Sản xuất sạch hơn: Thay đổi nhỏ, tiết kiệm lớn

Chỉ cần những thay đổi nhỏ trong việc bảo quản, sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng… theo ý kiến tư vấn của các chuyên gia về sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp sẽ có được những khoản tiết kiệm lớn.

Đó là những lợi ích dễ dàng nhận thấy khi các doanh nghiệp tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững”.

Mục tiêu của dự án là: Tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu từ tại Ninh Bình là minh chứng rất rõ nét cho hiệu quả của việc triển khai sản xuất sạch hơn. Hiện sản phẩm chính của công ty là bột từ và nam châm định hình (nam châm chưa có từ tính).

Lãng phí lớn chỉ từ những sơ suất nhỏ

Tháng 12 vừa qua, thực hiện khảo sát toàn bộ quy trình sản xuất, chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) cùng với nhóm cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đã nhận thấy rằng nguyên liệu chính đang được doanh nghiệp sử dụng là mạt sắt, dù được đóng trong bao tải, lưu giữ trong kho, song không được xếp lên giá kệ nên dễ bị hút ẩm từ mặt đất, dẫn đến tốn thời gian phơi sấy và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tỷ lệ sản phẩm phải làm lại tương đối cao, khoảng 20-50%.

Nguyên liệu sản xuất không được bảo quản tốt cũng là nguyên nhân gây ra lãng phí lớn.

Đối với nhiên liệu là than dùng cho lò nung sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối, hiện công ty đang có mức tiêu thụ khoảng 1.000 tấn/năm. Tuy nhiên liệu này đã được bảo quản trong kho có mái che, nhưng diện tích mái lại không đủ che phủ hết lượng than được trữ để phục vụ cho việc sản xuất. Theo đó, khi trời nắng chất bốc bay hơi có thể làm mất 3-5% năng lượng, còn nếu mưa than bị ướt, sẽ làm tốn nhiệt khi đưa vào lò đốt, năng lượng hao phí có thể lên tới 5-10%.

Qua số liệu thu thập về tình trạng sử dụng nước, các chuyên gia cũng nhận thấy, lượng tiêu thụ nước tại công ty khá thất thường, dù sản lượng không có nhiều thay đổi. Như vậy, tiềm năng tiết kiệm nước của công ty là khá lớn, theo ước tính có thể giảm từ 30-50%. Chỉ tính theo mức giá trung bình 14.000đ/m3 nước, số tiền công ty tiết kiệm được không hề nhỏ.

Điện áp cao vừa gây tổn thất lại tăng nguy cơ cháy nổ

Điện áp cấp của công ty đo được đang ở mức rất cao, trên mức tiêu chuẩn từ 10,3 – 13,0%.

Điện áp cao sẽ gây ra tổn thất năng lượng điện cao, đồng thời làm quá tải điện áp toàn hệ thống và các thiết bị điện sẽ bị giảm tuổi thọ vì quá nóng. Đặc biệt, bóng đèn và các thiết bị điện tử (máy tính, điều hòa nhiệt độ, hệ thống điều khiển thiết bị…) sẽ tăng nguy cơ bị cháy hỏng.

Khi hạ điện áp về mức tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ giảm được rất nhiều chi phí do những tổn thất không đáng có gây ra.

Bên cạnh đó, việc công ty đang sử dụng dây cáp nhôm 3 pha làm dây truyền tải trục chính cho mạng phân phối điện nội bộ cũng gây tổn hao lớn trong quá trình truyền tải.

Theo khuyến nghị của chuyên gia sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, với hiện trạng hệ thống điện tại công ty, việc sử dụng dây cáp truyền tải bằng đồng sẽ có thể giảm được khoảng 40% tổn thất đường dây, cũng như đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.

Bảo ôn tốt để giảm tổn thất nhiệt

Đối với lò sấy sản phẩm sau định hình bằng lò đốt khí hóa than, do lò sấy chưa được cách nhiệt tốt, nhiệt độ vỏ lò cao, nên gây thất thoát nhiệt rất lớn. Để xử lý vấn đề này, doanh nghiệp cần thực hiện lắp đặt lớp bảo ôn hợp lý ở hai bên tường lò sấy và nóc lò.

Như vậy, chỉ cần doanh nghiệp thực hiện triệt để theo ý kiến tư vấn của các chuyên gia về sản xuất sạch hơn, khoản tiền hàng năm doanh nghiệp tiết kiệm được sẽ không hề nhỏ, dù mức đầu tư không quá lớn.

VNCPC

Sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp “lấp” những khoảng trống gây lãng phí

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thường vô tình có những lãng phí mà hầu hết đều không nhận ra cho đến khi họ tiếp cận với khái niệm và phương pháp luận sản xuất sạch hơn (SXSH).

Khi tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững”, các doanh nghiệp trong nhiều ngành sản xuất khác nhau đã được tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước…

Từ tháng 11 đến tháng 12/2017, đoàn công tác của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) đã có 2 đợt làm việc với các doanh nghiệp ở Ninh Bình. Đơn cử tại một nhà máy sản xuất xi măng, qua khảo sát và thảo luận, chuyên gia của VNCPC đã cùng với nhóm SXSH của doanh nghiệp nhận diện các lãng phí tồn tại trong quá trình hoạt động thường nhật cũng như đề xuất các cơ hội tiết kiệm đầu vào sản xuất để doanh nghiệp có thể áp dụng.

Tiết kiệm lớn chỉ từ những điều chỉnh nhỏ

Qua số liệu đo được từ 4 máy nén khí và các số liệu thu thập được từ phòng điều kiển trung tâm, các chuyên gia VNCPC nhận thấy: Các máy nén khí đang bị đặt trong phòng kín, không có thông gió nên phòng khí nén rất nóng.

Nhiệt độ khí cấp nóng sẽ làm giảm hiệu suất của máy nén khí. Theo đánh giá của chuyên gia VNCPC, khi phòng máy nén khí quá nóng sẽ gây ra tổn thất năng lượng máy nén khí khoảng 3%. Giả thiết hệ thống máy nén khí chạy 18 giờ/ngày (nghỉ 6 giờ/ngày để tránh giờ cao điểm; hoạt động 300 ngày/năm và giá điện trung bình là 1700 VNĐ/kWh) chỉ riêng yếu tố này đã gây lãng phí không nhỏ cho nhà máy.

Tiếp đến, chuyên gia VNCPC còn quan sát thấy, hiện công ty đang đặt mức độ và thời gian xả nước ngưng trong khí nén cao hơn mức cần thiết, gây tổn thất năng lượng khí nén rất cao. Ước tính việc xả nước ngưng này gây tổn thất khoảng 8% năng lượng khí nén.

Chưa kể tới, khoảng thời gian máy đóng bao không hoạt động nhưng vẫn sử dụng khí nén liên tục, gây tổn thất khá nhiều năng lượng.

Sử dụng khí nén để “phủi bụi” là rất lãng phí

Tại công ty còn có tình trạng: Công nhân đóng bao xi măng mỗi khi rời khu vực sản xuất đều sử dụng khí nén để loại bỏ lớp bụi bám trên quần áo và các vật dụng. Điều này gây ra tổn thất năng lượng quá lớn do khí nén áp suất cao có chi phí rất cao.

Cách giải quyết hợp lý cho vấn đề này là sử dụng quạt thổi (Blower) do khí nén của blower có lưu lượng lớn, rẻ tiền và có áp suất đủ cho mục đích vệ sinh cá nhân. Một giải pháp đơn giản hơn là mua riêng 01 máy nén khí cỡ nhỏ dùng cho mục đích giúp công nhân làm sạch lớp bụi trước khi rời nhà xưởng.

Hệ thống quạt phụ trợ sản xuất đang tổn thất năng lượng rất lớn

Toàn công ty có rất nhiều quạt công suất lớn đang hoạt động. Song chỉ có một vài quạt được điều khiển bằng biến tần, còn lại được điều chỉnh lưu lượng bằng van gió (Damper), với độ mở khá ổn định từ 25-55% nên tổn thất năng lượng là rất lớn.

Ngoài ra, cán bộ của VNCPC cũng quan sát thấy, công ty đang có nhiều lãng phí trong việc sử dụng nước. Mặc dù chỉ quan sát trong một khu vực rất nhỏ của công ty: từ văn phòng chính ra đến khu nhà máy nghiền đóng bao xi măng đã thấy có 3 vị trí nước bị chảy tràn gây lãng phí.

Theo đó, khi công ty có những điều chỉnh để khắc phục những vấn đề đã được các chuyên gia SXSH đưa ra là có thể tiết giảm đáng kể chi phí năng lượng trong quá trình sản xuất.

VNCPC

Doanh nghiệp đánh giá cao ý kiến tư vấn từ các chuyên gia SXSH

Đó là ý kiến chung của các doanh nghiệp tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững”, tại Ninh Bình.

Tại Ninh Bình hiện có 7 doanh nghiệp thuộc cách lĩnh vực sản xuất khác nhau, tham gia vào dự án. Trong số này có một doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất đồ trang sức mỹ ký xuất khẩu.

Ngày 19/12/2017, đoàn công tác của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tiếp tục tới làm việc với công ty để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP). Đoàn công tác đã đo đạc, đánh giá tại hiện trường về hiện trạng sử dụng nguyên vật liệu, hóa chất, nước, năng lượng điện; thảo luận các cơ hội và đưa ra giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên đối với doanh nghiệp.

Cần tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng để tiết kiệm điện năng

Qua khảo sát, đoàn công tác nhận thấy: Hệ thống chiếu sáng của công ty bộc lộ một số bất hợp lý, gây lãng phí điện năng cả ở khu vực sản xuất và khuôn viên, liên quan tới loại bóng đèn đang sử dụng, sắp xếp vị trí chiếu sáng và phân khu chiếu sáng và cả ý thức của người sử dụng.

Hệ thống chiếu sáng của công ty bộc lộ một số bất hợp lý gây lãng phí điện năng.

Theo đề xuất của các cán bộ VNCPC, doanh nghiệp có thể thay thế loại đèn chiếu sáng bảo vệ khuôn viên công ty bằng đèn loại tối ưu hơn, sắp xếp lại hệ thống chiếu sáng theo cách thức hợp lý để tiết giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo về ánh sáng trong quá trình làm việc và lưu ý công nhân tắt đèn chiếu sáng không cần thiết khi không có người làm việc.

Thay đổi nhỏ ở xưởng mạ sẽ giúp tiết kiệm đáng kể hóa chất

Đối với xưởng mạ, thời gian róc nước là thông số quan trọng nhất trong việc sử dụng hiệu quả hóa chất và xử lý nước thải. Thời gian róc nước thích hợp sẽ giảm lượng dung dịch/nước bám theo chi tiết cần mạ (giảm tới 50%) và giảm tiêu thụ hoá chất xử lý bề mặt, nhờ đó giảm nhẹ công việc xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, hệ thống rửa sau mạ của công ty lại không có bể rửa thu hồi mà chỉ là hệ thống rửa 4 bậc ngược chiều nên chỉ có tác dụng rửa sạch chi tiết mạ mà không tận thu được hóa chất. Điều này không chỉ khiến chi phí hoá chất tăng lên mà còn sử dụng nhiều nước hơn khiến chi phí sản xuất bị đội lên.

Mặt bằng xưởng mạ cũng cần được bố trí lại tối ưu để giảm thời gian di chuyển của công nhân cũng như giảm thiểu hoá chất độc hại rơi vãi xuống sàn nhà xưởng.

Mặt bằng xưởng mạ cũng cần được bố trí lại tối ưu để giảm thời gian di chuyển của công nhân cũng như giảm thiểu hoá chất độc hại rơi vãi xuống sàn nhà xưởng.

Tiếp thu những đề xuất của chuyên gia, theo cán bộ phụ trách tại nhà máy, các ý kiến trên sẽ giúp công ty khắc phục những lãng phí rất lớn về năng lượng, hóa chất. Vì vậy, công ty rất mong sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý để  có thể tiết giảm chi phí cho kế hoạch sản xuất năm 2018.

VNCPC

RECP: Giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm tiêu thụ tài nguyên

Tăng năng suất, giảm tiêu thụ tài nguyên… là mục tiêu của tất cả các doanh nghiệp sản xuất, song không phải doanh nghiệp nào cũng tìm ra hướng đi đúng.

Mục đích của đánh giá RECP (hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn) chính là giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp có thể tăng năng suất và giảm tiêu thụ tài nguyên, cũng như ô nhiễm môi trường. Đây là một hợp phần quan trọng trong dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Hợp phần thực hiện RECP trong doanh nghiệp là một bước đi ở cấp doanh nghiệp góp phần chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Một công ty thủy sản tại Cần Thơ tham gia dự án đã nhận được rất nhiều những tư vấn hữu ích về giải pháp công nghệ từ phía các chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC).

Công ty thủy sản này được thành lập năm 2008 và chính thức đi vào hoạt động năm 2009, với số lượng công nhân là 350 người. Sản phẩm chính của công ty là cá tra phi-lê nguyên con, cắt khúc đông lạnh xuất khẩu sang các thị trường EU, Canada, Brazil, Trung Đông, Hồng Kông, Autralia…

Hợp phần thực hiện RECP trong doanh nghiệp là một bước đi ở cấp doanh nghiệp góp phần chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Qua khảo sát, các chuyên gia VNCPC nhận thấy mặc dù định mức tiêu thụ cá tra và điện của doanh nghiệp ở mức trung bình trong ngành, song vẫn có thể tối ưu quá trình sản xuất để giảm các tiêu hao này dựa vào việc theo dõi thông số định kỳ.

Bên cạnh đó, tại nhà máy còn có nhiều vị trí điện bị rò rỉ lên đến 16V, tổn thất điện do rò rỉ tương đương 23.133 kWh/năm

Ngoài ra, nhiệt độ đo được tại một số đầu cốt lên tới trên 60oC, có khả năng gây ra sự cố cho một số thiết bị điện.

Hệ số công suất tại các máy nén lạnh và trạm xử lý nước thải thấp cũng làm tăng tổn thất trên đường dây. Chỉ tính riêng, dây curoa tại các máy nén lạnh bị chùng, gần đứt, lắp thiếu có thể làm tổn hao tới 7% lượng điện tiêu thụ của các máy nén lạnh.

Quá nhiều cặn trong bình ngưng cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng áp suất nén và áp suất ngưng tăng khiến máy nén tiêu thụ nhiều điện hơn.

Về lượng nước tiêu thụ của công ty cũng đang ở mức cao, khi so sánh với các doanh nghiệp chế biến cá tra khác. Vì vậy, cần phải quản lý việc sử dụng nước, đặc biệt là các công đoạn tiêu thụ nhiều nước như rửa nguyên liệu, vệ sinh nhà xưởng và thiết bị.

Theo đó, trong quá trình thực hiện RECP tại công ty, tổng cộng đã có 31 giải pháp RECP được đề xuất, trong đó có 10 giải pháp quản lý nội vi, 10 giải pháp kiểm soát quá trình, 05 giải pháp cải tiến thiết bị, 05 giải pháp thay thế công nghệ và thiết bị mới, 01 giải pháp tái sử dụng tại chỗ.

Trong số các đề xuất này, phần lớn các giải pháp có thể thực hiện ngay và mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tham gia dự án, công ty còn được đào tạo để nâng cao nhận thức của công nhân về chương trình sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn RECP; hướng dẫn để công nhân vận hành đúng quy trình, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên vật liệu, điện, nước, dầu FO… trong quá trình sản xuất.

VNCPC

Sản xuất sạch hơn giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 500 triệu đồng/năm

Đó là con số một nhà máy kính nổi ở miền Bắc đã tiết kiệm được nhờ giảm 1% tổng tiêu thụ điện năng mỗi tháng và giảm số lượng bóng đèn cháy mỗi năm là 500 bóng.

Đây cũng là một trong những mục tiêu mà dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” hướng tới.

Dự án được đồng hành bởi các nhà tài trợ gồm Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).

Nhà máy sản xuất kính nổi này được khởi công xây dựng vào năm 2006. Hiện nhà máy có sản lượng 300 tấn/ngày đêm.

Tham gia dự án, sau quá trình khảo sát, nhà máy đã được các chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn (VNCPC) đánh giá có rất nhiều tiềm năng về tiết kiệm năng lượng điện, hóa chất trong quá trình sản xuất.

Giảm điện áp, tiết kiệm 30 triệu đồng/tháng

Tại các thời điểm đo đạc, đoàn chuyên gia cùng cán bộ kỹ thuật điện nhà máy nhận thấy điện áp cấp cao hơn khoảng 7,1 – 11,1% so với điện áp tiêu chuẩn. Điều này không chỉ gây ra tổn thất điện năng mà còn làm giảm tuổi thọ thiết bị do quá nóng. Thực tế tại công ty cũng đã ghi nhận một năm có khoảng 500 bóng đèn bị cháy.

Theo ước tính của các chuyên gia, khi giảm điện áp về tiêu chuẩn, nhà máy sẽ tiết kiệm được khoảng 1% tổng điện năng tiêu thụ, tương đương 30 triệu đồng/tháng.

Theo ước tính của các chuyên gia, khi giảm điện áp về tiêu chuẩn, nhà máy sẽ tiết kiệm được khoảng 1% tổng điện năng tiêu thụ, tương đương 30 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, tại một số tủ điện trong nhà máy có hiện tượng tăng nhiệt do mo-ve đầu code. Tình trạng trên nếu kéo dài rất dễ dẫn đến nguy cơ chập cháy điện.

Một số động cơ như máy nghiền, quạt, … tại nhà máy có dây curoa bị chùng, làm giảm hiệu suất hoạt động của động cơ và lãng phí điện. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều loại bóng đèn chiếu sáng như đèn halogen, đèn sợi đốt, đèn cao áp trực tiếp, đèn siêu sáng… cũng là nguyên nhân làm tăng lượng điện năng tiêu thụ.

Cần tận dụng và thu hồi nhiệt lượng

Qua quá trình khảo sát tại nhà máy, đoàn chuyên gia còn nhận thấy: mặc dù đã tận dụng nhiệt thải để vận hành lò, nhưng nhà máy vẫn đang tổn thất lượng nhiệt lớn qua thành lò. Việc lãng phí nhiệt không chỉ gây tổn hao nhiên liệu vô ích, không kiểm soát được nhiệt độ quá trình sản xuất mà còn làm tăng nhiệt độ môi trường nơi làm việc.

Ngoài ra, nhà máy còn đang có một nguồn nhiệt thải ống khói khoảng 300oC mà nếu thu hồi được một phần nhiệt lượng này thì cũng sẽ góp phần giảm tiêu hao nhiên liệu toàn nhà máy.

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng điển hình về những lợi ích mà doanh nghiệp có thể nhận được khi tham gia vào dự án sản xuất sạch hơn. Không những vậy, doanh nghiệp còn nhận được rất nhiều những tư vấn hữu ích về việc quản lý hiệu quả hóa chất, chất thải nguy hại, khí thải, nước thải, cũng như nâng cao ý thức của người lao động… Tất cả những điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nhờ đó tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

VNCPC

Giảm đáng kể lượng điện, nước tiêu thụ nhờ áp dụng SXSH

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” đã mang đến cơ hội tiếp cận với quy trình sản xuất sạch hơn, tiết giảm chi phí và phát triển sản phẩm bền vững cho doanh nghiệp.

Mục tiêu của dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chủ trì là: Tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến áp dụng tiếp cận hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chất thải nguy hại cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Chương trình được triển khai từ 2015 đến 2019, với sự tài trợ của Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tham gia vào dự án, một công ty thủy sản tại Cần Thơ có tiềm năng giảm đáng kể lượng điện và nước tiêu thụ trong quá trình sản xuất.

Điện áp cao gây lãng phí, giảm tuổi thọ thiết bị

Theo khảo sát ban đầu của các chuyên gia thuộc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC) tại nhà máy, điện áp đo được ở hai trạm biến áp cao hơn điện áp tiêu chuẩn từ 6,6-7,2%.

Điện áp cao sẽ gây ra tổn thất năng lượng điện cao. Đồng thời, làm quá tải điện áp toàn hệ thống, khiến các thiết bị điện giảm tuổi thọ, đặc biệt là đèn chiếu sáng rất hay cháy vào lúc đêm muộn – khi mà điện áp tăng lên cao nhất.

Theo kinh nghiệm, điện áp cấp cao hơn tiêu chuẩn 10% sẽ gây ra những tổn thất như: tủ lạnh tăng tiêu thụ điện 5%; tủ đá tăng tiêu thụ điện thêm 10%; điều hòa nhiệt độ tăng tiêu thụ điện là 5%; đèn huỳnh quang (đèn tuýp) tăng tiêu thụ điện 8,1%; đèn halogen tăng tiêu thụ điện lên tới17%; đèn thủy ngân tăng tiêu thụ điện mức 20%; đèn compact không tăng tiêu thụ điện nhưng giảm tuổi thọ 45% (nhanh cháy đèn hơn)… Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn đẩy chi phí sản xuất tăng cao.

Từ đó, VNCPC đề xuất doanh nghiệp giảm điện áp về tiêu chuẩn sẽ tiết kiệm được khoảng 1-2% tổng điện năng tiêu thụ.

Giảm tiêu hao điện năng nhờ áp suất hút tối ưu

Chế độ máy nén lạnh hiện đang được cài đặt âm quá sâu cũng làm tăng tiêu hao điện năng. VNCPC khuyến cáo việc nâng nhiệt độ cài đặt tại nhà máy lên mức hợp lý có thể giúp giảm tới 20% tiêu hao điện năng so với hiện tại của dây chuyền IQF tương ứng.

Chế độ máy nén lạnh hiện đang được cài đặt âm quá sâu cũng làm tăng tiêu hao điện năng.

Giảm 30% lượng nước rửa tay nhờ điều chỉnh lưu lượng

Ngoài điện năng hao phí, qua khảo sát, vòi nước rửa tay tại nhà máy có lưu lượng lớn đã gây lãng phí nước không nhỏ. Bên cạnh đó, đường ống nước vệ sinh nhà xưởng tại một số điểm không có van đầu vòi cũng làm tăng tổn hao nước.

Theo đó, nếu điều chỉnh giảm lưu lượng nước trong vòi rửa tay, doanh nghiệp đã có thể giảm lượng nước rửa khoảng 30%. Việc lắp van đầu vòi để giảm lãng phí nước (có thể lắp loại vòi tăng áp giúp tăng hiệu quả vệ sinh thiết bị nhà xưởng lên tới 70%) cũng sẽ giúp lượng nước tiêu thụ giảm đáng kể.

Ngoài ra, trong suốt quá trình tham gia cùng dự án, doanh nghiệp còn nhận được rất nhiều những tư vấn hữu ích về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức lao động cho đội ngũ công nhân và cán bộ quản lý nhằm hướng tới tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển sản phẩm bền vững.

VNCPC