Tăng gấp 3 thuế môi trường trong giá xăng

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng thêm 2.000 đồng/lít sẽ không làm tăng giá xăng trong thời gian tới

Ngày 10-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14-7-2011 của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Theo biểu quyết này, thuế BVMT đối với xăng tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.

Tăng thuế để tăng thu ngân sách

Mức tăng tương ứng thuế BVMT đối với dầu diesel từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít, dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít, dầu mazút từ 300 đồng/kg lên 900 đồng/kg, dầu nhờn từ 400 đồng/lít lên 900 đồng/lít, mỡ nhờn từ 300 đồng/kg lên 900 đồng/kg. Tuy nhiên, mặt hàng dầu hỏa vẫn giữ nguyên như hiện nay. Nghị quyết có hiệu lực thực hiện sau 45 ngày kể từ ngày chính thức ban hành, vào đầu tháng 5-2015.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tổng số thu thuế BVMT đối với xăng dầu dự kiến năm 2015 theo phương án điều chỉnh nêu tăng thuế BVMT đạt 35.579,8 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 23.719,8 tỉ đồng/năm. Theo ông Dũng, do Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình, cộng với việc giá xăng dầu thế giới giảm từ đầu năm đến nay nên số thu cho ngân sách nhà nước đã giảm mạnh.

Làm rõ thêm, Chính phủ cho rằng giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia (khoảng 5.000-6.000 đồng/lít)… dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. So sánh với giá xăng dầu của các nước trong khu vực thì giá xăng A92 của Việt Nam nếu cộng thêm mức tăng thuế BVMT như trên vẫn thấp hơn giá xăng A92 của một số nước trong khu vực tại thời điểm 22-1-2015, như thấp hơn Campuchia 4.531 đồng/lít; Lào 6.970 đồng/lít; Trung Quốc 333 đồng/lít; Thái Lan 13 đồng/lít.

Tiền thuế môi trường trong giá xăng hiện nay là 1.000 đồng/lít. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Tiền thuế môi trường trong giá xăng hiện nay là 1.000 đồng/lít. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Vẫn giữ giá xăng dầu

Chính phủ giải thích trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng lên thì sẽ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, vì theo quy định tại Nghị định số 83/2014 của Chính phủ thì thuế BVMT và thuế nhập khẩu là những yếu tố cấu thành trong giá cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

“Khi tăng thuế BVMT, thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% còn 20%. Tăng thuế BVMT nhưng giảm thuế xuất nhập khẩu theo đúng cam kết ASEAN, tính ra số tăng thấp hơn số giảm dẫn đến giá xăng không những không tăng mà còn có thể giảm nên không ảnh hưởng đến giá bán lẻ” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích thêm.

Sau khi thảo luận, cân nhắc các tác động nhiều mặt của chính sách này, UBTVQH thống nhất với đề nghị của Chính phủ nhưng yêu cầu điều chỉnh thời hạn thực hiện như đã nêu trên. Phần ngân sách tăng thu (ước tính khoảng 14.000 tỉ đồng) sẽ được bố trí cho mục đích BVMT và có tỉ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương theo pháp luật hiện hành thay vì để lại 100% ở ngân sách trung ương.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Thu thuế BVMT đối với xăng dầu là để BVMT nên không được dùng để bù, chi vào các khoản khác. Môi trường đang như thế này, phải tập trung bảo vệ, cả ở trung ương và địa phương, chứ cũng không thể thu hết về trung ương để bù cho giảm thuế nhập khẩu”.

Chưa “đụng” đến ni-lông

Liên quan đến đề nghị cần điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với túi ni-lông, tờ trình của Chính phủ nói rõ: Khung thuế BVMT đối với túi ni-lông theo Luật thuế BVMT là 30.000-50.000 đồng/kg, mức thuế đang áp dụng 40.000 đồng/kg. Nếu điều chỉnh tăng thuế BVMT đối với túi ni-lông thì chỉ có thể tăng lên mức trần là 50.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg). Với mức tăng 10.000 đồng/kg thì số thu ngân sách đối với túi ni-lông dự kiến tăng khoảng 17,5 tỉ đồng so với số thu ước thực hiện năm 2014 (70 tỉ đồng). Việc điều chỉnh này cũng không giải quyết được cơ bản những vướng mắc trong quản lý thu thuế BVMT đối với túi ni-lông hiện nay.

Vì thế, UBTVQH sẽ nghiên cứu, điều chỉnh mức thuế BVMT đối với túi ni-lông sau khi tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Luật thuế BVMT trong thời gian tới.

Theo Nguyễn Phan/ An ninh Thủ đô

Cần nhân rộng việc phát triển đô thị sinh thái, giảm thải carbon

Việt Nam hiện có tổng số 774 đô thị. Tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều phải đối diện với các vấn đề như: gia tăng dân số (khu trung tâm thành phố), ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu năng lượng, ô nhiễm/nguồn nước có nguy cơ nhiễm mặn.

Ecopark là một mô hình kiểu mẫu của đô thị sinh thái.

Ecopark là một mô hình kiểu mẫu của đô thị sinh thái

Dự kiến, đến hết năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 850 đô thị, đến năm 2025 là 1.000 đô thị và các thách thức liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn.

Những thông tin trên được nêu lên tại hội thảo “Phát triển đô thị sinh thái và ứng dụng công nghệ giảm thải Carbon”, diễn ra sáng 11/3, tại Khu đô thị Ecopark. Hội thảo do Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP Hồ Chí Minh (ECC – HCMC) phối hợp với Cục Phát triển Đô thị – Bộ Xây dựng tổ chức.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra đánh giá, thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro chung mang tính chất toàn cầu như: biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lụt, động đất, cháy rừng, hiện tượng băng tan, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc lượng khí thải carbon toàn cầu liên tục gia tăng và đã đạt tới mức kỷ lục là 36 tỷ tấn từ năm 2013.

Xuất phát từ hiện trạng nêu trên, phát triển carbon thấp đã trở thành một ưu tiên trong các chính sách, chiến lược quan trọng của quốc gia. Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng chung sức với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tiến tới phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được mở rộng và phát triển mạnh. Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai quốc gia đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác về cơ chế tín chỉ chung JCM”. Đây là cơ hội để các thành phố, khu đô thị tại Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để áp dụng những công nghệ tiên tiến, ít phát thải carbon, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tại hội thảo lần này, các chuyên gia tập trung giới thiệu tổng quan về chính sách, thực tiễn phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam đồng thời giới thiệu các tiêu chuẩn đô thị sinh thái của Nhật Bản; các chương trình hỗ trợ cho phát triển thành phố sinh thái thông qua nghiên cứu khả thi theo “cơ chế tín chỉ chung”.

Những chuyên gia đến từ các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu những giải pháp công nghệ ứng dụng, khả năng chuyển giao công nghệ cho các khu đô thị tại Việt Nam như: công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ chiếu sáng đèn LED, công nghệ xử lý nước thải, hệ thống chia sẻ xe đạp thông minh đã áp dụng thành công tại Nhật Bản.

Hội thảo là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam tiếp cận các sáng kiến khoa học kỹ thuật và ứng dụng trong việc phát triển đô thị sinh thái. Ngoài việc thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, các học giả và nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đã đi thăm quan thực tiễn khu đô thị Ecopark và đánh giá đây là một mô hình kiểu mẫu của đô thị sinh thái.

Theo Lan Hương/Hà Nội mới

Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020

Ngày 11/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp Tổ công tác xây dựng Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) giai đoạn 2016-2020 với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ và các Bộ, ngành liên quan.

Trồng cây đước tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)Trồng cây đước tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng nhóm công tác cho biết, trong giai đoạn 2009-2015, cùng với sự đồng hành của đối tác phát triển như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB)… chương trình SP-RCC đã nhận được sự tham gia tích cực của 10 Bộ, ngành và địa phương cũng như sự tài trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong hoạt động xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng lồng ghép yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Chương trình SP-RCC sau 2015 sẽ tập trung tăng cường và triển khai hành động chính sách giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường sự phân bổ và huy động nguồn lực, đồng thời nâng cao chất lượng của đối thoại chính sách và khuyến khích hợp tác.

Ngoài ra, chương trình SP-RCC còn có mục tiêu thúc đẩy xây dựng cơ chế báo cáo và giám sát tiến độ thực hiện đối tác công-tư; Thúc đẩy đổi mới, tăng cường năng lực và quản lý kiến thức; Thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong các hành động mang tính liên ngành, liên vùng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ thành lập Tổ công tác xây dựng Chương trình 2016-2020. Tổ công tác bao gồm 3 Nhóm: Nhóm Chính sách, Nhóm Đầu tư, Nhóm Phát triển năng lực và tri thức; với thành phần là các chuyên gia có kinh nghiệm đầu ngành về biến đổi khí hậu tại Việt Nam và các đại diện ưu tú của các Bộ, ngành tham gia Chương trình SP-RCC.

Tại phiên họp, các thành viên trong các Nhóm công tác đã tập trung thảo luận với các Đối tác phát triển về nội dung và kế hoạch triển khai của từng nhóm để xác định những nội dung chính cần thực hiện và cải tiến phương pháp thực hiện chương trình SP-RCC giai đoạn sau năm 2015 đạt kết quả thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Theo Thanh Tuấn/ TTXVN

Doanh nghiệp chưa mặn mà với công nghệ xanh

Việc đưa các công nghệ xanh vào sản xuất để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường còn chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Nguyên nhân do giá thành cao làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ông Phạm Hồng Quất. (Ảnh: Báo Hải Quan)

Ông Phạm Hồng Quất. (Ảnh: Báo Hải Quan)

Bên lề Hội thảo “Đổi mới  kỹ thuật hóa học để bảo vệ môi trường” được tổ chức tại Hà Nội ngày 9-3, ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ- Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, giá thành để các đưa công nghệ xanh vào phục vụ sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vẫn còn cao nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc sử dụng các công nghệ này. Ông có đánh giá như thế nào về việc này?

Các nước phát triển thường đưa những máy móc, phân xưởng sản xuất cũ sang các nước đang phát triển. Vì thế trách nhiệm của các nước phát triển sẽ phải hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua các dự án phát triển, dự án ODA để xử lý về những tác động đến môi trường.

Nếu doanh nghiệp không làm tốt về mặt xử lý môi trường trong các dự án sản xuất thì lợi nhuận sản phẩm mang lại sẽ bằng với sự trả giá về môi trường.

Do đó Chính phủ đã có những chính sách can thiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường. Hàng loạt những chính sách bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, công nghệ… được áp dụng, trong đó sẽ ưu tiên những công nghệ ít ô nhiễm môi trường. Đồng thời, ưu tiên những công nghệ phù hợp giá thành, điều kiện sản xuất của Việt Nam.

Thưa ông, hiện nay vấn đề xử lý rác thải công nghiệp doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Vậy ông có thể cho biết các doanh nghiệp đã mặn mà với việc đổi mới công nghệ để bảo vệ môi trường hay vẫn quan tâm đến lợi nhuận kinh tế là chủ yếu?

Doanh nghiệp phải tạo ra lợi nhuận kinh tế tối đa nên rất khó để tự nguyện đầu tư công nghệ xử lý môi trường một cách triệt để. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tối đa hóa lợi nhuận bằng cách chọn những sản phẩm công nghệ đầu tư ít nhất, còn vấn đề xử lý môi trường chỉ mang tính thủ tục.

Nên vai trò của Nhà nước và Ban quản lý khu công nghiệp rất quan trọng. Việc thực hiện nghiêm pháp luật sẽ buộc các doanh nghiệp đầu tư các công nghệ bảo vệ môi trường, chọn những sản phẩm phù hợp nhất. Đồng thời, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp đầu tư sản xuất những sản phẩm bảo vệ môi trường có cơ hội mở rộng thị trường.

Thực tế có rất nhiều công ty vi phạm trong vấn đề bảo vệ môi trường như xả thải trực tiếp ra môi trường. Phải chăng pháp chế chưa đủ mạnh, thưa ông?

Điều quan trọng là vấn đề thực thi pháp luật. Những quy định về pháp luật và chính sách của nước ta khá đầy đủ và phù hợp với các công ước quốc tế. Nhưng khi dự án được phê duyệt xong ai là người giám sát, giám sát như thế nào, có sẵn sàng đóng cửa nhà máy hay không? Ở đây phải kể đến vai trò của cơ quan quản lý đầu tư, những chế tài liên quan đến tiền, hành chính không đủ mạnh để răn đe các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Cần phải xử lý những doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực môi trường bằng chế tài Luật Đầu tư như tiếp tục gia hạn hoạt động sản xuất kinh doanh hay đóng cửa khi vi phạm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ thực hiện đúng cam kết như lúc trình phê duyệt dự án đầu tư.

Hiện các doanh nghiệp trong nước đang liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để xử lý rác thải công nghiệp. Vậy việc này đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là một thị trường có tiềm năng cho việc đầu tư các công nghệ sản xuất và giới thiệu công nghệ xanh đến với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp Việt Nam kêu gọi một phần vốn ODA để xử lý những tác động về môi trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng thận trọng khi tiếp nhận các công nghệ xanh từ phía các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là những vấn đề như: Công nghệ có giá thành quá cao, không phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam…

Xin cảm ơn ông!

Theo Đỗ Hòa/ Báo Hải Quan

Xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015

Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) đang tổ chức xét tặng Giải thưởng Môi trường năm 2015, dự kiến sẽ trao giải vào dịp Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2015.

giải thưởng môi trường, 2015, trao giải, xét tặng, tham dự, Bộ Tài nguyên Môi trường, hồ sơ
Giải thưởng Môi trường là giải thưởng được Bộ TNMT xét tặng 2 năm một lần nhằm trao tặng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Đây cũng là giải thưởng chính thức duy nhất do Bộ trưởng Bộ TNMT trao tặng.

Giải thưởng gồm 3 loại:

Giải thưởng cho cá nhân, giải thưởng cho tổ chức và giải thưởng cho cộng đồng thuộc 8 lĩnh vực:

– Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

– Giáo dục, đào tạo, truyền thông môi trường

– Giải pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên thiên nhiên.

– Bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học

– Ứng phó với biến đổi khí hậu.

– Nghiên cứu và triển khai kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

– Ứng phó, khắc phục sự cố, giảm thiểu ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường.

 – Quản lý và xử lý chất thải.
Các hồ sơ đăng ký tham gia xét tặng giải thưởng được gửi về cơ quan thường trực của giải thưởng là Tổng cục Môi trường trước ngày 20/4/2015.

Việc xét tặng giải thưởng sẽ được tiến hành theo 2 vòng, các thành viên hội đồng chấm điểm độc lập với mỗi hồ sơ đăng ký tham gia theo quy định.

Tổng số giải thưởng dự kiến được trao là 50 giải thưởng cho cả 3 loại.

Các tổ chức, cá nhân, cộng đồng đoạt giải thưởng ngoài bằng khen, biểu trưng của giải thưởng và tiền thưởng sẽ được thông tin trên các phương tiên thông tin đại chúng hoặc các hình thức giới thiệu khác; được sử dụng biểu trưng của giải thưởng trên các sản phẩm, ấn phẩm của tổ chức cá nhân và được hưởng các chế độ ưu đãi khác theo quy định.

Thông tin chi tiết về giải thưởng có thể xem thêm tại website của Tổng cục Môi trường: http://www.vea.gov.vn.

Địa chỉ nhận hồ sơ: Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường, Tổng cục Môi trường, Số 556 Nguyễn Văn Cừ, Quận Long Biên, Hà Nội.Điện thoại 04.38728307; Fax: 04.38727425.Mọi thông tin xin liên hệ: Ông Nguyễn Văn Phấn, ĐT: 0912128449 hoặc Bà Đặng Thị Hằng, ĐT: 0985495256.

Theo Vietnamnet.vn

“Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp” – Bách Khoa Open Day 2015

Nằm trong khuôn khổ “Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp” do báo Tuổi trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Trường ĐHBKHN tổ chức, thu hút trên nhiều gian tư vấn đến từ các trường ĐH, CĐ, TCCN và các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

10997473_1015798375102175_5698842687743871017_o

Sự kiện được tổ chức trong một ngày bao gồm chuỗi các hoạt động liên quan tới:

  • Giới thiệu nội dung-tiềm năng các ngành học;
  • Tư vấn chọn trường;
  • Giới thiệu các cơ hội học bổng và việc làm hấp dẫn, giới thiệu vẻ đẹp trường Đại học;

Tham gia Bach Khoa Open Day 2015, các bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ giảng viên, sinh viên của Trường ĐHBKHN, lắng nghe những lợi khuyên từ những chuyên gia có uy tín; Cùng trải nghiệm tour Khám phá Bách Khoa do chính các bạn sinh viên đang học tập tại trường thực hiện, đồng thời nhận những phần quà thú vị từ chương trình.

Thời gian: 7h – 17h ngày 15 tháng 3 năm 2015

Địa điểm: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

Các bạn học sinh, sinh viên đến tham dự chương trình có thể lựa chọn 1 trong 2 (hoặc tất cả) các tour đã được lên lịch trình sẵn, để tìm hiểu Trường ĐHBK Hà Nội

– Tour 1: “ Thư viện Tạ Quang Bửu”

Tham quan thư viện Tạ Quang Bửu- thư viện lớn nhất Việt Nam, các bạn sẽ được trực tiếp ngắm nhìn kiến trúc và tìm hiểu những điều đặc biệt liên quan tới thư viện điện tử lớn nhất Việt Nam…

– Tour 2: Tour xe điện
Các bạn tham gia sẽ được di chuyển bằng xe điện đi tham quan toàn bộ sân vận động, nhà thi đấu Bách Khoa, bể bơi, sân tennis… thuộc Trường ĐHBK Hà Nội
Trường ĐHBKHN chào đón bạn đến với Bach Khoa Open Day 2015 !
Các thông tin chi tiết về sự kiện sẽ tiếp tục được cập nhật tại fanpage chính thức của chương trình:
Mọi thắc mắc xin gửi về: [email protected]
Theo hust.edu.vn