Dự án SUPA tham gia Hội chợ Thủy sản VietFish 2014 và Diễn đàn cá tra Việt Nam

Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” do EU tài trợ với các đối tác thực hiện là Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), WWF-Việt Nam và WWF-Áo thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy nền sản xuất cá tra Việt Nam phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Trong các ngày từ 6-8/8/2014, dự án SUPA đã tham gia Hội chợ Thủy sản xuất khẩu Việt Nam (VietFish) và có gian hàng ở đây nhằm quảng bá các thông tin về hoạt động và các kết quả của dự án đến với doanh nghiệp. Trước đó, ngày 5/8/2014 dự án SUPA đã tổ chức một đoàn thăm quan thực tế tại nhà máy chế biến của Công ty GODACO nằm ở khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang) và vùng nuôi cá tại Bến Tre. Đoàn thăm quan là các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ ở Châu Âu và các nhà báo trong, ngoài nước, các tổ chức chứng nhận. Ngoài ra, tham gia đoàn thăm quan lần này còn có một số các nhà nhập khẩu lớn của Brazil, Kazakhstan,…

Vietfish 1

Đoàn các nhà nhập khẩu nghe giới thiệu về Công ty

Vietfish 2

Thăm quan thực tế khu vực sản xuất

Sau khi thăm quan thực tế tại doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu đã đánh giá rất cao chất lượng và quy mô của sản xuất của Công ty trong việc đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu. Hình ảnh thực tế này khác xa rất nhiều so với thông tin mà các nhà nhập khẩu có được từ một số các phương tiện thông tin đại chúng ở Châu Âu và Nam Mỹ.

Vietfish 3Gian hàng của dự án SUPA tại Hội chợ

Vietfish 4

Ông Hoàng Thành (cán bộ phái đoàn châu Âu tại Việt Nam) và bà Esther Luiten (Giám đốc Kinh doanh thương mại của ASC) thăm gian hàng

Trong Hội chợ lần này, Dự án SUPA đã kết hợp cùng VASEP tổ chức Diễn đàn cá tra Việt Nam với chủ đề: “Phát triển bền vững cá tra tại thị trường Châu Âu” với các tham luận giới thiệu về thị trường cá tra Việt Nam các khó khăn và thách thức từ các diễn giả của Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Dự án SUPA, Công ty ANOVA (Hà Lan) và tổ chức chứng nhận ASC.

Vietfish 5

Các diễn giả tham dự buổi đối thoại

Vietfish 6

Các đại biểu tham dự

Đã có hơn 200 đại biểu quan tâm tham dự diễn đàn, trong đó có gần 100 đại biểu đến từ 80 công ty sản xuất và chế biến cá tra, các đại biểu là đại diện cho các cơ quan quản lý chính sách của địa phương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tổ chức chứng nhận, các nhà nhập khẩu Châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ,…Tại diễn đàn cũng đã có rất nhiều câu hỏi trao đổi thông tin về thị trường của các nước nhập khẩu đặc biệt thị trường Châu Âu cũng như các tiêu chuẩn cần thiết đáp ứng nhu cầu.

Sau lần tổ chức thành công lần này, các bên đối tác thực hiện dự án SUPA đã thống nhất tổ chức thường niên Diễn đàn để tạo kênh thông tin trao đổi cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách giúp cá tra Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh và bền vững.

VNCPC admin

Đức gia tăng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản bền vững

REWE, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất của Đức, đang gia tăng các loại sản phẩm thủy sản được dán nhãn ASC thông qua việc giới thiệu các sản phẩm Goldlocke của mình, đây là sản phẩm được làm từ cá rô phi được chứng nhận ASC.

seafood635423068234106046
hình minh họa

REWE đã phát triển nhãn hiệu Goldlocke cùng với  nhà cung cấp cá tươi Deutsche See của mình nhằm thay thế sản phẩm Schillerlocke được làm từ cá nhám gai hun khói.

Cá rô phi dùng để sản xuất các sản phẩm Goldlocke được nuôi bởi Regal Springs, trang trại đầu tiên được chứng nhận ASC vào cuối năm 2012. Các cá rô phi được chứng nhận sau đó được phân phối bởi công ty Seafood Connection của sản Hà Lan, một nhà cung cấp hàng đầu các nguồn thủy sản có trách nhiệm cho thị trường châu Âu.

Logo ASC đảm bảo với người tiêu dùng rằng sản phẩm này có thể được truy xuất nguồn gốc thông qua chuỗi cung ứng do trang tại Regal Springs có trách nhiệm quản lý. Mỗi công ty trong chuỗi cung ứng được chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm của ASC.

Và để đạt được điều này họ đã được đánh giá độc lập để đảm bảo rằng họ đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt và có trong hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo sản phẩm không bị pha trộn hoặc việc thay thế có thể xảy ra.

Theo vasep.com.vn

Lên danh sách những việc làm giúp tiết kiệm nước và năng lượng mỗi ngày

Những hoạt động liên quan đến việc sử dụng nước tiêu tốn khoảng 19% tổng lượng điện của một quốc gia. Để có được nguồn nước sạch mà bạn đang sử dụng hàng ngày, phải trải qua rất nhiều giai đoạn như bơm nước từ nguồn về các nhà máy nước, lọc sạch nước rồi bơm đến từng hộ gia đình.

Bởi vậy, nếu bạn có ý thức tiết kiệm nước, nó đồng nghĩa với việc bạn đang tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là nguồn điện sử dụng để bơm nước. Dưới đây là những cách làm đơn giản và hiệu quả giúp bạn có thể tiết kiệm đáng kể lượng nước mỗi ngày.

Dùng vòi hoa sen thay vì bồn tắm

1

5 phút tắm bằng vòi hoa sen thay vì dùng bồn tắm hoặc  tắm bằng cách dội nước lên người có thể giúp tiết kiệm đến hơn 90 lít nước. Hiệu quả tiết kiệm năng lượng càng rõ rệt hơn khi lượng nước mà bạn tiết kiệm được là nước ấm.

Tắt vòi nước khi đang đánh răng

2

Nhiều người có thói quen vừa đánh răng, vừa mở vòi nước. Hãy tắt vòi nước khi bạn đang chải răng, bởi một hộ gia đình có thể thiết kiệm được hơn 11 ngàn lít nước mỗi năm từ hành động nhỏ này. Để vòi nước của bạn chảy lãng phí trong 5 phút sẽ tiêu tốn năng lượng tương đương với lượng điện thắp sáng 1 bóng đèn 60 W trong 14 giờ.

Sửa chữa vòi nước bị rò rỉ

3

Nếu vòi nước nhà bạn bị rỉ nước với tốc độ khoảng 60 giọt nước/phút thì nó đồng nghĩa với việc bạn đang lãng phí hơn 11 ngàn lít nước mỗi năm. Vì vậy, hãy sửa chữa hoặc thay thế vòi nước nhà bạn một cách kịp thời, trước khi chúng khiến hóa đơn tiền nước nhà bạn tăng lên chóng mặt.

Tắt vòi nước khi đang gội đầu

4

Nếu bạn có thói quen mở nước khi đang xoa dầu gội đầu lên tóc và gãi đầu, thì hãy thay đổi ngay. Chỉ mở nước để xả sạch tóc khi bạn đã kết thúc việc gội đầu. Thói quen “xấu” nêu trên đang tiêu tốn của gia đình bạn gần 600 lít nước mỗi tháng.

Đừng để nước chảy khi đang cạo râu

5

Xả nước chảy liên tục để rửa dao cạo là việc làm “quen tay” của rất nhiều đấng mày râu. Hành động này có thể tiêu tốn đến 1 ngàn lít nước mỗi tháng. Vì vậy, hãy nhớ đóng vòi nước khi đang cao râu.

Thay vòi hoa sen tiết kiệm nước

6

Sử dụng vòi hoa sen vốn là một cách tắm tiết kiệm nước. Nhưng giờ đây, bạn vẫn có thể tiết kiệm nước nhiều hơn nữa khi thay thế vòi hoa sẽ kiểu cũ bằng vòi hoa sen tiết kiệm nước. Loại vòi hoa sen mới được thiết kế với các tia phun nước nhỏ hơn, áp lực nước thấp hơn có thể giúp gia đình bạn tiết kiệm đến hơn 10 ngàn lít nước/người mỗi năm.

Tưới nước đúng cách

7

Nếu muốn tưới cây trong vườn, hãy tưới nước trước 8h sáng và sau 17h chiều. Đây là khoảng thời gian tưới nước tốt nhất cho cây cối và hạn chế được tối đa lượng nước bốc hơi vì ánh nắng mặt trời.

Theo energyupgrade.ca.com

Phát động cuộc thi “Thông điệp xanh về quản lý ô nhiễm công nghiệp”

Là tên cuộc thi do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa phát động. Giải Nhất sẽ có phần thưởng trị giá 5 triệu đồng. Các tổ chức, cá nhân tham gia gửi bài dự thi về: Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tầng 9, Cung Trí thức, Lô D25*, Khu Đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Hạn cuối nhận bài dự thi là ngày 15/9/2014 (tính theo dấu bưu điện).

cuoc-thi-21714-3993b

Ban tổ chức cho biết, cuộc thi nhằm tìm ra những thông điệp hay, thiết thực phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực quản lý ô nhiễm công nghiệp nói riêng và bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội nói chung; gợi mở những cách làm hay, sáng tạo, những ý tưởng mới về công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp và bảo vệ môi trường Thủ đô; huy động sự quan tâm, tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp…

Bài dự thi là các clip ngắn phản ánh thực trạng, cách nhìn, suy nghĩ của tác giả về quản lý ô nhiễm công nghiệp.

Bài dự thi có thể tập trung vào các chủ đề: Hiệu quả quản lý môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất hoặc các khu công nghiệp; các biện pháp, giải pháp kỹ thuật công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, chi phí và giảm thiểu chất thải với một lĩnh vực sản xuất, ngành nghề; thực trạng, tình hình ô nhiễm công nghiệp của thành phố Hà Nội dưới góc nhìn của cộng đồng; các các nỗ lực, hoạt động được khởi xướng nhằm giảm nhẹ các vấn đề ô nhiễm công nghiệp, bảo vệ môi trường từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng của Thủ đô…

Bài dự thi thực hiện theo cá nhân hoặc nhóm, dưới dạng video clip có thời lượng không quá 5 phút, chưa được đăng tải và công bố hoặc phải có cam kết về bản quyền.

Hồ sơ dự thi bao gồm: 2 đĩa DVD chứa clip dự thi, 2 bản tóm tắt nội dung clip dự thi không quá 500 từ, ghi rõ thông tin về cá nhân, tổ chức tham gia dự thi.

Ban Tổ chức sẽ đăng tải danh sách các cá nhân/tổ chức đạt giải trên website của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nộihttp://www.tnmtnd.hanoi.gov.vn. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 5 triệu đồng, 2 giải Nhì (3 triệu đồng/giải) và 3 giải Ba (2 triệu đồng/giải) cho những cá nhân, tập thể xuất sắc nhất.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

MỜI THAM GIA ĐỒNG SÁNG TẠO CÙNG GETGREEN VIỆT NAM

Đồng sáng tạo (Co-Creation) cùng GetGreen Việt Nam dành cho các doanh  nghiệp hoạt động theo định hướng phát triển bền vững hoặc quan tâm đến việc giải quyết vấn đề tiêu dùng bền vững. Đồng sáng tạo đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp mong muốn tạo ra sự thay đổi và sẵn sàng tạo ra những ý tưởng đột phá để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của những người tiêu dùng theo hướng Phát triển bền vững.

anh

Trong dự án GetGreen Việt Nam, mục đích của Đồng sáng tạo là kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất bằng cách thu hút họ vào quá trình thiết kế, tạo ra những sản phẩm tốt hơn cho khách hàng mục tiêu. Người tiêu dùng hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của riêng họ trong khi doanh nghiệp là chuyên gia trong sản xuất để đáp ứng được những nhu cầu và thị hiếu đó. Khi gặp gỡ và trao đổi với nhau, người tiêu dùng và nhà sản xuất có thể tạo ra những giải pháp bất ngờ mà cả hai bên không thể tự phát triển. Một trong những nhiệm vụ cốt lõi của dự án GetGreen Việt Nam chính là kết nối người tiêu dùng với các doanh nghiệp sản xuất bền vững và các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ để thúc đẩy sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ bền vững mang tính khả dụng cao.

Dự án GetGreen Việt Nam đóng vai trò tư vấn, điều phối hoạt động đồng sáng tạo giữa doanh nghiệp và các nhóm người tiêu dùng. Chúng tôi có sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực  tiêu dùng bền vững và mối quan hệ chặt chẽ với các tập huấn viên và nhóm người tiêu dùng bền vững đang hoạt động trong dự án.

Quy trình tập huấn Đồng sáng tạo:

  • Thời gian nhận đăng ký tham gia từ 1/08/2014 đến hết 30/09/2014.
  • Sau khi lựa chọn 12 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia, hoạt động “Tập huấn đồng sáng tạo” sẽ diễn ra với từng doanh nghiệp trong 3 buổi làm việc, mỗi buổi làm việc có thời lượng 4 giờ.
  • Thời gian dự kiến cho các hoạt động từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2014

Buổi

Thành phần tham gia

Nội dung

Buổi 1
  • Đại diện dự án GetGreen Việt Nam
  • Chủ doanh nghiệp và các cộng sự
Tập huấn: Chuẩn bị

  • Xác định hiểu biết chung về hoạt đồng sáng tạo với dự án GetGreen Việt Nam
  • Tìm hiểu các vấn đề mà doanh nghiệp cần giải quyết liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững
  • Thống nhất cách thức tiến hành và các hoạt động sẽ diễn ra trong buổi 2 và 3
  • Phân công nhiệm vụ cho các bên tham gia
Buổi 2
  • Đại diện dự án GetGreen Việt Nam
  • Chủ doanh nghiệp và các cộng sự
  • Nhóm người tiêu dùng (15-20 người)
Tập huấn: Thực hiện Đồng sáng tạo

Doanh nghiệp và nhóm tiêu dùng trao đổi thảo luận các nội dung sau:

  • Vấn đề tồn tại của doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững
  • Xác định các giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề đó từ quan điểm của người tiêu dùng và nhà sản xuất
Buổi 3
  • Đại diện dự án GetGreen Việt Nam
  • Chủ doanh nghiệp và các cộng sự
Tập huấn: Tổng hợp thông tin Đồng sáng tạo

  • Tổng kết các vấn đề và giải pháp dành cho doanh nghiệp liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững
  • Xác định các kế hoạch hành đồng tiếp theo để triển khai thực hiện các giải pháp

Về dự án GetGreen Việt Nam: GetGreen Việt Nam là dự án thúc đẩy tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, cổ vũ và hướng dẫn người tiêu dùng hướng đến tiêu thụ bền vững hơn và giảm ảnh hưởng tới môi trường. Đồng thời, dự án thúc đẩy sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ bền vững mang tính khả dụng cao bằng cách kết nối người tiêu dùng với các doanh nghiệp sản xuất và các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đó. Dự án kéo dài từ 2012 đến 2015, trong khuôn khổ chương trình SWITCH-Asia do Ủy ban châu Âu tài trợ, được thực hiện bởi Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan, Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AIT-VN). Hiện nay, dự án GetGreen Việt Nam đang duy trì hoạt động của 25 nhóm tiêu dùng bền vững với khoảng 500 thành viên là người tiêu dùng thuộc các nhóm học sinh – sinh viên, nhân viên văn phòng và nhóm cộng đồng, tại 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Dự kiến, trong giai đoạn hai từ tháng 9 năm 2014 đến tháng 3 năm 2015, GetGreen Việt Nam sẽ có 25 nhóm tiêu dùng bền vững tiếp theo đi vào hoạt động.

Thông tin liên hệ:
Văn phòng dự án GetGreen Việt Nam.
Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam.
Phòng 625, thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội, Số 01 Đại Cồ Việt, Hà Nội
Website: www.getgreen.vn | Điện thoại: 04 38684849 / 15 | Email: [email protected]

Theo Getgreen.vn