Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam tham gia Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”

Với tư cách là một trong những đơn vị tư vấn tham gia thực hiện Dự án, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tham gia Hội thảo giới thiệu Dự án vào các ngày 6/8, 12/8 và 14/8/2015 được tổ chức lần lượt tại các tỉnh Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Thông qua các hoạt động khảo sát và đánh giá sơ bộ ban đầu tại 3 KCN – gồm KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ) và KCN Hoà Khánh (Đà Nẵng) được lựa chọn thí điểm triển khai chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái – được thực hiện trong tháng 7 vừa qua, PGS. TS. Trần Văn Nhân (giám đốc VNCPC) đã có bài trình bày về tiềm năng thực hiện nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) trong các doanh nghiệp tại đây. Kết quả đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia VNCPC cho thấy toàn bộ các công ty được khảo sát đều có tiềm năng thực hiện cải thiện hiện quả sản xuất và chuyển đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Mức tiết kiệm được ước tính như sau:

  • KCN Khánh Phú (8 doanh nghiệp được khảo sát): năng lượng 5-20%, nước 10-30%;
  • KCN Trà Nóc 1&2 (16 doanh nghiệp được khảo sát): điện 5-30%, nước 5-20%;
  • KCN Hoà Khánh (8 doanh nghiệp được khảo sát): năng lượng 5 – 10%, nước 3-5%;

Ngoài ra, các doanh nghiệp đều có cơ hội tiết kiệm nguyên vật liệu với mức độ phụ thuộc vào các ngành nghề khác nhau.

IMG-20150806-03313

PGS. TS Trần Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn VN trình bày báo cáo sơ bộ về tiềm năng RECP của các doanh nghiệp trong buổi hội thảo tại Ninh Bình 06/08/2015 

Trong khuôn khổ Dự án, các doanh nghiệp tại đây khi đăng ký tham gia dự án sẽ được đào tạo về RECP, được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và nguồn vốn để đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường. Hỗ trợ từ Dự án được thực hiện theo quy trình toàn diện gồm: đánh giá hiện trạng, xác định tiềm năng và phương án chuyển đổi, lập hồ sơ vay vốn để tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính như Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (bảo lãnh 50% và trả thưởng tới 25% vốn vay ) hoặc hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo vệ Môi trường, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia với các dự án thay đổi công nghệ khả thi.

Mr. Dong_Can Tho-1

Ông Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo tại thành phố Cần Thơ ngày 12/08/2015

Tại các Hội thảo, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời là Giám đốc Quốc gia của Dự án đã có lời phát biểu khai mạc và khẳng định “ Với cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến và các nguồn tài chính ưu đãi, thực hiện chuyển đổi với chi phí hợp lý, Dự án hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng doanh thu gắn với phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập hiệu quả”.

Tiếp theo phiên khai mạc, tại Ninh Bình, ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có lời phát biểu chào mừng Hội thảo. Tại Cần Thơ, ông Trần Minh Kiệt – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN và Khu Chế xuất thành phố Cần Thơ đã phát biểu chào mừng Hội thảo và đánh giá “các hỗ trợ của dự án dành cho các doanh nghiệp trong tỉnh để cải thiện sản xuất, được hỗ trợ về vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ là kịp thời và cần thiết cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay”. Tại Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Đức – Phó ban Quản lý các KCN và Khu Chế xuất thành phố Đà Nẵng cũng có lời phát biểu chào mừng Hội thảo và cho rằng việc lựa chọn KCN Hòa Khánh của Đà Nẵng làm mô hình thí điểm là rất hữu ích cho các doanh nghiệp tại đây.

IMG_2793

Ban Chủ toạ Hội thảo tại Đà Nẵng ngày 14/8/2015 

Tại hội thảo, ông Heinz Leuenberger – Cố vấn trưởng kỹ thuật của Dự án đã có bài thuyết trình giới thiệu Dự án, mô tả các hoạt động và lợi ích Dự án sẽ mang lại cho sự phát triển các KCN nói chung và doanh nghiệp trong KCN nói riêng.

IMG_2788

Ông Heinz Leuenberger – Cố vấn trưởng Dự án trong bài phát biểu tại hội thảo ở Đà Nẵng 14/08/2015

Trong phần giới thiệu về cơ chế tài chính xanh cho các hoạt động đầu tư công nghệ sạch và phát thải ít các bon dành cho các doanh nghiệp trong KCN, TS. Nguyễn Đình Chúc – Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng nhận định “Một trong những khó khăn cơ bản mà các doanh nghiệp trong nước gặp phải là tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho các khoản đầu tư vào công nghệ do hạn chế trong năng lực lập hồ sơ kỹ thuật và tài chính. Cơ chế hỗ trợ của Dự án sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản chi phí để đầu tư cho sản xuất và cải thiện công nghệ. Đây là lợi thế nổi trội mà các doanh nghiệp tham gia Dự án có được khi tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi từ Dự án”.

Kết thúc chương trình Hội thảo buổi sáng, đoàn chuyên gia và đại diện Ban quản lý Dự án đã có buổi làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp gồm: Nhà máy Kính nổi Tràng An – Chi nhánh công ty TNHH Dương Giang (KCN Khánh Phú); Công ty Thuỷ sản Quang Minh, Công ty Thuỷ sản Phương Đông và Công ty TNHH Thái Sơn(Khu CN Trà Nóc 1); Công ty Thép Việt Mỹ và Nhà máy Giấy Tân Long (Khu CN Hoà Khánh) vào buổi chiều cùng ngày. Các doanh nghiệp đều bày tỏ sự quan tâm đến Dự án và một số công ty đã đăng ký tham gia ngay sau buổi làm việc cũng như cam kết sẽ tích cực phối hợp với bên Dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO và các cơ quan liên quan hy vọng kết quả của Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ và cải thiện môi trường tại các KCN, đồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

Theo Admin VNCPC

Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng đến mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” tại các tỉnh Nình Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do UNIDO tài trợ không hoàn lại  từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) với tổng mức tài trợ lên tới 53 triệu USD.

Mục tiêu của Dự án là tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Một chiếc xe của Xi măng duyên Hà rời Cảng Khánh Phú sau khi đã ăn đầy than

Hội thảo giới thiệu Dự án sẽ được tổ chức vào các ngày 6/8, 12/8 và 14/8/2015 lần lượt tại 3 tỉnh Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng nhằm mục tiêu ra mắt dự án, cập nhật thông tin đến các cơ quan liên quan và doanh nghiệp tiềm năng tại 3 tỉnh trọng tâm, cũng như thông báo tiến độ thực hiện Dự án và các cơ chế hỗ trợ tài chính tham gia Dự án.

Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Giám đốc dự án sẽ chủ trì các Hội thảo. Thành phần tham dự Hội thảo bao gồm: Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý Dự án; các Sở, ban ngành, Ban quản lý các KCN và các doanh nghiệp trong các KCN tỉnh Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng; Đại diện cơ quan quản lý và triển khai dự án cũng như các nhà tài trợ (UNIDO, SECO và GEF); Đại diện các Quỹ cam kết tham gia cho Dự án.

Là một trong những đơn vị thực hiện dự án, đại diện Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam sẽ trình bày tại hội thảo Báo cáo sơ bộ tiềm năng đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp tại các KCN Khánh Phú – Ninh Bình, KCN Trà Nóc 1 & 2 – Cần Thơ và KCN Hoà Khánh – Đà Nẵng và giới thiệu trường hợp doanh nghiệp đổi mới thành công.

Đại diện Quỹ uỷ thác tín dụng xanh (GCTF) sẽ tham dự Hội thảo nhằm giới thiệu cơ chế hỗ trợ tài chính của Quỹ  tới các doanh nghiệp trong việc xúc tiến đầu tư đổi mới thiết bị/công nghệ theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất và đồng thời thân thiện với môi trường.

Ban Quản lý Dự án sẽ dành thời gian để trao đổi và làm việc trực tiếp tại một số doanh nghiệp tham gia Dự án.

Admin VNCPC

Thúc đẩy phát triển bền vững thị trường cá tra ở Châu Âu

Nhằm giúp các hộ nuôi, doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra có cơ hội tìm hiểu về thị trường cá tra nước ngoài. Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” tiếp tục hỗ trợ đoàn doanh nghiệp tham gia các hoạt động tại Hội chợ Thủy sản toàn cầu từ 21-23 tháng 5 năm 2015 tại Brussels (Vương quốc Bỉ).

Đoàn gồm đại diện các đơn vị tham gia dự án, bao gồm: Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (WWF-VN) và Áo (WWF-Áo), đại diện 6 doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra và 1 đại diện của Hợp tác xã nuôi cá tra tại tỉnh An Giang.

5

 Các đối tác của dự án đang tiếp các nhà nhập khẩu cá tra ở Châu Âu

Năm 2014 dự án cũng đã tổ chức cho đoàn doanh nghiệp tham gia Hội chợ và kết quả là hầu hết các doanh nghiệp đều có thêm khách hàng mới đến từ Châu Âu và một số quốc gia khác. Đặc biệt khi tham gia sự kiện, đại diện các doanh nghiệp đã được thăm quan một số siêu thị ở Bỉ để tìm hiểu về thị trường cũng như so sánh sản phẩm cá tra của Việt Nam so với các loại sản phẩm khác dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Qua chuyến thăm quan, một doanh nghiệp đã ký kết trực tiếp bán hàng cho siêu thị và đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp cá tra Việt Nam bán hàng trực tiếp cho siêu thị không qua các đối tác nhập khẩu trung gian.

Mục đích của việc tham gia Hội chợ lần này đối với các Doanh nghiệp là được tận mắt thấy các sản phẩm thủy sản của các nước khác trên thế giới, các mô hình nuôi chất lượng, an toàn, các loại máy móc thiết bị hiện đại, trao đổi kinh nghiệm cũng như kết nối thị trường. Dự án SUPA cũng đã thuê một gian hàng phục vụ cho việc quảng bá thông tin và là nơi gặp gỡ trao đổi giữa các nhà buôn, nhà nhập khẩu và doanh nghiệp. Trong gian hàng cũng bố trí các túi đựng catalogue, tờ rơi, các chứng nhận của doanh nghiệp kèm theo đó là các đĩa CD giới thiệu về sản xuất và chế biến cá tra hướng đến việc phát triển bền vững, thân thiện với môi trường để phát cho khách hàng thăm quan.

6

 Doanh nghiệp chế biến cá tra đang đàm phán với khách hàng

Tham dự Hội chợ, Dự án SUPA cùng với các đối tác khác là Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ những nước đang phát triển – CBI (Bộ Ngoại giao Hà Lan), VASEP và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) tổ chức buổi Diễn đàn với chủ đề “Diễn đàn kinh doanh Quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững cá tra Việt Nam”. Diễn đàn diễn ra trong thời gian Hội chợ nên nhận được sự quan tâm rất lớn từ các tổ chức quốc tế như WWF, các đơn vị chứng nhận thủy sản, các nhà nhập khẩu, bán lẻ từ Hà Lan, Anh, Pháp, các doanh ngiệp sản xuất và chế biến cá tra Việt nam, các cơ quan báo chí là đại diện của Việt Nam tại Châu Âu như Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Tại diễn đàn này, về phía Việt Nam Ông Phạm Anh Tuấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản) đã giới thiệu hiện trạng ngành sản xuất chế biến cá tra, các vấn đề cơ bản cần phải cải thiện để hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt là giới thiệu Nghị định 36 nhằm kiểm soát, minh bạch thông tin và nâng cao chất lượng cá tra Việt Nam. Qua đây các nhà nhập khẩu, bán lẻ cũng hiểu hơn về cam kết của Chính phủ Việt Nam vì một nền sản xuất bền vững cá tra nói riêng và thủy sản nói chung.

Admin VNCPC

Chuỗi sự kiện Ngày hội bền vững cùng GetGreen Việt Nam

Chuỗi sự kiện Ngày hội bền vững cùng dự án GetGreen Việt Nam giai đoạn 2 sẽ diễn ra trong tháng 3,4/2015 tại 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

ngay-hoi-ben-vung-800x320

Đay là chuỗi sự kiện kết nối các cá nhân, tổ chức đã tham gia vào tập huấn Tiêu dùng bền vững từ tháng 10/2014 đến tháng 01/2015. Chuỗi sự kiện đánh dấu dấu mốc hoàn thành mục tiêu đào tạo 1000 “Hạt giống Thay đổi” hướng tới phong cách sống và làm việc bền vững tại Việt Nam và mang ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực của Liên minh châu Âu và chương trình SWITCH – Asia trong việc hỗ trợ Việt Nam trên lộ trình phát triển bền vững.

Tại sự kiện, các Hạt giống Thay đổi xuất sắc sẽ chia sẻ những thay đổi tích cực của bản thân hướng tới Tiêu dùng bền vững và sức lan tỏa tới cộng đồng sau khi hoàn thành tập huấn trong giai đoạn 2 của dự án.

Trước đó,  tại 4 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, GetGreen Việt Nam đã triển khai tập huấn cho 26 nhóm tiêu dùng thuộc đối tượng Sinh viên, Nhân viên văn phòng và Cộng đồng bằng phương pháp tập huấn mới mẻ kết hợp với Đồng sáng tạo. Với 8 chủ đề tập huấn gồm 75 chỉ dẫn Sống Xanh gắn liền với công việc và sinh hoạt đời thường, hoạt động tập huấn tập trung vào thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi hành vi để sống, học tập và làm việc thông minh hơn và thân thiện với môi trường.

Kết thúc giai đoạn tập huấn thứ 2, 516 cá nhân tại 4 thành phố được trao chứng chỉ “Hạt giống Thay đổi” của dự án. Các Hạt giống sẽ tiếp tục thuyết phục, thay đổi những người thân, bạn bè, đồng nghiệp xung quanh để cùng hình thành cộng đồng tiêu dùng bền vững.

Bà Tạ Hương Thu – Điều phối viên quốc gia dự án GetGreen Việt Nam chia sẻ: “Mục tiêu cuối cùng của GetGreen Việt Nam là thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Sau ba năm nghiên cứu và triển khai, dự án đã đào tạo 1099 Hạt giống Thay đổi hướng tới phong cách sống Bền vững tại 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ; và chính những Hạt giống này đang tiếp tục sứ mệnh của dự án lan tỏa, thuyết phục nhiều người hơn nữa cùng nhau thay đổi để sống thân thiện hơn với môi trường, hơn thế nữa là giữ gìn những điều tốt lành cho thế hệ mai sau.

NGÀY HỘI BỀN VỮNG

 Thành phố Thời gian Địa điểm
Hà Nội Sáng 14/03/2015 Khách sạn Fortuna
Cần Thơ Sáng 22/03/2015 Khách sạn Vạn Phát -Fortuneland
Đà Nẵng Sáng 29/03/2015 Khách sạn Grand Mercure Đà Nẵng
TP.HCM Sáng 05/04/2015 Khách sạn Vissai Sài Gòn

Thông tin liên hệ

Nguyễn Thị Phương Nhung (Ms.)
Phụ trách truyền thông

M: +84 978 479 415
T: +84-4-38684849 – ext 33 | F: +84-4-36231294
E: [email protected]

 Theo Admin GetGreen

 

Sinh viên hiến kế phát triển hệ thống rau sạch

Trong chuỗi hoạt động của GetGreen Việt Nam – dự án được đồng tài trợ bởi chương trình SWITCH-Asia của Liên minh châu Âu, sinh viên trường ĐH Đông Á đã tham gia chuyến đi thực tế và đồng sáng tạo với doanh nghiệp trồng rau hữu cơ tại làng Trà Quế, Hội An.

du an song xanh 6

35 sinh viên thuộc Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn và Công nghệ thực phẩm đã tham gia hành trình khám phá làng nghề Trà Quế (TP. Hội An, Quảng Nam). Tại đây, nhóm sinh viên đã được anh Trần Quốc Tuấn – thành viên Hợp tác xã Trà Quế giới thiệu mô hình trồng rau tổng hợp của gia đình, tìm hiểu lịch sử văn hóa của làng rau và mô hình trồng rau sạch đang tạo nên giá trị cho thương hiệu rau Trà Quế, Hội An.

du an song xanh 7

Nhóm sinh viên tỏ ra rất thích thú trước những thông tin mà anh Quốc Tuấn cung cấp. Trong đó, quy trình làm rau sạch từ khâu làm đất đến chọn giống, bón phân, thậm chí cách tạo phân bón từ những thành phần có sẵn trong tự nhiên được anh Quốc Tuấn hướng dẫn tận tình. Một chi tiết thú vị khiến nhóm GetGreen bất ngờ là nhiều nông dân trong làng rau đã ứng dụng công nghệ vi sinh phân hủy rơm rạ để làm phân bón, sử dụng rong làm phân bón từ gốc, sản xuất rau sạch theo quy trình khép kín,.. nhờ vậy mà không ảnh hưởng đến môi trường và an toàn cho người sử dụng.

du an song xanh 8

Sau khi tham quan, các sinh viên đã cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp để giúp người tiêu dùng có thêm kiến thức giúp họ thực hiện tiêu dùng bền vững. Cụ thể, từng nhóm đã làm việc theo những câu hỏi cụ thể: Làm thế nào để cung cấp thông tin hữu ích về rau Trà Quế tới người tiêu dùng bằng phương pháp online, offline, giới thiệu trực quan ngay tại làng nghề, tự thực hiện trồng rau hữu cơ ngay tại nhà.

du an song xanh 9

Sau vài phút làm việc tích cực, các nhóm sinh viên đã đưa ra rất nhiều phương án sáng tạo được anh Trần Quốc Tuấn và cán bộ dự án GetGreen ghi nhận. Có thể kể ra như: tạo trang website riêng, tổ chức sự kiện giới thiệu, thành lập chuỗi nhà phân phối rau sạch, thiết kế các tour du lịch trải nghiệm, quảng các trực quan bằng hình ảnh, băng rôn, áp phích, tá điền thành thị,…

Trong hoạt động đồng sáng tạo với doanh nghiệp, sinh viên còn được trải nghiệm cuộc sống của người dân ngay tại làng nghề. Được tận tay chọn rau, đổ bánh xèo, gói tam hữu để tận hưởng hương vị rau sạch Trà Quế.

du an song xanh 10

Ấn tượng với cánh đồng rau xanh mướt, mùi thơm nồng nàn thoang thoảng. Được tiếp cận với quy trình sản xuất rau sạch, an toàn cho cộng đồng, tin rằng sau buổi trải nghiệm thực tế này, 35 sinh viên tham gia dự án GetGreen sẽ trở thành những hạt giống tích cực làm lan tỏa hiệu ứng của GetGreen, đẩy mạnh các giải pháp tiêu dùng bền vững, bảo vệ môi trường.

Theo donga.edu.vn

Sinh viên ĐH Đông Á tham gia dự án GetGreen Việt Nam

Từ ngày 7/12/2014 đến ngày 4/1/2015, sinh viên trường ĐH Đông Á tham gia dự án GetGreen Việt Nam – dự án được đồng tài trợ bởi chương trình SWITCH-Asia của Liên minh châu Âu.

Cụ thể, có 35 sinh viên thuộc Khoa Khoa học xã hội & Nhân văn và Công nghệ thực phẩm được lựa chọn tham gia dự án GetGreen Việt Nam. Đây là dự án thúc đẩy tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, tập trung vào thúc đẩy cách sống và làm việc bền vững của những người có thu nhập trung bình tại khu vực thành thị. Dự án được thực hiện bởi Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam, và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam, Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan).

Trong quá trình tham gia dự án, sinh viên được tiếp cận với các phương pháp tiêu dùng bền vững, lựa chọn các thói quen sống hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống. Đồng thời chính các sinh viên sẽ tự đưa ra những hiện trạng cuộc sống và hiến kế để có hành động thích ứng, tạo hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.

Trong buổi đầu tiên, các sinh viên thực hành về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của cán bộ dự án, từng nhóm sinh viên thảo luận về hiệu quả trong việc thay đổi thói quen tiêu dùng, những mong muốn và hành động cụ thể của bản thân để thay đổi thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay và trong tương lai.

Dự án cũng sẽ có các buổi đi thực tế xen kẽ những buổi thảo luận tại lớp. Trong những buổi này, sinh viên được tiếp cận với các mô hình sản xuất xanh. Thực hành phương pháp tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm năng lượng. Đồng hành cùng doanh nghiệp sáng tạo các giải pháp cụ thể để nhân rộng giải pháp tiêu dùng bền vững.

Sau khi kết thúc dự án, 35 sinh viên này sẽ nằm trong nhóm ít nhất 1.000 người tiêu dùng bao gồm Sinh viên, Người Nội trợ, Nhân viên văn phòng trong cả nước sẽ là những hạt giống thay đổi, nhân rộng các phương pháp của dự án vào cộng đồng. Kết nối giữa phía cung và cầu, sáng tạo ra các sản phẩm bền vững có tính khả dụng và đi vào cuộc sống.

Admin getgreen.vn