Tiền khảo sát khả năng tiếp cận “Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh “ (GCTF) của Dự án “Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt sản xuất điện sinh khối và than sinh học tại thành phố Hà Giang”

Ngày 20/5/2016, đoàn chuyên gia của VNCPC – đơn vị thẩm định kỹ thuật của Quỹ Uỷ thác tín dụng xanh đã có chuyến đi tiền khảo sát về kỹ thuật đối với dự án “Xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt sản xuất điện sinh khối và than sinh học tại thành phố Hà Giang”.

Hiện tại, Thành phố Hà Giang và các huyện lỵ lân cận biện pháp xử lý rác thải sinh hoạt phổ biến hiện nay là chôn lấp. Phương pháp này có giá thành rẻ nhưng đòi hỏi diện tích đất lớn, trong lúc quỹ đất hiện nay rất hạn chế. Mặt khác, phương pháp này không có khả năng thu hồi, tái chế nguồn nguyên liệu từ rác thải, đồng thời nảy sinh yêu cầu xử lý nước rỉ rác. Đây là công việc khó khăn, phức tạp không kém việc xử lý rác. Và với định hướng phát triển du lịch thì dự báo cho biết tổng lượng rác thải tại các khu vực này sẽ không ngừng tăng lên trong thời gian tới.

IMG_0146

Bãi chôn lấp rác thải thành phố Hà Giang

Trước tình hình đó, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng 68 – Hà Giang đã đề xuất xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng hệ thống công nghệ nhiệt khí hóa tồn tính thu hồi năng lượng để sản xuất điện sinh khối và than đen nhiệt lượng cao không khói, công suất 50 tấn/ngày đêm. Nếu được đưa vào hoạt động, dự kiến dự án sẽ xử lý triệt để khối lượng rác thải phát sinh cho địa bàn Thành Phố Hà Giang với tổng khối lượng rác thải sinh hoạt được xác định là 18.000 Tấn /năm. Về mặt hiệu quả xã hội, dự án xử lý rác thải trên địa bàn không chỉ góp phần tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng, giải quyết công ăn việc làm cho trên 100 người lao động, tăng thu nhập, ổn định đời sống, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế cho khu vực địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Về mặt hiệu quả kinh tế, dự án sẽ thu hồi tài nguyên, năng lượng tái tạo, sản phẩm thu được là Gas DME và than sinh học, từ đó sử dụng sản phẩm Gas thu được để phát điện với công suất 800 KVA/H và 8% là than đen bán ra thị trường.

IMG_0143

 Đoàn chuyên gia VNCPC làm việc với ông Lục Chu Sơn – Giám đốc Công ty Cổ phần  tư vấn đầu tư xây dựng 68 – Hà Giang

Tại buổi làm việc, đoàn chuyên gia VNCPC đã có những trao đổi thông tin và kỹ thuật với ông Lục Chu Sơn – Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng 68 – Hà Giang. Sau buổi thảo luận này, các chuyên gia sẽ tính toán kỹ thuật để xem xét khả năng dự án đạt được các tiêu chí đề ra của Quỹ GCTF và sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tín dụng xanh.

Theo VNCPC admin

Giải pháp thúc đẩy sản xuất xanh

Bà Nguyễn Lê Hằng – Điều phối viên Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh (GCTF) – Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam – trả lời phỏng vấn trong chương trình “Câu chuyện hội nhập” – Kênh truyền hình Nhân dân về chủ đề những giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn và rào cản để ứng dụng mô hình sản xuất xanh vào doanh nghiệp của mình.

Screen Shot 2016-04-13 at 10.12.01 AM

 

Link video phỏng vấn 

 

 

 

 

Phát triển khu công nghiệp sinh thái – xu hướng xanh hóa công nghiệp tại Việt Nam

Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là một “cộng đồng” các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ có mối liên hệ mật thiết trên cùng một lợi ích, cùng hướng tới một hoạt động mang tính xã hội, kinh tế và môi trường chất lượng cao, thông qua sự hợp tác trong quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên.

KCNST kiểu mẫu trên thế giới 

Kalundborg ở Đan Mạch được xem là một ví dụ điển hình để hình thành hệ thống lý luận sinh thái học công nghiệp và các KCNST trên thế giới. Thành phần chính tham gia vào KCN này bao gồm: Nhà máy nhiệt điện lớn nhất tại Đan Mạch – Nhà máy điện Asnaes; Nhà máy lọc dầu Staltoil, Nhà máy sản xuất dược phẩm và enzym Novo Nordisk; Nhà máy sản xuất ván trát tường Gyproc – nhà máy lớn nhất vùng Scandinavia, đô thị Kaludborg, phân phối nước, điện cho 20.000 người dân. Sự cộng sinh đã phát triển qua nhiều năm bao gồm các đối tác từ các huyện khác, cũng như nông trại. Các công ty tham gia trao đổi nguyên liệu và năng lượng vì lợi ích chung, trên cơ sở đó phế thải từ một công ty này có thể được sử dụng như là đầu vào chi phí thấp cho công ty khác.Những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho sự hình thành quan hệ cộng sinh trong KCN Kalundborg bao gồm: Sự phù hợp giữa các ngành công nghiệp trên phương diện “Trao đổi chất thải”; Khoảng cách (về vị trí địa lý giữa các nhà máy không quá lớn; Mỗi nhà máy đều nắm được thông tin liên quan đến các nhà máy khác trong KCN; Động cơ thúc đẩy các nhà máy tham gia vào KCNST là sự phát triển kinh tế bền vững; Sự phối hợp giữa các nhà máy là
trên tinh thần tự nguyện và phù hợp với quy định của cơ quan chức năng.

Thực tế vận hành KCNST từ năm 1972-2003 cho thấy mang lại lợi ích thiết thực như sau (Côté và Hakk, 1995; Cohenrosenthal và McGalliard, 2003): Giảm tiêu thụ nguồn tài nguyên (Dầu:19.000 tấn/năm, than đá: 30.000 tấn/năm, nước: 600.000 m3/năm); Giảm lượng khí thải phát sinh: CO2: 130.000 tấn/năm, SO2: 3.700 tấn/năm: Tái sử dụng phế phẩm (Tro: 135 tấn/năm, Sulphua: 2.800 tấn/năm, Thạch cao: 80.000 tấn/năm, Nito trong bùn: 800.000
tấn/năm).

Theo “Sổ tay phát triển KCNST cho các nước đang phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), KCNST cần tập trung vào 7 lĩnh vực cơ bản sau:

  • Hài hòa với thiện nhiên;
  • Hệ thống năng lượng;
  • Quản lý dòng nguyên liệu và chất thải;
  • Cấp thoát nước;
  • Quản lý KCNST hiệu quả;
  • Xây dựng/cải tạo;
  • Hòa nhập với công đồng địa phương

Có thể phân loại KCNST thành 5 nhóm sau:

  • KCNST nông nghiệp;
  • KCNST tái tạo tài nguyên;
  • KCNST năng lượng tái sinh;
  • KCNST nhà máy điện;
  • KCNST lọc hóa dầu hay hóa chất.


Hiện trạng và xu hướng phát triển các KCNST tại Việt Nam

Tại Việt Nam, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã và đang chú trọng đầu tư và phát triển các KCN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các KCN, cụm công nghiệp hiện tại không tuân theo quy hoạch thống nhất, một số nơi thiếu cơ sở khoa học do chưa được giải quyết đồng bộ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường. Hiện tại, chỉ có một số KCN, KCX ở phía Nam hoạt động theo mô hình KCNST.

Ví dụ: KCX Linh Trung I (TP.HCM) có tổng diện tích 62 ha hoạt động từ năm 1995 với 26 công ty. Đây là nơi tập hợp của các cơ sở sản xuất và dịch vụ cùng hướng tới một mục đích là nâng cao chất lượng môi trường và nguồn tài nguyên. Tất cả các cơ sở sản xuất trong KCX đều thực hiện trao đổi chất thải với Công ty Liên doanh Sepzone hoặc với các cơ sở thu mua phế liệu, tái sinh, tái chế hoặc xử lý chất thải bên ngoài KCX;
KCN Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai) thành lập năm 1997 trên địa bàn 2 xã Hiệp Phú và Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, với diện tích 347 ha, với các ngành công nghiệp như: dệt may, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sản phẩm gỗ, thực phẩm, hóa chất và hóa mỹ phẩm, điện tử, điện gia dụng… KCN hình thành một mạng lưới trao đổi chất thải, giấy caton được sử dụng để sản xuất hộp cát tông, nguyên liệu vải, sợi phế liệu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như giẻ lau, bụi bông… Còn mạng lưới trao đổi chất thải bên ngoài KCN được thiết lập đối với tái chế phế liệu như: nhựa, giấy và cát tông… Chất thải rắn, khí thải đều được xử lý, còn nước thải được xử lý và tái sử dụng cho các thiết bị vệ sinh ở khu lưu trú của công nhân (240 m³/ngày), tưới cây (500 m³/ngày) ngoài ra nước thải sau xử lý là 7.500 m³/ngày.

Có thể nói, việc áp dụng KCNST tại Việt Nam là một trong những giải pháp để hướng đến Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Phát triển KCNST có thể cải thiện hoạt động kinh tế, đồng thời giảm thiểu các tác động tới môi trường bởi nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên và giảm thải bỏ chất thải, thích hợp cho phát triển công nghiệp xanh. Tuy nhiên, để phát triển và nhân rộng mô hình này tại Việt Nam thì hệ thống chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) chuyển giao công nghệ, áp dụng phương thức sản xuất sạch hơn, để giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là kết nối các DN với nhau, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường và giảm chi phí sản xuất.

Với 5 hợp phần, thời gian tới, Dự án sẽ tập trung vào những nhiệm vụ sau:

  • Xây dựng các chính sách và quy định, tiêu chí của KCNST;
  • Tăng cường năng lực lập quy hoạch và quản lý KCNST cho các cơ quan quản lý KCN ở Trung ương và địa phương;
  • Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch, phát thải ít các-bon, phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các DN trong KCN;
  • Xác định, hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận tài chính ưu đãi để đầu tư ứng dụng công nghệ sạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các DN tại những KCN thực hiện thí điểm;
  • Triển khai thí điểm các dự án chuyển đổi thành KCNST;
  • Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển KCNST.

Hiện nay, khái niệm KCNST vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, các quy định, văn bản pháp quy về KCNST hầu như chưa có, do vậy, bên cạnh mang lại các lợi ích cho DN, Dự án cũng tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý nhà nước liên quan, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc chuyển đổi từ KCN cũ sang KCNST. Từ việc thực hiện thí điểm của các KCN, sẽ xây dựng, ban hành văn bản pháp quy quy định về mô hình KCNST, trong đó sẽ bao gồm khái niệm KCNST, các điều kiện cụ thể để chuyển đổi thành KCNST, quy định các cơ chế, chính sách để khuyến khích các DN, công ty phát triển hạ tầng KCN chuyển đổi thành KCNST.

Đây là những bước đi đầu tiên để phát triển các KCNST theo hướng hiện đại, thân thiện với khí hậu tại Việt Nam, hi vọng dự án này sẽ là tiền để để nhân rộng các mô hình KCNST trên toàn quốc.

Theo sxsh.vn

 

Dự án ″Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam″ (EIP) chính thức triển khai hợp phần đào tạo nhân lực và đánh giá Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) tại các doanh nghiệp

Dự án ″Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam″ (EIP) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai từ tháng 10/2014 với mục tiêu tổng thể nhằm tăng cường việc chuyển giao, ứng dụng, phổ biến công nghệ và các biện pháp sản xuất sạch, ít các bon nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các KCN Việt Nam.

Sau thời gian khởi động và chuẩn bị, EIP đã chính thức triển khai hợp phần đào tạo nhân lực và đánh giá Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) tại các doanh nghiệp thuộc 3 khu công nghiệp mục tiêu: Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình), Hòa Khánh (thành phố Đà Nẵng) và Trà Nóc 1 và 2 (Thành phố Cần Thơ). Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam tham gia dự án với tư cách là đơn vị cung ứng dịch vụ đào tạo và tư vấn đánh giá RECP cho toàn bộ hợp phần này.

Đợt 1 của hợp phần này bắt đầu bằng khóa huấn luyên thực hiện RECP gồm 3 ngày tại mỗi địa phương với số lượng doanh nghiệp và đại biểu tham dự như sau:

Ninh Bình

Đà Nẵng

Cần Thơ

Số doanh nghiệp

11

12

11

Số đại biểu

33

35

39

Ngày

13 – 15/1/2016

6 – 8/1/2016

13 – 15/1/2016

Khóa huấn luyện nhằm mục tiêu nâng cao năng lực về RECP cho cán bộ quản lý KCN và cán bộ kỹ thuật, quản lý sản xuất của các doanh nghiệp tham gia dự án, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả hơn và giảm ô nhiễm môi trường góp phần xây dựng, góp phần phát triển KCN sinh thái điển hình của địa phương.

IMG_5343

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT – Giám đốc EIP, khai mạc khóa huấn luyện tại Ninh Bình

Picture2

Các đại biểu và chuyên gia khóa huấn luyện tại Đà Nẵng

Picture3

 Các đại biểu và chuyên gia khóa huấn luyện tại Cần Thơ

Picture4

Các đại biểu và chuyên gia khóa huấn luyện tại Ninh Bình

Tại các khóa luấn luyện, các đại biểu cho biết họ rất quan tâm tới vấn đề làm sao để giúp công ty giảm tiêu hao năng lượng, nước, khắc phục tác động của các loại dòng thải phát sinh qua đó giảm chi phí sản xuất và tạo hình ảnh tốt đẹp cho doanh nghiệp.

Picture5

 Trao đổi ý kiến trực tiếp với các giảng viên

Picture6

Trình bày kết quả thảo luận nhóm tại Ninh Bình

Trong 3 ngày của khóa huấn luyện, các đại biểu đã tham gia tích cực và trao đổi sôi nổi với giảng viên về những vấn đề rất cụ thể của công ty.

Picture7

 Thảo luận nhóm về trường hợp cụ thể của doanh nghiệp

Picture8

Hoạt động trò chơi trong khóa huấn luyện

Theo Admin – vncpc.org

Điều phối viên Quỹ Tín dụng xanh (GCTF) trả lời phỏng vấn tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam (VET)

Bà Nguyễn Lê Hằng, đến từ Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam – Điều phối viên Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh (GCTF) trả lời phỏng vấn tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam (VET) về tăng trưởng tín dụng xanh và tương lai phát triển của mô hình này tại Việt Nam.

IMG_5107

 

  • Bà đánh giá thế nào về phát triển tăng trưởng xanh dưới dạng các chính sách và những khó khăn có thể gặp phải tại Viêt Nam?

Tín dụng xanh là một chính sách của ngành tài chính ngân hàng nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư kinh doanh có tác động tích cực tới chất lượng môi trường. Vì vậy tín dụng xanh góp phần mang tới cho xã hội những lợi ích to lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường.

Vấn đề tín dụng xanh được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm từ nhiều năm nay. Sản phẩm tín dụng xanh của các ngân hàng thường hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Các lĩnh vực ưu tiên này tùy thuộc vào chính sách tín dụng xanh ở từng quốc gia và khu vực.

  • Mô hình tín dụng xanh hiện đang được phát triển như thế nào tại Việt Nam? Tiêu chuẩn như thế nào để một dự án có thể nhận được hỗ trợ từ GCTF? 

Trách nhiệm của ngành ngân hàng là giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết và cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu các ngân hàng có những yêu cầu nhất định đối với các dự án vay vốn khi thực hiện phải bảo đảm những quy định về môi trường và an sinh xã hội thì sẽ góp phần hạn chế các dự án gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến người dân và khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch, an toàn hơn. Tuy nhiên, cho đến trước khi có Nghị định 03 thì hầu hết các ngân hàng trong nước chưa quan tâm nhiều tới tiêu chí bảo vệ môi trường khi xem xét phê duyệt các dự án nào vay vốn của doanh nghiệp.

Hiện đã có một số tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc tư nhân tài trợ phải tuân theo.

Để lựa chọn một dự án được hỗ trợ tài chính theo dòng tín dụng xanh của GCTF, có một số tiêu chí được đưa ra đối với doanh nghiệp liên quan quy mô, loại hình, ngành nghề doanh nghiệp, loại dự án, chỉ số môi trường của dự án. Các doanh nghiệp cần tham khảo các lựa chọn công nghệ để có thể đề xuất một phương án phù hợp nhất với quỹ (1 chỉ số về tác động môi trường sau dự án đầu tư được đánh giá đạt giảm ít nhất 30% so với hiện tại).

  • Xin bà chia sẻ thêm về những thành quả mà GCTF đã đạt được trong quá trình hoạt động tại Việt Nam? GCTF gặp những khó khăn gì trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp không

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) thành lập ở Việt Nam nhằm hỗ trợ các DN đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Được thành lập vào cuối 2007, đây là một trong những hoạt động tín dụng xanh đầu tiên ở Việt Nam nhằm tới ngành sản xuất công nghiệp và một số ngành dịch vụ để đầu tư phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường.Bên cạnh đó, GTF cũng có mong muốn quan trọng là hỗ trợ các ngân hàng thương mại thấy được sự cần thiết để phát triển một loại hình sản phẩm tín dụng mới dành cho khối doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy cũng có một số khó khăn nhất định, ví dụ: khả năng tiếp cận thông tin và chính sách (tài chính và công nghệ) của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; một số doanh nghiệp tiếp cận với Quỹ nhưng lại không được Ngân hàng phê duyệt khoản vay vì nợ xấu, v.v…

  • Theo bà, tín dụng xanh liệu có phải mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam không? Tại sao? 

Theo ý kiến cá nhân tôi thì tín dụng xanh là một công cụ để giúp tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Đặc thù của rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là vẫn vận hành nhiều công nghệ thiết bị cũ, vừa tiêu hao nhiều tài nguyên đồng thời gây phát thải tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với các DN để đổi mới trang thiết bị theo hướng thân thiện với môi trường hơn chính là mức đầu tư cần thiết thường khá cao. Phần lớn các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam thường gặp khó khăn về vốn và không đủ tài sản thế chấp để tiếp cận được với nguồn cho vay tín dụng tại các NH. Khó khăn này đã làm DN giảm động lực đổi mới công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động môi trường. Khi ngân hàng triển khai dòng tín dụng xanh thì rào cản này sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều.

  • Bà nhận xét như thế nào về các chính sách hỗ trợ tín dụng xanh? 

Để đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam cần có sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý là Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng và đặc biệt cần tăng cường nhận thức cho doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quan điểm “một mũi tên trúng 2 đích” nghĩa là có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường mang lại các lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp chứ không đơn thuần là tăng gánh nặng chi phí. Do đó, cần tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nhóm các chuyên gia tư vấn kỹ thuật; tăng cường năng lực xem xét thẩm định các dự án tăng trưởng xanh cho khối NH; tăng cường sự kết nối giữa 3 khối trên với sự gắn kết và thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước.

  • Bà dự đoán như thế nào về sự phát triển tín dụng xanh trong 3 năm tới đây?

Với chỉ thị 03 đã đi vào thực thi, cũng như các dự thảo chính sách, chiến lược, chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững, bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững đang được xây dựng và sớm đi vào thực tiến thì Tín dụng xanh là một công cụ tài chính không thể thiếu trong giai đoạn phát triển tới đây của đất nước.

Theo Tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam

Source: gctf.vn

Xuất khẩu cá tra: Hết thời cạnh tranh giá rẻ

Sau một thời gian phát triển quá nóng, hiện nay, cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm, kể cả sản xuất trong nước cũng như trên thị trường xuất khẩu.

Sau một thời gian phát triển quá nóng, nay cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm, kể cả sản xuất trong nước cũng như trên thị trường xuất khẩu. Đó là chi phí sản xuất cao, quá trình sản xuất chưa được tối ưu, sản phẩm chưa được gia tăng chế biến… nên cá tra Việt Nam đã bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đặc biệt tại thị trường lớn EU.

Lãng phí quá nhiều trong sản xuất, chế biến 

Chế biến cá tra tại Công ty CP Gò Đàng tại khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh Vũ Sinh – TTXVN
Phát biểu trong hội thảo “Phát triển cá tra bền vững tại Việt Nam, các phân tích và khuyến nghị về chính sách” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức ngày 16/11, tại Hà Nội, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Dự án Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở Việt Nam, cho biết từ năm 2000 đến 2014, ngành cá tra đã phát triển khá nóng. Tính riêng giai đoạn 2002-2009, trị giá xuất khẩu cá tra mỗi năm tăng lên từ 2-3 lần. Trị giá xuất khẩu cá tra bắt đầu chững lại và bão hòa từ năm 2011.

Giá xuất khẩu cá tra liên tục giảm, năm 2002, giá xuất khẩu trung bình 3,11 USD/kg nhưng sau đó giảm, thậm chí năm nay chỉ còn ở mức 2,1 – 2,3 USD/kg. Vài năm trở lại đây, sản lượng cũng như giá bán cá tra trên thị trường không tăng. Trong chuỗi sản xuất, người nuôi cá lãi ít, thậm chí các hộ nuôi còn phải bù lỗ do giá bán dưới giá thành sản xuất (năm 2010).

Theo ông Lê Xuân Thịnh, do phát triển khá nóng trong những năm vừa qua nên sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm. Đó là chất lượng sản phẩm không ổn định và thiếu đồng nhất; nền sản xuất thiếu bền vững bởi chi phí sản xuất ngày càng gia tăng như điện, nước.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho cá tra xuất khẩu ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, điển hình là chi phí thức ăn. Hiện cơ cấu chi phí giá thành gồm nhiều loại như giống, thức ăn, hóa chất xử lý môi trường, thuốc, lãi vay ngân hàng và chi phí khác; trong đó, chi phí thức ăn chiếm tới 75-77%. Trong khi đó, có tới 80% thức ăn phải nhập khẩu mà chưa thể tự chủ được.

Một trong những vấn đề nổi cộm nữa hiện nay trong quá trình chế biến cá tra tại các doanh nghiệp là mức sử dụng nhiên liệu cao. Quy mô ngành trung bình khoảng 600 kW/tấn sản phẩm nhưng hiện đang có doanh nghiệp sử dụng tới 800 kW, cá biệt có doanh nghiệp sử dụng tới 1.500 kW/tấn sản phẩm. Hay như sử dụng nước trong chế biến cá tra, mức trung bình chỉ là 15 m3/tấn sản phẩm nhưng có doanh nghiệp sử dụng 26 – 30 m3/tấn.

“Có thể thấy hiện nay, ngành cá tra đang lãng phí nhiều tài nguyên từ khâu nuôi cho đến chế biến. Sự lãng phí trên còn gây hậu quả là nước thải, chất thải rắn trong chế biến cũng tăng cao.” – ông Lê Xuân Thịnh, cho hay.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, vấn đề cần quan tâm của ngành cá tra hiện nay là chất lượng sản phẩm không ổn định và thiếu đồng nhất; các tác động của môi trường và xã hội ngày càng rõ ràng; chi phí sản xuất ngày càng tăng, sản phẩm chế biến thấp, chủ yếu là phi lê. Điều này cho thấy một nền sản xuất vẫn thiếu bền vững.

Hết thời cạnh tranh giá rẻ 

Chế biến cá tra tại Công ty Hùng Cá ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN
TS. Siegfried Bank, chuyên gia tư vấn chính sách đến từ Đức cho biết, thị trường EU chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu cá tra. Có thể nói EU không ảnh hưởng lớn về mặt thị trường nhưng những chính sách của EU có thể tác động đến nhiều thị trường, bởi các thị trường thường tham khảo các quy định của EU để quyết định việc nhập khẩu cá tra.

Thời gian gần đây, cá tra Việt Nam vào thị trường EU bị cạnh tranh mạnh bởi các loại cá thịt trắng khác. Thị trường sản xuất cá trắng ổn định hơn, giá rẻ hơn cá tra khiến cá tra Việt Nam vào thị trường EU bị ép giá. Do bị ép giá một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh bằng cách tăng thêm nước vào sản phẩm nhưng không khai báo, tỷ lệ mạ băng thấp hơn so với khai báo.

Việt Nam đang quyết tâm nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, điển hình như qua quy định mới về hàm lượng ẩm hay tỷ lệ mạ băng. Theo ông Siegfried Bank, thị trường EU không có quy định cụ thể về các tiêu chuẩn này nhưng yêu cầu phải có khai báo, phải công bố khối lượng tịnh. Với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, của người tiêu dùng. Thị trường luôn mong muốn tỷ lệ mạ băng giảm, ít phụ gia.

Đánh giá về việc ngành cá tra phấn đấu các cơ sở nuôi phải áp dụng và được chứng nhận VietGAP về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt hoặc các chứng nhận phù hợp với quy định của Việt Nam, ông Siegfried Bank cho rằng, điều này sẽ giúp cá tra Việt Nam được truy xuất nguồn gốc sẽ dễ hơn. Đây sẽ là công cụ tốt để xây dựng một hình ảnh mới, nâng cao hình ảnh cá tra. Điều này sẽ thực sự tốt nếu đi liền với sản phẩm có chất lượng cao.

TS. Siegfried Bank cho rằng, Việt Nam không chỉ có các doanh nghiệp đã đạt chứng chỉ VietGAP mà còn có doanh nghiệp đạt chứng chỉ ASC. Các doanh nghiệp Việt Nam nên dừng cạnh tranh giá rẻ mà nên cạnh tranh giá cao. Việt Nam cần tạo sự khác biệt, đẳng cấp của sản phẩm cá tra. Tạo ra các sản phẩm cá tra khác nhau phục vụ các thị thị trường khác nhau, tương xứng với các mức giá của nó. Việt Nam nên từng bước có chiến lược đẩy chất lượng cũng như có các mức giá xứng đáng với chất lượng tiềm năng của cá tra trên thị trường.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, tiềm năng phát triển cá tra còn rất lớn và doanh nghiệp cần phải cắt giảm chi phí giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh thông qua tối ưu hóa quá trình sản xuất; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất áp dụng công nghệ mới và đặc biệt là xây dựng hình ảnh cá tra Việt Nam “xanh” và “ngon”.

Theo Bích Hồng/BNEWS – TTXVN