Hội thảo “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp”

Ngày 31 tháng 8 năm 2017, tại Cần Thơ, Dự án “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp” tổ chức hội thảo tham vấn các đối tác liên quan và các nhà máy xay xát tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án do Tổ chức Phát triển Hà Lan thực hiện trong khuôn khổ “Mạng lưới và trung tâm công nghệ khí hậu (CTCN)” do Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) xây dựng đề xuất và đệ trình lên cơ quan đầu mối quốc gia của CTCN tại Việt Nam là Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Cục KTTV BĐKH). Dự án do Tổ chức công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tài trợ.

Hội thảo có sự tham gia của trên 50 đại biểu đại diện nhà tài trợ (UNIDO), Cục KTTV BĐKH, SNV, VNCPC, các doanh nghiệp chế biến lúa gạo, Sở ban ngành địa phương, các doanh nghiệp cung cấp công nghệ sử dụng trấu, trường đại học, viện nghiên cứu…

Tổng quan về dự án, thông tin chung về các đơn vị, tổ chức tham gia dự án cũng như kỳ vọng của các bên hữu quan về mục tiêu hội thảo đã được giới thiệu và trao đổi ở phần đầu tiên của hội thảo. Tiếp đó, đại diện đơn vị thực hiện dự án SNV Việt Nam lần lượt trình bày các kết quả của dự án như công cụ lựa chọn công nghệ để tận dụng trấu một cách hiệu quả nhất, mô hình kinh doanh than sinh học và amorphous silica ash, mô hình kinh doanh củi trấu và các lựa chọn tiếp cận về tài chính cho các mô hình kinh doanh này. Sau các phần tham luận, các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích giúp cho đơn vị thực hiện hoàn thiện các sản phẩm của dự án cũng như các phương án hữu ích để các đơn vị trong ngành chế biến lúa gạo có thể lựa chọn để triển khai có hiệu quả.

Thông tin về dự án

Mạng lưới và trung tâm công nghệ khí hậu (CTCN) là cơ quan thực hiện của Cơ chế Công nghệ thuộc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), được phối hợp thực hiện bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO). Mạng lưới này được hỗ trợ bởi 11 cơ quan đối tác có chuyên môn về công nghệ khí hậu. Sứ mệnh của CTCN là đẩy mạnh phát triển và chuyển giao công nghệ khí hậu theo yêu cầu của các quốc gia đang phát triển với mục tiêu phát triển hiệu quả năng lượng, phát thải thấp và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Dự án “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo các bon thấp” được CTCN phê duyệt dựa trên yêu cầu của Cơ quan đầu mối quốc gia (NDE) thuộc Cục KTTV BĐKH – Bộ Tài nguyên Môi trường. Mục đích của dự án là tìm hiểu các công nghệ khác nhau để làm tăng giá trị của trấu nhằm giảm thiểu chất thải và hỗ trợ cải thiện hiệu quả kinh tế của các nhà máy xay xát, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

VNCPC

Phụ phẩm trong nông nghiệp là một tài nguyên

Nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn xem nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp là rác thải nên bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường, trong khi chúng có thể là một nguồn tài nguyên giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.

Hội thảo “Hướng đến chuỗi giá trị lúa gạo bền vững ở ĐBSCL” (Nguồn: VNCPC)

Đó là một phần nội dung được đưa ra tại Hội thảo hướng đến hệ sinh thái công-nông nghiệp bền vững, tập trung vào chuỗi giá trị lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Trường đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 3-3-2017 tại TPHCM.

Theo ông Miroslav Delporte – Cục Kinh tế hợp tác của Thụy Sĩ (SECO) – đơn vị tài trợ cho dự án Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các-bon thấp – hiện tại, trong các lĩnh vực nông nghiệp, ngành chế biến lúa gạo của Việt Nam là một mắt xích rất cần những cải tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng, đặc biệt là vấn đề giảm thải khí thải thông qua ứng dụng những công nghệ tiên tiến.

Ông Martin Fritsh, một chuyên gia của dự án, cho rằng sản xuất sạch hơn là kiểm soát quy trình tốt hơn và làm sao có thể thu hồi được phụ phẩm.

Theo SECO, trong bốn năm thực hiện dự án trên, các bên có liên quan đã chứng minh được những phụ phẩm trong nông nghiệp là một nguồn tài nguyên. Các chuyên gia phát hiện ra rằng, có rất nhiều nhà máy xay xát lúa gạo đã lãng phí rất nhiều điện năng. Điều này làm cho giá thành một tấn gạo thành phẩm cao hơn. Vấn đề này có thể khắc phục được nếu những người đứng đầu các doanh nghiệp muốn tận dụng phụ phẩm để giảm thiểu chi phí đầu vào.

Dự án đã thực hiện đánh giá hiệu quản tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 16 nhà máy chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê, giúp tiết kiệm gần 1,1 triệu kWh điện/năm, tương đương 80.000 đô la Mỹ, cắt giảm  621 tấn CO2/năm. Qua đó, giúp giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo, đặc biệt trong bối cảnh, xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam đang gặp khó về thị trường như hiện nay.

Theo thesaigontimes.vn

Gia tăng giá trị lúa gạo nhờ sản xuất sạch hơn

Hội thảo “Hướng đến chuỗi giá trị lúa gạo bền vững ở ĐBSCL” trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các-bon thấp”.

Hội thảo “Hướng đến chuỗi giá trị lúa gạo bền vững ở ĐBSCL” (Nguồn: VNCPC)

Hội thảo “Hướng đến chuỗi giá trị lúa gạo bền vững ở ĐBSCL” trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các-bon thấp”, do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) và Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức mới đây, đã cho thấy những tiềm năng gia tăng giá trị lúa gạo khi áp dụng sản xuất sạch hơn.

Tiết kiệm hơn 1 triệu kWh điện/năm

Trong 4 năm qua, Dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các-bon thấp” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ đã thực hiện đánh giá sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 16 nhà máy chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê.

Theo ông Phạm Văn Tỏ, Phó Trưởng phòng Phòng Kỹ thuật và Xây dựng cơ bản (TCty Lương thực Miền Nam), đã có tổng cộng 8 đơn vị thành viên của TCty tham gia thực hiện thí điểm tiết kiệm năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng là mối bận tâm của TCty Lương thực Miền Nam từ nhiều năm qua vì điện năng chiếm tới 20-35% chi phí sản xuất. Đây là một chi phí rất lớn, và nếu chỉ cần tiết giảm được một vài phần trăm lượng điện tiêu thụ, TCty cũng đã có thể tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ.

TCty Lương thực Miền Nam đã từng triển khai nhiều giải pháp về công nghệ, thiết bị theo hướng tiết kiệm điện và chuyển đổi việc sử dụng nguồn nhiên liệu từ dầu hoặc than sang sử dụng trấu rời sẵn có trong quá trình xay xát lúa. Năm 2013, TCty bắt đầu tiếp cận Dự án về sử dụng hiệu quà tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

Kết quả đạt được rất khả quan, các đơn vị đã tiết kiệm được tổng cộng 983.764 kWh điện (912.254 kWh điện trong sản xuất và 71/510 kWh điện trong sinh hoạt), tổng giá trị tiết kiệm là hơn 1,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là hiệu quả không nhỏ về mặt môi trường vì áp dụng sản xuất sạch hơn góp phần làm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính thích ứng với BĐKH. Với kết quả đó, TCty Lương thực Miền Nam sẽ tổ chức phổ biến, triển khai đại trà ra tất cả các đơn vị còn lại.

Thống kê của dự án cho thấy trong 4 năm qua, 16 nhà máy chế biến gạo và 10 Cty chế biến cà phê, khi thử nghiệm các giải pháp sản xuất sạch hơn, đã tiết kiệm được 1,08 triệu kWh điện/năm, tương đương với 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2/năm.

Tận dụng phế phẩm

Những nghiên cứu, đánh giá của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án, cho thấy, trong ngành sản xuất lúa gạo ở nước ta nói riêng, trồng trọt nói chung, còn rất nhiều khâu có thể gia tăng giá trị nếu áp dụng các biện pháp sạch hơn thông qua những giải pháp công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Trong khâu chế biến lúa gạo, nếu tận dụng được nguồn tro trấu, sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động các bon đến môi trường. Khảo sát mới đây của Nhóm năng lượng thuộc Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tại 7 nhà máy xay xát gạo ở ĐBSCL, cho thấy, vỏ trấu do các nhà máy này có được trong quá trình xay xát đang được sử dụng làm chất đốt dưới các dạng viên nén, củi trấu và trấu rời, tuy nhiên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Trong khi đó, nguồn tro trấu sau khi đốt hết vỏ trấu lại chưa được sử dụng. Nếu quá trình đốt trấu có kiểm soát để tạo ra tro silica vô định hình (ASA) sẽ có thể sử dụng làm phụ gia bê tông, thay thế xi măng… Khi ấy, thay vì phải tốn khoảng 20 USD/tấn để đổ đi, nguồn tro silica vô định hình có thể được bán với giá 200-600 USD/tấn.

Còn theo ông Lê Viết Vinh (Cty Viết Hiền, Đăk Lăk), sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ cà phê… làm nguyên liệu trong công nghệ đốt nhiệt phân đem lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường.

Với sự hợp tác và hỗ trợ của một số tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước như UNIDO, Sofies, VNCPC…, ông Vinh đã xây dựng được lò đốt nhiệt phân tại cơ sở của mình. Sử dụng vỏ trấu làm nguyên liệu, dưới tác động cháy của công nghệ Flox (công nghệ cháy không có ngọn lửa), nhiệt độ đạt được rất cao trong buồng đốt, đảm bảo một sự cháy hoàn toàn nên hạn chế tối đa mức xả thải các khí độc hại như CO và Nox.

Bên cạnh đó, khí nóng thu được sử dụng cho sấy cà phê rất hiệu quả, đạt chất lượng tốt. Vỏ trấu sau khi cháy hết trở thành than sinh học, khi sử dụng trong trồng trọt sẽ giúp cải thiện độ tơi xốp của đất và có khả năng giữ nước cao, đồng thời rất thân thiện với môi trường. Trong mùa mưa vừa qua, hệ thống đốt nhiệt phân của Cty Viết Hiền đã hoạt động thử nghiệm rất có hiệu quả ở HTX Bình Minh (Đăk Lăk).

Theo nongnghiep.vn

Dự án SUPA trao quà hỗ trợ người nghèo

Trong khuôn khổ dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (WWF VN) và Áo (WWF AT), một Trang trại mẫu đã được xây dựng tại khu vực phường Tân Phú, quận Cái Răng, tp Cần Thơ.

Trang trại nằm trong khu đất nghiên cứu, thực nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ và nhằm mục đích nghiên cứu, thực tập, nâng cao kinh nghiệm thực tế cho sinh viên, cũng như thử nghiệm các công nghệ mới trước khi chuyển giao tới các doanh nghiệp và hộ dân nuôi cá tra.

Sau 2 năm xây dựng và 6 tháng vận hành nuôi cá thử nghiệm, với sự đồng ý của Cơ quan tài trợ EC, dự án đã tiến hành thu hoạch toàn bộ số cá và hỗ trợ cho các hộ nghèo khu vực xung quanh dự án vào ngày 27/12/2016 tại phường Tân Phú.

 Picture1  

Toàn cảnh Lễ trao quà tặng hỗ trợ người nghèo

Tham dự Lễ trao quà, về phía địa phương có ông Nguyễn Văn Tám (chủ tịch phường), ông Phạm Hùng Thống (Bí thư Đảng ủy phường) và các đại diện Mặt trận tổ quốc, Đoàn thể phường; Phía Đại học Cần Thơ có PGS.TS Trần Ngọc Hải (phó Trưởng Khoa Thủy sản), TS Nguyễn Thanh Long (phó Trưởng Khoa Thủy sản), PGS.TS Phạm Thanh Liêm (Phó trưởng Bộ môn Nuôi nuôi nước ngọt), TS Nguyễn Văn Triều (Giám đốc Trung tâm Thủy sản công nghệ cao). Đại diện dự án SUPA là ông Lê Xuân Thịnh (Phó Giám đốc VNCPC, Quản lý dự án SUPA) và 106 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn phường tham dự sự kiện.

Trước khi trao quà tặng, ông Nguyễn Văn Tám (chủ tịch phường) đã thay mặt UBND phường và các hộ nghèo phát biểu cảm ơn Cơ quan tài trợ EC, Dự án SUPA và Trường ĐH Cần Thơ đã có một hành động rất thiết thực và nhân văn hỗ trợ người nghèo trên địa bàn phường có một cái Tết rất ấm cúng và có ý nghĩa.

Picture3

Chủ tịch Phường Tân phú phát biểu

Picture4

Các hộ dân nhận quà tài trợ

Kết thúc buổi Lễ trao quà tài trợ, UBND phường Tân phú đã trao giấy cảm tạ cho Dự án và Trường Đại học Cần Thơ với lời chúc cho dự án SUPA thành công và có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa hỗ trợ cho người dân khu vực Cần Thơ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.

Picture5

UBND phường Tân Phú trao giấy cảm tạ cho Dự án và Trường ĐH Cần Thơ

Picture6

Chụp ảnh lưu niệm của dự án với địa phương

VNCPC

VNCPC – Nhân tố tích cực trong đẩy mạnh thực hiện sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn ở Việt Nam

Để góp phần phát triển bền vững nền công nghiệp đang trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam, năm 1998, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) đã ký hợp tác với Bộ Giáo dục – Đào tạo thực hiện các dự án “Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam” – VNCPC và “Đẩy mạnh các dịch vụ mới về sản xuất sạch hơn ở Việt Nam thông qua VNCPC” với sự hỗ trợ tài chính của Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Sứ mệnh của VNCPC là phổ biến rộng rãi và thúc đẩy áp dụng khái niệm “Sản xuất sạch hơn” (CP) vào thực tiễn hoạt động công nghiệp tại Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là đơn vị chủ các dự án này và Viện khoa học và Công nghệ Môi trường (INEST) là đơn vị trực tiếp thực hiện.

Trong suốt gần 20 năm xây dựng và phát triển, VNCPC đã đào tạo và xây dựng một mạng lưới chuyên gia CP, xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho trên 1000 nhà máy. Đồng thời, VNCPC luôn phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Công Thương trong các hoạt động nâng cao nhận thức về CP trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam, duy trì diễn đàn Hội nghị bàn tròn Quốc gia về “Sản xuất và tiêu thụ bền vững” (SCP) và hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu trong khuôn khổ dự án mà họ tham gia, đặc biệt các mục tiêu của Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020.

Gần đây nhất, năm 2015 UNIDO và Bộ Kế hoạch & Đầu tư chọn VNCPC là đơn vị tư vấn về lĩnh vực “Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn” (RECP) cho dự án “Triển khai các sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và SECO tài tài trợ (2015 -2017). Nhiệm vụ của VNCPC trong dự án này là xây dựng năng lực và hướng dẫn đánh giá RECP cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Khánh Phú tại Ninh Bình, Hòa khánh tại Đà Nẵng và Trà Nóc 1 & 2 ở Cần Thơ.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, VNCPC đã khảo sát điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, sau đó áp dụng các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn trình diễn về CP trước đây & RECP hiện nay cũng như tích hợp CP với các vấn để liên quan như Sử dụng hiệu quả năng lượng, Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, Sản xuất và Tiêu dùng bền vững, Thiết kế sản phẩm bền vững… ở Việt Nam cũng như những kiến thức và kinh nghiệm của mạng lưới toàn cầu của UNIDO – UNEP về RECP. Hoạt động RECP của dự án tại 23 doanh nghiệp trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2016 đã đạt được những kết quả bước đầu khá ấn tượng về cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, nước và nguyên vật liệu, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cụ thể và giảm tác động môi trường từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

IMG_3501

 Chuyên gia VNCPC đi đánh giá RECP tại doanh nghiệp

Bảng tóm tắt kết quả thực hiện RECP tại các DN lựa chọn trong 3 KCN mục tiêu của dự án

 TT           KCNKết quảHoạt động

Khánh Phú,

Ninh Bình

Hòa Khánh,Đà Nẵng Trà Nóc I & II,Cần Thơ

1

Số DN tham gia

7 6

10

2

Số CB được đào tạo

33 35

39

3

Số giải pháp RECP lựa chọn

125 92

185

4

Số dự án đầu tư công nghệ

5 10

8

5

Số dự án đầu tư đang thực hiện

2 8

4

6

Lợi ích kinh tế(áp dụng tỷ gía 1USD = 22,300 VND) Tiết kiệm 76.816 USD/năm do giảm suất tiêu thụ than, khí đốt, điện và nước, trong đó 72,45% là do giảm tiêu thụ điện năng Tiết kiệm 279.597 USD/năm do giảm suất tiêu thụ than, củi, điện & nguyên vật liệu, trong đó 63% là do giảm tiêu thụ điện năng Tiết kiệm 376.326 USD/năm do giảm suất tiêu thụ điện và nước, trong đó 84% là do giảm tiêu thụ điện năng

7

Lợi ích môi trường Giảm phát thải CO2: 726 tấn/năm Giảm phát thải CO2: 1.625 tấn/năm Giảm phát thải CO2: 2.458 tấn/năm

Theo đánh giá của VNCPC, hiện nay, tổn thất năng lượng tại các doanh nghiệp là khá lớn. Để sớm khắc phục vấn đề này, các doanh nghiệp cần dành ưu tiên cao cho việc thực hiện các giải pháp quản lý và đầu tư đổi mới công nghệ – thiết bị. Các giải pháp này sẽ góp phần cắt giảm chi phí sản xuất đồng thời giảm tác động tới môi trường và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Mặt khác, một tín hiệu tốt là một số doanh nghiệp đã thể hiện tính cam kết cao, bao gồm cả việc chủ động đầu tư thực hiện các dự án đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn. Đây là một yếu tố quan trọng cho sự thành công của dự án.

Việc thực hiện đánh giá RECP tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, không chỉ giúp các doanh nghiệp nhận ra những cơ hội nâng cao hiệu quả sản xuất và công tác bảo vệ môi trường mà còn cung cấp thông tin cơ sở về chất thải, tiềm năng trao đổi, tuần hoàn, tái chế và tái sử dụng chất thải, định hướng cho việc xây dựng các mô hình KCN sinh thái phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và kỹ thuật của từng địa phương.

Khu công nghiệp được xem là một địa bàn có nhiều lợi thế cho cho việc nhân rộng áp dụng tiếp cận RECP vào công nghiệp làm gia tăng tác dụng của tiếp cận này, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và KCN nói chung, góp phần chuyển đổi các KCN truyền thống theo hướng KCN sinh thái, đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế cũng như môi trường và xã hội của các KCN ở nước ta.

Nhân dịp 50 năm thành lập UNIDO, VNCPC xin chân thành cảm ơn UNIDO về sự hợp tác hiệu quả với viện INEST, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội trong suốt quá trình thực hiện các dự án trên và ươm tạo nên VNCPC Co. Ltd. hôm nay.

PGS.TS Trần Văn Nhân – Giám đốc VNCPC Co.Ltd

image2

Theo Admin vncpc.org

UNIDO kỷ niệm 50 năm thành lập

Bạn có biết tại Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuần đã tăng từ 1 tỷ USD năm 2003 lên 10 tỷ USD năm 2008, và đạt tới 23 tỷ USD năm 2015?  Tổng giá trị xuất khẩu cũng tăng từ 2 tỷ USD năm 1990 lên 72 tỷ USD năm 2010, và đến năm 2015 đạt 162 tỷ USD? Những con số rất ấn tượng này cho thấy thành công to lớn của Việt Nam trong hoạt động kinh tế, tạo đà thúc đẩy nền kinh tế và việc làm tăng trưởng mạnh mẽ.

Có được những thành tựu này phần lớn là nhờ những cải cách Việt Nam đã tiến hành kể từ khi triển khai công cuộc Đổi Mới vào năm 1986, giải phóng nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài,  thúc đẩy xuất khẩu và giảm nghèo. Để chuẩn bị cho công cuộc cải cách, Việt Nam đã nhận được rất nhiều hỗ trợ kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), từ rất lâu trước năm 1986, hay chính xác hơn, ngay từ 1978.

Trong hơn 35 năm qua, UNIDO đã và đang chia sẻ với Việt Nam các thông lệ thực hành quốc tế tốt nhất nhằm giúp Việt Nam phát triển một nền công nghiệp toàn diện và bền vững. Hơn 100 triệu USD đã được UNIDO giải ngân qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc nhiều lĩnh vực như hỗ trợ khu vực tư nhân và các cơ sở nghiên cứu kỹ thuật và công nghiệp, tạo thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực thương mại, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, xúc tiến đầu tư, và tăng cường thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Chương trình hoạt động của UNIDO nhằm mục đích giúp Chính phủ phát triển kinh tế – xã hội bền vững và công bằng. Quan hệ đối tác đa chiều đã được thiết lập với các bộ chủ quản các ngành công nghiệp, thương mại, kế hoạch, đầu tư, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, môi trường, với Phòng Thương mại và Công nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học, cũng như các trung tâm do UNIDO thành lập.

Hỗ trợ của UNIDO tập trung vào việc xây dựng và thưc hiện các chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp và thương mại, ví dụ khảo sát ngành công nghiệp, các chính sách tiểu ngành, các chính sách và pháp luật về đầu tư trong và ngoài nước. Một mục đích khác là thúc đẩy sự tăng trưởng của các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp trong nước phục vụ cho phát triển công nghiệp và tăng cường năng lực cho tất cả các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp.

Cơ chế chuyển giao công nghệ có khác biệt đáng kể giữa các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và các nền kinh tế thị trường. Tại Việt Nam, hoạt động của UNIDO có ý nghĩa như tác nhân thúc đẩy, tạo thuận lợi và khởi xướng quá trình chuyển giao công nghệ. Hơn thế, UNIDO còn giúp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua các cuộc triển lãm kỹ thuật, hội thảo, các hoạt động xúc tiến đầu tư và các mạng thông tin.

Về vấn đề môi trường, một trong các lĩnh vực ưu tiên của UNIDO là sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. UNIDO đã hỗ trợ tư vấn chính sách, cung cấp thông tin về sự sẵn có và khả năng lựa chọn công nghệ sạch, các chương trình xúc tiến công nghệ sạch, cũng như kiểm toán môi trường và năng lượng.

Đầu tư cho vốn con người là nội dung nổi bật trong hầu như tất cả các câu chuyện thành công ở vùng Đông Á. Chi tiêu cho giáo dục là nền tảng nhưng sự tham gia của khu vực tư nhân cũng rất quan trọng. Có thể chia các dịch vụ do UNIDO hỗ trợ thành ba nhóm sau: (i) hỗ trợ xây dựng chiến lược, chính sách, và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; (ii) củng cố năng lực thể chế cho phát triển nguồn nhân lực công nghiệp ; và (iii) tập huấn trực tiếp định hướng các nhóm doanh nghiệp hay các tiểu ngành.

Các dự án của UNIDO đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp tại Việt Nam, và tôi muốn đề cập đến một vài dự án trong số đó:

  • Trung tâm Sản xuất Sạch Việt Nam do UNIDO hỗ trợ thành lập, bắt đầu hoạt động vào cuối năm 1998, là một trong số những động lực chính thúc đẩy Việt Nam theo đuổi con đường sản xuất công nghiệp bền vững.
  • UNIDO hỗ trợ Việt Nam đánh giá trước phê chuẩn Công ước Minamata để kiểm soát thủy ngân trong sản phẩm và tránh hiểm họa sức khỏe không cần thiết cho con người và môi trường.
  • Để giúp đất nước giải quyết thách thức giảm cường độ năng lượng, UNIDO đã xây dựng kế hoạch toàn diện đầu tiên cho việc xây dựng các biện pháp tăng cường sử dụng tiết kiệm và bảo toàn năng lượng trong sản xuất công nghiệp.
  • Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, và kể từ đó UNIDO đã giúp Việt Nam đáp ứng với tiêu chuẩn quốc tế và tiếp cận được thị trường. Chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm là một trong số những thách thức lớn nhất đối với sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế quốc tế.
  • Hơn 15 năm qua, UNIDO hân hạnh hợp tác với Chính phủ trong lĩnh vực cải cách đăng ký kinh doanh. UNIDO hỗ trợ giải quyết những trở ngại mà các nhà kinh doanh gặp phải trong quá trình hoàn tất thủ tục đăng ký khởi nghiệp. Đặc biệt, UNIDO  hỗ trợ thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005 và 2014 và đơn giản hóa quy trình đăng ký. Năm 2010, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh được thành lập, và cùng năm đó, Hệ thống Đăng ký Kinh doanh Quốc gia được khai trương. Thời hạn đăng ký kinh doanh theo luật định đã giảm từ 15 ngày xuống chỉ còn 3 ngày.

Chương trình nghị sự 2030 cho Phát triển Bền vững được nhất trí gần đây đặt ra cho chúng ta những mục tiêu tham vọng trên quy mô toàn cầu nhằm giải quyết cả ba phương diện của phát triển bền vững là kinh tế, môi trường và xã hội. Các mục tiêu và mục đích đề ra trong Chương trình nghị sự này được bổ sung bằng Thỏa thuận Paris với sự thông qua của 195 quốc gia vào tháng 12 năm ngoái. Với thỏa thuận này – là thỏa thuận khí hậu đầu tiên mang tính phổ cập và ràng buộc về pháp lý – chúng ta cùng cam kết giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức dưới 2oC trên mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

Mục tiêu Phát triển Bền vững số 9 của Chương trình nghị sự 2030 thừa nhận công nghiệp hóa toàn diện và bền vững có liên quan trực tiếp đến xóa đói, và ủy thác cho UNIDO nhiệm vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững. Với Việt Nam, UNIDO nhận thấy có hai vấn đề lớn cần giải quyết để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 9. Vấn đề thứ nhất là, làm thế nào để tiến trình tự do hóa thương mại,  tái cơ cấu kinh tế và sản xuất gần đây có thể đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp của Việt Nam? Thứ hai là, làm sao có thể xây dựng lại chính sách, chiến lược công nghiệp để có thể đưa vào các ưu tiên của quốc gia cũng như tính đến các nguy cơ và cơ hội toàn cầu, trong đó có việc thiết lập mối liên kết giữa các ngành công nghiệp để tăng giá trị sản xuất gia tăng cho các sản phẩm hiện có và gia nhập những ngành nghề mới, năng động hơn.

Bối cảnh toàn cầu hiện nay khác biệt rất nhiều so với bối cảnh thập kỷ 1990. Giờ đây Việt Nam đã là một phần của một cuộc chơi lớn, đã vượt qua điểm có thể quay trở lại với việc tham gia ký kết một số thỏa thuận thương mại chủ chốt trong năm 2015. Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình dương TPP có nhiều tiềm năng to lớn. Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận thương mại giữa 13 nước này, vì nhờ đó, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam có khả năng tăng vượt bậc đến 8% trong hai thập kỷ tới. Việt ký kết một hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu sẽ giúp xóa bỏ 99% mức thuế áp vào hàng hóa sau khoảng 10 năm.

Việt Nam cũng rất có khả năng trở thành một đối tác chủ chốt trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Sự ra đời của AEC, cùng với sự trỗi dậy của Việt Nam như là một trung tâm sản xuất công nghiệp và công nghệ, được kỳ vọng là sẽ giúp gia tăng thương mại và đầu tư nội khối ASEAN.

Trước bối cảnh mới này, UNIDO sẽ tiếp tục cùng Việt Nam xúc tiến tái cơ cấu và hiện đại hóa để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Chúng tôi sẽ tập trung vào các ngành chủ đạo cũng như những ngành có lợi thế so sánh và có tầm quan trọng chiến lược để phát triển công nghiệp nhanh, hiệu quả, bền vững, nâng cao tính độc lập cũng như khả năng tự phục hồi của nền kinh tế.

UNIDO sẵn sàng hỗ trợ cho chiến lược phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững của Việt Nam, và tin tưởng rằng đến năm 2035, nền kinh tế của Việt Nam sẽ là một nền kinh tế toàn diện, tập trung vào phụ nữ và thanh niên, với những ngành chuyên môn hóa đạt chuẩn quốc tế về công nghệ và chất lượng sản phẩm, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng hiệu quả, và cạnh tranh công bằng trên thị trường hội nhập toàn cầu.

LI Yong

Tổng Giám đốc UNIDO

Theo UNIDO Vietnam