Điện Quang với việc sản xuất sạch hơn – xu thế của ngành công nghiệp hiện đại

Công ty Điện Quang đang tích cực áp dụng sản xuất sạch để giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Story

Áp dụng sản xuất sạch hơn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao hình ảnh trên thị trường.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, sản xuất sạch hơn (SXSH) đã trở thành một trong những xu thế của ngành công nghiệp hiện đại. Theo xu hướng này, hiện nay, Điện Quang hoàn toàn sử dụng thuỷ tinh không chì trong sản phẩm, đồng thời loại trừ dần chì ra khỏi các công đoạn sản xuất có dùng chì, hay thay thế Hg dạng lỏng sang Hg dạng hạt nhằm hạn chế khuếch tán Hg vào môi trường.

Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ, nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Đối với sản xuất, sản xuất sạch hơn (SXSH) gồm quá trình bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm, SXSH làm giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Còn với dịch vụ, SXSH đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

Áp dụng SXSH sẽ mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích: Cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh về một doanh nghiệp xanh; cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp và và an toàn.

Năm 1995, khái niệm “SXSH” lần đầu tiên được giới thiệu vào Việt Nam. Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã không ngừng tuyên truyền, quảng bá rộng rãi khái niệm và các giải pháp về SXSH đến các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.

Đặc biệt, tháng 9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020” và đến năm 2013, Bộ Công Thương cũng phê duyệt các Đề án thực hiện Chiến lược SXSH.

Đề án đặt ra mục tiêu: Đến năm 2015, 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH, các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 5 – 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; giai đoạn 2016 – 2020, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH; các cơ sở sản suất công nghiệp áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 8 – 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm.

Tuy nhiên, theo đánh giá, đến nay nhận thức và áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên cả nước vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tính đến đầu năm 2014, mới có khoảng 11% doanh nghiệp áp dụng SXSH.

Rào cản lớn nhất đối với SXSH ở Việt Nam chính là do các doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH vào sản xuất kinh doanh, trong khi đó, thực hiện SXSH cần một chi phí khá lớn đầu tư ban đầu, nên đa số các doanh nghiệp còn ngại ngần…

Để các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn đến SXSH, nhằm nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm khi ra thị trường thế giới, các chuyên gia cho rằng, cần có một khung pháp lý để cưỡng chế các doanh nghiệp tham gia vào SXSH. Đặc biệt, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để các doanh nghiệp tham gia vào SXSH.

Theo anhsangonline.vn

Ngành xi măng: Đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất

Tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những định hướng đầu tư của ngành xi măng theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2020-2030.

263201511

 Nghiên cứu chuyển đổi công nghệ nâng cao chất lượng xi măng

Cụ thể, ngành xi măng sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, đầu tư mở rộng các dự án có điều kiện về công nghệ, tài chính với công suất lớn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng xi măng.

Để từng bước đổi mới công nghệ, khẳng định vị trí top đầu thị trường xi măng phía Nam, Tổng công ty Xi măng FiCO đã tập trung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, xây dựng phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn (TCVN 17025:2005) Vilas 270 và sản phẩm xi măng FiCO PCB 40 đạt tiêu chuẩn TCVN 6260:2009, đảm bảo chất lượng ổn định, giá thành cạnh tranh. Ông Nguyễn Quang Trung – Tổng giám đốc Tổng công ty FiCO cho biết: “Trong thời gian tới (2016-2020), bên cạnh công tác sản xuất và tiêu thụ, FICO sẽ triển khai dự án đầu tư dây chuyền 2 có công suất thiết kế 1,24 triệu tấn clinker, dây chuyền nghiền xi măng công suất 1,6 triệu tấn xi măng, tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018”.

Bên cạnh đó, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Vicem Hoàng Thạch) cũng là một điển hình trong việc tập trung đổi mới công nghệ khi nghiên cứu, áp dụng thành công kỹ thuật giảm tiêu hao năng lượng nghiền liệu, nhờ đó lò 3 của nhà máy chạy ổn định và vượt công suất thiết kế với 336 ngày, đạt kỷ lục thế giới (thông thường theo tiêu chuẩn thiết kế mỗi lò chạy hết công suất khoảng từ 250-325 ngày); chi phí cho tiêu thụ sản phẩm chỉ có 70.000 đồng/tấn xi măng, trong khi đơn vị khác là 150.000-200.000 đồng/tấn.

Chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2015 của ngành xi măng tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2014. Tiêu thụ sản phẩm xi măng trong hai tháng đầu năm đạt 9,01 triệu tấn, bằng 103,9% so cùng kỳ năm 2014 và đạt 12,5% kế hoạch năm 2015. Trong đó, tiêu thụ trong nước vẫn đạt con số 6,76 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014.

Ông Đào Ngọc Bình –  Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch cho biết, để phát triển mạnh theo chiều sâu, Vicem Hoàng Thạch đang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí.

Theo yêu cầu của Chính phủ, năm 2015, đối với những dự án xi măng đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clinker/ngày trở lên; các dự án ở vùng sâu, dự án chuyển đổi công nghệ có thể áp dụng quy mô, công suất phù hợp. Với sự quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của Chính phủ cùng với đà phục hồi của thị trường bất động sản, các chuyên gia dự đoán rằng mức tiêu thụ sản phẩm xi măng, nhất là tại thị trường nội địa sẽ vẫn giữ được nhịp tăng trưởng như những tháng cuối năm 2014./.

Theo ven.vn

 

 

Mỹ áp đặt quy định khắt khe hơn đối với mặt hàng cá da trơn

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng theo đó sẽ áp đặt các quy định mới nghiêm ngặt hơn đối với mặt hàng cá da trơn (catfish).

ca da tron 1

 Ảnh minh họa: agritrade.com.vn

Quy định mới này được các chuyên gia nhìn nhận không chỉ gây khó khăn cho các mặt hàng cá basa hay cá da trơn của các nước, trong đó có Việt Nam, nhập khẩu vào Mỹ mà còn tác động tới cả các nhà sản xuất mặt hàng thủy sản này của Mỹ.

Ông John Sackton, chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp thủy sản, cho biết, với các quy định sắp áp đặt, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn, thậm chí hàng ngày, trực tiếp tại các nhà máy chế biến thịt và hải sản, so với các cuộc giám sát, kiểm tra ngẫu nhiên mà hiện nay do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) tiến hành.

Quy định này khi được áp đặt, trước hết các nhà sản xuất cá da trơn ở Mỹ có thể cũng sẽ gặp khó khăn vì phải chi thêm hàng triệu USD để tuân thủ những quy định mới. Ngành sản xuất cá da trơn của Mỹ chủ yếu tập trung ở các bang miền nam như Alabama, Arkansas, Mississippi và Texas.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong vài năm qua, vì nhiều lý do, diện tích nuôi trồng cá da trơn của Mỹ đã bị thu hẹp, từ khoảng 65.000 ha năm 2008 xuống chỉ còn một nửa, khoảng 23.000 ha.

Các nhà sản xuất Mỹ nói rằng họ phải giảm diện tích nuôi trồng vì giá ngô, nguồn thực phẩm chính để nuôi cá, trong vài năm qua tăng giá khá cao. Năm 2008, để bảo vệ ngành sản xuất cá da trơn nội địa, Mỹ đã áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch, áp thuế “bán phá giá” đối với mặt hàng cá da trơn nhập khẩu từ một số nước, trong đó có cá tra và cá basa nhập khẩu từ Việt Nam.

Một số nhà lập pháp Mỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain và Thượng nghị sỹ Jeanne Shaheen, từng mô tả kế hoạch chuyển chức năng giám sát cá da trơn từ FDA sang Bộ Nông nghiệp Mỹ là “lãng phí và chỉ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất cá da trơn nội địa”./.

Theo VietnamPlus

Xây dựng mô hình khu công nghiệp các-bon thấp

Ngày 19/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp (IPSI – Bộ Công thương) phối hợp với Quỹ Châu Á tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Xây dựng mô hình Khu công nghiệp carbon thấp: Các giải pháp và chính sách hỗ trợ”.

1344570471_Goc Da Nang nhin tu KS Hoang Anh Gia Lai

Khu công nghiệp carbon thấp tại Đà Nẵng

Đây là hoạt động thuộc dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo định hướng Carbon thấp – Nghiên cứu thí điểm tại Đà Nẵng”, do Bộ Ngoại giao Anh tài trợ, được thực hiện trong giai đoạn 2012-2015. Kết quả bước đầu của dự án đã góp phần cắt giảm 1,6 nghìn tấn CO2 cho một Khu công nghiệp ở Đà Nẵng thông qua quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Nguyễn Đình Anh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho rằng: Dự án “Xây dựng mô hình Khu công nghiệp carbon thấp” rất mới, lần đầu tiên kết hợp được các đơn vị nghiên cứu ở Trung ương với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp địa phương trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Việc kiểm kê khí nhà kính ở cấp quốc gia đã được thực hiện, nhưng đây cũng là lần đầu tiên lượng phát thải khí nhà kính cho một đối tượng cụ thể như một doanh nghiệp hay một Khu công nghiệp được tính toán thành công.

Thông qua dự án này, các doanh nghiệp đã nâng cao ý thức về giảm phát thải khí nhà kính và một số doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp cắt giảm. Thành phố Đà Nẵng mong muốn tiếp tục nhận được thêm hỗ trợ để hoàn thiện, nhân rộng mô hình dự án ra các khu công nghiệp khác cũng như toàn thành phố và gắn kết nhiều hơn với doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận về giải pháp và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Việt Nam phát triển theo định hướng carbon thấp trên cơ sở kết quả nghiên cứu thí điểm tại Đà Nẵng.

Theo Bộ TN&MT

Xu hướng mới: Điện mặt trời nổi trên nước

Ứng dụng năng lượng mặt trời ở quy mô lớn nhất bây giờ và có thể cả trong tương lai vẫn là sản xuất điện năng.

Về mặt công nghệ, hiện nay chỉ phát triển rộng rãi hai loại: Công nghệ quang điện SPV (Solar Photovoltaic) và Công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP (concentrated solar power).

Riêng trong công nghệ SPV, năng lượng ánh sáng mặt trời được chuyển thành điện năng bởi các tế bào quang điện (hay các pin mặt trời nhỏ bé). Các pin nhỏ này ghép lại thành tấm pin mặt trời lớn và các tấm pin này lại ghép với nhau thành mô-đun hay dãy trước khi đưa lên lưới điện và chuyển đến người sử dụng.

Ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng vô tận và “không mất tiền mua”, vậy mà từ bao nhiêu năm nay ngành công nghiệp điện mặt trời chỉ được phát triển một cách chậm chạp và dè dặt, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng công nghệ quang điện SPV.

Chỉ trong những năm gần đây nền điện năng mặt trời loại này như được khởi sắc bởi sự chắp cánh của xu hướng sản xuất ngay trên mặt nước của sông hồ và cả trên mặt biển.

Sáng kiến mở đầu từ Israel

điện mặt trời, nổi trên nước, xu hướng, nhà máy, năng lượng

Sự hạn chế lớn của việc khai thác năng lượng ánh sáng mặt trời để biến thành điện năng dùng công nghệ SPV gây ra bởi hai khó khăn chính. Trước hết, chất bán dẫn Silicon là vật liệu tốt nhất nhưng cũng khá đắt đỏ trong công nghệ CSP. Thứ hai là yêu cầu lớn về diện tích đất để đặt các tấm thu ánh sáng mặt trời trong lúc việc mua hay thuê đất bằng phẳng cũng là khó khăn lớn khiến giá thành của điện mặt trời bị đẩy lên khá cao.

Trong những nước đi tiên phong trong việc xây dựng và thí điểm công nghệ nhằm khắc phục các khó khăn trên phải kể đến Israel, cụ thể là hãng Solaris Synergy. Chính hãng Solaris Synergy đã giải quyết cả 2 vấn đề khó khăn nói trên, đạt được những hiệu quả đáng ngạc nhiên và, nhờ vậy, đã đạt được vị trí thứ nhất trong cuộc thi ý tưởng tại Đại học Tel Aviv vào tháng 11 năm 2011.

Cụ thể, các kết quả nghiên cứu đạt được của Solaris Synergy như sau. Để giảm chi phí sử dụng các tấm silicon lớn, cần chia nhỏ chúng rồi cho “nổi trên mặt nước như đồ chơi Lego” và “được bao phủ bởi một tấm phim tráng gương có hình cong, có thể thu ánh sáng thành một đường mỏng… “ và, như vậy, “bề mặt của thiết bị giảm chỉ cần 5% lượng silicon, do đó giảm được chi phí đắt đỏ của loại vật liệu này”.

Để giảm tốn kém diện tích đất, hãng Solaris Synergy đã đưa thiết bị thu và biến đổi ánh sáng mặt trời thành dòng điện cho nổi trên mặt nước sạch, nước mặn hoặc nước thải. Và hệ thiết bị này được nâng bởi một mạng lưới được kết nối từ các phần nhỏ chế biến từ sợi thủy tinh và chất dẻo siêu nhẹ có thể nổi được trên mặt nước. Ngoài ra, có thể kể thêm một lợi ích kèm theo: tấm pin mặt trời trên mặt nước này còn đưa lại lợi ích khác vì nó giảm đáng kể sự bay hơi, ngăn chặn sự phát triển của tảo và các sinh vật hữu cơ trong môi trường nước.

Và để cho tia sáng mặt trời luôn hội tụ trong các tấm silicon, tấm lưới nâng được xoay dần dần theo sự di chuyển của mặt trời trong ngày nhờ một động cơ nhỏ điều khiển từ xa qua ăng-ten…

Phát minh trên của hãng Solaris Synergy có ý nghĩa lớn và được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới, trước hết phải kể đến các quốc gia Anh, Úc, Ấn Độ và Ý. Và tiêu biểu là hai nhà máy điện mặt trời ở hai nước Australia và Nhật Bản.

Australia: Nhà máy điện SPV nổi đầu tiên

Nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ quang điện SPV nổi trên nước đầu tiên với những tính năng ưu việt của nó đã được xây dựng và sắp hoàn thành, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động ngay đầu tháng 4/2015 sắp tới.

Nhà máy này nổi trên một mặt hồ của cơ sở xử lý nước thải ở thị trấn Jamestown thuộc bang Nam Australia. Nhà máy được thiết kế để phần lớn công trình được thực hiện ở bên ngoài, rồi lắp ráp lại với nhau bên trên cơ sở xử lý nước thải.

Các tấm thu năng lượng mặt trời nổi sẽ được làm mát bởi phần nước phía dưới, do đó làm tăng hiệu quả hoạt động lên 57% so với các tấm thu năng lượng mặt trời trên cạn. Đồng thời các tấm này “cũng giúp ngăn chặn 90% nước bốc hơi từ bề mặt được che phủ phía dưới. Đối với những tiểu bang khô hạn hay những vùng có khí hậu khô, đây là một giải pháp tiết kiệm nước tuyệt vời…Nó cũng ngăn chặn tảo xanh phát triển bằng cách giữ mát cho bề mặt nước, cải thiện chất lượng nước qua xử lý” (theo lời bà Felicia Whiting thuộc Công ty Infratech Industries).

điện mặt trời, nổi trên nước, xu hướng, nhà máy, năng lượng

Nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên của Australia được xây dựng bên trên một hồ nước của cơ sở xử lý nước thải. Ảnh: ABC.

Có thể xem nhà máy ở Nam Australia này thực sự là nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên trên thế giới. Với nhà máy này, các nhà chuyên môn khẳng định đây là mô hình nhà máy điện mặt trời bền vững, không tốn diện tích đất và là hình mẫu cho nhiều nước trên thế giới.Công ty Infratech Infratech đã phát triển các nhà máy điện mặt trời nổi ở nhiều quốc gia như Pháp và Hàn Quốc, nhưng đó cũng chỉ là những điểm thử nghiệm. Chính nhà máy sắp đưa vào hoạt động ở Nam Australia mới là nhà máy được áp dụng mô hình mới được cải tiến, dự kiến sẽ sản xuất năng lượng không chỉ đủ cho cơ sở xử lý nước thải hoạt động, mà còn cung cấp điện cho thị trấn Jamestown.

Nhật: Dự án điện mặt trời nổi lớn nhất

Ngoài Australia, gần đây, công nghệ pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên mặt nước đã được quan tâm phát triển tại Anh, Úc, Ấn Độ và Ý.

Và đặc biệt ở Nhật Bản, một đất nước khá hẹp về diện tích đất đai bằng phẳng và không đủ diện tích để xây dựng các nhà máy điện mặt trời cỡ lớn. Nhưng bù lại, nước Nhật có tiềm năng về các hồ tích nước trong nông nghiệp, hồ kiểm soát lũ và, ngoài ra, toàn bộ đất nước Phù Tang bao quanh bởi đại dương bao la. Đó là tài sản quý giá để đặt các tấm panô pin cho các nhà máy điện mặt trời kích cỡ khác nhau.

Nhìn lại quá trình phát triển ở Nhật Bản, ông Nobuo Kitamura, giám đốc điều hành cấp cao của Kyocera, cho biết: từ năm 1970 nước này đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển năng lượng Mặt Trời, nhưng chủ yếu là ứng dụng với phạm vi nhỏ hẹp như trong sản xuất điện cho đèn đường, biển báo giao thông và trạm viễn thông ở khu vực miền núi. Bước tiếp theo là xây dựng một số nhà máy lớn hơn trên các dải đất ven biển như Kagoshima Nanatsujima.

điện mặt trời, nổi trên nước, xu hướng, nhà máy, năng lượng

Ảnh nhà máy điện mặt trời Kagoshima Nanatsujima hiện có của Nhật. Ảnh: Kyocera.

Và vào tháng 9 năm qua, tập đoàn Kyocera đưa ra kế hoạch khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi trên nước lớn nhất thế giới: phủ 11.000 tấm panô pin mặt trời lên hai khu vực mặt nước rộng ở tỉnh Hyogo. Hai trạm quang điện nổi này có công suất 2,9 MW, đủ để cung cấp điện sinh hoạt cho 920 hộ dân.Đặc biệt, kể từ năm 2011 khi xảy ra thảm họa động đất sóng thần với nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời với xu hướng thiên về các nhà máy sử dụng công nghệ quang điện SPV và lắp đặt trên mặt nước.

Đồng thời Kyocera cho xây dựng 30 nhà máy quang điện nổi trên biển vào năm 2015 để sản xuất ra 60 MW điện. Theo Kyocera, các panô nổi trên biển hoạt động tốt hơn trên đất liền vì nước biển làm mát các tấm pin mặt trời khiến tế bào quang điện hoạt động hiệu quả hơn.

Hệ thống năng lượng mặt trời trên mặt nước lớn nhất sẽ được xây dựng trên đập Yamakura. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm 2016, khi đó hệ thống sẽ bao phủ 180.000 m2 nước, với 50.000 tấm pin năng lượng mặt trời và cung cấp điện cho khoảng 5.000 hộ tiêu thụ.

Với nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên sắp khánh thành trong tháng sau của Australia và hệ thống nhà máy quy mô hàng đầu thế giới của Nhật bản dự kiến khai trương vào đầu năm tới, ngành điện mặt trời theo công nghệ SPV trên thế giới sẽ vươn lên một vị thế mới sánh vai với ngành này theo công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP sẽ trình bày trong phần giới thiệu kế tiếp Công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP (concentrated solar power).

Theo Vietnamnet.vn

Khu công nghiệp xanh

Thuộc loại “sinh sau đẻ muộn”, nhưng Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam – Điện Ngọc (Điện Bàn) đã có sự phát triển ngoạn mục và trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư không chỉ của Quảng Nam mà cả khu vực miền Trung. Với mô hình phát triển xanh, bền vững, KCN Điện Nam – Điện Ngọc trở thành “hạt nhân” trong phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng.
Story (1)
KCN Điện Nam – Điện Ngọc phát triển theo hướng xanh, sạch

Đất lành, chim đậu!

Trở lại KCN Điện Nam – Điện Ngọc trong những ngày giữa tháng 3-2015, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi sự phát triển vượt bật trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư nơi đây. Dọc theo những con đường được xây dựng thẳng tắp, hệ thống hạ tầng đồng bộ là những nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động hối hả ngày đêm.

Trưởng ban quản lý KCN Điện Nam – Điện Ngọc Nguyễn Ngọ nói với chúng tôi: “Các anh chờ đến giờ tan ca mới ghi nhận hết được sự quy mô của KCN này”. Và quả đúng như vậy, khi ca làm việc buổi chiều vừa kết thúc, hàng chục ngàn công nhân từ các nhà máy, xí nghiệp đổ ra tạo nên một rừng người ken đặt. Chứng kiến cảnh đó, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn Lê Trí Thanh về KCN tiêu biểu này: Đây là hạt nhân trong phát triển công nghiệp không chỉ của Điện Bàn mà cả tỉnh Quảng Nam. Có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương, KCN không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho số lao động tại địa phương mà còn thu hút lao động từ các tỉnh, thành khác. Điện Bàn trở thành huyện công nghiệp từ năm 2010 và nay trở thành thị xã là có sự đóng góp rất lớn từ KCN Điện Nam – Điện Ngọc.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, Giám đốc Công ty TNHH Việt Vương Nguyễn Trung Kiên khẳng định: Môi trường đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc rất thuận lợi, thông thoáng. Trước khi chọn nơi đây, công ty đã khảo sát nhiều KCN khác trên địa bàn miền Trung, nhưng chỉ có KCN Điện Nam – Điện Ngọc đáp ứng tốt nhất. Tốt ở mọi khía cạnh, từ cơ sở hạ tầng đến những chính sách ưu đãi, nguồn lao động, sự hỗ trợ hết mình từ ban quản lý KCN cho đến việc thông quan hàng hóa khi xuất khẩu… Chính vì vậy, sau 8 năm đi vào hoạt động, đến nay công ty đã thu hút trên 1.500 lao động, thu nhập bình quân 4,3 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Điện Nam – Điện Ngọc đều hoạt động hiệu quả. Trong đó phải kể đến Công ty Giày Rieker Việt Nam, Công ty TNHH VBL Quảng Nam… và nhiều doanh nghiệp khác tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất.

KCN Điện Nam – Điện Ngọc còn đóng vai trò hạt nhân trong mối liên hệ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chuỗi đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc nối liền giữa Đà Nẵng và Hội An. Đến nay đã có hàng chục khu đô thị mới, dự án du lịch vệ tinh hình thành quanh KCN.

Điểm sáng về môi trường

Nhận thức được công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới phát triển lâu dài, bền vững, Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam – Đà Nẵng (chủ đầu tư KCN Điện Nam – Điện Ngọc) đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, không ngừng phát triển mạng lưới cây xanh trong KCN. Hiện toàn KCN đã được phủ một màu xanh của những hàng cây sao đen, sưa, bàng Nhật Bản…, những thảm cỏ xanh mướt kéo dài đến tận cổng các nhà máy.

Anh Trần Thúc Hào, Giám đốc Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Điện Nam – Điện Ngọc, tự hào nói: Điện Nam – Điện Ngọc là một trong những KCN đầu tiên của khu vực miền Trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến. Nhà máy hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 8-2009. Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 2 với công suất 5.000m3/ngày đêm. Với công suất này, hiện tại nhà máy đảm bảo thu gom 100% nước thải từ các nhà máy trong KCN. Nước thải từ khu dân cư của người dân cũng được nhà máy thu gom, xử lý miễn phí, góp phần bảo vệ môi trường chung cho cả khu vực.

Ông Lê Quang Hà, nhà cập bờ sông Vĩnh Điện, cho biết: Trước khi có nhà máy xử lý nước thải, sông Vĩnh Điện bị ô nhiễm nặng lắm; tôm cá vì thế chết hết hoặc tìm nơi khác sinh sống. Từ ngày nhà máy nước thải đi vào hoạt động thì sông Vĩnh Điện như “sống lại”. Bà con làm nghề đánh bắt tôm cá trên sông ở đây đã tìm lại nguồn sinh kế cho mình, cuộc sống ổn định hơn.

Giữa năm 2014, nhà máy là đơn vị đầu tiên của khu vực miền Trung – Tây Nguyên được Bộ TN-MT cấp phép xả thải. Trước đó, trong 3 năm liền (2012, 2013, 2014), KCN Điện Nam – Điện Ngọc cũng được Bộ TN-MT trao giải thưởng “Vì môi trường xanh”.

Trong chiến lược phát triển, KCN Điện Nam – Điện Ngọc tiếp tục chú trọng đến bảo vệ môi trường, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, trang thiết bị công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phụ trợ như: nhà ở công nhân; khu thiết chế thương mại, văn hóa, thể thao… để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên của KCN.

Đến nay, 390 ha của KCN cơ bản đã được lấp đầy bởi 50 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 2.400 tỷ đồng và trên 429 triệu USD, giải quyết việc làm cho 25.000 lao động tại địa phương. Riêng trong năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp tạo ra từ các doanh nghiệp đang đầu tư tại đây là 13.505 tỷ đồng (chiếm 47,3% toàn tỉnh Quảng Nam); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 341,6 triệu USD (chiếm hơn 43% toàn tỉnh).

Theo sggp.org.vn