ sở vật chất ban đầu, Công ty đã có bước phát triển đột phá không ngừng cả về quy mô sản xuất, giá trị sản xuất kinh doanh, khách hàng và thị trường. Với công suất thiết kế ban đầu là 3 tấn/ giờ, sau một thời gian phát triển, tìm kiếm thị trường Công ty đã nâng cấp dây chuyền lên 5 tấn/giờ. Từ năm 2010 đến nay, sản phẩm của Công ty đã có mặt ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Trong quá trình sản xuất, ngay từ ngày đầu Công ty đã đưa hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 áp dụng trong toàn bộ hệ thống sản xuất kinh doanh của mình công suất đạt 4,3-4,5 tấn gạo/giờ.

Nhờ áp dụng thiết bị hiện đại Công ty đã thu được những lợi ích như: hạn chế thất thoát hao phí trong khâu sản xuất, nâng cao năng suất, giảm chi phí liên quan đến thu gom và xử lý chất thải; tăng cường ý thức của người lao động về bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường làm việc, góp phần bảo vệ sức khoẻ người lao động; lượng trấu phế thải được chế biến thành chất phụ gia để sản xuất thức ăn gia súc. Với những giải pháp mà Công ty đã triển khai thì doanh thu hàng năm của Công ty đều trên mức 100 tỷ và đảm bảo việc làm cho 60-70 lao động thường xuyên.

Trong bối cảnh nước ta đang hướng đến nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, kết hợp mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thì sản xuất sạch hơn có thể xem như một giải pháp phù hợp để các doanh nghiệp áp dụng. Việc tham gia áp dụng và thực hiện sản xuất sạch hơn sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một cách mạnh mẽ; tạo được lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường./.

Theo ipc1.gov.vn