Năm 2015 phát hành bộ tem về biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Hội đồng Tem Bưu chính quốc gia vừa cho biết, sẽ phát hành bộ tem “Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu” trong năm 2015.

BDKH

Bộ tem chủ đề Nóng lên toàn cầu – phát hành tại CHLB Séc (nguồn: www.mpo.cz)

Stamps

 Bộ tem gồm 16 chiếc thể hiện các cách khác nhau nhằm tiết kiệm điện và nước do Bưu chính Mỹ (USPS) phát hành năm 2011 (nguồn: greenschools.net)

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Cục khí tưởng và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để thực hiện bộ tem, thời gian qua Ban Tem, Tổng công ty Bưu điện đã phối hợp chặt chẽ với Cục để thể hiện rõ các ý tưởng liên quan đến biến đổi khí hậu và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Bộ tem được thiết kế gồm 4 mẫu. Mẫu 1 thể hiện mô phỏng hình tượng chiếc lá có chia gân như các không gian khác nhau, thể hiện các ý tưởng về nguyên nhân và biểu hiện của biến đổi khí hậu như: Chặt cây, phá rừng, phát triển công nghiệp gây ra khí thải CO2, chất thải công nghiệp đổ ra sông ngòi, môi trường sống… Phần còn lại là các hậu quả của biến đổi khí hậu như bão, hạn hán, và đặc biệt là nước biển dâng đay gây nhiều hậu quả cho nước ta.

Mẫu 2 thể hiện các phương tiện như anten parabol, vệ tinh viễn thông, máy bay, tàu thủy tìm kiếm cứu nạn, nói lên ý tưởng về tác dụng của truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân và các địa phương cùng cả hệ thống chính trị chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mẫu 3 thể hiện ý tưởng về các giải pháp khoa học công nghệ như: Xây dựng nền kinh tế cacbon thấp, giảm lượng phát thải khí nhà kính, xây dựng không gian cuộc sống xanh thân thiện với môi trường.

Mẫu 4 thể hiện ý tưởng về việc Việt Nam tích cực cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hoạt động thiết thực như giờ trái đất, tiết kiệm năng lượng vì một thế giới an toàn hơn. Thể hiện hình tượng trung tâm là những chiếc kim đồng hồ đặt đúng trung tâm Việt Nam thể hiện quyết tâm của chúng ta cùng thế giới bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu.

Theo monre.com.vn

Tháng 1: Sản lượng cá tra tăng 10,5%

Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 1/2015 ước đạt 186.000 tấn, tăng 1,8% so với cùng kì năm trước.

 ca tra

Trong đó, đối với cá tra, diện tích nuôi của các tỉnh ĐBSCL tháng này đạt 2.100 ha, tăng 0,8% và sản lượng ước đạt 24.000 tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Một số tỉnh có diện tích và sản lượng đều tăng như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, trong đó, Bến Tre đạt sản lượng lớn nhất vùng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong tháng, do giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng nên người nuôi rất phấn khởi.

Xuất khẩu cá tra bắt đầu phục hồi từ tháng 6/2014 và tăng dần trong quý III và quý IV. Tuy nhiên, chỉ phục hồi khả quan ở các thị trường nhỏ như ASEAN, Mexico và Trung Quốc, trong khi xuất khẩu sang 2 thị trường lớn nhất là EU và Mỹ giảm.

Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ từ quý III/2014 đã bắt đầu tăng và giá trung bình xuất khẩu cũng tăng do nhu cầu nhập khẩu tăng.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Vĩnh Long, giá thành sản xuất cá tra dao động từ 22.000-23.000  đồng/kg. Trừ chi phí, người nuôi có lãi từ 1.000-2.000 đồng/kg.

Theo baodientu.chinhphu.vn

 

Ngành Xây dựng tăng cường hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh

“Các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng tiêu thụ nhiều tài nguyên khoáng sản, sử dụng nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính gây tác động đến môi trường, nên cần có các giải pháp ngắn hạn, dài hạn cũng như sự hợp tác quốc tế nhằm giảm thiểu các yếu tố gây tổn hại đến môi trường, đồng thời ứng phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường thiên nhiên, bảo đảm cuộc sống ổn định của người dân, sự phát triển bền vững của đất nước” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh tại Hội nghị bàn tròn với các nhà tài trợ quốc tế về Tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Việt Nam, diễn ra ngày 2/2/2015, tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm Hợp tác toàn cầu Cơ quan năng lượng Đan Mạch, Văn phòng môi trường và phát triển xã hội Mỹ – USAID, Tập đoàn Nhà ở đất đai Hàn Quốc, UNHABITAT, WBG, GIZ…


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại Hội nghị

Bộ Xây dựng tích cực triển khai quy hoạch và phát triển đô thị xanh

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có nguy cơ chịu tổn hại nặng nề do BĐKH. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương trước hiện tượng nước biển dâng. Theo dự báo của các nhà khoa học, cuối thế kỷ 21, nước biển có nguy cơ dâng lên 98cm so với hiện nay, khiến hơn 20% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập, 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp. Cả nước sẽ thiệt hại khoảng 10% GDP.

Do vậy, theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, các cuộc trao đổi, bàn luận hướng đến sự đồng thuận trong quan điểm, nhận thức giữa các bên về hướng phát triển, các giải pháp chính sách, giải pháp công nghệ nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa Bộ Xây dựng và cộng đồng các nhà tài trợ vì tăng trưởng xanh là cần thiết để bảo vệ nguồn tài nguyên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu, tạo sự phát triển bền vững”.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực triển khai quy hoạch và phát triển đô thị xanh, tăng cường năng lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật ứng phó với BĐKH, sản xuất VLXD thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà, kiên cố hóa nhà ở ứng phó với thiên tai, bão lũ… Trong các lĩnh vực này, Việt Nam có nhu cầu lớn về hợp tác với các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế về tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH.

Nhu cầu hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh lớn


Đại diện nhiều tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị

Đề cập đến các nhu cầu về tăng trưởng xanh của ngành Xây dựng, ông Phạm Khánh Toàn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Xây dựng) cho biết: Đó là nhu cầu xây dựng hướng dẫn lập kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho các đô thị có nguy cơ chịu tác động mạnh của BĐKH; triển khai đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH; xây dựng bộ tiêu chí đô thị tăng trưởng xanh; Xây dựng mô hình quản lý đô thị hướng tới đô thị tăng trưởng xanh…

Ông Toàn nhấn mạnh: Việt Nam có nhu cầu về tăng cường năng lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật ứng phó với BĐKH, cụ thể là các chương trình, dự án đầu tư cho cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, thu gom và xử lý rác thải đô thị, rác thải nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối cấp vùng như cấp nước, xử lý chất thải rắn tại Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng đồng bằng Sông Cửu Long…

Việc hợp tác giữa Bộ Xây dựng với các tổ chức quốc tế về tăng trưởng xanh sẽ được tiếp cận theo nhiều phương thức. Đối với các dự án đang triển khai, các bên sẽ tiếp tục phát triển xây dựng các ý tưởng dự án theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH. Đối với các dự án mới thì sẽ tổ chức các buổi tiếp xúc, trao đổi về quan điểm, ưu tiên của nhà tài trợ, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.

Cần sự quyết liệt vào cuộc từ Trung ương


Việt Nam có nhu cầu hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh trong nhiều lĩnh vực

Ông Hubert Jenny – Chuyên gia cao cấp phát triển đô thị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá: ADB nhận thấy Việt Nam có nhiều cố gắng trong việc gắn phát triển kinh tế hàng năm với tăng trưởng xanh và đã đạt được những kết quả nhất định, song cũng còn không ít vấn đề cần nỗ lực cải thiện. Hiện nay, ADB tập trung hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các Cty dịch vụ nước ở Việt Nam xây dựng 10 chỉ số để đánh giá chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, ông Hubert Jenny cho biết: ADB cũng đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng nghị định hợp tác công tư PPP, hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện Chương trình Môi trường đô thị từ năm 2012. Hiện nay đã có 12 đô thị ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long được đánh giá. Chúng tôi cũng đang xây dựng một số chính sách và sẽ gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến.

Đưa ra các kinh nghiệm của một quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong tiết kiệm năng lượng ở các tòa nhà, ông Jorgen Hvid – Cố vấn chuyên ngành của Trung tâm Hợp tác toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết: Việc tăng trưởng xanh cần sự quyết liệt vào cuộc của Trung ương. Chính phủ cần làm việc với các đơn vị tư nhân để có những giải pháp cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà. Nhờ cách làm này, Đan Mạch đã giảm được 81% tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà từ năm 1961 đến năm 2010 thông qua việc thực hiện các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cho các toà nhà. Hiện nay chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đến năm 2020 sẽ giảm 68% năng lượng tiêu thụ trong các tòa nhà.

Theo baoxaydung.com.vn

Gia Lai Khánh thành Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học thân thiện môi trường

Công ty TNHH một thành viên Sinh học Minh Hoàng Gia Lai vừa khánh thành giai đoạn I Nhà máy Sản xuất Nhiên liệu sinh học và khai trương trạm phân phối Biodiesel B5 đầu tiên tại Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.
nha may nhien lieu sinh hoc
Việc đưa nhà máy đi vào hoạt động để thực hiện sứ mệnh trở thành đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực tạo ra nhiên liệu sinh học dầu Biodiesel B100-B5 từ cây Jatropha và các loại cây có dầu khác, đánh dấu một bước tiến trong nền nhiên liệu sinh học Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chung sức bảo vệ hành tinh xanh.Được biết, để phục vụ cho sản xuất, Công ty đã đầu tư vùng nguyên liệu cây Jatropha ở một số huyện trong tỉnh với diện tích lớn, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường

Dành 1.000 tỷ đồng sẵn sàng hỗ trợ DN đổi mới công nghệ

Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia với số vốn 1.000 tỷ đồng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp muốn đổi mới, nâng cao khả năng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Khoa học và công nghệ.

sxsh

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa chính thức ra mắt Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Quỹ được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động của Quỹ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, Quỹ ra đời với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm cho xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tiếp nhận được các kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học kể cả công nghệ nhập khẩu và ứng dụng vào sản xuất kinh doanh để đổi mới công nghệ của chính doanh nghiệp.

Theo ông Quân tại doanh nghiệp Việt Nam hầu hết đều là mô hình doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, với quy mô hoạt động hạn chế nên doanh nghiệp không đủ năng lực để đầu tư và đổi mới công nghệ, nhưng nếu không đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, có sức cạnh tranh trên thị trường thì doanh nghiệp sẽ thua ngay cả trên sân nhà, chứ chưa nói đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì thế, sự hỗ trợ từ Chính phủ trong lĩnh vực này là rất cần thiết

Do đó, Quỹ này hoạt động nhằm vào doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp – doanh nghiệp khởi nguồn hay những doanh nghiệp được thành lập từ kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, các trường đại học….kết quả nghiên cứu là những giải pháp hữu ích có tính ứng dụng cao trong đời sống

Bộ trưởng Quân cho rằng, với mức đầu tư 1.000 tỷ, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể có thể trông cậy để đổi mới. Quỹ cho vay với với lãi suất thấp, thậm chí dự án lớn được Quỹ bảo lãnh vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong quá trình đổi mới công nghệ và đầu tư cho sản phẩm mới.

Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng nguồn vốn sẽ cạnh tranh, minh bạch. Theo quy định, mức hỗ trợ cao nhất của Quỹ đối với dự án có hàm lượng khoa học cao tối đa 30% tổng kinh phí của dự án do doanh nghiệp xây dựng. Quỹ ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí, tự động hóa…

Khi doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới thì phải trình được dự án đã được thông qua cấp quản lý trong lĩnh vực. Cụ thể, đối với doanh nghiệp địa phương thì dự án phải phù hợp với chiến lược địa phương đó, đối với bộ ngành thì phải phù hợp với chiến lược phát triển của ngành.

Sau cùng, Bộ sẽ có Hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học đầu ngành, đơn vị quản lý đầu ngành trong lĩnh vực đó để thẩm định dự án và quyết định mức đầu tư. Suốt quá trình tiếp theo phê duyệt các đơn vị chức năng của Bộ cùng với Quỹ sẽ giám sát quá trình sử dụng Quỹ cho dự án của doanh nghiệp, có báo cáo, đánh giá giữa kỳ hay kiểm tra đột xuất để đảm bảo doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích và cuối cùng là đánh giá nghiệm thu sản phẩm của dự án. Những gì nhà nước tài trợ thì sản phẩm phải tương ứng với điều kiện hội đồng đề ra.

Theo dantri.com.vn

Sản xuất sạch hơn: Bảo vệ môi trường và lợi ích doanh nghiệp

Ngày 30/1/2015 tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Sản xuất sạch hơn: Bảo vệ môi trường và lợi ích doanh nghiêp”  với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Ủy Ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện của gần 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ.

San xuat sach hon

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Võ Tuấn Nhân – Phó Chủ nhiệm UBKHCN và Môi trường của Quốc hội khẳng định: “Cùng với Chiến lược Tăng trưởng xanh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất theo hướng bền vững như: Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030… Thông qua đó, ở nhiều địa phương, nhiều ngành và lĩnh vực công nghiệp quan trọng đã có nhiều doanh nghiệp điển hình thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn. Điều này đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế và môi trường to lớn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho toàn xã hội”.

Hội thảo cũng được nghe báo cáo từ Văn phòng Ban điều hành Chiến lược sản xuất sạch hơn – Bộ Công Thương trong việc chia sẻ kết quả thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong thời gian qua cũng như giới thiệu đến các doanh nghiệp những công cụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn.

Tại Hội thảo các doanh nghiệp đều đồng tình về những lợi ích mà sản xuất sạch mang lại, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng đưa ra những khó khăn vướng mắc của mình trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào các vấn đề như: cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi, công nghệ…Đây sẽ là những ý kiến quý báu để các cơ quan quản lý có những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong thời gian tới.

Theo citinews.net