GCTF tham gia sự kiện “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp”

Ngày 26/11, khách sạn Sheraton Hà Nội, sự kiện được tổ chức nhằm kết nối các đối tác hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, diễn dàn được phối hợp thực hiện bởi Ban quản lý dự án VIIP và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV).

IMG_8091

Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh (GCTF) đã tham dự gian hàng trưng bày nhằm quảng bá Quỹ cũng như các tài liệu chuyên đề về Sản xuất Sạch Hơn – Sử dụng năng lượng hiệu quả tới các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, tư vấn và các tổ chức phát triển khác.

Một số thông tin về dự án:

VIIP là dự án Đổi mới Sáng tạo Hướng tới người thu nhập thấp do Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2018 với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB). Mục tiêu chung của Dự án là hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức nghiên cứu trong việc tiếp nhận, nâng cấp, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, y dược học cổ truyền, công nghệ thông tin và truyền thông.

Diễn đàn có sự tham gia của một số tổ chức như: Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF), Dự án Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ (FIRST), Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Chương trình Hỗ trợ Cạnh tranh Toàn cầu (GCF)…

Admin VNCPC

Giới thiệu Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) – Bản tin Công nghệ và Đời sống – VTV1

Dự án SUPA tham gia Hội chợ Thủy sản VietFish 2014 và Diễn đàn cá tra Việt Nam

Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” do EU tài trợ với các đối tác thực hiện là Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), WWF-Việt Nam và WWF-Áo thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy nền sản xuất cá tra Việt Nam phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Trong các ngày từ 6-8/8/2014, dự án SUPA đã tham gia Hội chợ Thủy sản xuất khẩu Việt Nam (VietFish) và có gian hàng ở đây nhằm quảng bá các thông tin về hoạt động và các kết quả của dự án đến với doanh nghiệp. Trước đó, ngày 5/8/2014 dự án SUPA đã tổ chức một đoàn thăm quan thực tế tại nhà máy chế biến của Công ty GODACO nằm ở khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang) và vùng nuôi cá tại Bến Tre. Đoàn thăm quan là các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ ở Châu Âu và các nhà báo trong, ngoài nước, các tổ chức chứng nhận. Ngoài ra, tham gia đoàn thăm quan lần này còn có một số các nhà nhập khẩu lớn của Brazil, Kazakhstan,…

Vietfish 1

Đoàn các nhà nhập khẩu nghe giới thiệu về Công ty

Vietfish 2

Thăm quan thực tế khu vực sản xuất

Sau khi thăm quan thực tế tại doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu đã đánh giá rất cao chất lượng và quy mô của sản xuất của Công ty trong việc đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu. Hình ảnh thực tế này khác xa rất nhiều so với thông tin mà các nhà nhập khẩu có được từ một số các phương tiện thông tin đại chúng ở Châu Âu và Nam Mỹ.

Vietfish 3Gian hàng của dự án SUPA tại Hội chợ

Vietfish 4

Ông Hoàng Thành (cán bộ phái đoàn châu Âu tại Việt Nam) và bà Esther Luiten (Giám đốc Kinh doanh thương mại của ASC) thăm gian hàng

Trong Hội chợ lần này, Dự án SUPA đã kết hợp cùng VASEP tổ chức Diễn đàn cá tra Việt Nam với chủ đề: “Phát triển bền vững cá tra tại thị trường Châu Âu” với các tham luận giới thiệu về thị trường cá tra Việt Nam các khó khăn và thách thức từ các diễn giả của Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Dự án SUPA, Công ty ANOVA (Hà Lan) và tổ chức chứng nhận ASC.

Vietfish 5

Các diễn giả tham dự buổi đối thoại

Vietfish 6

Các đại biểu tham dự

Đã có hơn 200 đại biểu quan tâm tham dự diễn đàn, trong đó có gần 100 đại biểu đến từ 80 công ty sản xuất và chế biến cá tra, các đại biểu là đại diện cho các cơ quan quản lý chính sách của địa phương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức chứng nhận, các nhà nhập khẩu Châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ,…Tại diễn đàn cũng đã có rất nhiều câu hỏi trao đổi thông tin về thị trường của các nước nhập khẩu đặc biệt thị trường Châu Âu cũng như các tiêu chuẩn cần thiết đáp ứng nhu cầu.

Sau lần tổ chức thành công lần này, các bên đối tác thực hiện dự án SUPA đã thống nhất tổ chức thường niên Diễn đàn để tạo kênh thông tin trao đổi cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách giúp cá tra Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững.

VNCPC admin

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế ENTECH lần thứ 6

Từ ngày 21 đến ngày 23/5/2014, Hội chợ triển lãm Quốc tế ENTECH Hà Nội 2014 (Năng lượng Hiệu quả – Môi trường) đã diễn ra tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E (Hà Nội) với hơn 200 gian hàng của khoảng 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước trưng bày các công nghệ sản phẩm tiết kiệm năng lượng và môi trường đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển.

Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) cũng tham gia Hội chợ nhằm giới thiệu đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, các nhà cung ứng thiết bị và giải pháp kỹ thuật công nghệ, và các đơn vị khác có quan tâm một cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho các dự án thay đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm tác động môi trường.

Entech1

 Giới thiệu Quỹ GCTF tại triển lãm ENTECH 2014

Các sản phẩm, công nghệ năng lượng-môi trường tại Entech Hanoi 2014 sẽ tập trung vào các lĩnh vực là công nghệ xây dựng; năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nguồn năng lượng; giao thông vận tải, xăng dầu và khí đốt; than và năng lượng tập hợp; tư vấn tiết kiệm năng lượng; công nghệ xử lý chất thải công nghiệp; công nghệ xử lý môi trường phục vụ sinh hoạt.

Image1

  Quỹ GCTF được điều phối bởi Trung tâm VNCPC

 Gian hàng của GCTF đã tiếp xúc với nhiều đơn vị bạn cùng tham gia triển lãm cũng khách tham quan. Các bên cùng trao đổi về những khả năng xây dựng dự án liên quan tới:

  • Sử dụng năng lượng mới, tái tạo thay thế cho các dạng năng lượng không tái tạo;
  • Lắp đặt các loại thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thay thế cho các thiết bị hiện có của các doanh nghiệp trong nhiều ngành sản xuất khác nhau: đèn chiếu sáng, bộ phận gia nhiệt, thiết bị phát nhiệt và phát điện di động, …

entech8

 Tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp tới dự Hội chợ ENTECH về Quỹ GCTF

Admin VNCPC

VNCPC và dự án SUPA tham dự Hội chợ Thủy sản Châu Âu tại Brussels Bỉ từ 6-8/5/2014

Hàng năm cứ vào dịp tháng 5, Hội chợ Thủy sản Châu Âu lại diễn ra với sự tham dự của hơn 100.000 người từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự chủ trì của Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và các đối tác khác là VASEP, WWF-Việt Nam và WWF-Áo đã tham gia và có một gian hàng tại hội chợ nhằm giới thiệu dự án tới các tổ chức, các nhà nhập khẩu, các nhà buôn quốc tế.

Dự án cũng đã tài trợ cho 5 doanh nghiệp tham gia Hội chợ thủy sản Châu Âu nhằm kết nối thị trường. Trong buổi khai mạc, gian hàng Thủy sản Việt Nam đã có sự tham dự của ông Phạm Sanh Châu đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ kiêm nhiệm tại Ủy ban Châu Âu, đại diện Tổng Cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Đại diện Đài truyền hình Việt Nam tại Châu Âu, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu, cơ quan báo chí quốc tế và doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi Họp báo khai mạc gian hàng Việt Nam, Ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Thủy sản đối với cơ cấu kinh tế Việt Nam và cam kết với quốc tế về một định hướng phát triển bền vững cho thủy sản  nói chung và cá tra nói riêng.

1

 Họp báo Khai mạc gian hàng Thủy sản Việt Nam

Sau buổi Họp báo, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã tới thăm gian hàng và nghe giới thiệu về dự án cũng như kết quả đạt được bước đầu. Đại sứ rất hoan nghênh nỗ lực của các tổ chức tham gia thực hiện dự án và mong muốn có nhiều hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan Việt Nam và tổ chức Châu Âu nhằm quảng bá thủy sản Việt Nam cũng như giúp doanh nghiệp Việt Nam hướng tới một nền sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.

2

Đại sứ Phạm Sanh Châu thăm gian hàng của dự án

3

Cơ quan thường trú Đài TH VN tại Bỉ đến đưa tin

4

Chuyên gia dự án Carson Ropper đưa các doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường tại các chuỗi siêu thị ở Châu Âu

Admin VNCPC

Trưng bày “Không gian sống bền vững”

Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức trưng bày các sản phẩm mẫu bền vững tại khu trưng bày “Không gian sống bền vững – Sustainnable Living Space”, ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 29/4. 

 VNCPC giới thiệu các sản phẩm mẫu bền vững và không gian đồng sáng tạo, hỗ trợ hoạt động thúc đẩy tiêu dùng bền vững của dự án GetGreen Việt Nam.


PGS.TS Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam, cho biết các sản phẩm mẫu trưng bày đại diện cho 2000 sản phẩm được phát triển trong các dự án hợp tác với 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, Lào, và Campuchia.

“Chúng tôi hy vọng khu trưng bày “Không gian sống bền vững” cũng là không gian đồng sáng tạo của thày trò Đại học Bách khoa Hà Nội với các doanh nghiệp, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp sản xuất, phục vụ tích cực cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước.”

TS Marcel Crul, Đại diện Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan), giám sát dự án SPIN, chia sẻ: “Tôi tin rằng “Không gian sống bền vững” được đặt tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giúp mở ra 1 cơ hội lớn để đưa các chuyên gia, từ phía trường đại học và các doanh nghiệp, cùng ngồi lại để trao đổi, chia sẻ các ý tưởng về bền vững và đổi mới. Tôi rất hy vọng khu trưng bày sẽ là nơi ươm mầm cho các sáng kiến và những dự án hợp tác đổi mới, cùng mang lại lợi ích cho tất cả.”


Các sản phẩm mẫu tại khu trưng bày là kết quả sau 7 năm nỗ lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo của các chuyên gia Việt Nam và Hà Lan hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong 2 dự án Sản xuất Sạch hơn vì Sản phẩm Tốt hơn (CP4BP) và Đổi mới Sản phẩm Bền vững (SPIN) 


Dự án Đổi mới Sản phẩm Bền vững (SPIN) được thực hiện từ tháng 4/2010 đến tháng 3/2014 hỗ trợ các doanh nghiệp và được triển khai tại 3 nước Việt Nam, Lào, và Campuchia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi nhuận thông qua thực hiện đổi mới sản phẩm theo hướng bền vững, đồng thời giảm tác động môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội trong suốt vòng đời sản phẩm.


Trước đó, các sản phẩm được trưng bày tại showroom Hàng Xanh – Green Street, số 45, Bát Sứ, Hà Nội, từ tháng 9/2013 đến tháng 3/2014.


Khu trưng bày sẽ tiếp tục đón nhận các sản phẩm bền vững của các doanh nghiệp có mong muốn giới thiệu sản phẩm, mở rộng mạng lưới và tăng cường cơ hội hợp tác với các cá nhân, tổ chức hoạt động cùng lĩnh vực; đồng thời nơi đây sẽ diễn ra các hoạt động tập huấn tiêu dùng bền vững cho 52 nhóm Sống Xanh của dự án GetGreen Việt Nam, thuộc Chương trình SWITH – Châu Á của Liên minh Châu Á nhằm song song thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.


Dự án GetGreen Việt Nam thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt Nam tại 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, và Cần Thơ nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức tiêu dùng và cơ quan chính phủ trong việc thuyết phục và hỗ trợ người tiêu dùng ra quyết định hướng tới hành vi bền vững.


“Không gian sống bền vững – Sustainnable Living Space” được kiến tạo với sự ủng hộ của các đối tác, đặc biệt là Đại học Công nghệ Delft (TUDeflt), Hà Lan – cơ quan chủ trì thực hiện dự án và ban giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm để tiếp tục giới thiệu các sản phẩm sau khi dự án SPIN kết thúc.















 

 Theo Mạnh Cường (MOITRUONG.COM.VN)