Điện than gặp khó, điện khí lên ngôi

Tài chính cho nhiệt điện than đang trở nên eo hẹp khi nhiều tổ chức tài chính nói không với nguồn điện này. Trong khi điện gió, điện mặt trời vẫn còn những nhược điểm, thì hệ thống điện Việt Nam giai đoạn tới sẽ phải dựa vào một trụ cột khác: nhiệt điện khí.

Khép cửa với nhiệt điện than

Trong phiên họp với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào 21/9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài nhằm thúc đẩy nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu. Động thái mới này được cho là có thể hạn chế đáng kể việc cung cấp tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than trên thế giới.

Ngay sau khi tuyên bố này được đưa ra, một chuyên gia tài chính quốc tế đang làm việc ở Thái Lan kể rằng sau phát biểu của ông Tập Cận Bình, các ngân hàng Trung Quốc nói luôn sẽ không tài trợ vốn cho nhiệt điện than nữa.

Điện than gặp khó, điện khí lên ngôi.

Chuyện thu xếp vốn cho các dự án điện thực ra đã khó từ năm 2016. Nếu để ý sẽ thấy gần đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới thu xếp vốn được thêm cho nhiệt điện Quảng Trạch 1, song đến nay mới gọi là chọn xong nhà thầu EPC, và nhà máy này vay vốn trong nước của Vietcombank.

Còn lại từ 2017 đến giờ không có nhà máy nhiệt điện lớn nào được triển khai. Có nhiều lý do dẫn đến việc này nhưng lý do chính là không vay được vốn ngoại”, vị này chia sẻ từ kinh nghiệm thu xếp vốn mà bản thân tích lũy được.

Từ năm 2016 trở đi, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tuyên bố không hỗ trợ vốn cho điện than theo công nghệ siêu tới hạn. Ngay sau đó một số ngân hàng quốc tế như Pháp, Hà Lan cũng nói không với điện than, chỉ còn ngân hàng Trung Quốc vẫn tài trợ vì Trung Quốc không nằm trong OECD nên không bị chi phối bởi tổ chức này.

Tuy nhiên, đến nay với tuyên bố của ông Tập Cận Bình, “cửa” thu xếp vốn này cũng khép dần lại. Hàng loạt dự án điện than sẽ đối mặt khả năng thiếu vốn. Điều “an ủi” là các dự án nhiệt điện than trong Quy hoạch điện 8 đều là các dự án được chuyển tiếp từ quy hoạch điện 7 và 7 điều chỉnh sang, nhiều dự án trong số đó đã có kế hoạch tài chính rõ ràng nên ít bị ảnh hưởng.

Nhưng những diễn biến trên thị trường tài chính thế giới cho thấy, tương lai vốn cho nhiệt điện than sẽ thực sự trở nên bế tắc. Trong khi đó, yêu cầu có được một hệ thống điện chạy ổn định, kiểm soát được, chủ động được là điều bất cứ quốc gia nào cũng phải lưu tâm. Do đó, tìm được nguồn điện thay thế được sự thiếu hụt của nhiệt điện than trong tương lai phải được tính đến khi điện gió, mặt trời vẫn bị hạn chế về khả năng phát điện ổn định.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt “đại gia” trong nước cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt cho điện khí. Ngày 24/10, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh đã được khởi động. Đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW, kinh phí đầu tư gần 48.000 tỷ đồng của tổ hợp nhà đầu tư PV Power – Colavi – Tokyo Gas – Marubeni.

Trước đó, Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) giai đoạn I (công suất 1.500 MW) với tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỷ đồng cũng đã được tỉnh Quảng Trị cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Là nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn hàng đầu Việt Nam với 1.294MW, nhiều năm qua tập đoàn Trung Nam vẫn đang theo đuổi dự án nhiệt điện khí ở Cà Ná – nơi phù hợp làm cảng nước sâu vận chuyển khí.

Thực tế, khi xây dựng quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã tính toán gia tăng đáng kể tỷ trọng điện khí trong tổng công suất nguồn điện. Theo đó, đến năm 2025 công suất lắp đặt nhiệt điện khí (tính cả LNG) là 14.117 MW, chiếm tỷ lệ 13,4-13,7%; công suất nhiệt điện khí đến năm 2030 tăng rất mạnh, tăng lên đến 27.471-32.271 MW, chiếm tỷ lệ 21,1-22,4% tổng công suất. Đến năm 2045, công suất nhiệt điện khí tiếp tục tăng lên, chiếm tỷ lệ 23,5-26,9%. Đây là hướng đi phù hợp với xu hướng chung của thế giới, góp phần gia tăng nguồn điện thân thiện với môi trường hơn trong hệ thống điện Việt Nam.

Lo nguồn cung khí

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng hiện nay các nước không làm nhiệt điện than, mà làm nhiệt điện khí – khí hóa lỏng LNG, nguồn điện này ổn định và ưu điểm hơn nhiệt điện than rất nhiều. Nhưng việc nhập khí cho các nhà máy điện sẽ gặp không ít thách thức và phụ thuộc phần lớn vào thị trường quốc tế.

TS Ngô Đức Lâm không khỏi tiếc nuối khi Việt Nam để “lỡ thời cơ nhập khí giá rẻ”. Thời điểm năm 2015, giá khí hóa lỏng đắt gấp rưỡi giá than, cho nên nhiều nước không nhập. Nhưng từ 2016 đến nay, nhất là từ khi Covid-19 xảy ra, Mỹ khai thác được nhiều nguồn khí với mức giá cạnh tranh. Nhu cầu khí trên thị trường thế giới cũng suy giảm do Covid-19 nên khiến thừa khí và giá giảm nhiều.

“Lúc đó, Việt Nam lại không nghiên cứu việc nhập khí trong khi Trung Quốc nhập rất nhiều. Sắp tới, Việt Nam bắt đầu tính chuyện nhập khí thay cho các nhà máy điện than thì cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thậm chí phải mua lại từ các nước khác”, ông phân tích.

Theo tính toán của Viện Năng lượng trên cơ sở cập nhật tiến độ khai thác của các mỏ khí từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào tháng 8/2021, tổng khả năng cung cấp khí trong nước (khí hydro carbon) cho sản xuất điện trong phương án cung cơ sở sẽ tăng từ 6,5 tỷ m3/năm vào năm 2020 lên khoảng 8,6 tỷ m3/năm vào năm 2025 và hơn 10,6 tỷ m3/năm.

Sản lượng khí cung cấp cho điện tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sẽ giảm dần. Giai đoạn 2015-2045, nguồn cung khí cho điện chỉ còn nguồn khí miền Trung (mỏ Cá Voi Xanh và Báo Vàng) và nguồn khí Lô B, tổng cung khí cho điện giai đoạn này duy trì là 7,7 tỷ m3/năm.

Khu vực Đông Nam Bộ cần phải bù khí cho các hộ tiêu thụ từ LNG nhập khẩu từ năm 2021. Khu vực Tây Nam Bộ, hiện khí PM3CAA đã suy giảm, phải mua khí từ Malaysia để bù khí cho khu vực Cà Mau. Khí Lô B chỉ đủ cấp cho Trung tâm điện lực Ô Môn (3800 MW), phần khí của các mỏ nhỏ có sản lượng và số năm khai thác thấp, chỉ có thể đảm bảo cho phụ tải ngoài điện hoặc xem xét bù khí cho nhiệt điện Cà Mau (giảm mua khí từ Malaysia), không đủ để cấp thêm cho nhiệt điện Kiên Giang (đã có trong QHĐ VII ĐC).

Khu vực miền Trung, khí Cá Voi Xanh chỉ đủ cấp cho 5 nhà máy đã được quy hoạch tại Dung Quất và Chu Lai với tổng công suất 5×750 MW, khí Báo Vàng đủ cấp cho NĐ khí Quảng Trị (340 MW) và 1 số phụ tải ngoài điện. “Dù sao, việc nhập khí trên thị trường quốc tế hiện nay vẫn thuận lợi hơn nhập than. Khí trong nước cũng vẫn còn khả năng khai thác thêm. Do đó, tương lai là nhiệt điện than sẽ giảm và thay vào đó là nhiệt điện khí”, ông Ngô Đức Lâm chia sẻ.

Theo Tạp chí Đầu tư Tài chính
https://petrotimes.vn/dien-than-gap-kho-dien-khi-len-ngoi-633658.html

KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực khi có sự kết nối

Ngày 19/11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO); Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) cùng Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tổ chức “Hội thảo Tập huấn nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Cộng sinh công nghiệp” nhằm giới thiệu mô hình, lợi ích và xu hướng phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái trên thế giới cũng như giới thiệu về phương pháp thực hiện chuyển đổi KCN sinh thái tại Việt Nam.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án “Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, có tổng kinh phí trên 1,8 triệu USD, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hơn 1,68 triệu USD từ Chính phủ Thuỵ Sỹ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO), vốn đối ứng là 138.800 USD từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 05 tỉnh/thành phố, gồm: Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Triển khai mô hình KCN sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về KCN sinh thái nói riêng, cũng như lồng ghép trong các quy định của pháp luật về môi trường, công nghiệp và các chính sách có liên quan.
Hiện dự án đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức cho các bên về mô hình KCN sinh thái trên thế giới và những giải pháp thực hiện chuyển đổi KCN sinh thái theo quy định của Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều các cán bộ, doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước và các đơn vị có liên quan.
Tại hội thảo các khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP), các khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp sẽ được các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày. Hội thảo cũng sẽ trao đổi về mối quan tâm và mong đợi từ Ban Quản lý các KCN và khu chế xuất Tp. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước và các doanh nghiệp tại KCN trong việc thực hiện chuyển đổi sang KCN sinh thái.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia chương trình đào tạo về Hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Cộng sinh công nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc dự án cho biết: Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc dự án phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Quân cũng nhấn mạnh rằng: Sự phát triển của mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.
VNCPC

Phương pháp đặc biệt biến rác nhựa sinh học thành phân bón

Các nhà khoa học tại Nhật Bản vừa phát triển thành công phương pháp giúp chuyển nhựa sinh học thành phân bón, góp phần thúc đẩy việc tái sử dụng rác thải nhựa trong tương lai.

Các loại rác nhựa sinh học sử dụng một lần đang gây ô nhiễm tại nhiều nơi trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, hiện mới chỉ có 14% rác nhựa thực sự được tái chế. Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm từ nhựa là tái chế chúng để sử dụng lại nhiều lần.

Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học tại Nhật Bản đã phát triển phương pháp chuyển nhựa sinh học thành phân bón. Nhưng họ nói rằng, phát hiện của họ thậm chí còn có ý nghĩa rộng lớn hơn đối với việc tái sử dụng rác nhựa trong tương lai. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành Green Chemistry, tập trung vào nhựa poly (isosorbide carbonate – PIC) có nguồn gốc sinh học.

“Chúng tôi rất lạc quan và tin rằng công trình của chúng tôi là cột mốc quan trọng đối với việc phát triển các vật liệu polyme bền vững và có thể tái chế trong tương lai gần. Điều này đồng nghĩa với kỷ nguyên của ‘bánh mì làm từ nhựa” cũng sắp đến gần”, Daisuke Aoki, tác giả chính của nghiên cứu cho hay.

Theo các nhà khoa học, chất dẻo sinh học là chất dẻo được làm từ sinh khối đã được đề xuất như một chất thay thế bền vững hơn cho chất dẻo từ dầu mỏ. Đặc biệt, PIC được làm từ một monome (đơn vị cấu tạo nên đa phân tử) gọi là isosorbide (ISB), một sản phẩm phụ không độc của glucose. ISB có thể được biến thành phân bón thông qua một quá trình gọi là ammonolysis (trong quá trình này, amoniac được sử dụng để tách carbon kết nối các monome ISB. Điều này tạo ra urê, là một chất giàu nitơ làm ra một loại phân bón phổ biến).


Quy trình tái chế rác nhựa sinh học của các nhà khoa học Nhật Bản.

Trong quá trình thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã tìm cách hoàn thành phản ứng bằng cách sử dụng càng ít năng lượng và dung môi hữu cơ càng tốt. Đầu tiên, họ thử phản ứng trong nước 30 độ C ở áp suất khí quyển. Họ đã có thể tạo ra urê, nhưng phản ứng không hoàn thành trong vòng 24 giờ và PIC chưa bị phân hủy hoàn toàn. Tuy nhiên sau đó họ phát hiện ra rằng việc tăng nhiệt độ nước lên mức 90 độ C dẫn đến phản ứng hoàn toàn trong vòng sáu giờ đồng hồ.

“Phản ứng xảy ra mà không cần đến bất kỳ chất xúc tác nào, chứng tỏ quá trình phân giải PIC có thể dễ dàng thực hiện bằng cách sử dụng amoniac trong nước và đun nóng ở nhiệt độ cao hơn. Do đó, quá trình này vận hành đơn giản và thân thiện với môi trường nhìn từ quan điểm tái chế hóa chất”, ông Daisuke Aoki cho biết thêm.

Liên quan tới việc phát triển phương pháp nhằm biến nhựa thành phân bón, trước đó, công ty khởi nghiệp Neptune Plastic cũng phát triển loại nhựa từ vật liệu cấp thực phẩm (an toàn cho người tiêu dùng) có thể ủ trong vườn nhà. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một số tranh luận xung quanh việc liệu nhựa sinh học có thực sự là giải pháp thân thiện với môi trường cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác nhựa hay không.

Bởi có một điều chắc chắn rằng không phải lúc nào chúng cũng phân hủy sinh học nhanh như trên các quảng cáo. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc mới đây đưa ra kết luận rằng, rác nhựa phân hủy rất chậm trong đại dương trước khi chúng có thể trở thành một giải pháp thay thế có ý nghĩa.

Các giải pháp tái chế tuần hoàn như cách mà nhóm của giáo sư Daisuke Aoki đang đề xuất sẽ giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những lo ngại rằng việc phát triển sinh khối cho nhựa sinh học có thể góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng về khí hậu và đa dạng sinh học bằng cách chiếm diện tích đất có giá trị có thể được sử dụng để lưu trữ carbon hoặc môi trường sống.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/phuong-phap-dac-biet-bien-rac-nhua-sinh-hoc-thanh-phan-bon-d193951.html

Hội thảo tập huấn nâng cao năng lưc Hiệu quả Tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Công sinh công nghiệp

Trong khuôn khổ của dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái Toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ và thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), hội thảo này sẽ cung cấp khóa tập huấn nâng cao năng lực về cách tiếp cận Khu công nghiệp sinh thái cho ban quản lý KCN và các doanh nghiệp trong KCN.

Link đăng ký: https://vncpc.org/dang-ky-hoi-thao-kcnst/
Hội thảo được thực hiện bằng tiếng Anh và tiếng Việt (Có phiên dịch)

Thời gian 13h00-17h00 ngày 19/11/2021 và 13h00 -17h00 ngày 24/11/ 2021

MỤC TIÊU HỘI THẢO:
» Lợi ích của KCN sinh thái, Mô hình KCN sinh thái theo khung khổ quốc tế; Quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái.
» Khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP)
» Khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp;
» Mối quan tâm và mong đợi từ Ban Quản lý các KCN và Chế xuất Tp. Hồ Chí Minh (HEPZA), Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước và các doanh nghiệp trong KCN;
» Xây dựng mạng lưới liên lạc của dự án;
» Lập kế hoạch hoạt động của dự án và các bước hỗ trợ tiếp theo của Dự án với các Doanh nghiệp và các bên liên quan tại KCN Hiệp Phước- Tp.Hồ Chí Minh.

ĐẠI BIỂU THAM GIA HỘI THẢO:
» Cán bộ trong ban quản lý KCN;
» Các doanh nghiệp trong KCN và các bên liên quan (lãnh đạo, các cán bộ kỹ thuật trong doanh nghiệp và khu công nghiệp), và những người quan tâm tới dự án từ ngoài KCN.

VNCPC

Làm thế nào để giới hạn mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,5°C

Vừa qua, Đại học Công nghệ Sydney (UTS) đã công bố nghiên cứu mới đối với việc phân bổ ngân sách carbon (lượng phát thải CO2 tối đa) toàn cầu lần đầu cho các lĩnh vực khó cắt giảm – 12 ngành công nghiệp vĩ mô chính của mỗi quốc gia.

Các nhà khoa học từ UTS đã tính toán ngân sách carbon liên quan đến năng lượng cho các ngành công nghiệp bao gồm ngành công nghiệp nhôm, thép, hóa chất, xe hơi và hàng không.


Các ngành công nghiệp cơ bản như luyện kim, hàng không… có mức phát thải CO2 rất lớn.

Nghiên cứu cho thấy vẫn có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C và thực hiện Thỏa thuận Khí hậu Paris. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có hành động khí hậu kịp thời bởi các ngành sử dụng nhiều năng lượng nhận được sự hậu thuẫn từ các ngành tài chính, các chính sách dài hạn và đáng tin cậy từ phía chính phủ.

Ngân sách carbon toàn cầu để giúp mức tăng nhiệt không vượt quá 1,5°C với 67% khả năng diễn ra là 400 tỷ tấn CO2 cho đến năm 2050. Ngành thép sẽ có ngân sách carbon là 19 tỷ tấn CO2 (chiếm 5,0%), ngành xi măng có 9 tỷ tấn CO2 (2,4%) và ngành công nghiệp nhôm có 6 tỷ tấn CO2 (1,6%). Ngân sách carbon lớn nhất được tính toán phân bổ cho các công trình (kiểm soát biến đổi khí hậu và điện năng) với 88 tỷ tấn CO2 (22,6%), và giao thông đường bộ với 82 tỷ tấn CO2 (21,1%).

Phó giáo sư Sven Teske, người đứng đầu nghiên cứu tại UTS cho biết: “Điều quan trọng là phải có một ngân sách carbon dựa trên cơ sở khoa học cho các ngành cụ thể để thực hiện các mục tiêu khí hậu cho tất cả các bộ phận của các ngành này. Chúng tôi nhận thấy rằng cho đến nay, các công ty điện lực có trách nhiệm lớn nhất: Họ phải cung cấp đủ năng lượng tái tạo cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất, thép, xi măng, nhôm và cho các loại xe điện không sử dụng xăng dầu”.

Ngân sách phát thải cho từng ngành cụ thể đó lại được chia nhỏ thành phát thải phạm vi 1, 2 và 3, giúp xác định trách nhiệm đối với lượng phát thải đó.

Cho đến nay, hệ thống này mới chỉ được áp dụng cho các công ty, chưa áp dụng một cách chi tiết cho toàn bộ lĩnh vực của các ngành công nghiệp hoặc một khu vực. Để định hướng đầu tư sao cho phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0, ngành tài chính cần một mô hình tổng thể cho lộ trình giữ mức tăng nhiệt thấp hơn/không vượt quá 1,5°C. Các nhà khoa học của UTS đã phát triển một mô hình – Mô hình Khí hậu OneEarth (OECM) – để bù đắp lỗ hổng trong các đường lối khử carbon cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp.

Mục tiêu phát thải cho một lĩnh vực cụ thể, ví dụ: lĩnh vực công nghiệp thép và lượng phát thải theo “Phạm vi” có thể được sử dụng làm tiêu chuẩn và hướng dẫn cho việc ra quyết định đầu tư. Hiện tại, có thể phát triển các lộ trình phát thải cho các phân loại ngành, sau đó được ghi lại trong một mô hình nhất quán phù hợp với mức tham vọng phát thải ròng bằng 0. Các thành viên của Liên minh Chủ sở hữu Tài sản có mức phát thải ròng bằng không được Liên Hợp Quốc hỗ trợ (tạm gọi tắt là Liên minh) đã bắt đầu sử dụng mô hình.

Mười hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chính được phân tích gồm: Công nghiệp nhôm, hóa chất, xi măng, thép, dệt và đồ da, điện và khí đốt, nông nghiệp, lâm nghiệp, hàng không, công nghiệp vận tải biển, vận tải đường bộ, bất động sản và các công trình.

Günther Thallinger, Chủ tịch Liên minh Chủ sở hữu Tài sản có mức phát thải ròng bằng 0 cho biết: “Lộ trình của lĩnh vực trong Mô hình Khí hậu OneEarth có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho ngành tài chính, về việc ra quyết định đầu tư, bởi mô hình này dựa trên cách tiếp cận tích hợp toàn diện. Nó cũng cho thấy mức độ chi tiết cần có để củng cố phân tích của các nhà đầu tư. Thông tin cung cấp chi tiết về ngân sách và phạm vi từng ngành, đặc biệt là về sự kết nối và trách nhiệm”.

Là trường mô hình tương tác lớn đầu tiên gửi tín hiệu mạnh mẽ đến các cuộc đàm phán tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu và Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP UNFCCC), Liên minh chủ sở hữu tài sản có mức phát thải ròng bằng 0 đang hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của mô hình OECM và áp dụng các phát hiện và dữ liệu mới nhất của UTS để đưa thông tin về mục tiêu của nhóm nhà đầu tư, thiết lập quy tắc và tạo lập khuôn khổ báo cáo.

Liên minh là một nhóm quốc tế gồm 60 tổ chức đầu tư cam kết chuyển đổi nguồn đầu tư trị giá khoảng 10 nghìn tỷ USD cho lộ trình phát thải ít hơn/không vượt quá hạn mức vào năm 2050.

UTS đưa ra 6 khuyến nghị cho lãnh đạo các quốc gia:

Ngừng đầu tư vào các dự án dầu khí mới; Đảm bảo loại bỏ than vào năm 2030 ở các nước thuộc tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), từ năm 2030 đến năm 2040, tất cả các khu vực cần dần loại bỏ than; Dừng sản xuất ô tô chở khách sử dụng động cơ đốt trong chạy bằng dầu vào năm 2030;

Chính phủ cần đưa ra các kế hoạch chuyển đổi phát thải ròng bằng không chi tiết; Thiết lập và thực hiện các mục tiêu đầu tư, cho vay và hỗ trợ đầu tư loại bỏ carbon phù hợp với mục tiêu giữ mức tăng nhiệt thấp hơn/không vượt quá 1,5°C;

Các công ty công bố và thực hiện chiến lược giảm thiểu tác động của khí hậu, bao gồm: thiết lập mục tiêu ngắn hạn và trung hạn, thiết lập mục tiêu và minh bạch về các hoạt động cam kết cũng như đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng như các giải pháp khí hậu.

Tùng Dương
https://petrotimes.vn/lam-the-nao-de-gioi-han-muc-tang-nhiet-o-nguong-15-c-631674.html

Chương trình đạo tạo online miễn phí “Hóa học xanh – Từ ý tưởng đến hành động”

Khóa đào tạo được thực hiện theo hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Zoom, thời gian dự kiến từ 25/11 – 20/12/2021.

Dự án “Bộ công cụ IOMC về Quản lý hóa chất – Từ ý tưởng đến hành động” được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU). Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Trung tâm Sản xuất sạch hơn Serbia là 2 đơn vị phối hợp thực hiện nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi tăng cường năng lực quản lý hóa chất theo hướng hiệu quả và bền vững.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) – thành viên của BK-Holdings (Đại học Bách Khoa Hà Nội) được lựa chọn là đơn vị để tổ chức Khóa đào tạo về “Hóa học xanh – Từ ý tưởng đến hành động”. Mục tiêu của khóa đào tạo là nâng cao nhận thức và năng lực triển khai áp dụng các công cụ quản lý hóa chất trong chiến lược quản lý hóa chất hiệu quả và bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.

Khóa đào tạo được tổ chức theo hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Zoom, thời gian dự kiến từ 25/11 – 20/12/2021. Trong thời lượng 7 buổi, có 1 buổi giới thiệu chung về bộ công cụ IOMC và 6 buổi đào tạo chuyên đề về Mô hình cho thuê hoá chất (Chemical Leasing) và Hoá học xanh (Green Chemistry) (Chương trình chi tiết và đường link đào tạo sẽ được gửi tới Quý học viên sau khi đăng ký). Khóa đào tạo hoàn toàn miễn phí.

Với đội ngũ giảng viên (quốc tế và Việt Nam) giàu kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực quản lý và sử dụng hóa chất hiệu quả, khóa học sẽ cung cấp thông tin bổ ích về mô hình cho thuê hóa chất và hóa học xanh trên thế giới, tiềm năng và thực tiễn ứng dụng cho một số ngành công nghiệp điển hình tại Việt Nam. Học viên sau khi đào tạo sẽ được cấp chứng chỉ và có kỹ năng sử dụng công cụ quản lý hóa chất tại đơn vị công tác.

Khóa đào tạo phù hợp với học viên là các cán bộ công tác tại các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách liên quan tới lĩnh vực hóa chất; các chuyên gia trong lĩnh vực sử dụng và quản lý hoá chất; giảng viên, sinh viên các trường đại học có liên quan; cán bộ, công nhân viên phụ trách lĩnh vực hoá chất trong doanh nghiệp; các cá nhân quan tâm khác…

Tham gia khóa đào tạo, quý vị vui lòng đăng ký trước ngày 23/11/2021 tại đây

Thông tin thêm liên hệ: Mr. Vũ Năng Nam, Điện thoại: 0977.988.624, Email: [email protected].

VNCPC