Nâng cao hiệu quả khu công nghiệp, khu kinh tế: Những khó khăn và thách thức mới

Phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ở Việt Nam trong 24 năm qua đã cho chúng ta nhiều bài học về sự thành công, thu được nhiều thành tựu nhưng cũng còn không ít bất cập và khó khăn. Thực tế phát triển các khu này đang đặt ra nhiều thách thức mới…

Báo động về ô nhiễm môi trường

Khu công nghiệp Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng đã được tỉnh Lào Cai coi là “biểu tượng” của sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa địa phương. KCN này đã giải quyết được khá nhiều lao động và có đóng góp không nhỏ vào ngân sách của tỉnh. Thế nhưng, do quy hoạch chắp vá theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, nên kể từ khi hình thành cho đến nay, Tằng Loỏng vẫn đang là điểm “nóng” về gây ô nhiễm môi trường. Các nhà máy trong KCN này trước khi xây dựng đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đều được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng chất lượng lập và thẩm định các báo cáo chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt, công nghệ sản xuất hóa chất, luyện kim tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng hầu hết đều dùng công nghệ tương đối lạc hậu, nên ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi.

Khu công nghiệp có nhà ở xã hội cho công nhân thuê như Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) còn quá ít. (Ảnh: Tuấn Anh)

Khu công nghiệp có nhà ở xã hội cho công nhân thuê như Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) còn quá ít. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tình trạng KCN, KKT gây ô nhiễm môi trường như Tằng Loỏng không phải là cá biệt. Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm môi trường ở các KCN, KKT ở nước ta hiện nay, chủ yếu là do sự ô nhiễm từ môi trường nước, không khí, từ chất thải rắn là chủ yếu. Trong đó, ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều KCN đã đi vào hoạt động mà hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp. Trong khi đó, theo ước tính có khoảng 70% trong tổng số hơn một triệu mét khối nước thải ngày, đêm phát sinh từ các KCN được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.

Đất trong KCN, KKT để hoang hóa còn lớn

Nếu ai có dịp đi qua Quốc lộ 5 (Hà Nội-Hải Phòng) sẽ thấy bên đường có khá nhiều KCN, nhưng diện tích đất để cỏ hoang mọc trong các KCN này khá lớn.

Trong báo cáo của  Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo về phát triển KCN, KKT lần thứ 5 diễn ra mới đây do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, một danh sách với hàng loạt KCN kém hiệu quả, trong diện “báo động” đã được nhắc tới. Đặc biệt, có một số KCN hiện vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang KCN.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau thời gian phát triển nóng, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCN bình quân của cả nước chỉ vào khoảng 65%. Những vùng có hạ tầng tốt như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng thì thu hút đầu tư rất tốt, nhưng những vùng mà cơ sở hạ tầng còn yếu kém thì việc thu hút các dự án vào các KCN gặp không ít khó khăn. Trước năm 2009, các KCN ở các địa bàn được coi là khó khăn đều được hưởng các ưu đãi tương đương các địa bàn khó khăn; thuế suất sẽ giảm hơn thuế suất trung bình cho doanh nghiệp. Nhưng sau năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành thì không còn ưu đãi này nữa. Điều này làm giảm tính hấp dẫn thu hút đầu tư vào KCN. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng e ngại về chi phí tiền thuê đất, đầu tư xây dựng hạ tầng và chi phí các dịch vụ liên quan.

Thiếu nhà ở cho công nhân  

Số liệu thống kê cho thấy, trong hơn 2,4 triệu lao động làm việc tại các KCN, KKT thì có đến hơn 70% là lao động ngoại tỉnh đến từ các vùng nông thôn dẫn đến sức ép về nhà ở, quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân trong các KCN, KKT rất cao.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động trong các KCN, KKT có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN, KKT trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không bảo đảm.

Hiện TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai chỉ mới giải quyết được khoảng 10% số công nhân có nhu cầu về nhà ở. Nhà trọ xung quanh các KCN của Đồng Nai, Bình Dương có những phòng chỉ rộng 12m2. Điều kiện vệ sinh ở các khu nhà trọ thiếu thốn, đơn điệu, cũ và xuống cấp. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng của hai thành phố lớn nhất nước cũng đã có nhiều cố gắng để xây dựng nhà ở xã hội bán hoặc cho công nhân thuê, nhưng số lượng vẫn còn quá ít so với nhu cầu của công nhân trong các KCN, KKT.

Theo quy hoạch phát triển các KCN, KKT ở Việt Nam, đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các KCN, KKT đạt khoảng 7,2 triệu. Số công nhân, lao động tại các KCN, KKT cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu mét vuông nhà ở. Để đạt được mục tiêu này quả là thách thức rất lớn cho các địa phương có KCN, KKT.

Để góp phần giải quyết nhà ở cho công nhân tại các KCN, KKT, tiến sĩ Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp-khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho rằng, quy hoạch KKT, KCN phải đồng bộ và gắn với việc xây dựng khu đô thị mới.

Theo Báo Điện tử Quân đội Nhân dân

Giải pháp tiết kiệm điện cho doanh nghiệp

Giá điện tăng hồi giữa tháng 3 trong bối cảnh các doanh nghiệp chưa hết khó khăn. Do đó, bản thân các doanh nghiệp đã tự nâng cao ý thức tiết kiệm điện để cân bằng chi phí đầu vào, hạn chế việc tăng giá hàng hóa.

Đầu vào tăng, đầu ra khó tăng

Mặc dù giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3 nhưng phải đến nửa cuối tháng 4, khi nhận các hóa đơn tiền điện trong tay thì các doanh nghiệp (DN) mới thấy rõ tác động trực tiếp của việc tăng giá điện lên chi phí hoạt động.

Lắp đặt, cải tạo thiết bị nhằm tiết kiệm điện tại Nhà máy nước Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Lắp đặt, cải tạo thiết bị nhằm tiết kiệm điện tại Nhà máy nước Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN

Công ty CP May Sơn Việt (TP Hồ Chí Minh) có hàng trăm máy may công nghiệp và các máy hơi vận hành dây chuyền sản xuất tiêu tốn nhiều điện năng. Trung bình mỗi tháng, DN này chi 40 – 50 triệu đồng tiền điện. Trong tháng 4 vừa qua, giá điện tăng 7,5% nên DN phải chi thêm 3 – 3,7 triệu đồng. Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, mặc dù nguyên tắc đầu vào tăng giá thì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể “mạnh dạn” tăng giá trong thời điểm hiện nay.

Ngành xi măng cũng đang trong tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho biết, giá điện tăng khiến các lĩnh vực phụ trợ liên quan đến xi măng cũng tăng theo. Theo tính toán, ngành xi măng phải điều chỉnh giá bán tăng 17.000 – 20.000 đồng/tấn thì mới hòa vốn. “Nhưng tăng giá vô cùng khó bởi phải tính đến người tiêu dùng cũng như giá quốc tế. Hơn nữa, các DN còn phải ‘nhìn nhau’ bởi nếu chỉ DN mình tăng giá thì sẽ không bán được”, ông Cung cho biết.

Không chỉ các DN sản xuất mà các DN khối dịch vụ cũng đang lo lắng không kém khi chi phí đầu vào bị đội lên. Đại diện chuỗi siêu thị điện máy Media Mart (Hà Nội) cho biết, mỗi tháng, chi phí sử dụng điện của cả hệ thống là khoảng 500 triệu đồng. Khi giá điện tăng 7,5%, công ty phải trả thêm hơn 37 triệu đồng cho hệ thống chiếu sáng, demo hình ảnh tivi, âm thanh, chạy thử sản phẩm… Tại hệ thống siêu thị máy tính Trần Anh, điện năng tiêu tốn khoảng 5% tổng chi phí đầu tư hằng tháng.

Hiện các siêu thị này đều cam kết không tăng giá sản phẩm, thay vào đó là kế hoạch tiết kiệm điện. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ước tính mỗi tháng, các siêu thị lớn phải tốn vài trăm triệu đồng, siêu thị nhỏ cũng phải chi vài chục triệu đồng tiền điện. Bởi vậy, tiết kiệm điện là giải pháp bắt buộc cho tình thế hiện nay.

Đối với các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, các DN đã bố trí lại không gian nhà xưởng, triển khai mở thêm các lỗ thông gió để hạn chế dùng quạt; thay đổi một số tấm lợp nhà nhựa trắng để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; nhắc nhở các công nhân chỉ sử dụng các thiết bị máy móc khi thật cần thiết. Còn với các nhà máy công nghiệp nặng (trong ngành thép, xi măng…) tiêu tốn nhiều điện năng, khi mà việc thay thế các dây chuyền công nghệ chưa thể thực hiện bởi rào cản tài chính thì các DN đã rà soát, duy tu bảo dưỡng hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất để giảm tổn thất điện năng; đẩy mạnh sản xuất vào ca đêm để hưởng giá điện thấp điểm.

Kiểm toán năng lượng

Theo khảo sát mới đây của Sở Công Thương Hà Nội thực hiện tại 92 DN trọng điểm, khoảng 60% DN đã thực hiện việc kiểm toán năng lượng và đã có cán bộ chuyên trách quản lý năng lượng. Điều này cho thấy các DN đã tự có ý thức tiết kiệm điện để hạn chế những tác động của việc tăng giá điện gây ra đối với hoạt động sản xuất.

Năm nay là năm cuối cùng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2013 – 2015, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm 6 – 9% tổng mức điện năng tiêu thụ. TS Đào Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội cho biết, từ năm 2014, Hà Nội đã tập trung hỗ trợ cho các DN sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng cho 15 cơ sở sản xuất công nghiệp, tư vấn 76 giải pháp tiết kiệm năng lượng.

“Đối với các khu công nghiệp và chế xuất, thành phố đã hỗ trợ các DN tại các khu công nghiệp Thăng Long, Quang Minh thúc đẩy việc sử dụng trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, tập trung vào công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực: điện – điện tử, viễn thông, cơ khí, vật liệu. Trong đó, tư vấn cho 5 DN 28 giải pháp tiết kiệm năng lượng, giúp tiết kiệm 3,55 tỷ đồng/năm. Đối với các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm, trung tâm đã hướng dẫn 20 đơn vị xây dựng báo cáo tình hình sử dụng năng lượng và tự đánh giá khu vực tiêu hao nhiều năng lượng tại đơn vị; hỗ trợ tư vấn cho 6 đơn vị giải pháp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giúp tiết kiệm gần 720 triệu đồng/năm”, ông Thái cho biết.

Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ DN tiết kiệm điện, tập trung vào giải pháp đổi mới công nghệ, ứng dụng phương pháp quản lý tiên tiến…

Theo Hoàng Dương/ Báo Tin tức

Nông dân đi Tây tiếp thị cá tra

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, một nông dân nuôi cá tra ở An Giang đã lặn lội khắp đông tây để quảng bá sản phẩm, học kinh nghiệm làm giàu.

Nuôi cá tra theo chương trình SUPA

Nuôi cá tra theo chương trình SUPA – Ảnh: Chí Nhân

Ông Nguyên vừa trở về từ Hội chợ thủy sản toàn cầu tổ chức tại Bỉ cuối tháng 4, theo chương trình của dự án SUPA. Đây là một dự án giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra VN trên thị trường quốc tế; hỗ trợ cả doanh nghiệp (DN) chế biến và người nuôi cá. Tại hội chợ lần này, dự án đưa cả DN và nông dân đến để giới thiệu với người tiêu dùng thế giới về việc phát triển theo hướng bền vững của con cá tra VN. Gian hàng của SUPA gồm 6 DN và một đại diện cho người nuôi cá đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là ông Nguyên. Đây là một trong những hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường, xây dựng hình ảnh cá tra VN trên thị trường thế giới.

“Hơi tiếc là mình không biết tiếng Mỹ”

Ông Nguyên kể: “Gian hàng của chúng tôi nằm trong Hall (nhà) thứ 9 chung với Thái Lan, Ấn Độ và một số nước khác. Có rất nhiều người đến tham quan và tìm hiểu về chương trình phát triển cá tra của chúng tôi. Chúng tôi giới thiệu với họ về ngành nuôi và chế biến cá tra ở VN qua những đoạn phim. Bên cạnh đó, tài liệu về từng DN và cả trại nuôi của tôi được bỏ chung trong một giỏ xách để họ có thể mang về nghiên cứu”.

Nông dân đi Tây tiếp thị cá tra - ảnh 2 Nông dân đi Tây tiếp thị cá tra - ảnh 3Tôi nuôi cá như thế nào thì tôi nói với thế giới như vậy. Các DN trong dự án cũng vậy. Tôi chỉ hơi tiếc là mình không biết tiếng Mỹ nên không thể nói chuyện trực tiếp với họ. Nếu tôi mà biết tiếng Mỹ thì sẽ nói hay hơn rất nhiều Nông dân đi Tây tiếp thị cá tra - ảnh 4
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, nông dân nuôi cá tra

Điều mà ông Nguyên nói với khách hàng thế giới là nhiều nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL như ông đang hướng đến một cách thức sản xuất bảo đảm về chất lượng, thân thiện với môi trường và cộng đồng, dưới sự giúp đỡ của các tổ chức đến từ châu Âu. Tham gia dự án SUPA, ông Nguyên được các chuyên gia Khoa Thủy sản Trường đại học Cần Thơ hỗ trợ kỹ thuật hoàn toàn miễn phí. Hằng tháng, các chuyên gia này đến tận ao nuôi để lấy mẫu nước, mẫu cá về kiểm nghiệm, nếu phát hiện gì bất thường sẽ kịp thời điều chỉnh. Để tăng tỷ lệ cá sống, họ đã giúp ông phương pháp cung cấp thêm ô xy cho ao nuôi. Bên cạnh đó là các giải pháp giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường…

“Dự án không nhằm xây dựng một tiêu chuẩn nào cho người nuôi mà họ chỉ giúp mình thực hành nuôi sao cho hiệu quả, chất lượng và thân thiện bằng việc lồng ghép vào đó các tiêu chuẩn của ASC – một chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động”, ông Nguyên nói.

“Tôi nuôi cá như thế nào thì tôi nói với thế giới như vậy. Các DN trong dự án cũng vậy. Tôi chỉ hơi tiếc là mình không biết tiếng Mỹ nên không thể nói chuyện trực tiếp với họ. Nếu tôi mà biết tiếng Mỹ thì sẽ nói hay hơn rất nhiều”, ông Nguyên kể thêm về những ngày ở hội chợ.

Những tiêu chuẩn không liên quan gì tới chất lượng

Ông Nguyên nhìn nhận, đi hội chợ mới thấy sản phẩm thủy sản trên thế giới có rất nhiều loại của rất nhiều nước. Nếu mình làm không tốt thì không thể cạnh tranh được với họ.

Ông Nguyên kể: “Người tiêu dùng thế giới họ đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe, nếu mình vi phạm thì họ sẽ không ăn hàng của mình nữa. Tôi có tham dự một cuộc tọa đàm của Thái Lan. Hàng thủy sản đánh bắt của họ bị châu Âu đưa vào diện cảnh báo ở mức độ vàng vì có sử dụng lao động trẻ em. Vậy là ngay lập tức họ cam kết khắc phục. Điều này cho thấy tinh thần cầu thị của họ rất cao, rất tích cực. Ở đây, mình thấy là người tiêu dùng bây giờ họ có những tiêu chuẩn không liên quan gì tới chất lượng sản phẩm, mà nó mang tính nhân văn của cái sản phẩm đó. Hay như tiêu chuẩn ASC, người ta không cho phép việc nuôi trồng của anh làm ảnh hưởng đến môi trường, đến những người xung quanh”.

Tại tọa đàm do VN tổ chức, ông Nguyên rất tâm đắc khi chúng ta đưa Nghị định 36 ra để khẳng định đang siết chặt chất lượng cá tra xuất khẩu sau một thời gian dài buông lỏng. “Nghị định 36 quy định tỷ lệ mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước tối đa trong cá tra phi lê đông lạnh không quá 83%. Tôi cho là ta làm điều này là hết sức hay và chủ động để từng bước xây dựng hình ảnh con cá tra VN ngày càng chất lượng, an toàn. Tại sao mình phải làm như vậy? Vì trước đây có một thời kỳ các DN của mình làm ăn gian dối, mạ băng 30 – 40%, miếng cá rã đông ra chất lượng không có, không còn gì để ăn. Bây giờ mình phải chấp nhận đau thương trong một vài năm để lấy lại uy tín. Trước khi đi hội chợ quốc tế này, tôi có nói chuyện với một số công ty thì họ nói rằng cái chuyện đó là chuyện tào lao. Tự dưng đang buôn bán thuận lợi lại làm như vậy như tự mang gông, lấy thòng lọng siết cổ mình. Tôi cho rằng đó là cách nhìn rất thiển cận. Tôi nghĩ, nếu còn những DN giữ cách suy nghĩ cách làm ăn như vậy thì cũng rất khó cho con cá tra VN sau này”, ông chia sẻ.

Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững

SUPA là dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại VN”. Dự án có tổng giá trị gần 2,4 triệu euro, trong đó Liên minh châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu euro thông qua Chương trình EU SWITCH – Asia. Cơ quan chủ trì thực hiện dự án là Trung tâm sản xuất sạch hơn VN cùng các đối tác khác là Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), WWF – VN và WWF – Áo.

Dự án được thực hiện trong 4 năm (2013 – 2017), tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp sử dụng tài nguyên có hiệu quả và sản xuất sạch hơn, cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường. Dự án cũng giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các DN vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hiện hành như ASC, Global GAP… hướng tới sản xuất bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra trên thị trường thế giới.

Trưởng phái đoàn nông dân

Ông Nguyên nhớ lại, giữa tháng 9.2012, ông cùng 9 chủ nhiệm HTX khác khắp cả nước tham dự khóa học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc, do Liên minh HTX quốc tế (ICA) tổ chức. Ở Hàn Quốc, họ làm gì, ngành nghề nào cũng có HTX sản xuất quy mô lớn. Khi nông dân làm ra sản phẩm, họ ủy thác cho HTX bán chứ không bán trực tiếp. “HTX định giá rồi mời các DN mua theo hình thức đấu giá. DN nào bỏ giá cao thì mua được hàng. Hợp đồng ký xong tiền chuyển vào tài khoản của HTX. Ông chủ nhiệm HTX được hưởng lợi vài ba phần trăm từ những hợp đồng đó. Người nông dân không phải vất vả tìm đầu ra cũng không sợ bị ép giá. Đặc biệt là họ muốn làm gì cũng phải vào HTX vì nếu không sản phẩm làm ra chẳng bán được cho ai”, ông Nguyên kể, rồi trầm ngâm: “Trong khi ở VN, nông dân không được định giá sản phẩm của mình làm ra. Bên cạnh đó còn thường xuyên bị DN chiếm dụng vốn. DN nào tốt thì họ trả chậm 1 tháng, có khi 3 – 4 tháng cũng phải chịu”.

Ngoài chuyến đi Hàn Quốc năm 2012 và tham gia Hội chợ thủy sản toàn cầu năm 2015 (SEG) lần thứ 23 (diễn ra từ ngày 21 – 23.4) tại Brussels (Vương quốc Bỉ), năm 2003, khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên con cá tra VN, ông Nguyên đã đi vận động, lấy ý kiến những người nuôi cá để viết “kháng thư” gửi đến Bộ Thương mại Mỹ. Sau đó, ông làm “Trưởng phái đoàn nông dân” gồm 3 người, trực tiếp gặp các chuyên gia của Bộ Thương mại Mỹ tại TP.HCM để nói về cá tra VN.

 Theo thanhnien.com.vn

 

Tăng cường khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông, lâm, thủy sản

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản.

Ảnh minh họa: (chinhphu.vn)

Ảnh minh họa: (chinhphu.vn)

Để tăng cường kiểm soát, sớm khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thống kê, rà soát, phân loại về quy mô, mức độ ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi trồng, chế biến thủy sản và sản xuất, chế biến khác trong các lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Xây dựng cơ sở sản xuất gắn với kiểm soát ô nhiễm môi trường

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, danh mục sản phẩm xử lý môi trường đối với hoạt động chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đồng thời xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho khu chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản, khu giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; thực hành quy trình quản lý tốt đối với hệ thống chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đi kèm với hệ thống xử lý chất thải đồng bộ; quản lý sản xuất an toàn và khuyến khích người dân áp dụng quy phạm, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

Bên cạnh đó xây dựng mô hình về cơ sở sản xuất gắn với kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quả trong từng lĩnh vực, có lộ trình để nhân rộng đưa vào sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ về khoa học, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thu gom và xử lý chất thải đối với cơ sở chăn nuôi và giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản hiệu quả và phù hợp với điều kiện của từng vùng miền.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; thẩm định, công bố, phổ biến và khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về môi trường mới đối với chất thải phù hợp tính chất đặc thù của các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Bộ Công an chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản theo thẩm quyền. Chỉ đạo cơ quan môi trường các cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định. Xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc các cơ sở chây ỳ, không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả; công khai thông tin các hành vi vi phạm để tạo áp lực dư luận.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn và xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia làm cơ sở để ngành nông nghiệp quản lý, giám sát, cảnh báo môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Xác định và công bố mức độ ô nhiễm môi trường tại các khu vực có mật độ tập trung cao các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, tổ chức lại sản xuất phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân; tăng cường giám sát cộng đồng đối với công tác bảo vệ môi trường và công tác đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Xác định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc thống kê, rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản trong tháng 6/2016. Xây dựng Kế hoạch quản lý, kiểm soát và lộ trình khắc phục ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi và giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; xác định rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong các hoạt động này.

Đồng thời ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản ở địa phương. Xác định rõ mục tiêu cần đạt tới và yêu cầu bắt buộc của tiêu chí bảo vệ môi trường trong công nhận các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó triển khai chương trình quan trắc môi trường, nâng cao năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường trong các lĩnh vực sản xuất chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản trên địa bàn.

Các Bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sắp xếp, bố trí kinh phí trong phạm vi dự toán được giao hàng năm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước, tập trung chỉ đạo có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, từng bước tạo chuyển biến về khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường khu vực nông thôn và trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Phan Hiển/ chinhphu.vn

Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học

Các nhà khoa học đã kết luận rằng việc biến chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu sinh học là hoàn toàn có thể và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cả về mặt kinh tế. Nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng chất thải “ướt” vốn thường được xem là khó sử dụng, đồng thời cũng đã phát triển một quy trình khá đơn giản để vận chuyển chất thải và sản xuất điện năng từ chúng.

31020153

Chất thải nông nghiệp “khô”, chẳng hạn như mạt gỗ hay mùn cưa, rất dễ tái sử dụng để sản xuất năng lượng, trong khi những chất thải nông nghiệp dạng “ướt”, như vỏ ngô, dây leo cà chua và phân thường bị phân huỷ trước khi có thể sử dụng chúng vào việc này.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu do Giáo sư kỹ thuật Animesh Dutta, giám đốc Bio-Renewable Innovation Lab (BRIL) tại Đại học Guelph, tin rằng họ đã tìm thấy một giải pháp liên quan đến sử dụng áp suất để giải quyết vấn đề nêu trên. Quá trình này sẽ tạo ra những nguyên liệu nhỏ gọn, dễ vận chuyển, khó phân huỷ và có thể được sử dụng để phát điện.

 

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí “Applied Energy” và, theo giáo sư Dutta, trong điều kiện phòng thí nghiệm, chất thải nông nghiệp cũng có thể tạo ra một lượng điện năng tương đương với than đá với một lượng như nhau.

“Điều này cũng có nghĩa là chúng ta đang có sẵn một nguồn chất thải nông nghiệp khá phong phú để sản xuất điện với hiệu năng như than đốt, song không đòi hỏi bất cứ một khoản đầu tư đáng kể nào cho việc khởi nghiệp”, giáo sư Dutta nói. “Việc chúng tôi đang thực hiện là xử lý một nguồn chất thải nông nghiệp thuần âm mà người nông dân phải trả phí để vứt bỏ, đồng thời tạo cơ hội cho họ kiếm thêm tiền và góp phần bảo vệ môi trường. Đây là một vòng tuần hoàn kín, vì vậy, chúng ta không cần phải lo lắng về những chí phí phát sinh.”

Sử dụng thức ăn dư thừa và chất thải xanh “ướt” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm ở châu Âu nhưng vẫn chưa được chứng minh là khả thi ở Bắc Mỹ, nơi nguồn cung than dồi dào hơn. Các kim loại kiềm và kiềm thổ có trong chất thải nông nghiệp, như silic, kali, natri và canxi, cũng có thể làm hỏng đường ống tại nhà máy điện trong quá trình cháy. Các nhiên liệu sinh học mới được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại BRIL chứa ít kim loại kiềm và kiềm thổ hơn, do đó cho phép chúng có thể được sử dụng trong các nhà máy điện.

Giáo sư Dutta nói rằng nhóm nghiên cứu của ông hiện đã có thể sản xuất một lượng điện năng nhỏ ở quy mô phòng thí nghiệm từ những nhiên liệu sinh học này và bước tiếp theo sẽ là đưa quá trình này phát triển ở bên ngoài phòng thí nghiệm – với sự quan tâm rộng rãi của các đối tác doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.

Giáo sư Dutta tin rằng ngành nông nghiệp – thực phẩm giờ đây có thể tự phát triển nguồn cung cấp năng lượng cho chính mình. Những nồi áp suất lớn có thể được xây dựng bên trong hoặc gần các trang trại, tạo điều kiện cho họ có thể dễ dàng thực hiện việc chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành điện năng. Quá trình này có thể mất đến 5 – 7 năm phát triển phụ thuộc vào các nguồn tài trợ.

Anh Tuấn (Theo Renewable Energy Magazine)

Nguyên liệu nhựa thân thiện môi trường – công nghệ R3Plas

Thương hiệu công nghệ R3Plas đã chính thức xuất hiện tại Việt Nam – một thị trường rất giàu tiềm năng của dòng nguyên liệu nhựa thân thiện môi trường.

main19-products

Một số sản phẩm điển hình của công ty Winrigo (nguồn: winrigo.com.sg)

Ngày 31/3 vừa qua, hội thảo “Bao bì xanh – Hoạt động sản xuất theo xu hướng thân thiện môi trường” đã được tổ chức tại Trung tâm triển lãm SECC bởi các Hiệp hội của Singapore, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nội dung của hội thảo chia sẻ các thông tin hữu ích từ khâu lựa chọn nguyên vật liệu sản xuất, hoạt động sản xuất, đến hoạt động thiết kế và đóng gói sản phẩm nhằm cho ra đời các sản phẩm nhựa thân thiện môi trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng

Một doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực này là Công ty Winrigo (S) Pte Ltd Singapore với thương hiệu “R3Plas”. Winrigo (S) Pte Ltd vừa chính thức đón nhận giải thưởng giá trị “World Star Award 2015 – Phát kiến công nghệ trong lĩnh vực bao bì” do Tổ chức Bao bì quốc tế trao tặng nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc sản xuất nhiều dòng nguyên liệu nhựa sinh học.

Bên cạnh đó, công ty còn sở hữu nhiều chứng nhận, giải thưởng khác như “Singapore Green Label – Nhãn xanh Singapore”; “Asia Star Award”, “Sustainable Manufacturing – Sản xuất bền vững”…

Thương hiệu công nghệ R3Plas đã chính thức xuất hiện tại Việt Nam – một thị trường rất giàu tiềm năng của dòng nguyên liệu nhựa thân thiện môi trường.

Ông Đặng Hoàng Khánh, đã cùng hợp tác với công ty Winrigo nhằm phát triển thương hiệu R3Plas tại Việt Nam cho biết: “Rác thải từ các sản phẩm ngành nhựa đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng rác thải, là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mặt khác, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nhựa trong sản xuất, sinh hoạt là một nhu cầu thiết yếu của xã hội. Giải pháp theo công nghệ sinh học R3Plas góp phần nhằm giải quyết hiệu quả cho các yếu tố trên, do công nghệ này có thể ứng dụng rộng rãi cho các công nghệ sản xuất nhựa khác nhau như thổi màng, đùn tấm và ép khuôn mà không làm thay đổi máy móc, qui trình sản xuất của nhà máy”.

Công ty Winrigo phát triển công nghệ sinh học R3Plas gồm 3 dòng nguyên liệu:

– R3Plas – Nguyên liệu hạt nhựa tự huỷ sinh học: ứng dụng trong sản xuất sản phẩm bao bì nhựa màng đơn, màng ghép và những sản phẩm ép nhựa gia dụng khác.

– R3Plas – Nguyên liệu hạt nhựa bio-composite: dùng cho sản xuất các sản phẩm nhựa gia dụng có nguồn gốc từ thực vật như vỏ trấu, cà phê, gỗ, mía (PLA)…

– R3plas – Nguyên liệu hạt nhựa compound kĩ thuật cao như PP, PC, ABS, POM, PBT…

Thương hiệu R3Plas được công nhận bởi nhiều đơn vị sản xuất tại các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hồng Kông, Nhật Bản. Trong buổi hội thảo này, Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến đã chính thức công bố sự ra đời của dòng “sản phẩm xanh” gồm các sản phẩm nhựa gia dụng có tính năng tự huỷ sinh học sau một thời gian sử dụng và các sản phẩm nhựa có nguồn gốc từ thực vật.

Đây là dòng sản phẩm mới hướng đến hoạt động sản xuất bền vững, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó là kì vọng giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thông qua sinh hoạt hàng ngày.

“Sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện môi trường luôn là hoạt động được Nhà nước khuyến khích. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã có những chiến dịch, sắc lệnh nhằm hạn chế hoặc nghiêm cấm các sản phẩm bao bì nhựa thông thường, đồng thời khuyến khích các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tại Việt Nam, thuế môi trường hiện cũng đã được áp dụng đối với bao bì túi nylon. Chương trình Nhãn xanh Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo hướng này. Theo xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, các sản phẩm có Nhãn xanh Việt Nam sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước”, ông Đặng Hoàng Khánh cho biết thêm.

Theo moitruong.com.vn