Giải pháp tiết kiệm năng lượng dàn trải, thiếu hiệu quả

Phải giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng, tiết kiệm từ 5% – 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Đó là yêu cầu mà Chính phủ đặt ra cho Bộ Công thương phải thực hiện nhằm đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng trong thời gian tới. Thế nhưng, theo các chuyên gia, các giải pháp áp dụng hiện nay thiếu hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp đã đổi mới dây chuyền sản xuất để tiết kiệm năng lượng. (Ảnh: Cao Thăng)

Nhiều doanh nghiệp đã đổi mới dây chuyền sản xuất để tiết kiệm năng lượng. (Ảnh: Cao Thăng)

Giải pháp nhiều, hiệu quả ít

Thực trạng khai thác, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ năng lượng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Việc thực hành tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng các doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa thật sự triệt để… Điều đó đã và đang gây ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội. Trước thực tế đó, Chính phủ quyết liệt yêu cầu phải thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, đến nay đã có 26 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình lắp đặt các hầm biogas trong quy mô hộ gia đình và quy mô công nghiệp; 20 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình quảng bá sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời giai đoạn 2011 – 2015”; 100 doanh nghiệp và tòa nhà tham gia cuộc thi tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động khác lắp đặt đèn tiết kiệm năng lượng thay đèn sợi đốt trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, kiểm toán năng lượng… Qua đó, các tỉnh thành phố đã lắp đặt được trên 3.000 hầm biogas hộ gia đình, 10 hầm biogas quy mô công nghiệp; trên 600.000 giàn nước nóng năng lượng mặt trời trong hộ gia đình; trên 400 giải pháp tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp tham gia, hàng chục doanh nghiệp thay đổi dây chuyền và thiết bị theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 200 doanh nghiệp và hàng trăm tòa nhà được kiểm toán tiết kiệm năng lượng…

Đối với những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng, đã có 55 doanh nghiệp với hơn 100 cán bộ và 45 chuyên gia đã tham gia các khóa đào tạo về hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001. Nhiều hoạt động tuyên truyền đã được tổ chức trên phạm vi toàn quốc như cuộc vận động hộ gia đình tiết kiệm năng lượng; phong trào sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện; sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời…

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng còn bộc lộ một số hạn chế nhất định qua thực tế. Điển hình là số doanh nghiệp tham gia còn quá ít. Qua mỗi đợt tuyên truyền, vận động thì các hộ gia đình lại không duy trì thói quen tiết kiệm điện.

Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ

Lý giải vấn đề này, nhiều chuyên gia khoa học công nghệ cho rằng, mặc dù được xác định việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là chìa khóa giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhưng việc đưa các giải pháp, thiết bị tiết kiệm năng lượng vào sản xuất kinh doanh hiện nay diễn ra khá chậm chạp. Nguyên nhân là do nhận thức của lãnh đạo chưa quan tâm đến vấn đề này; doanh nghiệp thiếu vốn hoặc chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Mặt khác, năng lực các trung tâm tiết kiệm năng lượng tại các địa phương còn hạn chế. Các trung tâm tư vấn tiết kiệm năng lượng của mình chưa đủ độ sâu về công nghệ nên khó có sự phân tích, đánh giá và chọn được công nghệ phù hợp. Lực lượng tư vấn có trình độ yếu cũng là nguyên nhân khiến việc tiết kiệm năng lượng diễn ra chậm chạp. Bên cạnh đó, việc thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan, công tác truyền thông chưa thực sự sâu rộng cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng việc triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng. Trên thực tế, rất nhiều nhà máy xi măng, sắt thép, cao su, nhựa… cũng muốn thực hiện tiết kiệm năng lượng, nhưng hiện tài chính của họ đều có vấn đề nên cản trở sự quyết tâm đổi mới.

Để khắc phục được những hạn chế trên, ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương thừa nhận, hầu hết các địa phương trên cả nước đã có bộ phận chuyên trách về tiết kiệm năng lượng nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các tỉnh thành nâng cao năng lực cho các trung tâm tiết kiệm năng lượng; đào tạo hệ thống cán bộ kiểm toán năng lượng; tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới các trung tâm tư vấn tiết kiệm năng lượng; xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi dây chuyền sản xuất hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, về phía Bộ Công thương cũng đẩy nhanh việc xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp một cách cụ thể. Tạo cơ sở để hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi dây chuyền công nghệ hiệu suất cao cũng như tiết kiệm năng lượng để tăng hiệu quả tiết kiệm năng lượng đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Theo Minh Xuân/ Sài Gòn Giải Phóng

Ngày nước thế giới 2015: Nước là cốt lõi của phát triển bền vững

Hưởng ứng Ngày nước thế giới 2015 với chủ đề “Nước là cốt lõi của phát triển bền vững”, nhiều hoạt động thiết thực sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại TP Bắc Giang từ ngày 16-23/3.

logo-2-01

Ngày 11/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin chính thức về các hoạt động hưởng ứng Ngày nước thế giới 2015 gồm: Triển lãm ảnh “Nước và Phát triển bền vững”; Hội thảo khoa học “Nước và Phát triển bền vững”; Chương trình giao lưu nghệ thuật chào mừng Ngày Nước thế giới 2015. Đặc biệt, Lễ mít-tinh quốc gia “Nước và Phát triển bền vững” sẽ có đại diện Lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự và phát biểu các thông điệp quan trọng về quản lý, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả và bền vững.

Với chủ đề “Nước là cốt lõi phát triển bền vững”, Ngày Nước thế giới năm 2015 hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng về mối liên hệ giữa phát triển bền vững và tài nguyên nước. Dự đoán trong năm 2025, có khoảng 2/3 dân số trên toàn cầu sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước. Chính vì thế, phát triển bền vững ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, hơn bao giờ hết đòi hỏi phải mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu. Trong đó, tài nguyên nước đóng một vai trò then chốt và không thể tách rời khỏi phát triển bền vững.

Tỉnh Bắc Giang được lựa chọn để tổ chức Ngày Nước thế giới 2015 vì tỉnh này có nguồn tài nguyên nước đa dạng, đồng thời cũng đang chịu các thách thức về nguồn nước trong phát triển kinh tế xã hội. Hầu hết lượng nước khai thác, sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đều được cung cấp bởi 3 con sông chính: Sông Thương, Sông Cầu và Sông Lục Nam với tổng chiều dài hơn 347 km.

Hiện nay, cả 3 con sông này đều chịu tác động ô nhiễm mạnh của các khu công nghiệp, đô thị và các khu vực phía thượng lưu. Vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm nguồn nước và môi trường của tỉnh đang trở thành thách thức cần sớm được giải quyết trong tiến trình phát triển bền vững kinh tế – xã hội.

Hàng năm, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đều tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Nước thế giới nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của tài nguyên nước và vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt. Nguồn tài nguyên nước trên các lưu vực sông đang bị khai thác quá mức, trước những áp lực về phát triển kinh tế – xã hội, tài nguyên nước ngày càng suy thoái cả về chất và lượng.

Theo Thu Cúc/Chinhphu.vn

Video clip cảm động đạt 200 triệu lượt xem chỉ sau 2 ngày!

Ô nhiễm kinh khủng ngay giữa thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân

Một video phim tài liệu về vấn đề ô nhiễm môi trường của Trung Quốc đã đạt 200 triệu lượt truy cập chỉ sau 2 ngày cuối tuần và số người truy cập vẫn tiếp tục tăng. Các nhà môi trường đánh giá rằng bộ phim giúp người dân Trung Quốc mở rộng tầm mắt.

Khách du lịch phải bịt kín khẩu trang và đeo kính khi đến Công viên Thiên Đàn ở Bắc Kinh vào tháng Giêng. (Ảnh: Tân Hoa xã)Khách du lịch phải bịt kín khẩu trang và đeo kính khi đến Công viên Thiên Đàn ở Bắc Kinh vào tháng Giêng. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Chai Jing là một phóng viên điều tra đang làm việc tại đài truyền hình quốc gia Trung Quốc. Cô đã phải bỏ công việc của mình vào năm ngoái để chăm sóc con gái điều trị khối u lành tính.Trong bộ phim tài liệu này, Chai Jing đã diễn tả cô phải rất khó khăn khi giải thích cho cô con gái của mình rằng tại sao không nên ra ngoài đường.

“Tại Bắc Kinh vào năm 2014, tôi chỉ dám đưa con gái ra ngoài khi không khí trong lành hơn,” cô nói trong bộ phim. “Có 175 ngày ô nhiễm trong năm ngoái. Điều đó có nghĩa rằng trong nửa năm, tôi không có sự lựa chọn nào khác mà phải giữ con gái ở nhà, đóng cửa tại như một tù nhân.”

Chai Jing đã đầu tư 160.000 USD và mất một năm để làm bộ phim Under The Dome, tiêu đề giống như một cuốn tiểu thuyết của Stephen King. Một số cảnh trong phim đang gây sốc, trong đó có một chuyến thăm tới một phòng điều hành của bệnh viện, nơi mà các khán giả nhìn thấy những bệnh nhân bị bênh phổi do ô nhiễm không khí tại Trung Quốc gây ra.

Chai Jing hỏi một số câu hỏi khó về chính trị và kinh tế, về nguyên nhân gây ra sương khói, nhưng thường với một cách nhẹ nhàng, hài hước.

Cô phỏng vấn một quan chức môi trường, địa phương, người cảm thấy bất lực khi thực thi pháp luật của nhà nước. Ông thừa nhận rằng, “Tôi không muốn mở miệng, bởi vì tôi e sợ bạn sẽ thấy tôi không có răng.”

Cô thú nhận rằng, giống như nhiều công dân Trung Quốc, chỉ mới đây cô mới biết được sự khác biệt giữa sương mù và sương khói.

Cô đã phỏng vấn các quan chức địa phương, người đã bảo vệ cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm vì các ngành công nghiệp đó đã tạo ra công ăn việc làm và nộp thuế.

Chai Jing không chỉ trích một cách rõ ràng mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Cô cũng không gọi tên các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với các chính sách này. Cô muốn nói lên rằng, ô nhiễm là cái giá phải trả cho việc công nghiệp hóa nhanh chóng và Trung Quốc đã đến lúc bị trả giá.

Trong bộ phim, Chai đã đi đến Los Angeles và London để tìm hiểu cách để những thành phố đó có không khí sạch. Cô kết luận rằng Trung Quốc có thể làm theo những tấm gương đó, và các công dân nên cùng chung tay giải quyết.

“Các chính phủ lớn mạnh trên thế giới không thể tự giải quyết các ô nhiễm… Họ phải dựa vào mỗi người dân bình thường như bạn và tôi, dựa trên sự lựa chọn của chúng tôi, và theo ý của chúng tôi.”

Ma Jun, giám đốc của Viện công cộng và các vấn đề môi trường Bắc Kinh, đồng ý với quan điểm này/ Ông coi bộ phim tài liệu Chai như một lời cảnh tỉnh đối với Trung Quốc, sánh với An Inconvenient Truth, các phim tài liệu về biến đổi khí hậu năm 2006, và Silent Spring, cuốn sách năm 1962 của Rachel Carson về thuốc trừ sâu độc hại.

Ông Ma Jun đã đưa ra lời giải thích vì sao chính phủ Trung Quốc không im lặng trước Chai Jing, và Bộ trưởng môi trường mới của Trung Quốc thậm chí còn cảm ơn cô.

“Bộ phim được chú ý mạnh mẽ vì đề cập đến vấn đề gốc rễ sâu xa, đã được phép phổ biến rộng rãi,” ông nói, ” đó là mặt tích cực của bộ phum, mang đến cho mọi người hy vọng và niềm tin.”

Chai đã từ chối yêu cầu phỏng vấn, ngoại trừ cuộc phỏng vấn với phiên bản web của tờ Nhân dân Nhật báo.

“Mười năm trước, tôi từng tự hỏi, có mùi gì (khó chịu) trong không khí vậy. Giờ đây, tôi đã biết, đó chính là “mùi tiền” – Chai Jing, phóng viên, nhà làm phim tài liệu.

Website đó cho phát trực tuyến bộ phim tài liệu cho đến tận ngày 4/3. Sau đó, nó biến mất mà không có lời giải thích. Tuy nhiên bộ phim vẫn có thể xem được ở những trang web khác ở chính Trung Quốc.

Trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc tuyên bố đã đến lúc xử lý ô nhiễm môi trường và họ sẵn sàng giảm tăng trưởng kinh tế để thực hiện được điều đó. Nhưng năm ngoái chỉ có 8 trên 74 thành phố Trung Quốc đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng không khí – nhiều hơn 5 thành phố so với năm 2013.

Các nhà môi trường đã hoan nghênh dấu hiệu đáng khích lệ khác trong những tháng gần đây. Cuối tháng 11/2014, lần đầu tiên, Trung Quốc đặt mục tiêu cho năm 2030 lượng khí thải carbon đath mức tối đa, sau đó sẽ giảm dần.

Và đã hứa sẽ cho phép các nhóm nghiên cứu môi trường nộp đơn kiện tập thể chống lại những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường.

Theo CTV Nguyễn Xuân Hưng/ vov.vn

Tăng gấp 3 thuế môi trường trong giá xăng

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng thêm 2.000 đồng/lít sẽ không làm tăng giá xăng trong thời gian tới

Ngày 10-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14-7-2011 của UBTVQH về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Theo biểu quyết này, thuế BVMT đối với xăng tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.

Tăng thuế để tăng thu ngân sách

Mức tăng tương ứng thuế BVMT đối với dầu diesel từ 500 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít, dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít, dầu mazút từ 300 đồng/kg lên 900 đồng/kg, dầu nhờn từ 400 đồng/lít lên 900 đồng/lít, mỡ nhờn từ 300 đồng/kg lên 900 đồng/kg. Tuy nhiên, mặt hàng dầu hỏa vẫn giữ nguyên như hiện nay. Nghị quyết có hiệu lực thực hiện sau 45 ngày kể từ ngày chính thức ban hành, vào đầu tháng 5-2015.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tổng số thu thuế BVMT đối với xăng dầu dự kiến năm 2015 theo phương án điều chỉnh nêu tăng thuế BVMT đạt 35.579,8 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 23.719,8 tỉ đồng/năm. Theo ông Dũng, do Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình, cộng với việc giá xăng dầu thế giới giảm từ đầu năm đến nay nên số thu cho ngân sách nhà nước đã giảm mạnh.

Làm rõ thêm, Chính phủ cho rằng giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia (khoảng 5.000-6.000 đồng/lít)… dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. So sánh với giá xăng dầu của các nước trong khu vực thì giá xăng A92 của Việt Nam nếu cộng thêm mức tăng thuế BVMT như trên vẫn thấp hơn giá xăng A92 của một số nước trong khu vực tại thời điểm 22-1-2015, như thấp hơn Campuchia 4.531 đồng/lít; Lào 6.970 đồng/lít; Trung Quốc 333 đồng/lít; Thái Lan 13 đồng/lít.

Tiền thuế môi trường trong giá xăng hiện nay là 1.000 đồng/lít. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Tiền thuế môi trường trong giá xăng hiện nay là 1.000 đồng/lít. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Vẫn giữ giá xăng dầu

Chính phủ giải thích trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng lên thì sẽ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, vì theo quy định tại Nghị định số 83/2014 của Chính phủ thì thuế BVMT và thuế nhập khẩu là những yếu tố cấu thành trong giá cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

“Khi tăng thuế BVMT, thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 35% còn 20%. Tăng thuế BVMT nhưng giảm thuế xuất nhập khẩu theo đúng cam kết ASEAN, tính ra số tăng thấp hơn số giảm dẫn đến giá xăng không những không tăng mà còn có thể giảm nên không ảnh hưởng đến giá bán lẻ” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích thêm.

Sau khi thảo luận, cân nhắc các tác động nhiều mặt của chính sách này, UBTVQH thống nhất với đề nghị của Chính phủ nhưng yêu cầu điều chỉnh thời hạn thực hiện như đã nêu trên. Phần ngân sách tăng thu (ước tính khoảng 14.000 tỉ đồng) sẽ được bố trí cho mục đích BVMT và có tỉ lệ phân chia giữa ngân sách trung ương và địa phương theo pháp luật hiện hành thay vì để lại 100% ở ngân sách trung ương.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Thu thuế BVMT đối với xăng dầu là để BVMT nên không được dùng để bù, chi vào các khoản khác. Môi trường đang như thế này, phải tập trung bảo vệ, cả ở trung ương và địa phương, chứ cũng không thể thu hết về trung ương để bù cho giảm thuế nhập khẩu”.

Chưa “đụng” đến ni-lông

Liên quan đến đề nghị cần điều chỉnh tăng mức thuế BVMT đối với túi ni-lông, tờ trình của Chính phủ nói rõ: Khung thuế BVMT đối với túi ni-lông theo Luật thuế BVMT là 30.000-50.000 đồng/kg, mức thuế đang áp dụng 40.000 đồng/kg. Nếu điều chỉnh tăng thuế BVMT đối với túi ni-lông thì chỉ có thể tăng lên mức trần là 50.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg). Với mức tăng 10.000 đồng/kg thì số thu ngân sách đối với túi ni-lông dự kiến tăng khoảng 17,5 tỉ đồng so với số thu ước thực hiện năm 2014 (70 tỉ đồng). Việc điều chỉnh này cũng không giải quyết được cơ bản những vướng mắc trong quản lý thu thuế BVMT đối với túi ni-lông hiện nay.

Vì thế, UBTVQH sẽ nghiên cứu, điều chỉnh mức thuế BVMT đối với túi ni-lông sau khi tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Luật thuế BVMT trong thời gian tới.

Theo Nguyễn Phan/ An ninh Thủ đô

Cần nhân rộng việc phát triển đô thị sinh thái, giảm thải carbon

Việt Nam hiện có tổng số 774 đô thị. Tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều phải đối diện với các vấn đề như: gia tăng dân số (khu trung tâm thành phố), ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu năng lượng, ô nhiễm/nguồn nước có nguy cơ nhiễm mặn.

Ecopark là một mô hình kiểu mẫu của đô thị sinh thái.

Ecopark là một mô hình kiểu mẫu của đô thị sinh thái

Dự kiến, đến hết năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 850 đô thị, đến năm 2025 là 1.000 đô thị và các thách thức liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn.

Những thông tin trên được nêu lên tại hội thảo “Phát triển đô thị sinh thái và ứng dụng công nghệ giảm thải Carbon”, diễn ra sáng 11/3, tại Khu đô thị Ecopark. Hội thảo do Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP Hồ Chí Minh (ECC – HCMC) phối hợp với Cục Phát triển Đô thị – Bộ Xây dựng tổ chức.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra đánh giá, thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro chung mang tính chất toàn cầu như: biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lụt, động đất, cháy rừng, hiện tượng băng tan, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc lượng khí thải carbon toàn cầu liên tục gia tăng và đã đạt tới mức kỷ lục là 36 tỷ tấn từ năm 2013.

Xuất phát từ hiện trạng nêu trên, phát triển carbon thấp đã trở thành một ưu tiên trong các chính sách, chiến lược quan trọng của quốc gia. Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng chung sức với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tiến tới phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được mở rộng và phát triển mạnh. Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai quốc gia đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác về cơ chế tín chỉ chung JCM”. Đây là cơ hội để các thành phố, khu đô thị tại Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để áp dụng những công nghệ tiên tiến, ít phát thải carbon, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tại hội thảo lần này, các chuyên gia tập trung giới thiệu tổng quan về chính sách, thực tiễn phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam đồng thời giới thiệu các tiêu chuẩn đô thị sinh thái của Nhật Bản; các chương trình hỗ trợ cho phát triển thành phố sinh thái thông qua nghiên cứu khả thi theo “cơ chế tín chỉ chung”.

Những chuyên gia đến từ các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu những giải pháp công nghệ ứng dụng, khả năng chuyển giao công nghệ cho các khu đô thị tại Việt Nam như: công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ chiếu sáng đèn LED, công nghệ xử lý nước thải, hệ thống chia sẻ xe đạp thông minh đã áp dụng thành công tại Nhật Bản.

Hội thảo là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam tiếp cận các sáng kiến khoa học kỹ thuật và ứng dụng trong việc phát triển đô thị sinh thái. Ngoài việc thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, các học giả và nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đã đi thăm quan thực tiễn khu đô thị Ecopark và đánh giá đây là một mô hình kiểu mẫu của đô thị sinh thái.

Theo Lan Hương/Hà Nội mới

Chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020

Ngày 11/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp Tổ công tác xây dựng Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) giai đoạn 2016-2020 với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ và các Bộ, ngành liên quan.

Trồng cây đước tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)Trồng cây đước tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng nhóm công tác cho biết, trong giai đoạn 2009-2015, cùng với sự đồng hành của đối tác phát triển như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Thế giới (WB)… chương trình SP-RCC đã nhận được sự tham gia tích cực của 10 Bộ, ngành và địa phương cũng như sự tài trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong hoạt động xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo định hướng lồng ghép yếu tố ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Chương trình SP-RCC sau 2015 sẽ tập trung tăng cường và triển khai hành động chính sách giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường sự phân bổ và huy động nguồn lực, đồng thời nâng cao chất lượng của đối thoại chính sách và khuyến khích hợp tác.

Ngoài ra, chương trình SP-RCC còn có mục tiêu thúc đẩy xây dựng cơ chế báo cáo và giám sát tiến độ thực hiện đối tác công-tư; Thúc đẩy đổi mới, tăng cường năng lực và quản lý kiến thức; Thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong các hành động mang tính liên ngành, liên vùng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ thành lập Tổ công tác xây dựng Chương trình 2016-2020. Tổ công tác bao gồm 3 Nhóm: Nhóm Chính sách, Nhóm Đầu tư, Nhóm Phát triển năng lực và tri thức; với thành phần là các chuyên gia có kinh nghiệm đầu ngành về biến đổi khí hậu tại Việt Nam và các đại diện ưu tú của các Bộ, ngành tham gia Chương trình SP-RCC.

Tại phiên họp, các thành viên trong các Nhóm công tác đã tập trung thảo luận với các Đối tác phát triển về nội dung và kế hoạch triển khai của từng nhóm để xác định những nội dung chính cần thực hiện và cải tiến phương pháp thực hiện chương trình SP-RCC giai đoạn sau năm 2015 đạt kết quả thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Theo Thanh Tuấn/ TTXVN