VNCPC tham gia Vietfish 2015 – Hội chợ chuyên ngành thuỷ sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” do EU tài trợ với các đối tác thực hiện là Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), WWF-Việt Nam WWF-Áo thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy nền sản xuất cá tra Việt Nam phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

IMGP1955

Hội chợ triển lãm Vietfish 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Từ ngày 24-26/08/2015, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh diễn ra Hội chợ chuyên ngành thuỷ sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 200 đơn vị triển lãm trong và ngoài nước. Dự án SUPA đã tham gia Hội trợ Vietfish 2015 và có gian hàng tại đây nhằm quảng bá các thông tin về hoạt động và kết quả của dự án đến các doanh nghiệp.

DSC_2996

Gian hàng triển lãm của Dự án SUPA tại Vietfish 2015

Trong Hội chợ lần này, dự án SUPA phối hợp cùng VASEP tổ chức Hội thảo “Chất lượng và thị phần cá tra tại EU” vào chiều ngày 24/08 nhằm tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ cá tra bền vững tại thị trường Châu Âu với các nội dung hướng tới sản phẩm cá tra chất lượng cao hơn, chuỗi cung cấp cá tra bền vững, xu hướng tiêu thụ cá tra ở Châu Âu, cơ hội và thách thức đối với cá tra khi Việt Nam gia nhập các FTA thế hệ mới … với các diễn giả đến từ VASEP, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN & PTNT), dự án SUPA, Seafood Connection, Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu tử các nước đang phát triển (CBI), đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và đại diện doanh nghiệp.

DSC_2999

Hội thảo “Chất lượng và thị phần cá tra tại EU” do Dự án SUPA phối hợp với VASEP tổ chức vào chiều ngày 24/8/2015

Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng cá tra (trại giống, trại nuôi, nhà máy thức ăn, nhà máy chế biến, kinh doanh – xuất nhập khẩu cá tra); các tổ chức, hiệp hội trong nước; các nhà nhập khẩu/bán lẻ đến từ Châu Âu và các cơ quan thông tấn/báo đài/truyền thông.

DSC_3002

Ông Lê Xuân Thịnh – Quản lý Dự án SUPA – trình bày nội dung “Hướng tới chuỗi cung cấp cá tra bền vững: cơ hội, thách thức và giải pháp”

 

Tại diễn đàn cũng có tham luận toàn Hội thảo về các khó khăn và thách thức trong sản xuất – xuất nhập khẩu cá tra vào Châu Âu cũng như đề xuất, kiến nghị các giải pháp.

DSC_3021

Nhóm chủ toạ phiên toạ đàm trao đổi và giải đáp các câu hỏi

Bên cạnh đó, đại diện dự án SUPA, phái đoàn Liên minh Châu Âu đã trao chứng nhận “Sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RE-CP)” cho 6 doanh nghiệp tham gia dự án và đạt kết quả tốt nhất.

DSC_3014

Ông Trần Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn VN – đại diện cho dự án lên trao chứng nhận cho một doanh nghiệp 

Ngoài ra, trong khuôn khổ Vietfish 2015 còn diễn ra các Hội thảo như: Tôm outlook; Kênh bán lẻ nội địa và nhu cầu hàng thuỷ sản VN chất lượng cao; Kỹ thuật bảo quản duy trì độ tươi nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng thuỷ sản; Cải thiện bao bì đóng gói sản phẩm thuỷ sản theo hướng bền vững; Cơ hội cho ngành thuỷ sản khi gia nhập FTAs; Vận động chính sách VASEP 2015.

Theo VNCPC Admin

 

Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam tham gia Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”

Với tư cách là một trong những đơn vị tư vấn tham gia thực hiện Dự án, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tham gia Hội thảo giới thiệu Dự án vào các ngày 6/8, 12/8 và 14/8/2015 được tổ chức lần lượt tại các tỉnh Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Thông qua các hoạt động khảo sát và đánh giá sơ bộ ban đầu tại 3 KCN – gồm KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ) và KCN Hoà Khánh (Đà Nẵng) được lựa chọn thí điểm triển khai chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái – được thực hiện trong tháng 7 vừa qua, PGS. TS. Trần Văn Nhân (giám đốc VNCPC) đã có bài trình bày về tiềm năng thực hiện nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) trong các doanh nghiệp tại đây. Kết quả đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia VNCPC cho thấy toàn bộ các công ty được khảo sát đều có tiềm năng thực hiện cải thiện hiện quả sản xuất và chuyển đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Mức tiết kiệm được ước tính như sau:

  • KCN Khánh Phú (8 doanh nghiệp được khảo sát): năng lượng 5-20%, nước 10-30%;
  • KCN Trà Nóc 1&2 (16 doanh nghiệp được khảo sát): điện 5-30%, nước 5-20%;
  • KCN Hoà Khánh (8 doanh nghiệp được khảo sát): năng lượng 5 – 10%, nước 3-5%;

Ngoài ra, các doanh nghiệp đều có cơ hội tiết kiệm nguyên vật liệu với mức độ phụ thuộc vào các ngành nghề khác nhau.

IMG-20150806-03313

PGS. TS Trần Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn VN trình bày báo cáo sơ bộ về tiềm năng RECP của các doanh nghiệp trong buổi hội thảo tại Ninh Bình 06/08/2015 

Trong khuôn khổ Dự án, các doanh nghiệp tại đây khi đăng ký tham gia dự án sẽ được đào tạo về RECP, được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và nguồn vốn để đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường. Hỗ trợ từ Dự án được thực hiện theo quy trình toàn diện gồm: đánh giá hiện trạng, xác định tiềm năng và phương án chuyển đổi, lập hồ sơ vay vốn để tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính như Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (bảo lãnh 50% và trả thưởng tới 25% vốn vay ) hoặc hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo vệ Môi trường, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia với các dự án thay đổi công nghệ khả thi.

Mr. Dong_Can Tho-1

Ông Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo tại thành phố Cần Thơ ngày 12/08/2015

Tại các Hội thảo, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời là Giám đốc Quốc gia của Dự án đã có lời phát biểu khai mạc và khẳng định “ Với cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến và các nguồn tài chính ưu đãi, thực hiện chuyển đổi với chi phí hợp lý, Dự án hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng doanh thu gắn với phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập hiệu quả”.

Tiếp theo phiên khai mạc, tại Ninh Bình, ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có lời phát biểu chào mừng Hội thảo. Tại Cần Thơ, ông Trần Minh Kiệt – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN và Khu Chế xuất thành phố Cần Thơ đã phát biểu chào mừng Hội thảo và đánh giá “các hỗ trợ của dự án dành cho các doanh nghiệp trong tỉnh để cải thiện sản xuất, được hỗ trợ về vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ là kịp thời và cần thiết cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay”. Tại Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Đức – Phó ban Quản lý các KCN và Khu Chế xuất thành phố Đà Nẵng cũng có lời phát biểu chào mừng Hội thảo và cho rằng việc lựa chọn KCN Hòa Khánh của Đà Nẵng làm mô hình thí điểm là rất hữu ích cho các doanh nghiệp tại đây.

IMG_2793

Ban Chủ toạ Hội thảo tại Đà Nẵng ngày 14/8/2015 

Tại hội thảo, ông Heinz Leuenberger – Cố vấn trưởng kỹ thuật của Dự án đã có bài thuyết trình giới thiệu Dự án, mô tả các hoạt động và lợi ích Dự án sẽ mang lại cho sự phát triển các KCN nói chung và doanh nghiệp trong KCN nói riêng.

IMG_2788

Ông Heinz Leuenberger – Cố vấn trưởng Dự án trong bài phát biểu tại hội thảo ở Đà Nẵng 14/08/2015

Trong phần giới thiệu về cơ chế tài chính xanh cho các hoạt động đầu tư công nghệ sạch và phát thải ít các bon dành cho các doanh nghiệp trong KCN, TS. Nguyễn Đình Chúc – Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng nhận định “Một trong những khó khăn cơ bản mà các doanh nghiệp trong nước gặp phải là tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho các khoản đầu tư vào công nghệ do hạn chế trong năng lực lập hồ sơ kỹ thuật và tài chính. Cơ chế hỗ trợ của Dự án sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản chi phí để đầu tư cho sản xuất và cải thiện công nghệ. Đây là lợi thế nổi trội mà các doanh nghiệp tham gia Dự án có được khi tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi từ Dự án”.

Kết thúc chương trình Hội thảo buổi sáng, đoàn chuyên gia và đại diện Ban quản lý Dự án đã có buổi làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp gồm: Nhà máy Kính nổi Tràng An – Chi nhánh công ty TNHH Dương Giang (KCN Khánh Phú); Công ty Thuỷ sản Quang Minh, Công ty Thuỷ sản Phương Đông và Công ty TNHH Thái Sơn(Khu CN Trà Nóc 1); Công ty Thép Việt Mỹ và Nhà máy Giấy Tân Long (Khu CN Hoà Khánh) vào buổi chiều cùng ngày. Các doanh nghiệp đều bày tỏ sự quan tâm đến Dự án và một số công ty đã đăng ký tham gia ngay sau buổi làm việc cũng như cam kết sẽ tích cực phối hợp với bên Dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO và các cơ quan liên quan hy vọng kết quả của Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ và cải thiện môi trường tại các KCN, đồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

Theo Admin VNCPC

Tiết kiệm năng lượng để sống xanh, sống bền vững

Sống xanh Việt Nam (Get Green Vietnam) là Dự án về thúc đẩy tiêu dùng bền vững do Chương trình SWITCH-Asia của Liên minh Châu Âu tài trợ. Dự án được triển khai từ tháng 4-2012 với tổng ngân sách lên đến 1,4 triệu EUR ( tương đương 37,5 tỷ đồng).   

Dự án hướng đến các đối tượng là sinh viên, nhân viên văn phòng và cộng đồng dân cư tại 4 thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi “sống xanh” trong cộng đồng.

Sau 3 năm hoạt động, dự án đã đào tạo được 1.099 “hạt giống thay đổi”, giúp lan tỏa thói quen sống xanh, tập trung vào các chủ đề gồm: tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh, văn phòng xanh, rác thải sinh hoạt…

Dự án cũng đã cho ra mắt bộ Cẩm nang sống xanh, với những chỉ dẫn giúp người sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu sử dụng các nguồn tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường. Những giải pháp được đưa ra đều rất thiết thực và dễ thực hiện như: sử dụng phương tiên giao thông công cộng, đi ôtô hoặc taxi theo nhóm; rã đông thực phẩm trước khi nấu để tiết kiệm điện, tiết kiệm gas; để thực phẩm nguội trước khi cho vào tủ lạnh; mở điều hòa ở nhiệt độ từ 27-28 độ C; tắt nguồn các thiết bị điện khi không sử dụng…

Tiến sỹ. Marcel Crul – Đại diện Ban Điều phối Dự án, chia sẻ: “Đến tháng 5/2015, Dự án chính thức khép lại, nhưng 1.099 “Hạt giống Thay đổi” sẽ tiếp tục sứ mệnh lan tỏa hành vi sống xanh… Thông qua họ, hàng nghìn người khác cũng sẽ được truyền cảm hứng về hành vi xanh. Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Tôi tin rằng, chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy nhiều và nhiều hơn nữa những người dân Việt Nam “sống xanh” trong tương lai”.

Theo Mai Lan – tietkiemnangluong.com.vn

Bốn yếu tố quyết định đến sự thành công trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp thuỷ sản

Ngày 29/7/2015 tại TP. Cần Thơ, Dự án SUPA đã tổ chức thành công Hội thảo “Giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chi phí sản xuất trong chế biến thủy sản”.
Hội thảo có sự tham gia của chuyên gia: ThS. Nguyễn Thị Truyền – Phó Giám Đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Xuân Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), ông Nguyễn Thành Trung – Chuyên gia về sử dụng HQTN & SXSH cùng hơn 60 đại biểu đại diện cho hơn 20 doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam.
Ảnh hội thảo
Tại hội thảo các chuyên gia đã giới thiệu về hiệu quả tài nguyên – sản xuất sạch hơn trong chế biến thủy sản và cung cấp thông tin về kết quả, bài học kinh nghiệm từ các doanh nghiệp thủy sản đã áp dụng, từ đó đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp: Tiết kiệm năng lượng (điện, than, dầu,…), nước, hóa chất,… tối ưu hóa các quá trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Theo chuyên gia ThS. Nguyễn Thị Truyền, có 04 yếu tố quyết định đến sự thành công trong việc áp dụng SXSH tại các doanh nghiệp thủy sản là:

– Phải có sự đồng ý tham gia của lãnh đạo nhà máy.

– Vai trò của lãnh đạo đưa ra các định hướng, tạo các đảm bảo và hỗ trợ thực hiện.

– Vai trò của cán bộ chủ chốt phải hình thành được một đội SXSH hoạt động hiệu quả.

– Trang bị kịp thời phương tiện làm việc: Máy tính, các phương tiện khác.

Tại hội thảo Ông Nguyễn Thành Trung – Chuyên gia về sử dụng HQTN & SXSH cũng đã chia sẻ kết quả hơn một năm triển khai gói hỗ trợ đánh giá và tư vấn về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại 13 doanh nghiệp với 36 nhà máy chế biến thủy sản với một số kết quả ban đầu như sau:

Theo ông Trung trong sự phát triển lâu dài, đây là một trong số những phương án tốt nhất để kết hợp các lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường trong công ty. RE-CP không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Nhằm tiếp tực hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cá tra tối ưu hóa các quá trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nước, cắt giảm chi phí sản xuất, sáng tạo và đổi mới sản phẩm, cải thiện hình ảnh cho doanh nghiệp, dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA) sẽ tiếp tục nhận đăng ký tham gia gói hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến cá tra với 02 hoạt động chính như sau:

1. Chương trình sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP)

2. Chương trình đổi mới sản phẩm theo hướng bền vững (SPI).

Mọi câu hỏi liên quan đến chương trình hoặc Quý DN muốn tham gia hoạt động hỗ trợ của dự án vui lòng liên hệ Chị Nguyễn Thị Thanh; Tel: 04 3835 4496 (máy lẻ 205); Email: [email protected]; Hoặc xem tại: www.supa.vasep.com.vn; www.daotao.vasep.com.vn.

Theo www.daotao.vasep.com.vn

Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng đến mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” tại các tỉnh Nình Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do UNIDO tài trợ không hoàn lại  từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) với tổng mức tài trợ lên tới 53 triệu USD.

Mục tiêu của Dự án là tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Một chiếc xe của Xi măng duyên Hà rời Cảng Khánh Phú sau khi đã ăn đầy than

Hội thảo giới thiệu Dự án sẽ được tổ chức vào các ngày 6/8, 12/8 và 14/8/2015 lần lượt tại 3 tỉnh Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng nhằm mục tiêu ra mắt dự án, cập nhật thông tin đến các cơ quan liên quan và doanh nghiệp tiềm năng tại 3 tỉnh trọng tâm, cũng như thông báo tiến độ thực hiện Dự án và các cơ chế hỗ trợ tài chính tham gia Dự án.

Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Giám đốc dự án sẽ chủ trì các Hội thảo. Thành phần tham dự Hội thảo bao gồm: Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý Dự án; các Sở, ban ngành, Ban quản lý các KCN và các doanh nghiệp trong các KCN tỉnh Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng; Đại diện cơ quan quản lý và triển khai dự án cũng như các nhà tài trợ (UNIDO, SECO và GEF); Đại diện các Quỹ cam kết tham gia cho Dự án.

Là một trong những đơn vị thực hiện dự án, đại diện Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam sẽ trình bày tại hội thảo Báo cáo sơ bộ tiềm năng đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp tại các KCN Khánh Phú – Ninh Bình, KCN Trà Nóc 1 & 2 – Cần Thơ và KCN Hoà Khánh – Đà Nẵng và giới thiệu trường hợp doanh nghiệp đổi mới thành công.

Đại diện Quỹ uỷ thác tín dụng xanh (GCTF) sẽ tham dự Hội thảo nhằm giới thiệu cơ chế hỗ trợ tài chính của Quỹ  tới các doanh nghiệp trong việc xúc tiến đầu tư đổi mới thiết bị/công nghệ theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất và đồng thời thân thiện với môi trường.

Ban Quản lý Dự án sẽ dành thời gian để trao đổi và làm việc trực tiếp tại một số doanh nghiệp tham gia Dự án.

Admin VNCPC

Thúc đẩy phát triển bền vững thị trường cá tra ở Châu Âu

Nhằm giúp các hộ nuôi, doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra có cơ hội tìm hiểu về thị trường cá tra nước ngoài. Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam – SUPA” tiếp tục hỗ trợ đoàn doanh nghiệp tham gia các hoạt động tại Hội chợ Thủy sản toàn cầu từ 21-23 tháng 5 năm 2015 tại Brussels (Vương quốc Bỉ).

Đoàn gồm đại diện các đơn vị tham gia dự án, bao gồm: Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (WWF-VN) và Áo (WWF-Áo), đại diện 6 doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra và 1 đại diện của Hợp tác xã nuôi cá tra tại tỉnh An Giang.

5

 Các đối tác của dự án đang tiếp các nhà nhập khẩu cá tra ở Châu Âu

Năm 2014 dự án cũng đã tổ chức cho đoàn doanh nghiệp tham gia Hội chợ và kết quả là hầu hết các doanh nghiệp đều có thêm khách hàng mới đến từ Châu Âu và một số quốc gia khác. Đặc biệt khi tham gia sự kiện, đại diện các doanh nghiệp đã được thăm quan một số siêu thị ở Bỉ để tìm hiểu về thị trường cũng như so sánh sản phẩm cá tra của Việt Nam so với các loại sản phẩm khác dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài. Qua chuyến thăm quan, một doanh nghiệp đã ký kết trực tiếp bán hàng cho siêu thị và đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp cá tra Việt Nam bán hàng trực tiếp cho siêu thị không qua các đối tác nhập khẩu trung gian.

Mục đích của việc tham gia Hội chợ lần này đối với các Doanh nghiệp là được tận mắt thấy các sản phẩm thủy sản của các nước khác trên thế giới, các mô hình nuôi chất lượng, an toàn, các loại máy móc thiết bị hiện đại, trao đổi kinh nghiệm cũng như kết nối thị trường. Dự án SUPA cũng đã thuê một gian hàng phục vụ cho việc quảng bá thông tin và là nơi gặp gỡ trao đổi giữa các nhà buôn, nhà nhập khẩu và doanh nghiệp. Trong gian hàng cũng bố trí các túi đựng catalogue, tờ rơi, các chứng nhận của doanh nghiệp kèm theo đó là các đĩa CD giới thiệu về sản xuất và chế biến cá tra hướng đến việc phát triển bền vững, thân thiện với môi trường để phát cho khách hàng thăm quan.

6

 Doanh nghiệp chế biến cá tra đang đàm phán với khách hàng

Tham dự Hội chợ, Dự án SUPA cùng với các đối tác khác là Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ những nước đang phát triển – CBI (Bộ Ngoại giao Hà Lan), VASEP và Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) tổ chức buổi Diễn đàn với chủ đề “Diễn đàn kinh doanh Quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững cá tra Việt Nam”. Diễn đàn diễn ra trong thời gian Hội chợ nên nhận được sự quan tâm rất lớn từ các tổ chức quốc tế như WWF, các đơn vị chứng nhận thủy sản, các nhà nhập khẩu, bán lẻ từ Hà Lan, Anh, Pháp, các doanh ngiệp sản xuất và chế biến cá tra Việt nam, các cơ quan báo chí là đại diện của Việt Nam tại Châu Âu như Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Tại diễn đàn này, về phía Việt Nam Ông Phạm Anh Tuấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản) đã giới thiệu hiện trạng ngành sản xuất chế biến cá tra, các vấn đề cơ bản cần phải cải thiện để hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt là giới thiệu Nghị định 36 nhằm kiểm soát, minh bạch thông tin và nâng cao chất lượng cá tra Việt Nam. Qua đây các nhà nhập khẩu, bán lẻ cũng hiểu hơn về cam kết của Chính phủ Việt Nam vì một nền sản xuất bền vững cá tra nói riêng và thủy sản nói chung.

Admin VNCPC