Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ ra mắt Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia chính thức đi vào hoạt động đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong tư duy quản lý hoạt động khoa học công nghệ.

Chiều tối 8/1, tại Trung tâm hội nghị quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương đã tới dự lễ ra mắt Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Thủ tướng phát biểu tại lễ ra mắt Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia

Với vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia chính thức đi vào hoạt động đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong tư duy quản lý hoạt động khoa học công nghệ, đẩy mạnh gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với thực tiễn của doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu từ thực tế sản xuất, kinh doanh.

Trên tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia sẽ có các cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như thúc đẩy thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo thành lập các sản phẩm và dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng và các thành viên trong lễ ra mắt

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ đã khắc phục nhiều khó khăn để xây dựng và hình thành Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia-một định chế tài chính mới, quan trọng của Nhà nước nhằm đẩy mạnh đổi mới công nghệ của đất nước thông qua hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân mà trọng tâm là doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đổi mới công nghệ là giải pháp có ý nghĩa rất quyết định để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới công nghệ để có sản phẩm mới, dịch vụ mới có năng suất cao, có hiệu quả cao để nâng cao sức cạnh tranh. Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, cạnh tranh quyết liệt để phát triển. Quốc gia nào ứng dụng được nhanh, ứng dụng được tốt khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả của sản phẩm, của dịch vụ thì quốc gia đó sẽ phát triển nhanh, bền vững”.

Thủ tướng và các thành viên trong lễ ra mắt

Khẳng định Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia ra đời là một giải pháp để góp phần vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm mới và dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao,

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Hội đồng quản lý quỹ, Ban giám đốc quỹ và Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chấp hành đúng pháp luật, điều lệ hoạt động và quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia ngày càng lớn mạnh, hoạt động ngày càng hiệu quả, đóng góp thiết thực vào quá trình đẩy mạnh đổi mới công nghệ quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trở thành động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Theo VOV

 

Cả nước đã cấp 2.770 giấy phép xả thải, khai thác tài nguyên nước

Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong năm 2014, các địa phương đã cấp được khoảng 2.770 giấy phép tài nguyên nước các loại.

Trong đó, số lượng giấy phép xả nước thải chiếm 33%, khai thác sử dụng nước mặt 10%, thăm dò nước dưới đất 8%, khai thác sử dụng nước dưới đất 47%, hành nghề khoan nước dưới đất 2%.

ttxvn_nguon_nuoc_2

Năm 2015, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ đẩy mạnh giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cũng trong năm 2014, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tiếp nhận 81 hồ sơ đề nghị cấp phép về tài nguyên nước, thành lập 100 hội đồng thẩm định (bao gồm cả những hồ sơ tiếp nhận trong năm 2013) đồng thời hoàn thiện 100 hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đến nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tiến hành cấp 93 giấy phép tài nguyên nước trong đó 25 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, 36 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, 8 giấy phép thăm dò nước dưới đất, 19 giấy phép, khai thác, sử dụng nước dưới đất, 5 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

Theo đánh giá của ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước, việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép về tài nguyên nước trong năm qua đều tuân thủ đúng quy định hiện hành, đảm bảo tiến độ, chất lượng thẩm định.

Để đảm bảo việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước có hiệu quả, ông Thuần cũng cho biết, trong năm 2015, Cục Quản lý Tài nguyên nước sẽ tập trung xây dựng các Nghị định, Thông tư theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cục Quản lý Tài nguyên nước cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền Luật Tài nguyên nước, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước; tập trung xây dựng trình Bộ, trình Chính phủ Đề án thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành tài nguyên nước.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục Quản lý Tài nguyên nước cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, triển khai xây dựng các trạm quan trắc tài nguyên nước, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; thành lập, đưa vào hoạt động và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các công cụ hỗ trợ cho các Chi cục Quản lý Tài nguyên nước, các tổ chức lưu vực sông../.

Theo Vietnamplus.vn

Trọng tâm ngành thủy sản hướng đến trong năm 2015

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và giá trị gia tăng cao; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và góp phần giữ gìn biển đảo, an ninh quốc phòng…

thuysanbenvunghieuquahon

Năm 2015, ngành thủy sản sẽ giữ ổn định diện tích nuôi cá tra với khoảng 5.200 ha, chú trọng nâng cao chất lượng và tổ chức liên kết chuỗi, đảm bảo người nuôi có lãi.

Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong năm 2015, ngành thủy sản cả nước phấn đấu mục tiêu đạt tổng sản lượng 6,4 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác dự kiến đạt 2,6 triệu tấn (khai thác hải sản 2,4 triệu tấn, khai thác nội địa 200 ngàn tấn), sản lượng nuôi trồng 3,8 triệu tấn với giá trị sản xuất dự kiến tăng 6 – 6,5%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,5 tỷ USD.

Để đạt được các mục tiêu trên, định hướng của Tổng cục Thủy sản là tập trung triển khai có hiệu quả chương trình nâng cấp tàu thuyền đánh bắt xa bờ; hỗ trợ ngư dân áp dụng các kỹ thuật và thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả đánh bắt, bảo quản sản phẩm trên tàu; phát triển tổ, đội sản xuất trên biển. Mặt khác, Tổng cục Thủy sản cũng sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh trên thủy sản, trước hết là đối với một số vật nuôi chủ lực như: tôm, nhuyễn thể, cá tra. Song song với đó là tăng cường quản lý giống, thức ăn; kiểm soát việc sử dụng kháng sinh, xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Tại cuộc họp tổng kết năm 2014 và triển khai kế hoạch 2015, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Năm 2015, ngoài việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ; tập trung khai thác các sản phẩm chủ lực (cá ngừ, mực, bạch tuộc), ngành thủy sản cần tiếp tục gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

“Cùng với việc tổ chức triển khai hiệu quả Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tập trung triển khai xây dựng các Quy hoạch phát triển khai thác xa bờ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến 2030, ngành thủy sản cần chú trọng theo dõi tình hình tổ chức sản xuất, an ninh trên biển, biến động giá dầu phục vụ khai thác, dự báo ngư trường khai thác hải sản để tổ chức lại khai thác trên biển hiệu quả hơn nữa”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh

Năm 2014, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 6,3 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2013. Trong đó, sản lượng khai thác đạt gần 2,7 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm 2013; sản lượng nuôi trồng đạt 3,62 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2013, riêng sản lượng tôm nuôi đạt 660 ngàn tấn, tăng 112 nghìn tấn (+20,4%); Giá trị sản xuất thủy sản tăng 6,43% so với năm 2013.

Cũng theo ông Tám, năm 2015, ngành thủy sản cần chú trọng các giải pháp nhằm giữ ổn định diện tích nuôi cá tra với khoảng 5.200 ha, nâng cao chất lượng và tổ chức liên kết chuỗi, thực hiện tốt Nghị định 36 nhằm đảm bảo giá nguyên liệu ổn định, đảm bảo có lãi cho cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người nuôi. Bên cạnh đó là ổn định diện tích nuôi tôm sú với khoảng 650 nghìn ha, sản lượng 280 nghìn tấn; tăng cường phát triển nuôi tôm chân trắng ở các vùng có lợi thế với diện tích dự kiến đạt 100 nghìn ha; sản lượng 370 nghìn tấn.

Riêng đối với chế biến và tiêu thụ thủy sản, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo, ngành thủy sản cần bám sát định hướngđẩy mạnh giảm chế biến thô và sơ chế;  nâng cao tỷ trọng chế biến sâu các mặt hàng giá trị gia tăng cao, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường. “Ngoài ra, cần phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác và chế biến, thương mại sản phẩm thủy sản; giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống như: Hoa Kỳ, EU; phát triển thị trường tiềm năng mới nổi như: LB Nga, châu Mỹ và đẩy mạnh hơn nữa thị trường tiêu thụ trong nước”, ông Tám gợi mở…

Theo Tiến Dũng, ven.vn

Thách thức về môi trường từ chất thải thiết bị điện và điện tử

Trong 5 năm qua, ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình 45,5% năm.

ttxvn_dieuhoa150107

(Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN)

Riêng năm 2012, tổng doanh thu đạt 25,5 tỷ USD, trong đó doanh thu từ các thiết bị điện tử và phần cứng chiếm hơn 94% tổng doanh thu toàn ngành.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhưng cũng bộc lộ những thách thức ngày càng lớn về môi trường.

Gia tăng chất thải điện tử

Theo nghiên cứu của Nhóm các tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với doanh số tăng trưởng của ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam hơn 100% mỗi năm, sự gia tăng nhu cầu về thiết bị phần cứng ngày càng làm tăng số lượng thiết bị điện và điện tử thải bỏ (WEEE) hằng năm.

Trong khi đó, hoạt động thu gom và xử lý thiết bị điện và điện tử thải bỏ không đúng cách, đã và đang gây những tác động không nhỏ đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy giai đoạn 2004-2010, tỷ lệ sử dụng máy tính cá nhân tại mỗi hộ gia đình đạt 0,17 chiếc. Tỷ lệ sử dụng máy giặt, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ và tivi màu lần lượt tăng 183%, 139%, 32% và 23%.

Ước tính đến năm 2020, riêng thành phố Hà Nội sẽ phải thải bỏ tới 161.000 chiếc tivi, 97.000 PC, 178.000 tủ lạnh, 136.000 máy giặt và 97.000 chiếc điều hòa nhiệt độ.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính sẽ có 700.000 tivi, 290.000 PC, 424.000 tủ lạnh, 339.000 máy giặt và 330.000 chiếc điều hòa nhiệt độ bị thải bỏ.

Trong khi số lượng thải bỏ thiết bị điện và điện tử gia tăng nhanh chóng nhưng mức độ nhận thức của cộng đồng còn rất hạn chế.

Qua khảo sát của Nhóm các tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội tiến hành tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thì có tới 81% đến 100% số người được hỏi không tán thành với việc áp dụng thu phí thu gom.

Vì họ cho rằng hoạt động xử lý chất thải điện tử mang lại lợi nhuận cho đơn vị thu gom xử lý. Do đó đa số người dùng đều bán thiết bị thải bỏ cho người thu gom đồng nát, hoặc các cửa hàng sửa chữa điện tử tư nhân.

Bất cập trong thu gom xử lý

Theo quy định thì việc thu gom chất thải điện và điện tử được các Công ty Môi trường đô thị và một số đơn vị có giấy phép thực hiện. Nhưng trên thực tế, mạng lưới thu gom chất thải này phần lớn chịu sự chi phối của các cơ sở không chính thức, thay vì các cơ sở được cấp phép hoặc do nhà nước quản lý. Nên tỷ lệ chất thải điện, điện tử được các cơ sở có chức năng thu gom được không đáng kể.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đối với các hoạt động thu gom, xử lý và tái chế chất thải điện và điện tử cũng còn nhiều hạn chế, do khung pháp lý thiếu minh bạch và hiệu quả thực hiện chưa cao. Quá trình xử lý chất thải điện và điện tử chủ yếu do 13 cơ sở tư nhân được cấp phép thực hiện.

Những chất thải này thường được các làng nghề và trung tâm tháo dỡ bằng cánh giữ lại những linh kiện có giá trị rồi chuyển tới các cơ sở lắp ráp, tân trang lại và tái chế để tái sử dụng. Số chất thải không thể sử dụng được đốt đi và loại bỏ ra môi trường một cách tự phát.

Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng và công nghệ tái chế chất thải thiết bị điện và điện tử đạt chuẩn ở Việt Nam còn rất hạn chế. Quá trình khảo sát cho thấy chỉ có 3/15 cơ sở được cấp phép có đầy đủ công nghệ, trang thiết bị tái chế. Đồng thời có khả năng phục hồi và tái sử dụng nguyên liệu và xử lý đúng quy cách chất thải phát sinh trong quá trình tái chế. Nhưng quy mô tái chế của các cơ sở này chỉ đạt khoảng 25-30 tấn/ngày, trong khi ước tính số lượng chất thải thiết bị điện và điện tử phát sinh từ 61.000 đến 113.000 tấn/năm.

Ngoài ra tất cả các cơ sở tái chế chất thải thiết bị điện và điện tử đều cho rằng chi phí tái chế cao và thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, nên hoạt động tái chế hiện không mang lại lợi nhuận. Vì vậy dẫn đến phần lớn thiết bị điện tử thải bỏ thường được lắp ráp lại, tái sử dụng, xuất khẩu hay thải bỏ một cách tùy tiện gây ô nhiễm môi trường.

Chính hoạt động tái chế thiếu kiểm soát ở Việt Nam đang gây áp lực cho doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong việc xây dựng và triển khai hệ thống thu gom chất thải thiết bị điện và điện tử theo đúng quy trình, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường./.

Theo Vietnamplus.vn

Việt Nam cần 30 tỷ USD cho Chiến lược tăng trưởng xanh năm 2020

Việt Nam sẽ cần 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh vào năm 2020; trong đó, 70% sẽ từ khu vực ngoài Nhà nước. Ngoài ra, dự báo, Việt Nam mất 2-6% của GDP để khôi phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

08012014_kinh_thanh_Hue

Kinh thành Huế. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Thông tin này được Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo duc, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Phạm Hoàng Mai cho biết tại Hội thảo Kết quả rà soát khung thể chế và pháp lý về kế hoạch và đầu tư, năng lượng, công nghiệp và môi trường theo hướng tăng trưởng xanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 8/1.

Số tiền trên dùng để thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ với 66 hoạt động theo các chủ đề: thể chế; rà soát các quy hoạch; chuyển giao công nghệ; tạo cơ hội kinh doanh cho phát triển doanh nghiệp và tài chính.

Mặc dù vậy, theo ông Phạm Hoàng Mai, hiện Việt Nam còn thiếu chính sách để huy động nguồn tài chính, đặc biệt là các quỹ Khí hậu Quốc tế; đồng thời, khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo QĐ 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 theo QĐ 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014. Đây là những chính sách hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là rà soát khung thể chế và các quy hoạch ngành, lĩnh vực theo hướng tăng trưởng xanh.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, những kết quả quan trọng này thể hiện sự hợp tác rất chặt chẽ và hiệu quả giữa Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam thông qua sự hỗ trợ của KOICA Hàn Quốc cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện dự án này.

Ông Dr Taeho Ro, Giám đốc điều hành Trung tâm Chiến lược Quốc tế, Viện Môi trường Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam đang cố gắng áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh và kinh nghiệm, kiến thức từ một số quốc gia để đối phó với những thay đổi xã hội và môi trường đa dạng là kết quả của công nghiệp hóa nhanh chóng và phát triển kinh tế.

Ông Dr Taeho Ro cũng nhấn mạnh, các tập đoàn cần tăng cường hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở pháp lý và thể chế góp phần bảo vệ cơ sở hạ tầng môi trường, xã hội và kinh tế hơn nữa.

Trong khuôn khổ hội thảo có 3 Báo cáo khái quát về Tăng trưởng xanh ở Việt Nam và 4 báo cáo kết quả cụ thể rà soát khung pháp lý trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, công nghiệp, năng lượng và môi trường đã được báo cáo…/.

Theo Vietnamplus.vn

Xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính

Ngày 6/1, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (IPSI), Quỹ Châu Á (The Asia Foundation) và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho Khu công nghiệp và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.”

khi_thai_nha_kinh

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Dự án do Bộ Ngoại Giao Vương Quốc Anh tài trợ và Quỹ Châu Á hỗ trợ quản lý từ năm 2013.

Kế hoạch hành động được IPSI xây dựng dựa trên kết quả khảo sát, tham vấn ý kiến của 20 doanh nghiệp trong hai Khu công nghiệp nói trên nhằm tập hợp các giải pháp kỹ thuật, các chính sách hỗ trợ, trong đó đặt ra các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính gắn liền với lộ trình thực hiện và trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp.

Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính của Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng được xây dựng trong giai đoạn 2013-2014 và được Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng thông qua vào tháng 8/2014.

Hiện tại, các bên đang nỗ lực triển khai các hoạt động đề ra trong bản kế hoạch hành động cho khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp – Sở Công Thương và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng – Sở Khoa học Công nghệ.

Dự án đã hỗ trợ 6 doanh nghiệp trong khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và dự kiến tiếp tục hỗ trợ một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Liên Chiểu triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đang xây dựng và thí điểm Hệ thống quản lý phát thải khí nhà kính trực tuyến cho hai khu công nghiệp nói trên, đồng thời tổ chức chương trình truyền thông về giảm phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp và hàng trăm cán bộ công nhân viên làm việc trong khu công nghiệp.

Việc triển khai Dự án nói chung, xây dựng và thực hiện các giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động nói trên vừa góp phần giúp Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng thực hiện Đề án “Thành phố môi trường” vào năm 2020 vừa đem lại những lợi ích thiết thực cho nhiều bên đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp tham gia.

Ông Nguyễn Trí Thanh, cán bộ chương trình cấp cao của Quỹ Châu Á cho biết, dự án là một trong những nỗ lực ít ỏi giúp cơ quan quản lý cấp địa phương có công cụ quản lý phát thải khí nhà kính ở quy mô khu công nghiệp một cách hiệu quả, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về môi trường.

Bên cạnh đó, dự án tập trung giúp doanh nghiệp đánh giá được hiện trạng phát thải, thúc đẩy họ thực hiện các giải pháp giảm tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng, nhờ đó các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để doanh nghiệp và các khu công nghiệp thực hiện các giải pháp nêu ra trong kế hoạch hành động là thiếu vốn và năng lực kỹ thuật hạn chế.

Do đó, dự án đang phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (ICF) để kết nối hiệu quả hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho những doanh nghiệp quan tâm thuộc hai khu công nghiệp này trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Trần Thu Hằng, Phòng Môi trường và Phát triển bền vững IPSI, để Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho Khu công nghiệp đạt hiệu quả cần ưu tiên tập trung hỗ trợ về tài chính – kỹ thuật, thông tin kiến thức về Kỹ thuật năng lượng đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như Công ty thép Đà Nẵng, Công ty hóa chất, công ty ximăng Hải Vân tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, từ nguồn kinh phí ngân sách, từ nguồn khoa học công nghệ và sự nghiệp môi trường. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính quốc tế và nguồn vay vốn trong nước với lãi suất ưu đãi.

Các tổ chức tài chính trong nước, Quỹ đầu tư phát triển thành phố cũng cần chủ động nghiên cứu và đề xuất cơ chế cho vay ưu đãi đặc biệt đối với các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu tại các doanh nghiệp khu công nghiệp Liên Chiểu. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong khu công nghiệp Liên Chiểu thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng mô hình, hệ thống năng lượng ISO 50001, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 thông qua các chương trình, dự án của Bộ và tại địa phương.

Ngoài ra, cũng xem xét đến việc phân bổ, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động hỗ trợ một vài doanh nghiệp trong khu công nghiệp Liên Chiểu xây dựng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001…/.

Theo Vietnamplus.vn