Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp (CN) đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và nâng cao nhận thức, ý nghĩa của việc áp dụng SXSH vào hoạt động sản xuất CN trên địa bàn, Sở Công thương đã xây dựng đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.
Mục tiêu của SXSH là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách có hiệu quả nhất. Thay vì bị thải bỏ sẽ có thêm một tỷ lệ nguyên vật liệu nữa được chuyển vào thành phẩm hoặc để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm thì cần có sự điều chỉnh sản xuất hợp lý để tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng. Để đạt được điều này cần phải phân tích, đánh giá SXSH một cách chi tiết hệ thống trình tự vận hành cũng như thiết bị sản xuất hay môi trường làm việc. Do đó, đề tài tập trung đánh giá khả năng áp dụng SXSH cho một số DN, cơ sở sản xuất CN có tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, thất thoát nhiều nguyên, nhiên, vật liệu, sử dụng nhiều tài nguyên… Đồng thời, xây dựng mô hình áp dụng SXSH tại 1 đơn vị để theo dõi về việc giảm chi phí về nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, giảm chỉ số về môi trường, tăng năng suất lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của DN được áp dụng. Từ đó làm cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng áp dụng SXSH trong CN từ nay đến năm 2020. DN lựa chọn khảo sát và thống nhất các cơ hội triển khai áp dụng SXSH được tiến hành từ quản lý nội vi, cải tiến, khắc phục một số chi tiết hoặc thay đổi một số thiết bị, chi tiết… Thực hiện các giải pháp SXSH như: xây dựng các kế hoạch cụ thể; triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp; giám sát quá trình thực hiện. Đo lường và đánh giá kết quả về mức độ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, mức độ giảm ô nhiễm và hiệu quả kinh tế.
Đây là đề tài đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng KHCN vào SXSH trong CN, sử dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu đánh giá phân tích, dựa vào các tài liệu, tư liệu, thông tin đã có và tình hình áp dụng thực tế của các DN trên địa bàn để khuyến nghị các giải pháp xác đáng nhất cho việc áp dụng SXSH trong thời gian tới. Từ kết quả thực tế mang lại của mô hình áp dụng SXSH sẽ lan tỏa, tuyên truyền tính hữu ích của hoạt động SXSH đến mọi đối tượng, nhất là các DN có quy trình sản xuất tương tự. Kết quả nghiên cứu là cơ sở dữ liệu để lựa chọn đơn vị đánh giá khả năng áp dụng SXSH các năm tiếp theo; giúp thay đổi tư duy quản lý, điều hành sản xuất tại các DN, mở ra tiềm năng cải tiến công nghệ, đầu tư máy móc, sắp xếp lại quy trình sản xuất, điều chỉnh quản lý nội vi tốt hơn… Thông qua việc thực hiện đề tài này góp phần nâng cao năng lực kỹ năng tư vấn hỗ trợ DN trong áp dụng SXSH và phổ biến và tuyên truyền, giới thiệu trên thông tin đại chúng về lợi ích của việc áp dụng SXSH trong CN.
Từ năm 2009, tỉnh đã triển khai thực hiện các nội dung và nhiệm vụ của Chiến lược SXSH trong CN đến năm 2020, bước đầu đã nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích của chiến lược này trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng, giảm lượng phát thải ra môi trường, góp phần phát triển CN bền vững. Ông Đoàn Ngọc Tính, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, nguồn vốn khuyến công tỉnh và các nguồn vốn sự nghiệp khác, Sở Công thương đã tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ kỹ thuật. Đồng thời, tiến hành điều tra lấy phiếu các mô hình và phân tích, lựa chọn các mô hình sản xuất CN trên địa bàn tỉnh để khảo sát theo các lĩnh vực, ngành nghề như khai khoáng; chế biến nông sản; sản xuất rượu, bia, nước giải khát; chế biến thủy sản; may mặc; sản xuất nhựa; cao su; phân bón; xi măng, gạch ngói, tấm lợp; chế tạo cơ khí, đúc gang và thép… đánh giá khả năng áp dụng SXSH. Từ kết quả khả sát, tư vấn các giải pháp áp dụng và hỗ trợ triển khai áp dụng một số nội dung từ đơn giản đến phức tạp, nội dung có thể áp dụng ngay mà không đòi hỏi nhiều kinh phí… để đánh giá, so sánh hiệu quả mang lại bước đầu, trên cơ sở đó hoàn thiện khuyến nghị các giải pháp căn cơ. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn các DN thực hiện việc kiểm toán năng lượng để đưa ra những giải pháp sử dụng năng lượng một cách hiệu quả, cùng với chính sách hỗ trợ DN về đổi mới ứng dụng tiến bộ KHCN, chính sách khuyến công, chính sách môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ góp phần tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm được chi phí sản xuất, đặc biệt góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh tại các cơ sở chế biến thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về SXSH cũng được chú trọng nhằm tăng cường và nâng cao nhận thức, hiểu biết về lợi ích của việc áp dụng SXSH vào hoạt động sản xuất CN-TTCN cho đội ngũ cán bộ quản lý và lãnh đạo, các chủ DN, cán bộ kỹ thuật, công nhân trực tiếp sản xuất tại các nhà máy.
Trong những năm qua, sản xuất CN trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh, có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện CNH, HĐH đất nước. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất CN gây ra ngày càng có chiều hướng gia tăng do hầu hết các DN, cơ sở sản xuất CN trên địa bàn thuộc loại hình DN nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất ở mức trung bình, lạc hậu, khả năng đổi mới công nghệ tiên tiến, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác đa số DN chưa quan tâm xử lý cuối đường ống để đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường. Chính vì vậy, SXSH được xem là một giải pháp quản lý môi trường theo hướng chủ động, giảm thiểu phát thải từ đầu vào sản xuất, tối ưu hoá tài nguyên và sử dụng tiết kiệm năng lượng…
Để phát triển CN bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường thì SXSH là giải pháp cần thiết giúp cơ sở sản xuất CN cải tiến từng bước các thiết bị và sắp xếp lại quy trình sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng. Nhưng hiện nay chỉ có một số ít DN sản xuất CN nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc áp dụng SXSH. Lợi ích của SXSH chưa được cộng đồng DN nhận thức đầy đủ để nó trở thành nhu cầu cấp thiết trong quá trình sản xuất của DN. Do đó, việc áp dụng SXSH vào thực tiễn cần có sự tiếp sức từ phía nhà nước bắt đầu từ thí điểm áp dụng SXSH tạo hiệu ứng, lan toả đến các cơ sở khác, hình thành mạng lưới áp dụng SXSH tại tỉnh phù hợp với điều kiện và lợi thế của tỉnh. Khi DN nâng cao nhận thức và được tiếp sức áp dụng SXSH sẽ góp phần cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phế thải; giảm ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý chất thải; cải thiện sức khỏe nghề nghiệp và an toàn môi sinh, môi trường làm việc, góp phần phát triển CN của tỉnh một cách bền vững.