Nga bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lệnh cấm nhập khẩu trong vòng 1 năm các sản phẩm nông sản và thực phẩm của những nước đã trừng phạt hoặc ủng hộ lệnh trừng phạt Nga của phương Tây, Cục Kiểm dịch động thực vật LB Nga (VPSS) mới đây đã thông báo dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường LB Nga và Liên minh Hải quan (TS) đối với 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản của Việt Nam vừa được thông báo, dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Liên Bang Nga (Ảnh minh hoạ: ThienNhien.Net)

Nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản của Việt Nam vừa được thông báo, dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Liên Bang Nga (Ảnh minh hoạ: ThienNhien.Net)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Phạm Quang Niệm, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, đánh giá đây là cơ hội tốt với các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiến vào thị trường rộng lớn của Nga, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ Nga -Việt liên tục phát triển tốt đẹp. Ông nhấn mạnh Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng nông sản và thực phẩm, trong khi Mỹ Latinh lại không có lợi thế hơn ta về khoảng cách.

Ông Phạm Quang Niệm khuyến cáo các doanh nghiệp không nên bị động ngồi chờ mà cần chủ động tiến vào thị trường Nga. Ông cũng cho rằng các bộ ngành nên hỗ trợ các doanh nghiệp, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần nhanh chóng thỏa thuận với Nga về vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn bệnh dịch đối với sản phẩm nguồn gốc động vật xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga.

Theo Báo Tin Tức

 

Chuỗi sự kiện Ngày hội bền vững cùng GetGreen Việt Nam

Chuỗi sự kiện “Ngày hội bền vững cùng dự án GetGreen Việt Nam” sẽ diễn ra trong tháng 8 và 9/2014 tại 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

photoroll HNĐây là một sân chơi chia sẻ kinh nghiệm, kết nối các nhóm tiêu dùng bền vững hoạt động trong khuôn khổ dự án GetGreen Việt Nam. Chuỗi sự kiện còn là dịp để ban điều phối dự án, các tập huấn viên và người tham gia cùng nhìn lại và đánh giá những thay đổi trong hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững sau hơn 4 tháng triển khai giai đoạn 1 dự án GetGreen Việt Nam. Tham gia chuỗi sự kiện còn có đại diện của các tổ chức xã hội quan tâm đến các vấn đề môi trường và tiêu dùng xanh.

Trong Ngày hội bền vững ở mỗi thành phố, người tham gia tiếp tục được truyền cảm hứng về những sáng kiến tiêu dùng bền vững thông qua các hoạt động giao lưu, thi thiết kế báo tường và các trò chơi tập thế với nhiều phần thưởng hấp dẫn. Những “Hạt giống thay đổi” (Change agent) tiêu biểu nhất trong số 500 người tham gia dự án cũng sẽ chia sẻ câu chuyện của họ trong quá trình thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng bền vững hơn.

NGÀY HỘI BỀN VỮNG

 Thành phố Thời gian Địa điểm
Cần Thơ Sáng 31/08/2014 Khách sạn Goft Cần Thơ
TP.Hồ Chí Minh Sáng 06/09/2014 Khách sạn Vissan Sài Gòn
Đà Nẵng Sáng 14/09/2014 Khách sạn Mercure Đà Nẵng
Hà Nội Sáng 21/09/2014 Khách sạn Pullman Hà Nội
 
Thông tin liên hệ
Nguyễn Thị Phương Nhung (Ms.)
Phụ trách truyền thông
M: +84 978 479 415
T: +84-4-38684849 – ext 33 | F: +84-4-36231294
E[email protected]
 
 Theo Getgreen.vn

Hướng đến cá tra sạch

Sau một thời gian ngắn giá cá tra đứng ở mức cao, hiện nay mặt hàng thủy sản này lại tiếp tục rớt giá.

Mặt hàng cá tra đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và sản xuất sạch hơn - Ảnh: Chí Nhân
Mặt hàng cá tra đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và sản xuất sạch hơn
– Ảnh: Chí Nhân

Cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng 0,8 – 0,9 kg/con), hiện chỉ còn 25.000 – 26.000 đồng/kg; cá có chất lượng thịt thấp hơn (thịt vàng) chỉ còn 24.000 – 24.500 đồng/kg, thậm chí có nơi rớt xuống mức giá 21.000 – 22.000 đồng/kg như vào thời kỳ tháng 5 năm nay, khi thừa mứa cá, rớt giá thê thảm.

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Cá tra Thới An, Q.Ô Môn (Cần Thơ), cho biết: “Không chỉ trong tháng 7 mà từ tháng 4 đến nay, giá bán cá tra đã giảm và biến động theo hướng bất lợi cho người nuôi. Cũng do giá giảm nên bây giờ không doanh nghiệp nào đi mua cá của người dân mà chỉ lấy cá từ vùng nuôi riêng của mình để xuất khẩu”. Ở các vùng nuôi khác như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang… giá cá tra nguyên liệu dao động từ 20.500 – 21.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6. Ông Nguyễn Minh Sáng, thương lái chuyên mua cá tra tại H.Châu Phú, An Giang cho biết, so với mức giá đỉnh 28.500 – 29.000 đồng/kg đối với cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được xác lập cách đây không lâu, hiện cá tra nguyên liệu đã giảm 3.000 – 4.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, cá tra là một trong hai sản phẩm nông nghiệp được đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia và có nghị định riêng. Điều này khẳng định vị trí của ngành cá tra trong phát triển kinh tế. Chính phủ muốn tái tổ chức ngành hàng theo hướng mang lại hiệu quả cao nhất về kinh tế, bảo vệ môi trường và vấn đề xã hội. Theo đó cá tra sẽ được nuôi theo hướng quy hoạch có đăng ký, có cấp mã số và trong 2 năm tới sẽ không tăng về diện tích và sản lượng, nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Lê Xuân Thịnh, Điều phối viên dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở VN do EU tài trợ (SUPA) cũng cho biết: “Với dự án này, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra VN sẽ bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội. Đến khi kết thúc dự án, ít nhất 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ về sản xuất và chế biến, 30% doanh nghiệp chế biến thức ăn và các vùng nuôi cá tra của vùng ĐBSCL độc lập, chủ động thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Ít nhất 50% doanh nghiệp chế biến cung cấp các sản phẩm bền vững phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững như ASC hay GlobalGAP cho thị trường EU và các thị trường khác”.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 7 tháng đầu năm ước đạt 6.200 ha với sản lượng 598.000 tấn. Sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch. Cụ thể sản lượng cá tra ở Vĩnh Long đạt 57.881 tấn (giảm 7%), Đồng Tháp sản lượng 170.046 tấn (giảm 10,1%), Cần Thơ sản lượng 51.433 tấn (giảm 7,1%), Tiền Giang sản lượng 16.500 tấn (giảm 8,3%), Bến Tre sản lượng 101.200 tấn (giảm 8%).

Theo thanhnien.com.vn

Công nghệ giúp thủy sản Việt xuất ngoại

Hiện nay, các mặt hàng thủy sản quan trọng của Việt Nam không những đáp ứng được sản lượng xuất khẩu mà chất lượng còn từng bước đảm bảo yêu cầu của các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ…. Chính việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đã giúp Việt Nam có được thành quả này.

Làm chủ công nghệ nhân giống

 

ms3

Ép trứng thụ tinh nhân tạo cho cá tra (Ảnh: nongnghiep.vn)

Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KHCN địa phương, Bộ KHCN khẳng định, đóng góp lớn nhất của KHCN trong thủy sản là công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Quả thật như vậy, sản phẩm thủy sản của Việt Nam hiện có mặt ở 156 quốc gia, đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra, đứng thứ 3 về sản lượng tôm…. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn đạt mức hơn 6 tỷ USD những năm gần đây. Có được kết quả này, một phần quan trọng là do Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất, chủ động nguồn giống. Mỗi năm, Việt Nam sản xuất được 12 tỷ con cá bột gồm cá rô phi, cá tra, cá ba sa; 25 tỷ con giống tôm. Bên cạnh đó, đã sản xuất được các giống cá giò, cá vược, cá song, cá hồng, cua biển, ốc hương, bào ngư….

Đặc biệt, một số công nghệ sản xuất giống đã tiếp cận hoặc vượt trình độ quốc tế như cua biển có tỷ lệ sống đến cỡ giống đạt 6-8%, cao hơn trung bình 3-5% ở khu vực Đông Nam Á, ốc hương có thể đạt tỷ lệ sống đến con giống là 20%, cao hơn so với Ấn Độ và các nước trong khu vực.

Hay nhờ ứng dụng thành công kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá tầm với tỷ lệ cá cái rụng trứng đạt 71%, tỷ lệ nở của trứng đạt 50-70%, đã góp phần thay thế nguồn trứng nhập ngoại, hạ giá thành sản xuất cá giống, tăng sức cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc đang chiếm ưu thế trên thị trường.

Bên cạnh đó, đã nghiên cứu thành công mô hình nuôi tôm sú năng suất cao: 1,5-2,5 tấn/ha; các mô hình nuôi kết hợp cá – lúa có năng suất 4,5-5 tấn/ha, trong đó năng suất cá đạt từ 1-1,3 tấn/ha; mô hình nuôi cá rô phi đạt 10 tấn/ha; cá ba sa đạt 15-20 tấn/ha.

“Chỉ tính riêng sự thành công trong nghiên cứu làm chủ các công nghệ sản xuất 4 loại giống: cua biển, ốc hương, cá song, bào ngư đã giúp tiết kiệm khoảng 100 triệu USD tiền nhập con giống/năm, đồng thời mở ra triển vọng xuất khẩu các loại giống này trong vài năm tới với tổng giá trị đạt khoảng 7.500 tỷ đồng/năm”, ông Luật nhấn mạnh.

Đảm bảo chất lượng chế biến

Supa17

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong chế biến, 100% cơ sở chế biến đông lạnh đạt quy chuẩn Việt Nam và điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP nên đủ điều kiện để xuất khẩu sang tất cả các nước trên thế giới.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra thống kê chi tiết, hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, hơn 440 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc, 30 doanh nghiệp sang Liên bang Nga, 60 doanh nghiệp sang Brazil và gần 450 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Nhật Bản….

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho cá tra Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, Chính phủ mới ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Theo đó, đến năm 2015, các cơ sở sản xuất cá tra thương phẩm buộc phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices). Với các quy định nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến, các sản phẩm cá tra xuất khẩu sẽ hướng tới đáp ứng tốt nhất cho tất cả các thị trường trên thế giới.…

Trước áp lực ngày càng khắt khe của các đối tác nước ngoài thông qua các rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm thủy sản, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN không chỉ làm gia tăng sản lượng, mà quan trọng hơn là đảm bảo bài toán chất lượng cho sản phẩm. “KHCN chính là lực lượng trực tiếp và đóng vai trò quan trọng đối với kim ngạch xuất khẩu thủy sản”, ông Luật nhấn mạnh.

Sự đóng góp của các tiến bộ kỹ thuật về giống, chủ động trong sản xuất giống, quy trình nuôi… đã góp phần to lớn đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ 20 triệu USD năm 1980 lên 6,8 tỷ USD năm 2013, và dự kiến đạt 7 tỷ USD năm 2014.

Theo ven.vn

Xây dựng tương lai bền vững cho khu vực Mê Kông

Việt Nam đặc biệt coi trọng và ưu tiên những nỗ lực phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đồng thời mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước Mê Kông và các đối tác phát triển trong nỗ lực này.

Chiều ngày 9/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (HNBT) ASEAN 47 đã diễn ra các HNBT Hạ nguồn Mê Kông-Mỹ (LMI) lần thứ bảy và Hạ nguồn Mê Kông-Những người bạn (FLM) lần thứ tư dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar và Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Tham dự có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mê Kông và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), đại diện cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự HNBT FLM.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam dự các Hội nghị nói trên.

Người dân sống trên sông Mê Kông (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Ảnh: Thiennhien.net

Với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững cho khu vực Mê Kông trong bối cảnh an ninh lương thực-nguồn nước-năng lượng và hỗ trợ hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015”, HNBT LMI lần thứ tư tập trung thảo luận các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển bền vững của lưu vực Mê Kông, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp hợp tác cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực hướng tới cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Các Bộ trưởng nhất trí rằng sau 5 năm kể từ khi thành lập, LMI đã trở thành cơ chế hợp tác hiệu quả giữa Mỹ và các nước Mê Kông nhằm đối phó với những thách thức phát triển chung thông qua sáu trụ cột hợp tác về nông nghiệp và an ninh lương thực, kết nối, giáo dục, an ninh năng lượng, môi trường và nguồn nước, và y tế.

Tuyên bố chung của Hội nghị công bố Chương trình hợp tác LMI mới trong 5 năm tiếp theo, trong đó tập trung triển khai sáu dự án trọng điểm bao gồm: Kết nối Mê Kông, hạ tầng thông minh cho Mê Kông, kết nối thông qua giáo dục và đào tạo, đào tạo kỹ năng truyền thông cho lãnh đạo, trung tâm khởi nghiệp cho phụ nữ và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục đối thoại chính sách liên quan tới phát triển bền vững khu vực, đồng thời tăng cường hoạt động điều phối và phối hợp với Sáng kiến Hội nhập của ASEAN (IAI). Hội nghị chính thức khởi động Nhóm Chuyên gia và Nhân vật nổi tiếng (EEPG) có nhiệm vụ nghiên cứu và khuyến nghị các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông, báo cáo lên các quan chức cao cấp và Bộ trưởng LMI.

HNBT FLM lần thứ tư nhất trí tăng cường hợp tác kết nối khu vực, quản lý bền vững nguồn nước và bảo vệ môi trường lưu vực Mê Kông.

Các Bộ trưởng khẳng định cam kết xây dựng quan hệ đối tác ở mọi cấp độ địa phương, liên quốc gia, khu vực và giữa các châu lục nhằm ứng phó hiệu quả với những thách thức phát triển và vấn đề nước tại khu vực Mê Kông.

Hội nghị khẳng định ưu tiên biến những thách thức trong bảo đảm an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực thành cơ hội tăng trưởng và phát triển bền vững cho cả tiểu vùng. Nhiều đối tác phát triển trong và ngoài khu vực như EU, Australia, WB và ADB… cam kết tiếp tục hỗ trợ cho các nước Mê Kông trong quản lý bền vững nguồn nước, xây dựng hạ tầng thông minh, năng lượng sạch, nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, đánh giá tác động môi trường… EU quyết định tăng gấp ba lần viện trợ dành cho các nước Mê Kông trong giai đoạn 2014-2020.

Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị đặc biệt FLM ở cấp Thứ trưởng về phát triển bền vững tại Lào vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015.

Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng và ưu tiên những nỗ lực phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đồng thời mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước Mê Kông và các đối tác phát triển trong nỗ lực này.

Phó Thủ tướng đề xuất tăng cường hơn nữa hợp tác và đối thoại trong khuôn khổ LMI và FLM, trước hết là hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển với ASEAN và hỗ trợ Ủy hội Mê Kông quốc tế tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo về tác động của đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Theo Chinhphu.vn