Gia Lai Khánh thành Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thân thiện môi trường

Công ty TNHH một thành viên Sinh học Minh Hoàng Gia Lai vừa khánh thành giai đoạn I Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu sinh học và khai trương trạm phân phối Biodiesel B5 đầu tiên tại Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
nha may nhien lieu sinh hoc
Việc đưa nhà máy đi vào hoạt động để thực hiện sứ mệnh trở thành đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực tạo ra nhiên liệu sinh học dầu Biodiesel B100-B5 từ cây Jatropha và các loại cây có dầu khác, đánh dấu một bước tiến trong nền nhiên liệu sinh học Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chung sức bảo vệ hành tinh xanh.Được biết, để phục vụ cho sản xuất, Công ty đã đầu tư vùng nguyên liệu cây Jatropha ở một số huyện trong tỉnh với diện tích lớn, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường

Dành 1.000 tỷ đồng sẵn sàng hỗ trợ DN đổi mới công nghệ

Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia với số vốn 1.000 tỷ đồng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp muốn đổi mới, nâng cao khả năng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Khoa học và công nghệ.

sxsh

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa chính thức ra mắt Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Quỹ được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động của Quỹ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, Quỹ ra đời với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm cho xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tiếp nhận được các kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học kể cả công nghệ nhập khẩu và ứng dụng vào sản xuất kinh doanh để đổi mới công nghệ của chính doanh nghiệp.

Theo ông Quân tại doanh nghiệp Việt Nam hầu hết đều là mô hình doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, với quy mô hoạt động hạn chế nên doanh nghiệp không đủ năng lực để đầu tư và đổi mới công nghệ, nhưng nếu không đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, có sức cạnh tranh trên thị trường thì doanh nghiệp sẽ thua ngay cả trên sân nhà, chứ chưa nói đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì thế, sự hỗ trợ từ Chính phủ trong lĩnh vực này là rất cần thiết

Do đó, Quỹ này hoạt động nhằm vào doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp – doanh nghiệp khởi nguồn hay những doanh nghiệp được thành lập từ kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, các trường đại học….kết quả nghiên cứu là những giải pháp hữu ích có tính ứng dụng cao trong đời sống

Bộ trưởng Quân cho rằng, với mức đầu tư 1.000 tỷ, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể có thể trông cậy để đổi mới. Quỹ cho vay với với lãi suất thấp, thậm chí dự án lớn được Quỹ bảo lãnh vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong quá trình đổi mới công nghệ và đầu tư cho sản phẩm mới.

Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng nguồn vốn sẽ cạnh tranh, minh bạch. Theo quy định, mức hỗ trợ cao nhất của Quỹ đối với dự án có hàm lượng khoa học cao tối đa 30% tổng kinh phí của dự án do doanh nghiệp xây dựng. Quỹ ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí, tự động hóa…

Khi doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới thì phải trình được dự án đã được thông qua cấp quản lý trong lĩnh vực. Cụ thể, đối với doanh nghiệp địa phương thì dự án phải phù hợp với chiến lược địa phương đó, đối với bộ ngành thì phải phù hợp với chiến lược phát triển của ngành.

Sau cùng, Bộ sẽ có Hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học đầu ngành, đơn vị quản lý đầu ngành trong lĩnh vực đó để thẩm định dự án và quyết định mức đầu tư. Suốt quá trình tiếp theo phê duyệt các đơn vị chức năng của Bộ cùng với Quỹ sẽ giám sát quá trình sử dụng Quỹ cho dự án của doanh nghiệp, có báo cáo, đánh giá giữa kỳ hay kiểm tra đột xuất để đảm bảo doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích và cuối cùng là đánh giá nghiệm thu sản phẩm của dự án. Những gì nhà nước tài trợ thì sản phẩm phải tương ứng với điều kiện hội đồng đề ra.

Theo dantri.com.vn

Sản xuất sạch hơn: Bảo vệ môi trường và lợi ích doanh nghiệp

Ngày 30/1/2015 tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Sản xuất sạch hơn: Bảo vệ môi trường và lợi ích doanh nghiêp”  với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Ủy Ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện của gần 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ.

San xuat sach hon

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Võ Tuấn Nhân – Phó Chủ nhiệm UBKHCN và Môi trường của Quốc hội khẳng định: “Cùng với Chiến lược Tăng trưởng xanh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất theo hướng bền vững như: Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030… Thông qua đó, ở nhiều địa phương, nhiều ngành và lĩnh vực công nghiệp quan trọng đã có nhiều doanh nghiệp điển hình thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn. Điều này đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế và môi trường to lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho toàn xã hội”.

Hội thảo cũng được nghe báo cáo từ Văn phòng Ban điều hành Chiến lược sản xuất sạch hơn – Bộ Công Thương trong việc chia sẻ kết quả thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong thời gian qua cũng như giới thiệu đến các doanh nghiệp những công cụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn.

Tại Hội thảo các doanh nghiệp đều đồng tình về những lợi ích mà sản xuất sạch mang lại, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng đưa ra những khó khăn vướng mắc của mình trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào các vấn đề như: cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi, công nghệ…Đây sẽ là những ý kiến quý báu để các cơ quan quản lý có những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong thời gian tới.

Theo citinews.net

Singapore sẽ có bến cảng xanh đầu tiên trên thế giới

Với việc sử dụng các tấm bê tông tái chế, Singapore đang gấp rút biến cảng Jurong thành bến cảng xanh đầu tiên trên thế giới vào năm 2016.

cảng xanh Jurong

 Ảnh: http://customstoday.com.pk/

Đây một phần trong kế hoạch tổng thể mà Singapore đang tiến hành nhằm biến hệ thống cảng biển của nước này thành những bến cảng xanh, góp phần đưa “Đảo quốc Sư tử” trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu những bến cảng hiện đại và xanh, sạch nhất trên thế giới.

Để giảm lượng khí thải carbon, các bến sẽ sử dụng vật liệu xây dựng xanh được chứng nhận như xi măng, lưới thép và thanh gia cố màu xanh lá cây. Các bến bãi cũng được bố trí cảnh quan xanh, sạch, đẹp với hệ thống tưới tiêu sử dụng nước mưa cùng hệ thống cống xả được bố trí hợp lý để ngăn chặn lũ lụt…

Sau khi hoàn thành, Jurong sẽ trở thành một bến cảng hiện đại, với các trang thiết bị có thể đón được các tàu có trọng tải lớn. Khu vực lưu kho cũng sẽ được mở rộng lên 3,1 ha – tăng gần 30% so với diện tích hiện tại.

Ngày 16/1, cảng Jurong đã lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời trị giá 30 triệu SGD (tương đương khoảng 24 triệu USD). Giám đốc điều hành cảng Jurong, ông Ooi Boon Hoe cho biết, việc xây dựng các bến xanh là một trong nhiều sáng kiến mà cảng Jurong đã thực hiện để thúc đẩy phát triển môi trường bền vững.

Hiện tại, ngành dịch vụ cảng biển đóng góp khoảng 7% GDP của Singapore, với hệ thống cảng kết nối tới hơn 600 cảng của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo vietnamnet.vn

Hợp tác phát triển thành phố phát thải carbon thấp

Mới đây tại TP HCM đã diễn ra Hội nghị về Phát triển thành phố phát thải carbon thấp của Chương trình Phát triển thành phố phát thải carbon thấp giữa TPHCM và TP Osaka (Nhật Bản).

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp Điện tử)

 Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp Điện tử)

Hợp tác giữa TP HCM và TP Osaka trên phương diện quản lý môi trường, chất thải và ứng phó biến đổi khí hậu được bắt đầu triển khai từ tháng 7/2011 bằng Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai thành phố.

Giai đoạn đầu 2011 – 2013, hai thành phố cùng thực hiện Chương trình Quản lý tổng hợp chất thải bao gồm thu hồi năng lượng. Tiếp tục triển khai sâu và mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác, hai thành phố đã thống nhất thực hiện Chương trình Phát triển thành phố phát thải carbon thấp dựa trên cơ chế tín dụng chung JCM do Chính phủ Nhật Bản đề xuất từ năm 2011.

Tháng 10/2013, lãnh đạo hai thành phố đã ký kết Biên bản ghi nhớ về thực hiện Chương trình này với các lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm: Quy hoạch, hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển giao thông công cộng, quản lý nguồn nước bền vững, xử lý tổng hợp chất thải rắn theo hướng tái sinh năng lượng, xử lý nước thải công nghiệp và đô thị trên cơ sở TP Osaka hỗ trợ TP HCM triển khai các dự án theo Cơ chế tín dụng chung JCM.

Một trong những nội dung được triển khai trong năm 2014 vừa qua là xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 -2020 cho TP HCM trên cơ sở các cơ quan TP.Osakan phối hợp với các Sở ngành thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu TP.HCM để thực hiện. Vấn đề then chốt của Kế hoạch hành động là phải thu thập đầy đủ số liệu, chính xác để có thế tính toán được mức độ phát thải CO2 của thành phố; xác định mục tiêu giảm thiểu phát thải và đề xuất chính sách, giải pháp hành động để đạt mục tiêu. Hội nghị hôm nay là để hai TP Osaka và TP HCM đánh giá kết quả, tiến độ triển khai các chương trình dự án trong thời gian qua và đề xuất các bước tiếp theo trong giai đoạn tới.

Bộ TN-MT hoan nghênh và đánh giá cáo sáng kiến hợp tác phát triển carbon thấp giữa TP HCM và TP Osaka. Để triển khai sáng kiến một cách toàn diện, rất cần sự hợp tác không chỉ giữa cấp thành phố với thành phố, mà còn cần có sự hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu và đào tạo, giữa các DN và giữa các cụm dân cư với nhau. Thông qua hợp tác, các thế mạnh của TP Osaka, đặc biệt là thế mạnh về khoa học, công nghệ ít phát thải nhà kính sẽ được chuyển giao cho các đối tác TP HCM. Điều này sẽ góp phần quan trọng cho việc xây dựng xã hội ít phát thải carbon tại TP HCM. Sáng kiến hợp tác giữa hai thành phố sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa VN và Nhật Bản vì mục tiêu phát triển bền vững. Bộ TN-MT sẽ tích cực phối hợp với TP.HCM và TP Osaka để triển khai thực hiện mô hình hợp tác này” – Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Theo P.V/ Diễn đàn Doanh nghiệp Điện tử

Phê duyệt đầu tư Dự án “Dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng

Ngày 13/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 60/TTg-KTN đồng ý chủ trương đầu tư Dự án “Dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng” do Tổng công ty Viglacera – CTCP làm chủ đầu tư.

Hiện nay, các sản phẩm kính xây dựng đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và đang trở thành xu thế tất yếu trong tương lai. Công nghệ gia công kính đang hướng tới phát huy những tính năng tuyệt vời của kính, làm gia tăng các tính năng sử dụng như: chịu lực, tiết kiệm năng lượng, chịu lửa…. để ứng dụng cho các công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn an toàn, thân thiện với môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính.

Theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các công trình xây dựng có diện tích mặt sàn lớn hơn hoặc bằng 2500 m2 được yêu cầu phải sử dụng các loại kính TKNL. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm kính TKNL sẽ tăng trưởng nhanh đến năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định những năm sau đó.

Thăng Long Number One – Công trình sử dụng kính tiết kiệm năng lượng – “Công trình xanh” đầu tiên được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận

Hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều loại vật liệu TKNL, đặc biệt là kính TKNL phục vụ cho các công trình xây dựng. Do đó, việc xây dựng một dự án với mục tiêu cung cấp vật liệu TKNL cho ngành xây dựng là việc làm cấp thiết, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.

Dự án “Dây chuyền sản xuất kính TKNL” được phê duyệt với mục tiêu sẽ làm chủ công nghệ trình độ tiên tiến nhất thế giới được ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ vật liệu nano, góp phần thực hiện mục tiêu về phát triển công nghiệp công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu trong nước. Bên cạnh đó, dự án sẽ góp phần phát triển đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực công nghệ phủ màng mỏng nano và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này để hướng tới phát triển, ứng dụng công nghệ này sang các lĩnh vực khác như công nghiệp điện tử, pin năng lượng mặt trời.

Sử dụng dây chuyền thiết bị và công nghệ nhập khẩu từ Châu Âu, hiện đang được sử dụng tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Vương quốc Anh, Pháp… dự án sẽ sản xuất ra các dòng sản phẩm chiến lược như kính Solar control (kính được phủ lớp kim loại không chứa bạc bao gồm ba loại sản phẩm blue, green và neutral) và kính Low-E (kính được phủ lớp kim loại có chứa bạc) cho cả hai dòng sản phẩm kính hộp và kính đơn. Các sản phẩm chiến lược của Dự án được lựa chọn trên cơ sở giá thành sản phẩm, đặc điểm thời tiết và khí hậu của Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ của thị trường, điều kiện bảo quản, vận chuyển các sản phẩm này. Chất lượng sản phẩm của dự án được quản lý và thử nghiệm đạt các tiêu chuẩn quốc tế bao gồm: Tiêu chuẩn DIN EN 410; DIN EN 673; DIN EN ISO 2409; ASTM E1164; ASTM D2486 và ISO 3537; ASTM D4799. Các sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường thông qua hệ thống kênh phân phối hiện có của chủ đầu tư.

Dự án được chia ra làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án sẽ tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất kính TKNL với công suất 2,3 triệu m2/năm trong khu sản xuất hiện có của Công ty kính nổi Viglacera – Chi nhánh Tổng Công ty Viglacera tại Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ tập trung đầu tư dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng công suất 2,3 – 2,7 triệu m2/năm trong khu sản xuất của Công ty CP Kính Viglacera Đáp Cầu tại Đáp Cầu, Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư của dự án là trên 524 nghìn tỷ đồng, sẽ hoàn vốn sau khoảng 5 năm dự án đi vào hoạt động.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực từ đầu năm 2011 với khung pháp lý quy định rõ ràng về các điều kiện cũng như các yêu cầu cần thực hiện để đạt được mục tiêu TKNL đã đề ra. Khung pháp lý đã có, tuy nhiên, điều khó khăn của ta là vẫn thiếu những công nghệ, thiết bị TKNL được sản xuất trong nước. Do đó, dự án “Dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng” được kỳ vọng sẽ giúp cung cấp nguồn cung lớn cho các công trình của nước ta, góp phần đưa mục tiêu TKNL trở thành hiện thực.

Kính tiết kiệm năng lượng là loại kính có công năng cao, được gia công từ kính phẳng với lớp phủ siêu mỏng trên bề mặt, có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tính năng sử dụng, yêu cầu về độ trong suốt và màu sắc của kính, đồng thời có tính năng phát xạ thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ, dẫn tời giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài qua hệ thống vách kính, từ đó tiết kiệm chi phí năng lượng của hệ thống điều hòa không khí mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông.

Theo tietkiemnangluong.com.vn