Doanh nghiệp sản xuất thép trước bài toán chi phí năng lượng

Kết thúc năm 2009, ngành thép được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp nặng có mức tăng trưởng cao nhất, sản xuất tăng 25% so với năm 2008 và tiêu thụ tăng 30%. Hiện tại cả nước có trên 65 dự án sản xuất gang thép có công suất từ 100.000 tấn mỗi năm trở lên. Để vận hành, hàng năm mức năng lượng tiêu thụ phục vụ cho ngành thép là con số không nhỏ, gây sức ép lớn đối với phân phối điện.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Số liệu công bố từ Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 30/8/2009, Việt Nam có 65 dự án sản xuất gang thép có công suất từ 100.000 tấn mỗi năm trở lên. Mặc dù các nhà máy thép mới chỉ sử dụng chưa tới 50% công suất thiết kế nhưng hằng năm tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện. Để đáp ứng nhu cầu đó ngành điện đã phải đầu tư khoảng 35.500 tỷ đồng cho nguồn, trạm, đường dây dẫn điện. Read more

Điều chỉnh Quy hoạch phát triển các KCN thành phố Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích của Khu công nghiệp Bắc Thường Tín từ 470 ha xuống còn 430 ha; điều chỉnh tăng diện tích của Khu công nghiệp Sóc Sơn từ 300 ha lên 340 ha.

KCN Sóc Sơn được điều chỉnh từ 300 ha lên 340 ha. (Ảnh: Báo điện tử Xây Dựng)

KCN Sóc Sơn được điều chỉnh từ 300 ha lên 340 ha. (Ảnh: Báo điện tử Xây Dựng)

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý bổ sung Khu công nghiệp Thanh Mỹ – Xuân Sơn với diện tích 100 ha vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan và các chủ đầu tư thực hiện quy hoạch, đầu tư, thành lập và hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư và tuân thủ quy định của pháp luật.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các khu công nghiệp để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động; tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc về quy hoạch phân khu đối với các khu công nghiệp Quang Minh 2, Phụng Hiệp và Bắc Thường Tín để có thể sớm tiếp tục triển khai các dự án khu công nghiệp này.

Theo Phan Hiển/ chinhphu.vn

Điều chế xăng từ mùn cưa

Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu bề mặt chất hoá học và chất xúc tác (trực thuộc đại học KU Leuven, Bỉ) cho biết họ đã chuyển đổi thành công mùn cưa thành nguyên liệu sản xuất xăng.

Bằng quy trình phản ứng hoá học mới, cenlulo trong mùn cưa đã được biến thành chuỗi hydrocarbon. Những chuỗi hydrocarbon này có thể được dùng như một chất phụ gia trong xăng hoặc như một thành phần để sản xuất ra nhựa, túi nylon, cao su, xốp cách nhiệt…

Tiến sỹ Bert Lagrain, đồng tác giả của công trình nghiên cứu, cho biết: “Đây là một phát minh mới từ chế phẩm sinh học, chúng tôi hiện đã được cấp bằng sáng chế về nghiên cứu này. Chúng tôi đưa mùn cưa thu thập từ một xưởng cưa, kết hợp cùng các chất xúc tác và đưa vào trong lò phản ứng. Sau khoảng nửa ngày ở mức nhiệt và áp lực thích hợp, chất cenlulo trong dăm gỗ đã được chuyển hóa thành các chuỗi hydrocarbon bão hòa hoặc ankan”.

Kết quả của phản ứng hoá học sẽ tạo ra một sản phẩm trung gian để tạo thành xăng. Các nhà khoa học cho biết sản phẩm của họ có thể được sử dụng như một chất phụ gia xanh, ít độc hại và giúp thay thế một phần cho xăng được tinh chế thông thường.

Mùn cưa đã được biến thành chuỗi hydrocarbon – được dùng như một chất phụ gia trong xăng hoặc như một thành phần để sản xuất ra nhựa, túi nylon, cao su, xốp cách nhiệt… Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng rất tự hào về tiềm năng của cenlulo trong tương lai bởi nó có thể giúp thay thế cho các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ. Giáo sư Bert Sels thuộc đại học KU Leuven nói: Điều này không hẳn không có cơ sở khi cenlulo có sẵn ở khắp mọi nơi, chủ yếu là từ chất thải của thực vật. Nó không hề cạnh tranh với các loại cây trồng cung cấp nhiên liệu sinh học ethanol.

Theo Gizmag.com

Cuộc thi ảnh “Rừng và con người”

Nhằm hưởng ứng Ngày lâm nghiệp Việt Nam (28.11.2014) cũng như tuyên truyền việc triển khai thực hiện các chương trình chính sách về lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II phát động Cuộc thi ảnh với Đề tài “Rừng và con người”.

MỤC ĐÍCH

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò và giá trị của rừng đối với cuộc sống con người, qua đó khơi gợi tình yêu đối với rừng và trân trọng những giá trị của rừng cũng như những người làm nghề rừng.

Kêu gọi sự ủng hộ và hỗ trợ của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, những chương trình, kế hoạch mà Ngành đang triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là lộ trình tái cơ cấu cũng như hoạt động nhằm giảm mất rừng và suy thoái rừng nói riêng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

ĐỐI TƯỢNG DỰ THI

Mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài hiện đang sinh sống làm việc tại Việt Nam không giới hạn độ tuổi, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, không phân biệt tôn giáo, giới tính, thành phần dân tộc đều có quyền tham dự cuộc thi (trừ thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ giúp việc và những cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi).

NỘI DUNG VÀ TÁC PHẨM DỰ THI

1. Nội dung

Tác phẩm dự thi phản ánh vẻ đẹp phong phú và sự đa dạng của các hệ sinh thái rừng Việt Nam, gắn với nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, giảm mất rừng và suy thoái rừng của người dân và cơ quan quản lý; lộ trình thực hiện tái cơ cấu Ngành Lâm nghiệp với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

2. Sử dụng

Ban tổ chức được toàn quyền sử dụng các tác phẩm tham gia dự thi vào mục đích tuyên truyền và thực hiện bản quyền theo quy định hiện hành.

3. Quy cách tác phẩm dự thi

Ảnh dự thi là ảnh mầu hoặc đen trắng; ảnh đơn chiếc hoặc ảnh bộ.

Ảnh in cỡ 13cm x 18cm và ảnh kỹ thuật số (có độ phân giải cao, kích thước cỡ ảnh từ 600px – 2000px, dung lượng ảnh tối thiểu là 2MB/ảnh).

Không hạn chế số lượng ảnh dự thi của mỗi tác giả.

Ảnh phải do chính người dự thi chụp và phản ảnh nội dung, sự kiện diễn ra tại Việt Nam đồng thời chưa được đăng ký dự thi ở các cuộc thi khác, chưa trưng bày tại các cuộc triển lãm.

Ảnh dự thi không qua xử lý kỹ thuật vi tính, kỹ xảo buồng tối, không lồng ghép logo, tên mang tính thương mại hoặc lồng ghép làm sai thực tiễn.

Các tác giả tham gia cuộc thi phải đảm bảo và tự chịu trách nhiệm về hình ảnh dự thi, không vi phạm thuần phong mỹ tục, quy định pháp luật hiện hành.

Ảnh dự thi phải có đầy đủ những thông tin sau: Thời gian chụp, địa điểm chụp, họ và tên tác giả, số chứng minh thư nhân dân, giới tính, dân tộc, số điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ email của người dự thi.

THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TIẾP NHẬN BÀI DỰ THI

Cuộc thi được phát động từ ngày 28 tháng 11 năm 2014 và kết thúc thời gian nhận tác phẩm dự thi vào ngày 15 tháng 04 năm 2015.

Tác phẩm dự thi được gửi đồng thời qua email và qua đường bưu điện/trực tiếp (đối với ảnh in). Thời gian nhận bài dự thi được tính là ngày nhận được tác phẩm qua email hoặc dấu bưu điện/ngày nhận trực tiếp. Tiêu đề email, phong bì bưu điện phải ghi rõ “Họ và tên tác giả: Bài dự thi cuộc thi ảnh “Rừng và con người”

Tổng kết và trao giải cuộc thi: Cuối tháng 5 năm 2015.

Tác phẩm dự thi xin gửi về địa chỉ:

Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Số 2, Phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam

Hoặc

Ban quản lý Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II

P041, nhà P – Số 14, Phố Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam

Email: [email protected]

GIẢI THƯỞNG

Có 21 giải thưởng chính, gồm:

Giải Nhất (01 giải): Giấy chứng nhận, tặng phẩm của cuộc thi và giải thưởng có trị giá tương đương 10 triệu đồng.

Giải Nhì (02 giải): Giấy chứng nhận, tặng phẩm của cuộc thi và giải thưởng có trị giá tương đương 7 triệu đồng.

Giải Ba (03 giải): Giấy chứng nhận, tặng phẩm của cuộc thi và giải thưởng có trị giá tương đương 5 triệu đồng.

Giải Khuyến khích (15 giải): Giấy chứng nhận của cuộc thi, tặng phẩm và giải thưởng có trị giá tương đương 500.000 đồng.

Ban Tổ chức sẽ hỗ trợ (ăn, ở, đi lại) cho người dự thi đoạt Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba (ở xa) tới dự lễ công bố kết quả và trao giải cuộc thi.

Những tác phẩm đoạt giải khác, nếu tác giả không tới nhận giải, Ban Tổ chức sẽ gửi Giấy chứng nhận, tặng phẩm và phần thưởng qua đường bưu điện theo địa chỉ tác giả cung cấp./.

Theo thiennhien.net

 

Giá trị xanh từ những tiềm năng xanh

Xác định lúa gạo, cá tra…là những “mũi nhọn” để triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, UBND tỉnh Đồng Tháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kỳ vọng sẽ tạo ra được mô hình điểm thành công, sớm lan tỏa và nhân rộng trên cả nước nhằm mục tiêu đánh thức giá trị xanh từ những tiềm năng xanh, hướng đến một nền nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

giatrixanhtunhungtiemnangxanh

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp tại Hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp” tổ chức mới đây tại Hà Nội

Dồi dào tiềm năng “xanh”

Là tỉnh trọng điểm nông nghiệp, được phù sa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bồi đắp và điều kiện thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Đồng Tháp hiện là một trong số ít các địa phương hội tụ các tiềm năng to lớn trong sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản… Hiện nay, nông nghiệp chiếm khoảng 36% GDP của tỉnh với hai sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản. Bên cạnh đó Đồng Tháp cũng là trung tâm sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản của ĐBSCL với sản lượng 3,3 triệu tấn/năm.

Từ năm 2012, Đồng Tháp đã vươn lên tốp đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cao (CPI) cấp tỉnh, thu hút mạnh đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Năm 2014, với sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, Đồng Tháp đã ký kết hợp tác nghiên cứu, ứng dụng sản xuất hoa kiểng công nghệ cao với tập đoàn các doanh nghiệp Hà Lan; hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân lực phát triển sản xuất nông nghiệp với tỉnh Ibaraki (Nhật Bản); hợp tác tài trợ với Tập đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hàn quốc (KRC) và Ngân hàng Thế giới  trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật xúc tiến đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp” tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận: Mặc dù có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng… nhưng thực tế cho thấy hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản của Đồng Tháp còn nhiều bất cập; giá trị thương mại của sản phẩm chưa cao, lợi nhuận sản xuất kinh doanh còn thấp, cân bằng cung cầu chưa tốt, người nuôi còn bị thua lỗ. Mặt khác, phần lớn nguồn nhân lực phục vụ trong nông nghiệp chưa qua đào tạo về quản lý, khả năng nghiên cứu thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) chưa cao.

Vì vậy, ông Hùng cho rằng, Đồng Tháp rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, hợp tác và đầu tư của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước cho các vấn đề như: Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu tác động đến sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao; Cơ giới hoá và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chế biến nông sản, thủy sản; Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Gợi mở cơ chế hợp tác đầu tư

Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có thể hoàn thành thủ tục sớm nhất, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, đáp ứng mặt bằng nhanh nhất, điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực cho nhà đầu tư.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách để trình Chính phủ cho phép triển khai một số chính sách mang tính đột phá như: hỗ trợ 50% lãi suất vay khi thuê đất mở rộng quy mô sản xuất; thí điểm cơ chế đối tác công tư (PPP) trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học – công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đầu tư hạ tầng cho các HTX nông nghiệp…

Ông Hùng cũng cho biết, trước đó, ngày 27/10/2014, KRC và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký thỏa thuận PPP trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, KRC sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy nguồn viện trợ thông qua hình thức vốn để đầu tư cho Đồng Tháp xây dựng cánh đồng liên kết với quy mô dự kiến là 20 nghìn ha  nhằm sản xuất lúa gạo, trong đó bao gồm cả vấn đề chỉnh trang đồng ruộng, cơ giới hóa và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

Với tiềm năng, lợi thế quan trọng và là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ đạt 5% trở lên; thu nhập của nông dân tăng hai lần so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% mỗi năm.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký kết hợp tác với tổ chức IDH để cùng nhau hợp tác và xây dựng đề xuất cơ chế hợp tác công tư nhằm phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại Đồng Tháp với sự tham gia hỗ trợ và tư vấn của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) trong giai đoạn này.

Với thông điệp “giá trị xanh từ những tiềm năng xanh”, UBND tỉnh Đồng Tháp xác định đây không chỉ là hành trình mà còn là đích đến trong triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thông qua đề án này, không chỉ riêng Đồng Tháp mà ngành nông nghiệp cả nước sẽ chung tay tổ chức lại chuỗi sản xuất nông nghiệp từ đồng ruộng, vườn cây, ao cá ra thị trường với quy mô sản xuất lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến;  xây dựng thương hiệu; hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; cải thiện thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn./.

Theo Tiến Dũng, ven.vn

Đường giao thông thành nhà máy sản xuất điện

Hà Lan là nước đầu tiên trên thế giới đưa vào sử dụng một đoạn đường xe đạp có thể biến năng lượng mặt trời thành năng lượng điện.

Đoạn đường dài 70 m được xây dựng tại Krommenie ở bên ngoài thành phố Amsterdam được khánh thành và khai trương cho người đi bộ và đi xe đạp sử dụng từ ngày 12/11/2014. Nó trị giá 3 triệu Euro, được coi là bước đầu tiên của một dự án mà chính quyền địa phương hy vọng sẽ nối dài tới 100 m vào năm 2016.

Đây là đoạn đường thử nghiệm do công ty SolaRoad nghiên cứu triển khai. «SolaRoad là công ty đầu tiên sẽ đưa Hà Lan lên bản đồ là một nước dẫn đầu về sáng tạo bền vững » – Henk Kamp Bộ trưởng Bộ Kinh tế Hà Lan nói tại lễ khánh thành.

Điện năng do đoạn đường làm ra sẽ được dùng để thắp sáng đèn đường, đèn tín hiệu giao thông và cấp điện cho các gia đình. Người ta còn dự định cấp điện cho các ô tô chạy điện .

Ảnh: charlestondailymail.com

Ảnh: charlestondailymail.com

Đoạn đường kể trên được Tổ chức Nghiên cứu khoa học ứng dụng Hà Lan (Netherlands Organization for Applied Scientific Research, TNO) đặt tên là “Đường mặt trời”. Học sinh và dân chúng rất thích đi trên đoạn đường này, bình quân mỗi ngày có khoảng 2000 xe đạp đi qua.

Nền đường là những tấm pin năng lượng mặt trời làm bằng tinh thể silicon (crystalline silicon solar cells) gắn vào các tấm bê tông. Tầng trên cùng là lớp thủy tinh giữ nhiệt rất bền chắc, có tác dụng bảo vệ các tấm pin mặt trời. Ánh mặt trời chiếu qua lớp thủy tinh trong suốt làm cho pin mặt trời phát ra dòng điện.

Dự tính đoạn đường 70 m này có thể cung cấp điện đủ dùng cho 3 gia đình

Dự án “Đường mặt trời” được khởi công năm 2009. Nhóm dự án gồm đội làm đường và công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật, do TNO chỉ đạo, đã nghiên cứu tiềm năng sử dụng năng lượng mặt trời của các con đường. Trong 3 năm liền, họ đã đo lượng điện do đoạn đường này sản xuất và nghiên cứu tình trạng an toàn của nó dưới các điều kiện thời tiết khác nhau với hy vọng điện sản xuất ra có thể dùng để thắp đèn đường, cung cấp cho các gia đình và ô tô chạy điện.

Thực ra SolaRoad không phải là dự án đầu tiên nhằm biến các con đường và lối đi thành những vật thu nhận năng lượng mặt trời và biến nó thành điện năng. Chẳng hạn nước Mỹ cũng có đường năng lượng mặt trời (Solar Roadways) do Scott Bursaw phát minh.

Báo The Guardian cho biết : Website Solar Roadways nói rằng nếu tất cả các con đường ở Mỹ đều được cải tạo thành đường mặt trời thì nước Mỹ sẽ sản xuất được một lượng điện lớn gấp 3 lần lượng điện nước này hiện đang sử dụng và giảm được 75% lượng khí thải nhà kính.

Theo Nguyễn Hải Hoành/tiasang.com.vn